What's new
Nhật kí rong chơi 8: Nhị Liên, thành phố ma

Người ta thường gọi thị trấn ma là những nơi mà cư dân của nó bỏ đi, chỉ còn một đống hoang tàn đổ nát và từ đó những huyền thoại nảy sinh.
Nhưng người Trung Quốc đã tạo ra một khái niệm hoàn toàn mới về thị trấn ma, nơi mà nhà cửa, trường học, đường sá... bị bỏ hoang trước cả khi người dân đầu tiên đặt chân đến. Hơn nữa, không chỉ là thị trấn, họ tạo ra hẳn những thành phố ma.

Nhị Liên, Nhị Liên Hạo Đặc hay Erenhot, Eriyen, Ereen,... một thành phố với hàng chục cái tên nằm ngay sát biên giới Mông Tàu, là một trong những thành phố ma kiểu như thế.

*

Tôi đến Nhị Liên cũng là lúc trời rạng sáng. Tuyết không rơi nhưng gió lạnh thấu xương. Quấn lên người một nùi vải bó chặt cứng gồm một áo phông, hai áo len, phủ thêm một áo khoác hai lớp dày cộp, chưa kể đám găng tay, mũ len, khăn quàng, tôi vẫn rét run cầm cập. Thêm hai cái ba lô nặng ba chục kí, một cái treo đằng trước, một cái vác đằng sau, tôi đi bộ từ bến xe ra thẳng ga tàu.

Quãng đường chỉ chừng 30 phút đi bộ, nhưng dường như tôi đã thấy hết cả nơi này.

Thật khó tin đây là một thành phố nằm trơ trọi giữa sa mạc, đường rộng 4 làn xe chạy, những khối nhà chung cư cao chừng 5 tầng, gạch đỏ thẫm chạy dọc phố, đều đặn và lặng lẽ. Tiếng gió thổi hun hút làm tôi cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó...

Thành phố tịnh không một bóng người.

Trừ vài người tài xế đứng dựa cửa xe tôi thấy ở bến xe, trên con đường chỉ có mỗi mình tôi và gió.

Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi lao vụt qua phố vắng...

http://archinomad.blogspot.com/2013/04/nhi-lien-thanh-pho-ma.html
 
Sa mạc Gobi: 0 - Tìm bạn đồng hành

Sách Lonely Planet viết: "Đi Mông Cổ, không đi tháng Ba, Tư"

Thời điểm này, gió rất mạnh làm hơi lạnh ngấm vào người ở nhiệt độ thấp hơn không khí đến 5,6 độ. Ở sa mạc Gobi, phía nam Mông Cổ, bão cát và bụi có thể kéo đến bất kì lúc nào. Bên cạnh đó, sau một mùa đông dài, lạnh lẽo và không có mưa, gia súc như cừu, ngựa, lạc đà và dê rất yếu ớt và chết hàng loạt. Việc này gây ra nhiều khó khăn về kinh tế cũng như sự suy sụp tinh thần ở những người dụ mục. Lòng hiếu khách, một truyền thống của người Mông, sẽ giảm đi nhiều. Do đó, việc thăm viếng của du khách không được khuyến khích vào lúc này.

Thật là xúi quẩy, tôi lại đến xứ này vào tháng Tư và điểm đến khả dĩ nhất lại là Gobi, nơi không ngập trong tuyết. Sau khi cân nhắc lợi hại và tình trạng túi tiền, tôi quyết định sẽ đi sa mạc, nhưng không đi một mình.

Bây giờ tôi hiểu tại sao việc tìm bạn đồng hành khó khăn đến vậy. Từ đám du khách thích ở khách sạn năm sao đến dân đi bụi ngủ dưới trời ngàn sao, tất cả đều trốn mất. Một tuần lễ mắc kẹt trong tuyết lạnh của Ulaanbaatar, tôi không có việc gì làm, ngoài lang thang ngắm những khối nhà kiểu Nga Xô Viết đơn điệu, xấu xí và xem người Mông Cổ cãi nhau trong đám kẹt xe.

Người Mông Cổ đi xe ô tô như người Việt đi xe máy và đỗ xe như tổ tiên họ đỗ ngựa :)

http://archinomad.blogspot.com/2013/04/sa-mac-gobi-0-tim-ban-ong-hanh.html
 
Sa mạc Gobi: 1 - Làng Erdenedalai

Ngày 1.

Xe khởi hành lúc 9 giờ sáng, sau khi gom đủ quân số. Chúng tôi rẽ qua siêu thị mua đồ với chỉ thị rõ ràng của chị Bếp:

- Nước uống cho 4 ngày và giấy vệ sinh cho 7 ngày. Không xà phòng khăn tắm. Ăn vặt tự mua, ăn chính chị lo. Xe nhỏ chỗ chứa nhỏ, mua ít thôi".

Do cả đám không hiểu rõ lắm về từ "nước uống" hay cố tình không hiểu, kết quả là gầm ghế nhét toàn bia, coke và vodka. Bác Tài nhìn mấy chai rượu mà buồn ra mặt, bác lặng lẽ đổ xăng đầy 2 bình chứa và thêm 1 can dự trữ nữa. 10 giờ, xe chạy thẳng xuống phía nam. Sau khi đánh võng qua mạng lưới xe cộ dàn hàng không theo một quy luật nào, xe ra khỏi thành phố và tiến vào sa mạc. Ở đây không hề có sự chuyển tiếp nhấn nhá đầy lãng mạn từ thành thị ra ngoại ô, từ phố phường đông đúc đến ruộng đồng xanh tươi. Đường sá bị cắt tiện ngang lưng, nhà cửa chấm dứt là thành phố cũng kết thúc theo, tiếp đó là bình nguyên trải dài đến chân trời.

Chúng tôi chạy xe gần 9 tiếng, băng qua miền đất phẳng lì như một tấm nhôm bị cán bẹp. Chỉ có đất và trời theo đúng nghĩa đen. Đường chân trời cắt không gian thành 2 mảnh, một vàng, một xanh. Đất vàng, trời xanh. Nhát cắt hơi nham nhở hình những rặng núi mờ mờ như vệt sương. Xung quanh lơ thơ ít cỏ cháy cũng một màu vàng khét lẹt. Trời xanh thẳm đến đau mắt, xe chạy vài giờ tôi mới thấy ít mây trắng đầu tiên lảng vảng.

Đến chiều muộn, mây bắt đầu nhiều hơn. Nhưng không gian vẫn trống rỗng.

http://archinomad.blogspot.com/2013/04/sa-mac-gobi-1-lang-erdenedalai.html
 
Gã chăn bò mơ mộng

Begz năm nay 37 tuổi. Gã có vóc người nhỏ bé, gương mặt rạn vỡ đầy nếp nhăn, đen sạm. Cái miệng móm mém làm gã trông như một ông già ngoài 60 tuổi. Chỉ đến khi gã cười, đôi mắt hấp háy lúc nào cũng như đang mơ màng một chuyện gì hay lắm, tôi mới trừ đi 10 tuổi. Chắc biết tôi đang tính toán tuổi tác của gã nên lúc nào Begz cũng cười, đi lại tung tẩy như một đứa con nít hòng phỉnh tôi. Begz sống cùng vợ và bốn đứa con trong một túp lều ở ngoại ô Ulan Bator, cách nhà ga trung tâm 14 trạm xe buýt. Nơi Begz ở người ta gọi là quận Lều, quận của những người Mông Cổ nghèo và luôn bị bỏ qua trong lịch trình của du khách.

Trừ ngôi lều của Begz.

Tôi là người nước ngoài thứ 187 và là người Việt đầu tiên đặt chân vào ngôi lều đó.

http://archinomad.blogspot.com/2013/08/ga-chan-bo-mo-mong.html
 
Sức mạnh Tàu

Đại Đồng là một thành phố nhỏ với hơn 3 triệu dân, thuộc tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc.

Nơi đây từng là thủ phủ của nhà Bắc Ngụy thời Nam Bắc Triều loạn lạc (sau Bắc Ngụy của Tào Tháo thời Tam Quốc chừng 150 năm). Vào thời kì thăng hoa của miền đất này , Đại Đồng là một điểm dừng quan trọng của hàng đoàn lạc đà thông thương giữa Trung Nguyên và xứ Hung Nô hoang dã.

Quá khứ phồn thịnh của Đại Đồng giờ đã lụi tàn. Giờ đây người ta nhắc đến nơi này như là một điểm dừng để đổi xe đi thăm động Vân Cương và ngôi chùa Huyền Không treo trên vách đá.

http://archinomad.blogspot.com/2013/10/suc-manh-tau.html
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,187
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top