What's new

Mê kông du ký (Phượt thật - hiếp ảnh lởm)

Ngày thứ 1: Trưa ngày 8/7/2005, chúng tôi bỏ lại một đô thành náo nhiệt sau lưng, ra khỏi Phú Lâm lúc 11:45. Đến Cái Vồn Tiền Giang lúc 15:45. Nhà cửa san sát, lúa gạo dập dìu trên bến dưới thuyền. Dân cư lam lũ nhưng vẻ phấn chấn thấy rõ. Lúa chất ngòai sân, gạo đóng thành bao chờ xe tải đi bán các nơi, tràn ra cả ngòai ngõ…Nhà cửa xây cất không chăm chút lắm, tựa như xây vội vàng làm nhà ở, khi làm ăn được thì cơi nới lên thành tiệm chạp phô, rồi bung ra thành một cái chành chứa gạo, rồi thành 1 nhà nghĩ cho công nhân bốc vác…Hoặc cả ba cái nhà khác công năng lụp chụp đứng trên một vuông đất hẹp thì không hẹp nhưng rộng cũng chẳng là bao. Không cần nhìn ngắm cho đẹp, chỉ cần hiệu dụng là xong. Thi thỏang có mái nhà chăm chút với những gam màu chói-khác hẳn quần thể chung quanh. Cai Lậy, Long Định cột ăng ten san sát, dây kẽm giữ thăng bằng tứ phía, cao hàng chục mét hàng hàng lớp lớp làm thành 1 đàn chuồn chuồn sắt bay lơ lửng trên không. Sông rạch vỗ òam ọap, lục bình nổi trôi vô định. Cầu dài nối cầu ngắn, liên tục. Xe nảy lên rầm rầm rầm rầm bởi cầu dốc và cao đột ngột để có đường cho ghe chài và tam bản lòn lạch bên dưới. Ngòai đường phơi lúa củi lẫn mấy tấm tôle nhờ xe cán cho dẹp…Đồng không mà ít mông quạnh hơn trước do tốc độ đô thị hóa đã lan dần. Lúa reo, mạ rạp mình đón chào. “ Đồng lúa reo tay người mẹ hiền, mười mấy năm tảo tần mọi miền. Nuôi con khôn mai này giữ nước. Cho quê hương ta lúa vẫn nhuộm màu cờ…”

423481fdeb088f16.jpg


423481fdf533478d.jpg


Cầu Mỹ Thuận nhờ anh thợ xây Úc Đại Lợi vuốt ve, đẹp như một cơ thể đang độ chín thời son trẻ. Mấy cặp ống xi măng cốt thép vững chãi cắm trung bình tấn xuống lòng sông, còn lan can cầu cũng hướng vào trong rất chắc chắn. Bên dưới, dòng Tiền Giang lững lờ phiêu dạt hàng trăm con tàu lá tre lắc lư kiếm tìm tôm cá, mua bán thương hồ; một số sà lan chở cát khẳm đến tận mép nước, cát cứ thế mà nổi chìm với sóng sông…Xa ngút mắt là màu xanh ven sông và dòng nước vàng mờ khuất vào chân trời. Cầu Mỹ Thuận cứng cáp làm xấu hổ cái cầu Văn Thánh-100% bàn tay Việt nâng niu- cứ 6 tháng lún kỹ thuật 2 tấc & 6 tháng phải đặc xá vài lần…

Thành Vĩnh Long vẫn còn giữ xe lôi gợi nhớ thời 75. Con gái con trai đèo nhau chiều thứ bảy cũng ôm sát rạt như các phố phường khác trên tòan Việt nam, thấp thóang đồng phục và phù hiệu trung học; chẳng mấy tà áo dài chịu ngồi một bên, còn áo ngắn thì thi thỏang nắm tay cứ như sợ nàng lọt xuống đất... Rợp hoa phượng đỏ chia tay trên các con đường ven thành phố, chắc bên trong nội đô còn đỏ hơn thế nữa. Mùa hè cũng là chớm thu hay mùa thi.

423481fdeafa71ac.jpg

Đặc trưng con gái miền tây Nam bộ

Bắc Cần thơ hiền hơn phà Mỹ thuận mấy năm trước khi đó có hàng chục cô ép khách mua nước, mía ghim, chewing gum trách móc, giận hờn, rồi nhiếc móc nếu anh lỡ nói lời không mua. Sóng xô pontoon cầu phà lắc lư làm du tử ngỡ mình chóng mặt say xe. Cập bến máy hụ, cầu phà đập ầm ầm nát hết lục bình bên dưới. Xe pháo í ới gọi khách để nhanh chân mà về nhà miệt Sóc Trăng Bạc Liêu. Nghe ễng ương inh oang trong đám ô rô cóc kèn xóm Đầu Sấu. Mưa lất phất rồi mưa ngằn ngặt cho người người nép sát vào nhau bên chợ chiều Cái Răng chờ cơn giông qua mau.

Đường từ Ngã Bảy Phụng Hiệp về Sóc Trăng quá xấu. Khói bụi đến không nhìn thấy nhau. Ăn mấy tô bún nước lèo ở cổng chùa Bắc Đế(La Hán)-Sóc trăng, kèm bánh cóng. Chỉ thiếu thêm vài ly rượu gạo đong bên quán cô Hai Miên quấn chiếc khăn cà rằng- gọn ghẽ mà phô hai cái núm tinh nghịch như của chiếc bánh ít lá gai.”Ọn ơi tâu na ?” Trên quê hương ta đó cố tìm đâu đây chút tình… Đi lòng vòng thị xã, mở cửa xe hít thở không khí của sông Cầu Quay, chùa Sà Ma K’um, thánh đường im vắng và rặng dương đường Trần Hưng Đạo tĩnh mịch buổi chiều muộn.

Đường Sóc Trăng Bạc Liêu nhỏ hẹp, lạ lùng hơn nữa là cỏ gấu lan đầy vệ đường, và có phần muốn lấn ra quốc lộ! Khu thiết giáp giờ này nhà cửa đông đúc. Tịnh xá Ngọc Khánh im vắng sau chuông chiều. Sân bay Sóc trăng vẫn còn đấy những lô cốt và rào giăng. “Thời gian chảy đá mòn sông núi lở” , đếm muối tiêu trên đầu, thầm hỏi đã bao năm qua rồi mà bài ca vẫn chưa lời đáp:
“Xin trả lại đây trả lại đây…
Thép gai giăng với lũy hào sâu.
Lỗ châu mai với những địa lôi… ”

Đến Bạc Liêu lúc 19:30, tìm một đỗi ra khách sạn Công Tử Bạc Liêu 13 Điện Biên Phủ- bên bờ sông cầu Quay, cao ráo, thóang mát. Phòng ốc cũng cao theo kiến trúc chung nên máy lạnh phải chạy nhè nhẹ sợ tốn điện. Thấy bức tượng ông bà Trần Trinh Trạch chúng tôi không ai bảo ai đều xá một cái.
 
Ngày thứ 2: Sáng sớm hôm sau chúng tôi xuống Cà mau thuê 1 chiếc ca nô 85 để về Đất Mũi.

423481fe26bee5b6.jpg


423481fe26c63ec7.jpg


Từ Cà Mau chúng tôi men theo con sông nhỏ Bảy Háp, ra Năm Căn khỏang 50 km, nhà cửa san sát hai bên con sông cứ như thành Venice đầy những lục bình và tàu chở trái cây, cá tôm. Nhà cửa đi cà khêu trên những cây bê tong rỉ sét hoặc cây tràm chắc chắn mà vẫn mong manh trong con nước lớn ròng. Dứơi những cơn mưa dầm dề, thi thỏang va chạm lục đục những mạn thuyền tứ chiếng. Người ta tắm giặt và sinh họat thỏai mái với cái kho nước phù sa vô tận bên dưới. Màu đỏ vàng của nước cuốn dấu bớt hết cả, và lòng sông chỉ độc một màu cuồn cuộn trôi không định. Cảm giác tròn đầy bởi nước sông vun lên cao hơn hai bờ sông tựa khi cố rót đầy rượu tạo vòng cung trên miệng ly. Con ca nô chạy vù vù lướt qua những đáy đánh bắt cá ven bờ, luồn lách dưới những chiếc cầu ván, cầu bê tong thô sơ, cả những chiếc cầu nửa bê tong nửa ván. Ven bờ là dừa nước và rừng đước, mắm, dừa xanh nối tiếp xanh. Rễ cây hàng ngàn xỏai chân cắm xuống đáy bùn nước mặn, chỉ để nuôi một thân cây! Có lúc bờ sông sạt lở để lộ một căn nhà vách ximăng hay một ngọn dừa chìm trong dòng nước bình thản. Chúng tôi bay trên sóng sông, đội mưa xiên ngang, rít vội từng hơi thuốc, lần ra đến cửa ông Trang, rồi cửa Bồ Đề, cửa Rạch Tàu. Mênh mông sóng nước.Con tàu lướt trong màn mưa và cơn giông tháng 7 như một viên đá dẹt lia bên trên mặt nước và thỉnh thỏang chồm lên hoặc lắc qua trái qua phải để thừa theo các dây sóng của những con tàu khác tạo ra. Đôi lúc hai con tàu như giáp lá cà lao vào nhau để hai ông tài công lách tránh nhau thần tình như biểu diễn. Các nhà đáy ở ngòai sông lớn có khi rộng đến 30m và cắm xuống long sông bằng những thân dừa vạm vỡ. Bác tài nói thuế tháng cho nhà nước là khỏang 3 triệu hơn… Có đọan người ta còn buộc cả thuyền nhỏ hoặc chong đèn ắc quy để làm hiệu cho ghe thuyền tránh đâm va. Hai bên bờ sông là những hàng quán, trạm xăng, tiệp tạp hóa, quán nhậu, hiệu may…

423481fe31f12f96.jpg


423481fdead7bbec.jpg


cứ y như đây là 1 con đại lộ, còn các con sông khác là những con đường xương cá. Mọi sinh họat của người dân ở đây hầu như căn cứ vào mặt sông mà giao thương, đi lại. Dân cư sống nghề cá là chính, còn lại làm củi , làm thuê, nói chung là ngư tiều chứ không có nông nghiệp bởi nước mặn không cày bừa được. Không thấy những bà mẹ quê còng lưng như trên đồng Tiền Giang, chỉ thấy những anh trai bạn đánh lưới và cầm lái Yamaha đi bán mẻ tôm vừa cất. Đó đây vẳng câu ca dạ cổ hòai lang ai óan chuyện ngày xưa.

Tòa nhà khách Mũi Cà mau năm 2001 chúng tôi đến vẫn còn nằm sát mép nước thì nay đất đã bồi chắc nịch.

423481fdeae5fd53.jpg


Nhà khách mới hiện đang nằm trên cọc,cách mặt nước thủy triều lên khỏang 2m. Có lẽ 5 năm nữa thì tòa nhà này cũng sẽ được lùi vào đất rừng đước. Tấm bản Đây Là Lãnh Thổ Việt Nam trước đây nay đã được thay bằng 1 ngôi sao to hơn 30 met vuông bằng xi măng 4 cánh.

423481fdeade8ae3.jpg


423481fdead7df13.jpg


423481fdead8023a.jpg


Người ta bảo biển lấn đến đâu thì sẽ làm landmark đến đó. Mỗi năm biển lấn ra được 80 mét. Hỏi diện tích thì hướng dẩn viên lắc đầu không biết, còn nói thêm biết con cháu có giữ nổi cái doi đất mặn này không! Lá cờ tung bay phần phật rách 1 phần do đêm qua giông to.

423481fdeaeca45a.jpg


Quay lại Cà mau lúc 15:30 , chúng tôi lên đường đi ngay sang Kiên Giang theo trục quốc lộ 63 để đi qua Huyện Sử, Vĩnh Thuận, Xẻo Rô, Thị Trấn Thứ Ba, An Biên rồi lên phà cập bến Rạch Sỏi. Cũng là 1 con lộ chạy dài theo bờ sông, nhưng đường xá miệt này đổ bê tông chứ không trải nhựa. Ở đây dân cư hiền lành: người ta rất phục tùng quy định trên ban. Cứ khỏang 200 mét là có 1 tấm bản nền xanh chữ trắng ghi “ấp văn hóa” hay “ xã văn hóa” dù rằng có khi chẳng thấy 1 nóc gia nào xung quanh cái tấm bản đó. Tôi có hỏi tại sao các tấm bảng lại là nền xanh chữ trắng, được ông anh trả lời bà con Kh’mer rất sợ cái màu đỏ vàng bởi nó gợi nhớ tới bọn Polpot, thế nên chính quyền phải chuyển hướng và chọn màu xanh trắng để làm biểu ngữ. Rời bến phà đọc thấy dòng chữ Bán Đảo Cà Mau kính chào quý khách, biết rằng bán đảo gồm cả một phần Kiên Giang. Nghe thông tin FM về sóng thần đổ bộ Đà Nẳng làm dân chúng phải chạy lánh nạn trên đèo Hải Vân. Cho 2 mẹ con bà nấu cơm Lilama quá giang đến Rạch Sỏi, vào Rạch Giá lúc 18:00.
Chúng tôi rời Rạch Giá đi Hà Tiên lúc 19:00 sau khi qua Kiên Lương, qua Phà Tám Ngàn và chiếc cầu phao cót két đã dầm mình ở cửa Tô Châu ngót ngét 40 năm nay. Đêm Tô Châu muôn nghìn ánh đèn, hai chiếc cầu song song như hai lọn tóc buông lơi trên khuôn trăng bầu bĩnh Hà Tiên, có thập cảnh nho nhỏ dễ thương tựa cô em Tiều lai Miên làm nao lòng anh trai người Việt.
 
Ngày thứ 3: Sáng 10/7, ghé thăm lăng Mạc Cửu, trọng thần phản Thanh phục Minh, tù nhân của nhà Xiêm, khai quốc công thần nhà Nguyễn.

423481fdeaf3c6bc.jpg


Ghé thăm chùa Phù Dung nơi bà Mạc Thiên Tích tu tập cuối đời. Sau đó ra cửa khẩu Xà Xía thăm dải biên khu ngát xanh màu thốt nốt và những đòan người Việt Miên ngược xuôi bán buôn xuyên quốc gia. Vẫn lá cờ thắm màu nắng gió như Nam Quan mà nổi niềm xúc cảm khác nhau. Ngừng bước ở quán rượu biên thùy, nồng cay ly rượu gạo trùng phùng, nhớ cả Mạc Cửu, Nguyễn Trung Trực và cả Đặng Dung quốc thù vị báo đầu tiên bạch … Hà Tiên! Đồng bằng, biển xanh, núi cao, vực sâu, hang thẳm có cả. Anh bạn Cát Nguyên cho biết mỗi mùa xuân về, khắp núi vàng rộ hoa mai và cư dân sẽ không bỏ qua cái thú lên núi trẩy dã mai về chào xuân thôn xóm.

10g30 sáng ngày 10/7 rời Hà Tiên vượt dải đất duyên hải Hà Tiên Kiên Lương xanh mộng mơ. Thấp thóang bóng núi đá như trồng giữa trời và giữa biển mang hồn thiêng Trung Trực. Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa, kiếm bạch Kiên giang khấp quỷ thần . Bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Việt nam bất khuất. Chúng tôi định theo đường tắt qua Long Xuyên (đường Phà Tám Ngàn) nhưng Phà Tám Ngàn chỉ còn bốn ngàn – hư 1 động cơ- nên buộc phải trực chỉ Rạch Giá để dùng con đường quốc lộ 80 mà sang Long Xuyên trong cái nóng oi nồng và mùi mắm lóc nửa thơm nửa khẳm suốt một đọan dài quốc lộ 80. Ở Long Xuyên nghỉ chân 40 phút, xe lại bon trên đường qua Lấp Vò, Lai Vung tới Sa đéc.

Vùng Nha Mân lân cận con gái đẹp hơn bình thường có lẽ bởi họ là con cháu của đòan hòang thân cung nữ mà vua Gia Long trên đường lánh nạn đã gởi lại đất này …Cảm giác về đòan cung nữ như ứng với văng vẳng lời ca từ CD”Ơn em thơ dại từ trời… theo ta xuống biển vớt đời ta lên…” ngọt ngào xen lẫn ngậm ngùi thế kia? Người ca sĩ lãng mạn đau thương đó đang độc quyền yêu và nắm giữ tình yêu- do người nghe hay do vua Gia Long ra đi không ngày trở lại bến Nha Mân? Thị xã Sa Đéc rợp vàng hoa cúc Nhật ở trục chính thị xã. Đúng là…hoa vẫn nở trên đường quê hương.. .

Từ Sa Đéc về Mỹ Thuận: dọc theo đường là 1 dòng sông , ven theo là hàng lọat lò gạch đỏ hồng phơi mình trong khói sóng bên sông. Men hai bên sông từng rặng tre xanh biếc thệ nguyền. Tre thoắt che thoắt phô hàng hàng lò gạch tròn trịa như những thánh đường Islam Trung Đông. Xanh, xanh và xanh bạt ngàn, khác hẳn với ven bờ sông Cà mau hầu như không thấy tre do họ hàng đước mắm quá mạnh. Đường sá cải tạo manh mún. Người ta lấy những vuông vải bạt lớn túm lấy đất, rồi đá dăm và vùi túm vải bạt đó xuống đất trước khi trải nhựa- chắc để chống sạt lở theo kiểu thủ công. Đây là tiền thuế của dân, hay là tiền mượn nước ngòai để mai hậu cháu con của mấy chục triệu dân nghèo gánh nợ? Vạn nẻo quê hương, Nam Bắc Trung cứ dăm bảy km là nghĩa trang anh linh chiến sĩ, là những tấm bia ghi nhớ trận mạc, ghi khắc hờn thù, mà bảo quản quá đỗi chiếu lệ, nhếch nhác bừa bãi, trâu bò thản nhiên gặm cỏ, làm dơ. Khác hẳn những nổi niềm hóa đá của xứ Bắc Cao Lạng, ở đây tự tình quê hương dường như hòa vào sóng triều lên xuống hôm mai. Trong bóng đỏ mặt trời lặn chiều về, chín nhánh sông mang ngàn ngàn met khối nước trôi ra biển cả, bọt nước tung bay, dập dềnh với đất đai tô bồi miền mở cõi. Những người ngã xuống, những chiến tuyến đã là cát bụi.Người sống thản nhiên đến lạ! Bí quyết bảo tồn: nên gắn liền các đài tưởng niệm này với tập quán thờ cúng thành hòang, đất đai an trạch thì sự tưởng niệm sẽ bền hơn. Lâu dài hơn nữa là làm sao cho dân ghi tâm khắc cốt thì sẽ không phai đến trăm hay ngàn năm.

Chúng tôi vượt Tiền Giang lúc 16 giờ30, về Trung Lương Mỹ Tho khỏang 18 giờ hơn và về đến Sài gòn ngót ngét 22 giờ. Mảnh trăng thượng huyền vẫn nổi trôi trên khung trời lấp lánh ánh sao đêm và Sài gòn đã lên đèn tự bao giờ…

Tháng 7/2005 và các anh em hai miền Nam-Bắc
 
Last edited:
Ảnh thì rõ là của chú. Nhưng bài chắc là chú lại đi copy ở đâu về phỏng? Anh thấy nó cứ thế quái nào. Hố Hố Hố

kekeke, anh cùng viết với mấy người bạn đấy nhé, :T :Dam

Còn nhiều ảnh những vựa lúa đồng bằng Nam bộ, những lò gạch nấm đặc trưng,....nhưng không hiểu sao chụp nó xấu thế chứ nị :LL
 
Last edited:
Mới rồi em chạy miền tây. Chạy từ Hồng Ngự- Châu Đốc - Hà Tiên dọc theo kênh Vĩnh Tế, cuộc sống dọc bên bờ kênh mang sắc thái lạ lùng, cuộc sống giường như thể hiện tất cả ngoài đường, ngôi nhà thì nhỏ xíu,
 
Bạn bvc dạo này bán hết máu nên kiệt sức nằm viện rồi hay sao mà không thấy vào phượt viết hồi ức tiếp nhỉ
:))
;)
:L
 
Cú này mình phượt lâu lắm rồi. Gửi vào đây tham gia topic này cho thêm phần xôm tụ nhá.
Nhân dịp Tết Dương lịch được nghỉ 3 ngày, mặc cho ba má than thở chuyện con gái lớn cả năm mất mặt, tôi quyết định thay đổi không khí náo nhiệt hàng năm bằng cảm giác yên bình trên sông nước Mekong Delta. Thế là Miền tây thẳng tiến...

Qua cầu Mỹ Thuận chẳng nhớ bao nhiêu lần nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần ngắm nhìn cái dáng thanh thoát kiêu hãnh đó cứ vẫn thấy xúc động trong lòng. Lần này xe vào Vĩnh Long lúc chập tối, cầu đã lên đèn, mắt tôi mở to hết cỡ để ngắm cho trọn cảnh đẹp (làm như zoom máy ảnh ấy, hi hi). Đêm nay tôi sẽ đón giao thừa trên cù lao, không một chút bụi trần chốn đô hội nhé. Trước lúc bước xuống đò sang sông, tôi còn ráng nấn ná ngắm cầu lấp lánh xa xa. Chỗ bến đò này có thể nhìn trọn cả đừơng vào cầu được đánh dấu bằng những vệt đèn đường. Sông đang mùa nước nổi, sóng vỗ dập dềnh, bóng cầu lung linh lung linh…

Đò qua sông rồi lách mình vào một ngách kênh nhỏ để rẽ vào nhà, trời tối nhưng tôi vẫn nhận ra dọc hai bên kênh là những cây mận nghiêng mình với từng chùm quả đỏ căng mọng. Quá đã! Quá đã! Chờ đến mai nhá, ta quyết không tha.

…. Sắp đến giờ phút chuyển giao của năm rồi. Nhớ năm ngoái giờ này đang quay cuồng trong tiếng nhạc rock của ban nhạc Phi trên tầng thượng của Caraven mà thấy đúng là “ở đó nhân gian không thể hiểu”. Vài tiếng xuồng máy tách tạch xa xa ngoài sông cũng đã tắt từ lâu. Không gian vắng lặng đến nỗi tưởng như đặc quánh lại. Trên hè chỉ còn lũ tôi trải chiếu ngồi nhậu. Ánh đèn vàng làm cho lòng như thêm ấm cúng. Chả ai có cảm giác về thời gian nếu không có vụ máy điện thoại di dộng của tôi hoạt động hết công suất. May quá tôi đã kịp tắt chuông, không thì ba cái thứ hiện đại lại làm hỏng mất không khí yên bình này. Rượu vào từ đầu hôm giờ đã ngà ngà. Cậu chủ nhà lim dim mắt khều hỏi nhỏ: “ Chị nghe tiếng gì kêu không?”. Yên tĩnh thế này, muỗi vo ve nghe còn rõ huống gì là tiếng chim tu huýt từng hồi. “ Chim tu hú đó chị”. Ủa, chim tu hú trong đầu mình từ hồi nào tới giờ gắn mới dấu hiệu của mùa hè, bây giờ là mới đầu xuân, sao ngộ vậy? “Ở đây chim tu hú có quanh năm, nó khoái ăn nhãn mà cù lao này lúc nào chả có nhãn. Mơi (mai) chị ra vườn, thích thì bẻ nhãn ăn thoải mái”. Làm một hớp rượu, khà to một tiếng như đưa chuyện, cu cậu lại tiếp tục: “Nói chắc chị không tin, em cũng đã từng không tin, một con tu hú con cũng to gấp năm con chim sẻ. Ấy vậy mà nó đẻ trứng vào tổ chim sẻ, nở ra cả lũ cứ xúm lại nuôi như thường. Chính mắt em thấy bốn năm con chim sẻ tha mồi nuôi một con tu hú”. À, vụ này hình như tôi cũng coi ở đâu một tấm hình cái ổ chim rồi, một con đen thui to đùng giữa một đám chim con nhỏ xíu hay sao ấy. Nhưng mà xem tận mắt vẫn khoái hơn chứ… Quả là ở miền Nam nhiều thứ đặc thù lại trở thành bình thường. Ví dụ như ở Sài Gòn có một ngôi nhà được bọn tôi đặt tên là quanh năm mùa xuân. Nghe lãng mạn vậy như thật ra chỉ là là một căn nhà bêtông cũ rích, đen thui và là nơi trú ngụ của hàng trăm chim én. Cả một khu này quanh năm luôn rộn rã cánh chim chao liệng và tiếng chim ríu rít. Giờ thì quen rồi, chiều nào rời sở cũng thấy rợp trời chim én.

Chuyện râm ran rồi cũng đến lúc có chú lăn quay vì xỉn. Bỗng đầu hồi có tiếng khua dép, một cậu em đẹp trai nữa bước vào. (He he, ai nói ở quê trai gái đến tuổi cập kê không đi chơi khuya chứ). Bé cái lầm! May mà tôi cũng tưng tưng nhưng chưa tới độ nghĩ gì nói đó. Thằng em đi lên trụ sở hành chính để chuẩn bị sáng mai bầu cử trưởng ấp giờ mới xong đó. Cả cù lao có mình chú mới tốt nghiệp đại học Cần thơ, ngành nuôi trồng nông nghiệp gì gì đó chịu về nhà. Coi mòi chú này có cơ hội phát triển cấp Hội đồng nhân dân ấp à nha, ăn nói khách sáo và văn vẻ phải biết. Cụng ly một hồi đã đến độ thân tình, chú ghé tai tôi nói nhỏ “ Em thật sự đã chọn sai ngành rồi chị à. Em không thích làm nông nghiệp mà thích làm kinh doanh. Em thích gặp gỡ và giao tiếp. Kỳ này chắc em lên Sài Gòn vừa làm vừa học”. Xong! Khoa quản trị kinh doanh sẽ thêm một giám đốc tương lai, còn ấp mình thì ối nông dân trồng cây nuôi cá mà thành tỷ phú, cần quái gì thêm một kỹ sư nông nghiệp chứ.

Trời gần sáng. Ngoài sông ghe máy đã nổ râm ran như tiếng xe cộ ở nhà mặt tiền Sài gòn. Tạm nghỉ chút để có sức sớm mai đi thăm chợ nổi Cái Bè. Tôi ngả lưng và coi lại tin nhắn. Tổng cộng 31 tin trong inbox. Có những lời chúc của bạn không gặp mặt đến cả năm. Năm nay có vẻ tôi thu hoạch bộn rồi. Tiền tài thì chưa biết thế nào nhưng tình cảm bạn bè thì rõ ràng tràn trề như nước và rượu miền Tây…
 
Ở miền Tây sông nước chằng chịt nên phương tiện giao thông thuận lợi là đường thủy. Không chỉ mua bán mà cả cưới hỏi ma chay cũng đi ghe tuốt.

Chuyện kể có anh chàng cưới được cô vợ xinh đẹp. Trong ngày rước dâu, có con cá sấu nhảy lên ghe cướp mất cô dâu. Đau lòng vì nhớ vợ và ức cái con cá sấu khốn nạn, anh chàng quyết trả thù. Sau bao nhiêu ngày luyện võ và cắm câu ngồi chờ, anh cũng hạ được con cá sấu.

Để trả thù cho vợ, anh ta mới chặt con cá sấu ra thành nhiều khúc rồi thả trôi sông. Cái đuôi con cá sấu trôi đến chỗ bây giờ gọi là Cái Cuôi. Còn đầu cá sấu trôi dạt vào thành cầu, đến lúc mọi người phát hiện chỉ còn lại hàm răng. Nơi đó bây giờ gọi là Cái Răng.

Nhưng mà tớ cũng còn thắc mắc không biết giải thích sao cho mấy cái địa danh khác như Cái Mơn, Cái Mép, Cái Vồn. Bác nào là đệ tử của Sơn Nam vào đây chỉ giáo đi ạ. Đa tạ.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,462
Bài viết
1,153,060
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top