What's new

[Chia sẻ] Kinh nghiệm phòng chống chứng AMS của một kẻ gầy yếu nhiều bệnh

Mèo Bay

Bay là nhanh nhất!
Khi biết tin bạn Mèo Bay muốn đi Tây Tạng, chỉ vài người bạn trong giới phuoter là (dè dặt) ủng hộ, còn lại đều là sự phản đối không hề nhẹ, hoặc ít ra cũng là sự quan ngại hết sức sâu sắc.

Tại sao mọi người lại phản ứng tiêu cực như thế? Bạn nào đã từng gặp Mèo Bay đều sẽ không ngạc nhiên vì bạn Mèo Bay vừa già, vừa gầy yếu, vừa bị đau phổi, vừa có vấn đề về tim, bị biếng ăn, bị mất ngủ nghiêm trọng... Tháng 3 vừa rồi, bạn Mèo còn phải nằm viện đúng 3 tuần vì viêm phổi rất nặng nữa.

Thế mà cuối cùng bạn Mèo Bay vẫn đi Tây Tạng – và ngạc nhiên chưa! Bạn ấy không hề bị AMS, vẫn đủ sức leo lên điện Potala trong cái nắng rát rạt với thời hạn eo hẹp chỉ có 1h, vẫn đi hết các tu viện “must see” trên các đỉnh đồi đỉnh núi, vẫn sống sót khi lên băng hà Karola và hai con đèo cao hơn 5000m ở gần Tingri và hồ Namt-tso.

Ở đời không có gì miễn phí cả. Bạn Mèo Bay đã phải trả cái giá không nhỏ cho điều đó. Sau đây là một số tips của bạn ấy :D
 
1-Tìm hiểu thông tin thật cẩn thận

Việc tìm hiểu thông tin về chứng AMS một cách chu đáo và chi tiết rất dễ dàng nhờ có Internet, ngoài ra, việc tham khảo các kinh nghiệm của các bạn khác trên Phuot.vn hay các diễn đàn du lịch khác cũng rất cần thiết. Mình đã tìm và dịch hơn 10 bài viết về vấn đề phòng ngừa chứng AMS từ trang Ehow.com để tự tìm hiểu cũng như phổ biến cho các bạn cùng nhóm. Các bài này được đăng ở topic https://www.phuot.vn/threads/158173-Cẩm-nang-về-chứng-say-độ-cao-(AMS)?p=1141234#post1141234

Ngoài ra mình còn nhờ em gái là dược sĩ đang sống ở Mỹ tư vấn cẩn thận về các loại thuốc dùng phòng chống AMS như Acetazolamide và Dexamathazone (vì những loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ).

Sau đó là tìm hiểu thông tin về các điểm đến: độ cao trung bình của Lhasa, Gyantse, Shiagatse, Lhatse, Tingri...., độ cao của các con đèo phải đi qua.... để đánh giá khả năng phát sinh chứng AMS.
 
2-Hiểu rõ bản thân

Sau khi có thông tin cơ bản, cần đánh giá cẩn thận tình trạng của bản thân để xem mình có khả năng đáp ứng được các phương pháp phòng ngừa AMS hay không (vì một số thuốc men và biện pháp phòng ngừa có những chống chỉ định, tác dụng phụ không dễ chịu).

Việc đánh giá này phải thật khách quan, chặt chẽ, có cơ sở. Ví dụ: vì mình đã từng đi lên công viên Băng Xuyên, từng ngồi cáp treo rút một phát từ 3300m lên 4560m trên đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn, từng ngủ mấy đêm lạnh lẽo ở Shangri-La có độ cao hơn 3000m nên tự thấy cũng có khả năng sống sót được vì hầu hết các điểm sẽ đến ở Tây Tạng có độ cao < 4500m.

Tại sao mình không đặt ra vấn đề đánh giá bản thân có khả năng mắc AMS hay không mà chỉ đánh giá khả năng đáp ứng được các phương pháp phòng ngừa AMS? Vì điều đó gần như không thể thực hiện được. Có mắc AMS hay không, đến BS cũng không dám khẳng định vì điều đó phụ thuộc chủ yếu vào CƠ ĐỊA của mỗi người – trước khi đặt chân đến vùng núi đó, không ai có thể khẳng định bản thân mình hay một người nào đó sẽ bị hay không bị AMS.
 
Last edited:
3-Chuẩn bị kỹ về tâm lý

Việc chuẩn bị về tâm lý, ý chí rất quan trọng. Khi đặt ra mục tiêu là chuyến đi, phải kiên định cho điều đó. Không lo ngại, không phân vân, không ngã lòng khi gặp khó khăn trong quá trình chuẩn bị, khi bị người xung quanh lời ong tiếng ve...

Phải luôn suy nghĩ là “Mình hoàn toàn có thể bị AMS nên mình cần phải...” chứ đừng bao giờ nghĩ là “Mình sẽ không bao giờ bị AMS nên mình không cần...”

Mình luôn chuẩn bị tâm lý cho việc phải nằm viện một mình trên Tây Tạng vì bị AMS. Đối với mình, chuyện nằm viện một mình đã quen rồi, mình nằm viện gần 10 lần rồi, chả bao giờ có thân nhân chăm sóc nuôi nấng cả; vả lại mình nói được cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung Quốc nên không sợ chuyện có muốn uống cốc nước nóng cũng không ai hiểu. Tuy nhiên, với các bạn khác (thường là các bạn nữ) chuyện nằm viện một mình ở nơi đường xa xứ lạ, với đủ nỗi lo lắng sợ hãi có lẽ là điều rất khủng khiếp. Do đó việc chuẩn bị tâm lý trước cho những tình huống không hay, thậm chí là xấu nhất rất cần thiết.
 
4-Chuẩn bị kỹ về trang bị

Sức khỏe kém khiến mình phải có sự chuẩn bị rất cẩn thận về quần áo, đồ dùng, thuốc men... mang theo:

-Trang phục: dù đi vào mùa hè nhưng mình vẫn đem đủ áo ấm có thể chịu được nhiệt độ đến -5 độ C, áo ấm thường và áo khoác nhẹ, áo khoác chống nước, áo mưa; giày ấm có cổ, vớ dày, vừa, mỏng; khăn quàng cổ dày, trung bình, mỏng...

-Đồ dùng: đem theo ấm điện để đun nước (phòng khi KS không có sẵn ấm), phích lưỡng tính loại 1l để pha trà gừng mật ong, các chai đựng nước chứa được ít nhất 3l nước (định lượng nước uống tối thiểu trong ngày), túi ủ ấm bàn tay, miếng dán ấm... Đó là chưa kể 2 con dao, 1 bộ thìa nĩa đũa du lịch, 1 cốc nhỏ, 1 cái kéo bén, cắt móng tay, bộ tool xếp nhỏ...

-Thực phẩm: ở vùng núi cao, tốt nhất phải đảm bảo 70-80% nhu cầu năng lượng hàng ngày từ chất bột đường, hạn chế ăn đồ béo (bơ, dầu mỡ, sữa...), tránh ăn nhiều thịt, không ăn mặn... Đồ ngọt phải hợp khẩu vị mới dễ ăn nên mình đã đem theo một cơ số ghê gớm đồ ngọt (mình kiêng ăn ngọt mấy năm rồi, giờ phải phá lệ): 1l xirô nước đường, 0,5kg bột sắn dây, 0.5kg đường phèn đập vụn, 0.8kg mứt gừng dẻo, 0.6kg mứt me, 2 lọ mật ong mỗi lọ 300ml, 15 thỏi Snicker lớn, 50 thỏi bánh xốp sô cô la Kit Kat lớn, 40 miếng bánh bánh xốp sô cô la Kit Kat nhỏ...

-Thuốc men: cực kỳ quan trọng, vì tên thương mại thuốc ở TQ rất khác bên ta nên việc mua thuốc rất khó khăn. Do đó ngoài việc đem đủ mọi loại thuốc liên quan đến các chứng bệnh về phổi, tim; mình còn mang theo rất nhiều thực phẩm chức năng để bổ trợ. Danh mục các thứ đó bao gồm:

1-Viên tảo Spirulina
2-Viên Rhodiola Radix (loại thảo dược chủ yếu dùng trong phòng ngừa và điều trị AMS theo quan điểm y học Tây Tạng và Trung Quốc)
3-Dầu tỏi tía Tuệ Linh để tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể, trợ tiêu hóa, giảm thiểu khả năng bị say xe...
4-Aulakan (chứa cao khô Ginko Biloba) để tăng tuần hoàn máu não
5-Viên Linh Chi
6-Pharmaton
7-Viên uống BAR để giải độc gan
8-Viên Bổ Khí Thông Huyết để tăng cường việc lưu thông khí huyết của cơ thể
9-Viên Khu phong trừ thấp để phòng ngừa đau mỏi cơ xương do nhiễm phong hàn
10-L-Carnitine đê tối ưu hóa vấn đề sử dụng năng lượng của cơ thể khi vận động mạnh

Đó là không kể những thứ thực phẩm chức năng liên quan trực tiếp đến bệnh về phổi, tim như Đông trùng hạ thảo, tinh vỏ thông hạt nho...

Các loại thuốc giảm đau đủ loại: Efferagan sủi, Efferagan-Codein sủi, Ibuprofen, thuốc giảm đau có chứa Tramadol, giảm đau thần kinh.

Thuốc trị tiêu chảy-đau bụng: loại cầm tức khắc (Immodium) và loại điều trị (Diabet), tinh dầu gừng, trà gừng hòa tan.

Thuốc kháng sinh phổ rộng có thể trị được nhiều chứng nhiễm trùng khác nhau (nhiễm trùng hô hấp trên, hô hấp dưới, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng da và phần mềm...). Mình mang theo 1 chu kỳ điều trị (7 ngày) thuốc Klamentin.

Ngoài ra còn thuốc ngậm trị đau họng, thuốc ngậm Sữa ong chúa-vitamin C, thuốc chống dị ứng.

Tóm lại là lượng thuốc đem theo lớn đến mức mình rất lo bị hải quan cả xuất lẫn nhập cảnh làm khó. Để tránh rắc rối, tất cả thuốc và thực phẩm chức năng đem theo đều còn nguyên trong lọ, hộp, vỉ.

Theo mình, thuốc và thực phẩm chức năng đem theo nên bỏ vào hành lý xách tay. Có thất thoát gì thì việc mua lại quần áo giày dép rất đơn giản (tuy có tốn tiền) nhưng việc mua được các loại thuốc và thực phẩm chức năng quen dùng ở nước ngoài là chuyện gần như không tưởng.

Mình còn mang theo một củ gừng rất to và 10 quả chanh không hạt tuyển chọn loại ngon nhất.

-Mỹ phẩm: Tây Tạng không phải là xứ để làm điệu nhưng mỹ phẩm đem theo là nhiều nhất; ai không đem và dùng một cách nghiêm cẩn sẽ phải trả giá bằng bộ da đem sạm, cháy nám, môi khô nứt nẻ, mũi chảy máu cam...

Những thứ nhất thiết phải có gồm:

1-Serum và kem chống nắng SPF từ +50 trở lên
2-Nước biển sâu/ thuốc xịt mũi thảo dược
3-Son dưỡng môi loại tốt nhất

Các bạn nữ cần thêm serum và kem dưỡng da đêm. Có thể không cần dưỡng da đủ 4 bước, 5 bước gì cả nhưng bôi serum và kem dưỡng đêm rất cần cho làn da đã phơi dưới ánh nắng tràn ngập tia UV cả ngày.

Dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng, lăn khử mùi, nước hoa... là đương nhiên, không cần phải nhắc thêm.

Do có khuyến cáo nên hạn chế tắm gội để tránh trúng phong hàn nên mình còn mua và dùng khăn khử mùi Once a week. Dùng 1 tấm lau toàn thân 1 lần sẽ khử mùi hôi cơ thể suốt 7 ngày. Thoạt đầu mình không mấy tin, nhưng khi dùng thử thấy quả có tác dụng thật :D Có điều thứ khăn thần kỳ đó khí đắt: 75k/ gói chỉ có 3 tấm nhỏ tí 

Mình đã lập check list rất chi tiết và tiến hành xếp hành lý trong 2 tuần để đảm bảo không sơ sót điều gì (nhưng cuối cùng cũng có sót: mình quên mang đồng hồ đeo tay :D). Việc chuẩn bị tỉ mỉ chi tiết thể hiện một chút sự thiếu tự tin của bản thân trước chuyến đi này (mọi chuyến đi trước đây không hề có sự chuẩn bị kiểu đó).
 
Last edited:
5-Tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo

Mình đã tuân thủ cực kỳ đầy đủ mọi khuyến cáo về phòng ngừa AMS, ngay cả khi những điều đó đi ngược với thói quen hàng ngày của bản thân (uống ít nước, kiêng đồ ngọt, gần như nghiện thuốc an thần, ngủ muộn...):

-Ăn đồ ngọt mọi lúc, uống nước nhiều đến phát ốm (3-4l nước hàng ngày).

-Bắt đầu uống Acetazolamide và Dexamathazone 72 giờ trước khi đi và kéo dài 10 ngày.

-Uống đủ mọi thứ thuốc và thực phẩm chức năng liên quan

-Luôn giữ ấm cơ thể

-Luôn bôi serum chống nắng, son dưỡng môi, xịt mũi ngay khi có cảm giác khô

-Đeo kính mát có khả năng chống tia UV

-Hoàn toàn kiêng những thứ: trà xanh, cà phê; không uống rượu bia, không uống thuốc an thần

-Hạn chế ăn đồ béo (đồ chiên, trà bơ, bơ, pho mát...), ăn ít thịt. Ăn nhiều rau, trái cây, uống nước chanh gừng mật ong....
 
6-Tri túc, tiện túc

Dù đã đem theo mớ trang bị khổng lồ, dù tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo, dù không hề có bất cứ một triệu chứng dù là nhỏ nhất nào về AMS, không hề say xe, không đau ốm gì hết... nhưng mình cũng không tham gia các hoạt động như các bạn khác. Biết đủ là đủ, ở vài tu viện quá lớn mình không thể đi hết một vòng Khora - dù biết như vậy là không nên; mình cũng không leo lên các đỉnh cao, không đi chơi khuya, không ra ngoài khi quá rét, trời mưa hay nắng quá to...

Hôm đi hồ Nam-tso trời mưa lâm thâm, gió rất mạnh, ngoài trời rất rét nên mình cố thủ trong nhà hàng gần hồ, sau đó lên xe nằm. Ai hỏi hồ Nam-tso màu gì, tròn méo ra sao mình cũng chịu. Mình rất tiếc nhưng vẫn không liều vì mình gục ngã, không phải chỉ hại cho mình mà còn là gánh nặng của các bạn cùng đi, là sự lo lắng của leader... Có lẽ ở Tây Tạng, quan điểm “Chơi bất cần thân thể” cần phải bị loại trừ. Mỗi người phải có trách nhiệm với chính bản thân mình và với tập thể cùng đi.
 
7-Kết nối chặt chẽ với các bạn đồng hành

Nhóm mình – với sự lãnh đạo hiệu quả của leader đã đưa ra qui ước: mọi người phải lập tức thông báo tình trạng của bản thân cho nhau để cùng nhau giải quyết, tuyệt đối không dấu diếm, không nói giảm nhẹ. Mình chỉ cần im im một lát là sẽ có người hỏi “Mèo sao thế?” hay có bàn tay nào đó đưa ra sờ trán xem mình có sốt không, chỉ nhắm mắt ngủ chút lát mở mắt ra sẽ được hỏi có đau đầu không? Ngủ là do buồn ngủ hay do người khó ở... Mình tỉnh táo rỗi rãi cũng để mắt đến những người xung quanh như thế.

Nhờ mọi người thường xuyên giám sát, bảo ban, nhắc nhở nhau nên chỉ có vài chuyện đau đầu, sổ mũi, sốt nhẹ... như mọi chuyến đi khác chứ không có ai bị AMS. Có 2-3 thành viên có vẻ yếu mệt lập tức bị bắt đi mua và uống Gao Yuan Kang (Cao nguyên khang) là loại Trung dược được đánh giá cao trong việc phòng ngừa, điều trị và bồi bổ cho những người đi đến các vùng núi cao có khả năng bị hoặc đã bị mắc AMS.
 
Kết luận

Bạn Mèo Bay viết bài này để chia sẻ một số kinh nghiệm tránh được chứng AMS mà bạn ấy đã áp dụng và thấy có kết quả.

Bài này không được viết với mục đích để các bạn so sánh kiểu:

Cái con mèo già đó nó đã ngoài 40 – mình mới hơn 20
Nó gầy nhẻo gầy nheo, chưa đến 50kg – mình đến 80kg
Nó bị đau phổi, bị hen, bị hở van tim – mình khỏe như trâu

....

=> Nó đi Tây Tạng được thì mình cũng đi được; nó phải chuẩn bị ti tỉ thứ chứ mình chỉ cần “Xách ba lô lên và đi” thôi...

Các bạn cần nhớ AMS rất ít phụ thuộc vào thể trạng mà phụ thuộc vào CƠ ĐỊA nên chuyện tôi già yếu đau bệnh mà không bị, các bạn trẻ khỏe mà lại bị là chuyện bình thường.

Các bạn có thể khỏe hơn tôi rất nhiều nhưng chưa chắc các bạn biết rõ tình trạng cơ thể mình như tôi (tôi đau yếu nên thường xuyên phải xét nghiệm, kiểm tra tình trạng bệnh tật).

Các bạn chưa chắc có thể cùng lúc uống nhiều thuốc và thực phẩm chức năng như tôi vì tôi uống những thứ đó nhiều năm rồi, lâu lâu lại tăng thêm 1 thứ. Các bạn rất khỏe, cả đời chưa phải uống hết 1 vỉ thuốc cảm thì nhất thời không thể nhồi một lần cả vốc đến gần 30 viên thuốc và thực phẩm chức năng đủ loại đủ 3 lượt/ ngày do dạ dày, gan, ruột, thận của bạn không quen với điều đó.

Bạn đồng hành của bạn chưa chắc tốt và quan tâm bạn như những người bạn của tôi

...

Vì vậy tôi rất mong các bạn đọc kỹ topic https://www.phuot.vn/threads/158173-Cẩm-nang-về-chứng-say-độ-cao-(AMS)?p=1141234#post1141234 và topic này để lọc ra những điều thật sự phù hợp cho bản thân - nhất thiết đừng chủ quan, đừng cẩu thả sơ sài.

Tôi làm topic này để mong nhiều bạn có thể đi đến Tây Tạng hơn nữa – đó là một nơi rất đáng để đi.

Nếu đã làm đủ mọi cách mà cuối cùng vẫn dính AMS thì hãy tin vào câu “Vạn sự tùy duyên” – chẳng qua bạn vẫn chưa có duyên với trời xanh mây trắng của xứ tuyết mà thôi.
 
Last edited:
Re: Kinh nghiệm phòng chống chứng AMS của một kẻ gầy yếu nhiều bệnh

- Mình đã đọc rất kỹ bài của bạn vì mình đã từng bị sốc độ cao, mới hồi tháng 5, trong chuyến đi Ấn Độ

- Mình cũng có một số bước chuẩn bị cơ bản vì lo ngại sốc độ cao. Khi máy bay hạ cánh xuống Leh, độ cao 3.600m, buổi chiều hôm đó có một bạn nam trong đoàn bị sốc độ cao với triệu chứng nôn, bần thần, giãn tròng mắt. Nhưng mình thì vẫn bình thường

- Cả ngày hôm sau, lăn lê khắp các tu viện. Mình vẫn khỏe. Tuy nhiên chiều hôm đó, sau khi ăn cơm, mình bị đau bụng, cũng ko quá đau nhưng ko ngủ đc cả đêm. Và ngày thứ 3, khi đi qua đèo có độ cao 5.600m mình đã bị sốc độ cao

- Khi ở đỉnh đèo, mình vẫn khỏe, còn đi ra ngoài chụp ảnh lưu niệm, tận 1h sau, khi hạ độ cao mình bắt đầu bị sốc. Tay chân tê dần, co cứng, quan trọng là lồng ngực cứng lại, mình ko thở đc, hớp lấy hơi y như con cá mắc cạn.

- Mọi người hối hả đưa mình vào trạm xá quân đội dọc đường, họ ụp oxy vào miệng mình, tuy nhiên vẫn ko khá là mấy vì lồng ngực mình vẫn rất cứng và nặng, có ôxy vẫn ko hít đc bao nhiêu

- Sau đó bên trạm xá gọi đt cho bệnh viện dưới chân đèo, tài xế nhanh chóng đưa mình đến đó, cách 20km nữa, nhưng khi còn khoảng 10km tới nơi thì mình nôn ra, và từ đó thở đc

- Ngày hôm sau mình vẫn phải quay về trong sự thấp thỏm của cả đoàn, và y như dự báo, mình lại sốc độ cao, tuy nhiên lần này cách đỉnh đèo 5km mình mới sốc và sốc trong tình trạng tăng độ chứ ko hạ độ như hôm qua. Khác với hôm qua, anh bs cho mình uống một loại thuốc mà lúc đó mệt quá, mình cũng ko hỏi đc hiệu. Mình ra khỏi trạm khi ngực vẫn cứng và thở rất mệt nhọc, tuy nhiên từ từ lồng ngực giãn ra và mình thở càng lúc càng thoải mái hơn, dù lúc đó vẫn đang ở độ cao >4000m

- Cú đó làm mình suy nghĩ nhiều về ý định đi Tây Tạng, cũng như đọc kỹ bài viết của bạn. Sự sợ hãi khiến mình nghĩ là sẽ ko bao giờ đi đc nơi cao nữa, nhưng có lẽ mình sẽ tìm hiểu kỹ để hiểu rõ hơn và có quyết định chính xác hơn

- Dù sao thì cũng cảm ơn bạn rất nhiều và chúc mừng vì đã đến đc Tibet!!!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,409
Members
189,943
Latest member
3sdecal
Back
Top