What's new

[Chia sẻ] Tân Cương - Em là tháng 4 của trần gian

Đợt này đi Tân Cương hơn chục ngày, mục tiêu đầu là đi săn hoa. Nhưng mà hoa thì như cánh bướm, phấp phới chập chờn thế thôi chứ chộp được vào tay phải xem vận khí. Cuối cùng thành ra đi hấp thụ sinh khí đất trời núi non là chính. Road trip từ Bắc xuống Nam, 1 ngày di chuyển có thể trải nghiệm 4 loại thời tiết khác nhau: sáng trời đổ bão tuyết mới phụ bác tài đi đổ xăng dùng cho mùa đông xong vào trưa đã bão cát mịt mù, đến chiều mưa to, tối lại về khách sạn nằm co ro :)

Tân Cương là khu tự trị diện tích lớn nằm ở phía Tây Trung Quốc, giáp ranh với nhiều nước láng giềng như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Mông Cổ. Là vùng đệm kết nối Trung Quốc với lục địa Á Âu, từng đi vào lịch sử như 1 phần của con đường tơ lụa nổi tiếng. Còn có 1 tên gọi khác mà các bạn hay coi phim chưởng vẫn gọi là Tây Vực.


Tân Cương nổi tiếng với dãy núi Thiên Sơn, là sơn mạch dài rong ruổi chia địa lý TC làm 2 ngả với điều kiện tự nhiên, thời tiết và văn hoá hoàn toàn khác nhau. Phía Bắc Thiên Sơn hay gọi là Bắc Cương có núi non hùng vĩ, thảo nguyên bạt ngàn cùng văn hoá thảo nguyên còn Nam Cương nổi tiếng với bồn địa, sa mạc, văn hoá nông nghiệp và Karakoram Highway.

tumblr_ote7pb5QOu1r8957so3_1280.jpg


Tân Cương phong cảnh hữu tình 4 mùa mỗi mùa 1 vẻ nên đến thời điểm nào cũng cảm thấy được cái đẹp riêng của. Tuy nhiên thấy mọi người vẫn hay ưu ái đi Bắc Cương vào mùa thu để thấy sắc thu ở hồ Kanas, làng Hemu … hoặc vào mùa hè để coi hoa nở bát ngát thảo nguyên Nalati … Tháng 4 lúc mình đi là thời điểm cuối đông chớm xuân. Khắp nơi vẫn là băng tuyết chuẩn bị tan nhưng là thời điểm hoa mơ đã bắt đầu nở. Di chuyển xuyên suốt từ Bắc Cương xuống Nam Cương nên thấy rõ biến đổi và chuyển mình trong địa thế, phong cảnh của cả miền đất nói chung, nhân dịp này ngồi kể ít chuyện tào lao bí đao với mọi người.

I. Bắc Cương

“Thanh minh lất phất mưa phùn
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
Hỏi thăm quán rượu đâu à?
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.”

Hạnh hoa đâu phải chỉ có ở Giang Nam :)

tumblr_ote7pb5QOu1r8957so2_1280.jpg


Hạnh hoa là từ nguyên Hán Việt, dịch sang tiếng việt chính xác là hoa mơ chứ không phải hoa mai như một số bài báo ở vn viết.

Hoa mơ nở ngắn ngày, chỉ khoảng chục ngày là cánh hoa đã bay về với đất rồi. Thời điểm nở hàng năm cũng khác nhau, trời ấm thì hoa nở sớm, dao động thời điểm mỗi năm cũng khá lớn. Trường hợp hoa mơ thì ko phải lúc bung xoà nở rộ nhất mới là lúc coi hoa đẹp nhất. Vì lúc ngậm nụ và mới nở thì cánh hoa sẽ hồng, lúc mãn khai bắt đầu phớt hồng dần và chuyển trắng. Vậy nên cảnh đẹp nhất là lúc chúm chím chỗ hồng chỗ trắng e thẹn bung xoè trên đồi cỏ xanh với background là núi tuyết hùng vĩ như ở Thung lũng hoa mơ Yili là khu thưởng hoa mơ nổi tiếng nhất ở Tân Cương. Vào mùa thì ko thiếu chỗ để nhìn thấy hoa mơ, 1 số thành phố ở Tân Cương như Kashgar đều trồng mơ làm cây ven đường, ngó đầu qua cửa xe oto là cũng thấy ko thiếu. Tuy nhiên tập trung và đẹp nhất thì có 3 địa điểm: 1 là Toksun (托克逊) ở Turpan, 2 điểm còn lại đều ở Ili là Tu'ergenxiang (吐尔根乡), Xinyuan và Daxigouxiang (霍城大西沟), Huocheng (chính là Hạnh hoa câu mà mọi người vẫn hay thấy hình chụp ảo tung chảo trên báo chí).

Mơ ở Turpan nở sớm nhất để đón mùa xuân. Mỗi năm vào dịp này đều tổ chức Lễ hội nên nếu chịu khó để ý báo chí thì sẽ biết lễ hội tổ chức ngày nào để biết thời điểm đẹp nhất để đi xem là lúc nào (trung bình như mọi năm là khoảng ngày 20/3). Turpan cũng ở gần thủ phủ Urumqi nhất cũng là địa điểm mà mọi người đáp máy bay đầu tiên khi đặt chân tới TC nên sẽ tiện đi lại hơn. Còn 2 đồi hoa mơ thấp thoáng uốn lượn ở Yili thì đi lại sẽ cực hơn. Đồi ở Tu'ergenxiang sẽ nở trước khoảng thượng tuần cho đến trung tuần tháng 4, đồi ở Daxigouxiang nở muộn hơn khoảng hạ tuần tháng 4 mới bắt đầu e ấp nở nụ. Về trung bình thì cơ bản là vậy nhưng vì khí hậu mỗi năm mỗi khác nên để đi săn được hoa đồi vẫn cần phải có sự may mắn. Vd như năm nay năm nhuận thiên hạ dự tính là hoa sẽ nở sớm nên đoàn mình chuyển lịch đi sớm vào cuối tháng 3, ko ai ngờ là mấy ngày trước đó thời tiết vẫn lạnh, hoa nở ko nổi đến chỉ gặp đồi củi TT. Năm nay hoa nở trễ hơn hẳn so với mọi năm, đến giữa tháng 4 mới hé nụ. Ảnh hưởng bởi ko khí lạnh nên là thảo nguyên cũng thành màu vàng khè. Nên để chắc lép thì tốt nhất vẫn phải là ko được lên plan quá sớm, chờ liên lạc từ người ở bên đó (cục du lịch nằm vùng bên đó có sdt cho liên lạc để hỏi han về tình trạng nở) rồi hẵng quyết định lên đường.

Còn về khung cảnh đồi hoa thì ko cần phải miêu tả nhiều, nhìn chỉ muốn ngất TT. Đồi hoa nằm trong khu thắng cảnh được khoanh vùng nên vào phải mất phí, bt là khoảng 50 tệ (ngày cao điểm có thể tăng hơn?). Mua vé vào cửa xong sẽ phải đi 1 đoạn mới lên được trên đồi, có thể lựa chọn đi bộ hoặc ngồi xe chở tới (10 tệ cả đi lẫn về, xe chạy có xíu à), hoặc có thể lựa chọn cưỡi ngựa để đi lên hoặc đi xuống.

tumblr_ote7pb5QOu1r8957so4_1280.jpg

Thung lũng Y Lê.
 
Last edited:
Địa điểm đầu tiên mà mọi người đặt chân đến khi tới Tân Cương là thủ phủ Urumchi. Là trung tâm lịch sử, văn hoá, chính trị và nút giao thông quan trọng của TC nhưng đa phần mọi người chỉ đến đây để trung chuyển đi tới điểm khác chứ ko ở lại qúa lâu. Là nồi lẩu thập cẩm của văn hoá Trung Nguyên, văn minh Ấn Độ, Hy Lạp …giao thoa về 1 mối, Tân Cương mang màu sắc Trung Á hơn hẳn so với những nơi văn hoá Hán đồng đều tại các thành phố khác tại Trung Quốc.

IMG_2058_zpsxlf7wjnc.jpg

Thung lũng Y Lê.

Nổi bật nhất là các khu Bazaar vd như Grand Bazaar, Erdaoqiao Bazaar (Nhị Đạo Kiều) … trong quảng trường bao quanh bởi những toà nhà kiến trúc Trung Á đặc biệt buôn bán ko thiếu 1 thứ gì như hạt, hoa quả khô, thảm, đồ thủ công … Mặc dù ko được rộng rãi và đặc sắc như bazaar ở Thổ nhưng cũng có phong vị rất riêng. Tuy nhiên có cái cần phải chú ý là Bazaar đóng cửa khá sớm, hình như đến tầm 6,7h là đóng cửa lùa khách ra ngoài hết trơn rồi. Nếu có ý định mua sắm và thăm quan nên nhớ đi sớm sớm nhe.

Điểm đặc sắc thứ 2 mà mọi người khi tới Tân Cương bao giờ cũng đến đó là Thiên Sơn Thiên Trì cách đó khoảng 50 km. Thiên Trì là hồ trên núi nằm ở phía bắc dãy Bogeda thuộc sơn mạch Thiên Sơn. Hồ bán nguyệt này nổi tiếng vì nước xanh như ngọc, lại được núi non trập trùng ôm lấy xung quanh nên vẫn được ví là hòn ngọc của Thiên Sơn. Vé vào cửa Thiên Trì thuộc dạng mắc, nhiều người có ý kiến cho là chẳng cần vô Thiên Trì làm gì, quanh quanh trên đường TC ko thiếu gì những hồ như vậy mà còn free. Tuy nhiên cái này mình cũng ko comment được gì nhiều vì hồ trên núi cao nên thời tiết nhiều biến động, mưa mù tý thôi là nhiều khi giơ tay chưa chắc đã nhìn thấy 5 ngón rồi. Với cả đầu xuân thì băng vẫn đóng dày, đến là chỉ nhìn thấy băng với tuyết thôi.

tumblr_ote7pb5QOu1r8957so10_r1_1280.jpg

Lên cao xíu là băng tuyết hết vầy nè :(

Từ Urumqui bọn mình còn có đi Turpan, cũng là 1 chốt quan trọng của Con đường tơ lụa năm nào và còn nổi tiếng bởi dãy Hoả Diệm Sơn từng xuất hiện trong Tây Du Ký. Turpan là thung lũng lòng chảo thấp nhất so với mực nước biển. Khí hậu bồn địa nóng và khô thích hợp với trồng nho nên nho Turpan ngọt nổi tiếng. Trên đường đi sẽ bắt gặp rất nhiều những nhà phơi nho như thế này, kiểu nhà mái bằng với các cột như đan rổ để dễ thông khí, thế nên là mua nho Turpan luôn đảm bảo được khuyến mại thêm mấy gr cát. Nhưng nếu muốn đi thăm vườn nho thì cũng phải chờ đến tầm trước sau tháng 8 mới là mùa thu hoạch. Tháng 4 đến nơi thì chỉ thấy gốc nho chỏng chơ với nhà phơi nho trống hoắc thui.

IMG_2051_zpszgl9urgk.jpg

Trên đường đi tới Turpan

Turpan còn có thành cổ Giao Hà và một số di tích lịch sử ngoài trời khác từ thời Con đường tơ lựa, ai mà thích lịch sử, khảo cổ thì chắc thích mê.

Từ Turpan trở về Urumqi rồi có xuất phát tới Hồ Sayram. Hồ Sayram đông tàn xuân chớm, băng vẫn đóng dày cả mảng. Nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu trắng xoá. Mùa vẫn lạnh này hầu như ko có khách du lịch, đi cả 1 đoạn đường dài loáng thoáng chỉ thấy 1 vài chiếc xe con. Hình ảnh đồng cỏ mơn mởn với background trời xanh mây trắng nước hồ xanh ngọc bích chắc phải chờ vài tháng nữa mới có, giờ các bạn ý bị băng đóng ráo trọi rồi. Gần hồ Sayram có cầu Guozi gou nổi tiếng, dong dong uốn lượn hình chữ S. Cầu mở cửa hồi 2011, cao phải tới 200m so với mặt đất. Bác lái xe nhà mình có vẻ rất tâm đắc, nhìn thấy cái cầu là lùa cả bọn xuống rồi cầm con Canon chụp hình muốn cháy máy. Mình mù kiến trúc nên cũng ko comment gì thêm.

IMG_2163_zpsvgslbwht.jpg

Cầu Hoa Quả Câu nha :)).

Lượn hồ xong là bắt đầu đi dọc Thiên Sơn, di chuyển về hướng thảo nguyên Yili để coi hoa mơ như có trình bày ở trên và đi về phía thảo nguyên Bayanbulak để chuẩn bị cho leg Nam Cương phía sau.
 
II. Nam Cương

Từ Yili đi xuống Kashgar đi chiếc tàu hoả xanh xanh. Lên xe lúc tối muộn, trèo lên giường tầng nằm nghe tiếng bánh xe quay vòng lạch xạch lạch xạch rồi ngủ lúc nào ko biết. 7h nằm tàu hoả, mở mắt dậy trong tiếng âm thanh xí xào hành khách trò chuyện, bố mẹ cho con mặc quần áo, mọi ngừoi sột soạt ăn sáng uống nước ở hành lang xe, những bạn sinh viên ngồi tán phét, những cô chú người làm công ở tỉnh xa, mỗi người 1 tiết tấu cuộc sống nhưng theo tiếng xình xịch của chiếc tàu, tâm tình như cũng bình lại khoan thai đi hẳn. Khoang xe nhỏ, hành khách đông, ko khí ấm cúng và náo nhiệt kiểu tông trầm. So với mấy loại tàu siêu tốc, cảm giác đi tàu chậm thật là tuyệt vời!

tumblr_ote7pb5QOu1r8957so1_1280.jpg

Đường xuống Nam Cương.

Khác với những thành phố khác ở Tân Cương số lượng người Hán vẫn áp đảo, ở Kashgar vẫn có nhiều người tộc Uyghur - Ngô Duy Nhĩ. Người Ngô Duy Nhĩ mang nhiều nét phương tây, mũi cao, mắt to, da trắng. Phụ nữ thương đội khăn nhiều màu sắc phủ kín tóc, mặc những chiếc váy dài và mang nhiều trang sức. Đàn ông thì hay để râu, đội nón.
Film The kite runner nghe bảo được quay tại chính đường phố Kashgar. Mặc dù truyền kỳ lịch sử film chuyển thể, chỉ độc khung xương mà ko máu thịt, ko gây được tiếng vang lớn nhưng cảnh sắc Kashgar xuất hiện trong film nhiều và đẹp.

tumblr_ote7pb5QOu1r8957so9_1280.jpg


Đọc thông tin thấy mọi người vẫn cứ nói Old Town Kashgar ko còn được như xưa, mất dáng vóc ko còn là thành phố cổ khiến người ta khắc khoải hoài niệm nữa. Nhưng với người tới lần đầu tiên như mình thì vẫn rất đẹp và ấn tượng. Khu phố cổ được quây lại khá lớn, có nhà thờ Hồi giáo, nhà cửa theo kiểu Tây phương nhưng trên núm cửa vẫn thấy hình phù điêu kiểu TQ, giao thoa đông tây lẫn lộn trong rất đặc biệt. Nhà cửa đa phần đều có màu vàng đất, ko biết có phải là để tưởng niệm lại màu sắc của con đường tơ lụa năm xưa ko (Con đường tơ lụa từ nội địa Trung Quốc đại lục Tây An, Lan Châu đến Đôn Hoàng bắt đầu rẽ làm 3 nhánh: nhánh phía Tây đi tới Urumqi, tới Yining rồi đổ về lục địa Âu. Nhánh phía Đông vòng theo núi Côn Lôn tới Tashkurgan rồi đi tiếp về Trung Á. Nhánh ở giữa đi tới Kucha, Aksu rồi ngang qua Kashgar rồi mới lại đổ về Trung Á. Chỉ coi bản đồ rẻ nhánh ở 1 thời điểm nên có thể có đoạn ko chính xác lắm).

DSC_4281_zpsuhow37en.jpg

Nhà rất chi là tây nha.

Khu phố cổ có ko khí rất laid-back nhàn nhã. Trên đường có rất nhiều trà quán. Nổi tiếng nhất là Quán trà trăm năm tuổi, leo lên lầu toàn thấy các cụ người Ngô Duy Nhĩ xếp bằng ngồi trên thảm nhâm nhi bình trà cái bánh, mà rặt là các cụ ông, ko có thấy mặt cụ bà nào trừ mấy đứa du lịch mặt ngơ. Kashgar cũng có rất nhiều hàng ăn, bán bánh bao nhân thịt cừu, há cảo thịt cừu, thịt cừu/dê nướng (đi đâu cũng cừu/dê, bạn nào ko chịu được mùi hoi ko ăn được thì méo mặt).

DSC_4287_zpsjt1b5fcn.jpg

Cái ca hay dùng để hầm thịt cừu, kích cỡ đủ loại ở Kashgar đi đâu cũng thấy.

Khu phố cổ thực sự nằm cách khu trung tâm ko xa. Khu này nói chung nhà cửa là rất xập xệ rồi, vài chỗ nguy hiểm đã từng bị tháo dỡ. Nhưng cũng có vấp phải ý kiến phản đối vì như thế là dỡ mất 1 phần lịch sử của thành phố. Tuy nhiên nói đúng ra thì có nhiều chỗ khá là tạm bợ, nước lênh láng trông rất thiếu an toàn. Các nhà đôi chỗ vẫn có người ở, vẫn có người phóng xe máy rì rì, có trẻ con chơi bóng bánh trên đường.

DSC_4603_zpszdrxbtpc.jpg

Đoạn đường đi vào khu phố cố hỏng phải giả cầy.

Kashgar buổi tối còn có chợ đêm, bán đồ ăn, hạt khô, đồ thủ công mỹ nghệ. Còn có nhà thờ Hồi giáo (nhưng ko có mở cửa cho khách du lịch vô thăm) nên chỉ được đứng ngoài ngắm thôi. Hình như mỗi thứ 6 nhà thờ có tổ chức lễ bái nhưng chưa có cơ hội diện kiến.

DSC_4282_zpsvd2rjyuc.jpg

Đây là chính nó :D

DSC_4647_zpsnhzvloom.jpg


=================
@hankin: Đợt mình đi thì khá là ok. Một ngày tối thiểu đi qua 2,3 chốt cảnh sát xì passport cho người ta ngó nghiên chút thôi là xong :)) . Nhưng hiện tại thì thấy có vẻ mọi người bảo an ninh thắt chặt hơn rồi? Lộ trình TC thì để mình kiếm lại cái map rồi update ở post sau cho mọi người nhá

@CoraLee: lâu rùi nên ko nhớ lắm nhưng cũng mang máng dao dộng trong khoảng 35-40 củ bác ợ.
 
Sau khi ở 2 đêm ở Kashgar, theo kế hoạch của bọn mình là xuất phát đến Tashkurgan. Nơi mà gặp mấy bạn người TQ trên đường, bạn nào cũng tròn mắt ngạc nhiên vì tại sao lại có mấy mống người ngoại quốc đến cái nơi xa xôi hẻo lánh ở cái nách của TQ như thế này =)).

tumblr_ote7pb5QOu1r8957so6_1280.jpg

Đường lên Tashkurgan

Tashkurgran là thị trấn ở phía tây nam TC, giáp ranh với 3 nước bạn. Đường từ Kashgar tới Tashkurgan thuộc Karakoram Highway - đường cao tốc ở vĩ độ cao nhất thế giới ở độ cao 4.693m, vượt qua dãy Himalaya, Karakoram và Pamir nối TQ với Pakistan. Tashkurgran diện tích cũng ko lớn, trong thị trấn cũng ko có thắng cảnh đáng kể, mọi ngừoi chỉ tới đây để làm điểm dừng chân đi tới những làng người Tajik khác.

17796848_1471649686240174_5357985081135131740_n_zpshqe75udc.jpg


Tajik là một dân tộc thiểu số trong 56 dân tộc ở TQ. Dân số người Tajik tại TQ ko lớn, phần nhiều họ sống ở Tajikistan (quốc gia). Người Tajik khi gặp mặt có tục hôn tay, thường con trai lúc gặp nhau sẽ bắt tay rồi hôn tay để hỏi thăm nhau. Cuộc sống của họ cũng rất an nhàn, vốn xuất thân là dân du mục, hiện tại đa phần nuôi dê bò rồi an nhàn trải qua cuộc sống. Phụ nữ sau khi kết hôn sẽ ở nhà chăm sóc gia đình. Nhà của người Tajik được làm từ gỗ và đất, vuông vắn và mái bằng. Giữa mái mở 1 cửa sổ phía bên dưới để có đường dẫn khói dưới bếp lên. Các nhà đều đắp tường với khoảng sân rộng rãi nhưng cũng ko nuôi gì, chỉ trồng xung quanh vài gốc mơ.

Ở đây vì vĩ độ cao ko khí loãng nên sẽ có người thấy hoa mắt chóng mặt, sáng tỉnh dậy cũng phải có tý máu mũi, vậy nên là ai yếu cũng phải cẩn trọng đi nhẹ nói khẽ cười duyên. Có lẽ ko đến mức nghiêm trọng như ở Tây Tạng hoặc Ladakh nhưng thể chất mỗi người một khác, cũng ko biết thế nào được, chạy nhảy ít thôi (NO)

tumblr_ote7pb5QOu1r8957so5_1280.jpg

Hồ Karakul trên Karakoram Highway đóng băng ráo trọi ....


tumblr_ote7pb5QOu1r8957so3_1280.jpg

Tashkurgan tiếng dân tộc có nghĩa là pháo đài đá, từ đây có cái view ra núi rất tuyệt.


Nói về Nam Cương kỷ niệm sâu sắc nhất vẫn là đoạn Karakoram Highway từ Kashgar lên Tashkurgan. Núi tuyết, sông băng, hồ xanh ngọc, thảo nguyên … trải ra trước mắt. Gần như chỉ giơ tay ra là có thể chạm tới được. Dãy Pamir liên tiếp với Hymalaya, núi non trùng trùng diệp điệp. Trên đoạn đường đi sẽ đi ngang qua 2 hồ là hồ Karakul và hồ White Sand. Hồ Karakul vào hè là thắng cảnh du lịch, mọi người tới ở lều, cưỡi ngựa thưởng cảnh hồ. Vào đầu xuân lúc mình đến thì vẫn còn đóng băng, vẫn trắng xoá một mảng, chói chang đến mức ko đeo kính râm thì ko mở nổi mắt.

tumblr_ote7pb5QOu1r8957so7_1280.jpg

Mùa hè đến ở trong yurt hoặc mấy cái nhà dư lày ngắm cảnh thì phiêu

17796560_1471649726240170_7815872690247521236_n_zpstmkl8ocs.jpg


Hồ Cát trắng thì xanh như được PS đẩy contrast, hồ mà to như biển, màu xanh ngọc bích đến mức ko tin nổi vào mắt mình.

Chỉ có 1 câu để cảm thán là hùng vĩ và quá hùng vĩ. Vì Tashkurgan nằm ở biên giới 2 quốc gia nên thi thoảng có diễn tập quân sự. Vào ngày cuối lúc từ Tashkurgan trở lại về Kashgar gặp đúng buổi diễn tập, mấy chục chiếc tăng thiết giáp nối đuôi nhau phi trên đoạn đường uốn lượn trải ra như vô tận, phía sau là background nước hồ xanh, mây trắng, núi tuyết, nắng vàng. Ngồi nhìn mà cằm muốn rớt xuống đất mãi ko nhớ ra mà đẩy lại lên được. Đến bây giờ vẫn nhớ cảnh đó như in :). Ôi thiệt là Hậu duệ của mặt dzời.

tumblr_ote7pb5QOu1r8957so8_1280.jpg
 
Mình mới đi Tân Cương lúc tháng 7 đây. Cảnh đẹp thì bạn trên đã nói rồi mình không nói nữa, chỉ chia sẻ với các bạn nào muốn đi Tân Cương về tình hình an ninh hiện giờ thôi. Tân Cương bây giờ an ninh siết chặt lắm, cảnh sát có mặt khắp mọi nơi, như ở Urumqi cứ 500m lại có 1 chốt cảnh sát, trên đường thì cảnh sát đi tuần liên tục mang theo nào súng, dùi cui, mặt nạ chống hơi cay... chỗ nào cũng có camera : từ trước cửa hàng, siêu thị cho tới quán ăn, chợ, trên đường, rất rất nhiều camera. Khi bạn đi vào bất cứ một cửa tiệm tạp hóa, quán ăn, khách sạn, ga tàu dù nhỏ hay to, đều phải đi qua cửa kiểm soát X-quang kiểu như ở sân bay hay kiểm tra đó, rồi rà người xem có mang theo vũ khí hay chất nổ không. Có chỗ phải show passport ra rồi đăng ký ghi tên mới được vào. Nói chung là hơi rắc rối và phức tạp nhưng rất rất an toàn.
Thậm chí lúc mình chuẩn bị lên tàu để về Bắc Kinh, ở ga tàu đã qua 2 cửa kiểm tra vậy mà lúc trước khi qua cửa soát vé lên tàu tất cả mọi hành khách còn bị lật tất cả hành lý lên để kiểm tra lần nữa, họ kiểm tra thủ công bằng cách lật từng cái quần áo ra giũ giũ xem có mang theo đồ cấm gì hay không, dao và hộp quẹt là bị tịch thu, chất lỏng như nước phải uống trước mặt họ thì mới được mang theo lên tàu.
Ở Tân Cương đi đâu cũng phải mang theo hộ chiếu và show ra khi qua bất cứ một trạm kiểm soát nào. Thêm nữa là khi ra khỏi Tân Cương không được mang theo dao dù là dao nhỏ xíu gọt trái cây hay bút chì. Theo quy định, trên mỗi một con dao ở Tân Cương đều có mã code, khi bạn mua dao sẽ phải đăng ký, chỉ cần quét mã code là sẽ biết dao đó của ai, mua ở đâu và mua lúc nào. Còn nếu bạn muốn mua dao thì phải ra cửa hàng đăng ký mua và nếu muốn mang về nhà ở ngoài vùng Tân Cương thì chủ cửa hàng sẽ đóng gói và gửi qua đường chuyển phát cho bạn.
Tân Cương nổi tiếng về thịt cừu nướng và món " shou zhua rou ", bạn nào đi nhất định phải ăn nhé, nếu ở Urumqi thì ăn ở " lou lan mi kao " quán này nổi tiếng lắm, khách đông nghẹt tới phải xếp hàng chờ tới lượt. Bạn hỏi taxi hay khách sạn người ta đều biết chỗ này. Urumqi có "da ba zha " cũng nên đi xem, thịt nướng ở đây ăn cũng được nhưng vị hơi nặng vì nó khá thuần chủng của người Duy Ngô Nhĩ.
À, ở Tân Cương bây giờ kiểm tra hơi gắt nhưng rất an toàn. Ở ngoài đường bạn không được tập trung ồn ào, chỉ cần to tiếng cãi nhau thôi là cảnh sát lập tức xuất hiện gô cổ cho về đồn nhốt vài ngày rồi mới xét nhé. Còn đánh nhau cướp bóc thì hầu như không thấy. Tân Cương thực sự là nơi rất đáng để đi !!
 
Chuyện bên lề:

Nhân bác gaby mới chia sẻ em cũng xin kể thêm tý: công nhận là cảnh sát ở Tân Cương đông như quân Nguyên. Một ngày kiểu gì cũng tối thiểu 2,3 bận cả đám bị lùa xuống xe, đi qua trạm kiểm soát cho mấy ảnh lật lật ngó nghiêng passport, báo cáo danh tính một hồi rồi mới cho đi qua. Đến mấy chốt ở vùng xa xôi hẻo lánh tý, mấy anh cảnh có người còn chưa từng thấy passport người nước ngoài bao giờ, lật trái lật phải đọc hỏng hiểu cái thứ tiếng mô tê gì là phải tức tốc chuyển lên tuyến trên, kêu sếp xuống kiểm chứng mặt đám khách du lịch mặt ngơ, có bác sếp thấy kỳ khôi còn lôi từng đứa một bắt ra chụp hình :)).

Nói chung tiến trình lặp đi lặp lại hàng ngày này cũng khá là rườm rà tốn thời gian, nhưng cũng không có gì đáng sợ hết vì người ta (có vẻ) chỉ gắt gao với người bản địa thôi, khách nước ngoài thì các chú có hiếu kỳ tý nên lâu la hơn chứ cũng ko có vấn đề gì to tát. Mình nhớ đoạn Karakoram Highway đi từ Tashkurgan trở về Kashgar, sáng đó trời tuyết cũng dữ, một số đoạn đường đóng băng ráo trọi. Đến đó đã thấy các anh cảnh sát đứng để kiểm tra tình hình, khuyến cáo hoặc cấm tạm thời ko cho xe đi để tránh gây tai nạn. Gặp đoàn mình đi xe vẫn dùng loại lốp bình thường, ko có loại chuyên chống trơn trượt cho đường mùa đông để thay, biết là người nước ngoài các ảnh còn cẩn thận bắt cả bọn lôi xuống bắt đi bộ một đoạn, qua chỗ đỡ nguy hiểm rồi mới cho lên xe đi tiếp. Gặp mấy đoàn bản địa khác các bạn bảo, ơ tao cũng đi qua đoạn đó vừa này mà có thấy ai quan tâm gì đâu. Tự nhiên thấy cũng có tý cảm động =))

DSC_4176_zpsd6lhkeh6.jpg

Một mẩu nhỏ con của Thiên Sơn trên vệ đường

Ở trong nhà hàng, khách sạn hay cửa hàng mua bán thì đa phần đều có lực lượng rất hùng hậu là các anh chị cô dì chú bác bảo vệ, ai đi ngang qua cửa cũng bắt rờ rờ soát soát 1 hồi nhưng công cán có vẻ làm qua loa cho xong. Có lẽ chắc tại nhìn mặt mũi cả đám ai nấy độ nguy hiểm đều - zero :shrug:.

DSC_4207_zpsmwzsutkt.jpg

DSC_4124_zpshfbpva7h.jpg

Tuyết mới tan nên cỏ vẫn vàng khè nhưng các bạn 4 chân vẫn hăng gặm lắm.

DSC_4138_zpssvdy68ph.jpg

Đường lên Nalati, sương tuyết trùng trùng
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,179
Bài viết
1,150,362
Members
189,939
Latest member
chuyengiatrimun
Back
Top