What's new

Hồi ức dự thi: Mường Khương và những câu chuyện chưa kể

Zorzo

Phượt thủ
Hồi ức dự thi: Mường Khương và những câu chuyện chưa kể

Mường Khương và những câu chuyện chưa kể.

Tựa:
Do những sự tình cờ, tôi có vài dịp đến với Mường Khương. Sự tò mò, ý thức tìm kiếm, cộng với thời gian và những thuận lợi trong hoạt động, tôi đã không để lỡ một dịp hiếm có được tìm hiểu càng nhiều càng tốt về con người Tây bắc nói chung, vùng Mường Khương nói riêng, một địa danh thường chỉ là một điểm qua đường của khách du lịch. Mường Khương không nổi tiếng về cảnh sắc như Sapa, không có những phiên chợ, chợ ngựa hoành tráng nhất nhì Tây Bắc như Bắc Hà, không có những đêm chợ tình huyền bí như Khâu Vai, không có ngày hội Gầu tào đông như Simacai. Nhưng không vì thế mà Mường Khương không ẩn chứa những bí hiểm của thiên nhiên và chất văn hóa đậm đặc ngàn đời khuất sau những con đường đèo dốc ngoằn nghèo, những vạt rừng xanh sậm âm u và những đỉnh núi quanh năm sương khói.

Những câu chuyện sau đây tôi sẽ cố lục lại cái trí nhớ vốn còm cõi mà phải cất chứa quá nhiều data trong thời buổi công nghệ này, là để tự mình sống lại những thời khắc chưa xa, cũng là để chia sẻ những cảm xúc ấn tượng của cá nhân về những điều còn hoang sơ của mảnh đất này.

Mường Khương (search and copy)

Mường Khương: huyện biên giới vùng cao phía đông bắc tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 55 km về phía đông bắc. Diện tích 552,3 km2. Gồm 16 xã (Mường Khương, Bản Lầu, Bản Sen, Lùng Vai, Tung Chung Phố, Nấm Lư, Thanh Bình, Nậm Chảy, Lùng Khấu Nhin, Pha Long, Dìn Chin, Tả Ngải Chồ, Tả Gia Khâu, Cao Sơn, La Pan Tẩn, Tả Thàng), huyện lị ở xã Mường Khương (mới thành thị trấn MK năm 2006). Phía đông bắc giáp huyện Mã quan và huyện Hà Khẩu (Trung Quốc), có đường biên giới Việt - Trung dài 86,5 km, trong đó có 55 km đất liền. Phía đông và bắc giáp huyện Si Ma Cai và Bắc Hà. Phía tây và nam giáp huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai. Dân số 43.200 (1999), gồm các dân tộc: Nùng, Mông, Dao, Hán, Pa Dí, Phù Lá. Địa hình núi thấp và đồi xâm thực. Sông Chảy chảy qua. Trồng và khai thác sa mu, pơ mu, trúc, gỗ xây dựng, đặc sản rừng.
Địa hình Mường Khương phức tạp, nhiều vực sâu chia cắt xen kẽ với các dải thung lũng hẹp, độ cao trung bình so với mực nước biển 950m, đỉnh cao nhất là 1609m. Tổng diện tích tự nhiên 55.226,13 ha, đất nông nghiệp chiếm 15,48%, đất lâm nghiệp chiếm 22,04% (đất có khả năng sản xuất lâm nghiệp còn 22.056 ha).
Dân số Mường Khương trên 48.000 người, bao gồm 14 dân tộc anh em (trong đó dân tộc Hmông chiếm tỷ lệ cao nhất 41,78%). Các dân tộc anh em chung sống ở Mường Khương có đặc trưng tộc người phong phú và độc đáo,


P/s: do vừa nghĩ vừa đi làm vừa viết, các câu chuyện của tớ sẽ úp lên dần dần.
 
Câu chuyện thứ nhất

Cho đến nay, thật kỳ lạ là ấn tượng mạnh nhất Mường Khương đem đến cho tôi, lại bắt nguồn từ một người thuần Kinh, quê chị ở Nam Định. Ấn tượng đó mạnh đến nỗi khi bắt đầu viết về Mường Khương, sự thôi thúc viết về chị lấn át mọi thứ khác, tôi chỉ có thể bắt đầu những chuyện Mường Khương bằng câu chuyện về chị. Cho đến giờ, hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé, đen đủi, khắc khổ, dùng chiếc khăn trùm đầu vải hoa TQ giống như những người dân tộc trong vùng lau nước mắt khi kể về câu chuyện cuộc đời chị, vẫn in hằn trong tâm trí tôi như một vết chém của con dao rừng trên vách cột.

(...đợi tý :help )
 
Last edited:
Tôi hỏi:
- Tại sao chị, một cô gái Nam Định lại lưu lạc lên tận vùng rừng sâu núi thẳm như vậy?

- Ngày đó chị mới tầm 20 tuổi, Mường Khương còn heo hút lắm, mà chị có biết Mường Khương là chỗ nào đâu.

Bên trong căn nhà gỗ thông mới dựng còn chưa làm xong các tấm vách, trong ánh lửa bếp củi bập bùng hắt lên chen với những tia nắng cuối buổi chiều hôm, câu chuyện của chị bắt đầu như thế.

- Những năm 81-82 vừa qua chiến tranh biên giới chưa lâu, bọn chị được đưa lên vùng này. Ngày đó tỉnh Nam Định và Lào Cai kết nghĩa, thanh niên Nam Định được huy đông lên giúp đồng bào miền ngược làm đường. Tập trung ở Lào Cai lúc đó có tới 4-5 nghìn người toàn chị em, lúc xuống xe nhìn núi rừng hoang vắng, bao nhiêu người nhớ nhà bật khóc. Ngay đêm đầu tiên, đã có hàng trăm người trốn đội về Nam. Ôi chao, thế là đêm sau, các lãnh đạo bèn yêu cầu các chị, mỗi người ngoài hành lý cá nhân còn vác theo 20kg gạo, lệnh hành quân đường rừng đến nơi tập kết trong đêm. Cả đội vừa đi, vừa khóc như ri. Mà hành quân đêm để làm gì đâu, để chị em không thể biết đường bỏ trốn.

Câu chuyện của chị thỉnh thoảng lại ngắt quãng khi chị nấc lên nhớ lại những chuyện cực khổ ngày xưa, những ký ức dường như đã bị chị nén lại, chôn vùi sâu thẳm tại một cõi nào đó trong tâm hồn, nay gặp được một người “miền xuôi” đồng cảm, được dịp tuôn trào thành những dòng nước mắt.

- Ngày đó cực quá. Toàn nữ thanh niên thôi mà phải tự tay chặt cây làm trại, tự tổ chức nấu nướng sinh hoạt. Chị làm tổ trưởng một đội hơn 400 chị em, ngày ngày ra trèo leo, phá núi chặt cây làm đường, mà làm gì có xe cộ, có mìn phá đá, làm toàn bằng cuốc xẻng xà beng với sức người thôi. Em thấy không, những con đường như từ Mường Khương lên Lùng Khấu Nhin, lên tiếp Cao Sơn hay về Sải Giàng Chải đều được làm từ những ngày xa xưa ấy. Chứ trước kia, nó chỉ là những con đường mòn của người dân tộc đi rừng thôi.

Những con đường mà chị vừa kể trên, cho đến lần tôi quay lại gần đây nhất (tháng 10/2005) đã bắt đầu được thi công rải nhựa. Trước đó, trừ con đường từ Lao Cai lên Mường Khương, đường lên cửa khẩu Tén Tằn và sang Pha Long là trải nhựa, còn lại chỉ là những con đường dốc đứng ngoằn ngoèu trải đá cấp phối to như nắm tay. Việc đi xe máy đòi hỏi một kỹ năng lái xe thành thục, những ngày mưa, nếu không có sạt đường lở núi, thì việc đi lại trong khu vực cũng là một thử thách. Vậy mà ngày xưa, nó được xẻ núi, vạt rừng, thi công bằng sức của những cô gái đồng bằng nhỏ bé như chị.

- Sau khoảng gần 2 năm, công việc hoàn thành, được về thì chị ngã bệnh. Có lẽ do lao động vất vả quá. Được đi chữa bệnh, nhưng hàng tháng không khỏi, mà chị nằm ở trạm xá dưới Bắc Hà, không liên lạc được với gia đình. Cô đơn, bệnh tật có những lúc tưởng chết đến nơi rồi. May quá, hồi làm đường ở đây, chị quen anh nhà chị bây giờ, anh ấy là người Nùng. Anh đã xuống tận nơi chăm sóc chị, biết chị bệnh nặng, anh ấy lên rừng tìm cây thuốc rồi xin đưa chị về nhà chữa bệnh. Cảm cái ơn cứu mạng, chị xin bố mẹ ở lại đây làm bạn với anh cho đến bây giờ. Nay đã hơn 18 năm rồi. Ban đầu họ hành dân cư ở đây chưa chịu chị đâu, cũng khó khăn ghê lắm. Nhưng bây giờ chị thành người của thôn bản rồi, chị nói được cả tiếng Mông, Nùng, Dao rồi nhé.

Ngoài sân, bóng tối của núi rừng đã sập xuống. Trong căn nhà nhỏ bé ấm cúng, anh chị vẫn rất cởi mở nồng nhiệt nói chuyện với tôi, một người “miền xuôi” hoàn toàn xa lạ, thân thiện như đối với một người ruột thịt. Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc trong đôi mắt họ khi họ kể về công việc nương rẫy, về đứa con gái học cấp 3 dưới trường Huyện, về kế hoạch xây dựng nhà ngang, về việc bán hàng ngày phiên chợ, về việc cuối năm về Nam ăn Tết. Rồi nhiều lần gặp anh chị sau đó, tôi đều được nhận những nụ cười hồn hậu, những lời mời chào gần gũi chân thành dù cuộc sống mưu sinh của họ còn vô cùng gian khó nhọc nhằn.

Buổi sáng trong trẻo, sau khi đi bộ ngang dọc khắp thôn Sín Lùng Chài, tôi lượn ra ngoài ngồi vật bên bờ suối, dưới bụi mai khổng lồ hóng gió. Một người phụ nữ mảnh dẻ, ăn mặc theo lối vùng cao, lưng cõng một bó cây/ cỏ to tướng đang đi ngang qua bất chợt quay lại mỉm cười, nói bằng tiếng Kinh trôi chảy - điều làm tôi giật mình – “Chào em, đi chơi ngắm cảnh à, nếu mệt chốc vào nhà chị uống nước, nhà chị ở bên kia con dốc kìa, em đến nhé”. Sự gặp gỡ tình cờ này đem lại cho tôi bao nhiều thông tin về con người, về phong tục, về lịch sử của địa phương. Nhưng hơn hết thảy, nụ cười và ánh mắt thân thiện toát ra từ con người nhỏ bé đầy nghị lực đó cho tôi thêm tình yêu và gắn bó với vùng đất mang cái tên huyền bí: Mường Khương.


Ảnh cũ của chị Thảo ngày đi TNXP:

a2-1.jpg


Nước mắt:

a1-2.jpg


Và gia đình êm ấm:

a3-1.jpg


P/s: câu chuyện về chị Thảo, người Kinh duy nhất của xã Lùng Khấu Nhin có hộ khẩu ở đây, còn nhiều chi tiết lắm, vì tôi gặp chị và gia đình nhiều lần, những gì tôi kể lại, là những ấn tượng đẹp về chị. Rồi còn dành đất kể về những điều đặc biệt khác của Mk nữa chứ :)
 
Thác Tà Lâm
Con sông Nậm thi, bắt nguồn từ đất Vân Nam, vươn mình qua hai ngọn núi rồng có độ cao trên 1000 m so với mực nước biển, phóng vụt qua những cánh rừng nguyên sinh ngút ngát, trước khi biến hình thành một dòng nước êm đềm chảy về xuôi, đã cho tây Mường Khương một cảnh quan kỳ thú: thác Tà Lâm.

Long nhong với chiếc xe Dream trên đường 4D, chúng tôi nhận ra con thác dài 500m này từ xa, rõ ràng 3 tầng trắng xoá. Tìm đường lại gần, thác Tà Lâm chứng minh sự tồn tại của nó bằng những làn hơi hước mờ ảo và tiếng nước trầm hùng. Sau một khúc ngoặt, lẫn sau những tán cây cổ thụ, chân thác hiện ra trên một hầm đá ngoằn nghèo, bọt nước tuôn cùng nhau ùa ra khoảng rừng thưa tràn trắng xóa. Nước nối nhau qua những tầng đá ào ào tuôn xuống dưới chân thác, dưới cằm bờm của hai con rồng lớn, làm thành một cái ao trong mát thật tròn như cái giếng khổng lồ. Đường lên đỉnh thác hiểm trở mà hấp dẫn do càng lên, thác càng đẹp, càng mát mẻ. Cảnh trí vùng biên cương thật hoành tráng, thả sức cho ta tưởng tượng những điều kỳ thú. Từ trên cao nhìn xuống, dòng thác cao dài, hùng vĩ, lại được rừng già trùm lên, nước xối quanh năm, tầm nhìn mở rộng về đất Việt, con sông Nậm Thi êm đềm cầm mẫn chảy về đông.

Chiều hôm, mây sương bao phủ, tiếng nước chảy ầm ầm. Ánh tà dương nhuộm màu khói nước như một làn sương mỏng màu cam, lan tỏa và đặc lại trên đỉnh núi, trảng rừng khiến tâm hồn người như được mở mang, sảng khoái, hân hoan. Tôi quay sang người bạn gái, lấy ra chiếc hộp có đựng đôi hoa tai đã chuẩn bị sẵn ở HN. Món quà tặng bất ngờ tại nơi biên cương hoang vắng và hùng vĩ này ắt hẳn sẽ có ý nghĩa hơn vạn lời chót lưỡi đầu môi :p

P/s: Thác chỉ khoảng 3km cách trung tâm thị trấn Mường Khương, trên đường QL 4D (đường từ Lào Cao đến Mường Khương) rẽ trái vào xã Nậm Chảy thì chỉ khoảng 1km. Tớ sẽ tìm lại ảnh cái thác này sau.
 
Last edited:
Phiên chợ Cao Sơn

Phiên chợ Cao Sơn

Từ Mường Khương, chúng tôi đi ngang qua Lùng khấu Nhin, qua Ma Ngán, chiếc xe máy gằn giọng vượt dốc đưa hai chúng tôi lên với chợ phiên xã Cao Sơn, cách MK trên 20km. Có phải nằm ở độ cao gần 1000m mà xã mang cái tên như vậy?

Một tuần phiên chợ Cao Sơn họp một lần ngày thứ 4. Từ sáng sớm, khi mây trắng, đặc quánh như một bát cháo nấu bằng nếp Sén Cù, còn tràn ngập trên khắp mọi nẻo đường, đã thấy ngừơi từ các thôn nối nhau về chợ. Họ đi thành đoàn, đi từng nhóm, đi từng người từng cặp. Người gùi hàng, ngựa thồ hàng, xe máy thồ hàng. Mấy cô buôn chuyến, toàn bộ gia sản là vài bao tải hàng to tướng bó chặt, đã có mặt từ lúc tinh mơ, dựng lều ngả trại bày đồ. Người dân đem lên đây những mặt hàng nông nghiệp ngô, gạo, dậu tương, lá thuốc, có người chỉ dẫn một con lợn lông đen nhinh nhỉnh vài kg. Hàng chục con ngựa đứng thành bãi nép bên vách gỗ, nhẩn nha nhai mấy cọng lá, bình thản như sự phẳng lặng của núi rừng.

Chợ họp ngay bên đường, họp trong bãi nắng óng ả, họp cả trong nhà lồng, lều trại. Tầm 9h sáng, chợ đông nghịt. Chen chúc giữa những sạp váy áo rực rỡ là những cô gái non tơ người H Mông váy áo xúng xính, những chiếc ô xòe ra như nấm trên đầu thiếu nữ. Các cô soi sương ngắm vuốt, lựa từng chiếc túi chiếc khăn, che miệng cười khúc khích khi thấy tôi mỉm cười ra dấu xin chụp ảnh. Lũ trẻ con được dịp la cà mua mấy thứ đồ chơi Trung Quốc, các cậu thanh niên thích thú nhộn nhịp bên gian bán đèn pin đồng hồ, catset, các bà các chị lặng lẽ trước hàng nối niêu gia dụng. Chen nhau mà vui, mà mua bán, bắt chuyện làm quen. Ồn ào các thứ tiếng H/Mông, Tày, Pu Déo, Lô Lô, Giáy, Nùng…

Ở một góc chợ, ồn ào là những quán hàng ăn. Vài quán bán chè ngọt, bánh rán thu hút mấy cô gái nhỏ. Một dãy những lều lán bán bún phở, thịt lợn luộc và rượu là tơi tụ tập của đàn ông. Thơm ngát mời mọc những chảo tháng cố thịt ngựa, thịt trâu, thịt lợn, thịt gà.. Lìm lịm thứ rượu ngô của miền biên cương đá. Đàn ông, sau khi bán xong gùi ngô con lợn, rủ nhau vào quán nhâm nhi chén rượu với bạn bè. Cả tuần quần quật trên nương trên rẫy, tới chợ phiên phải được một ngày phủ phê sung sướng. Thấy một người khách lạ ăn mặc lối thị thành, dù chẳng hề quen biết, họ đều nồng nhiệt mời tôi vào ngồi để mời đôi chén.

Thật hài hước, khi tôi ngồi vào một quán rượu, bao nhiêu người xúm lại xem chúng tôi. Khác xa với việc bạn lên Sapa xem người thiểu số, ở đây chúng tôi, quá khác biệt bởi bộ quần áo không rực rỡ và đồ chơi lỉnh kỉnh, là đối tượng để mọi người chỉ trỏ bàn tán, và bình luận véo von bằng mọi thứ tiếng vùng cao. Ở Sa pa, chụp ảnh bạn sẽ được chào đón nhiệt tình, vì đó được coi là một loại dịch vụ. Nhưng tại đây, người dân rất e dè khi bạn xin chụp ảnh, vì sợ phải trả tiền, nhưng lại hồn hậu rộng rãi mời một người lạ ăn uống, vào nhà chơi uống nước hay hết sức nhiệt tình giúp đỡ khi chúng tôi ngỏ ý nhờ.

Khi tàn buổi chợ, các đấng mày râu thảy đều say khướt, lả lướt ra về bên nhữngngười phụ nữ đang gùi nặng một gùi đồ. Những bóng người, bóng ngựa tản mát khuất dần sau những con đường đất đá ngoằn ngoèo dẫn về thôn bản, nơi xa xôi khuất sau những vạt rừng già.

Hẹn tuần sau nhé, Cao Sơn.
 
Lên chợ
suong-som.jpg


Nung-5.jpg


Mua bán:
DSC05107.jpg


DSC05118.jpg


Ban-lon-i.jpg


Nụ cười
Nung-1.jpg


Người Tày đi chợ:
DSC05099.jpg


DSC05134.jpg


Những cô gái Nùng:
Nung-4.jpg


Nung-3.jpg
 
Mình nghe bạn kể chuyện mà ham đi Mường Khương rồi , chắc phải đi một chuyến rồi khi về mới bình loạn được với bạn chứ.Mời bạn viết tiếp đi !(c) (beer)
 
Chú Zoro: Mọi người không commen vì không muốn ngắt mạch chuyện của chú, chứ vẫn vào đọc đấy.

Trong Hồi ức dự thi này, từ trước giờ mọi người vẫn để khi nào chủ topic viết xong rồi mới comment mà....
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,575
Bài viết
1,153,784
Members
190,132
Latest member
thetkenoithat
Back
Top