What's new

Tây Nguyên - Những con đường lầm bụi

18/4/2011
Tôi bỗng nhiên xuất hiện trên mạng ảo của dân du lịch bụi với 1 Topic không đầu không đũa với cái tên Hạnh phúc lang thang, khiến Mod chẳng biết để vào mục nào cho phải.
Những lời khen, tiếng chê bắt đầu đến với tôi. Nghiễm nhiên tôi trở thành nhân vật được mọi người nhắc đến đâu đó trên đường.
1 năm trôi qua, vui có, buồn có, nản lòng có. Tôi chính thức đi qua 7 năm đi và viết.
Tôi đã đi hàng vạn cây số, hạnh phúc đến rã rời.
Kỷ niệm 1 năm ngày bước ra ánh sáng với cộng đồng. Hôm nay, tôi mạo muội quote lại một bài trong Topic cũ, cho các bạn đã biết hoặc chưa từng biết về hạnh phúc của riêng tôi.
Và cho tôi - cùng cuốn sách đầu tiên về Du ký đang thành hình.
Cảm ơn tất cả những người bạn đồng hành, gia đình thân yêu cùng những người đã luôn ủng hộ tôi trong suốt thời gian qua!
 
NHỮNG CON ĐƯỜNG LẦM BỤI ( Phần 1 - 2011 )

1%20180edited_1325696913.jpg

4/1/2012
Những con đường mà tôi đã đi qua, lúc nào cũng lầm bụi. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi: có phải mình sinh ra từ chính những con đường chẳng dịu êm như thế?
Khi viết những dòng này, tôi đang cồn cào nhớ những cuộn bụi đỏ dâng lên từ phía dưới bánh xe của những người bạn đồng hành, cồn cào nhớ cái cảm giác bánh xe tuồn tuột trôi đi trong vũng sình lầy được tạo ra từ trận mưa đêm trước, bây giờ bụi chỉ còn là bùn và nước đỏ.

Tôi không thích chuyến đi nào có quá đông đoàn người cùng chen nhau trên một con đường quốc lộ, dù nó có rộng rãi bao nhiêu. Tôi không thích phải sẻ chia cảm giác của mình với quá nhiều người. Tôi là đứa ích kỷ. Nhưng cái gì thuộc về mình, bao giờ mình cũng nhớ lâu hơn, cho dù đó chỉ là cảm xúc vụn vặt cóp nhặt từ một khoảnh khắc ngắn ngủi trên đường.

Càng ngày, tôi càng viết ít đi, không phải tôi đã gác ba lô, cất đam mê vào ký ức, mà đơn giản: những chuyến đi không còn nữa cảm xúc nguyên vẹn như thuở xách ba lô ra đường chỉ có một mình mình. Càng lớn tuổi, con người ta càng sợ những cảnh giành giật, chen lấn, dù chỉ là tấm vé tàu khứ hồi lên Đông - Tây Bắc, một mâm ngồi trong quán đặc sản thú rừng hay một chỗ ngủ đủ ấm trong một khách sạn bình dân. Tất cả những thứ tưởng chẳng có gì để bàn này, giờ lại là cuộc chạy đua các các đoàn mỗi khi Tết đến Xuân về, ngày nghỉ dài mà trong năm chả có mấy khi.

Tôi vẫn rạo rực khi thấy các bạn tôi buộc đồ lên xe, vẫy tay chào tôi và réo vào tai những lời rủ rê ở phút cuối cùng. Tôi thấy hụt hẫng vô cùng khi nghe tiếng bô xe mình rền rã chạy về nhà trên phố vắng.
Nhưng chính tôi đã chọn mà: tôi chọn những con đường lầm bụi của riêng tôi...

Chỉ còn một tuần nữa tôi sẽ được đi về trên những con đường ấy, những con đường Tây Nguyên đất đỏ, mà gió cuốn bụi lẫn đầy trong không khí, đậu trên tóc như một người bạn trong suốt cuộc hành trình.
 
Ném lên diễn đàn một Topic tuyển bạn đồng hành xuyên Việt không có ngày về, hẳn nhiên, chẳng có ai muốn đi cùng một đứa mà chính mình còn chưa biết mình đi đâu và bằng cái gì?
Điều ấy, chính là tôi đã ném mình vào những cảm xúc cũ. Khi nhắm mắt để nghĩ về những ngày xa nhà của mình, tôi mong muốn trở về mảnh đất có những rừng cao su bạt ngàn, có màu hoa Pơ lang đỏ rực dưới nền trời tháng 3 xanh ngắt, có con thác đổ mình vào đá tiếng nhạc nước nỉ non, và hơn hết là những vạt rừng cháy mê mải trong ánh hoàng hôn màu mận tía...
p7769edited_1325696195.jpg

Tây Nguyên với tôi dẫu không mới mẻ, nhưng lại thân thương như thể đã phải lòng nhau kể từ mùa hoa cà phê ấy. Tôi nhận ra rằng, mình dễ dãi nhung nhớ những chuyến đi dài ngày hơn tất thảy, những chuyến đi không vội vã, mà mỗi sáng khi thức dậy, cứ ung dung làm đôi ba tách cà phê, rồi mới thủng thẳng buộc đồ lên xe. Và mỗi bình minh ấy, chẳng có ai trong chúng tôi phải nghĩ: ngày hôm nay mình sẽ làm gì? Cứ đi, đi như thể mọi người cứ sống, còn chúng tôi thì chuyển động, để đón những ánh mặt trời mỗi lúc một khác nhau...

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe từng thứ, từng thứ một trong chuyến đi cũ và cả chuyến đi mới sắp cận kề cho các bạn nghe, như cách tôi cố gắng mang nguồn nước từ giếng nước chung của buôn làng Tây Nguyên về chảy trong lòng những đứa con xứ Bắc...
 
Hồi còn nhỏ, tôi học cách tìm niềm vui từ những trang sách. Không biết có phải tủ sách mà tôi ngấu nghiến khiến cho tôi luôn thèm được đặt chân đến những vùng đất xa lạ, khác nơi mình đang sống.

Tôi biết đến Tây Nguyên qua tiếng cồng chiêng rộn ràng trên màn ảnh nhỏ, qua những sử thi hào hùng – bi tráng tôi học được trên sách giáo khoa, qua những câu hát nổi sôi đầy lửa của những giọng ca thuộc về mảnh đất cao nguyên nắng gió này…
Nhưng tất cả những gì tôi biết sẽ vĩnh viễn không đủ, nếu chưa được một lần ghi dấu chân mình lên mảnh đất anh hùng.

Người đời vẫn nói: nhàn cư vi bất thiện. Tôi mở cung Tây Nguyên sau bao lần lỗi hẹn với chính mình, khi đang nằm nhà vì đôi chân đau nhức sau tai nạn nhỏ hồi đầu năm. Cái sự nhàn cư thành ra lại là lý do đưa đẩy tôi, dắt tôi đến nơi mà cứ hứa lên hứa xuống với bản thân là nhất định phải đến khi còn trẻ.
Nếu không vì chân đau, và cái đầu thì không khi nào thôi nghĩ, thì chắc gì tôi đã đến Tây Nguyên mà cắm đầu vào những buổi ghi hình như kế hoạch dài hơi trong hợp đồng vừa ký. Khi ấy, tôi sẽ đeo cái kính dày cộp của mình vào, cắp cặp đến cơ quan, cười chộn rộn cùng đám đồng nghiệp. Tôi sẽ là một nhân viên mẫu mực, lưng thẳng tắp và bước rất nhanh mỗi sáng cho kịp giờ chấm công....

Buổi off đoàn đầu tiên, tôi lê chiếc chân cà nhắc xuống quán cà phê quen để gặp mọi người. Tôi không quen ai trong 15 con người, và trong ngần ấy, cũng chỉ còn đôi người đi với tôi hành trình này. Vì tôi thay đổi, một cung đường từ 4 ngày sang 9 ngày. Tôi luôn cảm thấy thiếu thời gian cho nơi mà mình thực sự muốn đến, mà chẳng quan tâm làm thế nào tôi có thể rời xa công việc.

Không có đơn xin nghỉ nào được viết cho đến tận lúc tôi lên máy bay, không có ai biết tôi đã âm thầm rời xa trường quay trong ngày quan trọng nhất năm của mình… cho đến tận bây giờ. Đó là một phép màu!

Tôi gửi password email cho một người bạn đáng tin cậy, để chị giúp tôi xác nhận nốt công việc trước khi bay một giờ. Rồi ung dung vắt vẻo ngồi ở phòng chờ sân bay Nội Bài, chia chác xúc xích, bánh gạo với những người bạn đồng hành. Tôi nghĩ đến ly hoa quả dầm ở đường Vitamin thay vì công việc, nghĩ đến gần chục ngày tươi đẹp mình sắp được đi qua… rồi nhắn tin cho bạn đồng hành đã yên vị ở khách sạn công đoàn Đà Nẵng. Những thứ chúng tôi trao đổi chỉ liên quan đến ăn và món ăn - những thứ với tôi lúc nào cũng tuyệt vời nhất.

12h đêm của ngày đầu tiên, những kẻ đến muộn nhất vẫn lếch thếch kéo nhau đi bộ khắp thành phố chỉ vì lời rủ rỉ của tôi về món Hoa quả dầm ngon tuyệt vời nằm trong một con hẻm nhỏ. Dĩ nhiên là với trí nhớ “siêu phàm” của mình thì chẳng bao giờ tôi có thể tìm ra con hẻm ấy. Đổi lại cả lũ bị biến thành bọn ngớ ngẩn ngộ Hoa quả dầm lúc nửa đêm vì cứ túm được ai lại hỏi han rối rít, rồi nhận về những cái nhìn ngô nghê, thương cảm. Một đêm rã rời, kéo theo vô số kẻ bị thức trắng vì chiếc giường lò xo cứ kêu cót két khi một ai đó trót trở mình.
Những viên thuốc ngủ: đó là tiên dược được sử dụng khá nhiều trong chuyến đi. Trừ tôi, không cần uống thì lúc nào cũng ngủ như chết.
 
Ngày thứ hai, chúng tôi tạm biệt Đà Nẵng để di chuyển về Kon Tum theo hướng Khâm Đức - Thạnh Mỹ. Vì đó là ngày Chủ nhật nên chưa có ai sờ đến tôi, kẻ bỏ trốn giờ đã ở rất xa Hà Nội. Trong hành trang của mình, tôi đã cố ôm theo chiếc Netbook vì biết thế nào cũng có lúc dùng đến. Trong đầu tôi vẫn ấp ủ một căn bệnh để đối phó với công việc và vài ba âm mưu đang được toan tính.

Những ngày chạy xe đầu tiên là những ngày khá vất vả với chúng tôi, bởi có những người mới đi hoặc đi lần đầu nên tốc độ di chuyển chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Chúng tôi phải chạy xe vào lúc trời tối, mà đoàn thì có mấy xế mắt kém, chưa kể một người bị sốt từ Hà Nội và một số bị mất ngủ thường trực. Dẫu sao tôi vẫn luôn cố gắng, để các bạn của mình cảm thấy có thời gian thoải mái để nghỉ ngơi và quen dần với một hành trình dài. Chúng tôi dành thời gian để ngủ trưa dưới bóng cây bên hồ nước, hay nghỉ ngơi tán phét lưng chừng đèo, như cách mà người ta tiếp sức cho nhau trong những chặng tiếp theo.

Tây Nguyên trong hành trình của chúng tôi có rất nhiều loài hoa. Trên đường chúng tôi qua, xoan, pơ lang, cà phê, … và rất nhiều loài hoa vô danh khác đều nở rộ, dưới một nền trời xanh, rất xanh. Những con đường bụi đỏ dần hiện ra… như trong một bức tranh.
Có ai đó viết rằng: thứ đất đỏ ở Tây Nguyên là thứ đất được nhuộm bởi máu của những anh hùng qua những cuộc đấu tranh, từ thuở đấu tranh giữ nguồn nước, giữ ngọn lửa, giữ cô gái mình thương cho đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trường kỳ. Tôi tin đó là sự thực, như tin vào con đường mà mình đã chọn để đi, kể cả khi yếu lòng nhất.
Bây giờ, khi ngồi đây viết những dòng này, tôi lại nghĩ thêm rằng, có thể máu của những anh hùng không chỉ nhuốm lên mảnh đất cao nguyên bazan, mà còn nhuộm lên cả sắc hoa, sắc trời và sắc lửa trong những cơn cháy rừng chúng tôi đã gặp, đã thấy ở ngã ba Đông Dương lúc trời chiều. Tất cả chỉ có sắc đỏ, bao trùm lấy cả không gian. Thêm vào đó là sự khắc khoải trên khuôn mặt của tất cả mọi người hôm ấy, chỉ chiều hôm ấy thôi...
1%2071_1325696017.jpg
 
Mỗi người trong chúng tôi nhớ Tây Nguyên theo một cách khác nhau, như một người bạn của tôi thì suốt chặng đường đi cứ lẩm nhẫm mãi câu: Đèo Lò Xo, dốc quanh co bất kể khi nào đi qua một con đèo nào về sau trong hành trình dài 1800km ấy và cả khi đã trở về nhà.
3_7080727_n_1325730476.jpg

Còn tôi thì trong tai, trong mắt vẫn cảm giác cồm cộm của những hạt bụi đỏ Tây Nguyên bám lấy. Và đến tận bây giờ chiếc bịt đầu gối mang về từ chuyến đi bão táp ấy vẫn còn lẩn quất màu đỏ của bụi, giặt mãi cũng không hết. Tôi lại mang Tây Nguyên theo trong tất cả những chuyến đi khác về sau, bằng chiếc bịt đầu gối cũ bẩn của mình.
Buổi tối ăn ở Ngọc Hồi, tôi mở điện thoại ra, có hàng chục cuộc điện thoại gọi nhỡ. Tôi vẫn còn đó công việc, lại một tối dài vục mặt vào chiếc máy tính, tôi trở nên cáu bẳn và mắng chửi xế của mình. Anh ngủ ở một khách sạn khác. 11h đêm, tôi nhắn tin xin lỗi. Một hành trình dài mới đang ở giai đoạn khởi đầu...
 
Sáng hôm sau, một buổi sáng đầu tuần, cả lũ ngồi ăn sáng ở một quán vỉa hè với món bún bò khủng khiếp, xế của tôi gọi điện đến cơ quan tôi, để trình bày về căn bệnh Rubella làm tôi " sốt" suốt đêm qua với chị trưởng phòng nhân sự. Anh trong vai " bố tôi" quá thành công. Căn bệnh lây lan nhanh đến mức, cả một người nữa trong đoàn cũng nhờ nó mà được nghỉ dạy học. Lần đầu tiên, tôi thấy thích cảm giác được "ốm" mà lại là thứ bệnh có thể lây, để không ai có thể đi tìm tôi, ít nhất trong vòng 1 tuần tới.
Phép màu của chuyến đi là sự dối trá.
Nếu chiếc chân không làm tôi mất trắng phép năm cộng thêm hơn 1 tháng nghỉ âm vào dự định thì tôi đã có thể đàng hoàng xin nghỉ, đàng hoàng bàn giao đống lộn xộn của buổi ghi hình cho một đồng nghiệp mẫn cán khác. Đằng này... quả thật là cuộc sống có những điều chúng ta không thể toan tính được.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của chính mình, chạy hối hả vào một trạm kiểm lâm ở bìa rừng để nghe điện thoại của Sếp hỏi thăm, nhớ hình ảnh tự mình nhốt mình vào phòng vệ sinh của Bệnh viện Lao phổi 3 ở Bình Định hàng tiếng đồng hồ để xử lý công việc qua điện thoại. Nhưng tất cả, chỉ là một khoảng nhỏ thuộc về căn bệnh truyền nhiễm có tên Rubella trong chuyến đi này.

Quả thật con người ta có thể dễ dàng quên đi lỗi lầm và sự dối trá của mình, để được quay về với hiện thực đẹp đẽ. Trong hiện thực ấy, là phảng phất mùi hương hoa cà phê, là màu trắng đến tinh khôi và dịu dàng của loài hoa đặc trưng ấy. Tây Nguyên tháng 3 đẹp, cũng bởi vẻ đẹp khiêm nhường của loài hoa không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể gặp trên đường lang bạt xứ Bắc.
Mà có thể chỉ có hoa cà phê ở Tây Nguyên mới mê hoặc con người ta như thế.
5_5478430_n_1325730454.jpg
 
Chúng tôi gần nhau hơn nhờ balo nặng trĩu buộc sau xe, nhờ cái ôm thật chặt của những người mới hôm nào còn xa lạ. Chúng tôi tự tìm cho mình phút yên bình trong buổi trưa vắng vẻ ở nhà thờ gỗ Kon Tum hay sự vui vẻ của tất cả mọi người bên bếp thịt rừng nướng đỏ lửa.

Đến với một mảnh đất mới, điều mà chúng ta luôn luôn phải đối mặt đấy là sự khác biệt văn hóa. Cái sự khác biệt mà chúng tôi có ở đây lại là muôn sự hỏi đường. Người ta bảo tôi rẽ phải trong khi tay thì chỉ sang trái. Còn cảnh sát giao thông thì chỉ một đường, trẻ con chỉ lối khác, cuối cùng trẻ con đúng. Chúng tôi đã không biết bao lần long vòng hết trong thành phố rồi đến những vùng thưa thớt dân cư.

Rồi đến chuyện hỏi đường đi vào buôn, vào bản của người Bana nữa, hình như cũng chẳng ai biết. Được bạn xế cào cào xung phong dẫn đường, cả đoàn càng đi lại thấy đường thêm đỏ, chỉ thấy trước mặt là một cái lò gạch cũ và những con suối cạn.
059566541_n_1325733697.jpg

Những con đường nhỏ không bóng người qua, râm mát nhờ những hàng cao su đứng nghiêm trang trong nắng chiều rồi lại đến những con đường đất bụi quẩn vào áo, vào miệng..
Dẫu là đi lạc, cũng là một lần được lạc đúng điệu. Có phải dễ gì người ta có thể được thủng săm ở một vùng đất bạt ngàn cao su và bụi đường như thế.

Chúng tôi đã một lần được đến với thủy điện Yaly, công trình thủy điện vĩ đại của thế kỷ 20 bằng xe máy, cũng nhờ vụ đi lạc. Nếu không lạc, chúng tôi đã đến thủy điện này khi nó còn mở cửa thăm quan, chúng tôi sẽ không được nì nèo bảo vệ và bác quản lý để được vào ngắm nhìn công trình này bằng được. Một chuyến đi mà tôi nhận được sự giúp đỡ và quan tâm của rất nhiều người: những đồng hương Bắc đáng mến.
Một hoàng hôn khác trên con đường lên thủy điện Yaly kỳ vỹ...
 
Điều mà có lẽ cả đoàn chúng tôi không bao giờ quên được là cuộc hành trình trên con đường 14C huyền thoại.
Những thông tin mà tôi góp nhặt được về 14C còn quá ít ỏi, vả lại ngay từ khi lập cung, chốt đoàn, không ai nghĩ mình sẽ in dấu chân trên con đường ấy.
Sau một ngày dài vất vả trong những con đường làng quanh co đất đỏ ở gần đường 14B, cả đoàn chạy theo quốc lộ 14 từ Pleyku về Buôn Mê Thuột. Rời xa thành phố tinh tươm sạch sẽ, chúng tôi lên đường.

Cái biển chỉ báo QL 14C 60km làm tôi rạo rực. Tôi quyết định dừng xe để nói chuyện với cả đoàn. Vậy là đi, đi vào nơi mà chính chúng tôi còn không biết 14C thực sự như thế nào. Những đoạn đường rải nhựa sang loáng chỉ vẻn vẹn có vài cây số, khiêm nhường nhường chỗ cho những đoạn đường đầy bụi đỏ, cát trơn..

Chúng tôi đi qua những buôn làng buồn tẻ, những vườn hồ tiêu xanh miên man trong nắng tháng 3 và đi qua cả những ánh mắt trong veo ngơ ngáo của những đứa trẻ vùng núi đại ngàn… để đến với những cánh rừng ảm đạm. Xung quanh con đường nhỏ mà chúng tôi đi, thi thoảng lại hiện lên những đám cháy rừng. Phải rồi, Tây Nguyên đang mùa khô. Có đi qua những vùng đất ấy, chúng tôi mới hiểu được điều mà đã từng đọc trong sách giáo khoa, rằng có những cơn cháy rừng âm ỷ kéo dài suốt mùa khô hạn nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Giữa trưa nắng, đoàn xe của chúng tôi cứ mải miết đi… Trên bản đồ định vị, chúng tôi còn không biết mình đang đi đâu.
Một vài người trong đoàn bắt đầu run tay, mồ hôi của lái xe vã ra như tắm, không rõ vì nắng nóng hay vì cố gắng giữ cho bánh xe khỏi trôi đi trên những con đường cát lún sâu đến nửa bánh xe. Có lẽ vì tất cả.

Cái cảm giác mình sắp bắt gặp con đường biên giới ấy, làm tôi cảm thấy phấn chấn vô cùng.
Biên giới hiện dần ra trước mắt. Cả đoàn dừng chân tại một thị trấn nhỏ có cái tên Eamer. Tôi vẫn thường trêu mọi người mỗi khi thấy khu dân cư hay làng bản nào đó là bắt gặp ánh sang văn minh. Dù ánh sang lần này chỉ rất nhỏ nhoi. Sau khi trình báo với đồn biên phòng Eamer, chúng tôi đi qua 1 con suối nước trong vắt… 14C thực sự hiện ra.
Cái từ Quốc lộ mà người ta dành cho nó phải chăng quá xa xỉ, bởi cái quốc lộ ấy cũng chỉ giống như một con đường mòn đất đỏ xuyên qua những khu rừng xanh mải miết.
Vẫn là bụi đỏ, là nắng chói chang…
0_2155533_n_1325734986.jpg

Cả đoàn đến với đồn biên phòng 729 bây giờ có tên mới và trụ sở mới, cách biên giới đúng 1km. Sau màn chào hỏi, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Xe của tôi sắp hết xăng, một xe khác mất chìa khóa điện…
Sau vài chục Km đường rừng, mọi người đành dừng chân bên một gốc cây to.
Nước uống bắt đầu hết, Áo mưa được trải ra để dành cho một giấc ngủ trưa tạm bợ. Các xế xuống tinh thần, nhìn chiếc xe mất chìa khóa mà long nặng trĩu.
Chúng tôi phải về đến thành phố Ban Mê trước trời tối, vậy mà hơn 2h chiều, giữa khoảng rừng vắng lặng không một bóng người, có tiếng hát chúc mừng sinh nhật cất lên.

Sẽ là một kỷ niệm không thể quên trên con đường 14C ngầu đỏ, một kỷ niệm đáng nhớ của những thành viên lần đầu tiên đi phượt. Có thể với một ai đó, đây cũng sẽ là lần phượt duy nhất trong cuộc đời… Tôi không còn dám chắc.
Sau những nỗ lực, hi vọng và cuối cùng chúng tôi cũng được lên đường. Quãng đường trở về với văn minh mới thực sự là cơn ác mộng.
Tôi không tin là đoàn mình đã đi qua những con đường toàn đá gồ ghề như thế, Easup giờ này thật xa xôi, Ban Mê cũng thật xa xôi.
Tốc độ của đoàn bị chậm lại, những khuôn mặt không còn háo hức như lúc vừa bước chân vào lối rẽ đi 14C…
Cuối cùng chúng tôi cũng về tới thành phố khi trời chập choạng tối.
Có những lời trách móc, những giận hờn… tất cả sẽ qua đi và sẽ là kỷ niệm không thể quên khi lần đầu tiên chúng tôi đặt chân lên con đường 14C huyền thoại.
 
Mọi người cứ hay trêu tôi, sao đi mà ngủ suốt thế. Gần như suốt cả chặng đường dài, tôi cứ ngủ như một đứa trẻ trên lưng xế. Tôi nghĩ đến bài thơ Ngủ ngoan A cay ơi mà mình đã học. Tôi nhắm mắt vào để nghe tiếng con sông Srêpok đang gieo mình giữa đất đá, và để hít hà thật sâu hương nồng nàn trong cốc cà phê phin mằn mặn đầu môi. Đâu phải tôi nhắm mắt có nghĩa là tôi đang ngủ.

Rồi 2 cô gái chia tay đoàn để trở về Hà Nội. Tôi lại phải bớt đi 2 cốc nâu đá trong bữa sáng, bữa trưa, bữa tối của đoàn. Chỗ ngủ không rộng hơn vì tôi lại phải chia chăn với một cậu con trai. Giờ thi thoảng một người bạn tôi vẫn kể mãi, chuyện 2 đứa trẻ con đêm ở EarKa cứ kèn cựa với nhau vì cái chăn và nửa phần giường. Tôi ích kỷ cả trong giấc ngủ...

Tôi đã từng rất nhớ nhà trong chuyến đi này. Khi bố gọi tôi về để đi xem tuyết rơi ở Sa Pa. Khi ấy, tôi đang đứng mút kem trên đường ra Buôn Đôn. Tự dưng lại thèm cái gì đó lạnh như tuyết giữa trời Tây Nguyên đổ lửa.

Buôn Đôn trong tôi là hình ảnh chú voi trẻ con to như chiếc xe ben đang khệnh khạng đi từ trên dốc xuống, trong khi cả đoàn đang bám đuôi nhau bò lên dốc. Một chú voi thật to, có cặp ngà rất dài, không đeo cũi trên lưng là hình ảnh đáng ước ao của chúng tôi. Tôi tưởng tưởng ra Bản Đôn có rất nhiều chú voi như thế. Nhưng tôi đã nhầm. Ở bản Đôn chỉ còn lại những chú voi già được đưa vào phục vụ du lịch. Nhìn những bạn voi da nhăn, nhỏ bé, gồng mình chở 1 đống khách du lịch, lại nghĩ đến câu chuyện Những người quản tượng và bài hát Chú voi con. Mãi về sau này, khi được tặng cuốn sách "Những người bạn lớn" viết về những chú voi nhà ở Tây Nguyên, tôi mới biết tên chú voi trẻ chúng tôi gặp chiều ấy - một trong những chú voi đẹp nhất đất cao nguyên.

Đêm Ban Mê, cả lũ cất xe máy, trèo lên taxi để đi Lễ hội hoa Cà phê, rồi kéo nhau ra phố nhậu để tổ chức sinh nhật cho một người bạn đồng hành trong đoàn, và bữa tiệc ấy không có chủ nhân, vì anh còn mải ở nhà viết Nhật ký hành trình. Bia nâng lên, sự mệt mỏi hạ xuống.

Có một ai đó đã giận tôi vì chuyện quát mắng om sòm mọi người ở giữa bản Đôn lúc trời đã quá trưa, giận đến mức không nói mà phóng xe đi thẳng. Mãi về sau này, tôi mới biết. Hôm ấy cũng bởi chiếc chân trái lại sưng to, mà chiếc quần rách gối đã lấm lem đất nên tôi phải mặc một chiếc quần lành, nó cọ vào chân khiến tôi đau lắm. Tôi chẳng dám kêu, mãi cho đến lúc ăn trưa. Lại một màn cãi nhau với xế chuyện nay làm gì và ăn gì, lại là những kế hoạch đầy tính nghiêm túc. Tôi khóc, nước mắt lã chã rơi vào xuống bát, tôi vừa khóc vừa ăn, chị bạn thì chan cho tôi canh bí đỏ, còn 3 xế lúi húi kiếm dao rạch " cửa sổ" cho chiếc quần đáng ghét.
Nhìn cảnh 3 kẻ cứ tranh nhau mấy cái dao, tôi lại cười khanh khách như chưa bao giờ có gì phiền muộn.

Một chiều thảnh thơi, đôi ba chiếc xe dựng lại cạnh con ruộng đã gặt, giờ mọc đầy cỏ, nhìn chú bé dắt trâu thủng thẳng đi về, và đàn cò vội vã trở về tổ... là một chiều trong rất nhiều những buổi chiều bình lặng ở Tây Nguyên. Chẳng có tiếng cồng chiêng nào vọng về từ quá khứ, chỉ có cánh cửa trên sàn nhà Rông khép chặt, và từng bậc thang phủ bụi phía xa đường cái.
Chúng tôi là những kẻ lữ hành vội vã, không kịp để lại cho mình chút riêng tư trên những bậc thang ấy. Tôi vẫn tiếc, tiếc lắm, nên lần này quay lại, tôi sẽ không ngại ngần đặt đôi chân mỏi mệt của mình lên ấy. Nhất định thế...!

Trong khi những nẻo đường cửa ngõ vào Ban Mê là ám ảnh kinh hoàng với bụi bẩn, rãnh nước và ổ gà thì những con đường nhỏ đầy lá khô trong khu rừng nguyên sinh Krôngno lại yên ả như thể đang mê ngủ. Thác Dray sáp mùa khô cạn nước, những lạch nước còn sót lại đập vào đá như đang kể về một huyền thoại cũ:
"Ngày xưa có một thiếu nữ Êđê xinh đẹp tên là H’Mi. Nhiều chàng trai giàu có từ khắp các buôn làng M’Nông, Êđê đến đây cầu hôn nhưng bị nàng cự tuyệt bởi lẽ nàng đã trót thầm yêu trộm nhớ một chàng trai hiền lành nhưng nghèo khổ cùng ở chung buôn với nàng. Một hôm, nàng cùng người yêu đi ra rừng ngồi nghỉ trên một tảng đá lớn. Đột nhiên có một con quái vật từ đâu xuất hiện, đầu nó to như quả núi, mắt đỏ như lửa. Từ trên cao, con quái vật lao xuống dùng chiếc miệng ngậm nước sông rồi quật mạnh lên tạo thành cột nước khổng lồ quét đi về phía hai người. Chàng trai bị bắn văng ra xa rồi ngất đi. Đến khi tỉnh dậy mới hay người yêu đã bị con quái vật bắt mang đi mất. Chàng vô cùng đau khổ, sau đó hóa thành một cây to đâm rễ sâu vào tảng đá. Toàn thân phát ra những tiếng kêu than vãn, nhung nhớ, đau thương. Chỗ chàng trai bây giờ là rừng cây bên bờ đá của dòng thác. Còn chỗ con quái vật lao xuống đã trở thành thác nước."
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,578
Bài viết
1,153,811
Members
190,134
Latest member
etaxiprk2
Back
Top