What's new

Mùa hè New York

11231750_10153206827441622_6930442948175451277_n.jpg

Quay lại New York. Ko vì gì cả. Mọi lý do đều trở nên thừa thãi khi người ta muốn làm một điều gì đó. Sau này tôi thấy ái ngại cho mình khi quyết định nhanh chóng một số vấn đề lớn. Làm kinh doanh, nó tập cho người ta tính quyết đoán. Đôi khi đúng, đôi khi sai. Nhưng chắc chắn theo thời gian thì tỷ lệ sai ngày càng giảm xuống (hên xui).
Nhân một ngày Sài Gòn nóng muốn lột quần thì thần trí ko ổn định nên đặt vé. 925 USD khứ hồi của EVA. Nhiều người hỏi vé 2 ngàn hả? Trời ơi bệnh hết biết. Đi hãng lớn EVA mà có 925 thôi. Nếu chịu khó đi mấy hãng China thì còn bèo hơn nữa. Chứ 2 ngàn là tổng số tiền của cả chuyến đi 18 ngày của tôi đấy ạ. Hỏi Nhật với Hà, có chỗ ngủ cho anh không? Có. Vậy là ko tốn tiền khách sạn. Mà tiền khách sạn ở Mỹ là thứ đắt xắt ra miếng. Tôi không giỏi tính toán, chỉ ước ước thấy thứ gì phù hợp với mình thì chọn. Xê xít chút cũng ko sao. Còn vượt quá tầm tay thì thôi bỏ qua, ko ráng làm gì. Cái gì cũng cần thời điểm để chín mùi, vú ép thế nào được.
Vậy là tới NY. Lúc bay trên bầu trời, nhớ ra nhiều câu chuyện lãng mạn. Nhớ cái thời mặc quần rách mà nghĩ đến chuyện hẹn nhau ở NY xem cây thông giáng sinh. Nhớ đến cái hôn lãng mạn ở Times Square giữa trời mùa đông căm căm. Hay chỉ là nhét tay vào túi áo người đi trước. Túi người thì ấm. Nhớ lại những câu chuyện lãng mạn của tuổi ô mai của mình rồi bật cười. Chẳng vì điều gì cả. Chỉ là so sánh đối chiếu với con người mình hiện tại thì đúng là buồn cười thật. Vài năm chứ mấy. Mà suy nghĩ khác đi nhiều. Nếu trước đó nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó cho người kia hoặc cho tình yêu cao vời đó, thì bây giờ là cho mình mà thôi. Mọi thứ, cho mình trước. Ko phải vị kỷ cá nhân gì đâu, chỉ là khi mình hạnh phúc thì mới có thể lan toả cái hạnh phúc đó cho người khác được. Và đó cũng là cái hạnh phúc bền vững, từ tâm, chứ ko phụ thuộc vào người khác. Trên đời này, có gì bền vững nếu trông chờ từ người khác chứ.
Tôi tin vào chữ Duyên. Sau này, khi nhiều thứ xảy ra thì tôi tin vào thứ do ông Trời sắp đặt. Việc đến đâu, gặp ai, có tình cảm với người nào hay phải sinh ra ở đâu và chết ở nơi nào, đều có bàn tay vô hình sắp đặt. Trên người tôi có đeo một Thánh giá. Đeo lâu rồi nhưng tôi không có Đạo. Nhưng tôi tin tưởng vag thấy an tâm khi mang trên người. Tôi nói với mục sư gặp ở NY: Con tin vào số mệnh. Có thể con đã không chọn Chúa, vì ở SG hay đâu đó, con đã ko đến nhà thờ. Nhưng Chúa đã chọn con, vì ngay lúc con cần một đức tin nhất thì con đến đây. Đó là một Nhà thờ tin lành giữa lòng Manhanttan của cộng đồng người Việt. Khi đó, tôi cảm nhận được Thánh giá của mình sáng lấp lánh. Tại sao ngay lúc đó, tôi cần một đức tin ư? Tôi thú thật với Mục sư, con đang get lost. Mục sư hỏi tại sao? Tôi trả lời rằng trong một khoảng thời gian dài một mình con chống chọi với quá nhiều những thử thách. Bạn bè con là những người chia sẻ với con mọi thứ. Nhưng con cần nhiều hơn. Là một chỗ dựa về tinh thần, là một đức tin để khi con quyết định một thứ gì đó, thì con biết có người luôn thấu hiểu con. Hay khi con mệt mỏi quá, con chỉ cần có người lắng nghe con than thở trong một chốc lát. Đó là một buổi chiều, trong một nhà thờ giữa lòng Manhattan. Tôi thấy mình như được gột rửa, nhẹ nhàng và bản năng.
Bữa đó ngồi nghĩ ra cái để viết về NY, mới nhớ có một bộ phim tựa là Manhattan Midnight. Một cái tên mới thơ làm sao. Đó cũng là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của thành phố sôi động này. Khi những khách du lịch đã về khách sạn ngủ, hay chui tọt vào một cái rooftop nào đó nhìn ngắm chỉ trỏ, thì thành phố hiện lên bình dị, không son phấn rực rỡ, không kiêu kỳ lộng lẫy, không xa hoa bóng bẩy. NY, hay Manhattan, hay ai đó, chỉ đẹp khi trở về chính là con người họ. Tôi không chắc về những định nghĩa do mình tạo ra có thuyết phục được mọi người không nữa. Nhưng tôi tin. Tôi tin vào những đêm rạng sáng ở cái thành phố xa hoa sôi động nhất thế giới này có một vẻ đẹp rất đời.
Chẳng thể tin được tôi đã ở một thành phố xa lạ đến mười ngày. Chỉ để sống những ngày lang thang. Đêm nào cũng về nhà khi ngày mới đã sang. NY không ngủ. Vì mỗi ngày nó tiếp nhận hàng ngàn con người từ những múi giờ khác nhau. Nên lúc nào cũng có người thức ở NY là vậy. Nhưng NY cũng không ngủ với những chuyến tàu chạy suốt đêm dưới lòng đất. Thi thoảng, có một line tàu đang sửa, mọi người lại dồn lên một tuyến xe buýt để đến trạm khác. Hay người lái xe Uber nói là anh ta phải làm việc suốt đêm và mọi thứ rất ổn. Như nó phải thế. Như những con người trở về nhà sau khi hoàn tất công việc đến giữa đêm. Tôi thích con người ở đây. Vì dù có thể rất mệt sau một ngày làm việc, nhưng có thể nhìn thấy họ vẫn rất tỉnh táo và nhiều sức sống. Cái tinh thần đó đối lập hoàn toàn với những chuyến tàu khuya ở Paris. Ngày ở Paris, là những khuôn mặt nhàu nhĩ, muộn phiền, như thể chuyến tàu này dẫn họ về những khổ ải trần ai. Người Paris mệt mỏi và thờ ơ với mọi thứ. Một thành phố mà đến những nhân tố con người trong nó cũng không thể hiện cảm xúc thì nơi đó biểu trưng của thứ gì?
Hôm đó đang một mình trên chuyến tàu khuya từ Manhattan về Queens. Người đàn ông vô gia cư ngồi ở dãy đối diện do say hay do ngủ quên, hay do quá mệt mỏi mà ngã nhào ngay trước mặt. Nhưng ông cũng không buồn đứng dậy. Bộ đồ rách rưới đen đúa. Mùi hôi sau nhiều ngày không tắm bốc lên. Và đang ngã trước mặt mình. Trong tình huống đó, tôi phải làm gì đây?

11193214_10153187350361622_6859038957242145378_n.jpg

11088345_10153187351221622_5631851942598739503_n.jpg

10846200_10153187361481622_3203801450842917387_n.jpg

10455176_10153187362436622_7809787982956356783_n.jpg

11255740_10153187364576622_3567574983558133035_n.jpg

11233563_10153187365071622_5946926516306687998_n.jpg


Còn tiếp.
 
Last edited:
Cảm nhận của mỗi người sẽ khác về một vấn đề gì đó, nhưng, em thích cảm nhận của anh về một thành phố xa lạ, về một cách sống "có chỗ dựa thể xác và tinh thần" và tích cách nhìn đó của anh... Luôn tìm cho mình một điểm tựa khi chông chênh. Em đã gặp kha khá người, và cũng thấu hiểu được 1 ít trong số đó. Họ không tìm được chỗ dựa, chỉ là bước đi và chông chênh kiểu như con thuyền không bến giữa trời gió. Anh không đạo nhưng anh tin số phận, cũng giống như em, chẳng tin cái gì cả, chỉ tin vào số phận do đấng vô hình sắp đặt, có thể là đức Phật, đức Giê-su, hay thậm chí là đấng quyền năng nào đó trong Ấn Giáo... Có cưỡng cầu thì cũng chỉ như sợi dây đung đưa trước gió, sau cũng sẽ đứt nếu gió to...
 
Tôi phải làm gì đây? Ngay trong cái phút giây nhìn thấy người đàn ông vô gia cư đó nằm trước mắt mình, nhiều hình ảnh chạy qua. Thật sự tôi sợ bị liên lụy và cảm giác cứ sờ sợ thế nào. Rủi gì ông ấy đang say, rồi mình hỏi hỏi khi ông ấy đang ngủ, ông ấy quật cho một cái thì toi. Thật ra, hình ảnh đó thì tôi lạ gì ở đất nước mình. Nó hằng ngày, hằng giờ khi nhìn thấy những con người ngã nhào ra đường. Chẳng ai quan tâm mấy thằng xỉn, về lý thuyết là như thế. Nhưng trên thực tế thì tôi ngoài người ra, khều vai ông già đang nằm trên sàn tàu điện ngầm và hỏi: Are you ok? Câu hỏi của tôi thều thào, kiểu như đang phân vân có nên thực sự hỏi ông ta có sao hay không? Hay đơn giản vì tôi rơi vào tình huống phải như thế? Và ngay khi tôi còn đang phân vân giữa hai con người trong bản thân mình, một cô gái ngồi ở dãy khác đã chạy đến, lay mạnh vai ông già: Are you ok? Do you need help? Ông già thều thào gì đó trong miệng, tôi nghe không rõ. Rồi chẳng ai nói ai, cô gái một bên, tôi một bên bế thốc ông già lên. Dường như ông già không lay động gì cả, dựa vào thành ghế và tiếp tục cơn ngủ. Cô gái nhìn qua tôi thầm cảm ơn. Tôi nhìn cô gái thầm cảm ơn. Tôi cảm ơn cô vì cô xuất hiện đúng lúc để cho tôi dứt khoát phải hành động như thế, không thể chần chừ.
Vâng, đôi khi mình phải bỏ sự e dè, những thói quen cố hữu của một cộng đồng. Chẳng phải để làm một người tốt hay chứng minh điều gì với ai cả. Chỉ là cái con người thiện trong mình bảo mình cần phải làm thế. Hà Kin kể với tôi một câu chuyện làm cho cô ấy yêu New York đến nhường nào khi một ngày nọ cô ấy chứng kiến những chiếc máy bay rạo rực trên dòng sông Hudson để tìm kiếm một người đàn ông vô gia cư bị rơi xuống sông. Cô ấy yêu cái thành phố mà ở nơi đó, quyền sống của con người là tối thượng. Dù bạn có là ai, giàu nghèo, da trắng da vàng da đỏ da đen, là một business man hay là một người vô gia cư… Chẳng có gì phân biệt để bạn bị đối xử khác đi.
Tôi lại nhớ cái lần tôi và Julia đang đi bộ trên đường Lê Lợi. Khi một người đàn ông bán vé số té xỉu trên đường. Y chang tình huống ở trạm tàu điện, khi tôi còn luýnh quýnh không biết nên làm thế nào thì Julia đã chạy đến, la toáng cả một khúc đường. Nhiều người bu lại, để nhìn. Julia đã hô hấp nhân tạo cho người đàn ông, còn tôi thì gọi cấp cứu. Đương nhiên, cho đến khi người đàn ông tỉnh và rời đi, chẳng có xe cấp cứu nào chạy đến kịp. Đám đông hiếu kỳ cũng rời đi, chắc là trong đầu họ thấy kỳ lạ vì có một con nhỏ Tây xổ tiếng Anh tiếng Pháp giữa đường, hô hấp nhân tạo cho một người đàn ông Việt Nam nhỏ thó ngất xỉu giữa đường. Chuyện thường ngày ở huyện đấy mà. Nhưng chiều hôm đó, Julia cứ buồn hoài. Julia hỏi tôi tại sao người ta nhìn tao như vậy? Sao tính mạng con người ở đây rẻ như vậy hả Tâm? Tôi đã nghĩ ra nhiều lý do để trả lời nó, cầu mong nó sẽ quên câu chuyện này đi, hoặc sẽ quen từ từ khi sống quá lâu ở thành phố này. Nhưng không, đó là thứ mà Julia đau đáu khi nghĩ về, và qua bao lâu thì nó vẫn giữ nguyên cái bản nguyên như thế. Những lần khác, nó vẫn là đứa lao ra, la váng cả một góc đường và nhào vô giúp đỡ.

Tôi biết rằng trong con người mình có hai con người khác đang trú ngụ: người thiện và người ác. Chỉ là, tôi mong mỏi rằng trong hoàn cảnh nào đi nữa, thì con người thiện của mình được phát huy. Để mỗi quyết định hành động như thế nào đi chăng nữa, thì mình cũng đã không hối hận. Và vả chăng khi mình té ra giữa đường, thì có một người thiện khác dang tay ra giúp mình. Xã hội sẽ đẹp biết bao. Con người không phải luôn hướng đến xã hội công bằng văn minh đó sao? Con người không phải luôn hướng đến cái thánh thiện thanh cao đó sao?

Tôi cho rằng hành động của con người bị ảnh hưởng nhiều ở môi trường. Trong một xã hội mà con người rẻ rúng thì việc quay đi là điều không thể tránh khỏi. Nhưng sâu xa hơn, lại chính là bản ngã. Bản ngã mới là nguồn gốc của cái thiện hay cái ác, còn môi trường là mảnh đất cho nó sinh sôi. Nhưng không phải ở New York tôi là người tốt còn ở Việt Nam thì tôi xấu đi. Chỉ hy vọng rằng ở New York cho tôi những ánh sáng hy vọng về bản ngã của mình, để rồi, dù ở đâu đó, tôi vẫn biết mình có thể hành động hướng thiện một cách tích cực. Lấy một ví dụ đơn giản sau khi đi Nhật về, thì lúc nào sau khi uống cà phê xong tôi cũng là người dọn dẹp sạch sẽ bàn trước khi rời khỏi quán. Đó là bản năng được thức tỉnh, rồi theo đó mình hành động vô thức có trách nhiệm, chứ chẳng để chứng minh cái gì với ai cả. Nhưng hy vọng thì mình có. Hy vọng có một chút thay đổi nào đó, từ những người xung quanh, hoặc ít nhất là bạn bè mình. Ai cũng bảo “xã hội mình thế này, xã hội mình thế kia”. Xin thưa, xã hội nào cũng có những mặt trái của nó. Ngoại trừ thiên đường là nơi tôi chưa được tới chứ còn những nơi tôi đi qua, thì luôn có cái ưu và cái khuyết. Xin lỗi chứ ở Paris, ở Milan cũng giựt dọc đầy đường đấy thôi. Không ai mặc định một xã hội tiên tiến chỉ sản sinh ra những con người tiên tiến. Cũng như không ai dám nói một xã hội chậm tiến chỉ toàn những con người ngu dốt. Từng con người, chính là người quyết định bản ngã của mình. Đổ thừa xã hội chính là sự bất lực trước bản thân mình, tôi nghĩ vậy.

Cuối cùng thì ông già vô gia cư vẫn còn gục vào thành tàu khi tôi dừng lại trạm nhà mình. Ông ấy đi đâu nhỉ? Hay ông ấy cứ ngồi đó, mặc cho con tàu đi ngang đi dọc trong lòng New York suốt cả đêm. New York ngày đầu tiên mùa hè. Vừa đó thôi, những trận bão tuyết mùa đông kéo sang cả mùa xuân làm người dân New York chưa hết bàng hoàng, thì hôm nay đã có thể phong phanh trên phố. Trong những ngày lang thang các thành phố, ngoài Los Angeles thì tôi thấy New York có tỷ lệ người vô gia cư vượt trội hơn hẳn. Họ ở khắp nơi trong thành phố, nhăn nhúm, xấu xí, cáu bẩn. Nhưng mùa này bắt đầu ấm áp nên họ tản ra khắp nơi. Chứ mùa đông kìa, họ tập trung tại các ga tàu điện có máy sưởi. Nằm ngồi la liệt khắp nơi. Tôi rất sợ mỗi khi đi ngang. Cái cảm giác không an toàn cứ vây lấy mình. Thậm chí trên tàu điện có một ông già nói lảm nhảm rồi cười hô hố một mình làm tôi luôn phải canh chừng. Vậy mà cô gái bạn tôi thì cứ thảnh thơi như không có gì xảy ra. “Anh yên tâm đi, không ai làm gì anh đâu!”. Ai biết, cẩn tắc vô áy náy chứ đợi khi ai làm gì thì đã quá muộn chăng? Mà đúng là không ai làm gì thật. Dù tôi lo lắng và cô bạn phớt lờ thì chúng tôi cũng đi băng qua những con người vô hồn ở những ngã tư đường. Tôi nghĩ rằng chắc mình chưa quen, ừ vậy đi.

Hay tại mình luôn nghi ngờ? À mà thôi không bàn chuyện này nữa. Phức tạp lắm.


Có bữa Nhật chạy đến chỗ hẹn, cười không nín được. Sau một hồi thì kể mới thấy bạn Mỹ đen kia đẩy cái xe đẩy siêu thị, trong đó có chai nước, đi qua khúc cua thì cái xe dằn một cái. Thế là bạn Mỹ đen dừng lại, dỗ dành chai nước: “ Chời ơi, xin lỗi cưng, đừng có giựt mình nha, thương thương…” với thái độ chân thành hết cỡ. Tôi nghe xong cũng thấy mắc cười, và thấy người New York dễ thương thiệt. Họ dễ thương đến nỗi xóa tan cái ý niệm người New York lạnh lùng mặc định trong đầu khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Những buổi chiều đi lộn đường hay những lần ra nhầm bến phà, họ dù đang bận, cũng tẩn mẩn tỉ mỉ chỉ tôi con đường quay lại. Hay chỉ là cái cười thân thiện khi vô tình nhìn thẳng mặt nhau trong một quán cà phê. Hay chỉ là cái nhường đường nhau trong những lần đường xá kẹt xe đến chóng mặt. Mỗi lần nhìn đường xá không còn lối đi và những người đi bộ len lỏi qua những chiếc taxi vàng, tôi thấy Sài Gòn đâu đó. Ừ, có một Sài Gòn giữa lòng New York…

Mà sao lại là Sài Gòn chứ?
(còn tiếp)

11205598_10153210035451622_8168363627159336117_n.jpg

11148216_10153210034546622_4513277299844379223_n.jpg

11057598_10153210034856622_187969538146628484_n.jpg

11350739_10153210035901622_1226351292317425341_n.jpg
 
Tại sao lại là Sài Gòn chứ?
Nhớ hồi đó, khi quyết định đi Paris, Xavier hỏi mày đi đâu làm gì ở Paris hả Tâm? Trả lời tỉnh queo qua đó tính. Xavier phải than trời: Paris không đơn giản như mày nghĩ, Paris không có 'thuận tiện' như Việt Nam đâu. Ở đây, bước ra ngõ là có đủ mọi thứ, còn bên kia không phải vậy.
Vậy tóm lại ý của Xavier cũng phải công nhận Sài Gòn mình thuận tiện thật. Xavier là một con người Paris chính hiệu, nên những gì nó nghĩ thì tôi cho là đúng. Còn mình, nhiều khi sống ở đâu đó quen quá rồi nên ko nhận ra cái thuận tiện đó nữa. Nhưng khi tôi sang Paris, cái gọi là 'bất tiện' mới thể hiện một cách đầy đủ. Muốn biết thế nào, mời tìm lại bài Paris mà đọc nhé :))
Và cái bất tiện một cách khác biệt đó theo tôi từ thành phố này sang thành phố khác. Nói chung, mỗi lần đi du lịch về là chân cẳng rã rời. Theo ngôn ngữ bình dân của tôi gọi là 'xạc háng' chứ chẳng chơi. Xạc riết rồi quen, chẳng dám mong đợi gì nhiều hơn ở một nơi mình đến.
Thế mà đối diện với New York, cái sự bất tiện đó dường như không tồn tại. Tôi đã trải qua những ngày mò mẫm dưới lòng đất trong từng trạm tàu điện ở nhiều thành phố, rồi mò lên đất liền, đi bộ tiếp. Mò riết sau này có một cảm quan với tàu điện ngầm, đi cũng ít sai. Nhưng dù có thuận tiện như thế nào thì khi lên đất liền cũng phải xốc ba lô lên đi bộ tiếp. Đi đến chân cẳng rã rời, xanh mặt xanh mũi, đi đến chân cũng hết đau, hết cảm giác, rồi chuyển sang lết, cũng may là chưa bò =)) Nhưng ở New York, tàu điện ngầm là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Tôi hỏi Hà Kin sao học làm phim mà không về Los Angeles thực tập mà lại quyết định ở NY? Hà trả lời vì ở New York rất là thuận tiện.
Cái sự thuận tiện là một yếu tố vô cùng quan trọng khi chúng ta quyết định chọn sống ở một nơi nào đó. Thuận tiện có nghĩa chúng ta thiếu cái gì mà ở đó cho ta đúng cái đó, hoặc cái gần giống nhất mà ở nơi khác không có. Hoặc là gần giống với thói quen của mình nhất. Và theo tôi, thuận tiện có nghĩa là gần giống với NHÀ.
Nhà là Sài Gòn chứ còn đâu nữa. Tuy hình thức hơi khác nhau, đương nhiên, NY phải khác SG rồi. Nhưng bản chất giống nhau lắm. Thương lắm, yêu lắm...
Sài Gòn mình ko có tàu điện, nhưng mỗi sáng ra cửa, nếu xe hư thì đón xe ôm mà đi. Sang tí thì taxi thẳng tiến. Không thì đã có Uber làm tới. Không thì bạn bè đón đưa. NY cũng y chang rứa. Sáng dậy, bước ra ngõ là có tàu điện ngầm. Muốn đi nhanh thì có taxi, Uber, bạn bè. Đi lại là thứ vô cùng dễ chịu ở NY mà không nhiều thành phố có được. Người ta mê NY cũng vì thế. Chỉ cần đến đó, mỗi ngày len lỏi trên những line tàu điện ngầm để băng ngang băng dọc thành phố. Từ Times Square, khu Hàn Quốc, khu Tàu, khu Ý, chợ búa, cầu cảng, bến phà, mấy cái đảo, công viên, những góc xa của thành phố... Dường như ở đâu, tận ngóc ngách nào cũng có thể tiếp cận từ hệ thống tàu điện của NY. Mà một khi việc đi lại thuận tiện, thì mọi nhu cầu khác cũng sẽ thuận tiện theo.
Mà ở cái thành phố có đặc sản kẹt xe này, thì có khác gì Sài Gòn cơ chứ. Cho nên mắc gì phải mua sắm xe hơi chi cho mệt. Cứ tàu điện hay xe buýt mà làm tới. Hay như ở nhà mình. Cứ xe ôm hay tự chạy xe máy cho khoẻ. Và nó khoẻ thật. Vì nó là NHÀ.
Chỉ cần hẹn nhau ở đâu đó thì mười lăm hai mươi phút sau đã có mặt. Thậm chí tôi là khách du lịch mà nhiều khi còn có mặt trước bạn bè ở đây, đủ biết là nó thuận tiện cỡ nào rồi đó. Cho nên khách du lịch yêu NY cũng là vì thế. Sống ở cái thành phố bận rộn nhất thế giới này, lại thuận tiện nhất thế giới, thì có gì mà trở ngại để họ phát triển nữa.
Vì lẽ đó mà rất nhiều người hướng về NY để tìm cơ hội với đủ mọi ngành nghề. Người ta nói: Nếu thành công ở NY, bạn sẽ thành công ở bất kỳ đâu. Với tỷ lệ cạnh tranh cao và nhiều áp lực, NY như một lò luyện người khủng khiếp nhất thế giới. Nhưng cũng là nơi đó, chỉ dành cho những con người tự tin họ sẽ thành công. Thành công là tính từ không dành cho những kẻ yếu đuối. Vì người yếu đuối gọi đó là may mắn. New York không dành cho kẻ yếu đuối. Những người yêu NY không phải là những người yếu đuối. Vì NY không ơ hờ lãng đãng, không liếc mắt đưa tình, không dịu dàng những buổi sớm mai sương ảnh (từ của tôi, trong thơ tôi, dù hơi tối nghĩa haha). Ừ, như Sài Gòn của mình vậy. Chứ vùn vụt trôi ngày qua ngày. Những gương mặt người, những gương mặt đời loáng thoáng rồi mất hút bởi những chập chùng lo toan. Tôi dần thấy mình trở nên lạc hậu trong cái thành phố này. Mọi thứ trôi nhanh quá. Sài Gòn trôi nhanh quá. New York những ngày đầu hè cũng trôi nhanh quá.

Trong những ngày ở NY, có một thứ giống Sài Gòn hơn cả. Hơn cả tô phở ở quán phở Pasteur ở khu China Town, hơn cả phương tiện đi lại, hơn cả ly cà phê sữa đá Việt Nam mình. Đó chính là những người bạn, những khuôn mặt người Việt rạng ngời ở New York...

Phần tiếp theo: Người Việt ở New York
11222240_10153187350286622_6057296946727078007_n.jpg

11120902_10153187350686622_3406201741019415074_n.jpg

11261222_10153187351041622_4664366514365346735_n.jpg

11011527_10153187351256622_3472395353066204486_n.jpg

10985450_10153187351621622_269862101437320182_n.jpg

10423679_10153187354511622_2228354616039572439_n.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,578
Bài viết
1,153,811
Members
190,134
Latest member
etaxiprk2
Back
Top