Chúng tôi đến với Thổ Hà vào một buổi sáng mưa bụi, mặc dù trời mưa nhưng vẫn không làm nản lòng mấy tay cầm máy. Đứng trên con đò thấy mưa vây xung quanh tai nghe rõ tiếng khỏa nước hai bên. Qua con sông này chúng tôi sẽ đặt chân lên một trong ba ngôi làng gốm cổ của Việt Nam, từ mấy thế kỉ trước cư dân ngôi làng đã có nghề làm đồ gốm. Gốm Thổ Hà từng theo thuyền bè xuôi ngược sông Cầu đến mọi miền đất nước. Vậy mà giờ đây, dấu tích nghề gốm thịnh vượng xưa kia dường như chỉ còn vương lại đâu đó trên bức tường những ngôi nhà cổ được dựng nên bởi vô vàn mảnh gốm vỡ.
Ngay bến đò là cái chợ con duy nhất của cả làng, không xô bồ ồn ĩ giống như những chợ cóc ở Hà Nội, chợ Thổ Hà lưa thưa mấy hàng thịt lợn, dăm ba hàng rau, hoa quả … một vài hàng quà vặt. Cũng không có lời mặc cả gay gắt, gần như tất cả mọi người biết nhau họ vừa mua hàng vừa trao đổi câu chuyện với nhau, cái vẻ thân thiện đó không phải chỉ có người trong làng với nhau mà họ còn thể hiện với những người khách lạ vào làng như chúng tôi.
Qua chợ chúng tôi tiến tới cổng làng, cái cổng này là chỗ thu hút nhiều tay máy tác nghiệp, bởi nó còn nguyên dáng dấp của một cái cổng làng từ thời xa xưa. Mặc dù bây giờ người dân làng tận dụng nó để phơi bánh đa.
Trời mưa những phên phơi bánh đa được thu lại nằm ép với nhau, có cậu nhóc được ngày chủ nhật không phải đi học tranh thủ phụ giúp ba mẹ tất tưởi thu các phên bánh đa lại, đợi có nắng lại mang ra phơi. Cậu nhóc cũng giống như những đứa trẻ khác ở Thổ Hà, ngoài lúc đến trường thời gian còn lại là lúc phải giúp ba mẹ.
Người dân Thổ Hà vẫn còn nghèo, khi mà nghề gốm cổ truyền không còn giúp được họ có cái ăn cái mặc nữa họ buộc phải chuyển sang làm nhiều nghề khác mà hiện tại là nghề làm bánh đa nem. Làm bánh đa nem ghét nhất những hôm trời mưa như ngày hôm nay, không được nắng thì toàn bộ những phên bánh kia sẽ bị bỏ hết và họ sẽ làm lại từ đầu.