What's new

Hồi ức Fanxiphăng

Nghe lời bác Xito, em đặt gạch topic này :D Em leo Fan năm 2000 thời còn tương đối khó đi. Cảm xúc tương đối, để tìm lại bài rồi up lên đây. Topic này chắc sẽ đắt khách vì Fan là 1 nơi rất đáng đến và hiện có rất nhiều người đã leo Fan. Riêng lão HoangbQuang có thể gọi là Fan Quái vì lời hứa sẽ leo Fan đủ 9 lần (tính đến thời điểm hiện tại lão đã thực hiện được 5 hay sao ấy?)

Gạch đặt rồi, mời các Fanxiphang Conquerers và Lão Fan Quái :D
 
Phan thì em mới leo lần đầu vào năm ngoái 2006 nhưng leo đúng mùa mưa, bài vở dài hơn 70 trang sau này về gom góp lại thành cái hồi ký, lâu lâu đọc lại vẫn còn cảm giác. Bữa nay lên hú hét với các bác đã, từ mai sẽ trích đăng dần cảm xúc đi Phan
 
Tớ làm trước, của người phúc ta, vẫn thế....

Đường lên đỉnh Phan Xi Păng

Lê Thu Thuỷ
Cờ FPT cuối cùng cũng được gùi lên đỉnh Fanxifăng. 7 người chúng tôi không ai đủ sức để nghĩ đến việc bẻ cây làm cán cờ, phất cao nơi nóc nhà đất nước. Nhưng chúng tôi đều kính cẩn chọn hướng tây để đặt tấm bia đá với tâm niệm: FPT sẽ thành công trong việc chinh phục những phương trời Tây, thoả sức toàn cầu hoá.

Đỉnh Fanxifăng không rộng, tổng cộng những chỗ có thể đứng, ngồi chụp ảnh được khoảng 5 m2. Trên đó có một chóp nhôm do các chuyên gia Liên Xô dựng, có một am nhỏ thờ Trịnh Công Sơn đã bị phá nham nhở, có vách đá khắc tên 3 nhà địa chất Lào Cai lên khảo sát địa hình với tham vọng làm cầu thang lên núi như ở Yên Tử, có hài cốt một đứa trẻ được bà mẹ lặn lội mang từ Sài Gòn ra, và từ ngày 28/10/2001 còn có thêm một tấm bia tròn, màu xanh lục khắc tên 10 người FPT đầu tiên chinh phục đỉnh Fanxifăng.

1. Những kẻ đào ngũ
Đội hình xuất phát dự kiến gồm 10 cái tên được khắc trong tấm bia đá, gồm: Anh Nam, TiếnHN, HoàiTQ, LuânHT, SơnTT, HưngPV, ViệtTT, HảiLH, VânLH và ThuỷLT.
Trong buổi họp mặt chuẩn bị, HoàiTQ tham dự với tâm trạng háo hức và làm anh em sững sờ với những câu hỏi đầy lãng mạn: Trên đó chắc có rừng mơ và các thiếu nữ dân tộc đẹp lắm; có nhiều thú rừng không, hay em mang súng săn theo nhé, các anh có thuê cho em trực thăng lên thẳng đỉnh núi được không?..Và đến phút cuối cùng, chiều lòng vợ, anh ở lại Hà nội với những tưởng tượng huyền diệu về một vùng đất không bao giờ anh có cơ hội đặt chân đến.
9 người còn lại khăn gói ra đi, nhưng chỉ có 7 người đặt chân được lên đỉnh Fanxifăng. TiếnHN và HảiLH đã bỏ cuộc khi đi được 2/3 quãng đường. Dẫu sao, chúng tôi cũng rất cám ơn các anh đ㠓biết mình biết người”, rút lui đúng lúc để không trở thành gánh nặng cho cả đoàn. Thú thực, hết ngày thứ nhất, sau một đêm ngủ lều chật chội và ẩm ướt, sáng nằm lơ mơ nghe mưa trút rào rào, cả 9 người đều nản. Kẻ nào kẻ nấy phấp phỏng hy vọng 2 anh nặng nề nhất đoàn sẽ đưa ra đề nghị quay về Sapa, 7 người còn lại sẽ chẳng ngại ngần tháp tùng các anh chu đáo. 2 đứa con gái và SơnTT thì tự nhủ: “Nếu HảiLH đi thì mình cũng đi”. Vậy là trách nhiệm đè nặng lên vai 2 chàng béo. Họ đã dũng cảm gạt bỏ cám dỗ về chăn ấm đệm êm nơi khách sạn, bấm bụng xỏ đôi chân sưng tấy vào những chiếc giầy ướt nhẹp, khoác áo mưa đứng trước mỗi cửa lều, đưa mắt thách thức:”Thế chúng mày có định đi nữa hay không?”
Rồi các anh hăm hỏ dẫn đầu, sau 2 tiếng thì tụt tuốt lại và tự động hồi trại. Anh Tiến sau này phân trần:” Nếu cố, bọn tao hoàn toàn có thể lên được, sau chúng mày 2 tiếng là cùng, nhưng không biết bao giờ mới về được” Rất may là các anh đã hy sinh tham vọng cá nhân, vì với 7 vận động viên leo núi chân chính, tận 19h30 tối hôm đó, chúng tôi mới mò đến trại, nếu có thêm các anh thì không biết giờ này có thể ngồi đây mà hầu chuyện các bạn hay đang bơ vơ nơi núi rừng Tây Bắc(?)
2. Những chiêm nghiệm về cuộc sống.
Ba ngày dầm mưa, thất thểu giữa rừng, bị cô lập với các thói quen xa hoa nơi thành thị và không dung túng với sự lười nhác của bản thân, chúng tôi khám phá ra rằng, sức chịu đựng của mình thật vô hạn. Con người không thể bị cảm sốt, đau đầu chỉ vì ngấm mưa lạnh 36 tiếng trong 3 ngày liên tục. Một người suốt 20 năm không tập thể thao vấn dễ dàng leo núi 10 tiếng mỗi ngày (SơnTT bảo: Từ giờ đến cuối đời không cần phải đi bộ nữa).
Quan điểm về hạnh phúc cũng càng ngày càng giản dị. Tối đầu tiên, ngồi uống cafe trong lều, SơnTT tâm sự:”Mình sẽ không đòi tăng lương, không màng tiền thưởng, chỉ xin một bộ quần áo khô và một đôi tất sạch” Đến hôm thứ hai, vẫn SơnTT: ”Thôi thì quần áo ướt, giầy ướt, nhưng không có bùn lũng bũng bên trong thì thật là hạnh phúc”. Ngày thứ ba, ViệtTT thở dai: “ Em không đói, không khát, người không còn cảm giác, biết được mình còn tồn tại là sung sướng lắm rồi!”
Rồi những người đàn ông dằn vặt, tỉnh ngộ: Thế này thì lấy vợ có con làm gì, giá mà mình đi Fanxifăng chục năm về trước...
Trên đường lên đỉnh, SơnTT thề: ”Nếu lên được tới đỉnh sẽ bỏ vợ, ở lại núi tu” Đến lúc ngự toạ nơi nuí cao chót vót, nghe gió rít ào ào, gã lại khấn: “ Nếu cô thương cho con về được trại, con nguyện sẽ sống tử tế, ngoan ngoãn với vợ con suốt đời”
Quả là trong những ngày này, mỗi chúng tôi có cơ hội được đối mặt với bản thân nhiều hơn 5 năm trời cộng lại. Khi bám tay vào dây thừng trượt xuống tảng đá dựng đứng, Tiến béo nghĩ: “Đời mình đã làm được 4, 5 việc sáng suốt, thành công, sao có lúc lại ngu ngốc thế này. Chỉ cần lỏng tay chút thôi là dăm năm nữa, chẳng ai còn biết thằng Tiến này nó béo thế nào” Còn anh Luân thì ân hận: “Con mình nghịch bẩn mấy cũng chẳng bằng 1/10 bố nó bây giờ, mình mắng con thật tội nghiệp nó quá!” Riêng tôi, sau này dẫu có khó khăn gì, tôi sẽ có một niềm động viên to lớn: “Fanxifăng còn leo được..”
 
Phần II: Những người đồng hành
Hiệp sĩ và tiểu thư
Các cụ xưa vẫn dạy”Trà tam, rượu tứ, du hành đôi”, nhưng lên Fanxipăng mà đi đôi thì chỉ Tây mới kham nổi. Bọn FPT lẻo khẻo lèo khèo, “cửu nhân” dựa vào nhau, khích bác, động viên nhau nên mới có cơ hội 1 lần trong đời đứng trên “nóc nhà Đông dương”. Rất tiếc, hôm đăng sơn, mây mưa mù mịt nên chúng tôi không có được cảm giác thâu tóm cả dãy Trường Sơn trùng điệp dưới tầm mắt. Chỉ thấy chút hồi hộp, chút hãnh diện và thật gần gũi với những người đồng hành.

Chàng Hiệp Sĩ
ý tưởng chinh phục Fanxifăng của anh Nam bắt nguồn từ lòng tự ái dân tộc chân chính. Để chứng minh cho một chú Tây biết rằng “Bọn tao cái gì cũng làm được”, anh cùng Mr. Tiến béo lập kế hoạch và lôi kéo thêm 7 người khác, ấn định chuyến đi mang tính chất “chinh phục” (chứ không phải về nguồn như những năm trước).

Là một người lạc quan, dẻo dai hiếm thấy, anh cũng là người duy nhất không kêu ca và bàn lùi. Lũ chúng tôi, ngay từ hôm họp chuẩn bị đã rất rôm rả và hào hứng bàn các “phương án dự phòng”: ở lại Sapa chăn tá lả, xem phim của SơnTT, mở trại sáng tác “Fanxipăng trong mơ”... Đến lúc đáp ôtô từ Lào Cai lên, thất vọng vì thời tiết càng ngày càng xấu, chủ đề này lại càng thêm sôi động. Để lấy lại tinh thần, anh Nam ra nghị quyết: “Hễ đứa nào mở mồm nói đến chuyện tháo lui, làm nhụt chí đồng đội sẽ bị phạt năm mươi ngàn đồng”. Vậy mà SơnTT vẫn quàng quạc: “Quả là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, trời đất thế này, lên được có mà tài thánh”.

Anh Nam dường như lúc nào cũng hát. Hôm xuống núi, anh động viên tôi: “Em thích bài gì thì cứ hát toáng lên!”. Thế là lúc đầu, tôi chỉ lẩm nhẩm hát theo, rồi cũng vui miệng hát vang núi rừng, quên cả đường dài. Đường đi thăm thẳm, mới 2 ngày trước, chúng tôi cũng leo lên từ những mỏm đá, gốc cây này, thế mà lúc về thấy lạ lẫm vô cùng. Bỗng dưng anh Nam hét lên: “ Xuống đồng bằng rồi, chạy nhé!”. Dù rất mệt, nhưng quá hứng khởi vì thoát được cảnh trượt dốc, tôi lon ton chạy theo. Được chừng 2 km thì lại thấy dốc và đá như thường. Hoá ra bị anh lừa, dầu sao cũng tiết kiệm được kha khá thời gian.

Đi Fanxipăng, với tất cả mọi người trong nhóm, là chuyến leo núi thực sự đầu tiên. Đến guide của Viet Travel cũng chưa một lần lên tới đỉnh. Vì vậy, người nhiều tuổi nhất vẫn được coi là có kinh nghiệm nhất. Anh Nam có vẻ không hài lòng với Văn Viet Travel lắm, dẫu không phũ phàng như SơnTT, hơi tí là doạ: “Tao trừ tiền tour”. Về đến Sapa, cả bọn nhao nhao phản đối anh cho bõ những ngày bị chỉ đạo. “Về đây cần quái gì phải nghe ông Nam già nữa, chú cứ lấy thêm vài đĩa trứng nữa cho anh”, Mr. Tiến béo nháy mắt với cậu bồi bàn.

Một trong những kinh nghiệm để đời của chúng tôi là sự khát. ViệtTT và Hải béo đã lục tung siêu thị FiviMark, khuân về nào Bò cười, Đôrêmon, Sôcôla, ô mai... cộng thêm lủng củng những Thinkpad 61A của SơnTT, đồ bơi của VânLH và HungPV... nên không thể bói ra một chai nước lọc. Ngày leo núi đầu tiên, mất sức vì hoạt động nhiều, ai cũng khát khô cổ. Hướng dẫn viên không có nước mang theo. Các loại sữa, nước hoa quả của chúng tôi chuẩn bị thì thất lạc, không biết bơ vơ đâu trong 6 chiếc gùi của thổ dân. Đi giữa trời mưa mà không có nước uống thì thậm vô lý! Vậy là mỗi lúc nghỉ, anh Nam lại dò dẫm tới chỗ SơnTT, ôm lấy SơnTT và liếm lấy liếm để chiếc áo mưa của gã. Xong, vẻ mặt thoả mãn, anh đưa mắt nhìn chúng tôi nhưng ai cũng lảng đi, thà chết khát còn hơn... Bỗng nhiên, anh loay hoay đứng lên ngồi xuống, lục tung tư trang và rút ra từ túi quần 1 củ cà rốt. HưngPV, SơnTT, Vân và tôi cảm kích gặm mỗi người một miếng, thấy tươi tỉnh hẳn. Còn mẩu nhỏ, anh cẩn thận nhét vào tui quần, đến hôm sau lại mang ra mời chào nhưng bọn tôi đều lắc đầu từ chối.

Cũng chuyện nước, một nhóm gồm Việt, Hưng, Văn và tôi, trong cơn cùng quẫn, được thổ dân tìm cho 2 ống nứa nhỏ còn lưng chừng nước, tranh nhau uống. Lúc đó, tôi ngây thơ tưởng là nước mưa từ lá cây nhỏ vào nên uống xong còn cần thận dựng vào gốc cây, nào ngờ đó là nước mà người dân tộc lấy từ suối lên, dấu đi để dự phòng. Trên đường, anh Nam úp úp mở mở dặn: “ Bọn con gái chưa chồng không nên uống nước suối”. Hỏi tại sao, anh không nói. Lúc về anh mới tiết lộ: “Vì 1 trong 3 con suối mình đi qua có tên là “ Suối tránh thai”(?). SơnTT thì khoái trí: “ à, ra chúng mày đã ghé quán bia Sơn râu rồi đấy!”. Thú thực là đến giờ, tôi vẫn lo về chất lượng thứ nước mà mình đã uống.

Anh Nam là người nảy ra sáng kiến lập các kỷ lục trên Fanxipăng. Anh chọn một chỗ đất tương đối phẳng, sai SơnTT: “Chú ra chỗ kia chụp cho anh kiểu ảnh “Người đầu tiên trồng cây chuối trên Fanxipăng”. Rồi anh mắm môi mắm lợi đặt đầu xuống đất. Không hiểu vì đất đá lổn nhổn hay vì gió thổi mạnh quá, anh xoay ngược xoay xuôi vẫn không lộn lên được, báo hại SơnTT phải chạy lòng vòng để ngắm nghía. Rốt cuộc, với sự trợ giúp của Việt và anh Luân, anh Nam đã đi vào lịch sử với một bức ảnh mờ mịt. Kỷ lục này bị chinh phục ngay 1 phút sau đó: “Người đầu tiên trồng cây chuối không cần giữ” bởi SơnTT, người đã quen tập luyện ở nhà cho cậu con quý tử chơi.
Qua chuyến đi này, tôi thấy các ông bố FPT đều tuyệt vời. Anh Nam cẩn trọng rút từ túi áo ngực ra một bức tranh và giải thích: “Con gái mình dặn lên tới đỉnh phải chụp với bức vẽ này”. Nhìn anh nâng niu tấm tranh trên tay, thấy tình cha con còn cao hơn núi.

Trước lúc rời đỉnh Fanxipăng, anh Nam cùng Phan Văn Hưng và em Vân cũng không quên chụp ảnh cùng lá cờ FSOFT. Biết đâu sau chuyến đi này, FSOFT của anh lại chẳng kết thúc năm 2001 vói một hợp đồng xuất khẩu 1 triệu đô. Bữa tối cuối cùng ở Sapa, anh nửa đùa nửa thật: “Mình đặt bia quay về hướng Tây có khác, Martin vừa thông báo đã kiếm được việc, chỉ sợ không đủ người làm thôi”. Xin chúc mừng anh và cũng xin chia buồn cùng các tân binh FSOFT. Chắc chắn từ nay về sau, một trong những môn bắt buộc các anh phải trải qua là lên đỉnh Fanxipăng chăm sóc cho tấm bia thiêng.

Tiểu thư
Em Vân lập trình viên nữ đầu tiên lên đỉnh Fanxipăng là một trong số ít các em gái trong khoá “tân binh đặc biệt” còn trụ lại được ở FPT. Con gái Hải Phòng, lối sống hơi tư sản, hát hay, nhảy đẹp, nốt ruồi duyên, chắc em làm khối anh lập trình viên chuyên nghiệp phải điên đảo.
Vừa chui vào lều, Vân nhăn mặt “Hôi quᔠvà xịt nửa bình nước hoa để khử mùi và khử trùng. Em mang theo 2 chiếc balô với rất nhiều quần áo. Thật sáng suốt, vì đồ đã có thổ dân vác! Vì vậy, Vân là người duy nhất lúc nào cũng có quần áo ấm và sạch để thay, chứ không như Hải béo..

Vân rất dai sức, leo núi phăm phăm. Chẳng bù cho tôi, khi gần lên đến đỉnh, cứ lê được một bước là cả một sự đau đớn. SơnTT khoái trá tả với mọi người: “Trông nó đi mộng du giống hệt ma, chỉ khác là thỉnh thoảng lại rên hừ hừ, mà mình thì thích đi sau những cô hay rên như thế!”. Nhưng dù có thanh minh thế nào thì em Vân và tôi cũng đã bị cảnh cáo: “Biết 2 cô này đi Fanxipăng về, khó thằng nào dám lấy vì khoẻ quá!?”. Chắc là có người ở FIS không nghĩ như thế đâu, Vân nhỉ! Vì dẫu sao, chị em tôi vẫn chăm lo đến nhan sắc lắm. Xuống đến chân núi, nghỉ chân bên bờ suối, Vân bần thần ngắm đôi chân đẹp: “Xước thế này thì làm sao mặc được váy?” làm anh Nam và anh Hưng tha hồ an ủi.

Về Hà Nội, tôi hiếm có cơ hội gặp em Vân nhưng tôi tin rằng, em sẽ vẫn rất xinh đẹp cho dù có mặc váy hay không!
 
Đọc bài các bác buồn cười quá . Nhưng cờ FPT được treo trên đó trước mấy năm rồi nhỉ . Với sự dẫn quân của anh Nam?
 
Chàng Vịt

Nở một nụ cười quyến rũ, Việt hạ giọng năn nỉ: “Thôi, anh xin, em đừng đưa anh lên mặt báo” Tại sao lại không nhỉ? Tôi chẳng nỡ tước đi cơ hội của những người phụ nữ FPT thêm một lần được hiểu thêm về con người đã nhiều lần vênh váo vỗ ngực: “Phụ nữa không yêu tôi là dại dột”

Điều đáng yêu thứ nhất của Việt là sự chu đáo. Chính anh, chứ không phải tôi và em Vân, là người chăm lo hậu cần cho đoàn. Anh cẩn thận trang bị cho mỗi thành viên từ chiếc kẹo chewingum đến găng tay, còi, đèn phin.. Nhìn Việt lúc tất bật với đống thực phẩm, lúc lăng xăng với công tác ngoại giao, thấy mừng cho hãng COMPAQ. Cam đoan rằng cuối năm 2002, COMPAQ sẽ trân trọng trao tặng Việt huy chương: “Người chồng đảm đang, có đóng góp lớn trong sự nghiệp của vợ”

Dẫu không đẹp trai ngời ngời như vẫn thầm tưởng tượng, bù lại Việt có tài ăn nói không chê vào đâu được. Trí nhớ tốt, ham học hỏi, bất cứ chủ đề gì hắn cũng có thể góp chuyện. Đặc biệt, những nhận xét của Việt thường rất sắc sảo và bạo dạn. Đang trên đường qua suối, bỗng chúng tôi giật mình thấy tiếng sột soạt sau lùm cây. Lại gần thì hóa ra là 1 nhà thực vật học người Hà Lan đang lang thang tìm lá cây. Ông này hồ hởi chỉ cho SơnTT xem chiếc lá bị sâu ăn theo đường ngoằn nghèo. Việt kết luận: “Lão này chắc là đồ đệ của anh Bình, lặn lội sang tận Việt nam để tìm những chiếc lá bị sâu ăn theo hình fractal!” Việt còn kể về con bướm phượng quý, trị giá mười ngàn đô, nghe đồn có ở rừng nhiệt đới Việt nam và gật gù: “ Chả trách 2 vị giáo sư khoa Sinh của mình lại mai phục ở Fanxifăng hơn 10 ngày nay!”

Việt là người hát hay và biết nhiều bài hát hiếm thấy. Trên chuyến xe từ Sapa về Hà nội, không lúc nào không nghe Việt ngâm nga. Từ những bài khó như Trương Chi, Thiên Thai đến những bài vô cùng khó và lạ đời mà chắc Việt cũng không nhớ lời, chỉ thấy rên rỉ theo giai điệu. Được phân công chăm sóc em Vân trên ô tô, với lời đe dọa: “Hát đi, không em nôn bây giờ!”, hễ thấy em Vân chuyển sang giai điệu nào là Việt bắt ngay được, hồ hởi họa theo. Hóa ra là Việt còn là một người rất nhạy cảm và galăng với phụ nữ nữa!
Nói chuyện với Việt rất thích, vì bạn sẽ được nghe những lời tán thưởng có vẻ chân thành như: “ý kiến hay đấy!”, “ừ, đúng thế!”, kèm theo vẻ mặt đăm chiêu hoặc khâm phục tùy theo từng hoàn cảnh. Nhưng rút cục, bao giờ Việt cũng làm theo ý kiến của mình. Còn người đối thoại thì chắc mẩm ý kiến cuả mình được tôn trọng, nên ít khi để ý đến việc kiểm tra lại xem Việt làm thế nào. Việt còn có một cái tài nữa là hay hứa và hứa hay. Chắc nhóm anh Nam, Phan Văn Hưng và em Vân đã quá chán, chẳng thèm đòi Việt chiếc cờ FSOFT nữa. Còn tôi thì qua 20 lần nghe Việt bảo: “Đợi anh lấy lương” mới thu được tiền đi Sapa. Cũng may mà Việt đã thanh toán đầy đủ, nếu không tôi sẽ kể cho toàn dân thiên hạ biết về chuyện hắn dây dưa công nợ như thế nào!
Ra Tết này Việt lấy vợ rồi, chẳng biết hắn có phải là kẻ “theo vợ bỏ cuộc chơi” ?

Anh Luân

Quá trẻ so với tuổi, điềm đạm, trầm tính, chưa một cuộc du ngoạn nào của đoàn thám hiểm FPT thiếu mặt anh Luân.
Hôm xuất phát tại ga tàu, vợ anh theo tiễn tận nơi, theo lời SơnTT là để “dằn mặt” mấy đứa con gái ham chơi. May mà trông tôi và em Vân đều hiền lành nên chị Thảo yên tâm ra về, không quên dúi cho chúng tôi túi bánh ngọt có tới 2 lần túi nylon rất xịn của khách sạn Hilton. Cẩn thận vẫn hơn, tối đó, cho dù mọi người có thưởng thức say sưa, Vân và tôi không hề động đến miếng bánh nào.

Anh Luân ít nói, khi trao đổi với mọi người chỉ cần những thông tin ngắn gọn và chính xác, tránh cà kê dài dòng. Không hay tếu táo, nhưng hễ anh mở miệng đùa là những câu rất thâm thuý. Hôm anh Tiến và Hải béo ngồi đợi chúng tôi, trong bữa cơm, anh bảo: “Tiến béo ngồi trước mâm cơm lo lắm, không biết phải đơm bao nhiêu bát cơm, luộc bao nhiêu quả trứng đây!”. Lần mò lê lết trong bóng tối của rừng hơn 1 tiếng, về tới nơi an toàn, với chúng tôi quả là một niềm vui khôn xiết. Trên đường về có một tai nạn nhỏ, anh Luân đã vô tình tưởng mặt em Vân là điểm tựa.. Rõ ràng, lúc đi, SơnTT đã nhắc tôi cẩn thận chớ đạp vào mặt người sau, anh Luân nghe thấy còn bảo: “Đạp vào mặt cũng được, miễn là đừng dẫm vào miệng kẻo tối về chẳng ăn được cơm”. Cuối cùng thì chính anh Luân thành kẻ phạm tội, may mà chiếc giày của anh khá nương nhẹ mặt em Vân.

Lại nói về chuyện giày dép, hôm tập trung trước sảnh khách sạn chuẩn bị leo núi, chủ khách sạn bắt từng người giơ gót giầy cho hắn kiểm tra rồi lần lượt lắc đầu ái ngại: “Đây là giày đặc chủng của bộ binh, chuyên leo các địa hình hiểm trở” Vậy mà thống kê cho thấy, chủ nhân của đôi giày đó lại là người trượt ngã nhiều nhất, làm đá lăn lông lốc sau mỗi bước đi. Còn anh Luân thì chỉ vào đôi giày dưới chân: “Đây là loại giày đi rừng bên Tiệp đấy”. “Hoá ra hàng ngày anh vẫn mang giày đi rừng tới cơ quan à?” Việt sửng sốt. Có lẽ vợ anh Luận chạy nhanh và vồ giỏi giống con xxx trong rừng lắm nên anh mới phải trang bị cẩn thận như thế!

Trong cả chuyến đi, hầu như tôi không có cơ hội đi cùng tốp và trò chuyện với anh Luân. Vậy mà Phan văn Hưng đã tả : “Anh Luân và em Thuỷ nhìn nhau như lên đồng trên đỉnh Fanxifăng..” Thực ra, tôi cũng không hiểu Phan Văn Hưng muốn ám chỉ điều gì, bởi lúc đó, nếu còn hơi sức để nhìn ngắm, tôi sẽ chọn những thanh niên chưa vợ như Hưng, Việt, Văn chứ chẳng dại..
Tuýp người như anh Luân đặc biệt gây chú ý cho các lão bà dân tộc. Có một lần, đoàn chúng tôi ngồi trên cây cầu sắt nghỉ ngơi. Một bà lão mặc bộ đồ đen, vẻ mặt đằng đằng sát khí, tay cầm chiếc dao khoằm dài đi qua, ngó vào mặt từng người một như thể công an đi truy lùng tội phạm, khiến chúng tôi rợn hết cả người. Bà đặc biệt chú ý đến anh Luân, không biết có phải bà nhìn thấy ánh sáng “thần đồng” phát ra lung linh từ con người anh hay không? Tả lại cảnh này, trong “version lãng mạn” của mình, SơnTT viết: “Lúc đi trên cầu, chúng tôi gặp một bà má già vô cùng, da nhăn nheo, tóc bạc phơ, vẻ mặt phúc hậu như một lão tiên, tay cầm một trái gì hồng hồng lại có gai, sau hỏi mới biết đó là trái đào tiên, ăn vô cùng ngọt và bổ. Má cứ chăm chú nhìn từng đứa như đánh giá, lựa chọn một điều gì đó. Bỗng nhiên, khi đi ngang qua anh Nam già và anh Luân, má cất giọng phều phào hỏi : “Có muốn cưới con gái bản ta không, xuống suối bắt lấy một đứa!” Cả bọn lặng im, chỉ sợ hai anh không kiềm chế được lòng mình thì về biết nói sao đây với hai bà vợ ở nhà. May quá, hai anh lịch sự cảm ơn má rồi cùng cả đoàn đi tiếp”

Trở về với công việc hàng ngày, thấy anh Luân dễ gần hơn dù chưa biết nói chuyện gì ngoài load order và hỏi anh về tình hình hàng hoá.
 
Hoàng Trưởng phòng

Có lẽ trước khi đặt bước chân đầu tiên lễn dãy Hoàng Liên, anh Tiến vẫn tự tin nghĩ rằng mình có thể chinh phục được đỉnh Fanxipăng. Nhưng leo núi là một môn thể thao đích thực và nghiệt ngã, chỉ bằng ý chí, người ta không thể bám lấy mây để bay lên đỉnh được. Vì thế, ngay sau khi chinh phục được con dốc thứ nhất – loại dốc dựng đứng 80%, nhầy nhụa bùn sét, anh đã tưởng đó là đỉnh 2,900 m và có ý định quay về.

Anh Tiến là người duy nhất gặp tai nạn, khi qua một con suối hung hãn, với cây cầu gồm 2 thân cây, một cao một thấp bắc ngang. Không biết anh Tiến qua suối bằng cách nào, đi ở cây thấp, tay vịn vào cây cao hơn (như đa số người khác) hay nằm xoài, ôm lấy thân cây to, trườn qua suối (như Việt và em Vân) mà lại bị trượt chân, đập ống đồng vào thân cây, đau lắm! Vì thế mà hôm sau, anh bỏ cuộc giữa chừng, có lí do chính đáng chứ không phải do nhụt chí như Hải béo...

Lời đồn anh Tiến rất galăng quả không sai. Trừ những lúc leo núi, băng rừng phải dồn tâm sức take care bản thân, mỗi khi dừng chân, anh luôn tận tình hỏi thăm hoặc chia sẻ miếng sôcôla lấy sức cho các em gái trong đoàn. Anh còn hứa hẹn về hai suất du lịch rất hấp dẫn cho các em gái khiến bọn Việt, Hải ghen tị lắm, hận trời sao mình không là phận gái?

Hôm xuống núi, tôi cố tình chọn đi cùng tốp với anh Nam và anh Tiến, dẫn đầu đoàn. Bụng mừng thầm: “Đi cùng anh Tiến sẽ được nghỉ nhiều hơn và hạn chế được tốc độ của cả đoàn”. Hoá ra không phải, anh Tiến lao xuống băng băng, tỉnh bơ nói vọng lại phía sau: “Chả thấy mệt quái gì cả”. Rồi anh vừa rẽ cây, rẽ đất, vừa bàn luận về đủ chuyện, từ mối tình FPT – Samsung đến quân Nam Hán xâm lược Việt Nam. Tôi rất thán phục các kiến thức xã hội phong phú và cách đánh giá hài hước, thâm thuý của anh. Sau khi đi khoảng 3 tiếng, không nghe thấy lời nào của anh Tiến nữa, ngoài tiếng kêu oai oái kèm theo những cú ngã rất thường xuyên. Sau này, anh Tiến gọi đó là trạng thái “di chuyển vô định, dây thần kinh như không còn điều khiển được hành động nữa”.

Gần đến đồng bằng, núi có cấu tạo nhiều đất và ít đá hơn. Hễ chỗ nào không có chướng ngại vật là anh Tiến lại trượt. Vì thế mà anh là một trong 3 người xuống núi đầu tiên, và bỏ qua ăn trưa, tót ngay về khách sạn. Khi chiếc ô tô đưa cả đoàn đỗ xịch trước cửa khách sạn, đã thấy anh bảnh bao trong bộ quần áo vừa sắm, hồ hởi đón chúng tôi như ông chủ chào đón thượng khách.
Vợ chồng anh Tiến quả là một cặp tâm đầu ý hợp. Chẳng biết chị tỉ tê với vợ chưa cưới của Việt thế nào mà vừa vào vùng phủ sóng, Việt đã bị nàng tóm gọn, chì chiết: “Sao anh Tiến ngày nào cũng gọi về cho vợ mà anh lặn đi đâu mất tăm thế?”. Anh Tiến khoái lắm, vì vừa được tiếng là chu đáo với vợ con, hơn nữa, thấy vợ mình nói phét giỏi không kém gì mình. Nghe anh kể, nếu đợt nào anh đi công tác vắng, về nhà chỉ cần buông dăm câu hỏi vẩn vơ: “Chẳng biết mấy đứa phòng mình ở nhà làm gì?” là ngay hôm sau, anh có bản báo cáo tỉ mỉ, Lam ủn ngày ôm điện thoại mấy tiếng, Việt mấy hôm mất mặt, hai chị Thuỷ mới sắm đôi giày cao mấy phân...Quản lý như thế mới xứng danh Hoàng trưởng phòng chứ!

SơnTT
Đi chơi có SơnTT làm đồng hành thật vô cùng thú vị. Chuyện gã lập kế hoạch lừa vợ đi Fanxipăng nhiều người nên học. Hai ngày trước khi đi, SơnTT ôm bộ mặt rầu rĩ về nhà, miệng lầm bầm chửi lũ Nhật thừa tiền, dửng mỡ, kéo chồng con nhà người ta lên tận Sapa hội thảo. Đã thế còn yêu cầu chuẩn bị cả tư trang cá nhân để nếu thừa thời gian sẽ thư giãn bằng leo núi. “Hành hạ như thế, ông đếch đi nữa, tưởng thèm chuyến đi 1 tuần tới đất nước hoa anh đào của chúng mày lắm hả?”. Chị vợ thương chồng, xót cơ hội ngàn vàng nên ra sức động viên, thu vén ba lô, quần áo, bánh kẹo cho chồng: “Thôi, mình chịu khó!”

Thế là SơnTT tót theo đám thanh niên, hùng hục leo núi 3 ngày. Đến khi về Sapa an toàn mới gọi điện về nhà. Vợ hờn: “Anh đi công tác hay đi tuần trăng mật với con nào mà tôi gọi mobile suốt mấy ngày toàn thấy tắt máy?”. SơnTT giật mình, dặn đồng bọn giấu kỹ những tấm ảnh gã chụp trên đỉnh cùng các em trẻ trung, xinh đẹp, chỉ tội “ Vừa bẩn, vừa hôi”.

Sơn đã gầy lại còn rít thuốc lá liên tục. Đi một quãng lại dừng lại châm thuốc, lấy cớ là hút cho ấm người, làm các thổ dân mắt hấp ha hấp háy. Biết ý, SơnTT lại gần hỏi: “Có thích thuốc lá không?”. “Cũng thích”. “Lấy một điếu đi”. “Thôi, để lát nữa”. Thế là lần sau, không cần hỏi, SơnTT tự thưởng mình, guide và các anh thổ dân mỗi người một điếu ba số. Đi với hội này rất thích, vì vừa được nghỉ liên tục, lại được nghe thổ dân nói chuyện ríu rít như chim hót. Trời sập tối, đường vẫn còn xa, sức đuối dần. Vân, SơnTT, tôi và guide đi cuối đoàn. SơnTT kể với cả đoàn: “Em phải đi giữa 2 đứa con gái, căng thẳng hơn mọi người gấp bội. Phải trông chừng sao cho em Vân ngã không bám vào mình, kéo theo mình xuống vực. Lại để ý tránh em Thuỷ, lỡ nó trượt chân lại khiến mình mất đà”. Tối om, chúng tôi dò dẫm bò, chỉ kịp nhìn bước đi trước mặt nhờ ánh đèn pin và lời nhắc nhở của người đi trước. Có một chỗ, thấy anh Sơn im lặng, tôi thoảng thốt quay lại hỏi người dẫn đường: “Đi tiếp thế nào?” “Rẽ phải!” Dợm bước, đâm sầm vào SơnTT. Hoá ra tôi vừa bám tay vào cẳng chân của gã làm gã tưởng rắn bò, sợ không thốt nên lời.

Chuyện về cô gái Anh tử nạn ở Fanxipăng đã thành nổi tiếng. Vì thế, sáng hôm qua vực, SơnTT chuẩn bị một bài khấn bằng tiếng Anh. Tâm niệm, ông bà ta làm sao, ta học theo vậy, SơnTT thầm dịch: “Thưa cô, cô sống khôn, chết thiêng phù hộ độ trì cho chúng tôi...”
“Dear my English girl, You lived intelligent, you died returnable and honour. You live or you died, your spirit are always forward...”. Chẳng hiểu về cú pháp có đúng không nhưng đọc lên nghe du dương và thành kính ra phết! Chắc vì thế mà chúng tôi 9 đứa đi, 9 đứa về bình an vô sự, lại còn được mọi người trong công ty tấm tắc thán phục.



Sapa đã lùi lại sau lưng chúng tôi 400 km và hàng ngàn giờ đồng hồ. Ký ức Phanxipang đang bị chìm lấp trong máy tính, linh kiện hợp đồng nhập xuất và các toan tính thường ngày. Tôi cảm thấy có lỗi với những người đồng hành vì đã không diễn tả được hết những khó khăn chúng tôi gặp phải, những tình cảm chúng tôi từng sẻ chia. Cám ơn anh Nam anh Tiến và những người bạn đồng hành đã giúp tôi lập được một kỷ lục đáng tự hào và trên hết được sống trong những giờ khắc chân thành của người FPT.

(Tác giả Lê Thu Thuỷ, hiện nay đang đinh cư ở Anh, đã nhắn rồi, tha thiết rồi mà sao vẫn chưa thấy vào đây gì cả)
 
máu rồi! Em làm bài thơ của em trước:
Sa pa

Sa Pa chiều tháng 4

Mưa mù trời và những đỉnh núi đồi trùng điệp

Cây thông già đứng vươn mình trong gió rét

Lá vẫn xanh rì, lá hát giữa trời mưa

Có nỗi niềm nào trong gió thổi mây đưa

Đường nội thị dốc chồng lên trên dốc

Tôi dắt em đi

Sa Pa mù sương

Những cặp tình nhân dập dìu trong điệu khèn sâu lắng

tiếng nỉ non hay rung động của đất trời

Bàn tay em nhỏ bé

xen vào bàn tay tôi

Như hơi ấm xông lên giữa đất trời

Bên ly rượi Sán Lùng thơm mùi gạo mới

Bên mái nhà sàn đơn sơ và cái nhìn xa diệu vợi

Ta say tình, say rượu lẫn say nhau

Sa Pa

Mưa

Mù trời

Chiếc dù nhỏ như bông hoa thắm đỏ

Hai mái đầu chụm nép vào nhau

Những giọt mưa mang theo mọi u sầu

Em nép vào anh. Ừ mưa tình anh nhỉ!

Phiên chợ tình cuối tuần trong ngày nghỉ

Những chàng trai say sưa múa khèn

Những cô gái nép mình e lệ

Tay vỗ theo tay nhịp cảm xúc dâng tràn

Và trong thinh không

Giữa màn đêm dày mưa với gió

Bỗng sáng lên ánh sáng nhân tình

Có 2 kẻ đang dìu nhau ở đó

Họ đi trong mưa

Họ dìu nhau trong gió

Môi chạm môi, mắt ướt nhìn nhau

Có điều gì trong ánh mắt thẳm sâu

Họ tan trong nhau và họ hòa trong trời đất

Chỉ có men tình làm họ say lất ngất

Chỉ có đất trời và có họ nôn nao

Những con đường

Những rặng thông già

Và những người bộ hành qua lại

Đang mỉm cười

Nhìn 2 kẻ yêu nhau.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,462
Bài viết
1,153,068
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top