What's new

Thung Nai dưới các góc nhìn

Sau 3 tuần kể từ buổi offline hò hẹn đi Hà Giang dịp Tết, mục tiêu Thung Nai nổi lên, đè bẹp hoàn toàn cái mục tiêu chính ban đầu… 3 buổi náo loạn quán Hai Cây Dừa, 43 trang bàn dân thiên hạ “chém gió” nhau loạn xạ trên forum, đúng giờ G, chuyến đi được tổ chức theo “nguyên mẫu”. Chuẩn dự báo của Gia Cát Dự, trời quang mây tạnh, nắng như thể chứng minh rằng không phải chỉ mỗi mùa hè nắng mới vàng như thế. 34 mạng tụ tập khiến Bách hóa Thanh Xuân có được không khí ồn ào, náo nhiệt như Big C dịp Tết đến: người già - đứa trẻ, kẻ mùa đông - đứa mùa hè, người quen nhau – kẻ lạ lẫm, nhưng tất cả đều hớn hở, vui tươi, trống dong cờ mở chuẩn bị lên đường. Tranh thủ “tạo mẫu” lúc ai nấy đều còn “sạch sẽ”, chưa “vướng bụi đường”, ảnh chụp rõ tươi…

Phương AFang dẫn đoàn, Mr Quang Tèo chặn chốt, gia đình Hải béo được phân công đi chính giữa cho khỏi bị “bệp bênh” (hihi…). Xế của tớ là anh bạn đồng nghiệp cùng cơ quan, yên tâm nhá - “chu đáo, tin cậy, 77 Hàng Hành (gần gần Hàng Đào thôi)”. Đoạn đường khởi đầu là chen chúc người xe ra khỏi thành phố, khói, bụi, xe tải và nắng chói chang… 2 anh em tớ đành thửa đôi kính đen to bự nhìn tuy hơi mafia một tí nhưng bảo vệ được đôi cửa sổ tâm hồn. Chặng nghỉ đầu tiên, cạnh vệ đường trước quán ăn nhỏ có cây trứng cá râm mát, mấy cô bé bán hàng bên kia đường thập thò nhòm ngó: “đoàn bên kia đường đi đâu mà lắm cờ thế nhỉ, không biết là đoàn gì…?” Tớ đẩy gọng kính, ra chiều hình sự: “dẫn đoàn đấy, đi “hoạt động xã hội”…” (hihi) rồi không giải thích gì thêm, nghiêm trọng xốc lại cái ba lô, hiên ngang sang đường, bỏ lại sau lưng mấy đôi mắt tròn mắt dẹt… Hehe, thì mỗi con xe của đoàn tớ đều được cắm một lá cờ đỏ phấp phới mà, mục đích chính là để nhận ra nhau, nhìn nhau mà đi, nhưng mà cuối cùng lại thu hút sự chú ý của dư luận. Lâu lắm rồi, kể từ ngày thấy mình hết trẻ đến nay(đấy là dùng từ giảm nhẹ chứ đúng ra phải là “từ lúc thấy mình già”) mới lại “dám” “gây sự chú ý nơi công cộng” như thế, thôi thì a dua theo bọn trẻ chút vậy! Lần nghỉ thứ 2, mũ bảo hiểm của tớ bị rơi bõm một phát xuống vũng nước, bác xế của tớ vớt lên, sau vài động tác “kiểm nghiệm”, trịnh trọng tuyên bố: “em yên tâm, có vẻ không có “chất thải độc hại”…” hix! Lần nghỉ thứ 3, tại một cua đường đèo khá thơ mộng: sau hơn 20p dành cho sự nghiệp tạo dáng từ dáng đứng bến tre, bến trúc, đến dáng bụi mía, bờ khoai, hết cười mỉm, cười nụ đến cười xòa cười hoa, cười toe toét, tạm thời dừng tác nghiệp, cả nhà mới sực nhớ ra Thành Vespa với em ves xanh nước biển mộng mơ vẫn chưa cán đích. Sau một hồi quy cán trách nhiệm cho Mr Tèo vì chốt đoàn mà toàn để mất đuôi, cả đoàn nhất trí đề cử AFang và VjtB cưỡi 2 con xe đỏ đi hộ tống em Vespa cập bến an toàn… Cuối cùng, trong không khí đón tiếp trang trọng, nồng nhiệt của cả đoàn, em Vespa đã ung dung, lả lướt xuất hiện, vừa đi vừa uống lavie, nhả khói như bác Tèo hút thuốc lào… Còn thời gian, cả đám kéo nhau lên tham quan đập thủy điện Sông Đà, thăm tượng đài Hồ Chủ Tịch. Đi tự túc, không có tổ chức bảo lãnh liên hệ nên bọn tớ chỉ vào được vòng ngoài công trình thôi, không được tham quan các tuốc bin, tổ máy bên trong. So với thủy điện Ialy, thủy điện Sơn La đang xây dựng thì công trình thủy điện Hòa Bình cũng không phải lớn lắm, nhưng nhìn tổng thể một công trình cũng phải thừa nhận sức người, sức của bỏ vào thật không nhỏ… Lên thăm tượng đài Bác Hồ, cách đó khoáng 1km, hình Bác đứng sừng sững, bàn tay phải mở ra, hướng xuống dưới, ánh mắt lại nhìn ngang, chếch sang hướng bên kia, thoạt nhìn có vẻ “khó hiểu” nhưng thực ra gắn với tích rằng: đi qua nơi đây, Bác chỉ xuống dòng sông mà rằng: “Con Sông Đà tuy hung dữ nhưng nếu biết khai thác, đây sẽ là một tiềm năng quý giá của nước nhà…”. (nghe giang hồ đồn thế…)
5h chiều, cả đoàn dừng xe trước bến Thung Nai. Một dãy khoảng 4,5 quán nhỏ, hàng hóa lèo tèo nằm ép sát chân núi… Một con đường độc đạo… Một bến tàu mênh mông như cửa biển… Du lịch ở đây thực ra chỉ dành cho đám khách bụi đi đổi gió, hưởng cái không khí của núi non,sông nước. Các địa danh được coi là điểm du lịch hầu như chỉ là những điểm sinh hoạt cộng đồng của mỗi vùng: chợ, đền, chùa,…. Gửi xe xong, cả đoàn đổ bộ lên một con tàu nhỏ, rẽ sóng ra đảo… Hồ nước này nằm trong quần thể hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình. Không phải mùa lũ, lại chỉ là hồ chứa, được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp nên mặt hồ lặng sóng, khá yên ả. Ánh chiều tà rực rỡ, con tàu nhỏ bé trong nắng và nước. Cô bé con nhà chủ tàu trong sáng, thánh thiện như thiên thần…
Ở đây, mỗi nhà dân đóng tại một khu đất dựa lưng vào núi, sát mặt lòng hồ, lối đi duy nhất là đường thủy, vượt hồ vào đất liền, vừa sống vừa kinh doanh chỗ nghỉ cho du khách. Theo gợi ý của quân sư Mr Tèo, đoàn mình chọn thuê nhà nghỉ của một bác tên Tuy, chưa có “thương hiệu” như bên Cối Xay Gió. 2 căn nhà sàn, mỗi căn có sức chứa trung bình khoảng 30 người (tối thiểu tất nhiên bằng 0, tối đa thì vô cùng lắm…). Bữa tối, khá “sung túc” so với số tiền hạn hẹp, rượu uống thì vô biên, kiểu như “của nhà trồng được” vậy. Mâm mình, bác Du Tử còn mang theo một cút rượu thuốc ngâm gì đó… Cũng như mọi lần đi chơi, không có nhiệm vụ nên mình không uống. Tuy nhiên, để không làm mất hứng của mọi ng, em Kùn và mình nhanh tay thửa chai Lavie, cũng rót ra, nâng lên đặt xuống như ai. Làm thằng ku em VjtB nghe lời xúi bẩy của người nào đó (bít là ai rồi đó nha) sang mời mình, thấy bà chị làm hơi hết sạch bách cái ly nước trong veo, nó thất kinh hồn vía một đi không bén mảng quay sang mâm mình phát nào nữa (hehe)…. Giành được cái lều tốt, kín gió nhưng đoàn mình bị hụt mất bãi đất đẹp để đốt lửa trại. Nhưng được cái nữa là bên mình lại có dàn karaoke tuy hơi bị kém nịnh giọng nhưng nghêu ngao thì cũng tàm tạm. Chờ đến giờ G, cả đám bật mic, phát hiện được mấy giọng hát to, tay đàn khỏe – rocker Tèo này, giọng ca ẩm ướt của Thành ĐN này, ngọt ngào của Thái Thu Thủy này... Sau đó là tụ tập trên boong tàu mở hội thi … chim (nhắc đến chuyện này mới biết chưa phải cứ có mới biết à nha…hehe). 22h30, cả nhà rồng rắn kéo ra bãi cỏ sau nhà đốt lửa trại, thui con lơn xấu số. Nhờ bác Tuy chủ nhà, cả đoàn xử được chú lợn mường 17kg, mỡ màng, trắng trẻo (huhu, thương nó quá). Dựng bếp, đốt lửa xong thì phát sinh ra vấn đề là bãi cỏ khá rậm rạp, không có ghế, không thể trải bạt, mà cứ thế hạ bàn tọa xuống thì e lúc đứng lên, một số vị khách không mời có thể xâm nhập bất hợp pháp vào một số nơi. Chưa kể nguy cơ cái loại bò sát không chân có thể xuất hiện bất ngờ, tợp cho vài cái thì xong… Thế là cả đám quyết định chọn phương án tạm hoãn cái sự sung sướng rút về hậu cứ đợi bãi đất trên vắng bóng người thì lên nhậu nhẹt. Gia Cát Định hiến kế “giả hòa” lên giao lưu với nhóm bạn, chờ thời cơ cướp chính quyền. Nhóm bọn tớ thì lang thang lên “nằm tựa mạn thuyền”, ngắm trăng bàn chuyện chú Cuội. Trăng thanh gió mát (lạnh), sơn thủy hữu tình, thời khắc này mà lênh đênh giữa lòng hồ thì không còn gì thú vị bằng. Nói là làm, đám bọn tớ dò dẫm xuống cái thuyền nan nhỏ xíu âm mưu nhổ neo nhưng nhìn đi nhìn lại, chả ai có dáng cầm cái mái chèo cho ra hồn cả. Chả nhẽ lại cứ cố thủ trong cái thuyền bé tí tẹo đó, nghển cổ mà ngắm trăng thì thật chả phải thượng sách, bọn tớ lại lóc cóc chui ra, mò lên boong tàu lớn đếm sao, chờ đợi người hùng đến rước đi vãn cảnh. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, người hùng đến trong hình bóng của Mr Tèo. Cũng chả đứa nào biết bác ý có biết chèo thuyền không nhưng mà nhìn cái vẻ hùng dũng phi một bước lên thuyền, ngồi tõm một cái vào vị trí người lái đò, thế là cả đám bọn tớ tranh nhau phi xuống, cuống cuồng, vội vã tháo dây buộc, nhổ neo kẻo cái bọn chậm chân đang chạy rầm rập trên bờ nó nhảy lên nữa thì hết đi. Hồi hộp nhìn con thuyền dần chuyển động, chậm rãi rẽ nước ra xa. Trời đêm rằm, tuy trăng không được sáng vằng vặc như trong truyện nhưng cũng đủ tỏa làn ánh sáng mềm mại, nhẹ như tơ, mỏng như khói xuống mặt hồ, tạo lên màn nước bàng bạc, sáng lấp lóa. Không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng vỗ nước oàm oạp của mái chèo và tiếng cười trong trẻo của mấy đứa “trẻ” trên thuyền (là trừ tớ ra nhé). Đếm lại có đúng 6 mạng trên thuyền, chẳng may có “mệnh hệ” gì là vừa đủ 1 mâm, khỏi sợ lạc. Ku Hoàng có ý tưởng đi lòng vòng men theo bờ đi hết 1 vòng hồ (bé này thuộc loại có ý tưởng mơ màng gần bằng những suy nghĩ trong sáng chưa vướng bụi trần của nhóc VjtB – sau 2 vụ cafe, anh Thắng với tớ đưa ra kết luận rằng VjtB thuộc loại còn “nguyên sơ”, trong sáng như tờ giấy trắng chưa bị vẩy mực – nhưng mà cứ thử xem, nó mà ra trường đi làm khoảng 2 năm thì khéo còn đen tối hơn tớ bi giờ ý chứ - đời mà…). May mà bác Tèo bác ý không chiều nó, vẫn vững tay chèo ra đến giữa hồ rồi thả mặc “dòng đời xô đẩy”, con thuyền dập dềnh theo bóng nước. Được một lúc thì mấy đứa trên bờ gọi ời ời bắt về, cũng tạm no cảm giác lãng đãng du thuyền dưới trăng, bọn tớ về bờ - hiên ngang như anh hùng trở lại, oai phong, kiêu ngạo như làm được việc chả ai được làm, hớn hở như trẻ con được đi chơi xa, xụ xị như mắc lỗi đang tránh bị chịu phạt (vì bác chủ và cả đoàn xíu nữa thì tổng xỉ vả cả hội một trận vì cái tội liều lĩnh không tính đến hậu quả - may mà có bác Tèo vẫn là hot boy của đoàn từ đầu nên bàn dân vuốt mặt cũng phải chừa ra cái trứng cá, không dám mắng mỏ nhiều, cả đám thoát tội theo…).
 
Last edited:
Gần 00h sáng, lên bờ vừa kịp lúc con heo mường nó đánh vật với ngọn lửa đã đến hồi thua cuộc (khi bọn tớ rút về hậu phương thì anh cháu bác chủ nhà vẫn tiếp tục nhen ngọn lửa nướng cho bọn tớ 17kg heo béo múp mà). Bọn tớ hì hục giúp anh ấy khiêng thành quả xuống âm mưu mổ xẻ nhưng hóa ra nó vẫn chưa chín, nhà hàng xóm vẫn chưa chịu đi ngủ. Sau một hồi thương thuyết với bác Tuy và chị Huệ chủ nhà, bọn tớ được phép đốt đống lửa khác ngay trên sàn sân xi măng trước nhà. Rượu cần được bưng ra, lục phủ ngũ tạng của chú heo tội nghiệp cũng được mang ra đánh chén trước. Đang “vào tầm” thì nhà có khách – đoàn của Vũ Thanh Minh bên Cối Xay Gió đổ bộ sang chơi. Ý thức vai trò chủ nhà, và dù có phải “nhịn miệng đãi khách” thì với tinh thần bốn bể là nhà, gặp nhau là anh em, cởi mở, hòa đồng vốn có của dân “phượt”,( còn nếu nói một cách hình thức như tớ vẫn phát biểu mỗi lần đi hoạt động Đoàn thì là “với nhiệt huyết tuổi trẻ, sự năng động, nhiệt tình, tinh thần giao lưu, học hỏi và truyền thống đoàn kết của ngành, nhằm mục đích trau dồi, mở mang kiến thức, trao đổi kinh nghiệm công tác…vvvv.), bọn tớ cũng cố gắng tỏ lòng hiếu khách, chu đáo hết mức để cám ơn các bạn đã không quản ngại hiểm nguy gian khó vượt không gian (cả hồ nước mênh mông) và thời gian (đúng thời khắc trời đất chuyển mình, vạn vật đón ngày mới) (hixhix) để sang đây. Màn chào hỏi quen thuộc, rồi chơi trò chơi với 2 cái khăn và miếng thịt lợn – chọn 2 người từ 2 đoàn, tất nhin là khác giới roài, 1 miếng thịt lợn -> oản tù tì để chọn người đút, người ăn -> bịt mắt cả 2 lại -> cho xoay mấy vòng, rồi người thua cầm miếng thịt, theo sự chỉ dẫn của cả đoàn bên ngoài, làm sao đưa được miếng thịt vào miệng người kia… - Hix hix, đúng là hết trò… Tuy nhiên điều kiện để một buổi giao lưu thực sự thành công cũng chưa được đầy đủ lắm – thiên, địa, nhân đều không hoàn toàn ủng hộ, mình chỉ có thể tự chấm điểm ở mức “hoàn thành nhiệm vụ” (còn mức hoàn thành tốt với hoàn thành xuất sắc thì chưa đạt). 1h30 sáng, đoàn khách lên tàu về nước, còn lại “thủ lĩnh” đoàn Vũ Thanh Minh, 1 cậu có khuôn mặt trẻ thơ và bạn Kiên Lào (bạn Kiên này khiến mình vô cùng ấn tượng vì bạn đó chắc sau thời gian dài tu nghiệp bên Lào, nay về quê hương nghỉ Tết, tranh thủ “phượt” vài chuyến, chuyến đi này, chả biết đoàn bên đó ăn chơi ra sao mà đến giờ giọng nói đã bị mất đến khoảng 90%, nỗ lực lắm mới lào khào được câu nói bạn ý “đồng niên” với mình. Thế mà nhiệt hết cỡ, dùng mọi hình thức giao tiếp có thể để tham gia câu chuyện – bạn này hay, nếu có dịp sang Lào, nhất định mình sẽ liên lạc với cậu ấy). 3 bạn quyết định ở lại tiếp tục luận bàn chính sự, sẻ chia cảm xúc những chuyến đi với đại diện đoàn mình….
7h sáng, dậy không cần tỉnh dậy vì có ngủ đâu mà thức giấc. Bữa sáng thoải mái với mì tôm trứng không giới hạn số lượng. Dịch vụ ở đây thật thà như đếm đúng vậy đó, bạn đã đặt “trọn gói” ăn nghỉ thì bao nhiêu người, mỗi người ăn bao nhiêu không quan trọng, cứ gọi là có người bưng đồ ăn ra, hết lại gọi, như niêu cơm của Thạch Sanh vậy… 8h, bắt đầu lênh đênh tham quan những điểm du lịch xung quanh. Đầu tiên là Chợ Bờ - theo giải thích kiểu “củ chuối là chuối củ” của tớ thì “ờ thì chợ ở trên bờ gọi là Chợ Bờ”, “Thế còn Thác Bờ?” “ Ờ thì thác có bờ gọi là Thác Bờ” hờ hờ - dân tình chỉ có nước kêu “pó tay”. Chợ Bờ là khu chợ nằm ngay trên một triền núi sát mép hồ. Chợ chỉ mở 1 tuần/ 1 phiên vào sáng chủ nhật, hàng hóa ít, chủ yếu là nhu yếu phẩm dùng sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên không biết có phải bọn tớ bình minh hơi muộn không mà lúc đến nơi thì chợ đã vắng như chùa bà Đanh, chả có hàng quán bán mua gì nữa. Con dốc hẹp qua khu chợ, đoạn dốc với những đám tre luồng rậm rạp làm tớ nhớ lại cảm giác leo Fan thế không biết (lúc này mới biết có những chú không biết cây tre với cây luồng nó khác nhau thế nào, hihi… ) đưa bọn tớ đến một khu dân cư có vẻ khá đông đúc. Ngoài việc ngay sát mép đường, thấp xuống tầm 5m (do đang là mùa nước cạn) là hồ nước mênh mông thì khu này không khác những khu dân cư làng quê dưới xuôi là mấy – nhà cũng xây bằng gạch, có cổng sắt, nền lát đá hoa, những bậc thềm vuông vắn, mái ngói đỏ hoặc đổ trần, chẳng thấy xuất hiện căn nhà sàn hay nhà gỗ nào. Cuối khu nhà chính là đền Bà Chúa Thác Bờ. Đây là một trong 52 di tích lịch sử cấp Tỉnh được công nhận của tỉnh Hòa Bình (theo QĐ số 17/1998/ QĐ –UB ngày 24/3/1998 của UBND Tỉnh Hòa Bình). Đền Bà chúa Thác Bờ thuộc địa phận Xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, Hòa Bình, được Vua Lê Thái Tổ xây dựng để thờ bà Đinh Thị Vân – người đã từng có công cung cấp lương thảo, vũ khí cho đoàn quân của Lê Lợi đánh giặc năm 1431 tại đèo Cát Hãn. Đến đền chùa, thường thường tớ chỉ thích đi thưởng ngoạn và tìm cảm giác thanh thản, bình an cho tâm hồn, không hay xin xỏ, cầu nguyện nhiều…. Chả biết nữa, nếu cứ xin nhiều mà được thì biết đâu… Nhà thuyền đã sang đợi sẵn, bọn tớ xuống thuyền ngay tại bến tàu dưới chân đền. “Kịch bản” gần giống như ở Hạ Long vậy. Núi đá sừng sững, nước mênh mang, hang động kỳ bí. Tất nhiên ở đây, nước chỉ là nước hồ, núi đá nhỏ hơn, hang động ít hơn, và quan trọng hơn, nơi đây không phải là khu du lịch nổi tiếng như Hạ Long – sạch sẽ và đơn sơ hơn nhiều nhiều… Điểm tiếp theo thuyền bọn tớ cập vào lại là một đền liền chùa cũng là tên Thác Bờ nữa. Vẫn sự tích cũ, những kiến trúc phần lớn mới được xây dựng lại… Sau cùng, chúng tớ đến thăm động Thác Bờ. Bước xuống thuyền, bạn đặt chân lên mặt những lồng cá bè làm bằng tre nứa, ống luồng chắc chắn. Vào trong, giống như sảnh đón tiếp là căn lán có mái che nối vào thân một con thuyền, vừa là một quán ăn vừa là nơi đón khách, vừa như “trạm thu phí”. Ở đây có một chú tự xưng là họ Hồ, cũng theo chú ấy thì đó là dòng họ “quý hiếm”, nổi tiếng với nhiều nhân sĩ tài ba trong lịch sử (mà cái lũ con cháu khả ố chúng tớ ngồi kể ra một loạt từ Hồ Qúy Ly, Hồ Tùng Mậu đến … Hồ Chủ tịch (hix, thiếu điều chúng nó kể ra cả Hồ Núi Cốc nữa thì thôi…). Chú họ Hồ nọ kể, chú ấy nguyên là cán bộ phòng Văn hóa, sau được điều đến đây quản lý khu di tích kiêm luôn làm hướng dẫn viên tại khu động Thác Bờ này. Khi phá núi, ngăn dòng xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, hầu hết các khu di tích cổ xưa đều đã bị phá hủy. Hàng trăm mỏm đá như đàn voi dữ nhấp nhô trong sóng nước xưa kia đã phần lớn bị ngập chìm trong nước, chỉ còn lại một số ngọn đá lớn sót lại cô độc trên mặt hồ mênh mông. Các điểm di tích được xây dựng lại trên nền cao hơn so với vị trí cũ, hoàn toàn mới về kiến trúc và quy mô, lịch sử cũng được thay đổi đi nhiều. Khu động Thác Bờ hiện tại bao gồm 2 phần, chia 2 tầng. Tầng 1 như “động hầm”, chỉ xuất hiện vào thời điểm nước rất cạn, 3/4 thời gian trong năm bị ngập chìm trong nước. Tầng 1 rộng, gấp 13 lần diện tích tầng 2, bao gồm hệ thống hang động với nhiều kiến trúc đá tự nhiên, những thạch nhũ hình thù kỳ lạ, những mạch động ngoắt nghoéo giữa thân động khá rộng. Tại điểm hẹp nhất, bề ngang động khoảng 7m, tại nơi rộng nhất, bề ngang động lên tới 41m. Tiếc là tại thời điểm này, toàn bộ tầng 1 bị ngập nước, bọn tớ không vào được. Qua cây cầu phao bằng tre luồng nhỏ xíu, đung đưa, dập dềnh, bọn tớ đến cầu thang lên tầng 2. Đây là khu thờ tự, gồm toàn bộ những kiến trúc mới xây, những bệ thờ, pho tượng, hệ thống ánh sáng, đèn điện, tòa sen, ngai tháp… Tớ hoàn toàn không có ý báng bổ gì, cũng chẳng phải đứa có kiến thức về tôn giáo sâu sắc lắm nhưng chả hiểu cao cứ thấy cách bày biện, trang trí ở đây “thế nào ý” (vụ này bàn sau…)…. Hồi đầu chuyến đi còn hứng thú chụp ảnh, cơ bản là lấy hình ảnh đại diện và chủ yếu là chụp ảnh để nhớ mọi ng trong đoàn thôi chứ qua cái tuổi nặn đủ mọi điệu cười, tạo đủ các dáng đứng như người ta uốn “đào thế” để chụp hình mỗi điểm đến rồi. Đúng là dấu hiệu tuổi già, chứ ngày xưa đi đâu tớ cũng chăm tạo dáng chụp cá nhân lắm cơ… Trên đường về, chúng tớ rẽ qua tham quan “lại mặt” đội khách tối qua bên Cối Xay Gió. Một nhà nghỉ khá lớn, quy mô và hiện đại hơn bên tớ nghỉ, đang được xây dựng thêm một số căn khác nữa. Chình ình đập vào mắt từ xa là những cánh quạt lớn của mô phỏng chiếc cối xay gió. Bên khu này có một hệ thống nhà nghỉ từ nhà tầng xây gạch đến nhà sàn bằng gỗ, khu “ban công” có ghế đá hướng thẳng xuống hồ, thêm cái kiến trúc hình trụ tròn, có ba tầng với cầu thang uốn lộ thiên bên ngoài mà gia chủ gắn lên đó cánh quạt đặt tên Cối Xay Gió cho cả khu, có lẽ nơi đây sẽ được dành làm quán café hoặc nơi ngắm cảnh (chứ nếu là phòng VIP thì không ổn vì quá nhỏ và không có … WC). Một khu khá đẹp, dựa núi, nhìn ra hồ, nhiều điểm view đẹp. Nếu được đầu tư và xây dựng có hệ thống chắc sẽ là một khu nghỉ dưỡng lý tưởng.
Đêm ngủ muộn, cả buổi sáng vận động trong cái khí hậu nóng trở trời giữa mùa đông, dường như ai cũng có phần mệt mỏi. Giấc ngủ trưa lần đầu tiên có không khí im lặng thế, chẳng có tiếng léo nhéo trẻ con của VjtB, tiếng tranh cãi của Trí hiphop “nhi đồng thối tai” với Hải Hà, tiếng loa “ông ổng” của Hải béo, tiếng luận bàn chính sự của bác du tử uyên bác, tiếng hót véo von của chú chim trời, giọng miền Trung vui vẻ của Thành Đà Nẵng…
14h, cả đám lóc cóc lũ lượt xuống thuyền hồi hương. Nắng, bụi, đường đông, cả đoàn đành xé lẻ tùy nghi di tản. Bác Thắng với mình phi một mạch, về nhà vừa kịp giờ đến lớp…
Đã lâu mới có chuyến đi hoàn toàn là đi chơi. Một đoàn đủ mọi thành phần mà lại chẳng phức tạp, gặp lại cái không khí thoải mái, vô tư, trong sáng từng có. Chắc 5 năm trước, mình cũng trong sáng, yêu đời gần bằng các em ý bây giờ. Bao giờ cho đến ngày xưa…
Ngày mai sẽ lại là bận rộn: gia đình, công việc, học hành, quan hệ xã hội… Cuộc sống cằn cỗi từng ngày! Mỗi chuyến đi, những hình ảnh, cảm xúc, hiểu biết, trải nghiệm mới, cũng là một cơ hội soi lại mình! Cuộc sống xung quanh muôn màu, quan trọng là mình thích màu gì để nhìn thấy mà thôi..
 
THUNG NAI DƯỚI MỘT GÓC NHÌN KHÁC
Tôi chưa từng đến Thung Nai trước đây! Nhưng trước 1 chuyến đi chỉ có 2 ngày với khoảng cách chưa đầy 100km, tôi tự cho mình không cần chuẩn bị trước thông tin gì. Thậm chí, từ chối nghe những điều một “phượt thủ” từng “hàng chục lần” đi Thung Nai kể, để tránh bị ảnh hưởng bởi góc nhìn, cảm xúc của người khác, để chuẩn bị cho mình một hình ảnh một Thung Nai hoàn toàn mới mẻ…
80km: có đoạn bụi bặm phố phường, có đoạn bình thản đường quê, có đoạn quanh co đèo dốc, nhưng nhìn chung,không đến nỗi khó khăn cho những người mấy năm nay chả đi đâu bằng xe máy quá 20km như anh em mình (là nói xế của tớ và tớ).
Thung Nai, thuộc địa phận Cao Phong, Hòa Bình, cũng được coi là điểm du lịch nhưng chưa nổi tiếng lắm, hầu như là điểm đến cho dân du lịch bụi, chưa phải là lựa chọn cho những tour du lịch đắt tiền nên các loại hình dịch vụ ở đây còn sơ sài. Nhưng nhờ thế, Thung Nai vẫn giữ được nét bình yên, trong lành, sạch sẽ, thuần khiết của một xóm núi đơn sơ. Thung Nai trong mắt tôi, ngoài những niềm vui ồn ào của một chuyến đi đông người, ngoài cảm giác bình yên từ quang cảnh trong lành, ngoài sự phục vụ chu đáo, thân tình của bác chủ nhà chất phác, còn là:
- Thiên nhiên: nước trong xanh, lặng sóng của hồ chứa nước từ Đà Giang – những xác cá chết nổi do bị đánh bắt bằng mìn….
- Môi trường: Chiếc tàu nhỏ chúng tôi đi, vừa là phương tiện kiếm sống, vừa là nơi sinh sống của gia đình người chủ tàu. Trên tàu cũng có đủ một góc nhỏ làm nơi ngủ, bếp, nhà vệ sinh – và mọi rác thải sinh hoạt vô tư lao xuống hồ, từ thức ăn, chất thải đến những nhàu nhĩ giấy vệ sinh…
- Con người: mỗi gia đình gần như “độc chiếm” một khu, giống như “chúa đảo”. Cô bé con anh chủ tàu: ánh mắt trong veo, khuôn mặt thiên thần – những bức hình với ánh nhìn xa xăm, cô bé rất ít nói, vẻ vừa như lạ lẫm vừa như cam chịu khi các cô chú tranh nhau bồng bế, chuyền từ tay nọ sang tay kia để chụp ảnh. Cậu bé cháu ngoại bác Tuy chủ nhà: 6 tuổi, có thể tự cầm dao róc khúc mía ăn (hơn cả mình) – không trả lời những câu hỏi của khách lạ, không chấp nhận sự giúp đỡ, không chia sẻ những gì cậu có. Bác Tuy, chị Huệ, anh chủ tàu: chu đáo, tốt bụng, không tìm cách ăn chặn của khách – bàng quan nhìn mấy đứa bé đứng sát mép nước, sử dụng những đồ vật có thể gây sát thương cao… Những cô bé, cậu bé không đến nỗi lớn lên tự phát, cũng có một gia đình để chăm sóc nhưng có vẻ ít được tiếp xúc cộng đồng, nhu cầu giao tiếp giảm bớt, khả năng tiếp xúc hạn chế, lặng lẽ, khép kín, sống cá nhân. Tôi bất chợt nghĩ về căn bệnh tự kỷ…
- Dịch vụ, an ninh: những con thuyền nan buộc hờ hững sát mép nước, những du khách trẻ hiếu động ưa cảm giác mạo hiểm. Chính bản thân tôi đã là một trong những người đầu têu vụ chèo thuyền ra lòng hồ ngắm trăng – sông nước mênh mông, đều là khách du lịch, nếu họa hoằn có ai biết chèo thuyền thì cũng chỉ là ở mức “bập bõm”, biết bơi cũng chỉ ở mức dập dềnh được chục phút dưới bể bơi. Giả sử không may có chuyện gì xảy ra, khả năng ứng cứu gần như là không tưởng. Dịch vụ tự phát có điểm tốt ở chất thuần khiết, đơn sơ, nhưng nếu người làm hoàn toàn không có sự giám sát, cảnh tỉnh với du khách thì rủi ro là dành cho cả 2 bên nặng như nhau.
- Văn hóa: những khu di tích bị phá hủy bởi công trình thủy điện, những khu mới được xây dựng tại vị trí cũ, đương nhiên – nhưng chồng chéo, chắp vá, hỗn độn. Vài cái đền thờ cho một nhân vật, bổn cũ soạn lại. Tại một điểm chúng tôi thăm, góc nọ điện kia, ánh đèn điện lập lòe, xanh đỏ tím vàng đủ loại màu sắc, thứ màu sắc mà tôi thực sự không dám mô tả lại. Những ngai, điện kín mít tượng, thần, bày xếp ngổn ngang, thần thánh lẫn lộn, trật tự xẹo xiên. Phật – Thánh đổi ngôi, ngồi chung ghế. Tượng Bác Hồ đeo tràng hạt, ngồi tòa sen… Sau dăm điều sự tích về điểm tham quan, trước khi cho du khách được “thực mục sở thị” đi ngắm cảnh, vị quản lý gần như tuyên bố: “10.000đ/ 1 người”, còn thủ thỉ như phân bua: “10 ngàn với các cháu chẳng là gì, nhưng các cháu được nghe, được tìm hiểu về lịch sử, được biết những điều thâm căn, huyền bí về nơi tham quan, như thế là quá rẻ”… Trời ạ, quảng bá, tuyên truyền về lịch sử, văn hóa, truyền thống mà đo được bằng đắt – rẻ? Không vé tham quan, không biên lai thu - dưới góc nhìn của người kiểm soát thu chi ngân sách: đó là thu sai nguyên tắc. Dưới đánh giá của người chi tiền: mục đích thu dưới khía cạnh rằng là “ủng hộ nơi thờ cúng” – chả có tổ chức nào đứng ra nhận số tiền dù nhỏ bé đó, là “công đức cho BQL”: thì phải là tự nguyện, tùy tâm chứ đâu có định mức???… Trong khu thờ cúng, chi chít những bia đá tạc uy nghi, đặt ở những vị trí rất trung tâm, dễ nhìn, ngay trước nơi tôn nhang, nơi du khách sẽ chắp tay cúng bái. Trên bia đá, họ tên, địa chỉ, hiện vật công đức có ghi rõ giá trị bằng tiền (kiểu như: bộ đèn A, trị giá B do các ông X,Y,Z tại địa chỉ M,N,P công đức…)… Vậy là có thể với số tiền chưa đầy chục triệu, tên người ta được nghiễm nhiên khắc bia, đặt còn trang trọng hơn tên các ngài đang được thờ cúng trên kia…
- Lịch sử: méo mó, chắp vá, tích nọ chồng lên, gối đầu vào tích kia. Đến đây rồi, chả hiểu cuối cùng thì Thánh Gióng sinh ra ở đâu, nhổ tre ngà đánh giặc chỗ nào, cưỡi ngựa sắt bay về trời từ đâu nữa…
Còn nhiều nữa những điều đã chẳng may lọt vào mắt tôi: những hạt sạn đã, đang và có thể sẽ còn hình thành. Tôi không phải đứa có kiến thức uyên thâm, sâu sắc như bác du tử, cũng không được trang bị khoa học công nghệ đầy mình như bé Thành ĐN, đặc biệt về lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo thì tôi chả dám tự tin đánh giá điều gì. Nhưng đó là những cảm nhận về một góc nhìn khác, qua con mắt của một đứa vốn vô tâm, hời hợt và nhí nhố như tôi… Tôi chỉ nghĩ, mỗi nơi, mỗi câu chuyện, dù chỉ bình thường thì cũng có cái hay của sự bình thường, đâu cứ phải mặc cho nó thêm vài lớp áo lung linh, huyền ảo nữa mới trở thành linh thiêng, đáng đến. Giá mà….
 
Những gì viết ở trên hoàn toàn là cảm nhận cá nhân mà tớ muốn chia sẻ với cả nhà, không hề có ý đánh giá, nhận xét điều gì. Nếu có gì sai sót, xin được lượng thứ! Đa tạ!

Cho mấy xu ảnh. Mấy hôm tết uống rịu nhiều nhìn cứ hoa cả mắt
 
Tại ảnh ẻo cả nhà up tùm lum rồi, bên Thung Nai... điểm đến thú vị đó. Tớ định đưa bài này vô đó nhưng mà lộn, hix!

Bạn cảm nhận theo cách của bạn thì cũng có tí ảnh để minh họa cho cảm nhận chứ. Bên kia là up ảnh tùm lum. Ai có gì up nấy chẳng hiểu gì sất. Góp ý chút xíu
 
Chưa thấy góc nhìn nào trong cacs góc nhìn của bạn ở đâu? Thung Nai đẹp mà(c), minh họa đê...

Góc nhìn đầu tiên là của đứa tớ - con bé thích đi chơi, ham vui... Góc nhìn sau là của tớ - bà cô già khó tính hay soi mói đó bạn... (đọc xong cái đoạn cảm nhận "già nua", mấy bạn cùng đoàn đã gửi mess "mắng mỏ" tớ là khó tính, super soi roài...)(NT)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,180
Bài viết
1,150,368
Members
189,939
Latest member
chuyengiatrimun
Back
Top