What's new

Nhật Bản, những điều ít người chia sẻ

Tớ tàu ngầm ở đây rất lâu, tự thấy chưa làm được cái gì cả nên chả bao giờ có ý kiến. Sau một thời gian lặn lội các forum và 17 ngày lang thang trên đất Nhật Bản, hôm nay tớ mạnh dạn gửi chút thông tin lên đây để bổ sung thêm vào hành trang lên đường của các bạn sắp đi Nhật.

Chia sẻ thông tin du lịch Nhật tự túc

1. Lên chương trình:
Tuỳ điều kiện hoàn cảnh của mỗi người để lên chương trình. Nhà mình thì căn vé rẻ và cũng muốn đã đi thì đi một thể nên đã lên chương trình cho 16 ngày. Tuy nhiên có thể khéo co kéo thì vẫn đi được trong 10 ngày.

Ngày 1: HN-Osaka (Sân bay Kansai)

Ngày 2: Osaka – Kyoto

Ngày 3-4: Kyoto

Ngày 5: Kyoto – Himeji – Hiroshima

Ngày 6: Hiroshima

Ngày 7: Hiroshima – Osaka

Ngày 8-9: Osaka

Ngày 10: Osaka – Fuji Mt. (Kawaguchiko)

Ngày 11: Kawaguchiko

Ngày 12: Kawaguchiko-Tokyo

Ngày 12-16: Tokyo

Ngày 17: Tokyo (Narita)-HN

2. Đặt vé, đặt phòng
Vé máy bay: bạn có thể chọn rất nhiều hãng: VNA, Japanair, ANA, hoặc các hãng giá rẻ (phải transit) là AA, Tiger, Vanillie (của Đài Loan)
Đặt phòng: Bạn có thể đặt phòng trên AirBnb, Booking.com, Hotels.com…. hay vào trực tiếp trang web của chuỗi khách sạn mà mình thích. Thời gian nếu còn dài và cần booking để làm visa thì tất nhiên bạn nên đặt phòng dạng có thể huỷ hoặc thay đổi.

3. Visa
• Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ như yêu cầu theo hướng dẫn trên trang web ĐSQ:
- Hộ chiếu
- 01 ảnh 4,5x4,5 cm
- Form download từ trang web của ĐSQ
- Vé máy bay hoặc booking vé máy bay
- Chương trình du lịch (Chi tiết từng ngày, địa điểm sẽ thăm quan)
- Booking khách sạn
- Giấy nghỉ phép, Hợp đồng lao động, (Mình chỉ có giấy cho phép nghỉ đi chơi của VP)
- Chứng minh tài chính (sao kê ngân hàng hoặc photo sổ tiết kiệm)
- Giấy khai sinh/hộ khẩu của trẻ em đi cùng
- Giấy uỷ quyền từ bố và/hoặc mẹ của cháu hoặc con đi cùng nếu bố/mẹ không đi
(Các giấy tờ chứng nhận phải nộp bản tiếng Anh hoặc dịch công chứng tiếng Anh)

(Hồ sơ này giống như các hồ sơ mà các ĐSQ nước khác yêu cầu)

• Nộp hồ sơ vào các buổi sáng trong tuần tại ĐSQ, nên nộp trước ngày dự định đi khoảng 1 tháng để còn thời gian mà xoay sở. Tuy nhiên mình đã làm thành công cho 1 cháu bổ sung đi cùng nhà mình, hộ chiếu mới làm trước 3 ngày tính đến hôm nộp hồ sơ và nhận được visa trước ngày đi 4 ngày (hú vía).
• Visa sẽ được cấp sau 7 ngày, đến nhận HC và visa mới nộp phí.
• Phí visa 1 lần có giá trị 3 tháng, được lưu trú không quá 30 ngày tại Nhật là 550.000 đồng (nộp bằng tiền Đồng).

4. Sau khi nhận được visa thì chốt chương trình, đặt khách sạn, chốt vé máy bay

• Để tránh những rủi ro có thể có, chỉ nên đặt vé máy bay và khách sạn có thể hủy/đổi/hoàn được.


Nhà mình vì chộp vé máy bay giá rẻ, nên ko đổi/hoàn được.

Thời điểm mình đặt vé AA giá là 7,3tr/người HN-Osaka-Tokyo-HN, vé ANA đang khuyến mại khoảng 10-12tr, VNA tất nhiên trên 15tr vì ko phải là vé khứ hồi.

Tuy nhiên vì là vé rẻ nên mình phải bay qua BKK đợi ở SB 2h hôm đi và 4h hôm về.

• Khách sạn thì mình huỷ hết các khách sạn đã đặt trên booking.com và đặt ở Airbnb

Ở Kawaguchiko, ko tìm được nhà trên Airbnb, nên mình đặt trên Booking.com, cũng ổn.

5. Chuẩn bị tiền nong
Mình mua tiền Yên ở VCB tỷ giá là 29.600đ/Y, tỷ giá ngoài là 28.900đ/Y, sang đến nơi nhìn tỷ giá USD/JPY mà đau xót, 101Y/1 USD (tương đương khoảng 23.000đ/Y). Vì vậy các bạn cứ mang USD sang mà đổi nhé, đừng dại mà đổi ở VN.

Lưu ý là mua vé tàu, vé thăm quan và nhiều hàng ăn uống chỉ nhận tiền mặt.

Tiền tiêu hàng ngày trong khoảng này, các bạn có thể tham khảo để dự trù:
(1) Tiền khách sạn, trả bằng thẻ, từ 1.500.000 – 2.000.000 VNĐ/đêm/phòng (2 người)
(2) Tiền ăn một người trung bình 800-1000 Yên/bữa, ăn sáng tự nấu hoặc mua ở cửa hàng tiện ích khoảng 200-300Y/xuất.
(3) Tiền đi lại trung bình là 500 Yên/người/ngày (không kể các chuyến tàu shinkansen, night bus hay tàu liên thành phố).
(4) Tiền thăm quan tính trung bình 500-700Y/người/điểm tham quan, trẻ em dưới 12 tuổi và người già từ 60 tuổi trở lên được miễn phí, học sinh trung học và sinh viên được giảm 30-50%, nhưng phải trình thẻ sinh viên (Nhớ mang theo thẻ SV, ko cần dịch sang TA hoặc tiếng Nhật)
(5) Còn tiền mua sắm thì ko thể tính được nhé, có nhiều tiêu nhiều, ko có ko tiêu. Nhưng mà không thể không tiêu được vì nhìn cái gì cũng thích.

* Tip đặc biệt cho mua sắm ở Nhật: Nhật bản khuyến khích du lịch, nên hầu hết các cửa hàng, trung tâm mua sắm đều bán hàng theo chính sách miễn thuế VAT cho khách du lịch có hộ chiếu, với hoá đơn từ 5000Y trở lên. Hàng mua ở Nhật mà không bị tính thuế cũng tiết kiệm được kha khá đấy, đặc biệt khi mua hàng có giá trị cao. Hàng được miễn thuế là hầu hết các loại hàng hoá, đồ điện tử, đồ gia dụng, hoá mỹ phẩm, một số loại hàng tiêu dùng. Hàng thực phẩm không được miễn thuế. Sau khi khách hàng thanh toán xong, nhân viên sẽ chụp lại hộ chiếu, ghim hoá đơn vào hộ chiếu của khách và dán túi bọc hàng lại. Theo hướng dẫn của nhân viên thì khách hàng ko được mở túi và bỏ hoá đơn cho đến khi làm thủ tục kiểm tra hải quan tại sân bay khi về nước. Nhưng thực tế theo hướng dẫn tại sân bay là hiện nay CP Nhật đã bỏ chính sách kiểm tra ở sân bay rồi. Khách hàng có thể đến quầy hải quan để tách bỏ hoá đơn đã gắn vào hộ chiếu, không bị kiểm tra hàng hoá tại sân bay, nên khách hàng có thể sử dụng ngay hàng hoá đã mua miễn thuế hoặc gửi vào hành lý ký gửi. Nhà mình tưởng vẫn bị kiểm tra hàng nên để nguyên bao gói và cho vào hành lý xách tay, sau khi an ninh kiểm tra thì có 1 lọ dưỡng thể 200ml, và 1 tuýt sữa rửa mặt 180ml đã bị tịch thu. Nếu biết trước không bị kiểm tra thì đã cho vào hành lý ký gửi rồi (rất tiếc).

6. Chuẩn bị quần áo, tư trang
Vì thuê nhà trên AirBnb có thể giặt sấy quần áo, nên ko cần mang nhiều đồ, giầy thì nên đi giày đế bằng vì đi bộ nhiều.
Tất cả nhà ở đều có bếp, có sữa tắm và dầu gội, bạn ko cần phải bê đi, tuy nhiên là dưỡng da, (chống nắng) và kem đánh răng thì phải mang nhé. Đừng mang đồ mỹ phẩm mà có bao bì ghi trên 100ml lên máy bay, chiều về từ Nhật sẽ bị kiểm soát rất chặt (nhà mình bị thu mất tuýt thuốc đánh răng còn mỗi tẹo, định dùng nốt ở BKK rồi bỏ)

7. Thông tin liên lạc
Sang đến nơi các bạn nên mua ngay 1 sim ĐT của Nhật, giá khoảng 5000Y để còn tìm đường, tìm tuyến tàu/bus, tìm ga và các địa chỉ ăn/chơi khác.

8. Nguồn điện ở Nhật là 110V và ổ cắm 2 chấu chân dẹt, nên lưu ý vì ko kiếm đc ổ cắm 3 hoặc 2 chấu chân tròn như ở VN đâu.

9. Ở Nhật, người dân vốn trang nhã, lịch sự, nên nếu không muốn bị nhìn với con mắt quái dị thì các bạn nên và nhắc nhở cả đoàn hết sức giữ yên lặng, nói năng, chuyện trò thật khẽ, và ko nô đùa chạy nhảy ở mọi nơi, kể cả trong nhà/khách sạn. Vì ở Nhật đang quá tải khách du lịch TQ, nên để ko bị phân biệt đối xử (sẽ gặp ở rất nhiều nơi), bạn nên mặc áo có in chữ Việt Nam hoặc nói với nhân viên tôi không phải là người TQ. Có nghe nói về việc Nhật Bản đặt biển cảnh báo người VN, những chưa hề gặp, chắc mình đi toàn những nơi ít người VN du lịch hoặc lao động.

10. Về đi lại

Nhật Bản có một hệ thống tàu ngầm, tàu nhanh, xe buýt, xe oto đêm, tàu thuỷ, phà cực kỳ là rắc rối, phức tạp.

* Họ có các vé JR pass dành cho đi tàu của JR trên toàn nước Nhật. Nếu bạn đi Shinkansen khứ hồi từ Tokyo-Osaka-Tokyo, thì hãy mua vé pass này, và phải mua ở VN, trước khi sang Nhật. Còn nếu chỉ đi 1 chiều thì mua vé lẻ rẻ hơn. Vé cho JR pass 7 ngày là khoảng 225 USD, chi tiết bạn vào trang web này http://japanrailpass.net/en/
http://english.jr-central.co.jp/info/timetable/

* Có vé tàu theo vùng (Osaka, Kyoto, Nara), hoặc theo tỉnh/thành phố.
Thường thì thành phố hoặc khu vực có vé 1 ngày, 2 ngày hoặc hơn. Vé 1 ngày khu vực Kansai là 1,200Y hoặc vé ngày theo thành phố 500-700Y.

Nếu đi quần quật 3-4 nơi 1 ngày thì hãy mua vé này, nếu không thì cứ đi chuyến nào mua vé chuyến đó. Vì thường là mình ở trong khu trung tâm, đi lại giữa ga gần nhà tới điểm du lịch chỉ 140, 170- 240Y/chuyến, đi 1 ngày giỏi lắm 3 chuyến tính ra ko hết đến 700Y. Trẻ em dưới 12 tuổi và người già trên 60 tuổi được 50% vé tàu và xe buýt các loại.
Lưu ý khi tìm đường đi, chú trọng ga đến, ga đi, line tàu (có hơn 10 loại line các kiểu khác nhau), đường ray nào (track no.)

* Không có tàu đêm, chỉ có một số tuyến xe Bus đêm. Vé xe nightbus khá đắt, đi để trải nghiệm chứ nếu đi đông người, có khi lại đắt hơn là vé ngày + 1 đêm khách sạn.
* Tàu Shinkansen ở Nhật nổi tiếng thế giới, giá khá đắt, nhưng rất nên trải nghiệm thử 1 chuyến cho biết. Nhà mình chỉ dám đi tàu N700 từ Osaka đi Hiroshima (giá vé là gần 100USD/người lớn, đi hết hơn 2h), chứ không dám đi tàu nhanh nhất hiện nay
(Tip: vé tàu JR liên thành phố thường gồm giá vé và tiền đặt chỗ. Mỗi Tàu thường có 3-5 toa dành cho khách đi tự do, ko đặt chỗ trước (non reserved car), còn lại 7-10 toa khác là dành cho khách đặt chỗ (reserved car). Vé tàu tuỳ khoảng cách quãng đường từ 3.000 đến 5.000Y Vé tàu tuỳ khoảng cách quãng đường từ 3.000 đến 5.000Y tuỳ chặng. Nếu khách đi vé đặt chỗ thì phải đi đúng tàu, đúng giờ và đúng chỗ ngồi đã đặt, còn đi tàu không đặt chỗ thì đi bất cứ tàu nào, lên bất cứ giờ nào cũng được, nhưng chỉ đc lên các toa dành cho không đặt chỗ (non reserved car)). (Lần sau mà sang Nhật nữa là sẽ không chọn reserved car cho tiết kiệm)
* ICOCA: là loại thẻ cứng đổ tiền vào rồi đi. Thẻ này chỉ tiện là không phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ và không phải mua vé lẻ cũng như là được giảm giá tàu xe một số điểm, một số chặng. Nếu thẻ còn tiền mà không tiêu hết thì khi ra sân bay về nước có thế làm hoàn tiền, nhưng sẽ bị tính một ít tiền phí dịch vụ. Vì vậy nhà mình không mua thẻ này.
 
Last edited:
Mình có 1 thắc mắc với chủ thớt, tỷ giá VCB niêm yết là khoảng 218-220 VND/JPY, sao bạn chịu mua với giá 29.600đ/Y, không biết có nhầm lẫn gì không?
Thường mình hay mua ngoại tệ của Eximbank, chỉ cần đưa hộ chiếu có visa là mua theo đúng tỷ giá niêm yết.
 
Cái non-reserve seat cũng đầy khách lắm đó bạn, đi một mình hoặc đi 2 - 3 người thì dễ lấy chỗ, chứ đi đông dễ bị kẻ đứng người ngồi lắm. Tuyến Osaka đi Hiroshima, toa non-reserve lúc nào cũng đầy khách lắm.
 
*giơ tay* Mình cũng có một ít thắc mắc và góp ý với chủ topic a:

1. Đồng quan điểm với lạc đà sa mạc. Non-reverve seat chỉ phù hợp với nhóm thanh niên 1~4 người thôi chứ đi đông hơn hoặc thành phần gia đình có người lớn/trẻ nhỏ thì không ổn. Hơn nữa, trừ phi lên tàu từ những ga đầu tuyến như Tokyo thì mới có hi vọng nhiều vào chỗ ngồi với toa non-reverse; còn nếu đã đi từ giữa tuyến, với các chặng đông như Kyoto/Osaka - Hiroshima/Himeiji thì chuyện phải đứng là khả năng cao.

Nói chung nếu thành phần đoàn nhiều hơn 4 và gồm cả U15 hoặc O45 thì không nên tiếc tiền đặt chỗ.

Với lịch trình như của bạn, nếu điều chỉnh lại một chút xíu khoảng ở giữa (từ Kyoto đi Osaka chơi 2 ngày, sau đó từ đi thẳng từ Osaka - Himeiji - Hiroshima - Osaka - Kawaguchiko - Tokyo) thì sẽ là vừa khít và có lợi hơn khi mua JRP 7 ngày.


2. Mình cũng có chút thắc mắc với vụ giảm giá/miễn phí vé vào cửa các điểm tham quan. Hầu hết các điểm tham quan mình đã đi (dù chưa được nhiều) và muốn đi (nên đã tìm hiểu thông tin) ở Nhật đều chỉ thấy giảm giá cho trẻ dưới 12 hoặc 18 tuổi, không thấy giảm giá/miễn phí cho người trên 60/65. Bạn có thể giới thiệu một số địa điểm/dịch vụ bạn đã đi/sử dụng có ưu đãi về giá/miễn phí cho người cao tuổi (O60/65 được không?


3. Bạn có thể giới thiệu các địa chỉ Airbnb đã ở (số lượng người ở, giá, vị trí... ) và nhận xét sơ bộ về các địa điểm này để bà con có nhu cầu tham khảo được không?


Thanks chủ top :)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,562
Bài viết
1,153,674
Members
190,124
Latest member
engulam8
Back
Top