What's new

[Chia sẻ] Từ Sài Gòn đến vùng Kham, Tây Tạng (với video)

Tôi tức tốc khởi hành đến vùng Kham của Tây Tạng vào ngày 16/03/2008, tức 2 ngày sau khi hàng loạt báo chí trong và ngoài nước đồng loạt thông tin về cuộc bạo loạn nổ ra tại thủ phủ Lhasa để được thỏa mãn tính hiếu kì đã thành bệnh từ thuở thiếu thời, cũng may là visa, được làm cho chuyến đi vào tháng 1 để đến chứng kiến trận bão tuyết khủng khiếp nhất trong vòng 60 năm làm chết hơn 150 ngàn con bò Yak đã bị hoãn lại, vẫn còn thời hạn, trong cái rủi cũng có cái may.

Với hi vọng được hưởng chút sái còn sót lại tôi dự định sẽ đến 2 lò cực đoan của Phật giáo Tây Tạng là LiTang và GanZi, là hai nơi mà tôi tin rằng đã có những tác động không nhỏ đến cuộc bạo loạn lớn nhất trong nhiều thập niên qua.

Trên đường đi từ Thành Đô đến Khang Định, là cửa ngõ đến LiTang và GanZi, xe của tôi cùng rất nhiều xe khác từ hai hướng đã bị kẹt lại giữa đường để chờ xe cứu hộ kéo một chiếc xe vận tải bị rớt xuống sông do đường đèo quá hẹp

[YT]XemfBOT1Fzk[/YT].

Thấy tôi đứng nhìn hàng hóa của chiếc xe gặp nạn đang trôi theo dòng sông, một gã đi cùng xe đến bắt chuyện, vì nghĩ tôi là khách ba-lô chính hiệu mới đến Trung Quốc lần đầu nên gã cố gắng dùng Chinglish để nói chuyện cho đúng điệu, để khỏi làm gã mất hứng tôi cũng ráng nói chyuyện với gã bằng tiếng Anh một thứ tiếng tuy rất được yêu thích nhưng chẳng mấy khi mang lại hiệu quả ở xứ xở này. Khi biết tôi có dự định đến LiTang, gã liền nhiệt tình mời chào tôi đến quán trọ kiêm quán ăn của gã ở đó, gã khoác lác là quán của gã rất nổi tiếng với dân ba-lô, vì ngoài ăn và ở gã còn có thế cung cấp thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn khác. Khi nghe tôi hỏi một câu khá nhạy cảm là gã là người Hán hay dân Tây Tạng, gã vội toét miệng cười rồi nói có bố là dân Tây tạng chính hiệu con nai vàng, tôi cười thầm vì biết gã nói dối để câu khách Tây mà thôi vì cái tạng của gã cùng với giọng nói đặc mùi miền Nam Trung Hoa khi nói chuyện với đồng hương chẳng có liên quan gì đến Tây Tạng cả .

Sau mấy tiếng sốt ruột chờ đợi, rồi đường cũng thông xe để chúng tôi ngốn nốt quãng đường còn lại. Đến chiều thì xe đến Khang Định sau khi vượt qua gần 300 km. Tôi, cũng như những hành khách phương xa khác, vội vã bước ra khỏi cái bến xe chật trội và ảm đạm để tìm ngay bầu không khí trong lành của đất trời cao nguyên Tây Tạng , thế nhưng, đón chúng tôi lại là một cơn mưa đá kèm theo tuyết lạnh cóng khiến mọi người phải vội vàng mặc áo ấm

[YT]UvHuFamBxY0&feature=channel[/YT]

Tôi lại bắt đầu một thói quen như những lần trước đây, đó là khoác chiếc ba-lô lên vai rồi rảo bước khắp chốn, vừa để tìm một căn phòng vừa ý đồng thời được nhìn ngắm phố xá và từng con người của vùng đất mới với hy vọng sẽ tìm được điều gì đó mới lạ. Tuy đang ở độ cao chỉ 2600 mét so với mực nước biển nhưng với chiếc ba-lô mỗi lúc một nặng dần khiến tôi cũng khá mệt mỏi sau gần 2 giờ vừa đi vừa lải nhải hỏi hết phòng trọ này đến khách sạn khác nhưng chẳng nơi nào muốn chứa chấp một tay ba-lô trong giai đoạn căng thẳng này cả. Tuy đã hiểu khá nhiều về những con người Trung Hoa trong suốt hơn 10 năm lang thang ở xứ này, tôi cũng không thể kiềm chế được sự bực bội, cuối cùng tôi đành phải bước vào khách sạn lớn nhất của thị trấn dù biết giá phòng sẽ rất cao, nhưng biết sao được vì trời đang lạnh cóng dần khi màn đêm sắp buông xuống.

Thế nhưng, có những lúc dù bạn sẵn sàng trả nhiều tiền nhưng người ta vẫn chẳng muốn nhận, cô tiếp tân khách sạn này cũng vậy, sau khi biết tôi là dân nước ngoài, cô nàng vội từ chối với lý do là không được phép. Đến nước này tôi chẳng còn lý do gì để nhịn nữa, tôi nói như hét vào mặt cô ta về sự bất mãn của tôi đối với lòng hiếu khách của dân Khang Định, về sự vô trách nhiệm với khách du lịch phương xa. Gã bảo vệ khách sạn sau khi thấy tôi đỏ mặt tía tai trút giận vào cô tiếp tân,vội bước đến kéo tôi ra ngoài rồi phân bua: “Để tôi kiếm cho một chỗ, tôi giới thiệu thì họ sẽ nhận thôi, đừng lo”. Nghe vậy bao nhiêu tức giận dường như tan biến, tôi vội toét miệng cười một cách rất ư dễ thương rồi lại khoác chiếc ba-lô đang càng lúc càng trĩu nặng trên vai lầm lũi theo gã bảo vệ đi vào một con hẽm nhỏ gần đó.

Dừng bước trước một căn nhà gỗ, gã gõ cửa, một cô bé bước ra nhìn tôi với chút vẽ dò xét, sau khi trao đổi với gã bảo vệ vài câu bằng tiếng địa phương, cô nàng quay qua tôi nói: “mỗi giường là 20 Tệ, có đồng ý không?”. Dĩ nhiên là tôi không phản đối, thấy vậy cô ta liền tươi cười rồi đút vào túi gã bảo vệ ít tiền lẽ để chia tay. Lòng cảm thấy nhẹ nhỏm, tôi theo cô gái lên gác để nhận giường. Khi đi qua những căn phòng trống hoác, tôi biết đêm nay chỉ có một mình tôi trên căn gác gỗ rộng thênh thang và lạnh lẽo này. Phòng của tôi nằm cuối dãy và nhờ vậy, có cửa sổ nhìn ra bên ngoài, ngoài khung cửa tuyết rơi càng lúc càng dày, tôi chợt rùng mình nhưng chẳng phải vì cái lạnh của mùa đông giá.

Căn phòng tuy hơi nhếch nhác và bẩn nhưng lại có bộ sưởi điện đặt dưới nệm, tuy không đủ ấm nhưng cũng đủ giúp tôi khỏi bị chết cóng đêm nay. Nhà vệ sinh chung nằm ngoài trời lại có nhiều kẻ hở nên gió lạnh cứ tràn vào, nhưng may là có nước nóng, do diện tích khá hẹp nên tôi gần như phải đứng trên hố bệt để tắm, tôi chợt phì cười khi liên tưởng đến những nhà vệ sinh chật chội tương tự của khu ổ chuột ChungKing Mansion ở Hồng Kông mà tôi đã nhiều lần được cư trú.

Tắm qua loa xong, tôi vội vàng mặc quần áo rồi chạy một mạch về phòng leo lên giường, nuốt vội hai thanh chocolate rồi trùm chăn kín mít. Đêm ấy, sau một hồi lâu trằn trọc, tôi đã lịm dần vào giấc ngủ mệt nhọc không hề mộng mị, một giấc ngủ điển hình của một người sống ở vùng thấp khi đến cao nguyên Tây Tạng.

Giấc ngủ tuy không ngon như ở nhà, nhưng cũng đủ giúp tôi lấy lại sự hưng phấn để bắt đầu một ngày mới. Khi thấy tôi bước ra khỏi cửa, cô bé còn nói với theo: “cẩn thận đấy nhé! Đừng đi ra khỏi thị trấn, nguy hiểm lắm.” Nhoẻn miệng cười cám ơn, tôi dạo bước xuống phố. Vừa lặng lẽ ngồi ăn Màn Thầu và uống từng hớp sữa đậu nành nóng (bữa sáng phổ biến của dân lao động Trung Quốc), tôi vừa chăm chú nhìn từng nhóm Khampa du mục đang rảo bước trên phố, trông họ thật ấn tượng với vóc dáng cao to và càng ấn tượng hơn với mái tóc dài quấn tròn trên đầu, hoặc cũng có khi để mặc rối bù xõa dài trên vai, nhưng có lẽ điều làm cho họ khác biệt hẵn những giống dân Tây Tạng khác chính là chiếc mũi cao nhọn và cặp mắt sắc nhẹm đượm chất hoang dã, khiến tôi nhớ lại những huyền thoại về các chiến binh Khampa vang bóng một thời.

Từ vài chục năm nay, tuy không được phép mang dao kiếm bên mình như cha ông xưa kia, nhưng điều đó cũng chẳng làm giảm chút nào chất hung bạo truyền đời luôn toát ra trên gương mặt họ. Tuy cũng tôn sùng Phật giáo như mọi người anh em Tây Tạng khác nhưng truyền thống hiếu chiến và cách cư xử mạnh bạo khiến dân Khampa nổi tiếng không chỉ ở Tây Tạng, chính vì vậy các đời Đạt Lai Lạt Ma chỉ dùng dân Khampa làm vệ sĩ thân cận, một nữ tác giã nổi tiếng người Tây Tạng đã thừa nhận việc cha của bà, một quan chức của triều đình Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, đã bị một vệ sĩ Khampa quất roi trong một buổi họp triều đình chỉ vì một sơ suất nhỏ về nghi thức mà chẳng hề dám phản kháng gì. Ngày nay tuy việc đeo dao kiếm đã bị cấm đoán trong xã hội Khampa, nhưng chuyện súng đạn thì lại khác, mới đây, chính quyền Trung Quốc đã tiêu hủy hơn 20 ngàn khẩu súng bất hợp pháp của người Khampa sau hàng loạt các cuộc bố ráp gắt gao, vì thế tôi nghĩ rồi đâu cũng vào đấy, vì dân Khampa vẫn muôn đời là dân Khampa, dù đôi khi cũng cảm thấy hơi e ngại tính khí của họ nhưng tôi vẫn ngưỡng một họ, những chiến binh Khampa.

(tbc)
 
Last edited by a moderator:
Từ Sài Gòn đến vùng Kham, Tây Tạng - phần 2

Mãi nhìn dân Khampa và suy nghĩ về họ, tôi quên mất lý do khiến mình đến đây, đến khi nhìn thấy những đoàn xe quân đội và cảnh sát băng băng chạy qua con đường chính của thị trấn, tôi mới sực tỉnh để cảm nhận được hết tính chất căng thẳng đang diễn ra trong vùng Kham này và điều đó cũng lý giãi bầu không khí khá trầm lặng và nét mặt ưu tư cũng mọi người dân trong thị trấn, Hán cũng như Khampa. Với bản tính vô tư cố hữu, tôi nhanh chóng gạt bỏ sự lo âu vừa mới chớm trong lòng, rồi lang thang tìm về phía núi Bão Mã, nổi tiếng với những cảnh đẹp nằm ngay bên rìa thị trấn. Dù có là phổi không tốt lắm nhưng tôi vẫn không từ bỏ được sở thích leo trèo mỗi khi có dịp.

[YT]Rhnz1U1N3gM&feature=channel[/YT]

Con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn lên núi nằm ẩn sau những căn nhà bé nhỏ và cổ xưa của người bản địa, đa số là thị dân Tây Tạng. Đường lên núi tuy không dốc lắm nhưng chỉ sau hơn nửa giờ leo tôi đã cảm nhận được triệu chứng thiếu oxy, tim và phổi làm việc dồn dập và đầu đã bắt đầu hơi choáng váng, nhưng cũng may là đã quen với cảm giác này nên tôi cũng không lo gì vì biết là ở ngưỡng trên 4000 mét mới là vấn đề đáng ngại, tuy vậy, cứ đi được một quãng đường là tôi lại ngồi nghĩ chứ không cố sức hơn được.

Phong cảnh trên núi tuyệt đẹp với rừng thông chĩu nặng tuyết trắng khiến tôi cảm thấy bầu không khí của đất trời Tây Tạng dường như càng tinh khiết hơn, giúp tôi quên đi mệt nhọc và cứ muốn leo lên mãi để được ngắm thỏa thê cảnh vật mùa đông của vùng Kham. Chuyến leo núi của tôi càng tuyệt hơn khi vào lúc này chẳng có ma du khách nào chịu đến Khang Định cả, nên một mình tôi như được làm chủ cả vùng Bão Mã, cảm nhận được điều này, tôi thấy thật dễ chịu và hạnh phúc, vì lúc này tôi thực sự được hòa mình vào thiên nhiên, bỏ lại mọi phiền toái do hai nền văn hóa đang tranh chấp gay gắt dưới chân núi mang đến.

Thở hổn hển cùng với nhịp tim đập dồn dập suốt hơn hai giờ tôi cũng lên được đến đỉnh núi, nơi có ngôi chùa thuộc loại lớn và khá nổi tiếng ở vùng này. Đang háo hức định vào khuôn viên chùa thì tôi bỗng thấy phòng bán vé và hai cô nàng trắng trẽo xinh xắn đang cười rất tươi như muốn chào mời tôi mua tấm vé duy nhất trong ngày, quên hết cả mệt, tôi lặng người trong nỗi buồn khó tả khi ngộ ra rằng dù ở bất cứ thời điểm nào thì những kẻ hám tiền cũng chẳng bao giờ buông tha bất cứ cơ hội nào dù đó là mua bán cả thần thánh. Tôi lại nhớ đến những bi kịch của cung điện Potala, Tháp Nhĩ Tự, Chùa Hương ..v.v... nhưng cũng may, tôi biết còn rất nhiều ngôi chùa ở Tây Tạng vẫn còn giữ nguyên được linh hồn để dành riêng cho những người con Tây Tạng và những người yêu mến văn hóa Tây Tạng, đó là những ngôi chùa cũ xưa và bé nhỏ nằm sâu trong những làng mạc, các ngõ ngách của thị trấn và cả trên những ngọn núi cao.

Bỏ ý định vào Bão Mã Tự, tôi lặng lẽ xuống núi, vẫn còn đó sự thôi thúc phải đến một ngôi chùa đích thực để tìm lại sự tĩnh tại, tôi hỏi thăm một người địa phương rồi tìm đường đến Quan Âm Tự, ngôi chùa này không có trong Lonely Planet vì nó rất nhỏ và nằm ở một góc khuất của thị trấn, thực ra Quan Âm Tự chỉ là một miếu thờ vì nó chẳng hề có sân chùa và ngoài khám thờ ra, thì diện tích còn lại chỉ đủ cho vài người bái lạy mà thôi. Ông lão giữ chùa người Tây Tạng nhìn tôi bước vào với vẻ nghi ngại, có lẽ vì trông tôi chẳng giống người Hán mà cũng chẳng giống Tây ba-lô chút nào, nhưng rồi ông lại lặng lẽ tiếp tục lau chùi bàn thờ như không hề có sự hiện diện của tôi vậy. Tuân thủ nguyên tắc không bao giờ chụp hình và quay phim trong chùa, tôi tìm vào một góc khuất của chùa, lặng lẽ nhìn lác đác một vài người Tây Tạng đến chùa lễ Phật và cúng dường chút bơ từ sữa bò Yak, như họ đã làm cả ngàn năm qua với tất cả lòng thành mà con người có thể có được, để cầu xin đức Phật sự cứu rỗi khỏi những khổ đau của kiếp người, trong tôi bỗng trỗi dậy sự đồng cảm với họ như chưa hề có sự phân cách nào cả, thế giới của Quan Âm Tự dường như dành riêng cho những người thuộc cõi khác, cõi của những người chẳng còn mấy vương vấn gì với trần thế.

Lúc ra về tôi bước sang bên đường, hỏi mua một bó cỏ hương mà tín đồ Tây Tạng thương hay đốt trong chùa và cả ngoài đường với giá một tệ. Vì không có tiền lẻ, tôi đưa cả tờ 10 Tệ, người phụ nữ lam lũ ra hiệu là không có tiền để thối, tôi cũng ra hiệu là bà cứ cầm lấy, nhưng với thái độ dứt khoát, người đàn bà Tây Tạng khắc khổ cầm bó cỏ hương ấn vào tay tôi rồi phất tay với ý rằng bà ấy muốn tặng tôi món quà này và tôi hãy mang đi đừng quan tâm đến chuyện tiền bạc nữa.

Khang Định chỉ có khoảng 8 vạn nhân khẩu mà đa số là người Hán, còn lại là một ít thị dân Tây Tạng vốn sống lâu đời tại thị trấn này nên có nước da và y phục khác rất xa với đồng bào du mục của họ. Thị trấn này có địa bàn khá nhỏ bé, đến nổi nếu bạn không thích tản bộ, thì chỉ cần bỏ ra 5 Tệ (hơn 10,000 VND) là có thể đi đến bất cứ nơi nào trong thị trấn bằng xe taxi xanh. Dân cư nơi đây khá nghèo nàn, chủ yếu sống dựa vào khách du lịch phương xa ghé ngang qua trước khi đến các vùng xa hơn nhiều, lúc này, đời sống của họ càng khó khăn hơn vì chẳng ai chịu đến đây trong lúc mà bạo động có thể xảy ra bất cứ lúc nào và sự lo âu đã hiện ra khá rõ trên gương mặt của cả người Hán lẫn người Tây Tạng, quả là nghịch lý trớ trêu khi tôi không tìm được chỗ trọ trong các khách sạn và nhà trọ hầu như trống rỗng.

Trong những ngày ở đây, tôi thường lang thang đến mọi ngóc ngách để tìm hiểu sâu hơn đời sống các thị dân Tây Tạng của Khang Định và vì vậy, ngày hai buổi tôi thường ghé đến một quán ăn Tây Tạng để vừa thưởng thức các món ăn truyền thống, đồng thời cũng để tiếp cận gần hơn đời sống của họ. Quán ăn này khá bé, chỉ vừa đủ cho chưa đến mười người cùng ngồi một lúc trên 2 chiếc bàn dài màu sắc sặc sỡ được làm đúng theo truyền thống Tây Tạng, khi nhìn thấy bà chủ quán hẳn là bạn sẽ khó mà nhận ra bà ấy là dân Tây Tạng chính gốc vì ngoài nước da trắng trẽo của một người đã qua nhiều đời sống ở thành thị, bà còn ăn mặc khá hiện đại, nhưng đến khi tiếp xúc thì bạn mới nhận ra rằng bản chất Tây Tạng của bà chủ quán vẫn còn nguyên vẹn, vì bà ấy không hề biết một tiếng Hán nào, lại hầu như suốt ngày chỉ tiếp xúc với dân Tây Tạng ở khu vực mình và cô con gái của bà ấy chính là cầu nối giữa gia đình bà với thế giới của văn hóa Hán. Với giọng Phổ Thông rất dễ thương, cô bé thường háo hức ngồi tiếp chuyện với tôi, một người ngoại quốc mà hiếm khi cô được gặp, nhưng với những thực khách Tây Tạng đến đây thì lại khác, mỗi khi thấy tôi, họ lại bộc lộ sự e dè rồi liếc nhìn dò xét như để đoán xem gã lạ mặt chẳng giống Tây mà chẳng giống Hán này đến đây vì cái gì trong lúc căng thẳng như thế này, đến khi cô bé giới thiệu tôi là một người Việt Nam yêu thích văn hóa Tây Tạng, thì thái độ của họ liền thay đổi, nụ cười nở trên môi, thậm chí vài người còn ép mời tôi cùng ăn thịt bò Yak, Tsampa và uống rượu Chang, hai món truyền thống lâu đời mà Heinrich Harrer đã mô tả đậm nét trong cuốn Seven Years In Tibet nổi tiếng thế giới, họ càng cảm động hơn khi được tôi chào hỏi bằng vài câu tiếng Tây Tạng ít ỏi mà tôi đã phải nhức đầu để học từ vài tháng trước, vậy là Tạng-Việt đã đề huề, tuy món Tsampa khiến tôi suýt mắc nghẹn còn thịt bò Yak già của bà chủ quán thì làm răng tôi ê ẩm, nhưng rượu Chang thì lại khác vì nó giúp tôi quên đi tất cả mệt nhọc, nỗi nhớ nhà và giúp tôi bay bổng vào các giấc mơ đẹp của vùng cao nguyên Tây Tạng.

(Còn tiếp phần 2 - Từ Khang Định đến GanZi)


Kim Sơn

Cửa hàng Đồ Xưa Tây Tạng Trung Quốc

http://chodientu.vn/doxua_taytangtrungquoc
 
Last edited by a moderator:
Thế là bác đã vào được Tây Tạng qua đường bộ từ Tứ Xuyên? Vùng Kham nằm trên dất Tây Tạng hay Tứ Xuyên và làm thế nào để có thể qua được các trạm gác hả bác...chờ các bài viết sắp tới của bác (wait)
 
có hai khái niệm về Tây Tạng ,1,vùng Tây Tạng có ranh giới được chính phủ TQ phân chia lại sau 1963.2,vùng cư trú của các sắc dân Tây Tạng đã sinh sống hàng ngàn năm qua và hầu như thống nhất về văn hoá ,nhất là phật giáo.Vùng Kham có phân nữa thuộc khu tự trị Tây Tạng , phần còn lại nằm trong Tứ Xuyên,Thanh Hải và Vân Nam.đối với dân yêu Tây Tạng thì chỉ có 1 Tây Tạng thôi , đó là vùng văn hóa Tây Tạng . Khang Định , Ganzi và Litang đều thuộc Tứ Xuyên
 
Tôi chưa đến Lhasa qua đừơng vùng Kham ,dù đi qua các trạm gác không quá khó,lý do đơn giãn là vùng Kham dọc theo ranh giới khu hành chính Tây Tạng còn bao la bát ngát có thể đủ cho tôi đi thêm nhiều năm nữa, hơn nữa ,tương tự như Lhasa ,vùng Kham bên trong bị Hán hoá hơi nhiều do chính sách của chính phủ TQ
 
Từ Khang Định đến GanZi

Do không biết kỷ thuật nên xin nhờ bạn hophap chuyển đoạn phim trên thành youtube như lần trước bạn đã giúp dùm. Xin cám ơn rất nhiều.
-------------------------------------------------------------------------------------------

Hành trình từ Khang Định đến GanZi chẳng giống như tôi tưởng tượng chút nào. Đi GanZi chỉ có một chuyến xe 16 chỗ cũ mèm, hành khách cũng khác xa, hơn phân nữa là dân Khampa, ngồi cạnh tôi là một vị Lạt Ma biết nói tiếng phổ thông bằng giọng Khampa, tuy rất khó nghe nhưng được cái là ông rất dễ thương, khác xa những gương mặt lạnh lùng khó đoán của những người đồng hương. Con đường do quá cũ lại chẳng hề được ngó ngàng đến nên mỗi khi chiếc xe cà tàng sắp về nghĩa địa cứ hết đâm vào ổ gà lại vấp phải ổ voi hoặc cán phải vô số gạch đá rải rác trên đường thì đầu óc tôi lại choáng váng rất khó chịu. Cũng may là cảnh tượng 2 bên đường khá ấn tượng với những cánh rừng thông chỉ có ở vùng này, rồi lại đến các cánh đồng cỏ xám xịt trải dài đến tận chân các dãy núi đang phủ đầy tuyết trắng và hàng đàn bò Yak đang cố gặm những đám cỏ còn sót lại, đôi khi, tôi còn nhìn thấy rất nhiều kền kền đang ngấu nghiến những gì còn sót lại của những xác thú chết lâu ngày, những nơi này cho tôi những cảm xúc thật khó tả mà chỉ có thiên nhiên Tây Tạng mới có được, cũng nhờ vậy, tôi tạm quên đi những cú sốc không ngừng do chiếc xe và con đường mang lại.

Càng “thú vị” hơn là suốt trên đường đi, cứ cách vài chục cây số, xe lại phải dừng cho các chốt tạm cắm của cảnh sát lên kiểm soát giấy tờ, vì là người duy nhất mang hộ chiếu nên tôi cũng là người được các chú công an quan tâm nhiều nhất và hầu như tất cả đều hỏi cùng một câu về lý do tôi đến GanZi, với vẻ mặt và ánh mắt bộc lộ sự ngây thơ, vô tư bẩm sinh, tôi trả lời họ lý do duy nhất khiến tôi đến GanZi là để viếng các ngôi chùa nổi tiếng ở đó vì tôi vốn là một Phật tử sùng tín, khi trả lại hộ chiếu, ánh mắt của họ đều không che giấu được sự ngạc nhiên và ái ngại khi gặp phải một gã nước ngoài tưng tửng đến như vậy.

Nghe tôi tự xưng là một Phật tử, tưởng thật, vị Lạt Ma liền hỏi thăm rất nhiều về tình hình Phật giáo Việt Nam, sau khi trả lời ông rất suông sẻ cứ y như là mình hiểu lắm về Phật giáo quê nhà, tôi bổng nổi hứng tụng ngay câu Om mani padme hum một cách vô cùng điệu nghệ khiến cả xe liền trố mắt nhìn với vẻ đầy ngưỡng mộ làm tôi bỗng dưng cảm thấy mình như là một Phật tử chính hiệu, câu tụng Om Mani Padme Hum quả lại công hiệu với kẻ thành tâm, thật tình là tôi chưa bao giờ có nhiều cảm xúc đến thế với Phật giáo như ngày hôm đó.

[YT]9z1a0ZNJDhU[/YT]


Một trong những điểm nổi bật của vùng này là kiến trúc nhà ở của dân Khampa, chúng khá đẹp và cầu kỳ, thể hiện đầy đủ sự phong phú của vùng nguyên vật liệu gỗ và đá có khắp mọi nơi ở vùng Kham, khác hẳn với những kiểu nhà bằng đá có kiểu cách đơn giản và chật hẹp của các vùng dân cư ở vùng Tạng Bắc mà tôi đã đi qua xưa kia.

Những đàn bò Yak đông đúc rãi rác khắp 2 bên đường cũng cho thấy nghề chăn nuôi ở vùng này dễ sống hơn nhiều so với các vùng mà tôi đã đi qua trước đây ở cao nguyên Thanh Hải (cũng là quê hương của dân Khampa), vào lúc đó,qua ống nhòm, tôi đã từng thấy nhiều đàn bò Yak phải “leo” lên tận đỉnh những ngọn núi đá lỡm chỡm phủ đầy băng tuyết cao hàng ngàn mét để tìm “cái gì đó” để sống sót qua mùa đông khắc nghiệt.

Càng gần đến GanZi thì tôi thấy càng nhiều đoàn xe quân đội và cảnh sát chạy bốc bụi mù về GanZi hơn và không khí trong xe cũng trở nên trầm lặng hơn, chẳng biết mỗi người nghĩ gì trong đầu, còn tâm trạng của tôi thì khá phức tạp, vừa mang chút căng thẳng lại vừa hồi hộp mong đợi những điều bất ngờ có thề xảy ra bất cứ lúc nào cho thỏa lòng hiếu kỳ. Nhưng khi xe đến vùng ngoại ô GanZi thì điều bất ngờ mà tôi chẳng mong đợi chút nào lại đến, khi xe dừng ở trạm cảnh sát dã chiến cuối cùng, một nhóm cảnh sát liền lên xe kiểm tra giấy tờ, khi thấy hộ chiếu của tôi họ liền lập tức nói tôi xuống xe, hiểu ngay họ muốn gì, tôi quay lại cất tiếng chào mọi người, nhất là vị Lạt ma dễ thương đã để lại cho tôi ấn tượng đẹp về trí thông minh đỉnh ngộ của ông. Khi nghe tôi hỏi lý do, gã cảnh sát liền nữa phân trần nữa tỏ vẻ cứng rắn nói là tôi phải theo họ về khánh sạn do họ quản lý để được bảo vệ! Vì đó là trách nhiệm của họ đối với người nước ngoài, lý trí cho biết là mình không thể thoát được, tôi đành phải miễn cưỡng theo họ lên xe, ngồi giữa hai chàng cảnh sát, tôi bổng cảm thấy thật bi hài vì đây là lần đầu tiên trong đời một gã bụi bặm như tôi lại được cảnh sát hộ tống một cách “hùng hậu” đến thế, quả là một trải nghiệm cực kì thú vị.

Trên đường đến khách sạn tuy chỉ hơn 8 giờ tối nhưng phố xá cổ xưa của GanZi không một ánh đèn hắt bóng, không gian hoàn toàn vắng lặng, không một bóng người, tất cả như đã từ lâu chìm vào một thế giới của cõi u minh hàng trăm năm trước. Chỉ sau vài phút tôi đã được hộ tống đến khách sạn lớn nhất GanZi còn mới toanh và càng độc đáo hơn là ngoài mấy chục binh lính đặc nhiệm trông rất oai phong được ở miễn phí ra thì tôi là người khách duy nhất của khách sạn này, hay nói cách khác, tôi có quyền tưởng tượng mình đang là vua ở đây và đang được “bảo vệ” chặt chẽ, kể ra thì cũng đáng đồng tiền bát gạo. Khi đưa tôi tấm thẻ xuất nhập, gã sĩ quan mặt lầm lì (đây là vẻ mặt chung của các ngài cán bộ ở Trung Quốc) dặn kĩ là tôi phải trình ra thẻ này cho lính gác mỗi khi ra vào khách sạn, nhưng tốt nhất là đừng đi đâu cả!

Nhưng chiếc bao tử đang sôi sục thì lại cố thúc giục tôi ra ngoài dù biết là chẳng có mấy hi vọng. Trình cho người lính canh tấm thẻ xong tôi vội bước dọc theo con phố để cố tìm một cửa tiệm nào đó còn sáng đèn, sau một hồi rảo bước trong một cảm giác thật bất an tôi cũng tìm được một quán ăn nhỏ tuy cửa đã đóng kín mít, nhưng đèn vẫn còn sáng leo lét, nghe tiếng gõ cữa, người chủ hé mắt qua khe cửa sắt nhìn ra ngoài, khi nghe tôi nói muốn mua gì đó để ăn, ông ta vội vàng từ chối với lý do là đã không còn bán từ mấy tuần qua rồi. Cùng với sự thất vọng tôi đành quay về khách sạn, đến trước mặt gã lính gác, khi cho tay vào túi áo lạnh để lấy thẻ xuất nhập, tôi thấy vẻ mặt anh ta chợt căng thẳng, tay nắm chặt khẩu súng hơn như đề phòng bất trắc khiến tôi cũng chột dạ vì nhở anh ta yếu bóng vía thì cũng phiền. Thế là, đêm nay tôi lại lên giường với thanh chocolate và vài cái bánh khô khốc. Nằm gọn trong tấm chăn ấm áp tôi hồi tưởng lại những điều thật đáng nhớ vừa xảy ra trong cả một ngày dài.


Kim Sơn
Cửa hàng Đồ Xưa Trung Quốc Tây Tạng
http://chodientu.vn/doxua_taytangtrungquoc
 
Last edited by a moderator:
Tu Viện GanZi

Khi tôi vừa thức giấc thì cũng là lúc ánh sáng ban mai đã tràn ngập khắp phòng, nhìn ra bên ngoài cửa sổ, tôi thấy những người lính đang hăng hái luyện tập, trông có vẻ rất “khí thế”, dường như họ đã sẵn sàng để đối phó với bất kì tình huống nào, tôi bỗng thấy háo hức muốn thoát ngay ra khỏi khách sạn này để được nhìn thấy sức sống thực sự của thị trấn GanZi.

Bên ngoài khách sạn vẫn vắng lặng không một bóng người, cửa của mọi nhà vẫn đóng chặt im lìm, những khi tôi quẹo vào phố chính thì đã cảm nhận được ngay phần nào sự sống muôn thuở của GanZi. Đã có lác đác nhà mở cửa để tranh thủ mua bán chút ít, tuy người qua lại rất ít nhưng chắc cũng đủ để mang lại sự tồn tại cho các cửa hàng bé nhỏ này, nhưng khi đến các ngã tư thì các cảnh tượng khác lại mang đến cho mọi người sự bất an vốn đeo đẵng trong suốt nhiều ngày qua, hầu như ở các ngã tư lớn đều có các lô-cốt được làm tạm thời bằng các bao cát cùng với hàng chục lính đặc nhiệm đang ôm súng ống đứng nghiêm như đang chờ đợi điều gì đó không thể tránh khỏi (tôi tiếc mãi vì đã không đủ can đảm để quay cảnh này).

Nhìn mãi cảnh này tôi cũng thấy chán, hơn nữa cũng đói lắm rồi, nên tôi lại rão bước tìm một quán ăn Tây Tạng để lót dạ, nhưng tìm mãi chẳng thấy, cuối cùng đành phải vào một quán ăn Trung Hoa duy nhất ở ngay ven sông bên rìa thị trấn. Nghe tôi nhận là người Quảng Tây, anh chàng chủ quán trở nên hoạt bát hơn vì hóa ra anh ta cũng là dân miền Nam bỏ xứ lên đây tìm cơ hội, nhưng khi nghe tôi hỏi về tình hình sinh sống của người Hán ở vùng này, thì vẻ mặt anh bổng như sầm lại rồi hằn học nói: “chán lắm! Người Hán có thể sống chung với các dân tộc Tây Tạng khác, nhưng với dân Khampa thì hầu như không thể được, họ rất kì thị, tôi đang định rời khỏi đây để về quê, vì không thể sống được với giống dân vừa man rợ lại vừa ngu dốt như dân Khampa ở đây”.
Trước vẻ kinh ngạc của tôi, anh ta giải thích thêm: “Họ thích đánh nhau lắm, tuy hằng ngày đều đi chùa lễ Phật rất thành kính, nhưng chỉ cần có đụng chạm nhỏ là họ sẵn sàng giết nhau ngay, cậu có thấy phiến đá ở bờ sông kia không? Đến thời đại này mà mỗi khi có người chết họ lại mang xác ra đây phanh thây thành từng mảnh rồi ném xuống cho cá ăn, trông thật kinh khủng, thú thật là càng sống lâu ở đây tôi càng không thể hiểu được họ, vùng này rất nghèo vì không có rừng như dưới kia, thế nhưng dành dụm được ít tiền thì họ lại gom góp để dát vàng các mái chùa, đã vậy họ còn xem người Hán chúng ta như những kẻ xa lạ nên tôi chẳng làm ăn gì được ở vùng này cả, mới đây chính phủ vừa xây xong một khu dân cư mới bên cạnh thị trấn nhưng chờ mãi chẳng thấy ma người Hán nào dám bén mãng đến đây cả .”

Nghe xong, tôi thầm nghĩ người Trung Hoa thường chỉ dựa vào truyền thống văn hóa của họ để xét đoán và đánh giá nền văn hóa của các dân tộc khác, chính vì vậy họ rất khó hòa nhập và sống chung với các dân tộc khác được và cũng vì vậy mỗi khi di cư đến một quốc gia nào đó, người Trung Hoa lại lập tức quy hoạch cho mình một thế giới riêng mà người ta thường gọi là China Town. Ăn xong tô mì nhạt nhẽo vùng xa, tôi hỏi thăm gã chủ quán “đồng hương” đường đi đến tu viện GanZi, anh ta chỉ tay về phía xa xa rồi nói là tuy chưa đến đó bao giờ nhưng cứ đi về phía ấy thế nào cũng đến được.

Tu viện GanZi hóa ra là xa hơn tôi nghĩ vì sau khi đi lòng vòng khắp các ngõ ngách của một xóm Tây Tạng năm xa bên rìa của thị trấn, tôi vẫn chưa tìm ra được tu viện, khi đang nản lòng muốn quay về thì tôi nhìn thấy vài phụ nữ Tây Tạng đang vừa đi vừa tay lần tràng hạt miệng lâm râm niệm kinh với vẻ mặt rất thành tâm đang đi về phía một ngọn đồi trước mặt, tôi chợt đoán hẳn là họ đang đi về phía tu viện nên tôi liền đi theo. Khi đi đến đỉnh đồi thì tôi mất dấu họ, nhưng cũng là lúc tôi nhận ra tu viện GanZi đang ở ngay trước mặt mình. Sau chuyến đi bộ dài và cố sức leo lên đình đồi, nơi đang ở độ cao khoảng 4000 mét, tôi ngồi nghỉ ngay trước cổng tu viện để lấy lại chút sức lực và sự tỉnh táo trước khi đi vào sân tu viện.


[YT]etlZRv6inRA[/YT]

Đây là tu viện lớn của vùng Kham và tôi đến đây vì đã được vị Lạt Ma trên xe giới thiệu khá nhiều về nơi này, nhưng giờ đây thế giới thần thánh của tu viện từng được vị Lạt Ma này mô tả tỉ mỉ lại đang ở trạng thái khác hẳn, tôi chẳng hề thấy bóng của bất cứ chiếc áo nâu đỏ quen thuộc nào, tất cả như đã chìm vào một thế giới khác để tạm lánh những bất ổn của trần gian, tuy vậy những tòa nhà uy nghiêm vắng lặng của tu viện cũng có được đôi chút an ủi với hàng đàn chim không ngừng bay lượn trên những mái dát vàng cùng với tiếng kêu tha thiết như muốn vỗ về rằng chẳng bao lâu nữa những linh hồn rồi sẽ quay trở lại tu viện để làm nó sống động như ngày nào.

Đang lặng người cảm nhận về những đổi thay của kiếp nhân sinh, tôi bỗng thấy 3 cha con người Khampa đang lặng lẽ bước vào sân tu viện, có lẽ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi trong thời điểm này nên người cha cứ trố mắt nhìn, sự có mặt của họ khến tôi bổng thấy lòng mình ấm lại vì biết đang có những sinh linh cùng chia sẽ với tôi nổi cô đơn của loài người. Xa xa quanh tu viện, những dãy núi trắng đang im lìm tĩnh tại từ ngàn năm qua như chẳng hề màng đến những chuyện trớ trêu của loài người



Kim Sơn
 
Last edited by a moderator:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,462
Bài viết
1,153,068
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top