What's new

Hang động núi lửa Đắk Nông - chuyến đi nhớ đời!

hang-nui-lua-daknong-4.jpg

Video về chuyến đi:

[video=youtube;2aZQR4Z1x8k]https://www.youtube.com/watch?v=2aZQR4Z1x8k[/video]​

Thời gian vừa rồi, hang Sơn Đòng là một cái tên được nhắc đến khá nhiều, làm cho bao tâm hồn ưa xê dịch phải xao xuyến. Với cái giá 3000 USD, chưa kể vé máy bay đến Quảng Bình, thì dù xao xuyến, tôi vẫn phải tạm gác lại dự định này.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin về Sơn Đòng, tôi lại vô tình tìm thấy được thông tin về hang động núi lửa ở Đăk Nông - hệ thống hang động được Hiệp hội hang động Nhật Bản đánh giá là dài và lớn nhất Đông Nam Á.

Hang động thì tôi đã từng đi khá nhiều, chẳng hạn như: Phong Nha (Quảng Bình), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Thạch Động (Hà Tiên)..v..v.. nhưng hang động núi lửa thì tôi chưa từng đi lần nào. Liệu cái hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á này có gì khác với những hang động đá vôi mà tôi đã từng đi?

Lên kế hoạch từ những ngày đầu tháng 5, nhưng chuyến đi đã phải dời lại đến đầu tháng 7 mới có thể tiến hành được.

Nhóm chúng tôi gồm 8 người: 4 nam và 4 nữ, toàn là dân ưa xê dịch như nhau, và đến từ đủ các vùng miền: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn.... Vậy là đủ cả 3 miền rồi! :)

Trong số 8 người chúng tôi thì 6 người sẽ đi từ Sài Gòn lên Đăk Nông, 2 thành viên còn lại sẽ đi từ Nha Trang lên.

Thông tin chung về chuyến đi:

- Thời gian: 2 ngày 3 đêm

- Các tỉnh thành đã đi qua: Sài Gòn – Đồng Nai – Lâm Đồng – Đăk Nông – Bình Phước – Bình Dương.

- Tổng quãng đường: Khoảng 1000km.

- Chi phí: Khoảng 600-800k/người.

Lịch trình:

- Tối 03/07/2015: Xuất phát từ Sài Gòn đi hồ Tà Đùng (Đăk Nông). Cắm trại và ngủ đêm tại hồ Tà Đùng.

- 04/07/2015: Từ Tà Đùng di chuyển đến xã Buôn Chóah, huyện Krong Nô, tỉnh Đăk Nông. Khám phá hang động và ngắm hoàng hôn vào buổi chiều. Buổi tối ăn cơm lam, gà nướng mọi, cắm trại ngủ homestay tại nhà người dân bản.

- 05/07/2015: Sáng tham quan thác Dray Sáp, chiều di chuyển về Sài Gòn. Đến Sài Gòn lúc 23h, chính thức kết thúc chuyến đi.
 
Last edited:
Mình cũng từng đọc bài viết về hang động nhưng trên báo, chưa đọc bài của nhóm nào tự đi cả nên rất hào hứng chờ bài của bạn, đặt gạch hóng nhé!!!
 
Đêm đầu tiên: Đêm dài thì lắm mộng!

Do bận đi làm, với lu bu chuẩn bị dụng cụ nên mãi đến 20g chúng tôi mới có thể xuất phát.

Đường đi thật đẹp với ánh trăng sáng vằng vặc (hôm đó là 17 âm lịch), con đường từ Sài Gòn lên Bảo Lộc rộng rãi và thoáng đãng, dường như chỉ có mỗi chúng tôi lang thang vút qua những rặng cao su của miền cao nguyên.

Lên tới đỉnh đèo Bảo Lộc, sương giăng mù đường, các xe phải bám sát nhau mới có thể thấy đường được.

Đang chạy ngon trớn thì xe tôi tông phải cục đá rất to và vuông vắn. Đường mờ sương, cộng với đi sát nhau nên tôi không tránh được. Vì cục đá quá vuông nên nó bám ở dưới xe tôi, khiến tôi phải phanh gấp để dừng lại. Quan sát kỹ, tôi nghĩ đó là cục đá của xe tải nào đó dùng để chắn lốp xe, xong việc thì quên vứt vào trong lề đường, thật là vô ý thức quá!

dinh-deo-bao-loc.jpg

Do mãi di chuyển nên chúng tôi quên béng vụ ... đổ xăng, dù trước đó đã biết là trên Lâm Đồng này tất cả các cây xăng sẽ đóng cửa sau 23h!

Ghé tạm một tiệm tạp hóa để hỏi xăng, bà bán quán với tay một cách mệt mỏi, trỏ ngón tay về phía bên kia đường, giọng lè nhè: “Đằng kia, gần bưu điện”... xong nằm xuống ngủ tiếp.

Bưu điện là chỗ nào chứ, quanh đó không còn ai để hỏi đường, nên chúng tôi đành chạy theo hướng vừa được chỉ.

Trời mưa lất phất, lạnh, vẫn chưa tìm thấy cây xăng... chúng tôi đành di chuyển vào nhà chờ của hãng xe Phương Trang để trú tạm và hỏi chỗ mua xăng.

Các nhân viên và tài xế trong phòng chờ nhìn chúng tôi với vẻ mặt đầy ngạc nhiên và tò mò. Cũng đúng thôi bởi đang là 1g sáng, một nhóm 6 đứa mặc áo mưa lướt thướt vào hỏi mua xăng thì làm sao mà không bất ngờ được chứ.

Lần này, với sự hỗ trợ chỉ đường từ nhà xe, và người dân ở hai bên đường, chúng tôi tìm đến được tiệm bán xăng lẻ nằm tạm bợ bên cạnh bưu điện huyện Di Linh.

Chú bán xăng đi ra, hỏi chúng tôi đi đâu. Khi biết chúng tôi muốn đi đến Tà Đùng thì chú ấy can ngăn và bảo là đừng đi, vì con đường rất là xấu và nguy hiểm. Chú ấy bảo là chú cũng đã hết xăng rồi, khuyên chúng tôi nên kiếm chỗ nghỉ lại rồi sáng mai hãy đi.

Dự định của chúng tôi là phải được ngủ đêm tại Tà Đùng, ai cũng muốn điều đó, với lại nếu ở lại đây thì sáng mai mọi kế hoạch của chúng tôi sẽ bị trễ mất.

Quay trở lại nhà xe để trú tạm, tôi để cả nhóm ngồi lại và đèo Xít đi tìm chỗ mua xăng. Mưa, lạnh, các cửa hàng xăng ở hai bên đường vẫn đóng cửa im ỉm. Bỗng nhiên có điện thoại từ Long: “Đã tìm được chỗ mua xăng!”. Thì ra, trong thị trấn Di Linh có một cửa hàng tạp hóa bán xăng lẻ, và cũng may là họ còn thức!

Mua được xăng nghĩa là chúng tôi có thể tiếp tục hành trình của mình. Chúng tôi cảm ơn các anh chị trong phòng vé rồi đi đổ xăng đầy bình, mặc áo mưa vào cẩn thận và xuất phát về hướng Đắk Nông.

Đúng như cảnh báo từ người dân ở Di Linh, đường từ Di Linh lên Đăk Nông nhà cửa rất thưa thớt, không có đèn đường, đường thì ngoằn nghèo, hết lượn qua trái lại lượn qua phải. Trời ngớt mưa dần, trăng lộ dần sau đám mây đen, làm không gian hai bên đường sáng lên, dìu dịu.

Chúng tôi cứ mải miết lượn theo cung đường uốn lượn, cho đến khi gặp một ngã ba. Theo GPS thì chúng tôi phải đi thẳng, và đúng là chúng tôi đã đi thẳng! Nhưng đi được một lúc thì lại gặp bến thuyền, và theo thông tin tôi tìm hiểu trước đó thì đã có cầu đi qua Tà Đùng rồi. Gặp bác đánh cá gần đó hỏi đường thì bác ấy bảo là chúng tôi đi nhầm đường rồi. Vậy là lại kéo nhau quay lại ngã ba hồi nãy...

Đến ngã ba thì chúng tôi gặp một cặp vợ chồng “người anh em” (lên đây bạn không nên dùng từ “dân tộc”, mà phải nói là “đồng bào” hoặc “người anh em”). Hai vợ chồng bảo là lên đây thăm đứa em, nhưng không biết nhà, hỏi chúng tôi có biết đường không?!! Dĩ nhiên là chúng tôi không biết! Hai vợ chồng hỏi han chúng tôi vài câu rồi chúc chúng tôi đi đường mạnh giỏi.

Cung đường từ ngã ba hồ thủy điện đến Tà Đùng là một khó khăn tiếp theo của chúng tôi. Tôi dự định là sẽ nghỉ lại tại khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cho an toàn, nhưng quãng đường cứ dài tít tắp, bùn lầy và cát sỏi trên đường nhựa cứ chực chờ làm ngã chúng tôi khiến ý chí của tôi lung lay.

Đến một đoạn, chúng tôi thấy có trạm nghỉ chân ở lưng chừng đèo, với võng treo đung đưa, ánh đèn vàng nhàn nhạt... mọi thứ thật cám dỗ! Đa số mọi người, và cả tôi, đều muốn vào đó nghỉ lại. Nhưng linh cảm khiến tôi cảm thấy có điều gì đó bất an, nên tôi động viên mọi người ráng chạy tới Tà Đùng luôn rồi hãy nghỉ.

Chạy thêm một đoạn nữa, nhìn qua các xe kia, tôi thấy mọi người đã thấm mệt, đường thì còn tới 30km nữa... Đến trước một cây cầu, nhìn qua hai bên thấy vài ngôi nhà dân, quang cảnh cũng yên bình nên tôi quyết định cho nhóm dừng lại tìm chỗ nghỉ chân.

Sau khi chạy tới chạy lui tìm chỗ, Xít đã chỉ cho tôi thấy cái gầm cầu, với nền đất bằng phẳng rất đẹp. Ngủ dưới gầm cầu cũng có lợi đó là chúng tôi không sợ mưa hay cây đổ, gầm cầu này cũng cao hơn xung quanh nên khả năng lũ cuốn là khá thấp.

Dựng trại xong xuôi là 5g sáng, chúng tôi chui vào lều đánh một giấc ngắn đến 6g30 thì kéo nhau dậy. Một giấc ngủ ngắn thôi nhưng nó cũng giúp chúng tôi hồi phục sức khỏe. Lạ một điều đó là chúng tôi đều tỉnh táo và sung sức, chỉ có bọng mắt là đang biểu tình trên mặt chúng tôi thôi!
 
Hóng xem đoàn này đi thế nào ?!!!
Quốc lộ 28 từ Phan Thiết đi Di Linh rồi sang Gia Nghĩa tôi đã đi năm 2004 nhưng sau đó bị tắc đường. Nó tắc đường vì cái công trình thủy điện Đồng Nai 3 ấy, Một đoạn đường dài đã nằm dưới hồ chứa nước rồi.
Họ làm đường tránh vòng lên phía bắc rồi đi ngang sườn núi Tà Đung nhưng làm mãi mà đường chưa thông, không biết bây giờ đã đi được chưa vì gần đây tôi chưa đi lên phía ấy mà toàn đi dường Đạ Tẻ - Lộc Bắc - Thủy điện Đồng Nai 4
 
Ngày thứ hai: Cảnh đẹp hút tầm mắt!

Khi thức dậy, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đó là: Sao mà tụi mình có thể chọn được một nơi đẹp thế này để cắm trại chứ?!! Quả thật, cái chân cầu mà chúng tôi chọn quá đẹp, có suối, có ruộng nương, có mây, có đồi núi... Ngắm nghía một chút, chúng tôi cũng phải thu dọn để lên đường.

chan-cau-ta-dung.JPG


cam-trai-ta-dung-1.JPG


cam-trai-ta-dung-2.JPG


cam-trai-ta-dung-3.JPG

Xuất phát đi về hướng Tà Đùng, chúng tôi hòa mình vào vẻ đẹp ngút ngàn của vùng đất Tây Nguyên nắng gió. Cỏ lau, cỏ tranh, cây cao su, bướm, những con đường đất đỏ, những con đường dốc cao thẳng tắp, những con người hiền hòa hai bên đường... tất cả hòa vào với nhau tạo thành một khung cảnh mà chúng tôi sẽ mãi không quên trong tâm trí của mình.

ho-ta-dung-can-nuoc.JPG


ho-thuy-dien-dong-nai.JPG

Vy và Sơn – hai thành viên xuất phát từ Nha Trang lên Đăk Nông đứng đợi chúng tôi ở cổng khu du lịch thác Dray Sáp từ 7g sáng... Tội nghiệp đôi trẻ, trong khi họ đang ngồi tâm sự với nhau thì chúng tôi vẫn đang nhởn nhơ trên các con đường đẹp đẽ của vùng Tây Nguyên. Biết là sẽ đến trễ nên chúng tôi bảo hai người bọn họ tìm đường đến xã Buôn Chóah trước, rồi gặp nhau ở đó luôn...

con-duong-cao-su.JPG


canh-dong-krong-no.JPG

Về phần chúng tôi, sau khi nhởn nhơ trên các cung đường, chúng tôi chạy vun vút về phía Cư Jut, trung tâm của huyện Krong Nô...

Giữa trưa, chúng tôi dừng ở một quán nước để mua thêm nước và cũng là nghỉ ngơi ăn trưa luôn. Từ tối hôm qua đến giờ, chúng tôi chỉ tốn 125,000VND cho cả 6 người mà vẫn chưa có hết! Thì chỉ mua bánh mì sandwich, pate đóng hộp và nước suối thôi mà. Vừa ăn, tụi tôi vừa hứa với nhau là tối nay phải ăn cho được cơm lam, gà sa lửa chứ mà ăn tiếp cái kiểu này thì chắc là sẽ không thể hết được tiền quỹ đâu.

Vừa ăn, tôi vừa ngắm nhìn mấy chiếc xe thân yêu, xe nào xe ấy đều đang phủ một màu cam nâu tuyệt đẹp :)

xe-di-phuot.JPG

Ăn xong, chúng tôi tiếp tục chạy về hướng Cư Jut...

Mới vào thị trấn, chạy được một chút với tốc độ tầm 50km/h thì có mấy chú đi ngược chiều ra hiệu có công an phía trước. Ngay lập tức, tôi liền cho cả nhóm dừng lại, tấp vào lề đường và hỏi tình hình đường sá với một chú đang ngồi ở trước hiên nhà.

“Chú ơi, đường phía trước có công an à?” – tôi hỏi.

“Ừ, có đó, cầm súng bắn tốc độ rồi bắt luôn tại chỗ, mấy đứa chạy cẩn thận nha!” – chú đáp.

“Vậy giờ đi Buôn Choa là đi hướng đó đúng không chú?” – tôi hỏi tiếp.

“Buôn Choa là cái chỗ nào nhỉ?... À à, không phải Buôn Choa, Buôn Chóa nhé! Quay lại rồi quẹo phải vào đường bê tông nhỏ, đi thẳng mãi là sẽ tới.” – chú suy nghĩ và trả lời tôi.

“Dạ, dạ, Buôn Chóaaa... Buôn...haha...Buôn Chóah” – Tôi phá lên cười khi nghe cái tên xã.

Thì ra, vì trên bản đồ viết không dấu nên tôi tưởng là Buôn Choa, ai ngờ tên đúng của nó là Buôn Chóah, chẳng biết xã này có liên quan gì tới nghề buôn chó không nữa.

Một chuyện khá thú vị đó là khi đang hỏi đường chú này thì một cô khác nhảy vào bảo là đi cái đường chú ấy chỉ xa lắm, đi thẳng dễ đi và gần hơn. Xong rồi chú và cô ngồi cãi nhau, chúng tôi phải cười trừ rồi cảm ơn cả hai người, đi đại theo đường mà chú kia vừa chỉ. Tình trạng hỏi đường xong rồi mấy người chỉ đường ngồi cãi nhau, bỏ mặc cái đứa hỏi đường đang bị khó xử là tình huống mà tôi gặp rất thường xuyên, nhất là tại các vùng quê. Cũng tốt thôi, mọi người đang nhiệt tình giúp đỡ mình quá ấy mà ^^.
 
Đang nóng lòng chờ đến đoạn review ở homestay của bác. Thấy đoạn nấu cơm Lam là em thích lắm. Không biết bác liên hệ với người dân địa phương thế nào để có được những món đặc sản như vậy?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,190
Bài viết
1,150,449
Members
189,949
Latest member
0123winnet
Back
Top