What's new

Mùa thu vàng Bắc Ý

Bạn có bình chọn cho bài viết dự thi của talentino không?

  • Votes: 1 100.0%
  • Không

    Votes: 0 0.0%

  • Total voters
    1

talentino

Phượt tử
Tên: talentino
Địa chỉ email: [email protected]
Số điện thoại: 0985206806
Tên bài dự thi: Mùa thu vàng Bắc Ý
Danh mục bài viết
1. Genova đón tôi bằng một ngày đầy nắng
2. "Nice is nice!"
3. Gặp gỡ Trento - Hội sinh viên Việt Nam tại Ý
4. Trento - Mùa thu trên dãy Alps
5. Verona - Chuyện tình Romeo và Juliet
6. Venezia - Nơi tình yêu thăng hoa
7. Pisa - Đến ngọn tháp cũng phải nghiêng mình soi bóng nước Arno
8. Torino - Cố đô bên dòng sông Po
9. Roma - Thành phố vĩnh hằng


Không có gì là vội vàng cả
khi bỗng nhiên chỉ mỗi một chiều tà
ta khẽ thấy cái lạnh phả vào người nghe ran rát
bên ngoài cửa sổ lá vàng rơi xào xạc
là mùa thu đến rồi...



Mùa thu vàng Bắc Ý

1. Genova chào tôi bằng một ngày đầy nắng

Tôi đến Genova vào một ngày trời đầy nắng...
Đó là lần thứ hai tôi đi máy bay, và là lần đầu tiên tôi bay xa đến thế. Việt Nam của tôi đang ở lại sau lưng. Không biết phía trước là thế nào, chỉ biết rằng, sau lưng tôi là nỗi nhớ và lo lắng của cha mẹ và người thân. Họ lo cho tôi, vì tôi đi thật xa.
Chuyến bay hơn 13 ngàn cây đã an toàn vượt qua được cơn bão ở vịnh Bengal, và đáp xuống Charles de Gaulle - Paris an toàn. Đồng hồ điểm đúng 6:15. Đó là đêm dài nhất trong đời tôi, vì phải thay đổi múi giờ. Paris 7g vẫn còn tối. Quả thực cho đến lúc ấy, tôi vẫn chưa biết rằng châu Âu mặt trời mọc trễ đến như vậy. Đến sau này tôi mới biết chỉ do họ sử dụng múi giờ khá khoa học, cân đối giữa công việc và giấc ngủ, nên hiệu quả làm việc cao.
Hối hả hoà vào dòng người một cách choáng ngợp trước sự hoa lệ của sân bay, tôi mải miết bắt tàu điện ngầm, rồi xe buýt, rồi đi lên, đi xuống, check in máy bay để chờ bay tiếp sáng Genova. Cuối cùng cũng vào được phòng chờ terminal G. Đó là phòng chờ dành riêng cho máy bay từ Paris đi các nước châu Âu (trừ Pháp, tất nhiên). Mùi nước hoa sực nức, hàng trăm con người, số ngả lưng ngủ một giấc, số đọc báo, yên tĩnh, và lịch sự. Một chị châu Á ngồi cầm mấy bức vẽ, tôi đoán chị là người Việt Nam do trên tay chị đang cầm loại bút mà tôi thường hay sử dụng.
Tôi chờ ở Paris hơn 3 giờ đồng hồ. Chiếc máy bay nhỏ khác sau đó đưa tôi về Genova. Bầu trời quang đãng, trên phi cơ, tôi nhìn thấy đất Pháp là những cánh đồng xanh biếc, những đồi núi, những ngôi lang với nóc mái ngói đỏ. Băng qua một dãy núi mà trên đỉnh có những vệt trắng, tôi đoán là mây, nhưng nhìn kỹ lại thì đó là những mảng tuyết trên đỉnh núi Alps cao vút này. Hoá ra là tôi đang ở cao đến như vậy!
Vượt qua một cánh đồng và một dãy núi nữa, máy bay dần dần hạ cánh xuống sân bay Christoforo Colombo. Sở dĩ có tên như vậy là vì Genova chính là quê hương của ông, dù theo mọi người biết ông là người xứ Tây Ban Nha. Một bên là biển, một bên là núi. Và máy bay hạ cánh an toàn.
Sau một hồi chờ hành lý, tôi bắt xe Volabus về trung tâm thành phố. Quả là không lường trước trường hợp tiền mang theo đã đổi chỉ là tiền chẵn, nên tài xế từ chối. Tôi phải loanh hoanh một hồi mới có thể tìm được ATM mà rút tiền.
Chuyến xe đưa tôi đến ga Brignole. Trên đường là những toà nhà cổ kính, điển hình kiến trúc châu Âu thời Trung cổ. Genova lúc ấy trong tôi như chứa nét gì đó của xa xăm, của thời trung cổ, của sự vĩ đại đế chế La Mã, của Địa Trung Hải...
Anh Khoa đón tôi tại ga Brignole. Sau khi mua một vé xe buýt đắt nhất trong đời, 1,5euro một vé 100 phút, chúng tôi lên xe về Ostello. Ở đây người ta tính theo phút chứ không tính theo vé như ở Việt Nam. Anh Khoa là người bạn đầu tiên, giúp tôi biết thế nào là nước Ý. Anh chỉ dẫn tôi tận tình những thủ tục làm hồ sơ nhập học, cách ăn ở nhà ăn mensa, cách đi xe bus…
Ostello nằm trên lưng chừng núi, nên chiếc xe phải chạy theo đường zig-zag làm tôi khá mệt sau chuyến đi dài đằng đẵng. Từ trên cao, cả thành phố như thu mình lại dưới cái nắng vàng hanh của ngày đầu thu. Phía xa là Địa Trung Hải, xanh thẳm và dịu êm. Porto Antico (cảng cũ) như một cánh cung, ôm lấy vịnh biển nhấp nhô những chiếc du thuyền bóng loáng. Một con đường cao tốc nằm trên cao chạy dọc theo bờ cảng. Phía bên phải, ngọn hải đăng Lanterna sừng sững, chứng tích của một lịch sử huy hoàng của vương quốc.
Tôi và anh Khoa có một dịp may đúng vào cuối tuần sau đó. Lễ hội du thuyền rất lớn được tổ chức ngay tại Fiera di Genova, khu triển lãm lớn nằm ngay ven bờ biển. Hàng trăm chiếc du thuyền sang trọng được neo đậu vào khu triển lãm, vài chiếc được trưng bày hẳn trên bờ. Tự nhiên mình có một khát khao rất lạ mà chắc là ai cũng đã từng ước như thế: được tự do trên một chiếc du thuyền sang trọng, lênh đênh trên những con sóng ngoài biển khơi. Bởi vậy mới nói, sự kiện Titanic dẫu có kết cuộc bi thảm, nhưng cũng đủ diễn tả cái khao khát lớn lao đó của con người, khao khát vươn ra thế giới đại dương mênh mông, lúc hiền hoà, khi giận dữ.


Lễ hội du thuyền

Genova có hai đội bóng: Genoa và Sampdoria. Và bất hạnh thay, năm tôi ở đấy lại là năm hiếm có: Sampdoria bị xuống hạng khỏi Serie A, vì vậy tôi sẽ phải bỏ lỡ dịp để thấy cái thành phố lớn thứ sáu của Ý này điên cuồng lên đến mức độ nào trong hai lần derby mỗi năm. Hai ông giáo sư trong phòng lab anh Khoa là hai fan của hai đội bóng, dù hai người cộng tác làm việc rất tốt, nhưng mỗi lần nhắc tới bóng đá, là cái bản chất kẻ thù không đội trời chung của cả hai nổi dậy. Đương nhiên là một cuộc tranh luận, bằng tiếng Ý, cái ngôn ngữ ồn ào và sinh động đó khiến người nghe, chủ yếu là người nước ngoài như mình, thấy thú vị và đáng yêu vô cùng.
Chúng tôi được tham quan một lễ hội gặp gỡ fan của đội Sampdoria. Lần đầu tiên, tôi thấy người hâm mộ, cầu thủ và những người phục vụ cho lễ hội tiếp xúc với nhau gần gũi đến thế. Họ xem nhau như người thân trong nhà của mình, bắt tay, kể nhau nghe về bàn thắng này, trận thua nọ. Không có sự xa cách, không có bệnh “sĩ”, không có cảnh sát, không có xô đẩy, không có đốt pháo. Mỗi người một cái ly uống rượu vang của vùng, ăn một mẩu focaccia, bánh đặc sản của vùng. Những đứa trẻ thì được chơi với các cầu thủ trẻ tuổi. Một cậu bé mặc áo của đội, xanh dương sọc đen đỏ, biểu diễn những pha vờn bóng đẹp mắt. Mọi người xếp vòng tròn vỗ tay tán thưởng. Cô chủ quầy rượu hỏi xác nhận tôi đủ 18 chưa rồi mới tặng một ly vang miễn phí. Ngon. Ngọt. Và đúng chất Ý.


Một cầu thủ chơi bóng cùng anh Khoa

Nếu bạn đến châu Âu mà chưa được đi chợ truyền thống, được thấy người dân ra đường, nếm từng mẩu phô-mai thơm béo và trả giá trước khi mua thì chưa gọi là đầy đủ. Tôi và anh Khoa may mắn trong ngày hôm đó, vừa được tham quan khu chợ trời chủ nhật, vừa được xem một chương trình trò chơi dân gian do chính người Genova biểu diễn tại quảng trường San Lorenzo, trước nhà thờ cùng tên, nhà thờ chính của thành phố.
Nhiều người, đàn ông, đàn bà, phụ nữ, trẻ em, mặc những bộ quần áo truyền thống, sặc sỡ màu sắc, những vị công tước, bá tước, nhưng cô nàng gái hầu, những bà phù thuỷ, những em bé như trong Donkixote… Họ cười nói vui vẻ, khen với nhau về quần áo đẹp. Họ thoải mái khi mình yêu cầu chụp hình cùng họ, và thậm chí còn tặng mình một cái ôm, hôn lên má.
Sau đó là tiết mục kéo co. Hai đội mặc trang phục xanh và đỏ truyền thống, kiếm vắt ngang hông. Người đứng đầu hàng mỗi bên là đội trưởng, trang phục như một vị công tước. Hai bên hết sức cố gắng kéo. Và khi phần thắng đã thuộc về đội xanh, công tước đội đỏ trở nên hung tợn. Hắn vùng dao ra chém, kéo theo là màn tỉ thí võ cùng công tước đội xanh. Màn đấu kiếm kết thúc bằng một nhát kiếm cắt vào người người chiến binh áo xanh. Chàng té xuống, giả vờ nằm bất động.
Từ phía khán giả, một cô gái xinh đẹp tuyệt vời chạy ùa ra: No! Amore! (Không! Chàng ơi!). Nàng khóc thương cho người tình đã khuất. Sau đó cởi bộ áo choàng nặng nề, cầm kiếm, quay lại chiến đấu với tên công tước nọ. Màn đấu kiếm nam nữ diễn ra sôi nổi, mọi người vô tay tán thưởng trước vẻ đẹp đường kiếm của người thiếu nữ. Kết thúc là sự trả thù thành công của nàng. Nàng đã giết chết tên công tước.


Kéo co dưới nhà thờ San Lorenzo tráng lệ
 
Last edited:
Vở kịch đến thế là hết. Nhưng nó làm cho tôi tái hiện lại cái vẻ đẹp huy hoàng thời quá khứ của châu Âu. Trước giờ, chỉ có xem những cảnh kiếm hiệp của phim Trung Quốc, hoá ra châu Âu thời xưa cũng oai hùng không kém.

Nhắc về lịch sử Genova, sau khi đế quốc La Mã tan rã, bán đảo Ý bị chia năm, xẻ bảy thành nhiều vương quốc. Các vương quốc được trị vì bởi các lãnh chúa và tăng lữ. Trong đó có bốn cường hải quốc nổi lên với sức mạnh về quân đội, chiếm đóng cả vùng biển Địa Trung Hải. Thậm chí chính họ đã từng rất nhiều lần chiến tranh với nhau. Đó là Genova - phía Tây Bắc Ý, Venezia – phía Đông Bắc, là thành phố của tình yêu, Pisa – có toà tháp nghiêng nổi tiếng, và Amalfi – với những bãi biển cát vàng xinh đẹp. Sau này khi nước Ý thống nhất, cờ hải quân Ý, đặc biệt, là ghép lại của bốn lá cờ của bốn vương quốc đó.

Genova, thành phố “Anh” nhất của Ý. Với lá cờ trắng sọc đỏ ngay giữa, Genova là thành phố kết giao với nước Anh xa xôi phía Bắc, bảo hộ những thương thuyền Anh vượt qua Địa Trung Hải để sang các vùng châu Á trao đổi hàng hoá. Genova là quê hương của nhân vật nổi tiếng Christoforo Colombo, người tìm ra châu Mỹ. Mặc dù ông phục vụ chính cho chính quyền Tây Ban Nha, nhưng khi về cuối đời, biết tin đại dịch Black Death (Cái Chết Đen) giết hơn một phần ba dân số Genova, ông đã gửi rất nhiều tài sản về để tái xây dựng quê hương.

Sẽ còn nhiều lần tôi lại viết về Genova, bởi đó cũng là nơi tôi xem như quê hương thứ hai của mình. Tôi có ba mẹ, có hai người anh, có bạn bè, có thầy cô, có những kỷ niệm mà dẫu đi suốt cuộc đời, tôi cũng không thể nào quên được. Từng ngày, từng tháng, từng mùa trong năm ấy, luôn chứa đầy những kỷ niệm mà khi nhớ về đó, tôi mỉm cười nhẹ nhàng chứ không hề hối tiếc, bởi tôi biết…


Gia đình Ý của tôi

Chắc chắn, một ngày tôi lại sẽ trở về. Và Genova lại sẽ đón tôi bằng một nụ cười đầy nắng.


2. “Nice is nice!”

Nước Pháp bao giờ cũng hấp dẫn khách du lịch năm châu. Paris, kinh đô ánh sáng; hay những bãi biển Đại Tây Dương xinh đẹp, đến những vùng đồng lúa hay hoa oải hương trải dài ngút ngàn đến tận chân trời, và những cảnh núi non chập chùng dải Alps (An-pơ) phía Đông Nam, nơi gần biên giới Ý. Mà điểm đến chính trong vùng, phải kể đến Nice!

“Nice is nice!”. Một cách nói bóng gió ghép giữa tên thành phố bằng tiếng Pháp và tính từ xinh đẹp của tiếng Anh, đủ để nói lên sự hấp dẫn của thành phố biển Địa Trung Hải này. Thành phố lớn thứ năm của Pháp, nằm lọt thỏm giữa phần phía Tây của dãy Alps vĩ đại. Có thể nói, Nice là một điểm dừng lý tưởng để khám phá những thành phố vệ tinh nổi tiếng xung quanh: Monaco, đất nước nhỏ bé giàu có với những casino; Grasse, thủ đô nước hoa của Pháp; hay Cannes với liên hoan phim điện ảnh quốc tế, nơi bao nghệ sĩ tài hoa đã được vinh danh.

Tôi đến Nice không phải chỉ vì đi thưởng ngoạn như mọi người. Một ngày giữa tháng 10, tôi nhắn cho Ẩn và Tâm, hai người bạn thân học cùng lớp đại học rằng tôi sẽ có mặt tại ga Nice trong vòng 4 tiếng nữa. Nice thực ra rất gần Genova của tôi, thậm chí nếu xét về lịch sử thì Nice là vùng đất thuộc vào tay người Ý, cho đến khi thời Napoleon thì người Pháp giành thế thượng phong. Vì vậy, kiến trúc và quy hoạch nhà cửa ở Nice mang nét nửa Ý, nửa Pháp rất thú vị.

Tôi bắt tàu đi Ventimiglia ngay vào chiều thứ sáu hôm đó. Chuyến tàu chạy dọc ven biển Địa Trung Hải với tốc độ khá cao, nhưng vượt qua cũng không biết bao nhiêu những đường hầm chui vào núi. Núi trùng trùng điệp điệp, nằm bên cạnh biển xanh ngắt một màu. Những vách núi đâm tua tủa ra bờ biển, một vài cành cây tội nghiệp cố vươn ra từ những khe núi về phía biển. Một vài thị trấn ven biển, nhà cửa màu sắc thú vị đậm phong cách Liguria.

Từ Ventimiglia, thị trấn biên giới, tôi bắt chuyến tàu quốc tế đi Cannes, nhưng tôi sẽ xuống tại ga Nice. Tàu hai tầng, sạch và đẹp hơn tàu của Ý. Giá vé cũng có chính sách giảm gía cho sinh viên dưới 26 tuổi chứ không giống như Ý, mặc dù tính ra thì vẫn đắt hơn.
Tàu đi qua những ga như Menton, Monaco, Mala rồi đến Nice. Tôi nhớ nhà ga của Vương quốc nhỏ bé Monaco là một nhà ga hầm trong vách núi to lớn, lộng lẫy. Điểm khác biệt giữa Ý và Pháp là cách bày trí sân vườn và trang trí ban công khác hẳn nhau. Nếu như Ý, mà cụ thể là Liguria, thì những toà nhà như những khối vuông vức, màu sắc, ban công sổ dọc; thì Pháp đặc trưng với những toà nhà đa số một màu vàng nhạt, cách điệu ban công và mái nhà nhiều hoa văn trang trí đẹp hơn hẳn nét cũ kỹ của Ý. Cây palme (dừa kiểng) bên Pháp cũng nhiều hơn, nhiều loại cây khác nữa làm cho có vẻ xanh tốt hơn.


Súng thần công tại Vương quốc Monaco

Ẩn đón tôi tại ga, và đưa tôi về ký túc xá. Chặng đường bằng xe buýt khá xa, hành khách giờ cao điểm rất đông, nhưng tốc độ xe chạy vẫn rất nhanh. Ký túc xá đại học Nice – Sophia nằm ở phía Tây thành phố. Phòng đơn có diện tích khá nhỏ, chỉ vừa đủ sinh hoạt cho một người. Gian bếp dùng chung và tự dọn dẹp sau khi sử dụng, nếu không thì sẽ bị đóng cửa trong vòng 3 ngày! Khi tôi đến thì Tâm đã chuẩn bị xong bữa ăn tối. Anh em lâu ngày gặp nhau nơi đất khách, mừng vui khôn tả.

Buổi tối, chúng tôi đi dạo ven biển, lang thang trên dải hành lang bờ biển dài hun hút đến tận trung tâm. Trời chỉ giữa tháng 10, tức đầu thu, nhưng lành lạnh. Như đường Trần Phú của Nha Trang, con đường ven biển cũng tập trung những đôi tình nhân, nhưng nhóm chơi thể thao, những đứa bé tập cưỡi xe đạp... Có hẳn một làn đường sơn đỏ hẳn hoi dành cho người đi xe đạp trong khu vực người đi bộ.

Bên cạnh là những làn đường dành cho ô tô đông đúc, làm sống động thêm nét sống thành phố biển. Những hàng cây palme trải dài dọc hai bên đường. Phía trong, những nhà hàng, khách sạn kiểu quý tộc Pháp vẻ kiêu sa, đón tiếp những thực khách bậc thượng lưu. Nice là thế, đủ các tính chất của xã hội Pháp, nơi mà ngoài những người gốc Pháp là một số lượng lớn thành phần nhập cư từ các châu lục khác.



Quảng trường Marsana, trung tâm thành phố Nice

Khi quay về lại ký túc xá, chúng tôi ghé vào một bờ kè đá nhô ra phía biển. Sóng ồn ào như giận dữ. Sóng đánh vào bờ đá rồi tung lên trắng xoá. Chúng tôi hét thật to vài tiếng về phía biển, rồi phát hiện ra gần đó có một nhóm các bác người Pháp đang nhìn mình. Tôi quay lại, mỉm cười, chắp tay kiểu châu Á ra điệu xin lỗi.

Thật bất ngờ là họ mời chúng tôi lại chơi. Dù một bữa trò chuyện bất đồng ngôn ngữ đã không diễn ra tốt đẹp, nhưng được nghe nhạc Pháp bằng cây ghi-ta gỗ, được những người bản xứ ca lên giữa bãi biển trên đất Pháp thế này. Tuyệt không gì bằng! Được họ mời thử cả loại rượu mạnh của vùng nữa chứ.

“Paroles, paroles, paroles, Écoute-moi. Paroles, paroles, paroles, Je t'en prie. Paroles, paroles, paroles, Je te jure. Paroles, paroles, paroles, paroles, paroles
Encore des paroles que tu sèmes au vent”.

Đêm đó, khi trở về đến ký túc xá, chúng tôi gặp một vài sinh viên người Việt khác. Các anh chị có người đã kinh nghiệm đất Pháp hơn hai năm. Nhờ thế mà tôi biết được rằng, trong khi cách bên kia bên giới hai trăm cây số, cả Genova của tôi chỉ có mỗi 12 du học sinh Việt Nam, còn bên đây là hàng mấy trăm! Người Việt ở Pháp nhiều vô kể.

Có người sang đây từ những năm Thế chiến, đi theo đợt mộ lính Đông Dương của Pháp phục vụ chiến tranh, rồi sau đó bị bỏ lại nơi đất khách. Sau đó, nhờ tinh thần cần cù, sáng tạo của họ, cây lúa nước Việt Nam được trồng ở Pháp, được người bản xứ ưa chuộng, giúp Pháp khắc phục được nạn thiếu lương thực sau chiến tranh.

Hôm sau, chúng tôi dậy sớm, đi xe buýt ra trung tâm, sau đó bắt tiếp một chuyến tram (tàu điện mặt đất) đến khu chợ trời. Chợ họp mỗi ngày chứ không phải như chợ cuối tuần ở Genova tôi và anh Khoa vừa đi hồi tuần trước. Ở chợ này, người ta bán đủ các mặt hàng nông sản. Từ rau củ các loại thơm ngon, trái cây xứ ôn đới an toàn đến các loài cá, và cả thịt heo.


Khu chợ trời

Ở phía ngoài, những bà cụ già xếp hàng để tự lấy bao ni lông, nhưng đa số đều tự trang bị cho mình một giỏ xách đi chợ. Môi trường được người phương Tây yêu quý và bảo vệ rất tốt. Họ đeo cả găng tay bằng nhựa khi chọn các loại rau củ quả, vì vậy khi vừa mua xong là có thể ăn ngay mà không cần phải rửa qua nước.

Trong khi Ẩn đang trò chuyện cùng một nhóm sinh viên Việt Nam khác, cũng tranh thủ đi chợ cuối tuần kiếm vài món hàng tươi, thì tôi quan sát một cô bán hàng cá người Pháp đang cắt cá cho khách. Con cá gì mà lớn lắm. Lớn bằng cả vòng tay ôm. Cô bán hàng dùng một con dao có răng như lưỡi cưa ở Việt Nam để cắt con cá ra thành lát bán cho khách. Trông thật là thú vị.

Chúng tôi đi bộ ra bến cảng thành phố. Cảng nhỏ, chỉ vài du thuyền đang neo đậu. Nước trong vắt. Tôi thấy từng đàn cá bơi lội dưới làn nước kia. Có cá nhỏ, có cả cá to tầm một ký, nhưng tuyệt đối không thấy một người nào thả cần xuống câu. Bầu trời nắng ấm, làn nước trong xanh, nhưng đoán chừng rất lạnh do đã là giữa tháng 10.

Đi dạo theo bến cảng về phía biển, con đường hơi dốc, chúng tôi nhận ra rất nhiều ô tô đang rẽ trái sang phía neo đậu thuyền. Tò mò, chúng tôi đi theo con đường đó. Chúng tôi leo lên cả hành lang chắn sóng, đi bộ ra tận phía mũi hành lang. Cả bến cảng nằm lại phía sau lưng chúng tôi. Chỉ có trời, biển, và những con hải âu bay lượn trên bầu trời mùa thu trong xanh kia…
 
Thế rồi tiếng u u vang lên kéo tôi trở về với thực tại. Từ xa, một chiếc thuyền màu vàng tươi đang tiến về phía cảng. Khi tàu lại gần hơn thì chúng tôi sửng sốt với vẻ to lớn của nó. Có thể tàu lớn hơn chuyến phà Cổ Chiên quê tôi hàng mấy chục lần. Bỗng dưng, tôi nhớ lại vẻ háo hức của những diễn viên trong bộ phim Titanic. Chắc gần trăm năm về trước, người ta cũng đã háo hức đón chờ chuyến hành trình đầu tiên của con tàu “không chìm” đó thế nào.


Tôi và chiếc du thuyền

Từng đoàn người, đoàn xe đi theo thứ tự lên tàu. Một trật tự ổn định, người trẻ nhường đường cho người già. Có lẽ trên tàu cũng sẽ có cả những khoang dành cho khách hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, tùy theo giá vé. Tôi được biết tàu đưa khách đi Corsica. Corsica là một trong ba hòn đảo lớn của vùng Địa Trung Hải bên trái bán đảo Ý. Corsica là quê hương của vị đế vương vĩ đại của Pháp thế kỷ XIX, Napoleon Bonaparte. Trước thời của ông thì hòn đảo đã từng thuộc quyền quản lý của vương quốc Genova, sau đó trở thành Cộng hoà Corsica với ngôn ngữ hành chính là tiếng Ý từ năm 1755, cho đến khi bị người Pháp, tức gia đình nhà Savoy chiếm đi. Cho đến nay thì là một vùng của Pháp.

Từ bến cảng, chúng tôi đi ngược dốc lên đồi Boron. Trên đồi là một công viên rộng lớn. Những ông bố, bà mẹ tranh thủ cuối tuần đưa lũ trẻ lên đồi hóng gió. Không khí mát rượi, bầu trời xanh vắt, đầy nắng vàng hanh, và biển xanh rì ở phía xa xa. Dưới tán những cây thông là một sân chơi cho trẻ em. Lũ thiếu niên thì đá bóng nhựa ở sân nhỏ bên cạnh.

Chúng tôi đi dạo quanh công viên thì tình cờ phát hiện một đám cưới. Cô dâu là một phụ nữ đã có tuổi, còn chú rể là một bác đầu lốm đốm muối tiêu. Những lời chúc mừng từ con cái và bạn bè họ, trong sự thân mật và yên bình của một ngày đầu thu.

3. “Gặp gỡ Trento” – Hội sinh viên Việt Nam tại Ý

Tôi và anh Khoa hối hả chạy ra ga cho kịp chuyến tàu sau khi kết thúc lớp học tiếng Ý. Chúng tôi bắt chuyến tàu chiều từ Genova đi Milano. Trên cả chuyến tàu, tôi khổ sở chịu đói. Số là lúc trưa Enrico và Bruno, hai người bạn đầu tiên của tôi trong lớp, rủ tôi ăn pizza, vì chúng tôi xem ngày thứ sáu hàng tuần sẽ là ngày pizza. Sau đó là bốn tiết học rồi lại phải học thêm lớp tiếng Ý.

Ga Milano. Đập vào mắt tôi là sự tấp nập người và những chuyến tàu một cách hoành tráng. Đã thấy ánh đèn thành phố từ lâu mà còn phải lâu tôi mới thấy tàu dừng hẳn. Chuyển sang chuyến tàu tiếp theo từ Milan sang Verona, yên bình, và vui vẻ trong sự quan tâm của những người khách chung chuyến tàu. Họ hỏi han, chỉ dẫn, và dạy cả tiếng Ý cho tôi.

Từ Verona, tôi bắt chuyến tàu đêm cuối ngày đến Trento. Không khí khác hẳn, quả là có chút lạnh hơn Genova của tôi. Nhưng chưa đến nỗi tôi phải dùng đến cái áo khoác mùa đông rộng phồng phình. Thật là tiếc công mang vác.

Tại Trento, tôi vào hostel, gặp lại bao nhiêu là anh em Việt Nam, dù là đoàn Milano toàn người Hà Nội, chả có ai Sài Gòn, nhưng cũng thật ấm lòng. Được đưa về phòng, Anh Nhân là người tôi tiếp xúc trước tiên. Anh là sinh viên cùng trường đại học với tôi, sang Ý học master Kinh tế tại Como. Thế là được biết thêm một vùng đất mới.

Anh Nhân là một người thuộc dạng… liều mà tôi biết. Anh còn rất trẻ, đang làm kỹ sư cho Viettel chỉ mới được hơn một năm, thì nhận được thư mời nhập học của đại học Milano, chi nhánh Como. Thế là anh gom hết tiền tiết kiệm bay sang đây để kịp nhập học. Ngày chúng tôi gặp nhau cũng là ngày anh được cấp học bổng DSU của vùng Lombardia. Trông anh vui đến rơi nước mắt.

Đêm, mệt mỏi rã rời sau ba chuyến tàu, tôi thiếp đi, và mơ về Việt Nam.

Buổi sáng Trento đẹp dịu dàng trong nắng mùa thu rọi trên dãy Alps. Những khu vườn đầy lá vàng. Đang lúc đánh răng thì anh Linh, người Hà Nội vừa qua làm nghiên cứu sinh tại Milan, hỏi: "Chú có thuốc không?". Ặc, em hiểu chết liền đó anh! Hoá ra "thuốc" của ảnh chính là kem đánh răng.

Sau khi ăn sáng, cả đoàn tập hợp trước Piazza Dante gần ga Trento, mua vé xe bus, rồi bắt chuyến xe bus ra sân bóng.
Đội bóng liên quân Pisa – Genova của tôi xuất quân với tỉ số 0-0 cùng đội Padova. Genova của tôi chỉ có hai anh em, tôi và anh Khoa, nên phải liên minh với đoàn Pisa, dẫn đầu là anh Vũ, người Cần Thơ – miền Tây chánh gốc! Trong bọn con gái chỉ có mỗi em Uyên là con gái miền Nam, vừa làm quen đã trở thành đối thủ, vì em cổ vũ cho đội Padova.

Sau đó là một loạt các trận đấu vòng bảng. Anh Linh và anh Long, cặp đôi hoàn hảo đội Milan, tung ra những pha chết người đẹp mắt. Anh Hiển đoàn Napoli, dù đã hơi có tuổi nhưng vẫn hừng hực lửa với nụ cười toen toét với các em gái cổ vũ đội nhà.
Cuối cùng, trận chung kết diễn ra giữa hai đội Pisa-Genova và Milano. Hồi hộp và gay cấn. Thủ môn Vũ Pisa chụp những quả bóng nguy hiểm đến từng milimet. Những cầu thủ bay vào nhau, sáp lá cà với nhau như những MU với Liverpool! Cuối cùng, hết giờ! Pisa vô địch! Hạnh phúc rạng ngời!

Chúng tôi ngồi vật vã bên vệ đường chờ chuyến xe bus trở về trung tâm thành phố. Với một đoàn số lượng người đông như thế này, không chắc tài xế có chịu chở. Tôi làm quen và trò chuyện với chị Châu, anh Linh. Chị Châu là một cô gái trẻ rất hiền hoà và vui vẻ. Chị sang Milan học thêm khoá master quản trị kinh doanh. Ngành này Milan rất thịnh và có giá trị, nhưng bù lại học phí rất đắt. Còn anh Linh, cầu thủ xuất sắc nhất giải bóng, chỉ vừa tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội, là nhận được ngay cơ hội sang Đại học Bách Khoa Milano làm nghiên cứu sinh ngành viễn thông. Hình như ở đây, tôi chỉ toàn quen những người đặc biệt.

Buổi chiều chúng tôi tập trung tại một hội trường nằm ở phía Bắc thành phố. Trento nhỏ nhắn và xinh xắn nằm gọn trên dãy núi Alps, vùng cực Bắc nước Ý. Từ đây nếu đi tiếp sẽ đến Bolzano, nơi mà người ta có thể nói cả hai tiếng Ý và Đức. Sau đó lên giữa lòng Alps là nước Áo, rồi đến bên kia là Munich của Đức.

Tôi và anh Khoa gặp lại anh Quang và anh Tú. Hai anh là kiến trúc sư Hà Nội, vừa qua Genova của tôi để học tiếp master ngành này. Thành phố Genova rất kén người Việt, chỉ khoảng hơn 10 người tổng cộng. Hai anh Tú và Quang đều là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp với đồ nghề lỉnh khỉnh. Tôi thầm nghĩ, thế là đã có người chụp ảnh cho miễn phí. Thật hài!

Chuẩn bị cho đêm diễn. Tiết mục của tôi do đăng ký trễ nên không được trong phiếu do khán giả bình chọn. Buồn một chút. Rồi lại trò chuyện rôm rả, toàn tiếng Việt, toàn người Việt! Nói thật. Lần đầu tiên tôi mới biết cái cảm giác, được nói tiếng Việt “thả ga”, thiệt nó đã làm sao!

Những tiết mục văn nghệ bắt đầu. Đội hình múa Milano bắt đầu bằng tiết mục rất vui nhộn: Mamma Maria. Tiết mục được dàn dựng khá công phu, bởi tôi nhớ tối qua, lúc tôi đến là đã rất khuya nhưng cả đội vẫn bàn bạc và tập dượt rất kỹ lưỡng. Sau đó là những tiết mục đơn ca đặc sắc của các giọng ca đến từ Hà Nội. Một vài anh giọng khá điêu luyện, cất lên lời Nồng nàn Hà Nội giữa đất Ý, nghe cũng thật nồng nàn.

Chị Vân Anh ngồi cạnh tôi, đến từ Ancona, người Huế trông căng thẳng cực độ. Đối với nhiều người, việc đứng bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ chắc cũng không hồi hộp bằng đứng trên sân khấu có 5 phút thế này! Tôi và chị cùng nhau học cách giảm bớt căng thẳng bằng cách… nín thở! Ặc. Tôi có thể ca cải lương, nhưng không thể làm trò này giỏi hơn chị được.

Tới tiết mục của mình, tôi hồi hộp bước lên sân khấu, và được giới thiệu sẽ đem đến một tiết mục dân ca Nam Bộ. Tôi bắt đầu bằng việc diễn một chút kịch bằng đúng chất giọng miền Nam. Ai ngờ cả khán phòng ủng hộ nhiệt liệt. Rồi tôi bắt đầu hát.
“Nghe em hát câu dân ca, sao mượt mà, lòng anh thương quá…”

Tôi thấy mình hát thật tệ. Giọng tôi yếu, tông bài hát lại cao, nên tôi lên xuống không đúng chỗ. Tôi nhìn thấy khán giả chăm chú nhìn mình. Tôi run vô cùng! Tôi cố gắng hát mà vẫn sai. Tự nhiên thấy mình xấu hổ lạ!

Vậy mà hát xong, cô Kiều, một Việt kiều Ý, cùng với anh Trình, đoàn Milan tiến lên sân khấu, đem cả bóng bay và hoa đến tặng làm tôi xúc động quá trời quá đất! Có lẽ chỉ có mỗi phần diễn của tôi là mang bóng dáng Nam Bộ, lẫn phần diễn kịch gây cười cho mọi người. Tôi nhớ tôi đã chỉ vào chị giám khảo mà bảo là người yêu! Sau này chị nhắc lại và bảo vì thế mà trừ điểm, không cho tôi được giải! Dù đến lúc cho điểm, anh chị em khán giả hô lên "10 10 10 đi Ban Giám Khảo". Tôi thấy mình thật hạnh phúc... Càng hạnh phúc hơn khi đến phần bình chọn của khán giả cho tiết mục hay nhất, nhiều người đề nghị Ban giám khảo bổ sung tên tiết mục của tôi vào, thậm chí họ tự ghi vào dù chưa được phép. Tôi bỗng thấy ai cũng thật đáng yêu, mặc dù sau đó... tôi rớt giải này!


"Nghe em hát câu dân ca, sao mượt mà lòng anh thương quá..." trên đất Ý

Sau đó là bữa tiệc kéo dài và nồng ấm. Tôi uống như chưa bao giờ được uống. Tôi được vinh dự uống với các bác trong Đại sứ quán Việt Nam tại Ý. Mấy anh Khoa, anh Tú, anh Quang cùng thành phố Genova mời tới tấp vì cái công... đem lại danh tiếng cho Genova! Đoàn Milano thì ai ai tôi cũng quen rồi nên bị ép phải cạn với từng người.

Và tôi say, như chưa bao giờ được say. Tôi mơ màng, nửa say nửa tỉnh hoà vào cuộc vui. Tôi nghe cô Kiều ca giọng cổ thiệt là mùi. Tôi nghe anh Vũ Pisa người Cần Thơ vỗ vai tuyên bố anh em đồng hương miền Tây thiệt chánh gốc! Tôi thấy mình bỗng dưng nhớ nhà da diết. Tôi nhớ cái mảnh đất miền Tây ngọt lành nuôi lớn mình. Tôi nhớ cái ao tôm sau hè, nhớ cái chuồng heo mỗi ngày cho ăn ba bữa. Hay lũy tre cuối xóm mà tôi thường chơi những buổi trưa hè, dưới gốc là những đám cây chó đẻ mọc um tùm. Bỗng thèm ăn canh chua, cá bống kho tộ mà rơi nước mắt.

Đêm đó, châu Âu đổi múi giờ trễ hơn một tiếng.
 
4. Trento – mùa thu trên dãy Alps

Đó là lần đầu tiên, tôi được thấy mùa thu.

Quê tôi chỉ có hai mùa mưa nắng. Cứ mỗi độ tháng 9, tháng 10 về, khi mà Hà Nội lại dịu dàng những câu hát “Có phải em mùa thu Hà Nội?”, thì quê tôi lại là những cơn mưa giông không còn theo cái quy tắc thông thường sáng nắng, chiều mưa nữa. Mưa có thể kéo dài từ nửa đêm đến gần sáng, làm mẹ tôi vất vả trên đường ra chợ. Nhưng lũ nhóc tụi tôi thì được một bữa quấn mền, tai nghe tiếng mưa vang rền trên mái tôn mà ngủ một giấc tới sáng thật ngon lành.

Genova của tôi khí hậu cũng khá đặc biệt ôn hòa. Dãy núi Appennino bắt đầu từ đoạn cuối của dãy Alps, vùng Nice nước Pháp, chạy dọc ven Địa Trung Hải vào nước Ý, trở thành biên giới tự nhiên giữa Liguria và các vùng phía Bắc thuộc đồng bằng sông Po như Piemonte (thủ phủ là Torino), Lombardia (thủ phủ là Milano). Sau đó ngoặt xuống đi giữa lòng nước Ý đến tận phía Nam, tạo nên một bán đảo với hơn 80% là đồi núi. Liguria do nằm giữa biển và núi nên khí hậu rất ôn hòa, mùa đông ấm và mùa hè mát hơn Milano rất nhiều. Mùa thu với lá vàng rơi và mùa đông tuyết trắng cũng là điều xa xỉ đối với vùng!

Còn Trento, chỉ vừa bước ra khỏi nhà ga xe lửa, tôi ngửi thấy cái lành lạnh xộc vào mũi thật dễ chịu. Cái lạnh không khắc khe như tôi từng nghĩ. Nhiệt độ chắc khoảng 8-10 độ C, nhưng chỉ với một cái áo khoác mỏng, bên trong một chiếc áo len là có thể bước ra đường dạo phố núi.


Bầu trời trên dãy Alps

Khắp nơi là một màu vàng úa chỉ có trong những bộ phim Hàn Quốc thường chiếu trên ti vi. Lá vàng rơi lác đác từ tán cây xuống. Tiếng lá rơi nhè nhẹ khi khẽ chạm vào chiếc ghế đá bằng sắt đã gỉ. Trong tiếng bước chân của những ông cụ bà cụ người Ý đi dạo xen lẫn những tiếng lá rơi.
Buổi sáng, chúng tôi mở toang cửa sổ hostel để ngắm nhìn dãy Alps hùng vĩ, tuyết phủ trắng xoá trước mặt. Con đường dài từ trung tâm bị ngắt khỏi tầm mắt bởi những dốc lên dốc xuống. Hai bên đường là những hàng cây đều, thẳng tắp, lá vàng rực cả một vùng quan san. Trên những chuyến xe buýt, tôi thấy nắng sớm toả chiếu làm tô thêm nét vàng úa của cả một góc rừng ven thành phố.
Ngày cuối cùng, chúng tôi dậy sớm đi dạo quanh thành phố. Bốn anh em nhà Genova của tôi ra công viên cạnh hostel săn ảnh. Phía ngoài công viên, một vài chiếc xe đạp thuê được đặt sẵn trên bệ, chỉ cần bỏ vài đồng euro vào trong máy thu tiền tự động là có thể thuê trong vài giờ.
Giữa công viên là một hồ nước nhỏ. Nước trong vắt nhưng không có nhiều cá, có lẽ do hồ cạn. Bầy vịt làm kiểng màu sắc sặc sỡ đang khoe mình, nhổ lông trước nắng sớm. Chúng tôi vứt vài mẩu bánh mì cho chúng. Một bữa sáng ầm ĩ của đám vịt phá tan cái yên tĩnh của buổi sáng chủ nhật.


Bầy vịt tham ăn

Trento là thành phố thủ phủ của vùng Trentino, cực Bắc nước Ý. Thành phố nhỏ xíu, chỉ khoảng hơn một trăm ngàn người. Nhưng đây lại là nơi có chất lượng sống, mức thu nhập và cơ hội việc làm lần lượt xếp thứ 1, 2 và 6 của toàn bảng xếp hạng 103 thành phố của Ý.

Hầu hết các thành phố lâu đời ở châu Âu đều trải qua một thời kỳ lịch sử đầy thăng trầm, biến động. Trento cũng thế. Sau khi đế quốc La Mã sụp đổ, thành phố về tay của đế quốc La Mã thần thánh, do người Đức cai trị, bao gồm nước các nước xung quanh Đức hiện nay. Sau đó, Trento lại rơi vào tay người Áo trong suốt 6 thế kỷ cho đến tận Thế chiến thứ nhất, mặc dù cộng đồng người nói tiếng Ý vẫn chiếm đa số so với cộng đồng nói tiếng Đức. Sau sự thất bại của liên minh Đức – Áo – Hungary, những người theo chủ nghĩa quốc gia đã nổi dậy giành độc lập và Trento lại trở về tay người Ý. Đến thế chiến thứ hai, thành phố cũng là mục tiêu ném bom do nằm vị trí nằm giữa Đức, Áo và Ý. Dù thế, những công trình thời Trung cổ và Phục hưng hầu như vẫn không bị ảnh hưởng.

Một sự kiện nổi tiếng của Trento được ghi vào lịch sử bằng quyển sách bằng gỗ đầu tiên in tại vùng của vị giám mục Johannes Hinderbach. Năm 1475, một cậu bé ba tuổi, Simione bị mất tích, và cộng đồng Do Thái là mục tiêu nghi ngờ đã giết cậu bé để lấy máu tiến hành nghi lễ của họ. Toàn bộ đàn ông Do Thái bị giết, còn đàn bà và trẻ em bị trục xuất khỏi vùng. Lệnh cấm người Do Thái đến Trento được ban hành trong suốt mấy thế kỷ cho đến đầu thế kỷ hai mươi, khi quan hệ hai bên được cải thiện và cậu bé Simione không còn được người Trento tôn sùng nữa.

Chúng tôi đi vào khu phố cổ. Những con đường lát đá từ nhiều trăm năm trước theo hình cảnh quạt xoè. Dãy nhà ven đường kiến trúc đơn giản, sơn toàn màu hồng. Những ô cửa sổ chỉ một kiểu, trải đều tăm tắp. Phía dưới là những ô cửa hàng với bảng hiệu song ngữ Đức - Ý. Ở đây, ngoài những cột đèn còn có cả những… cột hoa. Cũng trông giống như cột đèn, nhưng thay vì là những bóng đèn vươn ra ngoài, một chậu hoa được thay thế vào. Hoa mùa thu đa số chỉ toàn là hoa dại, màu đỏ úa.

Chúng tôi đi tới Piazza Duomo. Piazza có nghĩ là quảng trường, còn Duomo là nhà thờ lớn của thành phố. Giữa quảng trường là một đài phun nước với điêu khắc rất đẹp. Người ta nói nước Ý là đất nước của những đài phun nước, quả không sai. Mỗi thành phố đều có những đài phun nước ngay trung tâm. Và đó là đề tài cho các kiến trúc sư, những nhà điêu khắc gia vĩ đại tranh nhau thi tài.

Nhà thờ lớn mang kiến trúc Gotic cổ điển, với một cửa sổ hình hoa hồng tượng trưng cho bánh xe Fortune, một khái niệm hay dùng trong thời Trung cổ. Khi bánh xe quay nhích một tí, sự đau khổ và sung sướng của những con người trên vành bánh xe sẽ thay thế cho nhau. Vui sướng đó, rồi sẽ đau khổ đó. Cuộc đời vốn dĩ rất công bằng.


Duomo - Nhà thờ lớn

Chúng tôi rời khỏi Trento bằng chuyến tàu 10 giờ. Đoàn 8 người chúng tôi ngồi cả một khoang tàu. Sau khi thiếp đi một lúc vì mệt mỏi, khi mở mắt ra, phía trước mắt chúng tôi, bên ngoài cửa sổ, là những bức tranh thiên nhiên đẹp hơn cả thiên đường.

Một thung lũng và những cánh đồng. Dưới ánh nắng vàng nhạt mùa thu, dãy Alps khoác cho mình một màu phơi phới. Bầu trời trong và xanh ngắt, không một gợn mây. Một ngôi làng nào đó, toàn sơn trắng, mái ngói đỏ tươi ở dưới chân núi, phía xa. Từ ngôi làng cho đến đường ray mà đoàn tàu đang chạy bon bon, là những cánh đồng nho. Mùa này đã qua mùa thu hoạch, lá nho đã rụng cả, còn lại trơ những gốc cây, xơ xác, ôm lấy hàng cọc gỗ đều thẳng tắp. Một con đường lát nhựa nhỏ chạy song song với đường tàu. Vài người đạp xe, thả bộ trên đường.

Chợt nghĩ, ước gì mình được trở lại nơi đây...


Dãy Alps
 
5. Verona – Chuyện tình Romeo và Juliet

Verona, cái tên quen thuộc với những ai đã từng biết qua câu chuyện tình bất tử với thời gian của Romeo và Juliet. Chàng trai trẻ Romeo, con của dòng họ Montague và Juliet, cô gái xinh đẹp của dòng họ Capulet. Họ quen và yêu nhau trong buổi lễ hoá trang của nhà Capulet. Một lễ cưới bí mật được tu sĩ Laurence tổ chức. Đột nhiên xảy ra sự việc anh họ của Juliet là Tybalt đã giết chết người bạn thân của Romeo, và Romeo đã đâm chết Tybalt. Mối thù càng trở nên nặng nề giữa hai dòng họ.

Romeo bị trục xuất khỏi thành Verona và đày đi biệt xứ. Còn Juliet bị cha mẹ ép gã cho bá tước Paris. Tu sĩ Laurence đã bày mưu giúp họ bằng cách cho Juliet uống loại thuốc ngủ có tác dụng trong 24 giờ để giả chết, sau đó Romeo sẽ lẻn về đưa nàng đi. Đám cưới trở thành đám tang. Romeo chưa kịp gặp tu sĩ Laurence thì được tin, đau lòng quá trốn về Verona. Tại nghĩa trang, chàng gặp Paris và giết chết hắn, sau đó tự vẫn bằng thuốc cực độc. Romeo vừa gục xuống thì Juliet tỉnh dậy, thấy xác người yêu bên cạnh nên đã tuyệt vọng và rút dao tự vẫn.


Romeo và Juliet

Câu chuyện đã giúp hoá giải hận thù giữa hai dòng họ, nhưng mãi mãi được nhắc đến như một thiên tình sử của vùng, cho đến khi William Shakespeare, một người Anh được dân Ý gọi là “một người Ý vĩ đại”, đến và viết ra vở bi kịch nổi tiếng. Tôi thì vẫn chưa được một lần xem vở kịch ấy, nhưng khao khát được đến Verona thì đã được hun đúc từ lâu.

Chúng tôi đến Verona vào giữa trưa. Bầu trời không còn được trong xanh như vùng Trentino nữa. Gió thổi nhẹ, mát rượi, cuốn theo đám lá vàng rơi lác đác. Cảnh vật đẹp đến mức, nếu cho tôi bình chọn địa điểm để du ngoạn mùa thu ở Ý, thì nhất định đó phải là nơi đây.

Ngày nay Verona trở thành một trạm trung chuyển lớn. Từ thành phố nếu hướng về phía tây là Milan nhộn nhịp, phía đông là Venezia lãng mạn, phía bắc là Trento và nước Đức, còn đi xuống phía nam là xuôi về Roma. Vì vậy, người lên kẻ xuống nhộn nhịp. Hàng loạt máy mua vé tự động đông nghẹt người, trong đó hơn nửa cũng là khách du lịch.

Chúng tôi ra khỏi nhà ga, rẽ phải để đi về cổng thành. Tôi đặc biệt thích những bức tường thành kiên cố châu Âu. Ở Ý, ta dễ dàng bắt gặp những bức tường thành từ thuở trước, để ngăn chống giặc ngoại xâm đến từ các vùng lân cận. Như ở Lucca, một bức tường thành lớn và cao như cả một bờ đê chống giặc từ Pisa, tường thành Genova thì dài ngút ngàn trên núi để chống quân từ Milan tràn xuống...

Thời thế đã đi qua, những bức tường thành nhanh chóng trở thành những di chứng lịch sử cho một thời kỳ hào hùng của thành phố. Những pháo đài trở thành biểu tượng. Những kiến trúc thô ráp trở thành nét cổ xưa, như kiểu trên đỉnh tường thành có khối hình bàn tay xòe ra, tiêu biểu cho cả thời Trung cổ của nhiều thành phố mà rất dễ bắt gặp.


Pháo đài Verona

Sau khi bước qua một cổng thành có hai làn trái phải, bên trên là một chiếc đồng hồ với những chữ số La Mã đặc thù, chúng tôi đến quảng trường Piazza Verona, nơi có một đấu trường La Mã cũng to lớn không kém đấu trường Colosseo ở Roma. Có lẽ sự nổi tiếng của đấu trường mang tên Colosseo ấy quá lớn, nên chúng tôi khá bất ngờ khi được diện kiến một bản sao khác thế này.

Tất cả đều được làm bằng đá, một loại đá màu hồng nhạt, từ đấu trường, tường thành đến nhà cửa. Người ta gọi Verona là thành phố đá, thành phố màu hồng cũng là vì thế. Chúng tôi đi dạo một vòng quanh đấu trường. Được biết đây là đấu trường lớn thứ ba của thế giới. Có lẽ trong quá khứ, thời La Mã, đây đã từng là một thành phố cực kỳ quan trọng và tráng lệ.

Thử hình dung, dưới những ô cửa to lớn được đánh số hẳn hoi, những người nô lệ, trần trùng trục, lực lưỡng, bị những người lính mặc áo giáp hẳn hỏi, lăm lê lưỡi kiếm dẫn vào trong đấu trường. Rồi họ phải chiến đấu, trong tiếng reo hò của bọn quý tộc cho đến khi một trong hai người ngã xuống. Thật là dã man! Chính vì thế mà chức năng của đấu trường này đã được thay đổi thành một sân khấu lễ hội và ca nhạc. Hiện nay, hàng tuần, những vở diễn opera nổi tiếng lại được diễn lại đưa khán giả chìm vào quá khứ hùng vĩ nhưng lãng mạn thời xưa.

Chúng tôi quyết định dừng chân tại một nhà hàng bên cạnh đấu trường để ăn trưa. Nhà hàng cũng được xây từ đá hồng. Chúng tôi lên tầng trên cũng bằng những bậc thang đá hồng. Chúng tôi gọi pizza, mỗi người một cái. Do đầu bếp chuyên nghiệp nên những cái pizza thật thơm và ngon. Trong không khí phảng phất hình ảnh lịch sử đó, được ăn thức ăn truyền thống Ý, ngay trên đất Ý, bên cạnh một đấu trường La Mã, và sau đó là một que kem Ý thì khỏi phải nói, cuộc đời còn gì đẹp hơn!


Đấu trường Verona

Vòng qua đấu trường là con đường đi bộ dẫn vào khu phố cổ. Cuối con đường là khu vực nhà Juliet. Chúng tôi nhận ra được do phía trước tập trung rất đông khách du lịch. “Casa di Giulietta”, nhà của Juliet, địa điểm mà cách đây hàng trăm năm trước, Romeo đã lẻn vào để tỏ tình với nàng trên một ban công.

Trên bức tường rào dẫn vào mảnh vườn nhỏ, những cặp đôi yêu nhau dán đầy những mẩu kẹo cao su tình yêu rồi viết tên mình lên đó. Những trạm thông tin giống như điện thoại công cộng sẽ kể cho du khách nghe về câu chuyện tình bằng nhiều thứ tiếng. Những dịch vụ bán ổ khoá, kẹo cao su và đồ lưu niệm được bày bán rất trật tự.

Những lá thư tình gửi cho Juliet được dán trên tường nhà như trong bộ phim Lá Thư Từ Juliet không còn nữa, vì bên trong nhà Juliet đã đặt những chiếc... máy tính để khách tham quan có thể gửi email cho Juliet! Những lá thư này rồi sẽ được trả lời một cách chia sẻ nhất. Trên ban công, nơi mà hai tình nhân đã từng hẹn hò và hôn nhau lãng mạn, những cô gái thời nay đang tranh nhau chụp ảnh, mặt diễn tả nét u buồn, sầu thảm.


Ban công nhà Juliet

Bên dưới, người ta xếp hàng để được chụp ảnh chung với bức tượng đồng của nàng. Cạnh đó là một rào sắt để những cặp yêu nhau đính khoá vào. Hàm trăm chiếc ổ khoá được móc vào, chứng minh lời thề thốt yêu nhau của biết bao cặp tình nhân may mắn được cùng nhau đến nơi đây. Những dây tường xuân leo đầy bức tường gạch cũ đầy bụi bặm, cũng vàng úa theo sự thay đổi của mùa thu.

Chúng tôi rời khỏi nhà Juliet và đi về phía quảng trường Piazza dell’Erbe. Chiều chủ nhật, quảng trường đông đúc với cả khách du lịch và người dân địa phương đi mua sắm ở khu chợ truyền thống. Những tảng phô-mai nặng trịch, mùa nồng nặc mà người lần đầu tiên ngửi thấy chắc sẽ không dám ăn, được những bà nội trợ Ý hớn hở thử từng mẩu nhỏ trước khi mua về chuẩn bị một bữa tối thật ngon cho chồng con. Những chú pinocchio được bày bán khắp nơi, mũi dài ngoẵng, vươn ra xếp thành một hàng dài như những chàng lính ngự lâm. Những bà phù thuỷ cao nghệu, những ông kẹ dễ thương, những chàng lính thời Trung cổ... được những nghệ nhân hoá trang thành, trêu cười khách du lịch, và tất nhiên là những đồng euro nho nhỏ được hào phòng cho vào cái mũ đặt trước, kèm sau đó là từ “Grazie” thân thiết.

Nhà Romeo không xa mấy nhà Juliet, nhưng không phải là nơi dành cho khách tham quan. Điều đó làm tôi hiểu thêm về xung đột của những vị lãnh chúa thời xưa. Có lẽ họ đã từng là những gia đình giàu có. Châu Âu thời Trung cổ không phải là vài quốc gia lớn như Trung Hoa, mà chỉ là những vùng đất nào đó, đứng đầu có lẽ là một hoặc vài vị lãnh chúa, cùng chia sẻ quyền lực cho nhau. Tuy nhiên, giữa họ chắc cũng có những mối đố kỵ, ganh đua lẫn nhau về quyền lực.

Vì vậy Romeo và Juliet, dù nhà rất gần nhưng phải đến khi chàng hoá trang trà trộn vào tham dự buổi tiệc nhà Juliet thì hai người mới được quen nhau. Hoá trang là một hình thức văn hoá quý tộc của người vùng Veneto, bao gồm những vùng đất Verona, Venezia, Vicenza, Padova... Những chiếc mặt nạ và trang phục sặc sỡ được diện lên người. Có người giải thích rằng vì người Veneto thời xưa tạo ra ngày hội hoá trang này để cho người giàu và người nghèo, người đẹp và người xấu được gần nhau hơn, không còn khoảng cách.


Romeo và Juliet thời nay ^^

Chúng tôi đi dần về phía dòng sông Adige. Ngỡ ngàng thay, hai bên bờ sông, một màu vàng rực rỡ của mùa thu. Hai hàng cây lá vàng rực, chạy dài thẳng tắp dọc bờ sông. Lá vàng rơi đầy trên lối đi. Dòng sông trơ đáy, chỉ còn một dòng nước nhỏ, nơi mà lũ vịt trời tranh nhau giành từng con cá. Đi dạo dọc theo bờ sông, dưới hàng cây mùa thu êm đềm, nhìn về phía lâu đài bên kia sông quá thơ mộng. Không thể không khẳng định rằng, đây có lẽ là nơi đẹp nhất, lý tưởng nhất cho những chuyến du ngoạn mùa thu. Đẹp đến nỗi chúng tôi không nhận ra mình vừa đi ngang qua nhà thờ lớn của thành phố với ngọn tháp cao vút.

Chúng tôi dừng lại, và gọi những phần kem spaghetti thưởng thức. Quả là một sự kết hợp thú vị giữa hai thứ nổi tiếng nhất của Ý, spaghetti và kem gelato. Và thưởng thức kem trên một con đường đầy lá vàng rơi, ngắm dòng người qua lại giữa cái lạnh nhè nhẹ của mùa thu, thì không còn điều gì có thể mãn nguyện hơn được nữa!

Vậy là Verona, mặc nhiên đã đi vào trái tim tôi, trong một chiều thu, như thế...


Thu vàng Verona
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,462
Bài viết
1,153,069
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top