What's new

[Chia sẻ] Rong chơi ba nước Cambodia Thái Lan Lào - từ thủ đô đến cố đô (01/2023)

Sơ phát rong chơi ba nước Đông Nam Á
Dự định tranh thủ dịp nghỉ Tết Nguyên Đán Quý Mão năm 2023 tôi đi. Vài ngày lên kế hoạch cung đường chuyến rong chơi ba nước Đông Nam Á. Tuyến đi theo hướng từ Sài Gòn qua Cambodia qua Thái Lan sau đó đến Lào. Lần này chọn cung đường bộ bàng xe buýt và tàu hỏa với các thành phố sẽ tới như sau. Sơ phát cung đường theo dự định Sài Gòn, Phnom Penh, Siem Reap, Bangkok, Ayutthaya, Sukhothai, Chiang Mai, Vientiane, Luang Prabang. Chủ yếu sẽ sử dụng xe buýt với tàu hỏa, chưa rõ sẽ có trở ngại chuyện mua vé không?
Ba nước láng giềng
Khác với những lần trước lang thang trong một nước mua vé đầy đủ một lần. Lên đường chỉ việc thực thi theo tiến độ đã đề ra. Lần này chỉ mua vé từ Sài Gòn qua Phnom Penh, qua đó mua tiếp từng chặng. Lang thang qua ba nước, chuyện tiền tệ luôn là vấn đề quan ngại. Trong vòng hơn hai tuần sẽ phải sử dụng năm loại tiền tệ khác biệt. Tiền đồng Việt Nam phải chuyển qua tiền đô la Mỹ dự trữ. Từ đó qua mỗi nước sẽ chuyển sang đồng Riel Cambodia, đồng Bath của Thái Lan và đồng Kíp của Lào. Các mệnh giá tiền bản xứ đều cao hơn đồng tiền Việt Nam. May mắn càng về cuối năm kiều hối Việt Nam càng dồi dào, tỷ giá Việt – Mỹ có hạ một chút.

resized_2023_01_12_21_47_IMG_5021a.JPG

Cung đường rong chơi ba nước Cam – Thái – Lào. Photo Samgoshare
Đối với dân du mục phượt dài ngày tỷ giá luôn là vấn đề quan tâm. Rong chơi mỗi nước chưa đến một tuần nên tỷ giá cao thấp không đáng lo lắng. Trong ba nước phiêu du chuyến này chỉ có nước láng giềng Lào, tôi chưa đến. Campuchia và Thái Lan đã từng đến tham quan từ khá lâu. mười mấy năm trước. Nay muốn chia sẻ cũng không có được chút cảm xúc nào để múa bàn phím. Thật tội nghiệp! Hy vọng lần trở lại này sẽ thắp sáng chút ký ức đâu đó còn sót lại giữa đời thường biến động. Liệu mười mấy năm qua đời sống hai nước này đã ổn định chưa. Hơn nữa sau trận đại dịch lịch sử liệu du lịch đã phục hồi được phần nào chưa?
Khu vực bình an
Người xưa có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” nhắc nhỏ cách đối nhân xử thế với hàng xóm. Suy rộng ra trên một bình diện quốc gia cũng vậy. Giữ hòa khí chân thành tin tưởng giúp người dân các nước giao thương, du lịch với nhau. Một khu vực có kinh tế phát triển sẽ kéo theo đời sống người dân khá hơn lên. Hơn bốn thập kỷ trước chiến tranh đã tàn phá và đe dọa hàng trăm triệu người dân quanh khu vực Đông Nam Á. Hiện nay Đông Nam Á đã và đang trở thành một khu vực hòa bình, hợp tác năng động phát triển nhất của toàn cầu. Chính phủ các nước trong khối Asean đã tin tưởng dỡ bỏ thị thực giúp sự giao thương du lịch thuận lợi hơn rất nhiều.

Mỗi năm Tết đến người ta hay nói đến đoàn viên, đoàn tụ. Ai trong năm chưa về quê đều mong đã từng về nhiều cũng thường. Riêng tôi Tết về như một dịp được khám phá những miền đất mới. Năm nay tôi chọn các nước láng giềng làm mục tiêu quan trọng của hành trình. Rong chơi mà không bận rộn với thị thực nhập cảnh luôn như một ước mơ cố hữu của dân mê phượt. Khi những dòng chữ này lên blog cũng là lúc tôi đang ngồi trên chuyến xe bắt đầu hành trình từ Sài Gòn. Thầm cười một mình cho vài công tác chuẩn bị.
 

Lắng lòng bên chùa Mahathat Ayutthaya tàn phai
Mỗi đất nước luôn có niềm tự hào lẫn trân trọng với các di sản văn hóa. Công trình của tiền nhân còn lại luôn tồn tại những ẩn đố đầy khó khăn.. Dù còn nguyên vẹn hay tàn tích phôi pha theo năm tháng, nó đều xứng đáng được tôn vinh và bảo vệ. Di sản minh chứng hùng hồn cho một nền văn hóa trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Thái Lan có vài di sản văn hóa thế giới được Unesco công nhận. Cố đô Ayutthaya một di sản văn hóa lịch sử của đất nước nụ cười. Lang thang trong chùa Mahathat nghe những tàn phai của một thời kinh đô vàng son ở đất nước này.

Di tích gạch đất nung

Sau khi thuê xe máy tôi chạy đến di tích gần nhất chùa Mahathat nổi tiếng. Ngày trước chùa của các nước vùng trong Đông Nam Á như Thái Lan, Miến Điện, Cambodia, Lào khác với chùa xứ Việt. Chùa xứ người có khuôn viên rộng rãi, chủ yếu xây rất nhiều bảo tháp. Theo dòng lịch sử vào thế kỷ X đến XII, đất nước Champa xây dựng di sản Mỹ Sơn hoàn toàn bằng gạch đất nung. Vào giai đoạn này đát nước Miến Điện đã xây dựng rất nhiều chùa bằng gạch đất sét nung tại di sản văn hóa Bagan. Tương tự vào đầu thế kỷ XIII vương quốc Sukhoithai của Thái Lan, vật liệu gạch đất nung được sử dụng xây chùa, cung điện hoặc công trình quan trọng quốc gia.

2023_01_19_12_20_IMG_7748.JPG

Những bảo tháp tại chùa Mahathat Ayutthaya. Photo Samgoshare
Qua thế kỷ XIV vua chọn kinh đô Ayutthaya, cung điện với chùa xưa đều sử dụng loại gach đất nung. Từ đó gạch đất nung trở thành loại vật liệu phổ biến dành cho các công trình mang tầm quốc gia. Ngược lại trước đó vào thế kỷ XII Cambodia xây dựng di sản Angkor Wat hoàn toàn bằng đá. Các nước quanh khu vực như Thái Lan, Cambodia, Miến Điện, Lào và Champa liên tục đánh nhau tranh giành lãnh địa. Tùy theo vua mỗi nước của từng giai đoạn lịch sử mạnh hay yếu mà họ chinh phục được nhiều hay ít lãnh thổ. Chiến tranh liên miên gây các hệ lụy lịch sử đến tận hôm nay.

Vọng âm buồn Ayutthaya

Vé vào tham quan chùa Mahathat giá chỉ 30 Bath. Theo hướng dẫn tôi gặp ngay các bảo tháp bằng gạch nung đã phôi pha theo thời gian. Từng cụm tháp cái đứng, cái nghiêng, cái lụi tàn chỉ còn phế tích. Nhiều tượng Phật bằng đá cũng chịu chung phận số. Có tượng còn đầu, có tượng mất đầu, có tượng ngồi tĩnh toạ uy nghi có tượng nằm mất thủ. Dường như tôi nghe đâu đây tiếng đập phá hoàng cung lẫn chùa chiền hì hục, ảo ảnh lửa cháy ngút trời, xen lẫn với tiếng reo hò thắng trận của năm tháng xa xưa. Đội quân hùng mạnh của Miến Điện năm xưa đã nhiều lần tàn phá hoàng cung Thái, phá luôn các công trình đức tin xung quanh.

ND8_4951.JPG

Tượng Phật không đầu tại chùa Mahathat. Photo Samgoshare
Tôi thả bộ dọc theo con đường mòn nho nhỏ, mỗi góc nhìn đều thấy sự tàn phai ngỡ ngàng. Người ta đang cố gắng gìn giữ những gì còn lại nhất có thể. Từng đoàn khách nước ngoài đang tham quan chùa Mahathat rất đông. Thi thoảng lại gặp khách mặc trang phục truyền thống xinh đẹp độc đáo của nước họ. Đôi khi lạc vào góc vắng chung quanh tĩnh lặng đến bất ngờ. Thong thả dạo bộ chậm rãi ngắm từng bảo tháp ngả nghiêng, tò mò dừng lại xem xét từng viên gạch thẫm màu. Theo thời gian viên còn viên bể, viên tươi sắc viên nhuốm màu phôi pha. Màu cỏ xanh làm nền cho tháp gạch đỏ nổi bật giữa trời chang nắng mênh mang cao vời vợi.

Tôi như lạc vào miền ký ức xa xăm hoàng cung xưa cũ của Thái Lan.

Wat Mahathat nghe những tàn phai

Bất ngờ khi thấy du khách tập trung rất đông trước một cây cổ thụ tán lá xum xê. Hiếu kỳ dấn bước, chợt òa lên hiểu tất cả. Hiện ra một đầu tượng Phật bằng đá quyện nằm trong gốc cây nổi tiếng. Hình ảnh mà tôi đã thấy trên mạng nhiều lần đang hiển hiện trước mắt. Gương mặt đá an nhiên tĩnh lặng đến ngỡ ngàng. Phải chăng trong quá trình quân Miến Điện tàn phá ai đó động lòng trắc ẩn không nở đập vụn đầu tượng nên đặt vào gốc cây. Hai nước xảy ra chiến tranh liên miên người dân đã tạm tránh khu vực nhạy cảm. Vô tình rễ cây cùng tượng Phật nương tựa sinh tồn bên nhau. Nhờ sức sống “cây đời vẫn mãi xanh tươi” đã biến tượng đá vô tri có sức sống kỳ lạ.

2023_01_19_13_00_IMG_7801.JPG

Đầu tượng đá Phật nổi tiếng tại chùa Mahathat Ayutthaya Photo Samgoshare
Người tin vào tâm linh tin vào sự vi diệu Phật pháp vô biên. Tôi ngồi ngay chỗ được chụp hình của du khách lưu chút kỹ niệm. Người Thái làm du lịch thật khéo léo biết khai thác các yếu tố tâm linh. Họ đưa vào mỗi di tích từng câu chuyện thi vị hấp dẫn khách phương xa. Thuở ấy các nước đều tranh giành ảnh hưởng giữa các tôn giáo dù khác biệt hay tương tự. Dù xuất phát chung cùng nền tảng Phật giáo, các quốc gia luôn tranh đấu xâm chiếm cưỡng đoạt lẫn nhau. Thiện tai, tôi lặng người trước hình ảnh tàn phai của nhiều tượng không đầu.

Đời có một ngày dừng chân lắng lòng bên chùa Mahathat tại cố đô Ayutthaya nghe những tàn phai của vọng âm buồn. Màu đỏ của gạch từ đất Mẹ vẫn nhuốm màu năm tháng giữa nhân gian.

Creator Samgoshare Music Một cõi đi về Trịnh Công Sơn Singer Mộc San
 
Thăm chùa Ratchaburana với quá khứ mang đầy đau thương tràn lấp.
Đời có một ngày dừng chân lắng lòng bên chùa Mahathat tại cố đô Ayutthaya nghe những tàn phai của vọng âm buồn. Màu đỏ của gạch từ đất Mẹ vẫn nhuốm màu năm tháng giữa nhân gian”. Kết thúc bài trước tôi đã viết như vậy. Từ chùa Mahathat đến chùa Ratchaburana khá gần đều nằm trên một con đường. Sử dụng xe máy rất linh hoạt cho các di tích nằm gần nhau. Tôi có một ngày thăm chùa Ratchaburana với quá khứ mang đầy đau thương tràn lấp.

Chùa Mahathat cổ kính xây dựng từ năm 1374. Do vua đời thứ ba Borom Rachathirat I bắt đầu xây dựng đến vua đời thứ năm Ramesuan hoàn thành. Chùa Mahathat thể hiện tôn giáo hoàng gia chính thống của vương triều mới tại kinh đô Ayutthaya. Tinh thần từ bi, khoan dung, tha thứ, hòa ái sẻ chia của Phật giáo đã không được các hoàng tử đời sau học tập. Vua Intha Racha cháu trai vua Borom Rachathirat I. Ông làm lãnh chúa khu vực Suphanburi lên ngôi đời thứ sáu của vương quốc Ayutthaya trị vì (1408-1424). Vào năm ông mất, hai hoàng tử lớn tranh giành ngôi vua, thách đấu với nhau trên lưng voi, kết quả cả hai đều chết.

Hoàng tử út Borom Ratchathirat II lên ngôi vua trị vì (1424-1448). Năm 1424 ông bắt đầu xây dựng chùa Ratchaburana trên khu đất hỏa táng hai người anh trai nhằm tưởng nhớ đến họ.

Thăm chùa Ratchaburana tàn phai

Tôi bước vào khuôn viên chùa Ratchaburana, mặt tiền cổng đã đổ nát chỉ còn bức tường trơ gạch. Màu tàn phai của gạch đất nung trơ gan cùng tuế nguyệt. Vài chỗ vá víu cẩu thả, vài chỗ đen đen lẫn rêu phong mà độ dày chồng chất thêm năm tháng. Hình ảnh cổng mái gạch nhọn vươn lên trời cao như đôi bàn tay chấp lại vái giữa đất trời. Thiện tai.

2023_01_19_14_07_IMG_7848.JPG

Cổng chùa Ratchaburana tại Ayutthaya Thái Lan. Photo Samgoshare
Bước tiếp qua cổng, vào trong gặp một ngôi nhà chính khác. Có thể xưa kia là sảnh đường to lớn dành cho nguyện cầu. Nay trơ mái chỉ còn những bức tường gach đỏ cùng các trụ gạch sót lại thấp lè tè trên nền nhà xưa cũ. Xa xa một ngọn tháp cao lớn sừng sững ở trung tâm. Người ta thường hình dung những ngọn tháp cao tượng trưng cho núi Meru trung tâm vũ trụ của Phật giáo. Càng vào bên trong khuôn viên chùa Ratchaburana càng rộng. Nhiều tượng Phật không đầu ngồi đó chỉ còn hình hài sơ khai. Đâu đó quanh đây vẫn còn vài đầu tượng Phật nằm im lìm.

2023_01_19_14_44_IMG_7917.JPG

Sảnh đường chùa Ratchaburana. Photo Samgoshare
Sự phá hủy đổ nát đến điêu tàn của ngôi chùa hiện tại là hình ảnh phản chiếu thoáng qua hình bóng của quá khứ xâm lăng. Đội quân Miến Điện tàn phá hủy hoại thỏa lòng kẻ chiến thắng từ vài thế kỷ trước. Họ đốt các ghi chép, chiếm đoạt các báu vật, phá hoại chùa chiền, hoàng cung và các công trình quan trọng của kinh đô. Họ giết hết gia đình hoàng gia góp phần chấm dứt vương triều huy hoàng Ayutthaya.

Bảo tháp cao nhất

Thật không thể giải thích được thuở trước Miến Điện cũng theo Phật giáo. Họ lại xâm lược đốt phá chùa chiền tại cố đô Ayutthaya. Phải chăng Phật ở Miến Điện được tôn thờ khác với Phật tại Thái Lan nên đang tâm phá hủy?

2023_01_19_14_23_IMG_7886.JPG

Tháp chính của chùa Ratchaburana tại Ayutthaya Thái Lan. Photo Samgoshare
Thong thả vào khám phá tiếp bên trong, xa xa trên bảo tháp cao nhất khu vực nhiều du khách đang tò mò quan sát. Tôi nhìn lên cao khá ngợp vẫn cố gắng treo lên từng bậc cấp mòn. Cuối cùng vẫn lên được trên tháp cao muốn xem bên trong có gì. Những viên đá được sắp xếp xây lên tới nóc cao. Trên tấm bảng cũ treo bên tường lỗ chỗ, vài thông tin cơ bản về chùa Wat Ratchaburana. Đứng từ đây gió lồng lộng nhìn bốn phía thấy được toàn cảnh của chùa. Nỗi buồn càng hiện rõ trên nền cỏ xanh thẳm là tàn tích gạch đỏ còn lại của Wat Ratchaburana. Nó thật sự rộng uy nghiêm lớn chắc chắn đã từng là nơi chốn thiêng liêng của kinh đô Ayutthaya.

Toàn cảnh mất mát điêu tàn của kinh đô Ayutthaya đã mãi mãi thay đổi lịch sử Thái Lan. Mõi chân tôi ngồi nghĩ ngơi, nhìn chùa Ratchaburana ngập nắng mà vương vấn nơi đây những đau thương tràn lấp thoảng qua như con gió xuân trên đất vương quốc Ayutthaya xưa.

Creator Samgoshare Music Ru ta ngậm ngùi – Trịnh Công Sơn Singer Toàn Nguyễn


Edit
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
54,937
Bài viết
1,128,327
Members
188,419
Latest member
giatrung2012
Back
Top