What's new

[Chia sẻ] Onsite ở Phần Lan: khám phá & thử thách

Bài viết này không chứa thông tin du lịch, chỉ là câu truyện chia sẻ cảm xúc của mình trong những tháng đầu onsite (công tác) ở Phần Lan trong năm 2010 mà mình đã gửi đăng tạp chí của cty FPT Software. Các bạn đọc cho vui nhé. :)


Người tiên phong “cắm cờ” FSoft ở Bắc Âu

- Em hào hứng chứ? – Anh MinhTQ1 bên FWB (FSOFT World Branch) nheo mắt hỏi tôi.
- Em chẳng muốn xa nhà lâu lúc này, phải đi vì công việc nên thấy bình thường thôi.
- Thế có lo lắng gì không? – Chị LinhHA dịu dàng hỏi tiếp.
- Cũng bình thường ạ. Dù sao đây không phải lần đầu em đi onsite, vả lại em đã từng sống ở Nga nhiều hơn cả ở Việt Nam.

Quả thật, lúc đó tôi chẳng vui sướng gì khi nghĩ về chuyến đi sắp tới. Có lẽ vì tôi đang muốn ổn định công việc ở Việt Nam hơn được đi đây đó. May ra cơ hội đi “3 nước U” (UK, US, Úc) mới có thể làm tôi phấn khởi. Nhưng một khi đã quyết định rồi thì chẳng phân vân gì hay lo buồn làm gì, thà không có cảm xúc gì còn hơn.

Theo lời khuyên của chị LinhHA, tôi bắt đầu tìm hiểu về Phần Lan. Tuy nằm giáp biên giới LB Nga, đất nước này lại có nét văn hóa đặc trưng Tây Âu. 2 ngôn ngữ chính thức là tiếng Phần Lan và Thụy Điển mà tôi hoàn toàn không biết. Điều khiến tôi lo ngại nhất là khí hậu ở thành phố Oulu còn khắc nghiệt hơn cả Moscow và Saint Peterburg. Bởi vậy, tôi đã đem theo va li đầy quần áo để có thể mặc lồng lên nhau, phần lớn trong số đó mua ở tận Đà Lạt.

…Mặc dù từng bay xuyên châu lục nhiều, nhưng lần này tôi mới biết cảm giác bay là là trên dãy núi cao, loang lổ chỗ có tuyết, chỗ không. Nhiều nhà thám hiểm phải vượt bao nguy khó, đe dọa sự sống của họ, để chinh phục và tự hào cắm ngọn cờ Tổ quốc của mình trên những đỉnh núi cao như vậy. Nghĩ về điều này, tôi bỗng cảm thấy thích thú lời nói của anh MinhTQ1:
- Nếu là em, anh sẽ cảm thấy rất tự hào vì là FSofter đầu tiên onsite ở Bắc Âu!

Một cảm giác dâng trào trong người khiến tôi tự hứa với bản thân rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẽ luôn bình tĩnh và lạc quan như những nhà thám hiểm! Tôi hiểu, chuyến đi này là cơ hội khám phá đất nước mới lạ, đồng thời là thử thách mà tôi phải tự vượt qua, nếu không muốn thất bại trở về.


Qua 4 quốc gia, 5 thành phố trong vòng hơn 1 ngày đêm

Nhưng trước đó nửa ngày, khi nhận được SMS từ hãng hàng không Finnair báo rằng chuyến bay Bangkok-Helsinki sẽ bị trễ 5 tiếng, tôi vừa không vui, lại vừa hồi hộp vì không rõ liệu có phải ngủ qua đêm ở sân bay không?

Tới sân bay Bangkok, tôi phải mất hơn 2h để làm thủ tục đổi chuyến bay đi tiếp từ Helsinki. Tuy đã nửa đêm và đông người xếp hàng chờ, các nhân viên Finnair vẫn truy vấn khá kỹ tôi vì tôi đi EU lần đầu. Nhưng đó là chuyện nhỏ so với việc bị hành hạ tiếp đó. Thật đáng ngạc nhiên khi hàng chục hành khách dù rất đói mệt vẫn tôn trọng và làm theo những yêu cầu đôi lúc ngớ ngẩn của các nhân viên hàng không. Bị bối rối vì lần đầu gặp trường hợp khách sạn trong sân bay hết phòng, mà các cửa khẩu an ninh lại không cho hành khách ra ngoài, không biết bao lần họ đã thu, trả hộ chiếu, đếm người, điểm danh, phân nhóm theo quốc tịch và dẫn chúng tôi vòng đi vòng lại trong sân bay khổng lồ Suvarnabhumi suốt hơn 2h. Lúc này, tôi đã kịp làm quen và giúp đỡ phiên dịch Anh-Nga-Việt cho một vài hành khách Âu-Á. Có người tỏ vẻ lo lắng vì sẽ phải đi bằng ô tô từ Helsinki, một số khác thì cố pha trò để không khí bớt căng thẳng. Tới gần 2h đêm, chúng tôi mới được phép ra khỏi sân bay. Tiếc rằng, y như lần trước tới Bangkok, tôi chỉ được chiêm ngưỡng cảnh thành phố ban đêm từ trong xe buýt.

Sau khi được Finnair chiêu đãi một bữa ăn no nê và nhận được phòng ngủ rất sang trọng chỉ để nghỉ ngơi trong vòng 1,5h rồi lại ra sân bay, tuy vẫn mệt mỏi, mọi người không còn bực bội như trước nữa. Riêng tôi lại có cảm tình đặc biệt với Finnair vì tôi chưa từng thấy phong cách phục vụ nhiệt tình, tiện nghi đầy đủ, thư viện giải trí điện tử hấp dẫn như ở đây, và bởi họ không hủy chuyến từ Helsinki tới Oulu của tôi khi chỉ có hơn chục hành khách. Cuộc hành trình của tôi đã kéo dài 29h, nhưng chỉ 1 tháng sau, tôi đã phá kỷ lục này khi phải 4 (!) lần chờ máy bay ở 4 quốc gia khác nhau để đi chặng đường Sài Gòn – Bangkok – Paris – Helsinki – Oulu trong vòng 32h (!).

Oulu đón tôi với nhiệt độ “chỉ mới” -8°C, nhưng vẫn lạnh đối với người chỉ mặc quần áo mùa thu theo khái niệm ở đây. Cũng may, Công ty khách hàng (tạm gọi là ABC) chưa kịp chuẩn bị chỗ ở, nên đêm đầu tiên tôi ngủ tại khách sạn và được tranh thủ thưởng thức sauna Phần Lan chính hiệu, nổi tiếng toàn thế giới. Cảm giác thật tuyệt vời khi được ngồi trong sauna lim dim ngủ, đồng thời trút bỏ sự cảm lạnh và nỗi mệt nhọc đã thấm sâu vào người! Trở về phòng, tôi thầm cảm ơn gia đình vì đã chu đáo dự phòng vài gói mì tôm cho tôi. Dưng dưng nước mắt vì nhớ nhà, tôi thiếp đi lúc nào không hay…


Suýt xỉu ngoài băng giá

Chỉ 2 ngày sau đó, nhiệt độ đã đột ngột xuống tới -25°C, thấp hơn TP HCM 50°C! Oulu nằm gần Bắc cực, lại ven biển, độ ẩm cao và liên tục có gió lớn. “Nhiệt độ ấm cúng” (“comfortable temperature”), tức chỉ số đánh giá cảm giác con người theo cả nhiệt độ không khí lẫn độ ẩm và tốc độ gió, xuống gần -30°C và giữ ở mức này gần 1 tháng. Nghe nói, mùa đông năm nay khắc nghiệt và kéo dài hơn thường. Ở những xứ tuyết, luôn có hai hiện tượng nghịch lý. Thứ nhất, những ngày trời nắng đẹp luôn lạnh và khô nhất, đáng sợ không kém khi tuyết rơi nhiều, đi một bước chỉ bằng nửa bước. Thứ hai, tuy độ ẩm không khí cao, những vùng da mặt, tay và môi của tôi bị khô nứt tới chảy máu. Nhờ có vitamin C và kem dưỡng da, dần dần tôi đã thích nghi được, nhưng vẫn chịu thua một vài cô gái Phần Lan không đội mũ vì sợ hỏng mái tóc trong khi tôi phải mặc nhiều lớp quần áo mũ tất, dù đã có áo và giày đông.

19848_1123905237415_1820642867_241782_2905067_n.jpg

Xe đạp phổ biến quanh năm.​
Ở Nga, tôi chưa từng thấy xe 2 bánh vào mùa đông, còn ở đây, xe đạp (đôi khi cả xe máy) là phương tiện giao thông phổ biến quanh năm và cho mọi lứa tuổi. Ở Oulu, người đi bộ và xe đạp thường đi đường riêng và luôn được ưu tiên ở những chỗ qua đường không có đèn hiệu. Nhưng vì đi làm xa, hàng ngày tôi phải đi bằng xe buýt. Sau ngày đầu được đưa đón, 3 ngày tiếp đó toàn là những cuộc phiêu lưu đầy gian nan, chủ yếu do trời chỉ sáng vài giờ mỗi ngày và luôn tối khi tôi đi làm hay về nhà, mà dưới những ánh đèn mờ thì những con đường vắng vẻ, lạ lẫm và phủ đầy tuyết đều trở nên giống nhau.

23832_1158688106965_1820642867_300300_8337504_n.jpg

Những ngày nắng đẹp trời luôn lạnh và khô.

Lần đầu, ra khỏi công ty lúc 7h, đợi một lúc tôi mới thấy người ở phía xa mà người đó lại không nghe thấy tôi gọi hoặc không muốn dừng lại vì trời rất lạnh. Mãi tới người thứ 3 “bị” tôi chặn đường mới giúp. Trên xe, tôi phải hỏi nhiều người mới biết được tên bến gần nhà. Tới nơi, phải kỳ công hơn nữa để kiếm được 1 người biết tên phố nhỏ tôi đang tìm và chỉ về hướng một khu vắng vẻ và có nhiều đường nhỏ. Vòng vèo mãi mà chẳng thấy biển đường nào cả, mỗi bước đi càng lúc trở nên nặng nề hơn. Cho tới khi gặp được một người, tôi mới hay đường đó chính là đoạn nối tiếp nơi tôi đang đứng! Nhưng nhiều nhà ở Oulu không có biển số, nên phải chui vào từng cửa nhà tập thể để đọc những bản thông báo chi chít tiếng Phần, tôi mới phát hiện rằng giữa nhà số 4 và số 8 lại không có nhà số 6 của tôi! Kiểm tra hết hai dãy phố, tôi mới thấy một ngôi nhà 3 tầng bị khuất phía đằng xa. Thật khó tả niềm vui khi đã thắng cuộc trò chơi “36 phố phường không tên” kéo dài hơn 3h này!

Ngày thứ 2, sau khi chơi trò “đoán chữ và chọn giá” ở siêu thị về, tôi lại bị lạc. Khi trông thấy nhà mình, tôi mừng, lao theo đường mòn phủ tuyết ngay đó, nhưng nó lại là đường cụt. Chẳng muốn quay lại, tôi quyết định đi xuyên qua bãi tuyết ngập quá đầu gối. Vừa đi siêu vẹo như ông già say rượu, vừa thở hổn hển và dặn từng lời ca khúc thiếu nhi Nga về 1 cây thông thẳng tắp đứng giữa rừng, vất vả lắm tôi mới chinh phục được quãng đường chỉ hơn 30 mét! Về tới nhà, chẳng cởi đồ, tôi lao liền xuống bếp hớp một cốc sữa để lấy lại sức.

Ngày thứ 3, do không đọc được thông báo nên tôi không biết chuyến xe cuối cùng đi từ khu Công viên Khoa học Technopolis chạy lúc 19:20. Mặc dù đã đứng chỗ khuất gió cho ấm, nhưng vì chờ hơn tiếng rưỡi, người tôi run cầm cập, bàn tay cứng đơ, hai hàm răng liên tục đập vào nhau. Xung quanh không một bóng người hay chiếc xe nào, quang cảnh vắng vẻ, lạnh lẽo như trong phim ma! Điện thoại thì đã hết tiền. Tôi ráng lết về phía có tiếng xe cộ và khi nhìn thấy một người đàn ông trượt tuyết từ trong rừng ra, tôi vội đón đường và cầu cứu: “Help me! I’m dying!”… Giờ nghĩ lại thấy câu nói đó thật buồn cười, nhưng lúc đó tôi chỉ muốn ông ta hiểu rằng tôi đã kiệt sức, đang muốn xỉu và cần ông gọi giúp taxi. Sau 20’ sưởi ấm trên xe với giá đúng 20€, tôi lại phải đứng ngoài đường vì cửa dưới nhà bỗng nhiên bị khóa. Chẳng có gì để ném vào cửa sổ nhà hàng xóm, tôi đành đứng la hét hồi lâu mới có người xuống mở. Hóa ra, 1 chìa khóa ở Phần Lan (PL) thường có thể dùng cho 2 ổ khác nhau, nhưng phải cắm đúng chiều.

Về sau, tôi đã biết cách chọn giờ xe qua Internet và phát hiện thêm đường đi xuyên qua rừng để tới bến khác có nhiều xe hơn. Dần dần tôi đã quen với cảnh đi một mình giữa rừng đêm và là hành khách duy nhất trên xe. Thật may, PL là 1 đất nước có an ninh tuyệt vời, dân chúng luôn tự hào vì ở đây không có tội phạm, nên họ thường xuyên để đồ đạc mà không canh chừng. Nhưng nếu bạn hỏi tôi đặc điểm nào cần thiết đối với một onsiter ở PL, tôi sẽ trả lời là “can đảm, không sợ ma và … mập là một lợi thế!”

23832_1158692067064_1820642867_300305_5237231_n.jpg

Đường mùa đông thường tối tăm & vắng vẻ.
(Hết phần 1)
(C) Bài và ảnh của Vũ Hoàng Nam, copy từ http://facebook.com/nam.vuhoang
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,434
Bài viết
1,152,807
Members
190,081
Latest member
anpham123
Back
Top