What's new

[Chia sẻ] Thăm những vùng địa sử (Hội An- Đà Nẵng- Huế- Quảng Trị-Quảng Bình)

Thăm những vùng địa sử (Hội An- Đà Nẵng- Huế- Quảng Trị-Quảng Bình)

Cứ hàng năm, dù có ít hay nhiều thời gian mình cũng dành ra một chuyến đi. Mà chẳng hiểu tại sao mình đã liên tục mấy năm liền dành khoảng thời gian hè để đi miền Trung. Có thể mình yêu nơi này như chính tên gọi ''Sâu nặng miền Trung''. Mình đi để gặp lại bạn bè cũ, mình đi để trở lại những con đường mình đã qua, và xem khoảng thời gian sau một năm mọi thứ có gì thay đổi. Nhiều khi di chuyển một khoảng thời gian dài dưới miền Tây để đến Quảng Trị, rồi còn phải lên tận Đăk-rông chỉ để ngồi cùng anh bạn tên Quang uống cạn ly rượu ngọt ngây ở dốc 35 trên đường về Lao Bảo. Với mình, đó là khoảnh khắc đẹp, khoảnh khắc của đời người không có gì chia phôi.

Nếu như mọi năm có nhiều thời gian mình đi trên những chuyến tàu Thống Nhất, thì năm trước do không có nhiều thời gian mình phải bay ra Đà Nẵng. Mình không thích bay. Mình nói thật. Bởi mình sợ chết. Cái cảm giác lúc cất cánh là tay chân mình run lên, rồi cả khoảng thời gian dài ngồi trên đó dù không quá lâu nhưng mình luôn cầu nguyện. Dù biết là mình lo xa, nhưng tuổi thanh xuân là độ tuổi đẹp của đời người. Mình còn mơ mộng nhiều nên bỗng chốc lo âu.

Mình đến sân bay Đà Nẵng vào một buổi sáng sớm. Không khí nơi này đẹp, trong lành nhưng thật sự mình không đành thương lắm. Mình yêu Quảng Trị, mình yêu Quảng Bình hơn xíu. Nhưng dẫu sao, Đà Nẵng cũng là nơi mình để lại nhiều kỉ niệm. Bởi nơi này từng níu chân mình lại khi trên đường mình đón xe từ Đồng Hới về Huế. Mình gặp được người bạn mới quen rồi theo người ta về nhà bên Cẩm Lệ chơi. Gia đình của người bạn quý mình quá nên rủ ở chơi thêm vài bữa. Mình đáp lại lời thương mến đó bằng cách phải ở lại thêm mấy ngày. Ngôi nhà bên Cẩm Lệ trước cửa có hàng cây dại nhưng hình như mới trồng. Ở phía sau nhà, có tháp điện cao áp rất to. Chiều tối máy bay đi ngang nhà. Tiếng ầm ỉ và để lại mình nhiều kỉ niệm.

Những ngày ở lại Đà Nẵng thì gió Lào kéo về rất nóng. Tay chạm vào cái ghế cũng nóng. Chân đi dưới nền gạch bông cũng nóng. Mình ngồi trước hiên nhà và nói, có thể những điều này là những kỉ niệm đáng nhớ. Rồi sau mấy ngày ở cùng gia đình, mình cũng ra bến xe phía Nam về Sài Gòn. Kể từ đó, mình đâu có trở lại cho đến hôm nay.

Mới vừa xuống máy bay mình gọi cho chị Thủy để nhận xe. Chị Thủy lúc đó đang làm việc cho hàng không Đà Nẵng, nhưng được đưa ra Phú Quốc giúp đồng nghiệp. Chị giỏi, và nói chuyện dễ nghe. Thuê xe máy của chị đi gần 7 ngày nhưng không xảy ra sự cố gì. Ngày cuối khi trở lại Đà Nẵng, bạn trai của chị là người Quảng Trị còn chở mình về khách sạn. Chắc sẽ có, nhưng thật sự hiếm khi gặp được người như anh, chị.

Chị Thủy (Thuê xe máy)

Đ/c: 131/4, Hoàng Hoa Thám
Số điện thoại: 0909.756.229

Câu chuyện về chuyến đi của mình còn dài và dài lắm. Mình sẽ vừa kể cho mọi người nghe, mình cũng chia sẻ với mọi người về những thông tin mình góp nhặt suốt một hành trình dài. Hy vọng rằng, có những câu chuyện yêu thương, nhung nhớ hay chuyện buồn về những vùng đất này xin các bạn hãy chia sẻ vào đây. Bởi vùng đất gì mà dễ thương, dễ mến, và nặng lòng không thoát ra được suốt mấy năm trời.

Đây là lịch trình chuyến đi năm trước của mình. Cùng những câu hỏi mà đến giờ chưa ai giúp mình giải đáp trước lúc đi. Chỉ có anh bạn người Quảng Bình mình tìm trên diễn đàn khác có chỉ mình đến địa điểm nêu trên nhưng lịch trình mình làm năm trước quá dày. Nên mình đành bỏ qua mà hẹn lần khác.

https://www.phuot.vn/threads/286672-Hội-An-Đà-Nẵng-Huế-Quảng-Bình-(29-05-06-2016)

13879439_1123539391049517_872146304521861879_n.jpg


Một chiều bên dòng Đăkrông
 
Re: Thăm những vùng địa sử (Hội An- Đà Nẵng- Huế- Quảng Trị-Quảng Bình)

Có xe máy của chị Thủy vừa đưa cho mình đi theo bản đồ về đường Nguyễn Chí Thanh để ăn tô bún cá. Con đường này vốn nổi tiếng về bún chả cá, hay bún sứa. Mình nhớ địa chỉ mà lần trước anh bạn dẫn đi, tên quán là Hờn. Bún chả cá Hờn nằm không sâu trong một con hẻm đường Nguyễn Chí Thanh. Nhưng nơi đây rất nhiều người lui tới để ăn sáng, hay tối. Mình thật sự đánh giá đây không phải tô bún ngon, nhưng gọi là tạm được. Bởi nếu so sánh giữa bún chả Hờn, và bún chả cá ở Phan Rang thì vị rất khác. Trong tô bún cá Hờn có cả bí rợ, và bắp cải. Vị thì không ngọt, không mặn, có vẻ như họ muốn trung hòa. Nhưng về phần chả thì ngon, thêm phần chổ ăn sạch sẽ, nhân viên ăn nói đường hoàng. Tô bún thường lúc đó mình ăn 30.000 ngàn. Nói chung là giá nếu như đi du lịch là chấp nhận được. Nhưng nếu là người địa phương thì có thể hơi cao. Tính ra, mức sống của người dân Đà Nẵng cũng trội so với quê mình.

Quán bún chả cá Hờn
Địa chỉ: 113/3 Nguyễn Chí Thanh, Hải Châu, Đà Nẵng
Điện thoại: 0236 3810 307

Đối diện với quán bún là những quán cóc cà phê ven đường. Nó đẹp, thơ mộng mà cũng bình dị. Ghế xếp đầy, cứ việc ăn xong qua bên kia đường rồi tìm chổ ngồi. Ly cà phê sữa, hay đen cũng hơn 10.000 ngàn. Mọi thứ đủ đầy thì mình lên đường để qua Huế. Sáng nay hành trình là sẽ đi hướng đèo Hải Vân, khí về mới chung đường hầm. Nói chung mình vốn sống ở đồng bằng và sợ độ cao, nên đèo nào cũng sợ như đèo nào. Nhưng mình lại muốn thử cảm giác qua đèo Hải Vân bằng xe máy một lần, vì mỗi khi chỉ đi xe khách hay đi tàu hỏa.

Mình cố gắng lên dốc, rồi chạy thiệt chậm. Mình chạy một hồi thì gặp Hải Vân Quan. Mình cũng để xe phía dưới rồi trèo lên núi chụp hình cùng những người khách du lịch. Trời tháng 5 rất nóng, chỉ đi mới mấy bước chân mà mồ hôi đã rơi lộp độp. Biết đường còn xa nên thôi mình tiếp tục đi. Ngắm sơ cảnh biển từ trên cao mới biết đất nước mình đẹp đến nhường nào. Thật là bồi hồi xúc động khi ngang qua đây.

Hết đèo là mình tới đầm Lập An, rồi qua đèo Phước Tượng để về Huế. Mình không nghĩ, bây giờ đường xá thông thoáng như thế này. Ngày xưa đi thực tập phải qua đèo Phước Tượng. Giờ người ta cũng làm hầm, không cần đi đèo. Vừa tiện lợi, nhanh chóng mà không nguy hiểm. Nói về đầm Lập An thì đẹp biết thế nào để nói cho vừa. Cảnh sắc gì mà làm u mê , mình không muốn đi tí nào. Nhìn phong cảnh mà ước chi mình có ngôi nhà tranh như ở quê mình lợp toàn dừa nước. Mặt thì quay ra đầm Lập An để mỗi sáng tập thể dục, trông rau, bên hiên nhà nghe tiếng côn trùng, uống cà phê để ngồi viết bậy bạ chơi. Sống cuộc sống bình yên không muốn gặp ai nữa hết.

Đây là bài viết về đầm Lập An năm trước, mời mọi người cùng xem:
http://dulich.vnexpress.net/photo/anh-video/canh-dep-dam-lap-an-lam-say-long-du-khach-3418422.html

Tới Huế thì quá trưa, mình nhận phòng khách sạn ở kiệt 66. Đây là nơi cũng gần trung tâm gần đập đá ở Huế và bến thuyền sông Hương. Người chủ là chú Tri, đúng chất Huế. Ăn nói chỉ vừa mấy câu là biết con người có trình cao, và hòa nhã. Vợ chú hay làm mứt cho khách Tây ăn buổi sáng. Giá phòng mình rẻ nên lượt bỏ phần ăn sáng. Với lại mình là người Việt nên muốn tìm hiểu ẩm thực Huế nên cũng không muốn lấy loại phòng kèm ăn sáng. Mình chỉ cần phòng sạch, có chổ ngủ tốt là được.

https://www.booking.com/hotel/vn/phong-lan-guesthouse.vi.html
http://phonglanguesthouse.com/index.html

Giá phòng của mình là 250.000 ngàn. Mình nghĩ, các bạn nên gọi điện trực tiếp cho gia đình chú thì sẽ rẻ hơn. Chú nhìn hơi trầm lặng nhưng hỏi gỉ cũng chỉ. Mình nhớ chú và cám ơn chú rất nhiều, mình sẽ trở lại Huế và ở khách sạn của chú nếu có dịp.

14322582_104423420021180_1540568662872659968_n.jpg


''Huế chỉ bình yên chứ không buồn như ai tưởng''.
 
Re: Thăm những vùng địa sử (Hội An- Đà Nẵng- Huế- Quảng Trị-Quảng Bình)

Đọc bài ,lại nhớ Huế ,bà xã cứ đòi đi ra Huế lần nữa ,cám ơn bạn nhiều
 
Re: Thăm những vùng địa sử (Hội An- Đà Nẵng- Huế- Quảng Trị-Quảng Bình)

Đọc bài ,lại nhớ Huế ,bà xã cứ đòi đi ra Huế lần nữa ,cám ơn bạn nhiều

Dạ, không có chi chú ơi! Ai thương Huế con mừng. Còn ai thương Quảng Trị, Quảng Bình thì cùng viết với con.

Huế đẹp nhưng buồn da diết

Uhm, Huế tính ra cũng buồn bạn hén. Nỗi buồn nhiều hơn khi trời đang nắng chuyển thành mưa.
 
Re: Thăm những vùng địa sử (Hội An- Đà Nẵng- Huế- Quảng Trị-Quảng Bình)

Trưa ở Huế bụng đói cồn cào. Từ sáng đền giờ chỉ có tô bún ở Đà Nẵng, với ly nước mia ở Phú Lộc nên người rất mệt. Cảm giác hình như bị say nắng nên ngủ trong phòng không dậy được. Đáng lý ra, chiều nay đi thăm Đại Nội rồi đi qua chùa Thiên Mụ, sau đó ghé mấy nhà vườn gần đó vậy mà không đi đâu được hết. Mình nhớ chắc khoảng 3 giờ chiều mới ra khỏi phòng. Đầu tiên mình xin chú Tri tấm bản đồ và hỏi chổ ăn trưa. Chú đưa mình đến địa chỉ cơm bình dân của chị Tẹo. Quán cơm này là quán cơm ngon nhất trong chặng hành trình của mình. Cơm vừa ngon, thịt, và gia vị nêm giống như miền Nam. Chỉ có điều chén canh chua thì lạ quá. Giống như canh ngót thì đúng hơn, vì nó chua không chua, ngọt không ngọt. Ăn xong tính tiền chỉ có 30.000 ngàn cũng tạm chấp nhận, vừa lòng nơi xa xứ.

Quán Cơm Chị Tẹo
Địa chỉ: 59 Hai Bà Trưng, Vĩnh Ninh, Tp. Huế, Thừa Thiên Huế
Điện thoại: 0234 3825 365

Tiếp tục mình đi qua văn phòng của tạp chí Sông Hương để mua cuốn sách nói về chuyên đề A Lưới. Văn phòng ít người, trầm lặng, con đường cũng khá thơ mộng với những hàng cây rụng lá vàng cả con đường. Mình lấy hai cuốn. Một cuốn để dành làm kỷ niệm. Một cuốn sẽ tặng người chị ở Hội An. Nơi mà mình sẽ trở về sau kết thúc chuyến hành trình. Trong chuyến đi này mình cũng kịp mua cuốn ''Trước nhà có cây hoàng mai'' của chú Minh Tự. Trước lúc lên máy bay mình có gửi tin nhắn cho chú ''Con ra Huế, mang theo sách của chú vừa in xong. Thơm mùi giấy. Ước gì có chữ ký của chú và gặp chú ở Huế thì còn gì vui bằng''. Buổi chiều hôm đó, chú gửi lại cho mình một tin nhắn ''Con tới đâu rồi, qua văn phòng báo Tuổi Trẻ ở Tố Hữu cà phê với chú''.

Mình hẹn với chú 5h chiều. Bởi mình còn phải đi Đại Nội. Người bạn đi cùng chưa tới đây bao giờ nên hào hứng lắm. Hai đứa đi đến Đại Nội thì trời kéo mưa. Đến phòng vé thì có nhiều cách để mua, mình có thể lựa chọn từng điểm một hoặc mua luôn những điểm mình yêu thích và giá vé sẽ rẻ hơn ít. Mình chọn Đại Nội cho hôm nay, ngày mai sẽ đi Tự Đức, Thiệu Trị và lăng Minh Mạng. Bởi mình biết mai mình đi A Lưới sẽ qua những lăng đó nên chọn cho tiện đường về A Lưới trong ngày.

Nếu bạn mua vé có thể tham khảo trang này: http://hueworldheritage.org.vn/TTBTDTCDH.aspx?TieuDeID=52&TinTucID=363&l=vn

Thăm quan Đai Nội chưa được lâu thì mưa phùn kéo tới. Hai đứa vội tránh mưa rồi ngồi tâm tình. Nhìn cây cỏ cũng buồn, viên đá, nền gạch chuyển màu u tịch. Huế coi vậy mà buồn chứ chẳng chơi. Đi một vòng trong Đại Nội thì cũng ra đến cửa để lấy xe máy qua gặp chú Minh Tự. Hai đứa chạy lòng vòng rồi cũng gặp chú. Vừa đến nơi chú rất vui và bắt chuyện hồi lâu. Ngồi bên mưa nghe chú kể về những tháng ngày mới ra trường lên Đà Lạt viết văn, rồi lại về Huế. Nhà chú bên Truồi. Nơi này đẹp lắm, chú nói. Giờ chú về lại Huế. Chú đi xa, đi đâu cũng nhớ Huế. Nơi này buồn, nhưng coi vậy mà khó bỏ được. Nên từ đó chú mới chắc lọc ra tập sách'' Trước nhà có cây hoàng mai''. Đây là quyển sách đầy nhưng chưa đủ về Huế. Đọc chơi những phải giữ lại làm kỷ niệm và tham khảo sau này. Nói chung mình thấy sách hay, đến giờ sau một năm mà lâu lâu mình cũng đem ra đọc. Nó hay ở cái tình không trau chuốt, viết mà như nói, như kể rồi đặt tình vào đó nên đọc rất thấm bạn mình ơi.

13342935_1036729639730493_2835565951121024125_n.jpg


13335584_1036729636397160_4043040128159027707_n.jpg
 
Last edited:
Re: Thăm những vùng địa sử (Hội An- Đà Nẵng- Huế- Quảng Trị-Quảng Bình)

Nói chuyện với chú hồi lâu thì cũng phải chia tay. Bởi trời đã tối, mà chuyện tâm tình không có rượu nhiều khi không biết nói gì nhiều. Duyên mới gặp, gặp được mà quý biết tình này giấu vào đâu. Thôi thì cũng đành hẹn chú một ngày nào đó, có thể ở Huế hay Bến Tre quê mình hoặc ở đâu đó. Mình chỉ biết thế thôi....

Mình đi về khách sạn thì cũng đã tối. Hai đứa bỏ xe ở trước cửa rồi bằng ra đầu kiệt để qua đập đá ăn tô bún bò. Bạn mình ăn cay không được, với lại tô bún hôm đó không còn ngon như ngày xưa. Mình nhớ bà chủ dáng người như thế, bàn ghế cũng xếp như thế này mà sao phong vị lại khác xưa. Đúng là khoảnh khắc chỉ là một mà kỷ niệm lại giam mãi cùng thời gian. Mình trả hai tô bún giá 90.000 ngàn. Mình không bằng lòng đâu. Mình giận rất nhiều, mình không còn thương nhớ cái quán này nữa. Nhưng vẫn còn thương Huế.

Đêm đó mình đi xem ca Huế trên sông Hương. Nhưng buồn làm sao khi vừa bước ra đến cửa thì trời lại mưa. Bạn mình có biết mưa Huế đã buồn nay còn dai dẳng, dai dứt không thôi. Mình trở về phòng chờ đến hơn 9h tối thì không chờ được nữa nên thay đồ đi ngủ. Vì mai mình còn cả một chặng đường dài phía trước.

Một ngày với nhiều khoảnh khắc...mình mãi nhớ đến tận bây giờ.

13418867_1036220359781421_1221059481693581014_n.jpg


13330895_1036220976448026_934854155260792556_n.jpg


13346903_1036220086448115_242613369820283803_n.jpg
 
Re: Thăm những vùng địa sử (Hội An- Đà Nẵng- Huế- Quảng Trị-Quảng Bình)

Sau một đêm mưa tơi bời. Huế gần như đón một trận mưa rất lớn thì sáng hôm sau trời trong xanh. Kiệt 66 vẫn còn chìm sâu trong giấc ngủ dài. Chỉ những góc nhỏ trong kiệt là vài hàng quán đã bắt đầu một ngày mưu sinh. Đến Huế mình lại muốn nói thêm bún bò. Món ăn mà gần như dễ kiếm nhất vào mỗi buổi sáng. Ở đâu cũng thấy bán bún bò, nó hiện diện từ trong các kiệt, cho đến ngoài đường lớn hoặc vài ba hàng quán sang trong ở lòng thành phố.

Mình trả phòng và hẹn chú Tri sẽ về lại ngày mốt sau khi từ Quảng Bình về. Mình rất thích nhà nghỉ này, khung cảnh này, con đường này nên mình đặt thêm 1 đêm nữa khi trở lại Huế. Sáng sớm mình lại ăn bún bò. Mình nhớ quán nằm trên đường Nguyễn Du ngày xưa anh bạn dẫn đi, nhưng khi tới quán chưa mở cửa. Không biết quán còn bán hay chỉ bán buổi chiều. Mình lại đi lên Nguyễn Khuyến để ăn bún bò nhưng một tô bún giờ đã 40.000 ngàn. Chả cua rất ngon, móng heo thì giòn, nhưng sợi bún nhỏ không như miền Nam. Mình ăn vào hơi bị lạt miệng nên trả số tiền đó cũng bằng lòng.

1. Bún bò Ông Vọng
Địa chỉ: 05- Nguyễn Du (Có thể chỉ bán buổi chiều).

2. Bún bò Nguyễn Khuyến (Rất có thể là bún chả Phượng)
Địa chỉ: Đường Nguyễn Khuyến, quán sơ sài nhưng ăn được.

Sau khi ăn sáng, mọi thứ đã đâu vào đó mình tiếp tục lên đường về TT. A Lưới. Sáng nay mình chọn ghé lăng Khải Định, rồi băng qua QL 1A, để về lăng Minh Mạng. Sau khi thăm quan thì cũng gần quá trưa nên mình cứ theo quốc lộ 49 để tới cầu Mỏ Quạ. Từ đây mình đi qua vài con dốc nữa là tới đèo A Co. Đây là một con đèo đẹp và rất hùng vĩ trên núi rừng Trường Sơn. Mình thật sự chưa đi con đường này bao giờ nên mọi thứ điều háo hức. Một số đoạn ngắn mình có dừng lại chụp hình. Vì càng lên cao khi dừng lại nhìn xuống dòng suối heo hút mình rất chóng mặt. Nên cứ tiếp tục chạy, cho đến khi còn hai mươi cây số là tới TT. A Lưới thì ghé lại suối Par Le để ăn trưa, nghỉ ngơi.

14462886_1183909588345830_166909367985726393_n.jpg


14484952_1183908735012582_6213857845398230004_n.jpg


14448981_1183909078345881_3853545058525620212_n.jpg
 
Re: Thăm những vùng địa sử (Hội An- Đà Nẵng- Huế- Quảng Trị-Quảng Bình)

Trong đoạn này mình xin được phép nói về A Lưới và khu du lịch suối Parle. Bởi khi người ta nhắc tới A Lưới, là gợi cho mọi người nhớ đến những gì xa xôi lắm. Nhưng giờ chắc A Lưới đã thay da đổi thịt nhiều rồi. Mình thấy thị trấn A Lưới rất đẹp, nhất là hôm đó trời chuyển mưa nên không khí cứ lành lạnh. Ở đây, giờ người ta mang các giống cây trồng và rau sạch về thử nghiệm để cung cấp cho Huế và các tỉnh lân cận. Mình còn thấy một số hộ gia đình chuyển sang nuôi bò nhằm tạo thương hiệu về bò A Lưới.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng sốt sắng trong việc quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng hoặc du sinh thái. Mình thấy A Lưới là nơi có tìm năng du lịch rất lớn về mô hình homestay. Nơi này khí hậu trong lành, các dân tộc thiểu số sống cùng bên nhau tạo nên một vùng văn hóa đặc sắc. Ngoài ra các con suối, thác nước còn hoang sơ cũng rất độc đáo nếu giới thiệu đến du khách xa gần.

Mình biết tới suối nguồn Parle rất tình cờ, hình như mình thấy ở đâu đó khi tìm thông tin về A Lưới. Đây là điểm du lịch hoàn toàn mới nên chỉ có người địa phương đến vui chơi. Chính vì điểm đó mà thông tin ở Parle còn rất ít. Nhưng mình biết nếu đi qua TT. A Lưới sẽ đến suối nguồn Parle trước. Trước lúc đi mình có hỏi nhiều người nhưng họ cũng chỉ nghe chứ chưa đi tới bao giờ. Khi đi rồi mới biết, đường từ Huế lên suối nguồn Parle không khó. Mà mình chắc nếu mọi người có dịp đi ngang A Lưới thì nhớ ghé điểm này. Bởi vì nó còn hoang sơ và mọi thứ rất hữu tình. Con người ở đây làm du lịch địa phương nên rất chân thành. Mình nói vậy là vì ai đời đi cho thuê phao bơi mà có 5.000 ngàn. Mình muốn bơi bao nhiêu thì tùy. Trong con suối này có ngọn thác nhỏ tuông chảy những dòng nước trắng xóa và mát lạnh. Xung quanh con suối được bao bởi những khối đó bám đầy rêu. Trên cây chim hót, dưới suối nước chảy róc rách qua khe. Những sợi dây ven suối rũ xuống con đường nhỏ càng tạo nên huyền bí cho người lữ khách như mình.

Bên cạnh tắm suối không tốn tiền, không cần mua vé. Thì mọi người chỉ tốn 50.000 ngàn để thuê chổ ngồi trên nhà sàn lợp bằng lá cọ. Còn nếu mọi người đi đông có thể thuê luôn cả lều riêng. Ăn uống thì có cá suối nướng hoặc gà nướng được ăn cùng cơm lam. Muối hột được trộn cùng ớt rừng cay xè lưỡi mà mang đi chấm với thịt gà bản thì còn gì ngon hơn.

Mình nghĩ, sáng hôm đó tại điểm suối nguồn Parle là điểm nhấn trong chuyến hành trình của mình. Bởi nơi này hội tụ được hết tất cả những gì mà người đi du lịch muốn trải nghiệm. Mình hy vọng nếu các bạn có dịp thì ghé qua một lần cho biết.

Đây là bài viết đầy đủ về suối nguồn Parle năm đó, mọi người có thể tham khảo: http://dulich.vnexpress.net/photo/anh-video/ngay-he-ve-a-luoi-tam-suoi-par-le-3418029.html

Ngoài ra, nếu mọi người cần gì thêm có thể vào trang này để hỏi thêm thông tin chi tiết: https://www.facebook.com/suoiparle/?fref=ts

14355090_105576326572556_160071705568976942_n.jpg


14355747_105576239905898_8921262676181794712_n.jpg


14390796_105576466572542_8395913921536118685_n.jpg


14441060_105576493239206_750089332942242491_n.jpg
 
Re: Thăm những vùng địa sử (Hội An- Đà Nẵng- Huế- Quảng Trị-Quảng Bình)

Nếu ai muốn ở lại TT. A Lưới một đêm thì đó cũng là ý kiến hay. Bởi vì thị trấn này có rất khách sạn và hàng quán ăn uống. Nói chung đường sá quy hoạch rất rộng rãi. Điểm nhấn của thị trấn chắc là nhà sinh hoạt cộng đồng và thác A Nor gần đó. Mình không ngủ lại thị trấn mà về Đăkrông để thăm anh bạn bên Quảng Trị. Từ suối nguồn Parle lúc đó cũng 3h chiều, mình về A Lưới rồi đi tiếp qua nhà văn hóa cộng đồng của huyện sau đó thăm thác A Nor. Ngoài trời lúc này đang chuyển mưa, mình rất lo sợ nhưng lỡ đi rồi biết bao giờ quay trở lại nơi này nên phải ghé thác A Nor cho bằng được. Đường về thác A Nor cũng khá dễ đi, qua thị trấn khoảng một đoạn thì bên tay phải trên đường Trường Sơn hướng về Quảng Trị có biển chỉ dẫn vào thác. Mình nghe kể, ngày xưa đường vào rất khó đi nhưng giờ được chính quyền sửa sang lại nên dễ hơn nhiều lần. Thêm vào đó là cầu dây dẫn vào thác được làm khang trang nên đi lại thuận tiện hơn không còn nguy hiểm cho khách du lịch nữa.

Đọc sơ qua thì thác A Nor hùng vĩ bởi thác cao khoảng 25m. Xung quanh thác với những hàng quán được lợp bằng lá cọ, và khách du lịch ngồi trên nhà sàn. Mình đến đây đã chiều tối nên mọi người bắt đầu dọn dẹp gần hết. Chỉ còn mình là lang thang đi xuống thác nên rất sợ. Người bạn đi cùng phải ở ngoài giữ xe máy, vì chiều tối người ta không còn giữ. Trời đã về chiều, không khí rừng rất ảm đạm, thêm phần mưa rơi li ti nên rất lạnh. Mình cố gắng đi xuống thác thì nhìn thấy còn vài người khách du lịch đang nhậu chưa về nên cũng bớt sợ. Tranh thủ chụp vài tấm hình rồi đi ngay, vì mình còn phải đi về Quảng Trị.

Khi ra lại đường Trường Sơn mình bắt đầu qua những bản làng. Khung cảnh này nhìn rất buồn, ánh chiều hoàng hôn dần buông xuống phía sau đồi. Mình thấy người dân ở đây ngồi trước cửa rồi nhìn bâng quơ. Có người đang gánh mấy trái bắp đang trên đường về nhà. Có mấy chú đang dẫn bò ăn cỏ về lại nhà sau một ngày đi ăn đồng xa. Qua hết con đường bằng phẳng thì mình qua đèo Pêke. Con đèo này đối với mình là một con đèo khá nguy hiểm, vì đồi dốc chập chùng. Mình đã nói, vốn mình không quen đường đồi núi nên mình rất sợ. Ngoài trời thì đang mưa, mình rất sợ sẽ bị hư xe hay cướp giữa đường. Suốt cả đoạn đường duy nhất mình gặp hai người đàn ông bận áo vô thùng nhìn rất lịch sự, một xe bán tải và một vài người địa phương. Ngoài ra mình không ai nữa hết. Không hiểu sao, khi đỗ đèo qua bên kia thì trời trong xanh và không có tí mưa nào hết.

Đi một hồi mình gặp một bản làng nhỏ, ở đó mấy đứa con nít đang chơi đùa rất vui. Mình dừng xe lại và lấy kẹo ra cho mấy đứa. Mấy đứa thích dữ lắm, mà nói toàn tiếng người dân tộc nên mình nghĩ chắc mấy đứa khen ngon. Nghĩ cũng buồn, mà cũng thương mấy đứa. Nhưng mà có khi như vậy lại hơn, sống cuộc sống không phải nhiều lo âu. Miễn mấy em thấy vui và hạnh phúc bên gia đình của mình thì dù có sống ở đâu cũng thấy vui mà.

Đường về Quảng Trị hôm đó có đi ngang bản Tà Rụt. Nơi đây có nhiều ký ức với mình từ nhiều năm về trước. Chuyến đi đến Tà Rụt của mình cũng rất lâu rồi. Đêm hôm đó mình ngủ lại này để thăm người dân tộc nhưng không thành vì nhiều vấn đề phát sinh trong chuyến đi nên mình thuê nhà nghỉ để qua đêm. Sáng hôm sau mình về lại Quảng Trị. Nhưng không biết chuyện gì xảy ra đêm đó mà toàn thì trấn cúp điện, tivi trong phòng khách sạn của mình bị nổ tung. Điện thoại bạn mình đang sạc pin trong phòng năm đó cũng bị nổ hư. Nói chung mọi thứ ngoài tầm kiểm soát, chủ khách sạn cũng sợ nhiều lắm.

Đêm đó ngoài trời đang mưa. Cả thị trấn Tà Rụt chìm vào màn đêm yên ả. Mọi thứ chỉ còn đủ nghe tiếng mưa, ngoài ra không còn tiếng gì nữa. Vậy mà, chỉ sao một đêm trời trong xanh và mát rượi. Thị trấn Tà Rụt lại trở về những ngày bình yên như mình từng đọc đâu đó trước khi đến đây.

Chiều hôm đó, mình có ghé lại nhà nghỉ nơi mà mình đã ở ngày xưa. Mình hỏi cô còn nhớ con không. Cô trả lời không. Nhưng khi nhắc lại câu chuyện xưa thì cô lại nhớ. Mình rửa mặt và mua một lon nước ngọt, rồi tranh thủ lên đường vì giờ cũng đã gần 5h chiều mà mình mới tới Tà Rụt. Bởi nơi mình ghé là dốc 35km, đường 9 Nam Lào ở Đăkrông. Nơi mà anh Quang đang chờ mình để ngồi cùng nhau uống ly rượu thơm nồng ấm áp tình thân.

13312645_1034817206588403_2144974007182256896_n.jpg


14462990_109218689541653_6381845065962540504_n.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,191
Bài viết
1,150,458
Members
189,949
Latest member
lifecarenutritions
Back
Top