What's new

[Chia sẻ] Hẹn hò với Victoria

Victoria là thủ phủ của tỉnh Bristish Columbia, mặc dù Vancouver mới là thành phố lớn nhất. Nó nằm ở chỏm cực Nam của đảo Vancouver, ngoài khơi Tây Nam Canada và Tây Bắc Hoa Kỳ. Phương tiện phổ biến nhất để đi lại giữa thành phố này và đất liền là phà và du khách mất chừng hơn một tiếng rưỡi di chuyển trên biển để đi từ Vancouver đến với Victoria.

Tôi đã nghe nhiều về nó từ lần đầu đặt chân đến đất nước này. Nó khác xa với một Vancouver xô bồ và nhộn nhịp, đông đúc người nhập cư gốc Á. Victoria là một thành phố vẫn còn giữ được sự yên bình, thanh tĩnh của những ngày xa xưa.

Từ Langley nhỏ bé của tôi đến Victoria là một chặng đường dài, đi qua đến tận 5 lượt buýt, một lượt tàu điện và một lượt phà. Không phải cứ nhảy lên xe là đi mà tôi phải nghiên cứu trước thời gian buýt chạy, bến buýt để kết hợp sao cho hợp lý và tiết kiệm thời gian nhất. Chỉ cần không cẩn thận, để lỡ một chuyến buýt thì có thể tạo nên hiệu ứng domino, lỡ hàng loạt chuyến đi sau đó.

Một vấn đề nữa khi đi du lịch đó là tiết kiệm tiền bạc tối đa có thể. Di chuyển bằng phương tiện công cộng thì đã tiết kiệm hết mức có thể rồi, tôi không thể nào tiết kiệm thêm được nữa, có chăng là phải tìm cách cắt giảm tiền lưu trú. Khách sạn ở Canada rất đắt đỏ, giá một giường trong phòng tập thể dành cho dân đi bụi, rẻ nhất cũng tầm 30 đô rồi (chừng đó tiền ở nhiều nước châu Á có thể thuê một phòng to bự cho cả gia đình nhỉ?), phòng hai người tệ ra cũng 60 70 đô trở lên. Tôi tìm được phòng rẻ nhất có thể ở ngay trung tâm, hơn 70 đô 1 đêm. Rẻ nhất có thể, nhưng vẫn còn quá đắt, thế là tôi lại lọ mọ lên Couchsurfing tìm chỗ ở miễn phí. Đây là một trang xã hội kết nối những người thích đi du lịch và sẵn sàng chia sẻ chỗ ở với nhau. Tôi cho bạn ở miễn phí rồi thì sẽ có người khác cho tôi ở miễn phí. Thế nhưng việc tìm được một người cho ở nhờ cũng không phải dễ. Hàng trăm lời yêu cầu gửi đi thì chỉ được chừng mười phần trăm nhận được hồi đáp, hầu hết đều từ chối vì nhiều lý do này nọ như đã đầy người, đã đi khỏi Victoria, quá bận bịu... Sắp đến ngày đi, tôi quyết tâm vét cú chót, gửi thêm vài yêu cầu nữa. Không ngờ lần này tôi nhận được một lời chấp nhận. Khỏi phải tả cảm giác lần đầu tiên nhận được một lời chấp nhận cho ở miễn phí như thế, sung sướng không thể tả. Tôi lật đật hủy ngay đặt khách sạn (các trang đặt chỗ khách sạn đều có chính xác hủy đặt phòng một ngày trước ngày nhận phòng mà không phải chịu bất cứ một chi phí nào).

Sau khi lập thời gian biểu đi lại, xác nhận được chỗ ở, việc còn lại của tôi là tìm hiểu các thông tin liên quan đến du lịch Victoria. Thời gian hạn chế và đi với tiêu chí tiết kiệm, tôi cần phải tìm hiểu các địa điểm vui chơi miễn phí, tuyến buýt đi đến đó. Thông tin luôn là yếu tố đặt lên hàng đầu trong những chuyến đi xa để đảm bảo nó được trọn vẹn.

Mọi thứ đã sẵn sàng, lại vác ba lô lên đường…

Từ Langley của tôi ra bến phà Tsawwassen có 40km, nhưng vì đi buýt vòng vèo nên phải mất tầm 2 tiếng mới tới nơi. Xe từ từ chạy qua mạn Bắc của vùng Delta, dọc theo sông Fraser. Delta là vùng nông nghiệp rộng lớn nằm ở phía Nam Vancouver mà tôi đã có một lần đi đường cao tốc chạy cắt giữa vùng này để suy nghĩ và kể tản mạn về chuyện trồng trọt ở đây. Lần này tôi lại có dịp chiêm ngưỡng Delta theo một góc nhìn khác. Nếu như mạn Nam Delta là những cánh đồng trải dài tít tắp, thì ở mạn Bắc, các hoạt động công nghiệp diễn ra sôi động. Bên đường, các nhà máy chế biến gỗ, công ty xây dựng, các bến bãi container, kho hàng,… cứ nối tiếp nhau hàng chục cây số. Bên đường còn lại là con sông Fraser ngoằn ngoèo ôm sát, nơi có các cảng sông và nhà máy hoạt động nhộn nhịp. Nhìn những dãy container, đầu kéo, nguyên liệu,… nằm trải dài, tôi mới hiểu được sức mạnh công nghiệp của vùng Vancouver. Từ đây, các loại nông sản, chế phẩm gỗ, các nguyên liệu thô được đưa trực tiếp vào sản xuất trong các nhà máy hoặc theo các xe container ra bến cảng, xuất đến các nơi khác. Nếu như các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp Việt Nam được phát triển kết hợp với hệ thống đường giao thông, nhà máy chế biến, các kho tàng bến bãi và hệ thống vận chuyển tốt như thế này, chắc chắn đời sống của nông dân Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam sẽ khác nay rất nhiều.[/FONT]
[/SIZE]
 
Xe vẫn chạy trên những con đường dài và quạnh quẽ của miền Delta. Đất đai nông trại bạt ngàn, lâu lâu mới lại thấy lơ thơ một bóng nhà cô lẻ. Ờ, nhìn những cánh đồng lại bất giác nhớ tới một bài hát mà tôi đã thuộc và yêu từ xa xưa lắm "Walking through the green fields, sunshine in my eyes...". Bao năm đã qua rồi, những câu hát cũ thì vẫn thuộc nhưng tôi đã không còn ao ước nữa. Thời gian và những lo toan tàn phá đi những giấc mơ ngày bé- cái thời mà người ta không làm gì khác là ăn học và ngồi mộng mơ. Cánh đồng trước mặt, nhưng một chú bé rong ruổi chạy giữa cánh đồng ấy chỉ còn là quá vãng xa xăm.

Vậy là tôi đang đi những đoạn cuối trên con đường dẫn ra bến phà. Người ta đổ đất đá lấn biển, làm nên một con đường dài chạy đơn độc giữa hai bên biển cả bao la dài hàng mấy cây số. Ở đầu mút của con đường là một bến phà hoành tráng như một cầu cảng, gần chạm với phân chia lãnh hải Mỹ- Canada trên biển. Từ bến đó có phà tỏa đi ra nhiều nơi trên đảo Vancouver cũng như đi xuống các vùng thuộc tiểu bang Washington của Mỹ.

Những con phà ở đây mang tiếng là phà nhưng to lớn như tàu vậy. Nó có thể chứa hàng mấy chục xe ô tô, xe container, xe buýt các loại, cộng thêm với cả hàng mấy trăm khách. Trên phà có khu ẩm thực hoành tráng, quầy cà phê, quán kem, nhà vệ sinh, gian bán đồ lưu niệm, lên cao nữa có không gian mở để du khách thưởng ngoạn cảnh đẹp của biển cả hay phơi mình dưới ánh nắng dịu ngọt của miền ôn đới. Vào dịp cuối tuần, du khách nườm nượp đổ về đây từ Vancouver để đi Victoria và các thành phố khác trên đảo. Nói về tinh thần du lịch thì dân Tây hơn dân ta nhiều lắm. Các cụ già 70 80 tuổi vẫn du lịch cùng nhau, tay xách nách mang đủ loại va li khổng lồ mà vẫn chẳng nề hà. Có ai đó nói rằng dân ta gốc là nông dân, chỉ thích gắn bó với ruộng đồng còn dân Tây gốc chăn nuôi, máu đi đây đó đã ở sắn trong người. Có thể điều đó đúng, nhưng cơ bản vẫn do điều kiện kinh tế quyết định. Dân ta, dân Tàu giàu lên rồi thì đi du lịch cũng chẳng kém dân Tây, bởi tính ham hiểu biết là bản chất của con người. Đến bao giờ dân Việt mới thoát khỏi cái nỗi lo luẩn quẩn cơm áo gạo tiền để có thể dành thời gian khám phá, thăm thú cảnh đẹp muôn nơi nhỉ?

Đúng một giờ chiều, phà chầm chậm rời bến, mang theo tôi và biết bao niềm háo hức đến với Victoria. Những hòn đảo xanh mướt nằm khuất lấp sau đường chân trời dần hiện lên trước mắt. Cũng cần nói thêm rằng ở ngoài khơi bờ Tây Canada có vô vàn đảo nhỏ. Ngày trước, vùng đất này băng hà hoạt động mạnh. Khi sông băng xê dịch rồi tan đi, nó tác động đến lớp vỏ Trái Đất, tạo nên cho vùng đất thấp của Bristish Columbia rất nhiều sông, hồ và đảo gần bờ. Vùng biển xung quanh đảo Vancouver kéo dài lên đất bang Alaska của Mỹ có thể được ví như một vịnh Hạ Long khổng lồ.

Phà êm êm lướt qua những lạch biển giữa vô vàn đảo hoang. Có lúc nhìn quanh bốn phía tôi đều thấy đảo cả. Thấp thoáng đâu đó trên một hòn đảo nhỏ, một khu nhà nghỉ dưỡng yên bình nằm dưới những tán cây. Trời xanh thẳm, nắng vàng ươm, gió biển lồng lộng. Cảm giác đứng trên boong phà và hít thật sâu bầu không khí trong lành và mát mẻ của miền ôn đới sao mà dễ chịu đến thế.

Bến phà Swartz Bay đã ở ngay trước mặt. Từ đây luôn có buýt đợi sắn để đưa mọi người về downtown Victoria. Buýt ở đây là loại buýt hai tầng- double decker- đã trở thành biểu tượng của du lịch London. Ở London người ta sơn đỏ chói, còn ở Victoria thì đủ màu lòe loẹt hoa hòe hoa sói. Ai mệt thì ngồi tầng dưới, ở khỏe mạnh xông xáo thì leo tầng trên ngồi ngắm điền trang, cỏ cây hoa lá trên đường từ bến về tới downtown.

Sau tầm một tiếng đồng hồ, buýt đỗ xịch ngay bên cạnh tòa nhà Nghị viện của tỉnh Bristish Columbia, khu vực nổi tiếng nhất của du lịch Victoria. Đầu tháng Chín rồi mà nắng vẫn còn rất gay gắt và nắng ở đây thường khó chịu nhất vào tầm khoảng 3 4 giờ. Nhiệt độ ngoài trời vào thời điểm đó cao nhất trong ngày, chứ không phải lúc 1 2 giờ như ở ta. Dân Tây thích nắng, nên cứ thi nhau đi dạo, ngồi phơi nắng ở bãi cỏ chứ dân nhiệt đới thấy nắng chỉ muốn trốn biệt trong nhà.

Một điểm tốt của du lịch Canada đó là các quầy thông tin du lịch luôn hiện diện tại những tụ điểm du lịch nổi tiếng. Từ Vancouver, Richmond, Whiterock cho đến bây giờ là Victoria, tôi đều bắt gặp các quầy thông tin du lịch như thế. Các sách hướng dẫn du lịch, bản đồ, brochure về các tour du lịch ngắn đều được cung cấp miễn phí cho du khách. Nhân viên rất nhiệt tình trả lời tất cả các thắc mắc của du khách về thông tin du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho họ. Nhà vệ sinh thơm tho sạch sẽ luôn sẵn sàng. Một vấn đề đơn giản thế chắc các nhà quản lý du lịch ở Việt Nam không thể không biết, nhưng sao chẳng có ai làm. Đà Nẵng chẳng hạn, mấy năm gần đây được ca ngợi là điểm đến nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách tại Việt Nam. Đà Nẵng đã làm rất tốt về cơ sở hạ tầng, tổ chức sự kiện,...Thế nhưng một quầy thông tin du lịch tại đường Bạch Đằng các nhà chức trách cũng không xây dựng. Cả nhà vệ sinh ở khu vực này cũng không nốt. Nếu đang đi dạo với người yêu bỗng dưng..."anh ruột" nổi hứng bất từ, chắc chỉ còn nước chạy gấp vào quán ăn nào đó, gọi món rồi xin đi nhờ hoặc gọi taxi về ngay khách sạn.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,563
Bài viết
1,153,710
Members
190,126
Latest member
ThanhDuyStore
Back
Top