What's new

[Tổng hợp] Kể chuyện Tây Nguyên

attachment.php

Hoa dã quỳ Đơn Dương (Lâm Đồng)

Đã từ lâu, tôi muốn viết về Tây Nguyên, viết cho chính mình, cho tình cảm của mình với vùng đất cao nguyên này. Tôi viết những gì tôi đã tìm hiểu, cả qua sách, báo, qua mạng và qua những lần lang thang Tây Nguyên. Tôi cũng không biết có hoàn tất được topic không, nhưng cứ viết vậy, gọi là chút chia sẻ.

Tây Nguyên là vùng đất thuộc miền Trung Việt Nam, hiện có năm tỉnh, theo thứ tự từ Bắc vào Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Cách ghi tên như vừa rồi được xem là tên chính thức trong các văn bản hành chính, còn câu chuyện về tên gọi và các tên khác của từng tỉnh, tôi sẽ kể lần lượt sau.

Như những câu chuyện thường kể về các vùng đất, phần đầu tiên là lịch sử ...
 
Last edited:
Vùng đất Đông Dương nói chung là vùng đa sắc tộc, trong đó ngữ hệ Môn-Khmer chiếm đa số. Các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn-Khmer đa phần sống ở vùng đồng bằng, một thiểu số sống ở vùng núi và vùng bán sơn địa.
Một nhóm sắc tộc khác di cư bằng đường biển đến thuộc ngữ hệ Nam Đảo, nhóm này hầu hết sống ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung hiện nay.

Người Tây Nguyên cũng gồm hai nhóm trên. Nhóm theo ngữ hệ Môn-Khmer, hiện nay là các dân tộc Ba Na, Cờ Ho, Mạ, M'Nông, Bru, Xơ Đăng, ... Nhóm theo ngữ hệ Nam Đảo là Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai, Chu Ru, di cư từ vùng đồng bằng ven biển lên.

Sử liệu đầu tiên của người Việt viết về Tây Nguyên là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, viết vào thế kỷ XVIII.

"Hai vị Thủy Vương và Hỏa Vương nước Nam Bàn, nước này có 50 làng lệ thuộc, trong đó có núi Bà Nam. Núi rất cao và lớn, làm trấn sơn cho một phương
Thủy Vương ở về phía đông núi Bà Nam, còn Hỏa Vương ở về phía tây núi, có địa phận riêng và làm nhà gác bằng gỗ để ở, bộ hạ có đến mấy trăm người.
Khi vua đi đâu thường cưỡi voi, có hơn chục người tùy tùng đi theo, đến làng nào thì đánh ba hồi chuông, dân làng đều ra, họ làm một cái lều tranh cho vua ở (vì kiên không vào nhà dân). Họ dâng lên vua những thứ như: nồi đồng, tấm vải trắng, hoặc một cây mía, một nải chuối chẳng hạn. Vua cứ việc nhận lấy các lễ vật ấy không nề hà gì. Thu nhận lễ vật cũng không ghi chép gì, xong thì nhà vua đi
Hai Vương mặt đen và xấu nhưng vợ và thiếp thì người nào cũng có nhan sắc đẹp đẽ, họ đều bận xiêm áo của Chiêm Thành có xiêm hoa rực rỡ".


Theo tôi tìm hiểu, các học giả Pháp cho rằng đoạn chép trên nói về người Thượng ở vùng rừng núi phía Tây của vùng Vijaya của Chiêm Thành xưa. Đây là vùng của người Gia Rai.

Tuy nhiên, các học giả Pháp cho rằng Thủy Vương - Hỏa Vương (Vua Nước - Vua Lửa) là cách gọi của người Việt, chứ người Thượng không tự gọi như thế. Theo đó, cách gọi Thủy Xá - Hỏa Xá (Xứ Nước - Xứ Lửa) cũng không phải là cách mà người Thượng gọi xứ của mình.

attachment.php


Bản đồ các nước khu vực Đông Dương thế kỷ X. Vùng Tây Nguyên thuộc vương quốc Khmer (màu đỏ), tuy nhiên dân cư Khmer chủ yếu sống ở đồng bằng. Vùng núi và vùng đầm lầy cửa biển không được chính quyền coi trọng.
 
Last edited:
Có vài khái niệm cần giải thích:

Thượng - Người Thượng

Giải thích một cách chữ nghĩa thì:
Thượngtrên, ở trên
Người Thượngngười sống ở vùng cao

Từ tương đương Người Thượng trong tiếng Pháp là Montagnard, nghĩa là Người miền núi. Như vậy, cách dùng từ Thượng không hề có ý khinh miệt, mà chỉ xuất phát từ cách gọi nơi cư trú.

Như vậy, người Thượng là những người thuộc các sắc tộc bản địa sinh sống trên vùng cao.

Moï
Theo từ điển Petit Larousse, trang 1545, dòng 45, 46: Moï: Peuple du Sud Viêt Nam, habitant les regions montangneuses du pays.
Tạm dịch: Moï: người ở miền Nam Việt Nam, sinh sống ở vùng miền núi.
Cần phân biệt với Moi, khác nhau ở chữ ï và i.

Chưa có luận cứ nào khẳng định từ "Moï" trong tiếng Pháp dành riêng cho người Tây Nguyên có sự liên hệ với từ "Mọi" trong tiếng Việt vốn đã được dùng trong sử liệu triều Nguyễn. Tuy nhiên, sự tương đồng là có thể nhận thấy rõ ràng.
Liên hệ thêm: có một số từ tiếng Pháp đề cập đến nước Việt và người Việt có ý khinh miệt, nên từ "Moï" có lẽ không khác biệt.

Đề Ga - Đêga - Degar

Đề Ga hay Đêga là cách đọc một từ cổ, có nghĩa là vùng đất trên cao, tương đương cao nguyên. Tuy nhiên, chưa có sử liệu nào cho biết từ này được dùng như tên nước cho đến thế kỷ XVIII.
 
Last edited:
Cuối thế kỷ XV, Đại Việt của người Việt đánh thắng Chiêm Thành của người Chăm, chiếm được hai vùng Amaravati và Vijaya, phá hủy kinh đô Đồ Bàn. Lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng đến vùng đầm phá Xuân Đài. Sau đó, các chúa Nguyễn Nam tiến, lãnh thổ không ngừng được mở rộng về phía Nam.
Sử triều Nguyễn dùng từ Mọi để chỉ các sắc tộc bản địa. Hầu hết họ phải di cư lên vùng cao. Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy cho rằng Mọi Đá Vách tương ứng với người Hré, Mọi Hời là Hroi, Kor, Bru, Cơ Tu và Pacoh, Mọi Đá Hàm là Gia Rai, Mọi Bồ Nông là M'Nông, Mọi Bồ Van là Ê Đê, còn có tên là Rhadé Epan, Mọi Vị là Ra Glai, Mọi Bà Rịa là Mạ. Người Việt cũng di dân lên vùng bán sơn địa, tương ứng với vùng đệm giữa Tây Nguyên và các tỉnh ven biển hiện nay.

Đế quốc Khmer lúc này đã suy vong, bị vương quốc Ayutthaya của người Thái đánh bại, chạy về phía Nam. Thời kỳ sau đó, Campuchia bị kẹp giữa người Thái và người Việt (chúa Nguyễn), họ không những phải bỏ những vùng đất không giá trị với họ, mà còn liên tục mất đi, thậm chí tự cắt đất dâng cho hai thế lực trên.
Tây Nguyên vốn dĩ không bị ảnh hưởng bởi Khmer, sau khi đế quốc Khmer suy vong thì hoàn toàn không bị quản lý. Đây là vùng đất của các bộ tộc, có phát triển, một số sắc tộc phát triển thành quốc gia sơ khai chứ chưa hoàn chỉnh như Ê Đê, Gia Rai, Mạ. Có thể nói Tây Nguyên thời này là vùng tự trị, chịu ảnh hưởng bởi các chúa Nguyễn. Đây là một dấu mốc trong tiến trình Tây Nguyên thuộc về lãnh thổ Việt Nam. Người Việt cũng thể hiện sự quan tâm đến vùng đất miền cao hơn người Khmer.

attachment.php

Bản đồ năm 1650, người Việt đã chiếm được đến Phú Yên hiện nay, Chămpa còn lại đất ven biển tương đương Khánh Hòa đến Bình Thuận. Vùng Tây Nguyên có các quốc gia sơ khai của người Gia Rai (Jarai), M'Nông, Lạt và Mạ, trong đó người Mạ phân bổ xuống vùng đồng bằng tương đương với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dấu ấn rõ nét đầu tiên của người Tây Nguyên vào lịch sử Việt Nam là Tây Sơn Thượng Đạo, đây là vùng An Khê (Gia Lai) hiện nay, là căn cứ của khởi nghĩa Tây Sơn. Người Thượng đã tham gia vào khởi nghĩa, đóng góp đáng kể nhất là huấn luyện voi chiến.
 
Last edited:
Các tiểu quốc trong giai đoạn tự trị

Trong giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, Tây Nguyên là vùng tự trị, và đã có một số sắc tộc lập nên những quốc gia sơ khai, các nhà sử học gọi là tiểu quốc, gồm có:
- Tiểu quốc Jarai của người Gia Rai và người Ê Đê
- Tiểu quốc Mạ của người Mạ
- Tiểu quốc Adham của người Ê Đê
- Tiểu quốc của người M'nông
- Tiểu quốc của người Lạt (Cơ Ho)

Tiểu quốc Jarai
Tiểu quốc Jarai có tên trong sử Việt là Nam Bàn, ngoài ra còn có tên Ala Car Pơtao Đêgar (Pơtao là Vua, Đegar là Cao nguyên). Một số tên gọi khác ít phổ biến là Dhung Vijaya, Nam Vijaya, Chămpa Thượng theo vị trí của tiểu quốc này so với Chămpa.
Tiểu quốc này là của các bộ lạc theo ngữ hệ Nam Đảo (cùng ngữ hệ với Chămpa), chủ yếu là người Gia Rai và người Ê Đê. Vùng phân bổ tương ứng với một phần tỉnh Gia Lai và một phần tỉnh Đắk Lắk.
Tiểu quốc này tồn tại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX thì tan rã thành các bộ lạc theo sắc tộc.

Tiểu quốc Adham
Tiểu quốc này còn có tên là Dham, của người Ê Đê tồn tại trong giai đoạn thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX. Vùng đất của tiểu quốc này là vùng Buôn Hồ, Cư Mgar, Krông Buk và Êa Hleo. Có một số tài liệu cho rằng tiểu quốc này do nhóm Ê Đê Dham tách ra từ tiểu quốc Jarai.
Tiểu quốc Adham phát triển mạnh, lãnh thổ được mở rộng theo bờ sông Sêrêpôk đến sông Ea H'Leo, phía Đông Bắc đến sông Krông Năng. Đáng chú ý là thủ lĩnh hùng mạnh nhất của tiểu quốc này là phụ nữ, được gọi là Mtao Ya (vua bà), tên là YA H'Bia Wăm. Khi tôi đến Buôn Đôn, người thuyết minh còn kể bà có mối quan hệ tình ái với vua săn voi Y Thu Knul.
Thế kỷ XVIII, bà cắt phần đất phía Tây Bắc cho Y Thu Knul người M'nông. Người M'nông, người Lào và người Thái đã khai phá vùng đất này, tại nên Buôn Đôn và Yok Đôn bây giờ.
Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Pháp chiếm vùng được Adham.

Tiểu quốc của người M'nông
Người M'nông thuộc ngữ hệ Môn-Khmer. Tiểu quốc này chưa có nhiều tài liệu đề cập đến, nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Nam, đã có tên gọi Đắk Lắk từ cuối thể ký XVIII về vùng đất này. Tiểu quốc này được cho là ở vùng từ Krông Bông đến hồ Lak hiện nay. Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Pháp chiếm được vùng này.

Tiểu quốc Mạ
Tiểu quốc Mạ của người Mạ, thuộc ngữ hệ Môn-Khmer. Tiểu quốc Mạ từng là một tiểu quốc rộng lớn, từ cao nguyên Diring (Di Linh) phía Tây Nam xuống đến Biên Hòa, phía Nam xuống đến Bà Rịa, Xuyên Mộc. Người Mạ vốn sống cả ở vùng cao nguyên lẫn vùng đồng bằng, tuy nhiên bị người Việt và sau là Pháp đẩy lên vùng cao, co cụm ở cao nguyên Di Linh. Tiểu quốc này không bị người Pháp chiếm hoàn toàn, tuy nhiên thu hẹp lại trong những vùng phản kháng ở Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc và Đạ Huoai.

Tiểu quốc của người Lạt
Hầu hết các nhà nghiên cứu cho là Lạt là tên gọi cũ của người Cơ Ho, tuy nhiên nhiều người cho là Lạt là Cơ Ho Lạch, một nhánh của người Cơ Ho. Cơ Ho theo ngữ hệ Môn-Khmer.
Tiểu quốc Lạt được cho là nằm từ Đà Lạt và Lạc Dương đến Krông Nô. Tiểu quốc này cũng giống như Mạ, bị người Pháp đẩy vào vùng rừng sâu.
 
Last edited:
Tây Nguyên lần đầu tiên được đưa vào bản đồ Việt Nam vào năm 1838, trong Đại Nam nhất thống toàn đồ thời Minh Mạng.
Lưu ý: ban đầu, các học giả Việt Nam Cộng Hòa cho là bản đồ này lập năm 1834, tuy nhiên sau đó các nhà sử học cho là tên gọi Đại Nam bắt đầu năm 1838, nên bản đồ này sớm nhất là năm 1838.

attachment.php


Đây là cột mốc đáng chú ý trong lịch sử Tây Nguyên.

Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn chỉ là lãnh thổ nhà Nguyễn bảo hộ, chứ chưa thật sự nắm được vùng đất cao nguyên này. Các thủ lĩnh người Thượng vẫn trực tiếp cai trị. Cũng chưa có tên gọi nào cho vùng đất này.

Năm 1884, nhà Nguyễn ký Hòa ước Patenôtre, trở thành xứ bảo hộ của Pháp.
 
Last edited:
Nhiều người vẫn cho là Đà Lạt là lãnh thổ đầu tiên được người Pháp khai phá ở Tây Nguyên, thực ra không phải như vậy. Dấu ấn đầu tiên của người Pháp ở Tây Nguyên là một câu chuyện có phần hài hước.

Nhà thám hiểm đầu tiên của Pháp lên Tây Nguyên là Marie-Charles David de Mayréna. Ông sinh năm 1842 tại Toulon, Pháp, là một nhân viên ngân hàng ở Paris. Năm 1883, ông trốn đến Java (khi đó thuộc Hà Lan) vì dính líu đến một vụ lừa đảo hoặc biển thủ công quỹ ở Paris. Đến năm 1886, ông bị trục xuất vì lừa đảo một người Hà Lan. Ông đến Sài Gòn, sở hữu một đồn điền lớn ở Nam Kỳ và làm lái buôn vũ khí.

Năm 1888, Mayréna xin phép chính quyền Pháp đi thám hiểm khu vực Tây Nguyên để thỏa thuận với các dân tộc thiểu số ở đây và được chấp thuận. Sau đó, Mayréna đi đến Quy Nhơn để chuẩn bị thám hiểm khu vực Tây Nguyên. Tháng 4/1888, ông rời Quy Nhơn với một người bạn là ông Alphonse Mercurol, một phiên dịch viên, một người đầu bếp, bốn người Trung Quốc và 80 người hầu. Trong thời gian này, ông chữa bệnh cho một số người dân tộc thiểu số và được một số làng ở khu vực này phong làm trưởng làng hoặc tôn lên làm thần thánh. Lợi dụng điều này, ông thuyết phục một số dân tộc thiểu số rằng họ có thể thành lập một vương quốc riêng, hoàn toàn độc lập. Người Xơ Đăng đã đồng ý nghe theo ông.
Ngày 3/6/1888, vương quốc Sedang (Pháp hóa cách đọc Xơ Đăng) được thành lập với Mayréna là vua, lấy hiệu là Vua Marie đệ nhất. Thủ đô tên là Pelei Agna (nghĩa là Thành phố vĩ đại), lập tại làng Kon Gung, hiện nay thuộc xã Dak Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.

Theo Wikipedia, Vương quốc Sedang có hiến pháp, cờ, quốc huy, khẩu hiệu và tiền tệ.

600px-Flag_of_Sedang.svg.png

Cờ Sedang

Arms_Sedang.gif

Quốc huy Sedang

Sau khi thành lập vương quốc Sedang, Mayréna quay về Quy Nhơn và thuyết phục chính quyền thực dân Pháp mua lại vương quốc Sedang đổi lấy độc quyền thương mại cho ông, nhưng Pháp từ chối. Năm 1889, Mayrena đi Hồng Kông với ý định bán lại vương quốc Sedang cho người Anh, nhưng cũng bị từ chối.
Sau khi bị từ chối ở Hồng Kông, Mayréna đi đến Bỉ và thỏa thuận với một người Bỉ có tên Somsy, qua đó Somsy cung cấp vũ khí và tiền cho Mayréna đổi lấy độc quyền khai thác khoáng sản ở vương quốc Sedang. Khi Mayréna trở về Việt Nam, ông bị hải quân Pháp chặn lại, tịch thu toàn bộ số vũ khí và trục xuất ông. Ngay sau đó, người Pháp đưa quân đội lên sát nhập vương quốc Sedang vào lãnh thổ bảo hộ của Pháp. Để ngăn chặn bước tiến của Xiêm (Thái Lan) lúc này đã chiếm được Nam Lào, người Pháp cũng mở rộng vùng bảo hộ ở phía Bắc Tây Nguyên, tương đương với Kon Tum hiện nay.
 
Last edited:
Huyền thoại Yersin

Hơn 3 năm sau khi nhà thám hiểm bịp bợm Mayréna lên Kon Tum, một nhà thám hiểm khác bắt đầu những chuyến đi lên Tây Nguyên. Nhưng đây là một nhà thám hiểm vĩ đại.
Ông là bác sĩ Alexandre Yersin.

Petit-Yersin.jpg

Theo Wikipedia, bác sĩ Yersin tên là Alexandre Émile Jean Yersin, sinh năm 1863 tại Aubonne, Thụy Sỹ. Ông học y khoa ở Lausanne, và sau đó là ở Marburg, Đức. Trong thời gian lưu trú ở Marburg, qua báo chí Yersin đọc biết về David Livingstone – nhà truyền giáo và nhà thám hiểm người Scotland – và Livingstone trở thành hình mẫu của ông. Yersin đã từng viết trong thư gửi mẹ là ông muốn trở thành một Livingstone khác.
Sau đó, Yersin về Paris, và trở thành Tiến sĩ năm 25 tuổi. Trong thời gian ở Paris, ông nhập quốc tịch Pháp, cũng như bắt đầu quan tâm đến Đông Dương, vùng đất mà người Pháp mới bắt đầu "khai phá".

Năm 1890, Yersin quyết tâm rời Paris đến Đông Dương. Trong thư gửi cho mẹ, ông viết: "Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy kịch nghệ, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi thì còn gì là đời". Ông xin làm bác sĩ trên tàu, ban đầu là tuyến Saigon - Manila, sau đó là tuyến Saigon - Hải phòng. Tuyến Saigon - Hải phòng thường ghé cảng Nha Trang, và ông rất ấn tượng với vùng đất này.
Năm 1891, Yersin nghỉ việc ở hãng tàu, mở phòng khám ở Nha Trang. Ông chỉ lấy tiền của người giàu, và khám miễn phí cho người nghèo. Ông bắt đầu những chuyến thám hiểm vào vùng đất của người Mọi quanh Nha Trang (đa phần là người Ra Glai).

Năm 1891, Yersin đi từ Nha Trang vào Sài Gòn bằng đường bộ. Ông đi theo đường ven biển đến Phan Rí, rồi ngược rừng lên men theo những dãy núi, khám phá ra cao nguyên Diring (Di Linh), thuộc vùng đất của người Mạ. Nhưng do không thể đi tiếp được, ông đi xuống miền biển và đến Phan Thiết, từ đó trở lại Nha Trang bằng tàu.

Cao nguyên Di Linh, cao nguyên phía Nam của Tây Nguyên đã được nhà thám hiểm huyền thoại Yersin khám phá, mở đầu cho những chuyến thám hiểm của ông lên Tây Nguyên.
 
Last edited:
Năm 2009 và 2010, tôi có cơ may được một người bạn làm quân báo nghỉ hưu rủ đi trek vùng Lâm Đồng. Anh bạn tôi rất gắn bó với Lâm Đồng, và quen với các cơ quan công an, kiểm lâm và kiểm soát quân sự tỉnh. Trong giai đoạn đó, tôi đã được đi trek hầu hết các cung rất hot sau này như Tam Bố, Tà Hine - Kalon, Tà Năng - Phan Dũng, Pró - Ma Nới, ... Rất tiếc là thời điểm đó, khi đi trek, tôi không theo máy ảnh, một phần vì nặng, ngại vác, một phần vì lão H. dọa là đi sẽ gặp cướp, lâm tặc, không được mang theo đồ đắt tiền.

Sau này, khi tìm hiểu về Yersin, tôi đoán trong chuyến đi thám hiểm đầu tiên, ông từ Phan Rí lên Diring theo đường Tam Bố hoặc đường đèo Gia Bắc. Yersin không có ghi chép nào về chuyến đi này trừ ghi chép về điểm đến mà sau này gọi là Diring. Ngoài ra, ông có nhắc đến chuyến đi này trong nhật ký chuyến đi năm 1893, khi đến Ca-long (Kalon). Yersin cho biết năm 1891, ông có đi qua Ca-long.
 
Last edited:
Chuyến đi của Yersin

Năm 1892, Yersin thực hiện chuyến thám hiểm lớn đầu tiên. Ông mang theo nhiều người hơn, dùng cả voi, ngựa, mang theo máy kinh vĩ để ghi lại tọa độ các bản làng và vẽ bản đồ. Từ Nha Trang, lần này ông đi theo hướng Bắc, đến Ninh Hòa và theo những dãy núi đi lên. Đây chính là cung đường đèo Phượng Hoàng quen thuộc với chúng ta hiện nay.
Yersin khám phá ra cao nguyên Buôn Ma Thuột, tuy nhiên vùng đất này đang được người Rhade (Ê Đê) và người M'nông giữ và chống lại người Pháp dữ dội. Yersin cùng đoàn đi theo dòng sông Sêrêpốk đến tận Stung Treng của Campuchia, từ đây ông đi thuyền về Phnom Penh rồi về Sài Gòn.
Chuyến đi này Yersin tự thực hiện, và ông nhận thấy cần phải có sự hỗ trợ của chính quyền, cụ thể là quân đội khi đi thám hiểm.

Từ cuối năm 1892 đến đầu năm 1893, Yersin ở Sài Gòn làm việc cùng bác sĩ Calmette. Ông quyết định sẽ thực hiện một chuyến thám hiểm từ Sài Gòn lên Di Linh, nơi ông đã đến trong chuyến đi không thành công vào năm 1891.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,938
Bài viết
1,176,660
Members
192,181
Latest member
MiaPhuong2501
Back
Top