What's new

[Chia sẻ] Hành trình khám phá "Thế giới cổ đại" - Campuchia 4/11 - 9/11

NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH

Vì đã xác định trước là đi vào dịp nghỉ lễ dài ngày, vé xe có thể hết rất nhanh nên tôi có kế hoạch đặt vé trước. Xe bus Sài Gòn – Phnom Penh nhiều, ngày nào cũng có xe chạy. Để mua vé xe bạn hãy lên các đại lý dọc tuyến đường Phạm Ngũ Lão ở quận 1, đây là khu vực Tây ba lô nên có những dịch vụ du lịch khá tiện lợi. Lượn một vòng các đại lý, tôi nhận thấy giá vé xe không chênh lệch nhiều, dao động trong khoảng từ 8 – 10 đô/vé/chiều tùy chất lượng xe (tất nhiên tùy cả vào dịp cao điểm hay thấp điểm nữa). Hỏi chỗ đầu tiên họ báo giá 8$ - vé lúc 8h, tôi ngần ngừ không mua ngay vì sợ vẫn đắt (tại nhà kê ra tỉnh cứ sợ bị bắt nạt ý). Hỏi sang các chỗ tiếp theo họ báo 9$, 10$, rồi chỗ thì hết vé, chỉ còn chuyến chiều. Tôi quay lại chỗ đầu tiên báo giá rẻ nhất thì họ bảo: “Hết vé lúc 8h rồi em ơi, còn đúng 2 vé của chuyến trưa 11h30 xe Phương Trinh thôi em ơi. Có mua thì mua lẹ lên còn kịp em ơi”. Thôi, nói thế thì còn gì mà chần chừ nữa chứ, hixx, phải mua luôn và ngay thôi. Vậy là coi như bước đầu tạm ổn. Chúng tôi về chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi vào ngày mai.

Ngày 1: PHNOM PENH

Buổi sáng Sài Gòn mát mẻ, báo hiệu cho một buổi trưa nóng nực sắp tới (liên quan ko?!). Chúng tôi đến chỗ phòng bán vé xe khá sớm. Ngồi cùng hai chị em là hai bạn tây nói cười liên hồi, các bạn ấy bảo đồ ở Việt Nam “****ing cheap”: chỉ với 3 đô mà bạn ấy mua được bao nhiêu bịch snack với sô cô la cả nước uống. Tôi chỉ thầm nghĩ: “Tao mà mua chắc chỉ mất 2 đô thôi, chúng mài bị mua đắt roài” =)). Khoảng 11h30 chúng tôi được lên xe. Xe Phương Trinh còn mới, điều hòa mát lạnh luôn. Yên vị trên xe, tôi nhẩm tính 12h xe chạy, 14h sẽ đến Mộc Bài, thủ tục xuất nhập cảnh xong xuôi xong là 18h sẽ đến PP, xong bắt bus đêm đi Siem Riep luôn cho kịp lịch trình. Thế nhưng lại một lần nữa, đời ko như đờ-rem.
Xe chạy lòng vòng bắt khách, nhồi khách, hẹn khách xong đón khách. Ôi mèng ơi, tôi bị chết ngộp trên xe vì đủ thứ âm thanh và mùi vị (quên ko nói, xe chúng tôi đi có nhiều bạn Ấn Độ lắm luôn). Vì nắng và nóng chói chang nên tôi chẳng mở rèm xe nên cũng chẳng biết khung cảnh 2 bên đường như nào, có gì vui nhộn ko. Sau một hồi lượn lờ, xe cũng vào cao tốc và chạy thẳng. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được Mộc Bài lúc 14h30. Thật tốt, trễ có 30p so với dự định thôi.
Tuy vậy, nhà xe Phương Trinh vẫn để lại cho tôi một ấn tượng tốt đẹp: nhà xe lo hết các thủ tục xuất nhập cảnh cho hành khách. Lúc lên xe, họ thu một lượt hộ chiếu của bạn. Lúc đến cửa khẩu, họ lùa bạn xuống cho bạn chụp ảnh chếch-kin còn họ thì đi lo việc đóng dấu cho bạn. Một lúc lâu sau đó (cũng phải gần 1h), họ gọi tất cả hành khách trên xe đứng xếp hàng lại, đọc đến tên ai thì người đó cầm hộ chiếu (đã được đóng dấu xuất cảnh) đi ra và lên xe. Xong thủ tục xuất cảnh. Còn thủ tục nhập cảnh khá đơn giản nên họ để hành khách tự làm. Bạn chỉ việc cầm hộ chiếu lên xe, qua bên cửa khẩu Bavet, nhân viên bên đó sẽ đóng dấu nhập cảnh cho bạn. Rất nhanh và tiện lợi.

0cUD2xi.jpg


Ở gần cửa khẩu có rất nhiều casino hoành tráng. Hàng quán 2 bên đường cũng mọc lên khá nhiều, nhưng nhìn qua hơi “hẻo”. Chạy cách cửa khẩu được khoảng gần 3km, xe đưa chúng tôi vào một nhà hàng bên đường để hành khách nạp năng lượng. Đồ ăn ở đấy không quá đắt. Đặc biệt bạn vẫn có thể tiêu tiền Việt và nói tiếng Việt ở đây. Trong nhà hàng có một quầy minimart và một quầy đổi tiền. Dù biết tỷ giá tại cửa khẩu không được tốt cho lắm nhưng tôi cứ đổi trước một ít tiền ~ 10 đô để tiện chi tiêu. Một lúc sau xe rời nhà hàng đi, phóng rất nhanh về phía Phnom Penh. Đường khá đẹp, xe chạy êm ru và không dừng lại đón trả khách nữa. Tôi ngồi cạnh một chú người Việt nhưng đã sống ở Campuchia hơn 20 năm nay rồi. Chú dạy tôi nói một vài từ Campuchia đơn giản nhưng bây giờ tôi chỉ còn nhớ được 3 từ: Xin chào = Chùm-riệp-sua, Tạm biệt = chùm-riệp-lia, Cảm ơn = or-cun. Chú cho tôi nhiều lời khuyên hữu ích, về cách trả giá khi đi tuk tuk, cách tránh một số thói quen trong văn hóa Khmer như:

+ Tuyệt đối không xoa đầu trẻ em vì đây là nơi rất linh thiêng, chỉ có thánh thần và cha mẹ mới được chạm vào.

+ Không đưa đồ, đưa tiền hay bất cứ thứ gì bằng tay trái vì theo phong tục của họ tay trái là tay “không được sạch sẽ”. Tuy nhiên có lẽ quy định cũng đã cởi mở hơn vì hiện nay khá nhiều khách du lịch đến đây và phần lớn họ không biết quy định này, hoặc cũng có thể do thói quen đưa tay trái của họ. Tôi dù đã biết quy định nhưng cũng nhiều lần đưa đồ bằng tay trái cho các bạn Campuchia, và họ cũng khá thoải mái, không căng thẳng gì cả.

+ Người Campuchia tôn thờ đạo Phật một cách tuyệt đối nên khi vào chùa không được đội mũ, phải bỏ giày dép và tất bên ngoài, chỉ được đi chân trần, không được đứng gần cũng như chạm vào nhà sư.

Khi biết hai chị em chúng tôi đi du lịch Campuchia tự túc mà chẳng có hướng dẫn viên nào, chú tỏ ra khá lo lắng. Chú bắt tôi lưu số điện thoại của chú vào, lúc nào mua sim xong nhớ nhắn tin cho chú. Tôi khá bất ngờ và cảm thấy rất vui. Ngồi trên xe nói chuyện với chú thế mà thoắt cái cũng đến Phnom penh. Còn cách thủ đô nước bạn 10km nữa thôi mà xe phải mất đến gần 30p để vào vì đoạn đường này đang sửa, bụi thì mù mịt, đèn đường thì không có, xe đi gập ghềnh lên xuống khiến tôi có cảm giác say xe. Liếc nhìn đồng hồ: 19h. Xác định là tối nay chúng tôi phải ở lại PP rồi vì không kịp cho chuyến bus đêm. Tôi ngán ngẩm nhắm mắt, đầu dựa cứng vào thành ghế cho quên đi cảm giác lợn cợn đang từ từ nổi lên ở bụng. “Ọt ọt” – tiếng lòng tôi gào thét lên, hóa ra đây là nguyên nhân khiến tôi bị say xe, vì bình thường kể cả có đi cái đường xóc gấp 10 lần như này tôi cũng chẳng có cảm giác say xe nữa là. Haizza, cái bụng mần hại cái thân :))
19h30. Chúng tôi xuống bến xe ở ngay trung tâm Phnom Penh. Chú tốt bụng trên xe gọi ngay cho hai chị em một xe tuk tuk. Chú dặn người ta chở 2 đứa đến điểm mua sim gần nhất, xong chở về khu Tây ba lô ở PP. Chú còn mặc cả giá xe nữa làm chúng tôi vô cùng xúc động. Chia tay chú, tôi chỉ biết cảm ơn và chúc chú luôn mạnh khỏe.

India-Lahe-092.png


8tWrjd8.jpg


Tuk tuk là một loại xe rất phổ biến tại Campuchia. Tuk tuk gồm một chiếc xe máy phía yên được gắn thêm một phần xe kéo như xe lam. Chạy tuk tuk rất tiện: vừa ngắm phố vừa được hít bụi made in Campuchia chính gốc. Sau một hồi lòng vòng, chúng tôi cũng đến được chỗ mua sim. Một số nhà mạng phổ biến ở Campuchia là: Metfone, Vodafone… Tôi chọn mua sim Metfone vì đây thực chất là mạng Viettel nhà mình tại Campuchia. Giá mua sim: 1 đô. Mua thêm thẻ cào: 2 đô. Gọi về Việt Nam và dùng 3G tẹt pô thì 2 ngày mới hết. Tất nhiên chất lượng 3G thì không có gì phải lăn tăn: rất nhanh, rất tiết kiệm.

Yk6Yg9R.jpg


Xe tuk tuk thả chúng tôi ở nhà nghỉ Laughing Fatman Guesthouse, nằm ở khu phố Tây Tôi cũng đã đọc qua review nhà nghỉ này trên Agoda và thấy khá tốt. Giá phòng đôi có quạt là 15$/đêm: chát quá, nhưng bây giờ tối rồi nên tôi cũng không muốn đi đâu nữa. Tôi cũng nhờ nhà nghỉ đặt luôn vé xe sáng mai đi Siem Riep với giá 9$/vé, họ đưa vé luôn cho tôi và note thêm tiền vé đã bao gồm cả tiền tuk tuk pick up nhà nghỉ - bến xe. Biết là cao hơn so với ra bến xe mua nhưng tôi thà chịu đắt hơn một chút để mọi thứ diễn ra theo kế hoạch.
Và một đêm ác mộng bắt đầu.

Tối ở Campuchia oi ả. Phòng đôi đúng là có quạt, nhưng là quạt trần chạy vô cùng nhẹ nhàng, yểu điệu. Lớp đệm giường dày khự được phủ phía trên là một lớp ga nilon lúc nào cũng kêu sột soạt. Khu vệ sinh tạm ổn (chứ không có nghĩa là tốt như kỳ vọng so với giá). Cánh cửa với ổ khóa sứt mẻ không thể khóa lại được, làm hai chị em tôi phải dùng bàn gỗ để chắn ngang. Buổi tối hôm đấy chúng tôi không tài nào ngủ được dù đã 2h đêm vì nhạc ở bar bên cạnh vẫn xập xình, và dĩ nhiên phòng thì vẫn nóng như lò lửa. Thức đêm mới biết đêm dài.

Sáng hôm sau chị em tôi dậy sớm vì có nằm thêm nữa cũng chả ngủ tiếp được. Tôi định ra ngoài mua ít đồ ăn sáng. Qua quầy lễ tân họ bảo 8h sẽ có tuk tuk đến đón chúng tôi ra bến xe để đi Siem Riep. Bây giờ mới 6h hơn nên tôi nghĩ thời gian thoải mái, vì đồ đạc đã sắp đâu ra đấy hết rồi. Tôi đi bộ ra khu chợ gần nhất mua đồ linh tinh. Bất cứ đi đến nơi nào đó, địa điểm tôi không thể bỏ qua là Chợ và Chùa. Không phải là những resort hay khách sạn sang trọng, không phải là những nhà hàng hạng sang mà chính là Chợ mới thể hiện rõ nhất cuộc sống thường ngày của dân bản địa. Đây là một khu chợ nhỏ đối diện với một cổng chùa. Hoạt động mua bán khá nhộn nhịp nhưng không ồn ào. Cá họ bày ra sạp và ngồi luôn trên sạp để bán, không có chỗ làm sẵn như ở mình. Thịt họ treo lên thành tảng, lủng lẳng bên cạnh là những mớ xúc xích làm từ lòng lợn. Rau với trái cây có một vài thứ lạ thôi, còn lại hầu hết là giống chợ bên mình. Tôi dừng lại một hàng hoa quả và hỏi mua ổi. Vì chị ý không nói được tiếng Anh lẫn tiếng Việt, còn tôi thì chỉ biết “Chùm riệp sua” với cả “Or cun” thôi nên chúng tôi chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể. Tôi nghĩ là khả năng múa may của tôi khá tốt khi nhờ chị chọn hộ quả ngon, gọt rồi cắt ra, rồi xóc muối. Chị ấy thì cứ nhìn tôi và nói: “Việt Nam, đẹp”. Chắc chị ấy khen nước Việt Nam đẹp ý nhỉ? Chắc không phải chị ấy bảo tôi là người Việt Nam và tôi đẹp đâu nhỉ? =))) lol. Chị bán ổi dễ thương quá chừng khi tôi mua 2kg ổi mà hết có 1$.

Một điều đặc biệt tôi để ý thấy là dù phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là xe máy và tuk tuk nhưng đường phố không bị bội thực còi xe như ở mình. Tôi tự an ủi: “Chắc dân họ vẫn ít hơn dân mình thôi, chứ dân mình ý thức tham gia giao thông vẫn tốt mà”. Không phải đâu, tôi nói dối đấy!!!
 
Re: Hành trình khám phá "Thế giới cổ đại" - Campuchia 4/11 - 9/11

Về đến nhà nghỉ mới có 7h40, vẫn sớm, tôi ghé vào quán ăn sáng bên cạnh, định hỏi món “Nong-baen-chok” để lót dạ nhưng họ bảo không có. Người Campuchia họ ăn nong-baen-chok thường xuyên như người Việt mình ăn bún vậy. Tôi vẫn mong được ăn thử món này mà chưa có cơ hội. Tôi bước vào quầy lễ tân và dặn họ khi nào tuk tuk đến thì nhớ gọi chúng tôi với. Họ ok này nọ, nhưng tôi cũng biết mình phải tự chủ động về giờ giấc vì nhỡ đâu họ chỉ ok bừa mà không hiểu mình nói gì thì sao. Và điều tôi dự đoán đã xảy ra. Sau khi lên phòng và mang đồ xuống là 7h50, tôi hỏi họ là tuk tuk đã đến chưa thì họ vẫn bảo chưa đến. Ngồi chờ đến 8h vẫn chưa thấy gì, tôi chìa vé ra đưa cho họ và nói đơn giản nhất có thể “tuk tuk, Sorya, to Siem Riep”. Họ tần ngần xem một lúc rồi nói gì đó với nhau. Bà chủ quay ra bảo “tuk tuk go”. OMG!!! Chắc chớt luôn quá. Tôi biết là xe tuk tuk đã đến và đi rồi nhưng họ không gọi tôi. Bà chủ cũng nhanh nhẹn chạy đi gọi 2 xe ôm để chở 2 đứa ra bến. Họ đòi 2$/người, tôi đã mặc cả 1$/người cho quãng đường chưa đầy 3km. Trình độ lạng lách của các bác xe ôm bên này cũng không kém mình là mấy. Vừa đi tôi phải vừa mở GPS để theo dõi không nhỡ họ chở mình đi bán thì chít dở. Rất may là xe của chúng tôi vẫn chưa đi. Tôi đưa chị Ngọc vé xe và gửi tiền cho các bác xe ôm nhưng họ lại bảo “2$/person” xong cứ ì kèo đòi thêm. Tôi gạt tay dứt khoát: “Ko, 2$ 2 người, nãy nói rồi còn gì”. Rồi móc xèng ra trả họ, kệ họ nói gì sau đó. Đến lúc đó, Campuchia đã để lại trong tôi một ấn tượng khó mà phai nhạt.
 
Re: Hành trình khám phá "Thế giới cổ đại" - Campuchia 4/11 - 9/11

Ngày 2: Đường đến Siem Riep

Xe Sorya được coi là xe khá khẩm nhất chạy tuyến PP-SR nên có giá đắt nhất. Tôi thấy bà chủ nhà đặt vé cho tôi hôm qua bảo thế nên cũng hy vọng xe chạy ổn, điều hòa mát rượi để ngủ bù lại cho đêm qua. Bước lên xe tôi cũng hơi thất vọng chút. Xe cũ, vẫn mát nhưng không phải kiểu mát rượi mà là mát thoang thoảng. Tức là một kiểu mát khiến cho người ta dễ chịu hơn chút so với cái nắng gay gắt bên ngoài, chứ không phải kiểu mát đầy thỏa mãn, mát đến phát lạnh như tôi mong chờ. Ờ có gì xài nấy. Ngồi trên xe có 2 – 3 ông Tây thôi còn đâu toàn người Cam. Tôi với chị Ngọc sau khi đã yên vị thì bắt đầu lôi hoa quả ra ăn để lấy sức ngủ tiếp. Tôi tranh thủ hỏi chuyện thêm mấy người trên xe. Hỏi toàn chuyện đơn giản cho chuyến đi đỡ nhàm chán ý mà. Nhưng vì đường xa, họ cũng dần dần ngủ. Tôi thì phần bị đường xóc, phần vì tiếng ti vi họ mở trên xe to quá nên chẳng ngủ được.
gxdhpvy.jpg

Quay ra phía cửa sổ, tôi có cơ hội được nhìn ngắm những thứ hay ho bên đường đi. Đường PP-SR lúc ở đoạn từ PP ra khá đẹp, được trải nhựa êm ru. Nhưng bắt đầu ra khỏi PP là tuyền đường đất đỏ, và bụi mù mịt khi xe nào đi qua, và thỉnh thoảng cũng có đoạn xóc lộn óc. Quả thực, ngồi trên xe nhìn tôi mới thấy dân Cam họ còn nghèo lắm. Nhà của họ kiểu nhà sàn, xác xơ mái tôn hoặc mái lá. Phần trên là để người ở, còn phần dưới là cho vật nuôi. Nhà nào cũng có vườn cây, nhưng cây lá chẳng sum suê xanh tốt mà lại um tùm ảm đạm bởi màu đỏ của bụi đường. Những chú bò trắng nhởn nhơ ở vườn nhà, hết cúi xuống ăn cỏ lại ngẩng lên ăn lá cây vì có cỏ nữa đâu mà ăn. Đối lập với cảnh xác xơ của nhà dân lại là cảnh chùa chiền hoành tráng. Quả thật tôi khá bất ngờ. Dù dân có nghèo đi chăng nữa, chùa cũng phải xây thật đẹp, thật lung linh, thật to. Thế mới biết người dân Campuchia tôn sùng đạo Phật như thế nào.

Một điều khá hay ho nữa ở Campuchia đó là trạm xăng của họ to-tổ-chảng luôn. Dù trong trạm chỉ có 2-3 cây đổ xăng nhưng trạm phải rộng bằng 4-5 lần một trạm xăng thông thường bên mình. Có 2 thứ phổ biến nhất trên đường đi mà tôi nhận thấy. Một là biển quảng cáo bia Angkor. Đúng kiểu Angkor beer everywhere luôn ý. Bất kỳ hàng quán ăn uống hay kể cả một cây cột điện đứng trơ trọi cũng có thể thành chỗ treo biển quảng cáo cho bia Angkor. Điều thứ hai đó là “biển quảng cáo” cho các Đảng ở nước này. Theo tìm hiểu tôi được biết ở Campuchia hiện có 2 Đảng Cứu quốc và Đảng Nhân dân Campuchia. Cứ chỗ nào có bảng biểu khẩu hiệu của một Đảng là y như rằng ngay bên cạnh có một tấm bảng tương tự của Đảng còn lại. Chứng tỏ giữa họ có sự cạnh tranh rất công khai trên chính trường.

Khoảng 3h chiều xe đưa chúng tôi về bến xe Siem Riep. Bước xuống xe, chúng tôi được các lái xe tuk tuk mời chào rất nhiệt tình. Tôi chọn đi xe của một chú trông khá hiền lành, cũng là vì tôi vừa nói đến Urban Jungle hostel là chú ấy biết ngay trong khi các chú kia không rõ. Đoạn đường khá xa ~ 6km, chú lấy của chúng tôi 3$. Giá như vậy là quá rẻ nên tôi không mặc cả thêm nữa mà tót luôn lên xe ngồi. Sau khi checkin xong xuôi, tôi và chị Ngọc dự định sẽ đi thăm chùa Wat Preah Prom Rath cách nhà nghỉ chừng 15p đi bộ, sau đó sẽ lên khu phố đêm ăn tối.

Wat Preah Prom Rath là một ngôi chùa có tuổi đời trên 500 năm, lặng lẽ nằm trên bờ sông gần khu vực Old Market. Ngôi chùa là tập hợp của những tòa nhà đầy màu sắc tuyệt đẹp, những khu vườn và tác phẩm điêu khắc theo phong cách hiện đại. Đó là một nơi rất đẹp và thanh bình giữa lòng một thành phố xô bồ. Trong chùa có rất nhiều băng ghế xung quanh để du khách có thể ngồi nghỉ khi dạo quanh chùa và cảm thấy mệt. Chúng tôi đi bộ xung quanh và yên lặng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa, vì trong một không gian thanh bình như thế này, một tiếng động nhỏ cũng có thể xáo trộn sự cân bằng hiện có. Chùa được chia làm 2 khu: Khu đầu tiên là điện thờ chính, có tượng Phật nằm bên trong. Tôi chỉ biết trầm trồ nhìn ngắm, không quên cầu nguyện Ngài ban cho sự bình an, thanh thản. Khu điện thờ được bao quanh bởi các bức tường ghi lại hành trình giác ngộ và đắc đạo của Đức Phật. Các hình vẽ vô cùng chi tiết, tỉ mỉ. Khu thứ hai rộng hơn, bao gồm khu nhà ở cho các nhà sư, địa điểm cho dân chúng vào cầu nguyện và một số đền thờ khác. Tôi không rõ là những ai được thờ ở đây vì hoàn toàn không có bảng chỉ dẫn, tôi chỉ nhận thấy một số kiến trúc đặc biệt như: tượng thuyền chở Đức Phật, tượng Bảo tháp và 2 chú bò bên cạnh, khu đền có hành lang kéo dài với lan can hình rắn. Nhìn cảnh quan kiến trúc tỉ mỉ và kỳ công của chùa, chắc bạn cũng dễ dàng nhận ra chùa được đầu tư rất nhiều, nhưng chùa được vào cửa hoàn toàn miễn phí. Vì thế đóng góp một khoản công đức nho nhỏ vào chùa là việc làm cần thiết.

Tham quan ngôi chùa xong, chúng tôi thẳng tiến Old Market để nạp lại năng lượng cho ngày dài mệt mỏi trên xe. Chúng tôi chọn một nhà hàng món Khmer kết hợp Thái được review khá tốt trên tripadvisor với giá cả khá hợp lý. Chúng tôi chọn cho mình 1 Lok Lak (cơm bò lúc lắc) và 1 pad Thai, không quên kèm 1 chai Angkor beer. Tôi không phải là người sành rượu bia nhưng uống bia Angkor vào tôi thấy một cảm giác khoan khoái, thư giãn lan tỏa. Bia có vị khá nhẹ nhàng, thơm và không quá đắng. Uống đến cốc thứ 2 vẫn chưa có cảm giác quay. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao người Campuchia tự hào về Angkor beer đến vậy.

Về đến nhà nghỉ, trong khi chị Ngọc đi tắm, tôi ngồi nói chuyện một lúc với anh bạn làm việc ở đây. Tôi chỉ định nói về kế hoạch đi Angkor Wat vào ngày mai và xin anh một số lời khuyên. Lúc đầu tôi dự định thuê xe đạp điện để khám phá một vòng các khu đền đài, nhưng anh khuyên tôi không nên vì thời tiết nắng nóng, và xe có thể hết điện bất cứ lúc nào. Tốt nhất là nên đi bằng tuk tuk. Anh tư vấn thêm nếu chúng tôi đi vòng nhỏ ở Angkor Wat, giá thuê tuk tuk sẽ là 15$/ngày, còn vòng to hơn với các đền đài xa hơn, giá sẽ là 25$/ngày. Lượng sức mình, tôi chỉ chọn vòng nhỏ vừa đủ với một ngày tham quan. Tôi muốn dành chút thời gian để nghỉ ngơi vì thực ra tôi có thể chịu được mệt mỏi, nhưng chị Ngọc do “tuổi cao sức yếu” nên cũng khá “giữ mình” trước những hoạt động tham quan này.
Anh nói với tôi về Angkor Wat với một niềm hứng khởi kỳ lạ. Anh nói hướng dẫn khách đi tham quan Angkor Wat không chỉ là công việc để kiếm tiền mà đây đã trở thành cuộc sống của anh. Anh chọn những từ ngữ đẹp đẽ nhất khi nói về khu phế tích, đầy nuối tiếc cho một đế chế Khmer hùng mạnh. Tôi cảm giác con người này khá hay ho và kỳ lạ nên ngồi nói chuyện thêm với anh sau khi đã deal xong các hoạt động vào ngày mai. Anh tên là Chamnan, bạn bè hay gọi anh là Mr. Champion. “Ngài vô địch” đã trải qua một tuổi thơ nghèo khó. Anh kể với tôi anh là trẻ mồ côi, sống trong chùa từ bé, không được học nhiều nên bây giờ anh phải chăm chỉ học. Anh khoe với tôi giá sách mà anh có: những quyển sách của bạn bè nước ngoài khi đến nhà nghỉ đã tặng lại anh. Hầu hết là sách văn học và du lịch. Có một vài quyển dạy tiếng Anh cấp tốc. Nhìn ngắm và vuốt nhẹ mép sách bị quăn, anh nói với tôi:

- Đây là tài sản lớn nhất mà tôi có sau 32 năm cuộc đời. Tôi đọc sách và muốn đi ra thế giới bên ngoài lắm. Tôi phải kiếm được nhiều tiền để đi mới được Thúy ạ.
- Thực ra em nghĩ anh làm công việc này, anh đã có cả thế giới trong nhà rồi. Khách du lịch từ khắp nơi đến nghỉ ở đây, mỗi người là một mảnh ghép của thế giới bên ngoài. Anh đâu cần phải đi đâu xa nữa?
- Tôi muốn đi ra ngoài học hỏi. Người Campuchia rất nghèo do họ quá lười biếng và an phận (ôi anh ý nói cái gì thế). Tôi rất ngưỡng mộ người Việt Nam. Đất nước các bạn đã có sự phát triển thần kỳ trong thời gian qua (hay anh ý đang nói nhầm sang Singapore nhỉ?). Tôi muốn sang Việt Nam xem các bạn đã làm những gì để đất nước giàu nhanh như thế.
- Vậy sao anh không sang Thái Lan? Thẳng thắn mà nói Thái Lan phát triển hơn Việt Nam một đoạn khá xa đấy.
- Nhưng người Campuchia không thích người Thái.

Lại là câu chuyện liên quan đến lịch sử khiến người Campuchia không thích người Thái, cũng như người Việt mình không thích người Trung Quốc vậy. Anh còn hỏi tôi có học đại học không. Lúc tôi nói tôi học ở Học viện Ngân hàng (oách chưa) anh có ồ lên đầy ngưỡng mộ. Anh nói: “Thúy nói cho tôi nghe về kinh tế đi”

Một người đàn ông 32 tuổi, không có gì trong tay trừ niềm đam mê học hỏi khiến một đứa như tôi xấu hổ kinh khủng. Tôi không nói với anh về những lý thuyết lớn lao, vì tôi ko có khả năng ấy. Tôi chỉ nói với anh về một điều tôi tâm đắc: “Bạn bán cái gì, cuối cùng cũng trở thành bán nụ cười”… Anh gật gù lẩm nhẩm “bán nụ cười” và khen tôi giỏi này nọ.
- Em chỉ may mắn có điều kiện học hành hơn anh chút xíu thôi, chứ em không có giỏi hơn anh – tôi nói
- Thế là giỏi rồi, bán nụ cười, bán nụ cười.
- Em rất ngưỡng mộ anh. Không phải ai 32 tuổi cũng có đam mê học hỏi nhiều như anh đâu, mít tờ Champion.
- Trước không học thì sau phải học thôi.

Nghe một người từng trải nói chuyện bao giờ cũng thuyết phục hơn là chỉ ngồi đọc sách và ngẫm nghĩ. Người đang ngồi trước mặt tôi đây dạy cho tôi về việc trân trọng những điều mình đang có, không bao giờ để bất kỳ khó khăn nào cản trở việc học tập. Chúng tôi trao đổi email và tạm biệt, tôi vào đi ngủ lấy sức mai dậy sớm đón bình minh Angkor Wat. Anh phải sắp xếp công việc ở hostel vì sắp tới giờ các bạn Tây đi bar về checkin nhà nghỉ. Buổi tối mát mẻ và dễ chịu tại một “khu rừng trong thành phố” như tên gọi của nhà nghỉ. Gió thì cứ thổi và trăng thì cứ sáng vằng vặc cả một khoảng trời.
Chỉ tiếc là tôi không có quyển sách nào để tặng anh cả.
 
Last edited:
Re: Hành trình khám phá "Thế giới cổ đại" - Campuchia 4/11 - 9/11

Ngày 3: Kỳ vĩ Angkor Wat

Chúng tôi định dậy vào sáng sớm để ngắm Angkor Wat lúc bình minh. Tôi hẹn Long – lái xe tuk tuk của chúng tôi đến vào lúc 4h30. Nhưng do bị cơn buồn ngủ đè bẹp quá lâu, mãi đến 5h30 tôi mới dậy được. Cuống cuồng chuẩn bị đồ, ra khỏi phòng đã là 6h. Tôi rối rít xin lỗi Long vì đã bắt anh chờ lâu, nhưng anh chỉ cười bảo không sao, anh quen rồi vì nhiều khách họ cũng mệt mà.
Nói qua một chút về lịch trình thăm quần thể Angkor Wat. Vì Angkor Wat là một quần thể các đền đài nên để thăm hết trong một ngày là điều không tưởng. Có điều, nếu chỉ có một ngày như tôi, bạn vẫn hoàn toàn có thể ghé thăm những kiến trúc đặc trưng nhất của Angkor Wat. Các nhà tour chia quần thể này thành hai vòng: vòng to và vòng nhỏ.
- Vòng nhỏ gồm những đền đài: Angkor Wat – Bantea Kdei – Tah Prom – Takeo – Bayon – Phnom Bakheng. Chi phí tuk tuk cho vòng này là 15$
- Vòng to: phần còn lại. Tùy vào số ngày bạn lựa chọn tham quan sẽ có mức giá khác nhau. Nếu lịch trình tham quan 2 ngày, giá sẽ là 30$; 3 ngày sẽ có mức giá 40$. Tùy vào sự khéo léo của bạn, bạn có thể deal được mức giá tốt. Còn tôi, sau khi nghe Chamnan và Long nói về Angkor Wat với niềm say mê vô bờ bến, tôi chẳng còn tâm trí để mặc cả giá nữa. Nghe họ nói thôi cũng đã đủ háo hức, chỉ muốn đi luôn và ngay rồi.

itR64iw.jpg


Đoạn đường từ Siem Riep đến Angkor Wat ngập tràn cây xanh. Chúng tôi có cảm giác như mình đang đi trên đường xuyên rừng để đến xứ sở của những ngôi đền, chứ không phải đi trên đường thông thường nữa. Sáng sớm, nắng vẫn chưa quá gay gắt. Rừng cây bao bọc mang lại cho tôi cảm giác mát rượi, tươi mới. Hít căng lồng ngực bầu khí còn chút sương mai và ngai ngái hương rừng này, tôi cảm thấy khoan khoái dễ chịu vô cùng. Trên đường đi, tôi có ghé qua một khu chợ nhỏ của người bản địa. Tôi bảo Long dừng xe chờ tôi xíu để xuống mua đồ. Chao, đây mới là chợ Campuchia chứ. Nhìn cái gì cũng lạ lắm luôn. Tôi hỏi người ta có bán nom-banh-chok không thì họ chỉ ra một chiếc xe đẩy nhỏ.

IT7fbaA.jpg


Một bát nom-banh-chok đầy đủ bao gồm: bún, một chút cá có màu xanh lá cây (hay chưa), ớt xanh cắt 2 quả, một ít đỗ tươi (không qua chần hay luộc, ăn sống luôn ạ), giá đỗ, dưa chuột cắt nhỏ, một ít rau lạ ăn khá thơm nhưng hơi chát, có vẻ giống lá sắn ăn nem bên VN nhưng lá thẫm với nhỏ hơn nhiều. Bao bọc lấy toàn bộ nguyên liệu là một thứ nước lèo màu vàng sữa có điểm thêm chút riềng xay, đượm hương cốt dừa ngầy ngậy. Sợi nom-banh-chok nhìn qua giống sợi bún, nhưng mềm mại và nhẹ nhàng hơn nhiều. Chắc tại bên này họ vẫn chưa biết đến sự tồn tại của hàn the hehe. Ăn vào cảm giác hơi rã rời và tan luôn trong miệng chứ không được mềm mềm sần sật kiểu như bún. Vị nước dùng hơi giống mùi nước giả cầy, chắc do có riềng và hơi ngậy quá. Về sau tôi mới biết trong những món đặc trưng của người Khmer, cốt dừa là thành phần không thể thiếu để món ăn dậy mùi hơn. Món này khá lạ (dù tôi chưa quen với vị lắm) nhưng tôi vẫn chén sạch một tô (tôi gọi tô nhựa mang theo chứ không ăn tại chỗ).
Đến Angkor Wat là 6h30. Nắng đã bắt đầu gay gắt, từng dòng người nối đuôi nhau vào thăm đền. Vừa bước vào hành lang ngoài cùng của ngôi đền, chúng tôi đã được 2 – 3 người đàn ông xồ ra, một tay cầm nén hương và luôn miệng “Buddha, buddha”, một tay hướng đến bức tượng Phật ở giữa hành lang. Tôi từ chối vì theo tôi nghĩ, đây chưa phải nơi thờ tự để có thể thắp hương. Nhưng chị Ngọc đã cầm một nén hương và thắp vào chân bức tượng. Thắp xong, họ đòi chúng tôi tiền “nhang nến”. Đến đây thì đã rõ việc tại sao những người đàn ông này lại nhiệt tình chăn dắt chúng tôi đến thế. Tôi đưa cho họ 1000 riel và đi thẳng, không dám ngoái đầu lại.

cur6D2G.jpg


Khi đi vào sâu hơn, chúng tôi dần bị choáng ngợp bởi kiến trúc kỳ vĩ của những ngôi đền. Những hành lang dài mênh mông được khắc họa tinh xảo bởi các họa tiết. Đó là những hình cô gái với điệu múa Apsara uyển chuyển đặc trưng, những hình chiến binh dũng mãnh, những khóm hoa sen mềm mại, tất cả hình hài được hiện lên trên những khối đá xám thông qua bàn tay tinh hoa của những nghệ nhân xưa. Từng bậc thang nhỏ và dốc dẫn lối lên phía trên được bảo vệ bởi các tấm ván gỗ rộng và dài hơn. Du khách sẽ bước lên trên những tấm ván này để tránh ảnh hưởng đến cấu trúc đá bên dưới. Toàn bộ ngôi đền được xếp bởi những khối đá với hình thù và cấu trúc hết sức hợp lý, hài hòa.
Sau một hồi thăm quan phía trước của đền và chụp ảnh ở “central of universe” – trung tâm của 4 hành lang dài trong đền, chị Ngọc đã thấm mệt và ngồi nghỉ. Còn tôi vẫn hừng hực khí thế leo lên ngọn tháp cao nhất. Phóng tầm mắt ra xung quanh, tôi thấy một bức tranh với đủ sắc màu: phía xa là những khinh khí cầu tròn tròn nhỏ nhỏ, chả hiểu sao tôi lại liên tưởng đến quả cà dại mới buồn cười chứ, gần thêm chút nữa màu xanh rì của những rừng cây khiến khung cảnh thêm tươi mát trong ngày nắng chói chang này. Toàn bộ ngôi đền được bao phủ bởi màu cỏ úa, trông cổ kính nhưng vẫn có nét gì đó thê lương, như nuối tiếc và hoài niệm về một quá khứ vàng son với đế chế Khmer hùng mạnh, và chấp nhận sự thật khắc nghiệt của hiện tại với tiếng thở dài vọng vào trong sâu thẳm.

Nu60dG9.jpg


Rời Angkor Wat, chúng tôi tiếp tục đến ngồi đền thứ hai: Bantea Kdei. Cổng đền là hình đầu Phật 4 mặt với nụ cười hiền từ an nhiên. Kiểu kiến trúc này xuất hiện rải rác ở khắp các phần của ngôi đền Kdei, mà trước đấy tôi không bắt gặp ở Angkor. Chúng tôi phải đi bộ vào trung tâm đền. Cái nắng ban trưa đã gay gắt, sẵn sàng quật đổ tinh thần của bất cứ du khách nào. Con đường đất nhỏ dẫn vào ngôi đền rợp bóng cây cũng không làm giảm bớt sự chói chang của nắng trên đầu và bụi dưới chân. Gần trung tâm đền có một ban nhạc chơi nhạc Khmer, nghe khá lạ tai, nhưng vì không hiểu gì nên tôi đi thẳng. Bước vào ngôi đền, tôi lập tức thấy bức tượng Phật, phía sau là một “bánh xe luân hồi”. Thấy tôi chăm chú nhìn bánh xe, một người đàn ông bước ra và giải thích cho tôi ý nghĩa của sự luân hồi và Đức Phật. Tự dưng thấy một người tốt quá trời sẵn sàng giải thích tỉ mỉ cho mình trong khi tôi chưa hỏi câu nào, tôi bỗng chờn lại. Tôi hỏi: “Anh là guide của ai à?” vì tôi thấy lúc đấy cũng có khá nhiều người đứng quanh. “Nếu cô thuê tôi thì tôi sẽ là guide của cô”. Tôi cũng nhã nhặn từ chối: “Cám ơn anh, tôi muốn tự mình tìm hiểu hơn. Or-cun”. Người này cảm ơn tôi và không đi theo tôi nữa. Thực ra người đàn ông này vẫn còn lịch sự chán, hơn những người đưa nhang ở Angkor Wat nhiều.

vmS1XHP.jpg


Dấu vết điêu tàn của thời gian và chiến tranh hiển hiện rõ ở ngôi đền này. Đền Kdei bị đổ nát khá nhiều, hiện đền đang được trùng tu, nâng cấp. Tuy vậy, những hoa văn tinh xảo trên từng khối đá vẫn có thể dễ dàng nhận ra. Khỏi phải nói tôi khâm phục và ngưỡng mộ sự tài hoa và kiên nhẫn của người xưa như thế nào. Nhìn chung ngôi đền cũng có vẻ đẹp riêng của nó, nhưng trước đấy tôi đã bị choáng ngợp bởi Angkor Wat vĩ đại rồi, nên ngôi đền này tôi không có ấn tượng quá lớn. Tất nhiên cũng là bởi tôi không có nhiều thời gian để dành cho Bantea Kdei nữa, bởi lúc đấy tôi đã đói lắm rồi. Đúng là cái mồm làm hại cái thân mà.
Long dẫn chúng tôi đến một nhà hàng nhỏ. Món ăn không có gì đặc sắc lắm. Nhưng lúc đấy đã là gần 12h trưa. Chúng tôi nhanh chóng ăn uống, nghỉ lấy sức một chút trước khi đến một ngôi đền mà Long hứa hẹn sẽ gây ấn tượng cực kỳ với chúng tôi – đền Ta Prohm.
Nét nổi bật nhất của ngôi đền này không đến từ kiến trúc của nó, mà là từ cây cối trong đền. Ngôi đền bị rừng già bao phủ và gần như bị nuốt trọn bởi các cây với hình thù kỳ quái. Những cây này không mọc từ đất lên. Thực ra những chú chim đã thả hạt cây xuống nóc của những ngôi đền và bức tường. Gặp điều kiện thích hợp, hạt cây nảy mầm. Rễ cây từ từ lan xuống tìm hơi đất. Dần dần, rễ cây càng lớn, càng phủ kín những nơi nó đi qua. Tàn khắc hơn, có những cây thậm chí đã phá hủy và làm xiêu vẹo những bức tường, đền đài. Khắp nơi từng tảng đá nằm ngổn ngang đến thê lương, tạo cho ngôi đền một vẻ kỳ bí khó tả. Chính cảnh hoang tàn này đã được chọn để quay cảnh truy tìm kho báu trong phim “Tomb Raider – bí mật ngôi mộ cổ”.


Ngôi đền khá rộng và đang trong quá trình trùng tu. Ngoài ra những cây cổ thụ kỳ quái cũng đồng thời được người ta bảo vệ bằng cách làm các trụ nâng đỡ cho từng tảng rễ cây khổng lồ. Những chỗ cho du khách tham quan đều có biển chỉ dẫn hướng khá rõ ràng. Ở chính điện của mỗi đền thờ đều có hình linga và yoni. Đây đều là những biểu tượng phồn thực của Hindu giáo. Đi đến phần nào của ngôi đền, chúng tôi cũng đều bị gây ngạc nhiên bởi những hình thù kì dị bắt gặp. Nhất là với những phần rễ cây có hình dạng giống với Linga. Tôi phát hiện ra những du khách Nhật rất thích chụp ảnh với các rễ cây kiểu này.
 
Re: Hành trình khám phá "Thế giới cổ đại" - Campuchia 4/11 - 9/11

Rời Ta Prohm, chúng tôi đến với đền Bayon thần bí. Đây là ngôi đền khiến cho tôi có cảm giác kỳ lạ nhất. Không như Angkor kỳ vĩ hay Ta Prohm điêu tàn, Bayon nhỏ hơn nhiều, nhưng cảm giác lại khiến cho tôi muốn khám phá nhất. Lúc này chị Ngọc đã hoàn toàn bị quật ngã nên đành ở lại nghỉ trên xe tuk tuk. Tôi vẫn hăng hái leo lên từng bậc thềm của đền, chốc lại ồ à vì những thứ mới mẻ. Ngôi đền không nhiều khách du lịch như các đền trước, cảm giác vẫn có không gian riêng để chìm đắm trong sự hỗn độn của hiện tại và quá khứ, của con người và thần linh, của điều bình thường và siêu thực. Dù cũng bị tàn phá, nhưng những kiến trúc đặc trưng nhất của ngôi đền vẫn may mắn còn được giữ lại. Đó là những tòa tháp có đỉnh là hình đầu Phật bốn mặt quay về bốn hướng. Hình tượng Ngài được tạc với khóe mắt dài, vô ưu nhìn đời và miệng cười mỉm đầy an nhiên. Đó là những bức phù điêu được chạm khắc vô cùng tinh xảo trên những bức tường kéo dài. Mọi người hay đi bậc thang lên những tầng trên của các tòa tháp, trong khi tôi thấy có lối đi xuống và không ghi biển cấm vào. Bước xuống từng bậc cầu thang nhỏ và hẹp khiến tôi phải xoay ngang chân để đi, tôi có cảm tưởng mình đang lạc vào một thế giới khác. Vừa sợ hãi run rẩy vì không khí vương mùi thời gian và không gian thì tối dần, vừa tò mò muốn xem có gì dưới đấy không. “Nhỡ gặp ma thì sao” – “Yên tâm, ma nhìn mình sẽ sợ. Sợ gặp mỗi người thôi” – tôi tự trấn an. Xuống đến nơi, tôi chả gặp ma cũng không gặp người nào. Ánh sáng le lói từ lỗ nhỏ trên đỉnh tháp hắt xuống khiến tôi càng cảm thấy ma mị và sợ hãi hơn. Tôi tự trấn an và đi tiếp. Tôi gặp một biểu tượng linga và yoni khá lớn. Khẽ lách người bước sang bên cạnh, tôi mò mẫm theo ánh đèn điện thoại đi tiếp. Hóa ra lối đi tối tăm này sẽ dẫn ra một hành lang ngập ánh sáng nhưng không khí lại vô cùng dịu mát. Nhìn lên sẽ là khoảng trời bị thu hẹp lại bởi những tòa tháp cao lớn. Đi tiếp thì tôi thấy biển cấm vào. Tự dưng tôi mừng húm như bắt được vàng. Nhanh chóng trở lại con đường vừa qua, tôi leo ton tót lên từng bậc thang, không dám quay đầu lại. Không phải vì sợ ma (vì tôi vừa kiểm chứng là không có con ma nào rồi) mà là vì chứng sợ độ cao của tôi.
Bước lên mặt đất, không khí lập tức oi nồng. Tôi nhanh chóng chụp ảnh các ngọn tháp và tìm đường ra ngoài. Cổng lúc vào tôi thấy góc chụp không đẹp lắm nên tìm một cổng khác với góc nhìn Bayon đẹp và hoành tráng hơn. Nhưng do trình độ chụp có hạn nên không thể lột tả hết được vẻ đẹp của ngôi đền. Ra đến nơi thì chị Ngọc đã làm được một giấc và chờ tôi về để đi tiếp.
Long chở chúng tôi đến điểm tiếp theo là đồi Ba Kheng. Long bảo đồi này cao lắm, đi sẽ mệt với mất sức lắm. Vì ngôi đền thì ở tít trên đồi, mà chúng tôi phải tự đi bộ từ chân lên đến đỉnh. Nghe Long nói tôi càng háo hức. Không biết là hôm đấy tôi ăn nhầm phải cái gì mà khỏe thế. Cứ thấy đi là mắt long lanh hết cả lên. Long đột nhiên dừng lại, chỉ tay vào mấy chú khỉ bên đường và hỏi tôi có muốn chơi với chúng không. Tất nhiên một đứa ham vui như tôi sao có thể bỏ qua được chứ. Tôi xuống xe, cầm theo máy ảnh và túi ngô mua tầm sáng. Tôi kiểu rất hăm hở cho mấy chú khỉ hiền lành ăn, không nghĩ đến việc không phải con khỉ nào cũng thân thiện như thế. Đang đưa nửa bắp ngô ra, tự dưng một con khỉ ở đâu xông tới, càu quạu cướp ngô từ tay tôi. Đã thế còn cào tôi một cái rõ đau, sau đấy ngang nhiên ngồi lên xe của chúng tôi tìm đồ ăn tiếp. Long tìm gậy xua nó đi khiến tôi thấy ngạc nhiên. Tôi hỏi: “Anh không sợ à? Vì tôi thấy người dân có vẻ kiêng nể loài khỉ, chả mấy khi xua đuổi chúng”. “Uhm vì tôi không tôn thờ loài khỉ mà. Tôi là người Hồi giáo” – Long nói và có vẻ đôi chút e ngại. Tôi thề là mình đã có ý nghĩ xấu xa về Long khi nghe tôn giáo của anh ngay lúc đó, nhưng vẻ ngại ngùng và đôi mắt đẹp đến hút hồn của anh nhanh chóng xua đi đám mây đen u ám chuẩn bị tích tụ trong đầu tôi. Phải rồi, có gì đâu cơ chứ. Mình lại tự làm mình hoảng sợ chứ có phải ai làm đâu.
Long dừng xe ở chân đồi Bakheng và dặn chúng tôi về khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên đó. Anh còn cẩn thận nói thêm nếu chúng tôi mệt, không nhất thiết phải leo lên nữa đâu. Anh sẽ chở chúng tôi lại Angkor Wat để ngắm bù cảnh hoàng hôn. Tôi nhìn đồng hồ: mới có 3h hơn, quá sớm để đón hoàng hôn. Tuy vậy tôi vẫn muốn xem trên đỉnh đồi kia là gì. Quãng đường đồi khá vắng vẻ. Chỉ có chúng tôi đi lên, thỉnh thoảng có 2-3 người đi xuống và nhìn chúng tôi chằm chằm. Tôi bảo chị Ngọc nếu có gì xảy ra, sẵn sàng vứt dép để chạy chị nhé. Đúng là chỉ lo xa. Đường đồi không dốc lắm nên tôi leo cũng không mệt. Thi thoảng có trạm nghỉ chân để chúng tôi dừng lại ngắm khung cảnh bên dưới. Thực lòng mà nói chiều hôm đấy trời không còn nắng đẹp mà chuyển sang kiểu nắng “chết” – nắng ảm đạm chứ không còn vẻ vui tươi chói chang nữa. Nhưng điều hụt hẫng hơn, đó là khi bạn được nói rằng đoạn đường sẽ rất dài và mệt, trong khi đó bạn leo chưa kịp mệt thì đã lên đến nơi. Tôi với chị Ngọc quay sang nhìn nhau: ngắn thế này thôi á? Đúng là chưa kịp mệt thật mà. Hay là chúng tôi đi nhầm đường? Hay là tôi uống nhầm thuốc tăng lực? Đúng là lên đến đỉnh rồi, vì đền đài ngay kia rồi. Ngôi đền này cũng không cao lắm, chúng tôi leo một lúc là lên đến đỉnh đền. Nhìn xung quanh cũng không có gì ấn tượng nên ngồi nghỉ một lúc, chúng tôi lại leo xuống. Long hỏi thăm chúng tôi có mệt không, tôi bảo chưa kịp mệt đã lên đến nơi rồi. Lòng thầm nghĩ còn không bằng leo chùa Yên Tử với Lôi Âm ở mình.

bMeYGR1.jpg


Tôi bảo Long chở đến Angkor Wat để ngắm hoàng hôn. May mắn thay đến Angkor thì trời lại nắng đẹp trở lại. Chị Ngọc – lại một lần nữa – bị tuổi tác và sức nóng đè bẹp nên đành ở trên xe, để tôi một mình vào đền. Angkor lúc này có vẻ đông hơn: cả du khách lẫn các nhà sư. Nắng vàng buổi chiều, vạt áo cam đỏ của các nhà sư hiện lên nổi bật trên từng hành lang xám khói. Tôi chạy lăng quăng khắp các ngôi đền bên cạnh đền chính mà sáng nay chưa ghé qua, tranh thủ chụp nhiều ảnh hết sức có thể. Trời chiều dần buông, nắng đã le lói hắt màu lên 5 ngọn tháp chính, hòa quyện thành khối màu đỏ gạch in trền nền trời trong trẻo. Tôi vô cùng mãn nguyện vì hôm nay, tôi đã có được những cảm xúc trước đây chưa từng có.
Về đến nhà nghỉ đã hơn 6h tối. Tôi trả cho Long tiền xe tuk tuk, không quên cảm ơn và gửi anh 2$ tiền tip thêm vì tất cả những gì anh đã làm cho chúng tôi ngày hôm nay. Người tôi đã thấm mệt, nhưng vì chưa có gì bỏ bụng nên tôi lại lết thân xác nặng nề đi tắm rửa sạch sẽ, sau đó đi chợ đêm và tự thưởng cho mình 10p massage Thái.
Chợ đêm cách nhà nghỉ chưa đầy 1km. Chúng tôi đi bộ ra chợ, tự hòa mình vào không khí náo nhiệt ở đây. Ngồi ở đầu chợ là một ban nhạc đường phố gồm 5 người, họ đang chơi bản nhạc gì đó tôi nghe không rõ lắm. Thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe, họ liền chuyển sang chơi bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”… Wowww, sao họ biết mình là người Việt ta? Họ chơi đàn rất có duyên, vừa chơi vừa hát theo vui vẻ. Khán giả bên ngoài cũng vỗ tay nhiệt tình ủng hộ. Sau đấy, hình như cũng có du khách người Trung Quốc trong đám đông, họ liền chuyển qua chơi 1 bài nhạc hoa sau khi đã hết bài nhạc Việt. Tôi bỏ vào hòm của họ 2000 riel, thầm nghĩ: “Người Campuchia rất giỏi kiếm tiền từ khách du lịch, ngay từ những việc nhỏ nhất như thế này”. Chợ đêm Siem Riep, nhìn chung không có gì nổi bật. Nó cũng giống như các khu chợ đêm khác như ở bên mình. Lượn một vòng, chị em chúng tôi dừng lại trước cửa hiệu Thai massage với bảng giá 1$ cho 20p. Thấy cũng khá hợp lý nên chúng tôi bước vào. Mùi tinh dầu và các động tác massage chân khiến chúng tôi thấy hoàn toàn thư giãn sau một ngày dài đi bộ, leo trèo nhiều.

TIjH0dS.jpg


Đến khoảng 9h tối, chúng tôi về phòng nghỉ, sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị lên chuyến xe lúc 10h đêm về Phnom Penh. Thu xếp xong xuôi, tôi chào tạm biệt Mr. Champion, hi vọng một ngày nào đó sẽ gặp được anh tại Việt Nam. Xe đêm tôi đặt của hãng Oriental Express, xe còn mới, giường nằm máy lạnh đầy đủ và thoải mái, và còn có xe pick-up miễn phí nữa. Xe chạy rất đúng giờ, đường đi khá xóc nhưng xe chạy rất êm khiến tôi có cảm giác an toàn. Nhanh chóng, chúng tôi dần chìm vào giấc ngủ sau một ngày mệt mỏi.
 
Re: Hành trình khám phá "Thế giới cổ đại" - Campuchia 4/11 - 9/11

Ngày 4: Phnom Penh giờ đã “hơi” đẹp
.
6h sáng, xe thả chúng tôi tại chùa Wat Pho, từ đó đi bộ vào Me mates place chỉ một đoạn ngắn. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này chúng tôi không đặt phòng đôi nữa mà đặt phòng dorm – vừa tiết kiệm, vừa thoải mái hơn. Dormitary – một loại phòng dành cho dân du lịch balo với chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện cơ bản. Nếu bạn không cần gì khác ngoài một chỗ ngủ + tắm, dorm chính là lựa chọn của bạn. Ở dorm, không gian riêng tư vẫn được đảm bảo ở mức cần thiết, tất nhiên không thể bằng việc thuê hẳn một phòng riêng rồi. Các vị khách ở cùng phòng rất lịch sự, hầu như họ chỉ nói chuyện với bạn khi bạn chủ động bắt chuyện với họ, trừ một số trường hợp họ quá thân thiện nên hỏi thăm bạn trước. Không phải là họ chảnh hay gì, đơn giản họ cũng như bạn, cần một không gian riêng tư trong một phòng tập thể mà thôi. Chúng tôi thuê 2 giường trong 1 phòng 6 giường khá sạch sẽ, nhà tắm + vệ sinh chung, máy lạnh chạy mát rượi. Trong phòng có 1 safe box, mỗi người sẽ được 1 box để bỏ đồ đạc của mình vào và khóa lại. Rất tiện lợi.
Ở cùng phòng với chúng tôi là một anh bạn người Đức, 1 chị Trung Quốc, 1 bạn gái người Hà Lan rất dễ thương. Vừa nhìn thấy chúng tôi, chị Trung Quốc đã hỏi mấy câu bằng tiếng Trung rồi. Chúng tôi vội xua tay: “Nô nô. I’m Vietnamese”. Có lẽ hơi xấu hổ vì nhận nhầm, chị xin lỗi chúng tôi và cúi xuống tiếp tục đọc sách.

K1IWy9m.jpg


Trong một phòng với những người đến từ nhiều nước khác nhau, bạn nên học cách chấp nhận sự khác biệt văn hóa, mà đơn giản nhất là sự khác biệt trong từng hành động họ làm mỗi ngày. Tôi đã bị sốc khi nhìn anh bạn người Đức gần như nude chạy từ giường vào nhà vệ sinh. Nói gần như nude – tức là anh chỉ mặc trên người mỗi chiếc quần chip, và phô bày hết cơ thể vạm vỡ cường tráng ra ngoài. Dù bị sốc nhưng tôi vẫn kịp nhìn ngắm body chuẩn như một bức tượng của anh. Về sau tôi mới biết việc ngủ nude của mấy bạn châu Âu này là chuyện thường ngày ở huyện, hẻm có gì phải sốc cả.
Chúng tôi đến nhà nghỉ lúc sớm nên hầu như mọi người còn ngủ. Nhẹ nhàng cất hết đồ vào safe box, tôi cũng kịp ngất đi mấy tiếng đồng hồ. Tỉnh dậy thì đã gần trưa, chúng tôi quyết định ăn “sướng” một bữa. Tôi chọn một nhà hàng trên tầng 5 của khu Sorya Shopping Center cho bữa trưa. Nói là nhà hàng cho to tát, thực ra đấy cũng giống như kiểu Food Court ở BigC bên mình thôi. Lướt qua menu một lượt, tôi – với bản tính thích thử đồ lạ - gọi cho mình món Cà ri Khmer. Còn chị Ngọc chọn một món Thái quen thuộc hơn. Dù sao tôi nghĩ đến Cam thì nên ăn món Cam chứ nhỉ ;)

p8kjs4Z.jpg


Sau này tôi mới thấy hơi hơi tiếc vì lựa chọn của mình. Món Cà ri Khmer (một lần nữa) lại đầy nước cốt dừa ngầy ngậy beo béo, không thấy vị mặn mà đâu hết, trong khi chị Ngọc ăn món Thái lại có vẻ khá ngon miệng. Nuốt nước miếng vào trái tim, tôi ngậm ngùi nhá hết nửa bát cà ri, rệu rạo không thể tả. Tôi tự an ủi: thôi biết món Khmer rồi nhé, không hối tiếc gì nữa, chỉ cần lạ là được, nếu ngon thì càng tốt, không ngon cũng ăn cho biết. Bữa ăn kết thúc bằng 2 bát chè xoài và chè thạch khá ngon mắt và bắt miệng. Dù sao cũng là cái kết có hậu mà :p
Từ chỗ này đi ra khu Central Market rất gần. Chợ trung tâm là một tòa nhà rất rộng có cấu trúc mái vòm. Bao quanh ngoài chợ là các khu hàng tạp hóa, sim thẻ, đổi tiền… Ở chính giữa chợ là quầy vàng bạc trang sức, từ tâm này tỏa đi các nhánh, các ngõ chợ khác nhau được chia khu khá rõ ràng, dễ nhận biết cho du khách. Trong đó nhiều nhất phải kể đến khu quần áo. Bước vào đây, tôi như bị lạc đi bởi nhiều loại quần áo với sắc màu đa dạng. Tôi rất thích những chiếc áo phông màu hơi hoa lá cành chút, và có in những slogan thú vị. Đồ Trung Quốc và Campuchia thì rẻ hơn chút, còn đồ Thái đắt hơn nhưng dĩ nhiên chất vải đẹp và màu tươi sáng hơn hẳn. Sang đến đây, bạn đừng quên mua cho mình một chiếc khăn rằn ri đúng chất Campuchia nhé. Rẻ và đẹp hơn so với mua bên VN nhiều. Tôi tậu cho mình hẳn 2 chiếc khăn với giá 4$ (tính ra có hơn 40k cho một chiếc khăn khá dày dặn). Khi mua đồ, các bạn cứ thỏa sức mặc cả, vì họ nói thách khá cao. Thông thường bạn nên trả xuống hẳn còn 1 nửa hoặc 1/3 so với giá họ đưa ra. Nếu họ đồng ý thì bạn mua, không thì thôi, họ cũng chẳng chửi hay bắt bạn mua hàng bằng được.

Quá hoa mắt với những món đồ trong chợ, chúng tôi đành đi ra và bắt xe tuk tuk xuống Hoàng cung. Trước lối vào là một quảng trường rất rộng lớn, quay mặt ra phía sông nên mát mẻ vô cùng. Điều ấn tượng nhất với tôi ở đây là chim bồ câu. Chốc chốc từng đàn chao liệng từ phía trên cung điện xuống quảng trường, sau đấy lại vội vã tung đôi cánh bay lên trên. Những bé gái bán hàng rong trên tay cầm mấy bịch ngô, rải đầy trên đất dụ chim bồ câu. Lúc từng đàn sà xuống mổ ngô, các bé lại chạy vào giữa đám dọa khiến chúng hoảng hốt bay tan tác. Cánh bồ câu rợp trời. Giữa khung cảnh thơ mộng ấy chẳng may có con nào buồn vệ sinh thì vui nhỉ, hí hí. Tôi phải công nhận chiêu tiếp thị bán hàng của các bé gái này rất tự nhiên. Sau đấy có kha khá nhiều người mua ngô và bắt chước những trò của các bé, cốt sao cho có khung hình thật đẹp để chụp ảnh checkin. Sao ai cũng sống ảo như tui vậy cà?
Ngồi hóng mát ở đây một lúc lâu, chúng tôi mới định vào thăm Hoàng cung. Nhưng lúc này đã là gần 17h – giờ đóng cửa rồi. Đành để sáng mai tham quan vậy, vì dù sao trưa mai chúng tôi mới có chuyến xe về Sài Gòn. Xe tuk tuk chở chúng tôi về nhà nghỉ theo lối bờ sông nên rất thoáng mát. Từng người đi bộ thể dục, từng top du khách lên xuống thuyền để ngắm cảnh sông vào buổi tối khiến chỗ này rất tập nập. Tôi bảo tuk tuk thả chúng tôi ở chỗ bờ sông gần nhà nghỉ nhất, định đi dạo một chút rồi về.

4foCMxn.jpg

aZJ1xFF.jpg

Chùa Phật Ngọc

Buổi tối, chỗ chúng tôi ở gần một khu chợ nhưng không phải chợ đêm. Trên đường đầy những xe bán trái cây ăn sẵn. Hoa quả được gọt ra, bày sẵn riêng rẽ từng loại một trong những chậu vun đầy. Đếm sơ qua họ cũng phải có gần 15 loại trái khác nhau. Bên cạnh là 3 chậu muối ăn kèm: 1 chậu muối ớt đâm đỏ thẫm, 1 chậu muối mù tạt xanh nhờ nhờ, 1 chậu muối sa tế vừa nhiều dầu mỡ vừa sặc mùi cay, hơn hẳn 2 loại muối trên. Chúng tôi gọi 1 túi thập cẩm các loại trái mà giá chỉ khoảng 30k, kèm 3 túi muối nho nhỏ để có thể nếm được các vị. Ngoài những loại trái cây quen thuộc ra như ổi, táo, dưa, xoài xanh… ra thì còn có 3 – 4 loại trái khá lạ, ăn cũng hay hay. Trong đó có một loại vị rất giống táo ra, nhưng ăn lại mềm mềm bở bở. Muối chấm đi kèm ăn vừa ngòn ngọt, vị mặn vừa không quá gắt, và vị cay thì đúng là rất đáng để nhớ. Loại ít cay nhất là muối mù tạt, tiếp đến là muối ớt đâm và cuối cùng là muối sa tế. Nhưng theo nhận xét của chị Ngọc: thua mắm ruốc bên mình. Xoài xanh mà chấm mắm ruốc cứ phải gọi là số dzách.

gTGI3Cr.jpg


Ngồi ở một quán nhỏ ven đường, tôi gọi 2 tô bún nước lèo. Lúc đầu vào quán, tôi tưởng chủ quán là người Campuchia nên tôi nói tiếng Anh. Nhưng dì ấy nghe một hồi rồi quay sang bảo anh con trai: “Nó nói gì hổng hiểu hết trơn”. Tời quơi, tôi muốn có cái lỗ nẻ nào mà chui xuống quá. Xấu hổ muốn chết luôn à. Tôi cười giả lả bảo dì: “Dì ơi cho con 2 tô bún nước lèo nè. Nãy con tưởng gì người Cam nên con nói vậy. Giờ biết dì người Việt rồi nên mình nói tiếng Việt luôn nghen”. Dì cũng cười, hóa ra là đồng bào mình cả. Chúng tôi vừa ăn vừa nghe dì kể chuyện dì đã sang đây hơn 20 năm, buôn bán cứ túc tắc. Dì bảo mấy cái nhà to to sau lưng chúng tôi là nhà của người Cam đấy, nhưng khi Polpot diệt chủng thì người Bắc sang đây lấy làm nhà ở, buôn bán làm to nên giàu có lắm. Còn khách sạn phía trước mặt là chỗ ăn chơi có tiếng ở đây. Tôi thầm nghĩ “Lại thêm một khu thể thao liên hợp nữa à?” sau khi nhìn thấy từng đàn chân dài làm xiếc trên một chiếc xe máy và đỗ xịch trước cổng khách sạn. Dì nhìn bĩu môi, lắc đầu đầy ngán ngẩm: “Toàn gái việt đấy con ạ”. Chúng tôi ăn xong, dì tính tiền 25k/bát đầy thịt và chả. Quá rẻ và chắc cái bụng luôn.

w8HM1uG.jpg


Về đến nhà nghỉ, tôi ngồi bắt chuyện với mấy bạn trong phòng còn chị Ngọc đi tắm và ngủ sớm. Bạn gái người Hà Lan kể mới nghỉ việc, bạn đã đi được gần 10 nước. Bạn rất ghen tị với người châu Á vì ở đây có quá trời cảnh đẹp để đi. Tôi thì lại ước ao được sang châu Âu một lần để ngắm nhìn những lâu đài hay xuất hiện trong những giấc mơ cổ tích hồi bé. Chị người TQ tên Coco, chưa lập gia đình và hơn cả tuổi chị Ngọc, đã chu du hơn 1 năm nay. Sắp tới chị còn định sang Hàn Quốc để học thêm về nghệ thuật nữa. Hiện giờ dự định của chị ấy đã thành hiện thực. Cả hai người bạn này đều đã sang VN rồi. Họ nói họ ấn tượng với con người và đồ ăn VN rất nhiều. Nhưng điểm chung lớn nhất của hai bạn gặp ở VN: đó là bị lừa ở Mũi Né. Coco bảo Mũi Né là chỗ tồi tệ nhất VN (tôi nghĩ thầm “Đấy là bà chưa đi đến những chỗ tồi tệ hơn thôi”). Chị bị lừa tiền taxi, tiền thuê xe máy, tiền đổ xăng, nhân viên nhà nghỉ không nhiệt tình giúp đỡ… Tôi xin lỗi họ và giới thiệu những cảnh đẹp khác ở VN, hi vọng họ sẽ thông cảm hơn và vẫn đến VN vào lần kế tiếp. Ngồi nói chuyện du lịch xong chúng tôi quay qua chủ đề dưỡng da. Bạn Hà Lan chỉ đơn giản có tuýp sữa rửa mặt và kem dưỡng, tôi có hơn bạn ấy 1 tube chống nắng. Cả hai chúng tôi đều ngưỡng mộ những loại mỹ phẩm mà Coco mang theo. Không thiếu một thứ gì cả, từ make up đến skincare. Thảo nào mà balo chị ấy to vật vã, to nhất trong các safe box ở phòng.



Coco rủ tôi và cô bạn Hà Lan đi bar, nhưng vì đã mệt nên tôi xin phép 2 bạn ở nhà để nghỉ. Hai bạn đi rồi, phòng chỉ còn tôi và chị Ngọc, tha hồ vẫy vùng. Ở dorm hay thật, nhờ vậy hôm nay mình đã có thêm 2 người bạn mới rất thú vị đấy chứ.
.
 
Re: Hành trình khám phá "Thế giới cổ đại" - Campuchia 4/11 - 9/11

Ngày 5: Tuyệt hay không là ở thái độ mình
.
Điều tuyệt nhất mỗi sáng là khi thức dậy là bạn có công việc để làm trong ngày. Tôi cũng vậy, vì hôm qua đã lỡ mất buổi đi thăm Hoàng cung nên hôm nay, tôi phải dậy sớm, chuẩn bị mọi thứ tươm tất nhất có thể. Đến hoàng cung vào lúc sớm, vừa xuống tuk tuk đã có một người đàn ông ra bảo với chúng tôi:
- Hôm nay Hoàng cung đóng cửa vì lễ Full-moon, không có khách du lịch nào trong đấy đâu.
- Thật á, thế chúng tôi phải làm sao? – Tôi hỏi lại
- Tôi sẽ chở 2 người đến ngôi chùa Vàng cách đây không xa lắm, đẹp tuyệt vời luôn.
Nghe giọng này tôi đã thấy mùi “đào lửa” rồi. Nhìn quanh, tôi vẫn thấy những toán khách đi vào Hoàng cung. Thấy vậy gã nói:
- Kiểu gì tí họ cũng phải ra thôi. Hôm nay lễ mà, nhà Vua đã thông báo rồi.
Tôi mặc kệ gã nói và tiếp tục đi thẳng theo toán khách du lịch vừa nãy. Tôi nhận ra đây là hướng dẫn viên của đoàn này nói được tiếng Việt nên chạy lại hỏi. Anh bảo: “Đúng là hôm nay có lễ Full-moon, nhưng chỉ tổ chức buổi chiều tối thôi. Sáng Hoàng cung vẫn mở như bình thường”. Ra là vậy. Tôi rối rít cảm ơn anh và kể lại chuyện vừa nãy. Anh bảo không cần quá lo lắng, vì thực ra họ cũng chỉ vì miếng cơm manh áo thôi, không nên giận lâu. “Họ đi nhiều nên họ nghĩ bao dung quá” – tôi thầm nghĩ.

zJGuAzy.jpg

Tranh đã bị hư hại và không thể phục hồi :(

Vé tham quan Hoàng cung là 6$/người. Nhưng chả biết lúc ở nhà bị ngớ ngẩn làm sao, tôi lại hồn nhiên mặc cái áo ba lỗ kute hôm mua được ở Siem Riep. Đến lúc mua vé, họ nhìn tôi và hỏi ăn mặc kiểu gì thế. Đến lúc này, nhận ra thì đã muộn. Họ không đồng ý cho tôi choàng khăn để che vai + tay mà bắt tôi mua một chiếc áo phông in hình Hoàng cung có bán trước cổng mua vé. 3$ tiền ngu bù vào kể cũng đáng. Mua vé xong xuôi, chúng tôi đi theo chiều mũi tên hướng dẫn du khách, tiến vào khu vực chính. Khuôn viên ở đây rất rộng, từng bãi cỏ được cắt tỉa và trang trí cẩn thận, đẹp đẽ. Những cụm hoa nhiều màu sắc làm nên cảnh đẹp rất tươi vui nhưng cũng không kém phần sang trọng cho nơi đây. Từng cụm cây cao đều tăm tắp thả hoa vàng xuống thành từng chùm, lả lướt buông trên vai du khách. Theo tôi thấy ở Hoàng cung có 2 phần chính: một là cụm cung điện, một là cụm chùa + stupa. Cung điện Hoàng gia Campuchia trông có lẽ nhỏ hơn so với Cung điện Hoàng gia Thái Lan, tuy nhiên mỗi nơi lại có vẻ đẹp riêng đáng ngưỡng mộ. Cụm cung điện chia làm 2 phần: một phần dành cho khách tham quan du lịch, một phần là nơi ở của Hoàng gia nên không cho phép du khách. Sau đó chúng tôi đi sang chùa Phật ngọc. Bức tường bao quanh chùa, ngăn cách chùa và Hoàng cung được vẽ rất nhiều tranh minh họa cho bộ sử thi Ramayana nổi tiếng. Các bức vẽ hiện nay đã bị hư hỏng nhiều do thời tiết. Người ta bảo trận lụt năm ấy (năm nào nhỉ?) khiến bức tường bị ngập trong nước lũ một thời gian rất lâu, gây ra thiệt hại không thể khôi phục được. Đúng là nửa dưới của bức tường không còn mảng màu nào, chỉ còn màu hoen ố của thời gian.
Chùa Phật ngọc có bức tượng Phật bằng ngọc rất lớn phía trong, nhưng người Việt gọi là chùa vàng chùa bạc do chú ý trong chùa có rất nhiều đồ được làm từ vàng bạc. Vì đây là ngôi chùa rất linh thiêng nên có khá nhiều du khách cúi rạp người cầu nguyện. Tôi chắp tay, chỉ cầu mọi điều bình an, không dám xin thêm gì khác. Dạo chơi trong khuôn viên chùa tôi thấy thực sự thanh thản, điều tôi luôn tìm kiếm được mỗi khi vào bất cứ ngôi đền chùa nào.

E2RIwtD.jpg

Một mảng tranh còn "sống sót"

Rời chùa cũng đã gần trưa. Chúng tôi về lại nhà nghỉ chuẩn bị checkout. Trước lúc đi, tôi kịp ôm và cảm ơn 2 cô bạn cùng phòng vì đã cho tôi những thời gian trò chuyện vui vẻ. Tôi mời họ đến Hải Phòng chơi nếu có cơ hội. Coco đã giữ lời hứa với tôi khi sau đấy 3 tuần, chị đến chỗ tôi, chỉ để gặp tôi trước khi về Trung Quốc. Tôi thật sự xúc động. Vì nếu ở Hà Nội, chị có thể bắt tàu đi thẳng về nhà ở bên TQ rồi. Xuống HP, chị lại phải bắt 3 lần xe để về nhà. Tôi thực sự rất xúc động về điều này.
Lên xe lúc 1h chiều, tôi ngủ một mạch khi xe đến cửa khẩu. Lần xuất nhập cảnh này không khác lần trước là mấy, lâu tương đương nhau. Xe chạy về đến Phạm Ngũ Lão là 8h tối. Kết thúc một chuyến đi an toàn và vui vẻ.
Vui vẻ hay không, đúng là do mình nghĩ. Nếu chỉ cố giữ những ấn tượng ban đầu không tốt về Phnom Penh, chắc tôi chẳng có những phút giây vui vẻ sau đấy. Tôi quan niệm, không có chuyện tốt hay xấu, chỉ có kinh nghiệm được rút ra sau mỗi lần thôi. Tôi học được nhiều điều qua chuyến đi này: tính cẩn thận, cảnh giác, phép lịch sự, sự vị tha cần thiết. Tôi gặp những người bạn mới: vui vẻ và nhiệt tình, ham học hỏi. Càng đi tôi càng thấy mình bé nhỏ. Thế giới quá rộng lớn mà con người thì hữu hạn. Còn sống là sẽ còn cố gắng không ngừng nghỉ vì đam mê của mình.


Vì cuộc sống là không chờ đợi!
 
Re: Hành trình khám phá "Thế giới cổ đại" - Campuchia 4/11 - 9/11

bạn gái này cá tính dữ nha :) nghe cách kể chuyện đã thấy chất rồi :D
mà công nhận chùa chiền ở bên ấy đẹp thật đấy
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,578
Bài viết
1,169,942
Members
192,193
Latest member
SELLA
Back
Top