What's new

Lan man miền Bắc

Tháng chín.

Hà Nội vào Thu, những cơn gió nhẹ đầu mùa xua đi cái nóng oi bức cùng những cơn mưa nặng hạt. Không rộn rã như đầu Xuân, hanh hao uể oải như mùa Hạ, lạnh cắt da với những cơn mưa muộn mùa Đông, Thu Hà Nội đằm thắm với nắng vàng hoe lúc đầu ngày, ấm áp cuốn mọi người cùng ra phố.

Vào những năm 90, mình đến Hà Nội lần đầu cũng mùa Thu với hoa sen trắng đẹp đắm lòng, sen được bày bán trên những chiếc xe đạp cũ, vắt đầu quang gánh của bà cụ bán trà, trong quán nước đến các nhà hàng fine dining cùng các khách sạn boutique nhiều sao hiếm hoi thuở ấy; vậy mà không hiểu sao Hà Nội vẫn chỉ được nhắc đến với hoa xoan, hoa gạo, hoa sữa và nhiều loài hoa khác nữa nhưng lại không bao giờ đi cùng sen. Những năm đó Hà Nội hãy còn nghèo lắm, nét lam lũ, bươn chải in hằng trên phố xá, trên cốt cách, khuôn mặt, dáng người. Dễ dàng bắt gặp những hàng sửa giày dép, hàng bán các món đồ mây tre thủ công; không để chưng bày như bây giờ mà để dùng hàng ngày với đúng công năng mà những món hàng được tạo ra. Những chiếc xe mây trẻ em, những chiếc gối đan gối đầu buổi trưa Hè cùng chiếc quạt lá phe phẩy trên tay, những chiếc điếu cày như bóng dáng của người đàn ông trong mỗi ngôi nhà; những hàng nước cơ động với một hai ấm nước, vài chiếc ghế gỗ con con quanh hồ; khách ghé lại uống chén chè be bé, kéo nhanh hơi thuốc lào với mức giá rẻ không tưởng rồi vội vã ra đi.

Giờ Hà Nội hiện đại, nhộn nhịp, ồn ào, sôi động chẳng khác Sài Gòn và cũng xô bồ, bụi bặm như thế nhưng trong mình Hà Nội vẫn như ngày nào, chậm rãi, hiền hòa, rợp bóng cây.

Mình đã viết rợp bóng râm rồi sửa lại là rợp bóng cây vì sợ nhầm sang bóng râm của những tòa nhà đồ sộ, những căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại đang ngày càng nhiều ở Hà Nội để rồi một ngày, chắc cũng không còn xa lắm đâu muốn ngắm chút trời xanh sẽ phải ngước thẳng cổ như khi đi trên những con đường đánh số ở Newyork.
 
Thủy điện Nậm Chiến với nhiều cái nhất: Nhà máy xây dựng thuộc loại khó nhất Việt Nam. Đập vòm duy nhất và cao nhất, đường hầm dẫn nước cũng thuộc vào loại dài nhất.














Bên đây đập là hồ nước mênh mông trong xanh.







Và bên còn lại.







 
Ở góc nhìn này sẽ dễ thấy độ cong thân đập.













Qua thủy điện Nậm Chiến thì đường xấu luôn tới Mường La. Đoạn này có thể nghe mùi khét từ thắng xe do liên tục sử dụng dù đã kết hợp số nhỏ, việc mình rất ít khi áp dụng, bởi dốc xuống quá gắt mà đường xấu không dám chạy nhanh.
 
Qua thủy điện Nậm Chiến thì đường xấu luôn tới Mường La. Đoạn này có thể nghe mùi khét từ thắng xe do liên tục sử dụng dù đã kết hợp số nhỏ, việc mình rất ít khi áp dụng, bởi dốc xuống quá gắt mà đường xấu không dám chạy nhanh.[/QUOTE]

Đọan này mệt cả người và xe, toàn bò bò...
 
Đến Sơn La thì không thể bỏ lỡ dịp tham quan nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Do vậy mà đến vòng xoay to còn cách thành phố khoảng 30Km mình rẽ phải lên thủy điện.

Nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2012, trở thành đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với cao độ đỉnh đập 228,1 m; dài 961,6 m, diện tích hồ chứa hơn 200Km2, trải rộng qua ba tỉnh Lai Châu-Điện Biên-Sơn La. Dung tích toàn bộ hồ chứa vượt 9 tỷ mét khối nước (đó là mình tra trên net).

Và dòng sông Đà từ Trung Quốc vào Việt Nam ở Lai Châu, chảy qua Sơn La, tích nước cho nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, rồi sang Hòa Bình. Ở mỗi nơi lại tạo nên một vùng hồ rộng lớn kéo dài hàng trăm Km. Sau khi cấp nước phát điện cho nhà máy thủy điện Hòa Bình, sông Đà đổ về hướng Đông Nam để hợp lưu cùng sông Hồng tại Trung Hà, Phú Thọ trước khi ra biển Đông. Ngày mai mình sang Lai Châu, xem như lần này đã đi ngược dòng sông Đà trọn vẹn rồi. Đặc điểm của các dòng sông phía Bắc là sông vùng cao, độ dốc lớn, nước chảy xiết nhưng chiều ngang sông không rộng ngay cả với những con sông lớn trong hệ thống sông ngòi miền Bắc như sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cả... mực nước mùa lũ và mùa kiệt chênh nhau trên chục metre là thường. Ở sông Hồng con số này là gần 20m vì vậy mà mùa cạn dân vẫn trồng trọt được trên bãi sông Hồng, đây cũng là các sân bóng tự phát sôi động không mất tiền. Trong Nam thì ngoài một ít con sông ở miền Đông Nam Bộ; miền Tây đại diện bởi sông Tiền và sông Hậu mang đặc thù của sông nước miền đồng bằng với những đoạn sông rộng mút mắt vài cây số, chịu chế độ bán nhật triều, mực nước mùa lũ và kiệt chênh nhau không nhiều nhưng những cơn lũ tràn bờ lại làm thành những vùng mênh mông biển nước tạo nên nét đặc sắc của sông nước miền Tây.
 
Mình đến đập lúc 12h40, cậu công an gác nhà máy bảo đến 13h30 mới đến giờ vào tham quan, thôi cô chú đi ăn trưa rồi quay lại. Mà mình thì mới ăn trưa xong, thấy mình từ xa đến cậu nói nếu cô chú chỉ lên thăm đập thì cháu để vào ngay bây giờ cũng được. Vậy là mình không vào nhà máy mà chỉ lên đập tham quan một vòng.

Đường lên đập.






Đập thủy điện Sơn La.










Một vùng hồ mênh mông phẳng lặng tạo cảm giác bình yên.















 
Vào thành phố thì đến ở khách sạn Sao Xanh 3, một khách sạn rất tốt trong tầm giá, vừa đưa vào kinh doanh nhưng nhân viên nhiệt tình và thạo việc có lẽ do trước đó họ đã có Sao Xanh ở Sơn La, Mộc Châu và hình như cả trong Cửa Lò nữa. Mình nghĩ có gắn 3 sao cho khách sạn này thì cũng rất hợp lý.


Đường vào viện bảo tàng tỉnh và di tích nhà tù Sơn La rợp bóng cây.



























 
Ấn tượng để lại trong mình ở thành phố này là một thành phố nhỏ buồn, giao thông rất trật tự và chỉ vậy. Mới 8 giờ tối hơn mà hàng quán không còn mấy, quán ăn thì có nhưng vắng khách còn kiếm một quán nước cũng không dễ và những hàng hoa sữa cổ thụ rất đẹp trong thơ ca và ngay tại đây nữa lại đưa hương gắt quá vậy nên mình về ngủ sớm chuẩn bị cho chặng đường ngày mai.

Các nhận xét ngắn gọn về từng thành phố đã qua của mình chỉ là những cảm nhận phiến diện của một khách du lịch lướt qua cả thành phố lớn đôi khi chỉ là trong một buổi chiều muộn, lại còn ảnh hưởng bởi tâm trạng vào ngày hôm đó nữa nên biết đâu đã khác rất nhiều trong lần quay trở lại của chính mình. Dù vậy khi viết những cảm nhận đó mình đã cố không tra Google vì muốn nó sinh động và hữu ích hơn là các con số thống kê vô cảm.
 
Điện Biên.

Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ

Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát

(Tố Hữu)

Hai câu thơ trên hẳn là quen thuộc với mọi người rồi vì vẫn nằm chễm chuệ trong sách giáo khoa ngày ấy của nhà thơ Tố Hữu. Ngày còn nhỏ cứ thấy thơ dài không vần điệu, khó học thuộc lại vận động phong trào là không ưa rồi. Thơ gì lại có cả tên tướng tá như một bài xưng tụng nhưng sau này đọc lại thì phải nhận là hay. Chịu trách nhiệm tuyên truyền cho cách mạng; thơ ông là thơ đặt hàng dù vậy ông là một người bán hàng tài ba, tận tụy, tâm huyết và yêu nghề.

Tin về nửa đêm

Hoả tốc hoả tốc

Ngựa bay lên dốc

Đuốc chạy sáng rừng

Chuông reo tin mừng

Loa kêu từng cửa

Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa...

(Tố Hữu)

Sáng mình khởi hành sớm vì còn định một vòng “City tour” tham quan mấy điểm ở Điện Biên.

Phố Sơn La buổi sớm.






 
Những phụ nữ người Dao với mái đầu Tằng Cẩu làm chiếc nón bảo hiểm trở thành một biểu tượng cho tinh thần “Thượng tôn pháp luật” hơn là mục đích ban đầu chúng được tạo ra.











 
“Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất" hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.

Đèo Pha Đin hay Dốc Pha Đin là đèo núi có độ dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Điểm khởi đầu của đèo cách Thành phố Sơn La về phía Tây 66 km còn điểm cuối của đèo cách Thành phố Điện Biên Phủ khoảng 84 km.

Du khách thường xếp đèo Pha Đin vào một trong "tứ đại đèo" vùng Tây Bắc, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Mã Pí Lèng. Cũng có khi đèo được xếp cùng nhóm 6 con đèo gây ấn tượng nhất Việt Nam bao gồm Khau Phạ, Hồng Thu Mán (trên Quốc lộ 4D, thuộc Pa So Phong Thổ, Lai Châu), Ô Quy Hồ, Hải Vân và Hòn Giao (thuộc Hòn Giao, Khánh Hòa).” – Nguồn Wiki.


“ Đến năm 2005, chính phủ quyết định đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 6 lên Tây Bắc. Trong đó, đoạn Sơn La - Tuần Giáo được thi công từ năm 2006 đến năm 2009 thì hoàn tất, chia đèo Pha Đin thành 2 tuyến cũ và mới từ ngã 3 đỉnh đèo:

- Đèo Pha Đin Cũ : dài 32km (từ km 360 đến km 392, nằm trên quốc lộ 6 cũ) có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển; và khoảng 125 khúc cua nổi tiếng hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ôtô đi qua.

- Đèo Pha Đin Mới : được xây bám theo sườn núi phía trái quốc lộ 6 cũ, chiều dài giảm còn 26km với khoảng 60 khúc cua, có cua rộng tới 60 mét, độ dốc hạ xuống còn 8%, đặc biệt mặt đường rộng gấp gần 2 lần so với trước.” Nguồn Internet.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,625
Bài viết
1,154,106
Members
190,153
Latest member
kientruckhangvinh
Back
Top