What's new

Một đêm đàn lạnh (*)

Huế của năm 2007.
Những tháng ngày chộn rộn bất cần lý do. Những ngày bỏ việc để rong chơi. Những ngày sống động, đầy thanh âm, và màu sắc.
Xe đi từ Hà Nội lúc 5h30’ chiều, chạy suốt đêm, cỡ 4-5h sáng là tới Quảng Bình. Bình minh trong lành giữa phi lao lá kim và cát trắng.
6h sáng dừng ở Quảng Trị, xe dừng cho mọi người vệ sinh cá nhân, và ăn sáng luôn ở thị xã Đông Hà. Những ai bắt đầu hành trình từ Quảng Trị thì xuống luôn tại đây, đi thăm Thành Cổ và nghĩa trang Gio Linh và ở lại Đông Hà một đêm, sáng sau lại có xe này qua, có thể theo vào Huế luôn cũng được.
Xe đến Huế khoảng 8h sáng, đoạn đường từ Quảng Bình đến Huế xe chạy chậm rì rì, vì công an bắn tốc độ suốt.
Đến Huế trời đã nắng gắt. Lại vào khách sạn đã từng nghỉ cách đó 2 năm. Đó là cố tật không thể nào sửa chữa nổi của tôi. Đi đâu cũng sẽ cố tìm được một chỗ thấy dễ chịu nhất và ở lỳ đó, tìm một hàng ăn vừa miệng và bữa nào cũng qua, cũng như sử dụng những dịch vụ khác từ một nơi/một người. Thành ra, đến lần thứ hai là đã thành thân thiết, nhưng lại có cái dở là chẳng biết đến những nơi khác, chỗ khác, người khác theo kiểu “nếm trải” chỗ nào mình cũng từng.
Khách sạn nằm ngay trên đường Nguyễn Thái Học, thuê ở bên này rẻ hơn phía bên kia cầu, đi có xa hơn nhưng Huế thì nhỏ, đi xe đạp cũng tiện chứ không cần đến xe máy. Cố đô luôn làm cho tôi mình thấy hiền đi khi đến, từ ngôn cho đến vi, như muốn ghìm cho nhịp sống chậm lại cho hoà với nếp sống nơi này.
Vào khách sạn cất đồ, tắm táp, nghỉ ngơi rồi đi ăn trưa là vừa. Chếch khách sạn có một hàng cơm, ăn cũng được. Không biết có phải khẩu vị của tôi có khác không, nhưng ăn thịt luộc tôm chua ở Quảng Trị ngon hơn ở Huế, (nhớ quán ăn ở Đông Hà, có khung cửa sổ thật rộng nhìn ra toàn hoa lan tiêu như những chiếc loa kèn nhỏ).
Có thể thuê xe đạp để đi thăm Đại Nội ngay trong chiều đó, và qua mấy nơi gần đấy. Nếu lười thì đi xích lô hay thuê xe máy cũng được.
Lúc đi thì qua cầu Phú Xuân lúc về thì qua cầu Tràng Tiền, chiều đã muộn, thành phố đã lên đèn, chợ đêm ngay dưới chân cầu Tràng Tiền đã họp. Còn cả buổi chiều đó vòng quanh trong Đại Nội, nhớ ra rằng cả hai lần vào Đại Nội đều mưa, dù trước đó trời đang nắng to, đột nhiên mây đen kéo đến rồi mưa luôn, không cần cơn cớ.
Lần này cũng mưa, đúng lúc đang ở trong khu của các mỹ nữ cung tần, cả một dãy phía cuối gần như hoang phế. Đứng chờ mưa tạnh, không hiểu có bao nhiêu cuộc đời thanh xuân bị giam cầm nơi này?
Đến chiều thì ngồi ngắm Kỳ Đài và xem trẻ thả diều, cổ vũ cho một chiếc diều hình con rồng to tướng, mãi không được gió để bay lên.
Bữa tối qua Đập Đá để ăn lẩu. Quán lẩu ngay lối đi xuống bến để thuê thuyền đi trên sông Hương. Cũng vẫn là quán đã ăn cách đây hai năm, vẫn rẻ, vẫn ngon.
Ăn xong xuống thuyền nghe hát là vừa. Đêm sông Hương không có gì ly kỳ, thê lương hay buồn đau như trong thơ của Văn Cao. Chỉ thấy hơi phả của cuộc sống, các “ca kỹ” toàn hát “Ai ra xứ Huế” với lại “Huế xưa”… Đi một lần cho biết thôi, còn nếu có trở lại sẽ không nghe nữa.
Sáng hôm sau ra bến để thuê thuyền đi dọc sông Hương, các lăng tẩm đền đài về cơ bản đều quanh đó cả. Hai vợ chồng chủ thuyền hiền lành, đồng ý đi cả đến những nơi không thuộc vào “cung” đường của họ. Thế là thuyền đi, ghé qua chợ Đông Ba, tập kích từ phía sau, mua đồ ăn để nhà thuyền nấu hộ.
Đọc ở đâu đó nói rằng nước sông Hương có màu xanh riêng, bởi ảnh hưởng cái gì đó từ thượng nguồn, lâu quá rồi chẳng nhớ nữa. Quả là nước sông xanh thật, cảnh trí hai bên bờ cũng mát mắt bởi nhiều cây. Chỗ Phu Văn Lâu từ giữa dòng nhìn vào rất đẹp.
Địa điểm xa nhất đi từ sông lên là lăng Tự Đức, nhưng có nhiều bác xe ôm đứng sẵn trên bờ chào đón. Rút kinh nghiệm, nếu dậy được thật sớm thì tốt nhất là vác cả xe đạp lên thuyền mà tự đi, dọc đường nhiều cảnh đẹp, không vì các bác xe ôm câu thúc mà vội vàng, mất cả hay.
Lăng Gia Long thì bị sụt lở nhiều, không có du khách nào cả, ngoài tôi. Cũng tương tự như vậy với lăng Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân thăm vào hôm sau đó. Dù nằm ngay trong thành phố, nhưng khung cảnh hoàn toàn tĩnh mịch, không khí trong lành, thậm chí là buồn bã hoang vắng, bởi không du khách nào bén mảng tới. Nhưng đấy là chuyện của ngày hôm sau. Còn cả ngày hôm đó là đi dọc sông Hương, từ các lăng tẩm đến đền chùa dọc sông dọc sông, đúng một dọc luôn Lăng Gia Long-Lăng Minh Mạng-Lăng Thiệu Trị-Điện Hòn Chén-Lăng Tự Đức-Chùa Thiên Mụ.
Chưa kể những nơi bất chợt trên đường đi thích thì ghé lại. Lúc quay thuyền trở về vẫn còn sớm, cho thuyền đi thong dong, xem người dân khai thác cát dưới sông, rất thủ công, vất vả. Tầm chiều nên các thuyền bắt đầu xuôi nước để về bến, nước sông Hương xanh đen lặng lờ, bây giờ mới thấy thấm nỗi buồn của thơ Văn Cao: “Thuyền xuôi về bến mô thuyền bỉ/ Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà…”
Tối hôm đó lại vác xe đạp đi chợ đêm chỗ cầu Tràng Tiền và xem vải may áo dài. Lang thang trong thành phố chưa đến mười giờ mà tưởng là đã khuya lắm, đành về khách sạn ngủ sớm.
Hôm sau lại tiếp tục đạp xe, đi thăm đàn Nam Giao, đến lăng Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân, và chùa Tường Quang. Con đường vào nho nhỏ, nhưng sạch sẽ, và khu lăng tẩm đang có dấu hiệu sụp đổ nay mai. Người trông coi dẫn chúng tôi đi xem, bằng giọng rất Huế, bảo rằng nơi đây không nằm trong quần thể được du lịch để mắt nên không có tiền để tu tạo. Tôi lại thấy mình may, còn thấy được khung cảnh vắng lặng, đổ nát này.
Lúc về có vòng qua chùa Từ Đàm khi đó còn đang xây dựng, chỉ thấy ấn tượng với cây bồ đề to đùng phía trước. Đạp xe chậm như rùa mà chưa hết sáng đã hết nơi thăm, lại vòng qua ăn hết món chè này đến món bánh khác, kết luận là… không ngon!
Chiều về sớm, tắm táp cho đỡ phí tiền thuê phòng!!! Dọn đồ, trả xe rồi trả phòng khách sạn. Sau đó, lên xe vào thẳng Hội An. Ấn tượng ở Hội An chỉ là Cửa Đại với hoa muống biển nở dọc đường đi. Và quán ăn nhỏ có món trà xanh đãi khách, phục vụ chậm nhưng ăn ngon, có không khí như được chuẩn bị cho ăn ở nhà. Và chỉ thế thôi!

(*) Ý thơ Văn Cao
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,554
Bài viết
1,153,641
Members
190,119
Latest member
mksportstop
Back
Top