What's new

[Chia sẻ] Thổ Nhĩ Kỳ - trong lòng Tiểu Á

Đã có quá nhiều topic về TNK và đều được người viết phân loại châu Âu. Riêng tôi, xin được nhìn nhận TNK thuộc về châu Á vì về phương diện địa lý, phần lớn lãnh thổ của TNK cũng nằm trọn trên vùng bán đảo Tiểu Á. Và quan trọng hơn hết, là để được thấy nơi đó gần hơn và thân thuộc hơn.

Hình ảnh những buổi chiều có hải âu bay trên bến cảng Bosphorus từ thuở thiếu niên nhi đồng, khi mà chẳng có gì đọc ngoài "Con cái chúng ta giỏi thật" hoặc "Những người thích đùa". Đùng một cái, Air Asia mở chặng KL-Tehran, một khi chạm đến giấc mộng Ba Tư thì giấc mơ về chuyến phà Á Âu giữa hai lục địa không còn là chuyện hoang đường. Một hành trình hai điểm đến, giờ nghĩ lại vẫn như một giấc mộng đêm hè, tròn đầy và mãn vị.

Sẽ kể về Iran bằng một topic riêng. Tấm tình dành cho Thổ Nhĩ Kỳ xin được trút tại đây.

Nói sơ về hành trình trên đất Thổ, có tổng cộng 12 ngày đi qua Istanbul, Safranbolu, Capadoccia, Antalya, Pamukkale, Selcuk. Vào Thổ từ Isfahan của Iran bằng Turkish Airlines, ra khỏi Thổ bằng Kuwait Airlines ở Istanbul để về Bangkok. Di chuyển giữa các điểm đều bằng xe bus đêm, chỉ một chặng Pamukkale-Selcuk bằng train. Cứ một đêm ngủ trên mặt đất, một đêm lại ngủ trên xe bus.

Ai cũng hỏi câu duy nhất khi nghe tin tôi đi TNK "không sợ IS hả?". Sợ chứ, nhưng xét cho cùng thế giới bây giờ là phẳng, mọi nơi trên thế giới này đều hứng chịu một rủi ro về khủng bố như nhau. Khoảnh khắc sợ hãi hoang mang nhất của cả chuyến đi là tại bến xe Ankara. Từ Safranbolu đi Goreme không có xe đi thẳng và phải transit tại Ankara, nửa đêm cả bọn nằm co ngủ trong bến xe thì đặc vụ ngầm đến soát xét anh chàng Đài Loan ngồi bên cạnh, lục lọi thẩm vấn mãi rồi họ bỏ đi. Tưởng sao, lên chuyến xe tiếp theo đi Goreme, anh chàng đó ngồi sát ngay bọn mình. Lòng thầm nghĩ, anh ơi anh có bomb thì đợi đến chỗ nào đông người hãy kích hoạt nha, trên xe bus này không có mấy người đâu :)). Rồi mấy ngày tiếp theo tại Goreme, lang thang đến chỗ nào cũng gặp lại anh chàng đó, cũng rất là thân thiện, cười chào hỏi bọn mình liên tục.

Từng nơi chúng tôi đi qua, đều mang một phong vị khác nhau, đủ để chúng tôi ồ à xuýt xoa, và luôn rộn ràng vì niềm vui được nhìn thấy, được trải nghiệm tại những vùng đất mới. Istanbul lộng lẫy, Goreme đẹp lạ lùng, Safranbolu dễ thương hiền hòa, Antalya khoáng đạt, Pamukkale bồng bềnh và Selcuk hoài niệm. Người TNK làm du lịch khá tốt, lại đang trong thời điểm họ cần vực dậy nền du lịch của họ sau 2 năm khủng hoảng nên khách du lịch được hưởng lợi khá nhiều trong giai đoạn này. Khách sạn giá rẻ, ăn uống cũng rẻ, dịch vụ lại có sẵn rất nhiều để lựa chọn.

Yêu thích nhất góc phố này, khu Sultanameh, đường lát đá vào đến tận cửa nhà, có xe bán bánh mì vòng rắc mè simit, lại có tàu điện lanh canh chạy xuyên suốt. Mua cho mình ly cafe rồi ngồi nơi góc phố, cảm thấy Istanbul thật lắng đọng và êm đềm dù vẫn luôn nhộn nhịp người lại qua.

 
Last edited:
Trời Istanbul nắng lên là lúc nào cũng xanh ngắt và trong veo như vầy, ai biết tại sao nói cho mình nghe với



Trong sân Blue Mosque



Và đây là màu xanh lam đem lại cái tên Blue Mosque, hơn 20.000 viên gạch ceramic được ghép lại theo hình hoa tulip theo nhiều mẫu khác nhau



Đây là khu vực dành riêng cho giáo dân, người ngoại đạo không được vào. Xa xa là các ô kính màu mosaic



Hệ thống cửa sổ kính màu do Lãnh chúa Venice thời bấy giờ tặng cho Sultanameh



Dòng chữ màu xanh trên thân cột được trích từ kinh Qur'an, của nghệ nhân viết chữ thảo nổi tiếng nhất



Màu sắc không thể hài hòa hơn được nữa, tưởng tượng lúc mới vừa xây dựng xong thì thánh đường này đẹp đến cỡ nào



Ban ngày ngắm chưa thỏa, lại tiếp tục ngắm lúc ban đêm



 
Càng đọc càng nhớ Thổ quá cơ, pinky viết hay quá @@
Xem hình mà nhớ từng góc phố luôn á hihi
Nhóm pinky mới đi Thổ hồi tháng 4 vừa rồi à, cuối t4 nhóm Misa cũng đang ở Châu Âu á :)
 
Theo gu của mình thì Blue Mosque và Haggia Sofia ở Istanbul là hai tòa nhà tráng lệ nhất thế giới. Blue Mosque thì ở kiến trúc bên ngoài, còn Haggia Sofia thì bên ngoài nhìn chán nhưng bên trong thì tuyệt đỉnh, không chỉ đẹp tinh xảo mà từng góc nhìn đều cảm thấy sức nặng của lịch sử đè lên người.

Cuộc đời chia làm hai nửa, trước và sau khi bước vào trong Haggia Sofia :).

21034554_1400925316628569_131784681625614392_n.jpg
 
Hình ảnh những buổi chiều có hải âu bay trên bến cảng Bosphorus từ thuở thiếu niên nhi đồng, khi mà chẳng có gì đọc ngoài "Con cái chúng ta giỏi thật" hoặc "Những người thích đùa". Đùng một cái, Air Asia mở chặng KL-Tehran, một khi chạm đến giấc mộng Ba Tư thì giấc mơ về chuyến phà Á Âu giữa hai lục địa không còn là chuyện hoang đường.

dùng từ hay lắm. mình cũng từng mơ giấc mơ này kkk.
 
dùng từ hay lắm. mình cũng từng mơ giấc mơ này kkk.

Hiện thực hóa những giấc mơ này không phải là điều dễ dàng với những kẻ bận cơm áo gạo tiền. Thế nên một khi mơ đã thành thực thì ta phải trân trọng đến từng phút giây, phải không bạn ơi...
 
Mình nhớ Istanbul ngây dại, giờ đang có visa Schengen trong tay, lại sắp có mặt ở Athens và Thessaloniki, chả nhẽ apply cái e-visa lội sang Istanbul ngồi uống trà vài ngày chăng?
 
Đã trút hết lòng hết dạ để khen ngợi mỹ nhân Blue Mosque thì cũng không thể tiết kiệm lời có cánh dành cho nàng thơ còn lại. Hagia Sophia ở đối diện, chỉ cách Blue Mosque vài chục bước chân. Lâu đời hơn, thăng trầm hơn Blue Mosque nhiều, vì nền tảng đầu tiên xây dựng từ tận những năm 500, sau nhiều lần bị phá hủy và xây lại, ban đầu là nhà thờ Chính thống giáo, sau thành thánh đường Hồi giáo của hoàng gia, và bây giờ là một bảo tàng. Nhờ thăng trầm thế sự kinh qua hai tôn giáo khổng lồ mà khối lượng trầm tích về kiến trúc tôn giáo bên trong Hagia Sophia là đồ sộ. Tiếc thay thời gian không chừa một ai, nhan sắc đã ít nhiều mai một. Dấu vết của nơi đã từng là nhà thờ, các bức tranh mosaic vẽ trên tường kể về các tích của đạo Thiên chúa đã bong tróc phần lớn, những gì thuộc về Hồi giáo vẫn còn mới và rõ nét hơn là các cột và cửa bằng đá hoa cương. Bao nhiêu câu chuyện chất chứa trong từng viên gạch, từng đường nét hoa văn trang trí. Lúc chúng tôi đến, dự án bảo tồn phục dựng vẫn đang diễn ra nên giàn giáo ngổn ngang bên trong, nhiều mảng kiến trúc được che kín lại. Nhưng trên hết, độ dày sâu và vẻ đẹp của Hagia Sophia là một sự thật hiển hiện của kiến trúc Byzantine này.



Mái vòm của Hagia Sophia có thể nói là chỉ đứng thứ nhì trên thế giới sau Patheon ở Rome. Và chính kiến trúc của Blue Mosque là sự cảm hứng lấy từ Hagia Sophia cho nên khi đứng giữa quảng trường đó, nhìn sang trái rồi lại nhìn sang phải, đều thấy cả hai bên đều thân thuộc. Blue Mosque có dáng vóc kiêu hãnh vĩ đại vì được nằm sát biển, trong khi Hagia Sophia lại mang bóng hình học giả quyền quý thâm sâu. Có lẽ không một kiến trúc nào khác trên thế giới có thể kể về đời mình bằng bấy nhiêu chương hồi lần giở. Một nhà thờ trở thành một thánh đường trong 500 năm. Và giờ đây lại là một bảo tàng mở cửa đón bao nhiêu du khách đến để lắng nghe và tự ngẫm về những gì đã qua, để rồi tự thấy mình quá nhỏ nhoi trước khối di sản ấy.



"Trí tuệ thần thánh" là cái tên Hagia Sophia mang bên mình, đúng như mọi sự đúng khác trên cõi nhân gian này. Không trí tuệ sao được, khi cả công trình chỉ được xây dựng trong 6 năm, ở cái thời mà tất cả chỉ dựa vào khối óc và bàn tay con người mà không có công nghệ kỹ thuật hiện đại. Không thần thánh sao được, khi mà kiến trúc của Hagia Sophia làm đảo lộn mọi khái niệm về kiến trúc và xây dựng của thời đại đó. Những gì Hagia Sophia mang lại cho Istanbul, hay nói đúng hơn là cả một trọng trách, không đơn thuần chỉ là bề dày về niên đại, mà là cả một nỗi niềm chiêm nghiệm về vật đổi sao dời, về dòng chảy lịch sử và tín ngưỡng của cả dân tộc, và trên hết là niềm tin về lòng mộ đạo và vào chính bản thân của mỗi con người. Rồi đây ta sẽ phải băn khoăn, được gì và mất gì, đọng lại hay biến tan, sau những lần thay đổi?



Ataturk thay đổi vận mệnh cả một đất nước, và chính ông cũng thay đổi số phận của Hagia Sophia. Năm 1935, ngài Tổng thống đầu tiên sáng lập ra nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ đã ký sắc lệnh chuyển đổi thánh đường thành bảo tàng. Và kể từ ngày đó đến nay, Hagia Sophia, vẫn với chiếc áo cũ, điểm tô gương mặt mới, không phân biệt là con của các đấng Jesus hay Allah, Budda hay Shiva, đều được chào đón nơi này, căn nhà của trí tuệ và tâm hồn.
 
Mẹ Maria còn đứng trên cao đó, với Jesus trong tay, lại có 1 thằng mèo đang lởn vởn trong này :))



Các ngọn đèn chùm này, là chứng nhân của lịch sử



Các ô cửa sổ lấy ánh sáng tự nhiên vào bên trong



http://s429.photobucket.com/user/tr...17/IMG_9045_zpsbctw5obo.jpg.html?sort=3&o=150

Các hình vẽ chữ thảo này đều có những ý nghĩa nhất định



Khu vực này là nơi cầu nguyện hướng thẳng đến Mecca



Đây chắc chắn là những gì thêm nếm vào của đạo Hồi, đá cẩm thạch trắng với kiến trúc Mughal



Cảm thấy mình nhỏ bé



Mái vòm lớn nhất, cùng hình vẽ của các thiên thần 6 cánh

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,588
Bài viết
1,153,842
Members
190,138
Latest member
NgoDieu
Back
Top