What's new

[Chia sẻ] Rong chơi ba nước Cambodia Thái Lan Lào - từ thủ đô đến cố đô (01/2023)

Sơ phát rong chơi ba nước Đông Nam Á
Dự định tranh thủ dịp nghỉ Tết Nguyên Đán Quý Mão năm 2023 tôi đi. Vài ngày lên kế hoạch cung đường chuyến rong chơi ba nước Đông Nam Á. Tuyến đi theo hướng từ Sài Gòn qua Cambodia qua Thái Lan sau đó đến Lào. Lần này chọn cung đường bộ bàng xe buýt và tàu hỏa với các thành phố sẽ tới như sau. Sơ phát cung đường theo dự định Sài Gòn, Phnom Penh, Siem Reap, Bangkok, Ayutthaya, Sukhothai, Chiang Mai, Vientiane, Luang Prabang. Chủ yếu sẽ sử dụng xe buýt với tàu hỏa, chưa rõ sẽ có trở ngại chuyện mua vé không?
Ba nước láng giềng
Khác với những lần trước lang thang trong một nước mua vé đầy đủ một lần. Lên đường chỉ việc thực thi theo tiến độ đã đề ra. Lần này chỉ mua vé từ Sài Gòn qua Phnom Penh, qua đó mua tiếp từng chặng. Lang thang qua ba nước, chuyện tiền tệ luôn là vấn đề quan ngại. Trong vòng hơn hai tuần sẽ phải sử dụng năm loại tiền tệ khác biệt. Tiền đồng Việt Nam phải chuyển qua tiền đô la Mỹ dự trữ. Từ đó qua mỗi nước sẽ chuyển sang đồng Riel Cambodia, đồng Bath của Thái Lan và đồng Kíp của Lào. Các mệnh giá tiền bản xứ đều cao hơn đồng tiền Việt Nam. May mắn càng về cuối năm kiều hối Việt Nam càng dồi dào, tỷ giá Việt – Mỹ có hạ một chút.

resized_2023_01_12_21_47_IMG_5021a.JPG

Cung đường rong chơi ba nước Cam – Thái – Lào. Photo Samgoshare
Đối với dân du mục phượt dài ngày tỷ giá luôn là vấn đề quan tâm. Rong chơi mỗi nước chưa đến một tuần nên tỷ giá cao thấp không đáng lo lắng. Trong ba nước phiêu du chuyến này chỉ có nước láng giềng Lào, tôi chưa đến. Campuchia và Thái Lan đã từng đến tham quan từ khá lâu. mười mấy năm trước. Nay muốn chia sẻ cũng không có được chút cảm xúc nào để múa bàn phím. Thật tội nghiệp! Hy vọng lần trở lại này sẽ thắp sáng chút ký ức đâu đó còn sót lại giữa đời thường biến động. Liệu mười mấy năm qua đời sống hai nước này đã ổn định chưa. Hơn nữa sau trận đại dịch lịch sử liệu du lịch đã phục hồi được phần nào chưa?
Khu vực bình an
Người xưa có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” nhắc nhỏ cách đối nhân xử thế với hàng xóm. Suy rộng ra trên một bình diện quốc gia cũng vậy. Giữ hòa khí chân thành tin tưởng giúp người dân các nước giao thương, du lịch với nhau. Một khu vực có kinh tế phát triển sẽ kéo theo đời sống người dân khá hơn lên. Hơn bốn thập kỷ trước chiến tranh đã tàn phá và đe dọa hàng trăm triệu người dân quanh khu vực Đông Nam Á. Hiện nay Đông Nam Á đã và đang trở thành một khu vực hòa bình, hợp tác năng động phát triển nhất của toàn cầu. Chính phủ các nước trong khối Asean đã tin tưởng dỡ bỏ thị thực giúp sự giao thương du lịch thuận lợi hơn rất nhiều.

Mỗi năm Tết đến người ta hay nói đến đoàn viên, đoàn tụ. Ai trong năm chưa về quê đều mong đã từng về nhiều cũng thường. Riêng tôi Tết về như một dịp được khám phá những miền đất mới. Năm nay tôi chọn các nước láng giềng làm mục tiêu quan trọng của hành trình. Rong chơi mà không bận rộn với thị thực nhập cảnh luôn như một ước mơ cố hữu của dân mê phượt. Khi những dòng chữ này lên blog cũng là lúc tôi đang ngồi trên chuyến xe bắt đầu hành trình từ Sài Gòn. Thầm cười một mình cho vài công tác chuẩn bị.
 

Lắng lòng bên chùa Mahathat Ayutthaya tàn phai
Mỗi đất nước luôn có niềm tự hào lẫn trân trọng với các di sản văn hóa. Công trình của tiền nhân còn lại luôn tồn tại những ẩn đố đầy khó khăn.. Dù còn nguyên vẹn hay tàn tích phôi pha theo năm tháng, nó đều xứng đáng được tôn vinh và bảo vệ. Di sản minh chứng hùng hồn cho một nền văn hóa trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Thái Lan có vài di sản văn hóa thế giới được Unesco công nhận. Cố đô Ayutthaya một di sản văn hóa lịch sử của đất nước nụ cười. Lang thang trong chùa Mahathat nghe những tàn phai của một thời kinh đô vàng son ở đất nước này.

Di tích gạch đất nung

Sau khi thuê xe máy tôi chạy đến di tích gần nhất chùa Mahathat nổi tiếng. Ngày trước chùa của các nước vùng trong Đông Nam Á như Thái Lan, Miến Điện, Cambodia, Lào khác với chùa xứ Việt. Chùa xứ người có khuôn viên rộng rãi, chủ yếu xây rất nhiều bảo tháp. Theo dòng lịch sử vào thế kỷ X đến XII, đất nước Champa xây dựng di sản Mỹ Sơn hoàn toàn bằng gạch đất nung. Vào giai đoạn này đát nước Miến Điện đã xây dựng rất nhiều chùa bằng gạch đất sét nung tại di sản văn hóa Bagan. Tương tự vào đầu thế kỷ XIII vương quốc Sukhoithai của Thái Lan, vật liệu gạch đất nung được sử dụng xây chùa, cung điện hoặc công trình quan trọng quốc gia.

2023_01_19_12_20_IMG_7748.JPG

Những bảo tháp tại chùa Mahathat Ayutthaya. Photo Samgoshare
Qua thế kỷ XIV vua chọn kinh đô Ayutthaya, cung điện với chùa xưa đều sử dụng loại gach đất nung. Từ đó gạch đất nung trở thành loại vật liệu phổ biến dành cho các công trình mang tầm quốc gia. Ngược lại trước đó vào thế kỷ XII Cambodia xây dựng di sản Angkor Wat hoàn toàn bằng đá. Các nước quanh khu vực như Thái Lan, Cambodia, Miến Điện, Lào và Champa liên tục đánh nhau tranh giành lãnh địa. Tùy theo vua mỗi nước của từng giai đoạn lịch sử mạnh hay yếu mà họ chinh phục được nhiều hay ít lãnh thổ. Chiến tranh liên miên gây các hệ lụy lịch sử đến tận hôm nay.

Vọng âm buồn Ayutthaya

Vé vào tham quan chùa Mahathat giá chỉ 30 Bath. Theo hướng dẫn tôi gặp ngay các bảo tháp bằng gạch nung đã phôi pha theo thời gian. Từng cụm tháp cái đứng, cái nghiêng, cái lụi tàn chỉ còn phế tích. Nhiều tượng Phật bằng đá cũng chịu chung phận số. Có tượng còn đầu, có tượng mất đầu, có tượng ngồi tĩnh toạ uy nghi có tượng nằm mất thủ. Dường như tôi nghe đâu đây tiếng đập phá hoàng cung lẫn chùa chiền hì hục, ảo ảnh lửa cháy ngút trời, xen lẫn với tiếng reo hò thắng trận của năm tháng xa xưa. Đội quân hùng mạnh của Miến Điện năm xưa đã nhiều lần tàn phá hoàng cung Thái, phá luôn các công trình đức tin xung quanh.

ND8_4951.JPG

Tượng Phật không đầu tại chùa Mahathat. Photo Samgoshare
Tôi thả bộ dọc theo con đường mòn nho nhỏ, mỗi góc nhìn đều thấy sự tàn phai ngỡ ngàng. Người ta đang cố gắng gìn giữ những gì còn lại nhất có thể. Từng đoàn khách nước ngoài đang tham quan chùa Mahathat rất đông. Thi thoảng lại gặp khách mặc trang phục truyền thống xinh đẹp độc đáo của nước họ. Đôi khi lạc vào góc vắng chung quanh tĩnh lặng đến bất ngờ. Thong thả dạo bộ chậm rãi ngắm từng bảo tháp ngả nghiêng, tò mò dừng lại xem xét từng viên gạch thẫm màu. Theo thời gian viên còn viên bể, viên tươi sắc viên nhuốm màu phôi pha. Màu cỏ xanh làm nền cho tháp gạch đỏ nổi bật giữa trời chang nắng mênh mang cao vời vợi.

Tôi như lạc vào miền ký ức xa xăm hoàng cung xưa cũ của Thái Lan.

Wat Mahathat nghe những tàn phai

Bất ngờ khi thấy du khách tập trung rất đông trước một cây cổ thụ tán lá xum xê. Hiếu kỳ dấn bước, chợt òa lên hiểu tất cả. Hiện ra một đầu tượng Phật bằng đá quyện nằm trong gốc cây nổi tiếng. Hình ảnh mà tôi đã thấy trên mạng nhiều lần đang hiển hiện trước mắt. Gương mặt đá an nhiên tĩnh lặng đến ngỡ ngàng. Phải chăng trong quá trình quân Miến Điện tàn phá ai đó động lòng trắc ẩn không nở đập vụn đầu tượng nên đặt vào gốc cây. Hai nước xảy ra chiến tranh liên miên người dân đã tạm tránh khu vực nhạy cảm. Vô tình rễ cây cùng tượng Phật nương tựa sinh tồn bên nhau. Nhờ sức sống “cây đời vẫn mãi xanh tươi” đã biến tượng đá vô tri có sức sống kỳ lạ.

2023_01_19_13_00_IMG_7801.JPG

Đầu tượng đá Phật nổi tiếng tại chùa Mahathat Ayutthaya Photo Samgoshare
Người tin vào tâm linh tin vào sự vi diệu Phật pháp vô biên. Tôi ngồi ngay chỗ được chụp hình của du khách lưu chút kỹ niệm. Người Thái làm du lịch thật khéo léo biết khai thác các yếu tố tâm linh. Họ đưa vào mỗi di tích từng câu chuyện thi vị hấp dẫn khách phương xa. Thuở ấy các nước đều tranh giành ảnh hưởng giữa các tôn giáo dù khác biệt hay tương tự. Dù xuất phát chung cùng nền tảng Phật giáo, các quốc gia luôn tranh đấu xâm chiếm cưỡng đoạt lẫn nhau. Thiện tai, tôi lặng người trước hình ảnh tàn phai của nhiều tượng không đầu.

Đời có một ngày dừng chân lắng lòng bên chùa Mahathat tại cố đô Ayutthaya nghe những tàn phai của vọng âm buồn. Màu đỏ của gạch từ đất Mẹ vẫn nhuốm màu năm tháng giữa nhân gian.

Creator Samgoshare Music Một cõi đi về Trịnh Công Sơn Singer Mộc San
 
Thăm chùa Ratchaburana với quá khứ mang đầy đau thương tràn lấp.
Đời có một ngày dừng chân lắng lòng bên chùa Mahathat tại cố đô Ayutthaya nghe những tàn phai của vọng âm buồn. Màu đỏ của gạch từ đất Mẹ vẫn nhuốm màu năm tháng giữa nhân gian”. Kết thúc bài trước tôi đã viết như vậy. Từ chùa Mahathat đến chùa Ratchaburana khá gần đều nằm trên một con đường. Sử dụng xe máy rất linh hoạt cho các di tích nằm gần nhau. Tôi có một ngày thăm chùa Ratchaburana với quá khứ mang đầy đau thương tràn lấp.

Chùa Mahathat cổ kính xây dựng từ năm 1374. Do vua đời thứ ba Borom Rachathirat I bắt đầu xây dựng đến vua đời thứ năm Ramesuan hoàn thành. Chùa Mahathat thể hiện tôn giáo hoàng gia chính thống của vương triều mới tại kinh đô Ayutthaya. Tinh thần từ bi, khoan dung, tha thứ, hòa ái sẻ chia của Phật giáo đã không được các hoàng tử đời sau học tập. Vua Intha Racha cháu trai vua Borom Rachathirat I. Ông làm lãnh chúa khu vực Suphanburi lên ngôi đời thứ sáu của vương quốc Ayutthaya trị vì (1408-1424). Vào năm ông mất, hai hoàng tử lớn tranh giành ngôi vua, thách đấu với nhau trên lưng voi, kết quả cả hai đều chết.

Hoàng tử út Borom Ratchathirat II lên ngôi vua trị vì (1424-1448). Năm 1424 ông bắt đầu xây dựng chùa Ratchaburana trên khu đất hỏa táng hai người anh trai nhằm tưởng nhớ đến họ.

Thăm chùa Ratchaburana tàn phai

Tôi bước vào khuôn viên chùa Ratchaburana, mặt tiền cổng đã đổ nát chỉ còn bức tường trơ gạch. Màu tàn phai của gạch đất nung trơ gan cùng tuế nguyệt. Vài chỗ vá víu cẩu thả, vài chỗ đen đen lẫn rêu phong mà độ dày chồng chất thêm năm tháng. Hình ảnh cổng mái gạch nhọn vươn lên trời cao như đôi bàn tay chấp lại vái giữa đất trời. Thiện tai.

2023_01_19_14_07_IMG_7848.JPG

Cổng chùa Ratchaburana tại Ayutthaya Thái Lan. Photo Samgoshare
Bước tiếp qua cổng, vào trong gặp một ngôi nhà chính khác. Có thể xưa kia là sảnh đường to lớn dành cho nguyện cầu. Nay trơ mái chỉ còn những bức tường gach đỏ cùng các trụ gạch sót lại thấp lè tè trên nền nhà xưa cũ. Xa xa một ngọn tháp cao lớn sừng sững ở trung tâm. Người ta thường hình dung những ngọn tháp cao tượng trưng cho núi Meru trung tâm vũ trụ của Phật giáo. Càng vào bên trong khuôn viên chùa Ratchaburana càng rộng. Nhiều tượng Phật không đầu ngồi đó chỉ còn hình hài sơ khai. Đâu đó quanh đây vẫn còn vài đầu tượng Phật nằm im lìm.

2023_01_19_14_44_IMG_7917.JPG

Sảnh đường chùa Ratchaburana. Photo Samgoshare
Sự phá hủy đổ nát đến điêu tàn của ngôi chùa hiện tại là hình ảnh phản chiếu thoáng qua hình bóng của quá khứ xâm lăng. Đội quân Miến Điện tàn phá hủy hoại thỏa lòng kẻ chiến thắng từ vài thế kỷ trước. Họ đốt các ghi chép, chiếm đoạt các báu vật, phá hoại chùa chiền, hoàng cung và các công trình quan trọng của kinh đô. Họ giết hết gia đình hoàng gia góp phần chấm dứt vương triều huy hoàng Ayutthaya.

Bảo tháp cao nhất

Thật không thể giải thích được thuở trước Miến Điện cũng theo Phật giáo. Họ lại xâm lược đốt phá chùa chiền tại cố đô Ayutthaya. Phải chăng Phật ở Miến Điện được tôn thờ khác với Phật tại Thái Lan nên đang tâm phá hủy?

2023_01_19_14_23_IMG_7886.JPG

Tháp chính của chùa Ratchaburana tại Ayutthaya Thái Lan. Photo Samgoshare
Thong thả vào khám phá tiếp bên trong, xa xa trên bảo tháp cao nhất khu vực nhiều du khách đang tò mò quan sát. Tôi nhìn lên cao khá ngợp vẫn cố gắng treo lên từng bậc cấp mòn. Cuối cùng vẫn lên được trên tháp cao muốn xem bên trong có gì. Những viên đá được sắp xếp xây lên tới nóc cao. Trên tấm bảng cũ treo bên tường lỗ chỗ, vài thông tin cơ bản về chùa Wat Ratchaburana. Đứng từ đây gió lồng lộng nhìn bốn phía thấy được toàn cảnh của chùa. Nỗi buồn càng hiện rõ trên nền cỏ xanh thẳm là tàn tích gạch đỏ còn lại của Wat Ratchaburana. Nó thật sự rộng uy nghiêm lớn chắc chắn đã từng là nơi chốn thiêng liêng của kinh đô Ayutthaya.

Toàn cảnh mất mát điêu tàn của kinh đô Ayutthaya đã mãi mãi thay đổi lịch sử Thái Lan. Mõi chân tôi ngồi nghĩ ngơi, nhìn chùa Ratchaburana ngập nắng mà vương vấn nơi đây những đau thương tràn lấp thoảng qua như con gió xuân trên đất vương quốc Ayutthaya xưa.

Creator Samgoshare Music Ru ta ngậm ngùi – Trịnh Công Sơn Singer Toàn Nguyễn


Edit
 
Chùa Thammikarat nơi người dân thường hằng cầu nguyện
Rời chùa Ratchaburana đau thương tràn lấp tiếp tục lên đường đến thăm quan môt ngôi chùa cổ của vương quốc Ayutthaya. Chùa Thammikarat được xây dựng trước khi vua U Thong Ramathibodi I đầu tiên lập quốc. Nó nằm ngoài phạm vi di sản văn hóa Công viên lịch sử Ayutthaya. Theo lời em nhân viên nhà trọ đã gợi ý, đường đi dễ tìm theo Google Maps. Từ chùa Ratchaburana tàn phai theo năm tháng chạy xe máy hơn một cây số sẽ gặp chùa Thammikarat nơi người dân thường hằng cầu nguyện.
Từ ngoài thong thả dạo bộ vào chùa phải băng qua gian hàng bán vật phẩm cúng. Những cái bàn được phủ vãi vàng, trên đó có hương đèn hoa quả và nhiều hàng khác. Gian hàng được che mái tôn cùng nền gạch tàu loang lỗ như dấu hiệu bình dân của một chùa nghèo. Không hiểu sao trưa hôm ấy trong chùa rất vắng khách du lịch chủ yếu cư dân bản địa.

Nơi cầu nguyện may mắn

Những cậu học sinh vào khấn nguyện xin vượt qua kỳ thi nào đó chăng? Các em gái vào cúi đầu khấn Phật mong được gặp duyên lành có chút bình an trong đời? Vị sư chùa khoác áo cà sa ngồi trên chiếc ghế nhựa mắt nhắm mắt mở. Độ mập mạp của sư ước chừng chiếc ghế phải oằn oại rêm mình. Sư phải chồng hai chiếc ghế nhựa mới chịu nổi trọng lực hấp dẫn của mình. Thi thoảng ông ngủ gà ngủ gật hay biết đâu đang thiền định kiểu Thái mới. Xa xa phía trong chánh điện tượng Phật thân trắng muốt trên vai vắt dãi lụa vàng. Phía trước có vài tượng Phật khác, tranh ảnh hoàng gia cùng các vật phẩm cúng dường. Nội thất trang trí xung quanh đơn giản chỉ tấm thảm đỏ nổi bật dưới chân.

2023_01_19_15_11_IMG_7953.JPG

Tượng Phật trong chùa Thammikarat mới. Photo Samgoshare
Thực tế đây là nơi mới xây dựng làm nơi tu tập sau này, ngôi chùa gốc nằm bên cạnh trầm mặc. Theo tư liệu còn lại chùa Thammikarat ra đời trước khi vua U Thong lập vương quốc Ayutthaya năm 1351. Thuở trước tại đây có khu định cư của người Khmer. họ đã xây dựng một bảo tháp cùng những con sư tử đá bao quanh. Dấu tích ấy vẫn còn lại đến ngày nay, khi vào chùa bên tay trái vẫn đứng đó im lặng bao năm. Sau khi vua U Thong lập quốc biết chốn thiêng liêng đã cho mở rộng và xây dựng thêm. Tư liệu cho biết ông cho xây tượng Phật to lớn đã bị phá hoại theo thời gian chỉ còn lại cái đầu. Hiện người ta phục chế đầu Phật đang nằm phía bên phải trước chùa.

Hoang phế chùa xưa cũ

Qua mấy bậc cấp, bước vào ngôi chùa Thammikarat xưa cũ lúc trưa nắng trắng trời. Chỉ còn lại những bức tường gạch tươi đỏ cùng những cây cột xây cao lêu khêu. Mái nhà trống trơn ở giữa có tượng Phật ngồi trơ trọi. Ngài ngồi đó không biết đã bao năm qua vẫn thản nhiên cô độc thường hằng. Tượng Phật màu đen khoác mảnh cà sa vàng cùng lọng vàng trên đầu. Di tích dẫu tàn phai hư hại theo thời gian mà người dân vẫn một lòng gìn giữ tượng đá Phật. Mỗi ngôi chùa tôi đến khuôn mặt của Ngài đều khác biệt. Ngài lưu lại trên thế gian niềm tin về lòng từ bi, khoan dung, nhân ái của con người. Hình tướng của Ngài mỗi chùa mỗi kiểu, mỗi nước tôn thờ mỗi khác.

2023_01_19_15_25_IMG_7983.JPG

Tượng Phật trong chùa Thammikarat. Photo Samgoshare


2023_01_19_15_21_IMG_7975.JPG

Bảo tháp trước chùa Thammikarat xưa cũ. Photo Samgoshare
Tôi dạo một vòng quanh di tích còn lại của chùa Thammikarat. Khuôn viên chùa rộng rãi, cây cối um tùm im ắng, một tiếng lá rơi có thể nghe được. Bên phải có sảnh Simon với hàng trăm tượng gà trống rất đẹp cũng rất lạ. Chưa hiểu người ta sắp đặt tượng gà quanh một nhân vật quan trọng làm gì? Trưa chang nắng bầy gà nổi bật dưới trời xanh xa cao vời vợi. Phía trước ngôi chùa cũ, bảo tháp (Stupa) gạch quá cũ cùng bầy sư tử đá dở dang. Những con sư tử đá, con còn đầu con không như chứng tích hư hại một thời hoang phế. Người dân bản địa vẫn ngày đêm nguyện cầu bên chùa Thammikarat. Dẫu hoang phế vẫn là nơi chốn thiêng liêng trong tâm tưởng của họ.
(Bạn nào muốn tìm hiểu thêm nhiều vui lòng đọc trang Blog Samgohsrae chấm cơm của tại hạ. Trân trọng )

Creator Samgoshare Music Trăm năm chơi vơi - Thuận Hà Singer Mộc San

 
Last edited:
Bất ngờ gặp chùa Phra Ram đầy ấn tượng tại cố đô Ayutthaya Thái Lan

Đọc trên mạng thấy có chỗ voi chở thuê du khách dạo quanh một khúc phố phường xưa. Chạy vào khu vực ấy, gặp chú voi to lớn đang chở một du khách trên cao. Theo chân voi Thái chụp vài tấm hình lưu niệm lại bất ngờ gặp chùa Phra Ram đầy ấn tượng. Ngôi chùa không nằm trong dự định mà tự nhiên có duyên gặp tham quan. Kinh nghiệm nhiều năm rong chơi tham quan các di tích xưa cũ. Chỗ nào có bán vé hy vọng có cái để xem hơn những nơi miễn phí. Dừng chân gởi xe ngoài cổng vào hỏi có bán vé 20 Bath thấy vui rồi.

2023_01_19_15_47_IMG_8016.JPG

Voi phục vụ du lịch. Photo Samgoshare
Trước khi vào tham quan, tình cờ gặp hai em người Lào. Các em đang chuẩn bị cho công tác lễ hội ngồi ăn trưa. Khi giới thiệu người Việt Nam hai em vui ra mặt, mời thử món xôi Lào với thịt, cá nướng luôn. Ngồi ăn mấy miếng xôi Lào rất ngon ngay giữa trời nắng mà lòng chùng xuống thật ấm áp. Hai đất nước láng giềng thân thiện nên tự nhiên người dân hai nước xa lạ cũng dễ làm quen. Ngồi nghỉ chân một lúc tiếp tục bước vào tham quan chùa Phra Ram.Đúng như tôi dự đoán, mới bước qua cổng chùa đã thấy một khuôn viên rất rộng rãi phóng khoáng.

Vào chùa Phra Ram ấn tượng

Thuở trước vương quốc Ayutthaya đã dành nhiều không gian ở vị trí đẹp xây dựng nơi chốn thiêng liêng của đất nước. Theo biên niên sử đất nước Thái Lan, vua Borommatrailokanat lên ngôi, ông đã xây dựng cung điện tại Wat Phra Sri Sanphet vào năm 1448. Ông đồng thời xây dựng thêm một tu viện tại nơi hỏa táng vua cha Ramathibodi II. Nơi đây trở thành chùa Phra Ram thiêng liêng đầy ấn tượng của vương triều kinh đô. Tiếc rằng đội quân xâm lược Miến Điện tràn qua đã phá hủy gần như tất cả. Lòng thù hận đã phá hoại từ hoàng cung đến chùa chiền tại Ayutthaya vào năm 1767.

2023_01_19_16_03_IMG_8027.JPG

Chùa Phra Ram tai Ayutthaya. Photo Samgoshare
Năm định mệnh đã kết thúc một vương triều huy hoàng nhất trong lịch sử của đất nước Thái Lan. Lạ lùng một điều nằm 1767 tương ứng năm Đinh Hợi nhằm mệnh Thổ. Ốc Thượng Thổ nghĩa là nhà trên mặt đất, thế mà bao nhiều nhà cửa hoàng cung đều trở về tro bụi.

Tôi bước vào chùa Phra Ram thấy từ xa những bảo tháp cao xây bằng gạch. Nhìn tổng thể một màu gạch cũ phủ đầy rêu phong trong toàn khuôn viên chùa. Chùa rất rộng có nhiều lối tham quan cho khách, thi thoảng có hướng dẫn điểm nhấn góc đẹp chụp ảnh. Trưa nắng cây cối quanh vườn xanh um, bãi cỏ xanh làm màu đỏ gạch thêm nổi bật. Ngạc nhiên trước bảo tháp chính cao vút có kiến trúc theo kiểu Linga như Hindu giáo.

Nhìn những tàn phai

Thuở xưa vương quốc Ayutthaya theo Phật giáo người dân một lòng hướng thiện. Tôi chọn cách đi vòng quanh nhằm quan sát tất cả di tích trong này giống như quanh một Stupa. Đường khách tham quan nền lát lại gạch đỏ một cách trùng tu phục vụ du lịch đáng học hỏi. Các bức tường nhỏ có lớn có, nguyên vẹn có, đổ nát có, tất cả tạo nên nét tàn phai riêng có. Ngậm ngùi thêm những bức tượng Phật không đầu hoặc sứt mẻ tay chân, xen lẫn nhiều hình hài to nhỏ không còn nguyên vẹn của Phật. Quân thù Miến Điện lẫn thời gian đã tàn phá “hình tướng giả lập” bằng đá của Ngài. Tuy nhiên không thể giết chết đức tin trong lòng mộ đạo của người dân Thái Lan.

2023_01_19_16_11_IMG_8036.JPG

Chùa Wat Phra Ram tai Ayutthaya. Photo Samgoshare
Vương quốc Ayutthaya có thể suy tàn, các đền đài chùa chiến có thể chỉ còn phế tích. Đúc tin về lòng từ bi, khoan hòa và nhân ái của đạo Phật vẫn mãi trường tồn với thời gian. Ngồi nghĩ ngợi trong không gian trầm mặc lúc xế trưa tại chùa Wat Phra Ram nghe những tàn phai thoáng qua chợt buồn. Phật tại tâm hay ánh sáng chánh pháp của Ngài đã soi rọi vào nơi chốn u minh. Tại sao vùng Đông Nam Á, một thời những người cùng theo đạo Phật lại xâm hại với nhau? Thật lạ, chuyện lại xảy ở các nước gần với quê hương phát tích Nepal, Ấn Độ được thấm thấu giáo lý của Phật sớm nữa chứ. Thật khó lòng giải thích hiện tượng ấy trong một sớm một chiều.

Điều đáng quí còn lại các di tích trong công viên lịch sử Ayutthaya đã được người Thái gìn giữ tươm tất sạch sẽ đàng hoàng.
(Từ blog Samgoshare)

Creator Samgoshare Music Trường Sa Singer Thiên Vũ

 
Thăng trầm lịch sử chùa Phra Si Sanphet

Ban đầu dự định đến chùa Phra Si Sanphet trước. Trên đường gặp voi phục vụ du lịch, theo nó dẫn dắt tình cờ gặp chùa Phra Ram. Khoảnh khắc “xin còn gọi tên nhau” giữa trưa chang nắng trong một ngẫu hứng khó quên. Dạo quanh một vòng chùa Phra Ram, tiếp tục lên đường thăm chùa Phra Si Sanphet lịch sử thăng trầm của vương quốc Ayutthaya. Hai ngôi chùa hoàng gia đặc sắc riêng có nằm khá gần nhau trong vương quốc xưa nên dễ tìm. Không gian xung quanh công viên lịch sử Ayutthya còn nhiều chùa di tích nữa. Tôi không thể tham quan hết được, giá như biết trước sẽ sắp xếp thời gian lưu lại cố đô lâu hơn. Hy vọng sẽ có ngày trở lại đây tiếp tục lang thang bên những di tích tàn phai của vương quốc xưa.

Vài nét cố đô Ayutthaya

Điểm lại vài nét lịch sử, từ thuở ban đầu năm 1350, nhà vua U Thong hay Ramathibodi I khi thành lập vương quốc Ayutthaya đã chọn nơi đây xây dựng cung điện của hoàng gia. Ba tòa nhà bằng gỗ được hoàn thành vào năm 1351. Nhiều đời vua sau xây dựng thêm cung điện và bảo tháp trong khu vực này. Bảo tháp thiêng liêng là nơi chôn cất tro cốt của các nhà vua.

Đặc biệt vào năm 1499 vua Ramathibodi II xây dựng một tượng Phật to lớn. Tượng Phật cao 16 mét nặng khoảng 64 tấn lõi đồng mạ 343 ký lô vàng. Thời đó tượng Phật cao cỡ đó, cực kỳ hoành tráng mang tên Phra Si Sanphetdayan. Đầu tượng Phật còn tồn tại tại bảo tàng rất tiếc không đủ thời gian ghé xem.

2023_01_19_17_34_IMG_8068.JPG

Ba bảo tháp còn lại của chùa Phả Si Sanphet tại Ayutthaya. Photo Samgoshare
Thời kỳ này kinh tế của vương quốc Ayutthaya phát triển hoàng kim rực rỡ. Vua Ramathibodi II đã xây dựng thêm hai bảo tháp và nhà cầu nguyện hoàng gia. Hai bảo tháp dạng Stupa cao lớn, nơi thờ lưu giữ tro cốt cha ông vua Borommatrailokkanat và anh trai vua Borommaracha III. Thời gian sau đó vào năm 1529, vua Borommaracha IV xây dựng thêm một bảo tháp thờ tro cốt cha ông là vua Ramathibodi II.

Nghe những tàn phai

Vị trí này rất đặc biệt khi tôi bước vào gặp bảng có biểu trưng của Unesco công nhận. Không phải ngẫu nhiên mà Unesco chọn đặt biểu trưng cho cả một di sản công viên lịch sử Ayutthaya. Du khách vào tham quan khá đông, ba bảo tháp còn lại sững sững với thời gian. Tiếc răng những công trình công trình của thuở ban đầu đã bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1767 do quân xâm lược Miến Điện. Tượng Phật to lớn ấy bị quân vô đạo đốt chảy lấy vàng đem về nước. Biết đâu các bảo tháp dát vàng ở Myanmar nhờ một phần vàng lấy được từ đây. Liệu Đức Phật từ bi có chứng giám cho “lòng thành bất hảo” của đế quốc xâm lăng?

2023_01_19_16_36_IMG_8058.JPG

Bảng công nhận di sản của Unesco. Photo Samgoshare
Xế chiều lang thang quanh chùa Wat Phra Si Sanphet quá rộng. Tôi băng qua những di tích đổ nát còn lại hình hài những ngôi nhà dang dỡ. Ngồi nghỉ chân dưới hàng cây bên di tích tàn phai nhìn bảo tháp trong chiều buông gió. Tự nhiên nhìn màu đỏ của gạch như màu máu của bao tha nhân đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này.

Ngẫm nghĩ về thuở xa xưa trước triều Konbaung của Myanamar. Một quốc gia hùng mạnh muốn mở rộng lãnh thổ bằng cách xâm chiếm lẫn phá hủy nước khác. Thời của kẻ mạnh hơn không nâng đỡ mà đạp đổ kẻ khác liệu có xứng đáng cường quốc?

Creator Samgoshare Music Phôi Pha Trịnh Công Sơn Singer Mộc San

 
Last edited:
Tượng Phật nằm chùa Lokaya Sutha cố đô Ayutthaya

Trong cơn đam mê khám phá đền chùa tại Thái Lan vẫn đang tiếp diễn. Tôi chạy xe máy đến chùa Lokaya Sutha tại cố đô Ayutthaya. Nơi đây thu hút du khách vì bức tượng Phật nằm to lớn độc đáo. Khi lòng tin với một ai đó đã đạt đến ngưỡng thần thánh, mọi cử chỉ hành động đều trở thành biểu tượng. Tương tự như mọi lời nói của vĩ nhân đều trở thành định nghĩa. Người dân các nước Cambodia, Thái Lan, Lào, Miến Điện, Việt Nam phần lớn theo Phật giáo. Họ đã dành nhiều nơi tôn nghiêm để xây dựng các hình tướng Phật. Hình ảnh Phật ngồi, Phật đứng, Phật nằm làm nền cho sự tôn kính thiêng liêng ấy.

Tượng Phật nằm to lớn

Trời đã về chiều cố gắng chạy xe máy luôn mồ hôi. Đến nơi gặp không gian rộng rãi cùng một tượng Phật nằm to lớn đến không ngờ. Tượng đúc bằng xi măng nằm trên bệ khá cao rất hoàng tráng. Ngài nằm với đôi chân khép chặt, đầu gối lên tay mơ màng trong chiều vắng. Ánh nắng cuối ngày màu hắt vàng vọt lên nữa thân trên của tượng. Vào dịp lễ người ta khoát áo cà sa phủ quanh tượng. Bình thường tượng nằm trơ trọi ngư nguyên sơ thuở nào. Đây đó có vài miếng màu vàng dát mỏng vàng như lời truyền miệng dán lên thân mong được an lành.

2023_01_19_18_08_IMG_8088.JPG

Chùa Lokaya Sutha Ayutthaya . Photo Samgoshare
Tượng Phật nằm tại chùa Lokaya Sutha được xây dựng trong thập niên 50 nên còn nguyên ven. Phía trước tượng có bàn thờ cúng, người dân đến dâng hoa và cúng dường bánh trái. Đôi nam nữ đang thắp hương, tôi cũng cúi đầu mặc niệm phút giây. Nghe đồn chùa tượng này rất linh thiêng, vào dịp lễ hội nhiều người đến cầu nguyện. Thuở trước phía sau tượng có hai ngôi chùa Worapoh và Worachettharam. Rất tiếc hiện nay chỉ còn phế tích với tòa tháp cao xa xa trong khuôn viên rất rộng. Chu vi còn nhiều bức tường màu gạch đỏ phủ đầy rêu phong của phế tích.

Chiều bên Lokaya Sutha

Chiều buông nhìn toàn cảnh chạnh buồn nhuốm màu tê tái trước hoàng hôn. Phải chăng người ta phải xây tượng Phật tại nơi nhuốm màu hoang tàn từ biến loạn chiến tranh với hy vọng xua tan nỗi sầu nhân thế. Có thể trước phế tích không thể phục chế của hai ngôi chùa được xây vào hai thế kỷ trước họ đã làm thêm tượng Phật nằm như muốn ghi dấu chốn thiêng liêng. Phật Thích Ca chỉ có một mà mỗi nước mỗi giai đoạn đều muốn thể hiện lòng thành kính bằng cách xây chùa. Sinh thời Ngài chưa bao giờ muốn xây dựng chùa to lớn mà chỉ mong đem tinh thần giác ngộ lòng bác ái từ bi đến với mọi người.

ND8_5275.JPG

Phế tích tại chùa Lokaya Sutha Ayutthaya. Photo Samgoshare
Tôi ngồi dưới bóng cây đời xanh tươi nghỉ chân nhìn chiều đang trôi dần trước tượng Phật nằm nghĩ ngợi. Đầu Ngài gối lên đóa hoa sen gương mặt sạm đen vì rêu phong quá vãng. Thân hình dài bằng bê tông cũng mang màu đen năm tháng. Lòng bàn chân cũng đen nốt như nét trầm tư của cố đô Autthaya. Khách đến tham quan chùa Lokaya Sutha hoàn toàn miễn phí. Tượng Phật nằm dài khoảng 30 mét, so ra chưa lớn bằng tượng xứ Việt. Tượng Phật nằm to lớn tại chùa trên núi Tà Cú Bình Thuận dài đến 49 mét. Biết vậy mà tôi chưa đến viếng nơi này. Hiện đang thời Mạt Pháp, nhiều tổ chức tại xứ Việt nhân danh Phật xây nhiều chùa ” du lịch” chủ yếu nhằm khoa trương sự hoành tráng và tư lợi tiền bá tánh. Thiện tai !
 
hoàng hôn đền Chaiwatthanaram Ayutthaya bãng lãng

Những tưởng loanh quanh qua các di tích đền chùa tại cố đô Ayutthaya đã quá đủ. Trời đã về chiều tôi cố gắng chạy xe máy đến cho kịp đón hoàng hôn đền Chaiwatthanaram bãng lãng. Một cách tận dụng tối đa sức lực cho hết ngày tại mảnh đất cố đô. Giá như được ở tại Ayutthya khoảng một tuần sẽ hay biết bao. Vùng đất cố đô của bất kỳ nước nào đều luôn tiềm ẩn những giá trị khác biệt. Từ con người, di tích đến văn hóa, ẩm thực thậm chí cả ngôn ngữ cũng có nét riêng. Không ngờ phút cuối tại cố đô Ayutthya lại được ngắm một tác phẩm kiến trúc đẹp như cổ tích.

2023_01_19_19_28_IMG_8168.JPG

Đền Chaiwatthanaram tại Ayutthaya Thái Lan. Photo Samgshare

Vài nét đền Chaiwatthanaram

Đền Chaiwatthanaram dọc theo con sông Chao Phraya nằm ở phía Tây Ayutthaya. Lúc mới đến cô gái nhà trọ đã giới thiệu chuyến đi thuyền trên sông Chao Phraya ngắm hoàng hôn là đây. Dọc theo con sông còn có nhiều di tích khác nhưng nổi bật nhất là đền Chaiwatthanaram. Từ ngoài nhìn vào đã thấy một khuôn viên chùa rộng lớn với nhiều tháp gạch. Đền có bán vé vào cửa dành cho người nước ngoài vị chi 30 Bath Thái. Thông tin mở cửa từ 8 giờ sáng đến 18 giờ chiều.

resized_2023_01_19_18_42_IMG_8119.JPG

Toàn cảnh đền Chaiwatthanaram tại Ayutthaya. Photo Samgoshare
Theo dòng lịch sử, vào năm 1630 vua Prasat Thong ra lệnh xây dựng đền Chaiwatthanaram. Kiến trúc đền mang nhiều nét tương đồng với di sản Angkor Wat tại Cambodia. Tôi không ngờ cuối ngày lại gặp ngôi đền to lớn hoành tráng đẹp đến ngỡ ngàng. Ngọn tháp to lớn ở giữa cùng nhiều tháp nhỏ xung quanh tạo nên một tổng thể rất đẹp. Thong thả từng bước theo con đường gạch nhỏ loanh quanh trong khuôn viên đền rộng lớn. Bất ngờ nó các tháp còn khá nguyên vẹn sau cuộc chiến tương tàn với Miến Điện năm 1767. Những gì còn lại ngày hôm nay phản ánh cố đô Ayutthaya đã từng có lịch sử huy hoàng.

Hoàng hôn bãng lãng

Càng vào sâu bên trong càng ngạc nhiên, nhiều khách ngồi chờ ngắm hoàng hôn. Đôi vợ chồng già còn canh chân máy chụp cảnh đền. Phía trước đường nhựa, phía sau dòng sông Chao Phraya đang chảy yên bình. Trên sông vài thuyền du lịch đưa khách chờ đón hoàng hôn. Rong chơi phiêu du xứ lạ nghĩ cũng vui. Hôm qua trong Central World không biết chi bên ngoài, hôm nay lại đón ánh mặt trời đang lặn đâu đó. Càng về chiều khách đến càng đông mà trời vẫn còn sáng quạch. Tình cờ quay phim thấy lại ba em Tây xinh đẹp trên tàu hỏa từ Bangkok lang thang vào đây, định mệnh khó thoát. Chiều tối gặp chàng hướng dẫn đưa các gái Hàn đón hoàng hôn bảo chờ chút nữa sẽ có cảnh đẹp.

2023_01_19_19_24_IMG_8166.JPG

Các em gái Hàn tại đền Chaiwatthanaram Ayutthaya. Photo Samgoshare
Ngôi đền Chaiwatthanaram có góc nhìn đẹp nhất từ phía dưới sông lên. Ngồi chờ hoàng hôn buông xuống ánh đèn bật lên hắt ánh sáng vàng vọt hợp với màu gạch đỏ. Cảnh quan đêm đen tối sầm lại, đây đó hình ảnh các tháp nhập nhoạng trong bóng tối mang cảm giác cô liêu đến lạ. Các em Hàn tranh thủ chụp ảnh góc nhìn toàn cảnh ngôi đền. Ánh đèn vàng pha thêm chút sáng mờ của hoàng hôn còn sót lại, tạo không gian bàng bạc một màu u tịch. Thoáng chốc đêm đen ngập về đột ngột, vài du khách nán lại, bảo vệ đền ra nhắc nhở. Tôi lửng thửng ra ngoài gặp đoàn khách đến trễ phải đứng ngoài nhìn vào. Trên đường về gặp chợ đêm ẩm thực thú vị.

Creator Samgoshare Music Giấc Miên Đời – Thuận Hà Singer Mộc San
 
Tình cờ gặp chợ đêm ẩm thực Ayutthaya Thái Lan.
Trên đường về lại khách sạn, tình cờ gặp chợ đêm ẩm thực Ayutthaya Thái Lan. Từ xa ngạc nhiên thấy ánh điện sáng trưng một khu vực rộng lớn. Vài con đường quanh khuôn viên lịch sử có di tích được chọn làm chợ đêm ẩm thực. Ban ngày toàn khu là di tích ban đêm chào đón du khách ngay trên không gian xưa cũ đem lại cảm giác khá lạ. Một cách tận dụng di tích hiệu quả hợp lý nhưng phải quản lý cực kỳ khéo léo và khoa học.

2023_01_19_20_59_IMG_8204.JPG

Món ăn côn trùng chợ đêm ẩm thực Ayutthaya. Photo Samgoshare

Chợ đêm Ayutthaya

Sau một ngày miệt mài tham quan các đền chùa tại cố đô Ayutthaya. Tôi như kẻ buồn ngủ gặp chiếu manh giữa dòng đời đang dần quên lãng. Một ngày miệt mài bữa trưa ăn nhẹ, đang đói sà vào chợ đêm tìm quán ăn tối. Con đường đông đúc nhộn nhịp khách du lịch dạo chơi mua hàng lưu miệm lẫn ăn uống. Các gian hàng dựng lên bằng vật liệu tạm như nhà kính lắp ráp che bạt ni lông. Bàn ghế cũng gọn gàng dễ thu xếp vào ban ngày. Hàng bán thức ăn rất nhiều bên cạnh các hàng bán quà lưu niệm mỹ nghệ, quần áo tùm lum tá lả.

2023_01_19_20_45_IMG_8199.JPG

Đường phố chợ đêm ẩm thực Ayutthaya. Photo Samgoshare
Cố đô Ayutthaya của Thái Lan giới thiệu văn hóa ẩm thực vùng đất rất đặc biệt có 400 năm dựng xây phát triển. Người dân Thái quanh vùng lẫn khách du lịch tứ xứ càng về đêm càng đông vui. Đối với kẻ mới đến như tôi, món ăn nào cũng lạ cũng mới, tìm vào một quán bất kỳ thưởng thức. Sáng có đem theo lon bia Chang mua từ trên Center World ở Bangkok. Từ sáng đến giờ tham quan nhiều chùa nên chưa thể khui được. Nay luôn tiện khui uống với món ăn Thái tại chợ đêm ẩm thực cố đô. Tự cười thầm, bia mua tận Bangkok chưa kịp uống thử, đem về dùng với món ăn dân gian tận cố đô Ayutthaya.

“Ko Teo múa” đêm Ayutthaya

Vào quán tôi chọn món ăn truyền thống như kiểu mì nước. Chọn luôn từ thực đơn một món ăn có hai loại thử cho biết có gì khác không? Hỏi tên món ăn tạm phiên âm Việt “Ko Teo múa – Ko teo nứa”. Đứng quan sát vài cái nồi nước dùng to đùng khói bốc lên nghi nghút. Em gái đứng bán nhanh nhẹn múc theo yêu cầu của khách. Ngồi chờ trên bộ bàn ghế tre xinh xắn chờ đợi. Họ nhanh chóng đem một tô có sợi như mì với thịt heo, vài miếng như chả bò viên. Tôi thử nếm chút nước dùng, gia vị nêm nếm của xứ Thái nhẹ hơn không đậm đà như người miền Trung. Nhẹ nhàng khui lon bia Chang nhấm nháp với “mồi” trong tô thức ăn khá ngon miệng.

2023_01_19_20_32_IMG_8194.JPG

Bia Chang và bữa tối Ayutthaya. Photo Samgoshare
Sau khi mần hai tô mì Thái, nghỉ chân đôi chút, tiếp tục loanh quanh tìm hiểu các gian hàng khác nữa. Chợ đêm tại cố đô Ayutthaya nhộn nhịp đông như một lễ hội ẩm thực. Các gian hàng bán nhiều loại hàng hóa rất phong phú. Nhiều người dân bản xứ đứng mua quanh các rổ côn trùng chiên nằm sắp lớp. Không ngờ người Thái thưởng thức các loại côn trùng như người Cambodia. Các mâm côn trùng như dế to nhỏ, con nhộng ong vàng nghệ, cà cuống vàng sẫm nhìn không quen cũng ớn. Thói quen ăn côn trùng chưa phổ biến với người Việt. Tôi dạo dọc theo con đường chợ đêm còn có rất nhiều món ăn thú vị khác. Tối về viết nhật ký.
 

Mua ve xe đò và đổi tiền du lịch tại Sài Gòn
Qua mấy ngày tìm hiểu trên mạng vé xe đò tuyến Cambodia,Thái Lan và chuyện đổi tiền Riel và Bath. Sài Gòn nhờ giao thương rộng rãi nên nhiều loại tiền cần đổi luôn có. Theo nguyên tắc rong chơi chuẩn bị được nhiêu hay bấy nhiêu. Công tác chuẩn bị cho hành trình dồn dập với công việc cuối năm chưa thể dứt. Tôi tìm nơi mua vé xe đò và đổi tiền tại Sài Gòn. Ban đầu tính đi gường năm qua Phnom Pênh, bất ngờ Sài Gòn có lệnh cấm xe loại này vào nội đô giờ cao điểm có hiệu lục từ ngày 10 tháng 1.
Mua vé xe đò
Tại Sài Gòn phố Phạm Ngũ Lão nơi xuất phát nhiều tuyến xe đi Campuchia vì có khu phố Tây balo Bùi Viện. Đành thuận theo sự bất ngờ chọn lại nơi xuất phát đơn giản. Tranh thủ đến công ty Thái Dương tại 302 Cộng Hòa mua vé. Gặp em nhân viên bán vé hỏi thăm tình hình, dù đã điện thoại trước đó một ngày nhưng vé bán liên tục không thể giữ. Giờ xuất phát lùi lại 8h30 thay vì 7h như dự định. Luôn tiện mua thêm tuyến từ Phnom Penh đi Siem Reap. Chưa hết có bán vé từ Siem Reap qua BangKok luôn nữa hay.

View attachment 192799
Mua vé xe đò đi Cambodia. Photo Samgoshare
Tuy nhiên chỉ mua trước hai chặng vì phải sắp xếp lại số ngày ở lại Siem Reap. Tạm xong chuyện vé qua chuyện đổi tiền. Đổi tiền USD và tiền Bath tương đối dễ vào tiệm quen tại chợ Tân Bình là xong. Riêng tiền Riel hơi khó vì không thông dụng. Trưa ấy chạy ra tiệm Kim Mai ở Cống Quỳnh thấy thiên hạ đổi kính thưa các loại tiền. Họ bận rộn đến độ chỉ sử dụng đếm tiền mặt thành loại tiền muốn đổi. Vét được vài trăm nghìn Riel cũng tạm êm qua bên này tính tiếp. Trong giao dịch hàng ngày, Cambodia sử dụng hai loại tiền đồng thời đô la Mỹ và Riel bản xứ.
Chạy sấp mặt chuẩn bị
Ngày cuối chốt luôn ở lại Siem Reap ba đêm nên phải thay đổi cập nhật trên Booking lại bằng cách dời lui một ngày. Ban đầu tính đi sáng 16 biết đâu xem được trận chung kết bóng đá. Cảm giác cập rập không thư thả nên dời lui một ngày. Chốt luôn mua vé xe đò từ Siem Reap qua Bangkok của hãng Gian trên trang 123go.asia. Giá khá chát hơn một triệu hai gồm thêm phí bảo hiểm (mua hay không tùy mình), ủng hộ tình nguyện viên tại Ukraine (chuyện nên làm) và thuế.

Tóm lại vé xe đò đã mua từ Sài Gòn qua đến Bangkok. Từ Bangkok đi tiếp bằng tàu hỏa qua Thái mua trực tiếp. Phòng đã đặt đến Ayutthaya còn các chặng tiếp chưa có thời gian đặt. Ngày cuối chiếc máy ảnh trở chứng đem ra tiệm sửa. Mua thêm pin máy ảnh, máy quay và balo cỡ vừa cho chuyến tung tăng. Mang theo đồ gọn nhất có thể vẫn đầy một valy nhỏ và balo. Balo dành cho trong ngày mang theo đựng đồ linh tinh.

Tôi ngồi viết những dòng chữ trong nắng sớm đang lên tại Nangkol Village ở Phnôm Pênh. Trước đó cơn mưa sáng tại thủ đô đến nhẹ nhàng làm buồn bước chân phượt thủ. Rong chơi mà may nhờ rủi chịu nắng mưa là chuyện của trời. Chuyến phiêu du này có mang theo máy tính thử cách vừa đi vừa cảm nhận chia sẻ xem sao. Samgosh
 
Ghé chùa Phanan Choeng Worawihan tại cố đô Ayutthaya.
Sáng ấy nhầm đường, chạy xe vòng lại tìm đúng hướng như chỉ dẫn của Google Maps. Cuối cùng đến chùa Phanan Choeng Worawihan tại cố đô Ayutthaya. Ngôi chùa có khuôn viên rộng rãi, sáng sớm ngủ yên êm đềm yên tĩnh. Vào chùa viếng thấy có vài người quét dọn vệ sinh. Chùa vắng đến ngỡ ngàng vì viếng vào lúc thiên hạ chưa dậy ấy mà. Muốn tham quan cho hết kinh đô Phật giáo xưa Ayutthya phải hết cả tuần.

2023_01_20_07_51_IMG_8271.JPG

Dãy đèn cầy chùa Phanan Choeng Worawihan. Photo Samgoshare

Xứ sở Phật giáo

Rong ruổi qua các di sản lịch sử gắn liền nhiều đền chùa tại cố đô Ayutthaya. Tôi tạm chia thành hai loại theo cách cảm nhận riêng. Thứ nhất di tích chùa cổ dành quảng bá cho khách tham quan du lịch tìm hiểu về cố đô, không có người tu hành. Mức độ phổ biến lan tỏa nhờ các phượt thủ khắp nơi đến tìm hiểu về lịch sử Thái Lan. Tôi gọi dạng này như “chùa chết” vì không có nhà sư ở, nhà nước luôn tu bổ gìn giữ dành mục đích du lịch khảo cổ. Loại thứ hai di tích chùa có người tu hành làm Phật sự đang hoạt động. Tu sỹ vẫn tổ chức thuyết pháp cùng người dân đến sinh hoạt cúng bái thăm viếng. Tôi gọi dạng này “chùa sống” luôn hội nhập phát triển cùng người dân.

2023_01_20_08_01_IMG_8283.JPG

Chùa Phanan Choeng Worawihan tại Ayutthaya. Photo Samgoshare
Chùa Phanan Choeng Worawihan thuộc loại thứ hai, rất nổi tiếng với người dân bản xứ vì sự thiêng liêng của nó. Dấu ấn chùa mang đậm bản sắc truyền thống từ xưa đến nay. Chùa được xây dựng vào năm 1324 trước khi kinh đô Ayutthaya được thành lập vào năm 1351. Tương truyền ban đầu ngôi chùa do những người Trung Quốc tị nạn thời nhà Tống xây dựng. Như người Việt xây chùa trên đất Mỹ, vài trăm năm sau sẽ trở thành di tích. Đồng thời chùa nổi tiếng bởi sở hữu tượng Phật mạ vàng không lồ cao đến 19 mét. Tiếc rằng sáng ấy đến quá sớm, tòa nhà cao nhất chính điện chưa mở cửa nên không thể diện kiến với Ngài. Chia tay sớm Ayutthaya cũng đành chấp nhận.

Chùa Phanan Choeng Worawihan

Chầm chậm thả đôi chân trần mát lạnh trên nền gỗ vẹt mòn, nhuốm màu thời gian bao lữ khách ghé qua. Tôi dạo loanh quanh khuôn viên chùa, ngắm nghía từng bức tượng điêu khắc rất có hồn. Các cột gỗ to lớn, họa tiết trang trí quanh chùa rất phong phú. Những cây đèn sáp to như cột nhà đứng bên nhau thành một dãy. Họ thắp đèn sáp như vậy một tháng cũng chưa tắt. Ngôi chùa này nổi tiếng hon tất cả đều nhờ sự tiếp nối truyền thừa của Phật giáo Theravada. Chạnh nghĩ đến chùa của hoàng gia Mahathat, hết vua chùa tan hoang. Riêng chùa của người dân dù trải qua qua biến động của thời cuộc vẫn tồn tại.

2023_01_20_07_53_IMG_8274.JPG

Sáng sớm chùa Phanan Choeng Worawihan. Photo Samgoshare
Mới hay rằng niềm tin về tôn giáo được nhân dân nuôi dưỡng tốt hơn bất kỳ một vương triều nào.

Ngôi chùa Phanan Choeng Worawihan đã và đang tồn tại bảy thế kỷ cùng với người dân Ayutthaya. Người cố đô ở nước nào đều luôn gìn giữ nề nếp cơ bản như thường lễ Phật. Đội quân Miến Điện phá hoại toàn bộ thành quách, chùa chiền lẫn vương triều Ayutthaya vào năm 1767. Tôi đứng ngoài cửa nhìn vào trong mờ ảo để hình dung về một giai thoại đặc sắc. Trước khi vương triều bị tàn phá “nước mắt chảy từ đôi mắt của tượng Phật to lớn ấy”. Tượng như dự báo được tai họa quốc gia, từ đó người Thái rất tôn kính ngôi chùa thiêng liêng này.

Creator Samgoshare Music Romance d’ amour Guitarist Phương Thảo

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,818
Bài viết
1,170,750
Members
191,549
Latest member
388bettcom
Back
Top