What's new

Đường ven biển - Con đường du lịch - Con đường phượt.

Thông tin và cám dỗ.

Một lần ngồi già chuyện với ông chú làm trong Sở Nông Nghiệp của tỉnh Phan Rang, tôi được biết, để giảm áp lực giao thông cho Quốc Lộ 1A, các đồng chí lãnh đạo nhà ta đã quyết tâm mở thêm 2 tuyến đường nối liền Nam Bắc. Một là đường Trường Sơn, xẻ núi băng rừng, dựa trên con đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa có sẵn. Một là con đường ven biển, ôm gọn bờ biển dài từ Nam chí Bắc của dải đất quê ta. Chẹp, nghe có vẻ hấp dẫn, và đặc biệt rất hấp dẫn với những người mê biển.

Bạn tôi nghe xong nhảy lên, tớ thích biển, thích ngắm biển. Đi, phải đi thôi, đi cho biết con đường ven biển nó thế nào, đi để biết biển xứ sở mình đẹp chừng nào. Bạn đã nhiệt tình thế, tôi đâu nỡ phụ lòng (hihi).

Tuyến đường chúng tôi dự định đi như sau: khởi hành từ Đà Lạt, đi đường mới xuống Nha Trang. Sau đó từ Nha Trang sẽ chạy thong thả vào Sài Gòn. Chúng tôi đi vào dịp Tết ta nên thời gian nghỉ nhiều, và trên tinh thần là cứ đi sẽ đến, không có gì phải vội vã.

Mồng 2 Tết bạn từ Sài Gòn lên Đà Lạt, chúng tôi 2 xe, 4 người lượn lờ vài vòng Đà Lạt. Đà Lạt mồng 2 Tết đâu đó đã gọn gàng, sạch sẽ và khách du lịch đã bắt đầu tấp nập, dập dìu rồi. Chẳng bù cho trước đó chỉ có vài ngày, 3 hoặc 4 ngày, Đà Lạt đã là một Đà Lạt rất khác với những gì mà người nơi xa đã biết về Đà Lạt.

Này là vỉa hè trước Thuỷ Tạ

DSC_24.jpg

Này là hàng lưu niệm buồn

DSC_30.jpg

Bê Bê và Bi Bi chờ được trưng bày trong những phòng khách đẹp đẽ

DSC_0130.jpg

Này là chợ

DSC_0143.jpg

Người như nêm

DSC_0134.jpg

Lót bụng ổ bánh mì, mong bán được cành đào sắm bộ đồ mới...

DSC_0136.jpg

Bởi vì xuân đang nở bung trên cao rồi...

DSC_0138.jpg
 
Last edited:
Đổi lịch trình - Chặng đầu.


Sau 1 ngày loanh quanh Đà Lạt, tôi "chặn" một số anh em vừa đi tuyến Nha Trang - Đà Lạt về hỏi thăm đường xá. Đúng ra, đây là một con đường rất đẹp và đi rất "đã", không cần phải lăn tăn nhiều. Đó là theo lời những người đã đi trước khoe lại. Thậm chí, mới hôm trước đây, một cô người quen của tôi năm nay đã xấp xỉ 50, còn hào hứng rủ tôi đi Nha Trang sáng đi chiều về, hồ hởi kể, đường rất dễ đi, rất gần, rất đẹp. Rằng cô ấy đã từng rủ rê mấy bà bạn cùng bù khú đi hoài, bằng xe máy hẳn hoi, mấy bà bạn già với nhau tàn tàn chạy, rất khoẻ.

Tuy nhiên, thông tin tôi nhận được là đường đang sửa, sửa rất nặng. Tình hình là mấy anh em đi xe ô tô về từ Nha Trang than trời như bọng khi phải đi trên tuyến đường này vì đường đang sửa phía Nha Trang, bụi đỏ mù mịt, đá sỏi lởm chởm kéo dài khoảng 20km. Lời khuyên kèm theo là không thể đi được và rất nguy hiểm cho việc đi bằng xe máy qua con đường này. Nếu trên đường đi xe bị hư hỏng, bể bánh hay có vấn đề gì thì sẽ rất vất vả.

Đoàn chúng tôi đi có 2 xe, 3 nữ và 1 nam. Nam nhi duy nhất do lu bu trước tết và do được rủ rê bất ngờ hào hứng quá quăng xe đi luôn mà chẳng kịp đưa ra tiệm bảo hành. Con Best cùi đã qua bao kỳ chinh chiến nhìn đã bước qua thời kỳ đỉnh cao, bắt đầu bước vào chiều xế, sên lạch sạch kêu than, thắng đạp rạp cỏ mới xà xà giảm tốc. Sáng mùng 3 tết Best em hạ cánh an toàn sớm trên đất Đà Lạt bằng xe chất lượng cao, cả hội lượn vài vòng kiếm chỗ tút tát lại em í cho an toàn trên xa lộ nhưng đành bất lực vì cờ lê mỏ lết đều đang còn say mùi tết. Còn lại là 1 em Click tiểu thư õng ẹo. Tay ga đi đường trường êm nhưng nóng máy, lại không thuộc loại giang hồ, mưa nắng dãi dầu nên không biết có đảm bảo vượt khó được chăng.

Tính đi toán lại, cả bọn quyết định, hẹn lại tuyến đường đèo Omega và Nha Trang vào 1 dịp khác. Ta đành chọn con đường an toàn hơn, Đà Lạt - Phan Rang - Sài Gòn.

Sáng mùng 3, khi 2 con xe khởi hành rời đất Đà Lạt, nhằm thẳng hướng Trại Mát - Trại Hầm - Cầu Đất - đèo Dran thẳng tiến, thì nắng đã lên và không còn kịp đuổi theo miếng sương nào dưới các thung lũng. Trời trong, nắng xanh, tuyến đường Đà Lạt - Cầu Đất đi ngang qua vườn lơ, vườn khoai tây, vườn cà rốt với hoa dại nở vàng suốt hai bên đường. Đi ngang qua những vườn hồng trải dài từ thung lũng lên trên các triền đồi, cây trơ xương sau một mùa đông lạnh. Ngang qua những vườn cà phê xanh ngắt, nhìn xa nhìn gần trùng điệp núi non. Ngang qua những nương trà nhấp nhô trong nắng sớm.

2 con xe chạy chậm, vừa đi vừa ngắm cảnh. Non xanh, nước biếc. Chậc, quê ta quả là đẹp vô cùng! :)
 
Last edited:
Qua khỏi đèo Dran thì đến Đơn Dương. Thị trấn này nhỏ, đường xá gồ ghề, ổ gà ổ voi ở đoạn gần đầu đèo Ngoạn Mục. Đoạn này đi qua nhanh do dân chúng đông, đường nhỏ, cũng chẳng có gì nhiều để mà ngắm ngó. Rồi cũng đến đèo.

Quang cảnh đèo ngoạn mục nhìn từ trên đỉnh đèo.

DSC_0315.jpg

2 xe thả từ từ qua đèo Ngoạn Mục. Hôm đấy dân Đơn Dương đổ đèo đi xuống cũng đông, đường xá tấp nập xe lên xe xuống. Xe đi lên là người dân Phan Rang và dọc Sông Pha lên Đơn Dương thăm bà con, đi Đà Lạt (trong đó có cả bà con nhà mình). Đi ngang qua 2 cái ống dẫn nước của công trình thuỷ điện Đa Nhim, định đứng lại chụp cái hình nhưng bị mấy chú bộ đội gác ống chạy ra xua tay, đuổi như đuổi ruồi, bảo: khu vực cấm chụp choẹt, hix. Các bác đã cấm thì em đành thôi vậy.

DSC_0318.jpg

Đường ống này ban đêm có 1 dàn đèn cặp theo dọc ống, chạy dài từ chân lên đến đỉnh nhìn sáng trưng và nổi bật lên giữa âm u rừng núi. Ngày còn nhỏ, mỗi lần được đến nhà người quen ở Sông Pha chơi, ban đêm bọn con nít rủ nhau ra đứng ngoài hiên nhà, nhìn lên dàn ống lấp lánh ánh đèn mà suýt xoa bàn tán. Nếu có xe lên hay xe xuống, đứng ở dưới chân đèo cũng sẽ nhìn thấy đèn xe quét sáng ngoằn ngoèo theo con đường từ giữa lưng chừng đèo lên tới đỉnh.

Đoạn đường từ Sông Pha đến Phan Rang cũng đang được sửa chữa và mở rộng. Bụi mù mịt và nhiều đoạn đá lởm chởm. Cái nắng gay gắt nhưng nung như rang phang thẳng xuống đầu. Khu vực này cách đây khoảng 10 năm đa phần trồng cây thuốc lá. Đi ngang đoạn đường này sẽ thấy bạt ngàn các vườn cây thuốc lá. Nhưng đến nay thì diện tích trồng thuốc lá đã thu hẹp đáng kể, người dân trồng điều, các cây ngắn ngày như ớt, cà, bắp. Thỉnh thoảng thấy vài vạt lúa.

Có một đoạn có 1 cây cầu rất đẹp, cứ gọi là trời mây non nước mênh mang. Xa xa là 1 đoạn đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đã trở thành kỷ vật :)

DSC_0321.jpg

Khu vực này, bên phải hướng từ Sông Pha ra Phan Rang có 1 đoạn thác rất đẹp gọi là Suối Tiên (?) - đây là 1 dải đá trải dài từ cao xuống thấp ngút tầm mắt, rộng mênh mang. Vào mùa mưa, nước nhiều chảy tràn qua 1 con đập nhân tạo, đổ xuống khu đá này tạo ra thác nước, rất hùng vĩ. Chuyến đi này do không nhớ chính xác vị trí của đường vào thác, khu vực này lại hầu như không có dân cư sinh sống nhiều nên không thể hỏi đường, cả bọn đành bỏ qua điểm thác này.

Nơi đầu tiên chúng tôi chạm đến ngay khi đến Phan Rang là Tháp Chàm - 1 địa danh, không phải là 1 cứ điểm.
 
Last edited:
Phan Rang có lẽ là nơi mà người Chăm tập trung sống đông nhất. Ở Phan Rang, nói lên Tháp Chàm không có nghĩa là đi lên chỗ cái tháp Chăm mà là đến một nơi có tên là Tháp Chàm. Ở Tháp Chàm có 1 khu tháp Chăm – như thường lệ, nằm trên 1ngọn đồi cao. Khu tháp này không to lớn như tháp Chàm ở Nha Trang, cũng không đa dạng và nhiều tháp như khu Mỹ Sơn. Tuy nhiên, khi đặt chân đến khu tháp này vào một buổi trưa nắng gắt gao, tôi lại cảm thấy như mình đang được chiêm ngưỡng khu tháp Chăm tráng lệ, uy nghi và đẹp nhất trong tất cả những tháp Chàm mà mình đã từng được nhìn ngắm.

DSC_0328.jpg


DSC_0374.jpg

Có thể do địa thế. Cũng có thể do khu tháp này nằm khá tách biệt với khu dân cư, và cũng có thể hôm đó nắng quá vàng, trời quá xanh, và cao, và xa kia là ruộng đồng, là biển cả… Và nơi đây, một vương quốc đã từng tồn tại, toạ lạc trên đỉnh cao một khối kiến trúc đựơc xây nên bởi những viên gạch đỏ kết dính một cách bí ẩn, như thách thức thời gian, thách thức hiện đại, lừng lững là quá khứ oai hùng…

DSC_0347.jpg


DSC_0356.jpg


DSC_0367.jpg

Rời khu tháp Chăm, với những nhân viên bán vé và bảo vệ vui vẻ, dễ chịu, sẵn sàng cho chúng tôi gởi ba lô, đồ đạc, và cam đoan với chúng tôi rằng, có thể để đồ ngay trên xe mà vẫn đảm bảo còn nguyên vẹn khi quay trở ra. Chúng tôi xuôi theo thị xã Phan Rang (hình như đã được lên thành phố rồi, không nhớ chính xác), chạy về phía bãi biển Ninh Chữ. Ở đó, ngay cạnh khu resort sang trọng là những quán hàng hải sản nằm xếp lớp, mái lá dân dã cặp sát mé biển. Ở đó, dân địa phương đang ăn nhậu chật kín các bàn. Chúng tôi len lỏi tìm được cho mình 1 chỗ ngồi. Nào, nạp năng lượng đã, đã quá giờ trưa rồi.

Sau khi đã nạp xong năng lượng, chỉ mới 2 giờ chiều. Chúng tôi quyết định không bỏ phí thời gian, liệt kê những điểm có thể đến ở nơi này. Khu làng gốm Bàu Trúc thì nằm ngay trên Quốc lộ, khi chúng tôi rời Phan Rang sẽ chạy ngang, khi đó sẽ ghé vào. Đồi cát Nam Cương thì nhận được lời khuyên của dân địa phương là nên đi vào đêm trăng sáng, khi đó đồi cát Nam Cương sẽ đẹp nhất và lung linh huyền bí nhất, đẹp hơn cả đồi cát ở Phan Thiết (hì hì, đồi nhà nào nhà đó khen đẹp). Cuối cùng, vịnh Vĩnh Hy là nơi chúng tôi chọn đến trong buổi chiều. Khoảng cách từ Phan Rang đến vịnh Vĩnh Hy khoảng 25-30km. Đường đi được trải nhựa rất đẹp, ôm theo bờ biển dài.
 
Last edited:
DSC_0377.jpg

Bên phải là biển xanh ngăn ngắt, bên trái là những xưởng nước mắm, những ruộng muối, những đồi cát. Lẫn trong gió là mùi của biển, của nắng. Đường đi Vịnh Vĩnh Hy còn ngang qua khu bảo tồn thiên nhiên núi Chúa. Khu bảo tồn này nhìn như những đồi núi thấp nhấp nhô liên tục với chủ yếu là cây bụi, cây gai. Có cảm tưởng như chẳng cư dân nào có thể sinh sống ở vùng này với chất khô cằn và nắng cháy như thế này. Tuy nhiên, theo lời ông chú kể thì khu bảo tồn này rất rộng lớn và đa dạng về sinh học, thuộc về tỉnh Ninh Thuận và kéo dài và tiếp nối với dãy Bidoup của Lâm Đồng. Có tới mấy trăm loài thú sinh sống ở đây, kể cả gấu, bò rừng. Chim chóc nhiều vô kể. Có rất nhiều nhà sinh vật học từ nước ngoài sang, xin giấy phép để được vào rừng, vào khu bảo tồn này để nghiên cứu sinh vật, tìm chim, nghe thú. Đường đi qua vùng núi, nên rất ngoằn nghèo, lên dốc xuống đồi, thậm chí có những đoạn cảm giác mạnh như đi đèo Ngoạn Mục vậy. Thỉnh thoảng còn giật nảy cả mình nếu xe bus tuyến Vĩnh Hy – Phan Rang rùng rùng chạy ngược chiều, bẻ ngoặt qua khúc cua không thể nhìn thấy trước.

DSC_0379.jpg


DSC_0378.jpg

Vịnh Vĩnh Hy là một cái vịnh nhỏ xíu, cũng là cảng cá của cư dân sống ở đây. Dân số thưa thớt, nhà cửa nhỏ bé. Nhìn xa xa qua dãy núi bên trái, chúng tôi thấy có 1 con đường nhựa xẻ núi vừa mới được làm xong bóng loáng trong nắng chiều. Tuy nhiên, con đường kết thúc ngay mé của đầm, không điểm nối. Có nghĩa là không thể đi trên con đường đó nếu còn đứng ở Vĩnh Hy.

Có thể gọi Vĩnh Hy là 1 điểm du lịch của Phan Rang. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch ở đây thể hiện rõ sự nghèo nàn và… có gì ăn nấy. Bến cảng có vài con tàu đáy kính cho du khách đi ngắm san hô. Những con tàu nhỏ, đáy kính đã mờ đục, mạnh nhà nào có tàu nhà đó chào khách, ngã giá. Giữa cái nắng chiều xế, chúng tôi không thể tìm thấy 1 chỗ có thể ngồi để nghỉ chân, cũng như không thể tìm thấy 1 mái che, 1 bóng mát để nghỉ ngơi trong lúc chờ thoả thuận thuê tàu. Không gì cả, chỉ có nắng và nóng, và cát, và gió biển tiếp chúng tôi trong cái oi ả của buổi chiều. 600K/ chuyến tàu cho 4 người chúng tôi đi ra phía biển, và ngắm nghía, và san hô và có thể cặp bãi tắm để tắm biển nếu có nhu cầu.

Sau này kể lại tôi mới được nghe ông chú tư vấn, rằng muốn đi ngắm san hô phải đi vào mùa hè. Mùa xuân gió nam. Khi gió nam thổi, mùa san hô đang tàn. Vào mùa này, san hô chỉ là những cành khô trơ trụi, xám xịt, không sức sống. Ngắm san hô đúng mùa, sẽ thấy san hô có nhiều màu, đẹp mắt và mơn mởn. Quả đúng như thế. Chúng tôi đi chuyến tàu này chủ yếu để biết thế nào là ra biển, để ngắm Vịnh và những gì thuộc về Vịnh, không phải san hô. Nhưng sau chuyến đi này, chúng tôi đồng ý hoàn toàn với nhau rằng, tuy san hô chẳng có gì để ngắm, nhưng chuyến tàu này rất đáng đồng tiền bát gạo, bởi...

DSC_0009.jpg


DSC_0007.jpg


DSC_0003-1.jpg


DSC_0001-1.jpg

Còn chuyện tắp vào bãi tắm để tắm biển ở đây thì tôi chỉ xin minh hoạ bằng 2 câu thơ sau:

Chưa đi chưa biết bà Điên (tên 1 bãi tắm nằm trong vịnh Vĩnh Hy)
Đi rồi mới biết (mình) còn điên hơn bà
 
Last edited:
Bạn mình tung hứng 1 mình cũng buồn nhỉ? Tiếp sức với bạn tí nhé! Cũng lâu lắm rồi không viết và không đi. Bạn nhắc làm mình cảm giác ngứa ngáy quá!

Lần đó,tui nhớ không lầm, thì quyết định đi Cung đường Đà Lạt - Nha Trang - SG cũng trên 1 chuyến đi. Ngồi sau xe bạn chở, nghe bạn kể mình cảm giác hào hứng và ok không suy nghĩ nhiều. Nói là không suy nghĩ nhiều chứ cũng phải tính toán hỉ? Hai đứa con gái - 1 chiếc xe honda; thời gian - sức khỏe là cả 1 vấn đề cần cân nhắc. Thế nên từ lúc quyết định đến lúc đi cũng là cả quãng thời gian dài. Nhưng cuối cùng chuyến đi có 4 thành viên, 1 con số cũng đẹp, đủ an tâm lên đường. Chuyến đi du xuân lên rừng - xuống biển với những cung đường đẹp.

Tui ngược lại tí nhé!

Ngày xưa, nói tới Đà Lạt thì tui lắc đầu, không thích bởi lẽ tui ghét không khí lạnh lẽo của Đà Lạt, tui quen với khí hậu ấm áp đầy gió của miền Tây sông nước. Bây giờ, những lúc trời hơi se lạnh thỉnh thoảng tui lại đến Đà Lạt nao nao lòng. Đà Lạt, tết năm ấy, Hồ Xuân Hương cạn nước, không khí không lạnh lắm! Ban ngày nắng và nóng. Nhưng có 1 điều ở Đà Lạt tui nghĩ hiếm nơi nào trên đất nước mình có là bạn có thể dựng xe ở đấy và đi loanh quanh đâu đó, khi trở lại, xe bạn vẫn còn nguyên chỗ cũ. Không biết bây giờ còn có thể không hỉ?

1 ngày ở Đà Lạt, bọn tui cũng đi loanh quanh những điểm tham quan mà tui đã từng đi qua. Nhưng khi ghé ngôi chùa Thiên Vương Cổ Sát lần đó, tui thấy 1 khoảng mươi người đứng nối đuôi nhau xếp hàng để chờ 1 Cô "làm phép". Người thì cầu xin sức khỏe, người thì cầu hạnh phúc gia đình. Tui cũng tò mò đứng vào. Cuối cùng, đến lượt tui, Cô hỏi "Đứng đây làm chi đây?". Tui giật mình, rồi đáp "Dạ, con cầu xin sức khỏe". Cô phán lại " cô (là tui í) không phải xin sức khỏe, cô đang lo nghĩ đến tiền bạc, công việc ...", tui không nhớ hết được nhưng mà lúc đó tui biết là đúng và làm tui lại thót cả người lại. Và cuối cùng Cô dẫn tui lại Đức Di Lạc và chỉ tui khấn vái. Lần đó, tui thật sự là thành tâm và cho đến giờ thì tui thấy công việc của tui đúng là có suông sẻ. Cho đến giờ tui cũng còn thắc mắc không biết những người đứng xếp hàng í thuộc dân tộc nào, phong tục ra làm sao?

Và phía trước Thiên Vương Cổ Sát Tự, có 1 quán nho nhỏ, có cô chủ quán hay cười và luôn niềm nở, có 1 món yahourt làm từ sữa tươi với 1 lớp ván béo ngậy phía trên. Bạn nên ghé đấy, gởi xe máy ở đấy và đi lên chùa. Khi nào bạn trở ra, bạn ngồi đấy nghỉ ngơi sẳn nhâm nhi vài hủ yahourt, tui dám cam đoan với bạn là bạn sẽ không bao giờ quên hương vị ấy. Bạn có thể mua bánh kẹo trà ở quán ấy mà không sợ bị lầm. Bạn có thể để xe mà không phải tốn đồng xu nào cả. Và cô chủ quán lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ. Bạn có thể hỏi nhiều điều về Đà Lạt.
 
Được biết, Phan Rang cũng dự định làm 1 con đường ven biển nối với Bình Tiên. Khi đó, đường từ Phan Rang ra Nha Trang sẽ gần hơn so với đi Quốc lộ, đồng thời qua Bình Tiên – là một nơi rất đẹp và bãi biển còn hoang sơ sẽ giúp tạo thêm điểm nhấn cho phát triển du lịch của Phan Rang. Tuy nhiên, dự án này “đụng” với dự án đường ven biển của “ở trên” nên Phan Rang phải nằm chờ.

Rời khỏi Phan Rang trên Quốc lộ, chúng tôi dự định sẽ ghé làng gốm Bàu Trúc. Đã hỏi đường kỹ và được chỉ dẫn rõ ràng, làng gốm nằm bên phải đường - hướng từ Phan Rang về Sài Gòn, cách Phan Rang khoảng 15-17 km. Chúng tôi vừa chạy vừa nhắm đường. Theo như tôi nghĩ, gốm chăm Bàu Trúc những năm gần đây bắt đầu có tiếng trên thị trường. Người ta đã biết đến gốm Bàu Trúc nhiều hơn, trong các quán cà phê, tại các hội chợ cũng đã trưng bày nhiều gốm Bàu Trúc. Đặc trưng của gốm nung thủ công không hề có 2 cái giống nhau hoàn toàn đã đem tiếng tăm của gốm Bàu Trúc đi xa. Với sự phát triển như vậy, tôi tưởng… bở rằng “cổng làng”, nơi đánh dấu làng gốm trên suốt dọc Quốc lộ ít ra cũng phải có 1 cái hoa văn mang dáng dấp Chăm, hoặc có hình dáng của 1 bình gốm, hoặc ít nhất cũng phải có vài mảng, miếng gốm dán ở đâu đó, thể hiện rằng: ở đây có… gốm. Nhưng tuyệt đối không…

Chúng tôi chạy ngang qua 1 cổng xây đơn giản, 2 bên là 2 cái cột, ở giữa là 1 thanh bê tông chạy lấp loá 1 hàng chữ màu vàng giống như cổng chào của các cơ quan đoàn thể nhà nước. Chữ lâu ngày mưa gió đã tróc trỉa, phai màu. Thế là ào ào chạy qua luôn. Tìm mãi, nhìn mãi, chẳng thấy gốm đâu. Chúng tôi mãi thắc mắc. Quãng đường đi đã quá xa mà chẳng thấy nơi mình cần đến nằm đâu. Đường chạy gió ù ù, nhẹ thênh thênh, vừa vin ga 1 tí kim đã kéo lên đến 60-70. Thích thật!

Và kia rồi, Cà Ná. Các cửa hàng nước mắm. Biển xanh và núi và đá. Vậy là đã ra tới Cà Ná rồi. Vậy là chắc chắn đã qua khỏi Bàu Trúc rồi. Thôi đành tắp vô hỏi vậy. Bàu Trúc ở đâu vậy chị. Bàu Trúc á, cách đây khoảng 25-30km, quay lại. Thế đấy! Đã mù mờ, lại còn không chịu hỏi. Đây là cái giá của sự ngốc xít còn ương bướng. Phải mà dừng lại hỏi thì đâu đến nỗi lố quá đà như thế. Sau khi hội ý với xe kia, chúng tôi quyết định quay lại. Đã ra tới đây, đã đi qua đây, không thể nào không biết cái làng gốm Bàu Trúc nó ra sao. Quay lại!

Chúng tôi quay đầu xe, vin ga. Lúc này mới thấu hiểu cái cơ sự tại sao khi mình đi, vin tí ga, xe cứ gọi là như lướt. Bây giờ thì vặn hết cả tay ga, xe cũng mới chỉ lên mấp mé 60. Chúng tôi đang đi ngược chiều gió. Gió thổi mạnh, nghiêng ngả cây cối. Gió từ núi thổi ra biển tung cát rào rạt vào mặt. Xe sau gọi cho chúng tôi, báo rằng do không có kính chắn gió nên không thể tiếp tục, sẽ ngồi lại bên đường chờ chúng tôi quay lại. Thế là chúng tôi 1 xe 2 đứa tiếp tục ngược gió tìm về Bàu Trúc. Lần này, rút kinh nghiệm triệt để cái sự ngốc xít và ngang bướng, chúng tôi dừng hỏi đường từng chặp. Cuối cùng thì cũng đến Bàu Trúc. Chẳng miếng gốm, chẳng cái bình nào cả. Đơn giản chỉ là 1 cái cổng chào với hàng chữ đã tróc, loang lổ, và lấp loá trong ánh nắng trưa “Làng nghề gốm Bàu Trúc”. Nếu khi xuôi gió, chúng tôi chạy mất 30’ cho quãng đường từ Bàu Trúc ra tới Cà Ná thì chúng tôi đi ngược gió cho quãng đường đó mất 60’.

Chúng tôi chạy vào làng, giữa trưa nắng, bọn con nít đã trốn đâu trong các bóng cây, hay trong nhà. Đường làng vắng vẻ. Trong một ngồi nhà trong làng đang diễn ra 1 lễ gì đó với 1 người như cô đồng, nằm thiêm thiếp, xung quanh là đồ cúng gồm chuối, xôi. Giữa cái nắng trưa, ruồi nhặng vo ve xung quanh các món ăn, tiếng kèn ò í e tạo không khí buồn thảm. Một người đàn ông cầm 1 cây roi, đập rầm rập xuống đất cạnh chỗ nằm của người đàn bà. Có khoảng 20 người ngồi vây xung quanh chăm chú nhìn trong yên lặng. Chúng tôi hỏi 1 vài người là đang cúng gì, mọi người chỉ nhìn nhìn, cười cười và nói gì đó chẳng hiểu. Chúng tôi đoán đây có thể là 1 lễ trừ tà.

DSC_0025.jpg


DSC_0024.jpg

Có 1 lò gốm trong làng, được gọi là lò kiểu mẫu, được ban Văn hoá xây lên để khuyến khích bảo tồn nghề truyền thống. Có 1 bà cô ở ngay trước lò gốm này cho chúng tôi hay, rằng 1 tuần lò sẽ nổi lửa 1 lần. Toàn bộ gốm của cả làng sẽ được gom lại, chất chung trong lò và đốt. Khi gốm đã được chất vào đầy lò, cửa lò sẽ đựơc xây bít lại, chất củi và đốt trong mấy ngày.

Lò gốm

DSC_0019.jpg


DSC_0017.jpg

Sản phẩm

DSC_0023.jpg



DSC_0015.jpg
 
Last edited:
Trong topic của các bạn mình thấy có 3 chử"ĐƯỜNG". Nhưng chẵng thấy tấm nào giới thiệu về ĐƯỜNG đi cả( Chỉ có tấm về đèo NM thôi). Cho xin thêm hình đi bạn!
* Cho mình hỏi thăm: Đường đèo Ngoạn Mục đã sửa xong chưa?
 
* Cho mình hỏi thăm: Đường đèo Ngoạn Mục đã sửa xong chưa?

Theo thông tin mới nhất, cập nhật lúc 10g sáng nay tại trạm tin ngay dưới chân đèo thì đường đèo vẫn còn đang sửa chữa, rất ngổn ngang và khó đi. Thậm chí, người đi trên đèo phải dừng lại chờ nổ mìn phá đá mất hơn 1 giờ đồng hồ mới có thể qua được (tin lúc 12 giờ 50’ từ người đang đổ đèo)

Trong topic của các bạn mình thấy có 3 chử"ĐƯỜNG". Nhưng chẵng thấy tấm nào giới thiệu về ĐƯỜNG đi cả( Chỉ có tấm về đèo NM thôi). Cho xin thêm hình đi bạn!

Tiêu đề topic của tôi là "Đường ven biển", nhưng rõ ràng là dẫn giải từ hổm tới giờ, tôi mới ra được tới... đầu đường, còn trước đây thì chưa có cái sự "ven biển" nào cả. Nếu có bạn nào thắc mắc về khoản "Ven biển" thì tôi xin thành thật cáo lỗi vì đi mãi hổm rày mà vẫn chưa thấy con đường ven biển nằm ở chỗ nào, chứ "đường" thì đã nằm ngay dưới bánh xe qua rồi. Nếu đã đọc qua topic mà vẫn còn muốn xem những tấm hình có "đường" thì toàn bộ sự kể lể trên đây của tôi coi như đã thất bại thảm hại rồi :(.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,571
Bài viết
1,153,754
Members
190,130
Latest member
lam_phuotthu
Back
Top