What's new

Chuyện ở Hòn Sơn Rái

#soiphieudieu: Như mấy bài trước, bài này mình cũng trích đăng lại từ blog cá nhân của mình. Bài viết chủ yếu ghi lại cảm nhận của mình về chuyến đi do đó câu cú mình viết đôi khi hơi khó đọc, quan điểm nhiều khi cũng không hợp lòng với đa số lắm. Nhưng hy vọng bài viết sẽ có ích cho những ai đang có dự định tới khám phá hòn Sơn Rái - một trong những hòn đảo tuyệt đẹp ở Tây Nam bộ, đặc biệt là cho những ai thích đi một mình như mình. Đây là bài viết tiếp chuỗi ngày ở Nam Du mà mình đã từng đăng khi trước.
Phần 1:​
“Ê, xe ôm không? Đi đâu chở cho đi nè.”

Tôi quay lại. Vài ba người chạy xe ôm đang ngồi tránh nắng dưới táng cây trứng cá trước quán nước. Giọng nói vừa rồi là của một chú lái xe nước da ngăm đen, trạc chừng bốn mươi hơn. Tôi lắc đầu từ chối, không phải bởi không muốn đi mà là vì chưa biết sẽ đi tới đâu.

Tôi đang đứng ngay ngã tư đường. Sau lưng là cầu tàu, trước mặt là con đường bê tông rộng rãi nhưng nhà cửa hai bên có vẻ lưa thưa. Cố chấp tiến thêm vài bước nữa tôi mới quay sang gốc trứng cá đánh tiếng hỏi thăm:

“Chú ơi cho con hỏi gần đây có nhà nghỉ nào không vậy?”

“Quẹo trái đi tới dốc có nhà nghỉ Hồng Đào,” một chú vừa chỉ tay vừa nói, mắt chẳng buồn nhìn theo.


img_4120.jpg


Tôi cảm ơn rồi vội rẽ vào hướng mà chú xe ôm vừa bảo. Giữa trưa trời nắng gắt không thấy bóng dáng ai ra đường. Đi được một đoạn hơn trăm mét bỗng nhiên mùi nước mắm ở đâu bắt đầu xộc vào mũi. Thì ra ở phía trước là các hãng nước mắm nằm san sát nhau hai bên đường. Có hãng để sẵn vài thùng nước mắm trước cửa để khách hàng lựa chọn, nhiều hãng cửa đóng im ỉm chẳng biết còn hoạt động hay không, cũng có vài hãng chỉ còn trơ lại bốn bức tường đổ nát. Nghề làm nước mắm trên đảo quả nhiên đã không còn thịnh như trước nữa, tôi nhớ có một bài báo từng nhận định như vậy khi viết về cuộc sống nơi đây.

img_4118.jpg


Vốn không chịu được mùi nước mắm nồng nặc thế này nên tất nhiên tôi cố sức co chân chạy thật nhanh. Qua một cái cầu nho nhỏ đầy rác bên dưới thì con dốc mong đợi cũng đã hiện ra trước mặt. Trên dốc đúng là có nhà nghỉ Hồng Đào thật. Tôi bước tới trước cửa, ngó nghiêng vào xem xét tình hình. Khu vực “quầy tiếp tân” trống trơn, bên trong cũng không thấy bất kỳ ai.

Đang đứng lơ ngơ chưa biết phải xử trí thế nào thì có một giọng ẻo lả từ phía sau vọng tới:

“Tính thuê phòng hay gì mà đứng đây?”

Chưa kịp đợi tôi trả lời thì “bà chị” đã nhanh chân bước thẳng vào phía trong nhà gọi to:

“Chị Đào ơi, có khách nè!”

Một người phụ nữ tuổi gần bốn mươi với gương mặt hiền lành hớt hải từ căn phòng gần đấy chạy ra. “Chắc đây là chị Đào rồi,” tôi nghĩ thầm.

“Em thuê phòng hả? Đi mấy người? Tính thuê bao nhiêu phòng?” chị vui vẻ nhìn mình hỏi.

“Em đi một mình. Ở đây có phòng loại nào vậy chị?”

“Đi du lịch mà đi một mình?” chị Đào tỏ vẻ ngạc nhiên. “Phòng dưới đây một trăm sáu nhưng chị bớt em còn một trăm rưỡi, còn phòng mới xây trên kia thì một trăm bảy. Trên đó có vườn xoài, mát lắm.”

Cái chữ “mát” của chị giữa buổi trưa đỏ lửa thế này nghe sao mà êm tai quá chừng. Nhưng thôi, dù gì hầu bao cũng không còn nhiều lắm nên tôi quyết định sẽ thuê một phòng ở đây. Tuy chỗ này không nằm trong vườn xoài nhưng lại có cửa sổ hướng ra biển.

Chị đưa chìa khóa rồi dẫn tôi vào phòng. Đó là một căn phòng nhỏ sơn màu hồng có giăng sẵn một cái mùng đã được vén lên tứ bề. Cả cái mùng cũng màu hồng nốt. Một chiếc bàn nhôm nho nhỏ cùng một ghế nhựa có chỗ dựa lưng đặt kế bên cửa sổ. “Cái nơi hồng hồng này sẽ là chỗ trú của mình trong vài ngày tới đây,” tôi cười thầm.

Tranh thủ lúc tôi ngồi nghỉ mệt, chị Đào dọn dẹp lại phòng vệ sinh đối diện. Chị vừa làm vừa kể vừa có mấy vị khách mới trả phòng xong nên chưa kịp dọn dẹp lại cho sạch sẽ. Tôi bây giờ là khách duy nhất trong khu nhà nghỉ của chị. “Ở đây người ta hay đến vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ chứ ít ai đi ngay ngày làm việc thế này như em,” chị nói.

Có lẽ sợ khách ở xa không biết tình hình đảo mà phàn nàn về vấn đề điện nước nên chị cũng luôn thể phân trần:

“Điện nhà nước từ năm giờ chiều tới mười một giờ tối, khoảng thời gian còn lại chỗ chị cho chạy máy đèn, đảm bảo lúc nào cũng có điện cho em dùng. Còn nước này là chị đặt ống dẫn từ trên núi Yên Ngựa xuống nên không sợ thiếu”.

“Trên núi đó có hồ nước ngọt hả chị?” tôi thắc mắc.

“Không em, gần trên đỉnh có một hang động, trong đó có hốc nước sâu khoảng mười mét lúc nào cũng đầy nước. Ở đây người ta toàn dùng nước đó thôi, tốt lắm”.

“Ở đảo xa bờ mà có được nguồn nước ngọt tự nhiên quanh năm như thế thì quý quá rồi còn gì. Ngoài Nam Du đâu kiếm ra nguồn nước ngọt như vậy,” tôi bắt đầu so sánh.

“Vậy ra em từ Củ Tron vô đây hả?” chị tò mò.

“Dạ, nhưng em không phải người ngoài đó. Em ra đây tham quan thôi.”

“À ra là vậy. Bữa trước có đoàn của đài truyền hình gì đó ra đây quay phim bên bãi Bàng. Người ta thuê phòng trên vườn xoài ở mấy ngày mới về hôm trước,” chị cho biết thêm.

Cũng chẳng còn gì để nói nữa nên tôi lăn ra giường cho đỡ mỏi lưng. Tấm nệm phía dưới hình như cũng đang hùa theo bầu không khí oi bức xung quanh để khiến tôi phải tiêu tốn thêm một lượng mồ hôi kha khá. Phòng tôi ở tuy có cửa sổ hướng ra biển nhưng lại bị đám cây gần đấy che chắn hết nên cũng không lấy gì làm mát mẻ. Tôi nằm chỉ nghe tiếng sóng cứ chẳng thấy biển đâu. Thì ra đó là lý do vì sao giá thuê nó lại rẻ hơn khu nhà nghỉ phía trên, ngay trong vườn xoài.

Phần chị Đào sau khi chùi rửa nhà tắm xong xuôi đâu đấy thì đem tới cho tôi một cây đèn bàn đã sạc điện và một cây quạt nhựa. Chị nói mấy thứ này là để đề phòng ban đêm ban hôm cúp điện đột xuất. Thấy tôi nằm đây có vẻ nóng nên chị kêu ra phía vườn xoài nghỉ trưa cho mát, chị có giăng sẵn vài ba cái võng ở đó.

Tất nhiên tôi nghe xong là cầm ngay quạt đi thẳng ra vườn.

Đất nhà chị rộng thật. Ngoài khu trọ phía biển tôi vừa thuê thì đối diện là căn hộ gia đình chị đang sinh sống. Cái dốc sau nhà chị trồng xoài, rồi lại tiếp tục xây thêm một dãy nhà trọ ngay trên đó. Phía trên cả dãy nhà trọ là quán cà phê Vườn Xoài cũng của vợ chồng chị vừa mới mở.

Tôi khoan khoái nằm dài trên chiếc võng con con, tay phe phẩy quạt và chân đánh nhịp đu đưa. Vậy là tôi đã tới hòn Sơn. Chắc giờ này ba người bạn của tôi sắp vào tới Rạch Giá rồi. Thật ra ban đầu tôi cũng chỉ có dự định đi Nam Du rồi về cùng mọi người, nhưng cuối cùng lại bị hòn đảo này níu chân lại sau lời kể của những người vô tình gặp gỡ ở Củ Tron, ai cũng bảo: “Nghe nói hòn Sơn đẹp lắm.”

“Ừ, đẹp thì mình đã tới rồi đây!”
 
Tiếp theo

Đi du lịch một mình thật ra cũng có cái hay riêng của nó chứ không nhất thiết là hành động “tự kỷ” gì gì đấy mà mấy bạn trẻ ngày nay vẫn hay nói đùa. Đây cũng không phải là lần đầu tiên tôi một thân một mình vác ba lô ra hòn đảo nào đấy. Cuộc sống vốn tươi đẹp với đủ thứ sắc thái, nhưng đôi khi nếu ở yên một chỗ lâu ngày dễ khiến con người ta phát chán. Những hình ảnh tẻ nhạt, những công việc tẻ nhạt và những mối quan hệ tẻ nhạt cứ lặp đi lặp lại như đoạn phim quảng cáo trên truyền hình, ban đầu xem thì thấy hay nhưng càng về sau bạn càng chỉ muốn tua qua cho nhanh. Ngày nào cũng đi qua ngần ấy con phố, làm ngần ấy công việc và gặp ngần ấy người. Những “ngần ấy” đó vô tình nhốt con người ta vào một vòng tròn vô hình, quanh đi quẩn lại cũng chỉ mãi loay hoay trong cái vòng tròn dường như không có lối ra này. Chẳng có gì bào mòn cuộc sống một cách âm thầm và mãnh liệt hơn sự đơn điệu.

Những lúc chán chường như thế tôi chỉ muốn đạp tan cái vòng vô hình rồi lao thật nhanh ra “thế giới diệu kỳ ngoài kia”. Đó phải là một nơi nào đó thật xa lạ, hoặc ít nhất tôi chưa từng đặt chân đến bao giờ. Ở đó tôi sẽ gặp gỡ và làm quen với những con người xa lạ. Sẽ chẳng ai trong số họ biết tôi là ai, tôi đã từng thậm thương trộm nhớ những cô gái nào hay tôi uống được bao nhiêu chai bia thì cho “chó ăn chè”, và còn những thói xấu gì khác nữa. Cũng ở đó tôi sẽ cố gắng thử làm một vài chuyện mình chưa từng làm hay không quen làm khi còn ở trong “vòng tròn”, cốt là để xem khả năng của mình thật ra tới mức nào. Tất nhiên đó chẳng phải là những hành động lập dị điên khùng không tưởng nào đấy, mà chỉ là những việc tôi chưa có cơ hội để thực hiện. Tại một nơi không ai biết bạn là ai thì tội gì bạn lại không thử bộc lộ những cá tính và sở thích tiềm ẩn nào đấy của bản thân mình?

Sau mỗi chuyến đi như vậy tôi thấy mình trưởng thành hơn đôi chút và cũng dễ lấy lại cảm giác cân bằng cho một sự khởi đầu mới mẻ.

Thêm một lý do nữa để việc đi đâu đó một mình trở nên vô cùng lý thú, chính là việc nó giúp tôi cảm thấy mình cởi mở và chan hòa hơn với mọi người xung quanh. Có một sự thật là việc đi bụi một mình sẽ na ná với một buổi thiềng định dài hơi nếu như bạn bỏ qua sự giao tiếp với những người địa phương nơi bạn đến. Khi có nhiều bạn bè đi cùng, bạn thường chỉ chú tâm trò chuyện hay vui chơi với những người bạn đồng hành của mình, vì đó là những người thân thuộc với bạn nhất. Nhưng khi chỉ có mỗi mình bạn thì bạn chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải giao tiếp với những người xung quanh nếu như bạn không có ý định biến chuyến đi của mình thành một chuyến hành trình trong im lặng theo đúng nghĩa của nó. Giao tiếp nhiều với những người địa phương là cách hữu hiệu nhất để có thể hiểu biết một cách dễ dàng và chân thực về nơi mà bạn đang đặt chân.

Với tôi chẳng còn gì lý thú hơn khi sau mỗi chuyến đi tôi lại quen thêm với một vài người bạn phương xa và biết thêm nhiều điều mới mẻ từ thế giới rộng lớn ngoài kia.

Bởi vậy nên tôi – ngay lúc này đây, đang nằm dài đu đưa trên võng trong vườn xoài nhà chị Đào – cảm thấy vô cùng náo nức và phấn chấn vô cùng vì không biết điều hay ho gì đang chờ đợi mình trên hòn đảo xinh đẹp này trong mấy ngày sắp tới.
 
Tiếp theo

Nằm lim dim trong vườn xoài một hồi lâu thì cái bụng tôi cũng bắt đầu kêu gào. Tôi quay trở về phòng ăn vội mấy mẩu bánh mì mang theo từ đất liền rồi vội vã chuẩn bị cho chuyến loanh quanh bãi Nhà trong buổi chiều nay.

Hòn Sơn nơi tôi đang ở là một đảo nhỏ nằm trong vịnh Thái Lan. Ở góc độ địa giới hành chính thì đây là xã đảo Lại Sơn thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Đảo cách Rạch Giá gần 2 giờ ngồi tàu cao tốc. Đây cũng là điểm mà tàu ra Nam Du ghé lại để rước và trả khách mỗi lượt đi về. Đảo tuy lớn nhưng địa thế lại đơn độc vì không còn bất kỳ đảo nhỏ nào xung quanh, bù lại trên đảo có rất nhiều đỉnh núi khá hiểm trở. Cao nhất là đỉnh Ma Thiên Lãnh, nơi có “sân tiên” là chỗ mà người dân địa phương đồn rằng ngày xưa các tiên nữ vẫn hay bay xuống chơi đùa ngắm cảnh mỗi đêm trăng rằm. Đỉnh Yên ngựa thì gần nhà chị Đào, còn mấy đỉnh khác tôi chưa kịp biết tên.

Tôi lang thang theo con đường trước cửa nhà nghỉ để về lại cầu cảng bãi Nhà. Bãi Nhà là một trong năm điểm cư dân tập trung đông đúc nhất ở hòn Sơn. Cũng giống với các đảo khác, ở đây đa phần người ta sống dựa vào biển. Tuy nhiên tôi cũng sớm nhận ra một điều khác biệt, đó là công việc kinh doanh buôn bán trên đảo này khá nhộn nhịp. Chắc vì vậy mà đời sống của người dân hòn Sơn trông khá giả hơn rất nhiều so với những gì tôi thấy ngoài hòn Củ Tron. Nơi đây vắng bóng những căn nhà lá, chỉ có các ngôi nhà gạch kiên cố nằm san sát nhau. Có những căn mới xây theo kiểu tân tiến nằm kề bên vài căn đã nhuốm màu thời gian.


img_4117.jpg

Cầu tàu bãi Nhà

Về tới ngã tư ban đầu thì tôi tiếp tục đi thẳng và tin chắc mình sắp ra tới chợ xã. Quả nhiên không sai, càng đi sâu vào thì khung cảnh nhộn nhịp càng hiện dần trước mắt. Khu chợ này trông tương tự như bất kỳ khu chợ nào ở miền Tây mà tôi từng đến. Chợ bày bán la liệt vải vóc, quần áo, rau củ, các loại thực phẩm tươi và khô. Những hàng ăn ven đường bán bún riêu, bún thịt nướng, kế bên là quán nhỏ bán sương sa sương sáo. Có cả tiệm vàng và tiệm cầm đồ trong chợ. Rõ ràng tuy là nơi xa xôi giữa biển khơi Tây Nam nhưng cuộc sống trên hòn Sơn cũng không khác gì so với đất liền là mấy.

Gần chợ là một ngôi đình thần khang trang nằm cách mặt đường chính hơn chục bước chân. Có hai người đang ngồi gỡ lưới ngay tại sân đình từ lúc nào. Tôi gật đầu mỉm cười chào họ rồi tiến vào phía trong. Đây là một ngôi đình nhỏ tôi đoán vừa được trùng tu lại vì trông lớp sơn hãy còn rất mới. Chỗ thờ tự bố trí cũng khá đơn giản. Phía trước đặt ảnh Bác Hồ, còn phía sau là chân dung của cụ Nguyễn Trung Trực. Thì ra cụ Nguyễn (theo cách gọi tôn kính của người dân nơi đây) lại có ảnh hưởng mạnh mẽ tới người dân Kiên Giang tới vậy. Bá tánh thờ cụ như một vị thần bảo trợ cho vùng đất này. Dịp tôi ra Phú Quốc mấy năm về trước thấy rất nhiều người dân thờ tự cụ. Ngoài đó còn có cả một đền thờ cụ quanh năm nghi ngút khói hương gần gành Dầu. Tại Rạch Giá người ta cũng xây lăng và đền thờ tưởng nhớ cụ trông rất bề thế, lăng nằm trước khu vực bến tàu cao tốc. Tượng cụ Nguyễn còn được người dân Rạch Giá đặt trang trọng ngay giữa công trường thành phố để người dân đến thắp hương cúng bái hằng ngày.

Cách đình thần Lại Sơn không xa, cũng trên đường ra chợ là một ngôi miễu mang cái tên là lạ – Miễu Bà Cố chủ. Tôi không rõ Bà Cố chủ là ai nhưng đoán đây ắt hẳn phải là một bật tiền nhân nào đó có công giúp đỡ người dân đảo khai hoang lập ấp nên được dân tôn bái. So với miễu Hà Dương Thủy thần ở quê tôi thì miễu Bà Cố chủ trông đồ sộ hơn rất nhiều. Miễu nằm xoay mặt ra bãi Nhà, bên trong chia làm hai khu rõ rệt. Khu đầu tiên rộng rãi nhưng chỉ bố trí vài ba ghế ngồi. Có vẻ đây là nơi dành để đãi khách mỗi dịp cúng miễu. Khu bên trong là ban thờ, có tượng của Bà với nét mặt uy nghiêm dưới hàng cờ phướn sặc sỡ.


img_4126.jpg

Ba giờ chiều mà trời vẫn còn nắng như thiêu như đốt. Trên đầu kiếm không ra một bóng mây. Không gì oi bức hơn những ngày cuối mùa khô, trời trở mình muốn mưa hết đợt này tới đợt khác mà vẫn chưa rớt xuống một giọt. Cái nóng như cũng biết sắp hết thời của những ngày nắng chói chang nên càng ra bộ oanh tạc con người ta dữ dội hơn bao giờ hết. Tôi không chịu nổi nữa nên lủi ngay vào một quán ven đường kêu ly sâm lạnh uống cho tỉnh người rồi mới đủ sức bước tiếp. Mấy ngụm nước mát lạnh làm cảm giác ngột ngạt trong cơ thể dịu được mấy phần.

Đi qua chợ thêm một quãng ngắn thì con đường dường như đã tới ngõ cụt. Tôi đánh liều đi vào một lối nhỏ gần đấy. Thì ra đây là lối dẫn vào nhà riêng của người ta. Ngồi dưới mái hiên là vài ba người đàn ông lớn tuổi mươi đang lai rai bữa chiều. Chó thấy người lạ nên sủa inh ỏi. Biết đã đi nhầm đường nên tôi lên tiếng trước:

“Chú ơi cho con hỏi chỗ này là đường cùng rồi phải không?” Tôi hỏi một câu chống chế cho tình hình hiện tại.

“Ừ, mà con muốn đi đâu?” Một chú tóc hoa râm nhìn tôi với ánh mắt dò xét.

“Khách du lịch hả?” Anh kế bên tiếp lời.

Do chưa biết là sẽ đi đâu nên cũng không biết trả lời thế nào, bèn tìm cách hỏi thêm:

“Dạ con đi tham quan, gần đây có chỗ nào đẹp để ngắm cảnh không vậy mấy chú?”

“Giờ quẹo hướng này nghe…” – chú vừa chỉ tay vừa la con chó đứng kế bên tôi sủa dai nãy giờ – “Ra tới biển rồi men theo bờ, tới khi thấy mấy bậc đá thì trèo lên, quẹo phải một chút là tới Thánh thất Cao Đài, chỗ đó ngắm cảnh coi bộ cũng đẹp.”

“Vậy chỗ đó có gần bãi Bàng không?” Tôi hỏi, trong lòng mong nhận được một cái gật đầu.

“Bãi Bàng thì xa hơn, cách đó mấy cây số lận,” một chú khác lên tiếng.

“Còn nếu không vô đây ngồi nhậu chung với tụi tui luôn cho vui, đi làm gì cho mệt,” chú tóc hoa râm vừa cười hà hà vừa rủ rê.

Tôi mỉm cười cám ơn lời mời đầy thiện ý của họ rồi gật đầu chào để đi tiếp cho kịp buổi chiều. Dù gì lúc này tôi cũng đang hăng máu đi hơn là hăng ngồi lại nhậu nhẹt.

Ra khỏi sân nhà một chút là đã thấy biển. Tôi cứ thế đi dọc theo bãi cát cho tới khi gặp một chị đang làm đường cạnh bậc đá. Tôi hỏi lại chị một lần nữa để chắc rằng mình không đi sai hướng rồi theo mấy bật đá leo lên. Thì ra trên này có cả một con đường bê tông rộng hơn nhiều so với con đường phía dưới. Theo thông tin ghi trên cột cây số dựng gần đấy thì đường này gọi là “Đường quanh đảo”, bãi Bàng cách đó ba cây số.

Tôi không vội đến bãi Bàng ngay lúc này vì biết chắc sẽ không kịp buổi chiều. Vậy nên tôi nên rẽ vào Thánh thất của đạo Cao Đài cách đấy vài bước chân. Khung cảnh nơi đây quả đẹp thật. Thánh thất quay mặt ra biển, bên dưới còn có một gành đá. Hàng trăm ngàn tảng đá lớn nhỏ nối nhau vươn ra phía xa. Trên một phiến đá người ta xây một tòa tháp nhỏ chơ vơ trông như một cái miễu. Chắc đây cũng là một trong những công trình thuộc khu Thánh thất.


img_4137.jpg


img_4141.jpg

Đứng ở gành đá tôi có thể thấy rõ toàn cảnh bãi Nhà mà mình vừa mới ngang qua. Dưới bóng dừa có vài ba người ngồi câu cá, xa hơn là vài ba đứa trẻ đang lặn ngụp dưới nước bắt con gì đấy. Vừa định mon men tới gần để kiếm chuyện làm quen thì họ lại đổi vị trí câu xa hơn, nên tôi đành ngồi tại chỗ hóng mát. Bãi Nhà nhìn ở góc này trông nên thơ vô cùng chứ không đầy rác như khi tới gần. Càng xa khu dân cư thì biển càng thêm đẹp.

img_4138.jpg


img_4139.jpg

Trời xẩm tối. Hóng gió và ngắm cảnh một mình cũng đã chán chường nên tôi quay về con đường cũ. Bàn nhậu khi nãy giờ đã có thêm ba bốn người nữa. Lúc này mọi người đều bận chén chú chén anh nên cũng không còn ai chú ý dù cho con chó vẫn cứ sủa liên hồi khi thấy bóng tôi ngang qua. Tôi vào chợ, ghé lại một hàng ăn bày ngay bên đường, kêu một tô bún riêu lót dạ trước khi trở về nhà trọ ngả lưng vài phút. “Ra cầu tàu một mình ngắm biển đêm chắc cũng thú vị lắm đây,” tôi thầm nghĩ.
 
tiếp theo

Cái nóng ban ngày phải hơn sáu giờ chiều mới chịu dịu lại đôi phần, nhường chỗ cho những cơn gió từ biển liên tục thổi vào làm mát mọi thứ trên đảo. Cuộc sống về đêm ở hòn Sơn này tất nhiên đông vui hơn Nam Du, nhưng lại có nét gì đó không sôi động bằng. Xem chừng thói quen sinh hoạt của người dân trên đảo cũng không khác với quê tôi là mấy. Gần chín giờ là người ta đã tắt đèn đi ngủ, đường xá bắt đầu vắng lặng chứ không có những buổi ăn nhậu ca hát thâu đêm như ngoài hòn Củ Tron.

img_4356.jpg

Những đứa trẻ chơi đùa bên bãi biển gần nhà

Khu vực cầu tàu bãi Nhà là địa điểm vui chơi về đêm nhộn nhịp nhất mà cũng rất có thể là duy nhất trên đảo. Hàng loạt hàng quán được dọn ra khi đêm xuống, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của những kẻ có “tâm hồn ăn hàng”: Trà sữa, cà phê, nước mía, thức ăn chiên, bánh mì, hột gà nướng, hột vịt lộn, cút quay, bánh ướt, hủ tíu… Khu ẩm thực đêm này chính là nơi hẹn hò lý tưởng cho cả dân du lịch lẫn dân địa phương.

Tôi không ghé vào ngay mà đi thẳng ra cầu cảng, nơi có vài ba chiếc tàu đang neo đậu. Trong số này có một tàu khá to chở cột điện từ đất liền ra. Có vẻ như người ta chuẩn bị xây dựng hệ thống điện bao quanh hòn đảo. Nhóm công nhân vẫn đang nỗ lực đưa nốt những cây cột cuối cùng vào khu vực bên trong bờ. Phía đối diện là một chiếc tàu sắt khá lớn chuyên vận chuyển hàng tuyến Hòn Sơn – Rạch Giá neo lại. Sáng sớm mai nó sẽ chở hàng từ đảo vào Rạch Giá. Rất nhiều ghe nhỏ cũng neo qua đêm bên cầu tàu, mỗi lần sóng lướt qua là chúng lại chòng chành không dứt. Ban đêm trời bắt đầu thổi lại nên sóng khá lớn. Vô số ánh đèn xanh vàng từ những chiếc ghe câu mực phía xa nhấp nháy liên tục trong cái màn đen kịt của biển, nhìn sơ qua hệt như một đàn đom đóm đông đúc đang mùa tìm kiếm bạn tình. Biển đêm đúng nghĩa đẹp lung linh.


img_4319.jpg

Cầu tàu về đêm

Quay vào khu vực phía trong, tôi ghé lại quán nước gần nhất ngồi nhâm nhi ly nước mía. Tôi đoán đa phần những người đang ngồi đây là dân địa phương vì đảo chỉ đông du khách vào các ngày cuối tuần và những dịp lễ. Buồn tình nên tôi lân la bắt chuyện làm quen với cô bán thức ăn chiên kế bên. Sau những lời chào hỏi xã giao thì cô bắt đầu kể đủ thứ chuyện về hòn đảo này. Thì ra cầu cảng chỉ vừa mới được xây cách đây khoảng hai năm. Trước đó khách từ tàu cao tốc lên đảo phải đi đò nhỏ để vào. Hệ thống đèn chiếu sáng của cầu tàu này sử dụng nguồn năng lượng mặt trời nên những ngày u ám là tối thui. Hóa ra cái nóng cũng có công dụng riêng của nó. “Bên bãi Bấc cũng có cầu tàu, nhưng không xôm tụ bằng ở đây,” cô nói.

Rồi chẳng biết sao cô lại kể cho tôi nghe về đứa con gái lớn của mình. Năm nay cô bé học lớp 12. Giọng cô có vẻ rất tự hào khi kể về em.

“Ồ, hóa ra trên đảo mình cũng có trường cấp ba nữa hả cô?” Tôi tò mò.

“Ừ, có chứ con. Nhưng thi tốt nghiệp thì phải vào hòn Tre thi chứ ở đây không có tổ chức,” cô cho hay.

“Vậy em ấy đã dự định sẽ thi vào trường gì chưa?” Tôi thuận miệng hỏi thêm.

“Nó tính hết rồi. Sức nó thi đại học thì không nổi, lại tốn kém nhiều chi phí nên nó quyết thi vào trung cấp mầm non, hai năm sau là có thể đứng lớp. Còn chuyện học cao hơn nữa thì nó nói cứ từ từ học cũng không muộn. Cô thấy nó nghĩ vậy cũng có lý.”

Con bé quả là có lý thật. Bây giờ cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay chưa chắc gì người ta đã kiếm ra một việc làm đúng với những gì mình được đào tạo. Ở cái thời buổi mà ai cũng muốn làm “thầy” này thì hóa ra những người “thợ” lại dễ sống hơn nhiều. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, những ai hiểu rõ hoàn cảnh của mình để chọn hướng đi phù hợp như cô bé chắc hẳn sẽ có rất nhiều thành công đang đợi phía trước.

Chợt nhớ tới cái miễu ban chiều nên tôi tranh thủ hỏi cô về thân thế Bà Cố chủ nọ.

“Con tới miễu rồi hả? Miễu đó linh lắm, cầu gì được nấy.” Cô không giải đáp thẳng câu hỏi của tôi mà khẳng định thêm về tiếng tăm của ngôi miếu – “Nhưng mà cầu xong thì phải trả lễ lớn cho Bà mới được Bà phù hộ à nghe.”

Có một chút màu sắc huyền bí xen lẫn hài hước trong câu chuyện về ngôi miễu. Ngày trước miễu Cậu gần nhà tôi cũng nổi tiếng không kém. Ghe xuồng nào đi ngang qua cũng đều phải ghé lại cúng Bà và Cậu để mong xuôi chèo mát mái qua khúc sông đầy nước xoáy trước miễu. Những điều tương tự vậy vốn thuộc tín ngưỡng của cư dân miền sông nước nên không thể nào lý giải dưới góc độ khoa học được. Vậy nên tôi cũng thôi không hỏi thêm nhiều về ngôi miễu và chuyện cúng kiếng nữa mà chuyển sang tìm hiểu về thông tin của các địa điểm tôi dự định sẽ đi trong ngày mai.

“Trên đảo này có nhiều bãi lắm. Bãi Bàng rồi tới bãi Bộ, bãi Bấc, bãi Giếng, bãi Thiên Tuế. Bãi Giếng và bãi Thiên Tuế nằm đấu lưng vào nhau, bãi Nhà thì ở đây… À, kế bên bãi Bấc có bãi Đá Chài cũng đẹp, hồi Tết cô có ra đó chơi…. Mà con nói sao? Đi bộ hả? Mệt lắm đó…. Ừ nếu con đi quen vận động rồi thì cũng được, cứ đi theo đường quanh đảo thì sẽ qua hết mấy bãi đó…. Ngoài này vui lắm, mấy chiếc xe chở vật liệu xây dựng trong đất liền người ta đem ra đây làm xe “mui trần” chở khách du lịch, một chuyến quanh đảo tốn năm trăm ngàn, còn thuê xe máy thì tốn hai trăm một ngày… Hả? Nha Trang mà có một trăm một ngày thôi hả? (Cười) Cái đảo xa lắc xa lơ này… thiệt là hết ham…”


img_4146.jpg

Một góc bãi Nhà nhìn từ cầu tàu​

Tôi vừa ngồi nghe cô giới thiệu về mấy bãi biển trên đảo vừa tranh thủ nhai ngồm ngoàm xâu chả cá đã teo lại gần một nửa do nãy giờ không kịp ăn. Thì ra hòn đảo lại có nhiều bãi biển tới vậy, nhưng chỉ có bãi Bàng là đẹp. Các bãi còn lại do dân cư tập trung đông đúc nên rác thải cũng nhiều và cũng không ai tắm táp gì ở đó. Hóa ra từ “bãi” ở đây cần phải được hiểu chính xác không phải được dùng để chỉ riêng một bãi tắm, mà nó còn là danh từ chỉ nơi nhà cửa quần tụ, kiểu như bãi Ngự hay bãi Chệt ở hòn Củ Tron vậy.

img_4317.jpg

Bãi Nhà nhìn từ trên cao​

Chín giờ hơn. Những gì cần hỏi tôi đã hỏi hết và những thứ cần ăn cũng đã được ăn xong. Không còn việc gì nữa nên tôi chào cô rồi về lại nhà nghỉ. Cô vui vẻ gởi đến tôi một lời chúc tốt đẹp cho chuyến đi ngày mai kèm theo lời mời mai nhớ tiếp tục tới ủng hộ cô vài ba xâu cá viên chiên nữa.

Trái ngược với lối vào chợ, hướng về nhà nghỉ Hồng Đào các nhà đã tắt đèn đi ngủ hết, nên dù chỉ mới hơn chín giờ đêm mà con đường đã tối mù. Không có đèn đường, tôi lò mò đi ngang qua những căn nhà đổ nát và mấy hãng nước mắm bỏ hoang dọc hai bên, nghe rõ từng tiếng bước chân mình vang trên con đường vắng tanh. Đâu đó trong góc tường tối om lũ mèo cứ thay nhau tỉ tê thành từng hồi lạnh lùng. Chợt nhớ ra đêm nay chỉ có mỗi tôi trong dãy nhà nghỉ rộng thênh thang. Vợ chồng chị Đào không ở cùng khu nhà nghỉ mà về nhà riêng của họ ở phía đối diện. Bất chợt tôi thấy bản thân hơi “dại dột” khi thuê trọ trên con dốc. Phía đằng chợ, một số nhà nghỉ vẫn sáng rực ánh đèn cùng người qua kẻ lại.
 
Tiếp theo

Từ cầu cảng đi thẳng một đoạn tầm năm trăm mét sẽ gặp một con lộ bê tông lớn. Đây chính là đường quanh đảo. Nó ngang qua tất cả các bãi của hòn Sơn, ước chừng dài khoảng mười ba cây số. Vốn dĩ khả năng định hướng của bản thân từ xưa tới nay chẳng khá khẩm gì bởi cái tật hậu đậu hay quên trước quên sau nên con lộ duy nhất này hóa ra lại trở thành một sự thuận lợi lớn với tôi.

Thường thì mọi người ra đây sẽ tìm thuê một chiếc xe máy, còn tất cả những gì tôi cần là một đôi giày thật êm chân. Hôm nay tôi sẽ đi bộ để được quan sát chậm rãi và rõ ràng hơn mọi thứ dọc đường. Thật ra đi bộ không phải là một ý kiến tồi nếu như người ta đã quen với việc này. Thứ nhất, bạn tiết kiệm được chi phí. Thứ hai, bạn rèn luyện sức khỏe và sự dẻo dai của đôi chân. Thứ ba – hơi cá nhân một tí – Bạn có cái gì đó “điên điên” để không thể quên sau chuyến đi, đại loại như “Tôi đã đi bộ một mình quanh hòn đảo giữa trời nắng chang chang” hay “Tôi nhớ tới chỗ này vì ở đó tôi bị đàn chó rượt theo sát sao”.

Dân cư hòn Sơn chỉ tập trung nhiều tại các bãi ven biển nên những phần còn lại của đảo trông khá vắng vẻ. Chỉ cần qua khỏi khu vực bãi Nhà một quãng ngắn thì gần như không còn thấy hộ dân nào sinh sống nữa. Lẽ dĩ nhiên sự heo hút ít nhiều cũng có nét đẹp riêng của nó, một vẻ đẹp rất đỗi nhẹ nhàng và chỉ thích hợp cho những ai ưa sống chậm. Vẻ đẹp ấy hòa quyện vào làn không khí tinh khiết của buổi sớm mai đã được gia giảm thêm mùi hương nhè nhẹ của đám cỏ dại ven đường. Nó cũng đến cùng cái cảm giác âm ấm dịu dàng lan tỏa trên da thịt khi những tia nắng đầu tiên từ biển chiếu rọi vào. Nó theo những cơn gió hiền lành cứ mải miết lướt qua lướt lại hệt như đám trẻ đang chơi trò cút bắt, lâu lâu vô tình chạm vào tàu lá của rặng dừa lão làm chúng khua lao xao một cách khó chịu.


img_4167.jpg

Dạo bước trên con đường quanh đảo

Dừa trên đảo nhiều vô kể. Có đoạn chúng mọc thành rừng, từ xa trông hệt như một tấm thảm xanh bạt ngàn kéo dài từ đỉnh núi đến tận gành đá sát mép biển. Buổi sáng rừng dừa trở thành một “câu lạc bộ” khổng lồ cho đám chim chóc thi thố phô diễn tiết mục hát hò. Chim ở đây nhiều vô số kể. Những con chim sâu bé tí không có khái niệm về sự đứng yên, cứ chuyền từ nhánh này sang cành khác trong bụi rậm như thể chúng là sinh vật năng động nhất hành tinh. Đám chim sáo làm bộ ra vẻ điềm tĩnh hơn, ung dung đậu trên tàu lá dừa đón nắng sớm, nhưng chỉ cần một tiếng động nhỏ do trái dừa điếc ở đâu rơi xuống đất là cả bọn lại nháo nhào tháo thân mất tăm. Có con chim chìa vôi nửa đen nửa trắng đang phát ra những tiếng lảnh lót từ trên nhánh xoài chết khô gần đấy như để chứng minh cho sự sai lầm về nghĩa đen của câu thành ngữ “Thấp cổ bé họng”. Gà ghét nhau tiếng gáy thì chim cũng học đòi đố kỵ nhau tiếng hót, nhưng giữa chúng cũng có kỹ thuật “hòa âm phối khí” hẳn hoi. Bìm bịp chuyên đảm nhiệm phần bè trầm, đám chim sâu thì chỉ có độc hình thức hợp ca, còn chìa vôi lúc nào cũng kiêu hãnh với cái tông cao chót vót của mình. Lâu lâu lại có thêm “giọng oanh vàng” nào đó chen vào phá đám dàn hợp xướng. Có tiếng hót nghe du dương hệt như một giọng ca hàn lâm được đào tạo bày bản. Đồng thời cũng có những tiếng ré kỳ khôi từ cây dừa nào đấy phát ra, trông chẳng khác nào các bản nhạc “thị trường” kiểu bây giờ. Ôi thôi đủ thứ âm thanh huyên náo cả một góc đảo.

Bãi Bàng không gần như tôi nghĩ. Rõ ràng dòng thông tin “4 KM” ghi trên cột cây số chỉ mang ý nghĩa tham khảo chứ trên thực tế nó dài hơn rất nhiều. Vượt qua hết con dốc này tới khúc cua khác mà tôi vẫn chưa thấy bóng dáng của bờ cát nào phía sau rặng dừa. Bên dưới chỉ toàn đá và đá. Hơi hoang mang, tôi nghĩ thầm liệu có khi mình đã ngang qua bãi Bàng mà không hay cũng nên. “Nhưng nếu vậy thì vô lý quá, vì nếu lỡ qua bãi Bàng rồi thì mình đã thấy nhà dân ở bãi Bấc mới phải chứ. Vậy nên chưa thể nào qua được,” tôi yên trí ung dung bước tiếp với phán đoán của mình.

Vừa may phía trước thấp thoáng bóng dáng một căn nhà lá nho nhỏ. Tôi vội chạy nhanh tới hỏi hai vợ chồng chủ nhà. Họ đang dắt xe ra cổng chuẩn bị đi đâu đấy.

“Khách du lịch hay sao mà đi mình ên vầy nè?… Qua hết con dốc trước mặt là tới bãi Bàng rồi…. Thôi đi chơi vui nghen.”

Tôi cám ơn rồi bước tiếp, còn họ thì chạy ngược về phía bãi Nhà. Qua khỏi con dốc quả đúng là thấy ngay một bờ cát trắng tinh thật. Đi thêm vài bước chân nữa thì tôi bắt gặp một lối mòn dẫn xuống bãi. Lối này nằm khuất dưới táng cây rậm rạp và cũng vừa đủ cho một người leo xuống. Hóa ra đường quanh đảo không chạy sát bờ bãi Bàng như tôi mong đợi mà chỉ vòng phía trên dốc. “Cũng có khi không chú ý thì mình đã đi qua lúc nào mà không biết thật,” tôi nghĩ thầm.

Tiếp tôi trên bãi là một tiểu đội bốn, năm con chó. Thấy người lạ đi lơn tơn lại gần nên chúng nhiệt tình sủa chào khách. Cũng chẳng có ai ra xua đám chó đi. Loay hoay nhìn trước ngó sao hồi lâu thì tôi đi đến kết luận: “Tạm thời ngoài mình ra bãi Bàng không còn ai khác tới tham quan nữa”. Chắc do du khách đến đây không nhiều lắm nên đàn chó mới đâm ra đề phòng người lạ thế này.


img_4168.jpg

Em này đang nằm sưởi nắng trên bờ biển. Cấm làm phiền

Đi tiếp vài bước thì thấy căn nhà phía trên hình như có người đang ngồi rửa chén. Tôi tiến lại gần hỏi thăm.

“Ủa nãy giờ đi tới rồi đó hả? Vào nhà nằm võng uống nước chút cho mát rồi hãy xuống tắm biển nghen,” chị chủ nhà thân hình đẫy đà chào đón tôi bằng một lời mời không thể thân thiện hơn.

Tôi ngờ ngợ trong đầu. Hai chúng tôi có gặp nhau lần nào đâu mà sao bà chị này lại biết tôi đi bộ tới. Như không đợi tôi tò mò lâu hơn nên chị nói luôn:

“Hồi nãy anh với chị chạy ngang thấy em đang lội bộ mà không biết là ra chỗ nào, ai dè em ra đây. Mà sao em đi mình ên buồn vậy? Ghệ đâu sao không dẫn đi chung cho vui?” Chị tiếp tục thắc mắc cái vấn đề mà hầu như ai gặp tôi trên đảo này cũng thắc mắc.

Tôi tất nhiên chỉ biết cười trừ rồi tìm cách “đánh trống lãng”:

“Bãi Bàng là chỗ này hả chị?” Tôi hỏi một câu không đâu vào đâu, “sao hôm nay em không thấy ai tới hết vậy?”

Chị nhìn tôi, cười:

“Bình thường thứ bảy chủ nhật cũng đông khách từ trong đất liền ra lắm em. Còn mấy ngày này thì tới chiều mới có người ra tắm biển chứ sáng ít người ra. Giờ em qua đằng chòi bên kia nằm võng nghỉ đi, để chị làm cho ca dừa đá, uống không?”

Tôi gật đầu. Chị ngưng tay với đống chén dĩa rồi dẫn tôi qua căn chòi kế bên. Bãi biển chỉ có hai quán nước. Quán chỗ đám chó ồn ào khi nãy là của chủ khác, có võng mắc sẵn dưới tán dừa. Chỗ chị không có dừa che chắn nên chị phải dựng căn nhà lá này để làm nơi giăng võng cho du khách nằm nghỉ ngơi, cũng mát không kém.

Tôi ngồi đu đưa trên võng, thả hai bàn chân trần xuống rê rê trên lớp cát. Cuối cùng bao nhiêu mệt mỏi cũng đã được lớp cát dưới chân này hút đi mất. “Cát trắng và mịn thật, không phí công mình đã lặn lội ra đây,” tôi khoan khoái nghĩ thầm.

Từ căn chòi lá nhìn ra trông bãi Bàng đẹp vô cùng. Bãi biển này có bờ cát trắng không thua kém gì bãi Chướng ở hòn Mấu, nhưng sóng êm đềm hơn và đám dừa mọc trên bãi cũng nhiều hơn. Ở đây chỉ có dăm ba căn nhà lá chứ không đông đúc như bãi Nhà, vì thế mà bờ biển rất sạch sẽ, mà gọi là hoang sơ thì cũng đúng, nhưng tuyệt nhiên lại không có bóng dáng của bất kỳ cây bàng nào.


img_4234.jpg

“Sao bãi này gọi là bãi Bàng mà toàn dừa không vậy chị?” Tôi cắc cớ nêu ra câu hỏi nửa thật nửa đùa khi thấy chị Bảy chủ quán đem ca dừa đá ra.

“Cũng không biết nữa em,” chị cười. “Giống như hòn Sơn người ta còn kêu là hòn Sơn Rái vậy mà, có con rái cá nào đâu”.

Tôi cũng cười theo.

Chị Bảy đặt ca nước lên bàn xong thì cũng vội trở vô nhà rửa cho hết thau chén dĩa. Dừa không ngọt nhưng uống vào mát cả ruột. Tôi tợp chừng ba bốn hớp là đã tỉnh hẳn người. Nghĩ đi nghĩ lại thấy hiếm có cây nào hữu dụng như cây dừa. Trừ rễ ra thì toàn bộ cây đều có thể dùng được. Chỉ tính riêng phần quả thôi là đã bộc lộ vô số công dụng. Nước dừa nạo để uống. Nước dừa rám đem đi kho thịt thì nồi thịt kho hột vịt mới ngon. Cái dừa xắt sợi khèo với đường thành ra món mứt dừa Tết nhà nào cũng có. Mấy cô mấy chị khéo tay còn nạo rồi ép phần cái dừa lấy nước cốt nấu chè làm bánh hay chưng cất thành dầu dừa, làm xà bông cục. Phần gáo dừa hồi đó chỉ để đốt lấy than nướng thịt nướng cá, giờ lại còn được dùng làm nguyên liệu chế tác hàng thủ công mĩ nghệ. Thậm chí lớp xơ dừa tưởng chừng chỉ có tác dụng đem đi nhóm bếp thì giờ cũng đã được người ta se lại thành sợi để dệt ra những tấm đệm hay tấm thảm xuất khẩu. Nhưng tôi vẫn nhớ nhất là hình ảnh của cái ấm đựng bình trà làm bằng vỏ dừa. Người ta chọn trái dừa khô lớn nhất, cắt phần đỉnh làm nắp, khoét bỏ phần gáo bên trong chỉ chừa lớp xơ bên ngoài rồi sơn phết trang trí lại cho đẹp. Mỗi khi uống trà muốn nước châm trong bình lâu nguội thì cứ bỏ nguyên bình vào trong trái dừa rồi đậy nắp lại giữ nhiệt, đảm bảo có nước trà nóng uống hoài. Lâu lắm rồi tôi không thấy lại cái ấm giữ nhiệt bằng vỏ dừa này nữa.
 
tiếp theo

Sau khi dạo quanh một vòng bờ biển tôi phát hiện ra nơi đây có một căn nhà hoang nằm dưới tán dừa phía cuối bãi. Căn nhà này rất lớn và khang trang chứ không xập xệ như nhà vợ chồng chị Bảy. Không hiểu sao hòn đảo lại có nhiều nhà bỏ hoang đến vậy, lại càng không hiểu vì sao người chủ sẵn sàng bỏ cả một gia tài lớn mặc cho mưa gió làm hoang phế. Nếu bãi biển này tọa lạc trong đất liền thì đảm bảo thế nào nó cũng bị chia năm xẻ bảy thành những khu resort năm sao nào đấy, thậm chí có khi còn bị đào bới xây hầm để có chỗ cho những quán bar, vũ trường phục vụ thâu đêm cho giới thượng lưu. Kẻ bình dân như tôi chắc còn lâu mới vào được những nơi xa xỉ đó. Còn ở đây bãi Bàng tuyệt mĩ tồn tại theo đúng nghĩa của nó. “Resort năm sao” duy nhất trên bờ là căn nhà lá của vợ chồng chị Bảy cùng hai ba căn khác liền kề, thức uống duy nhất là nước dừa tươi mát rượi anh Bảy hái ngay sau nhà, còn hoạt động giải trí duy nhất là đắm mình trong làn nước xanh ngọc của bãi biển để từng cơn sóng xua tan hết mọi mệt mỏi và phiền lo vướn trên người.

img_4177.jpg
Những cây dừa nghiên mình ra biển. Bên dưới táng dừa là một ngôi nhà tường bỏ hoang​

Không biết biển ở bãi Bàng nông sâu thế nào nên tôi qua nhà hỏi chị Bảy để mượn chiếc áo phao. Nước biển ở đây trong vắt và sạch sẽ vô cùng. Bờ cát thoai thoải chứ không quá dốc nên phải chịu khó bơi ra xa mới ngụp lặn thỏa thích được. Tôi thầm cười: “Không ngờ mình lại trở thành khách v.i.p của bãi Bàng. Thiên đường biển thu nhỏ này hôm nay chỉ tiếp đón mỗi mình mà thôi”.

Chừng thấy cái áo phao không còn giúp ích được gì nữa nên tôi đem nó lên bờ trả lại chị Bảy cho đỡ vướn víu tay chân. Chẳng biết từ bao giờ tôi lại có cái sở thích ngồ ngộ mỗi khi đi tắm biển là ưỡn người nằm dài trên mặt nước thật lâu để tận hưởng cái cảm giác nhẹ nhàng thư thái, cảm nhận sự dìu dặt của từng cơn sóng nhỏ mơn man dưới tấm lưng. Một cảm giác thư thái tuyệt đối chạy khắp cơ thể và cả trong tâm trí. Bởi lẽ chỉ cần một sự dao động nhẹ dù là ở bên trong hay bên ngoài thì người ta cũng khó mà giữ trạng thái “phiêu diêu” như vậy lâu được.

Ngay lúc này đây chỉ còn mỗi biển bao la và tôi nhỏ bé, trống trải nhưng bình yên đến lạ.

Gần trưa, trời bắt đầu chói chang. Nắng làm cho biển xanh thêm và lấp lánh dưới ánh nắng. Tôi trở lên bờ ra sau chòi tắm lại nước ngọt. Nghe nói ở bãi Bàng có khe suối nhỏ chảy từ đỉnh xuống quanh năm nên nước ngọt ở đây không thiếu. Bên ngoài vợ chồng chị Bảy đang kéo mấy tàu dừa khô về để lợp lại mái nhà. Dưới quê tôi người ta thường dùng lá dừa nước lợp nhà chứ không dùng tàu dừa thế này. Ngày trước có rất nhiều xóm chuyên làm nghề chằm lá. Những lúc nông nhàn phụ nữ trong xóm ai cũng tới chằm để kiếm thêm thu nhập. Bây giờ đời sống khá giả hơn, nghề chằm lá cũng vì thế mà mai một dần. Tấm lá tự nhiên hồi nào đã được thay thế bằng tấm tole công nghiệp, bền hơn thì có bền đấy, nhưng làm sao mà mát bằng, hơn nữa dưới mái nhà lá còn có cả một thời thơ ấu xa xôi…


img_4243.jpg

“Người ta hay ra đây theo đoàn lắm, Bảy ít thấy ai chịu đi mình ên như em,” vừa làm chị Bảy vừa trò chuyện với tôi. “Sau này em có ra thì đem theo cái xe máy chạy cho nhanh. Đi tàu gỗ ra đây lâu hơn nhưng được cái rẻ, tiền gởi xe máy một lượt vậy có mấy chục hà, ra đây tha hồ chạy”.

Anh Bảy tiếp lời vợ:

“Hai bữa trước cũng có hai vợ chồng kia thuê xe máy chạy ra đây. Họ cũng từ Củ Tron vào như em. Hai vợ chồng có cái tiệm chụp ảnh đâu ở Long Xuyên thì phải”.

Tôi chắc mẩm trong bụng người mà anh Bảy nhắc tới là hai cô chú tôi từng gặp ở Nam Du chứ không thể là ai khác được. Thì ra chú là thợ chụp ảnh, thảo nào mà lúc gặp ở bãi Cây Mến trông đồ nghề của chú lại chuyên nghiệp tới vậy. Tự nhiên tôi nhớ lại gương mặt tươi trẻ và yêu đời của họ mà lòng cảm thấy ngưỡng mộ vô cùng. “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.

Tôi ngồi trong quán thêm ít lâu nữa, đợi cho quần áo phơi ngoài cọc tre khô ráo đâu đó xong xuôi mới tạm biệt vợ chồng chị Bảy để tới bãi Bấc. Anh chị vừa chỉ đường đi vừa chọc: “Lần sau có tới nhớ gọi điện trước để Bảy chuẩn bị đồ ăn, mà nhớ dắt theo ghệ đi cho vui à nghe, chứ đi mình ên hoài buồn lắm”.

“Dạ để em cố gắng phấn đấu vào đó kiếm ghệ gấp, lần sau ra sẽ có đôi có cặp,” tôi cười.

img_4203.jpg
 
tiếp theo

Tôi trở lên con lộ bê tông thì mặt trời cũng vừa đứng bóng. Đi tiếp tầm một cây số trông xa đã thấy thấp thoáng bóng dáng của vài ba căn nhà nép dưới rặng dừa. Bước thêm vài bước nữa thì lộ bê tông giao với con đường đất. Con đường này dẫn thẳng xuống một bãi biển nho nhỏ, nơi có làn nước xanh trong và những tảng đá nửa chìm nửa nổi. “Cuối cùng thì mình cũng tới bãi Bấc,” tôi mừng thầm trong bụng.

img_4250.jpg

Đường xuống xóm chài
Nhưng lần này thì tôi đã lầm. Sau khi hỏi thăm một người phụ nữ gần đó và cố gắng tập trung lắng nghe những gì chị nói (chị bị tật nên nói không rõ lời) thì mới hay đây không phải là Bãi Bấc. “Bãi Bấc sát bên đây rồi, đi thêm khoảng vài trăm mét nữa là tới,” chị nói ú ớ, tiếng được tiếng không. Còn nơi tôi đang đứng là một xóm nhỏ ven biển với vài ba căn nhà, gọi là Bãi Bộ. Dễ dàng bắt được ngay “mùi hương” điển hình của một làng chài tỏa ra từ giàn phơi cá khô dựng kế bên một tảng đá lớn bị đám trẻ con vẽ nguệch ngoạc đủ thứ. Ngay đầu xóm có một ngôi chùa nhỏ thờ Quan âm. Và cũng giống với các bãi khác ở hòn Sơn, bãi Bộ được bao phủ bởi một bên là biển xanh lơ và một bên là hàng dừa cao chót vót.

img_4251.jpg


Tôi nán lại ngồi nghỉ vài phút dưới bóng cây trước chùa. Cảm giác thanh bình của một buổi trưa làng chài nhanh chóng lấn át đi sự mỏi mệt trong người. Gió biển cũng đã kịp thổi khô mồ hôi vừa mới nãy còn ướt đẫm trên áo. Không phí phạm thêm thời gian, tôi vội tiếp tục cuộc hành trình còn đang dang dở.

Từ ngã ba ban nãy chỉ cần đi thêm một đoạn ngắn nữa là tới trung tâm bãi Bấc. Ở đây cũng có cầu tàu nhưng nhỏ hơn và có vẻ không nhộn nhịp bằng cầu tàu bãi Nhà. Tôi đội nắng ra tận cầu để trông cho rõ bờ biển. Bãi Bấc có diện tích khá khiêm tốn, dân cư không đông đúc như bãi Nhà nên vì thế mà biển cũng ít rác thải. Kế bên cầu tàu là vài ba căn nhà lụp xụp. Gần đấy còn có một hãng nước mắm bị bỏ hoang lâu ngày, giờ chỉ còn mỗi bốn bức tường và đống gạch ngói ngổn ngang. Trên bờ hình như người ta đang cho xây dựng một đê chắn sóng kéo dài từ bãi Bộ đến tận đây. Cái công trình này đã làm cho bờ cát tự nhiên bị thu hẹp lại khá nhiều.

Tôi quay ra một quán nước gần đấy kêu một ca dừa đá giải khát cho buổi trưa, tiện thể hỏi anh chủ quán đường tới bãi Đá Chài vì nghe đâu nó cũng không xa bãi Bấc lắm. Anh cho hay từ ngã tư trước mặt cứ đi thẳng chừng hai trăm mét là đến nơi, còn nếu rẽ trái lên núi sẽ về bãi Nhà. Thì ra từ bãi Bấc này lại có con đường xuyên đảo trở lại nơi xuất phát khi sáng. Vậy mà ban đầu tôi cứ nghĩ đảo chỉ có một cung đường duy nhất là đường quanh đảo tôi đang đi. Tuy vắng vẻ và khá dốc nhưng tuyến đường mới kia sẽ rút gọn khoảng cách trở về bãi Nhà của tôi xuống chỉ còn hơn bốn cây số.

Uống xong trái dừa là tôi lập tức rời quán ra bãi Đá Chài. Bãi Đá Chài thật ra là một gành đá nho nhỏ có những tảng đá phẳng với dáng “chài” ra biển. Bãi nằm trong phần đất của mộtgia đình trẻ. Họ xây một căn chòi làm quán nước phục vụ khách tham quan. Cạnh đó còn một quán nước khác nữa nhưng tôi đoán có lẽ khác chủ. Quán này có treo mấy cái áo phao và có cả một chiếc lều, chắc là dành cho những đoàn thuê cắm trại qua đêm.

Tôi xuống chòi leo lên võng nằm hồi lâu thì một chú nhóc chừng mười tuổi từ trên quán chạy ra hỏi uống gì, rồi phải chờ thêm một lúc nữa cu cậu mới đem nước tới. Cha cậu nhóc đang ngủ trưa trên nhà nên chỉ có mình nó lo việc nước nôi cho khách.

“Lát nữa anh Hai với con đi đâm mực, chú rảnh thì đi coi cho vui, ” nó vừa đặt ly nước xuống bàn vừa hào hứng rủ rê.

“Vậy khi nào con với anh Hai đi đâm mực thì cho chú hay để chú theo nghe,” tôi gật đầu, nét mặt cũng náo nức không kém vì lời rủ rê bất ngờ của thằng bé.

Nó “Dạ” một tiếng dễ thương rồi chạy lên nhà bỏ tôi dưới chòi một mình. Nghĩ cũng lạ, từ trước tới nay tôi toàn thấy người ta câu mực chứ chưa từng nghe về cái vụ đâm mực bao giờ. Không biết hai anh em lát nữa sẽ đâm kiểu nào đây, mà không biết “lát nữa” của chúng là khi nào vì tôi còn một chặn đường về dài hơi đang chờ. Tôi đã định bụng sẽ tranh thủ về trước lúc trời tối cho an toàn.

Trời trở chiều nên nắng có phần dịu lại đôi chút. Tôi bước xuống võng ra phía ngoài bãi đá ngắm cảnh. Mấy cây bàng mọc sát mé biển đã rụng hết lá, giờ chỉ còn trơ lại bộ cành khẳng khiu đưa qua đưa lại mỗi khi có cơn gió mạnh thổi vào. Bãi Đá Chài này xem ra cũng không có nét gì đặc biệt lắm so với những ghềnh đá mà tôi từng qua, nhưng nó vô tình lại gợi nhớ trong tôi một khung cảnh gì đấy quen quen…

img_4274.jpg


Đó là lần đầu tiên tôi tự tổ chức một chuyến du lịch bụi. Tôi và đứa bạn ở Phú Yên tới gành Đá Dĩa và bãi Đá Trứng trong cùng một ngày. Từ đó trở về sau mỗi dịp hè tôi đều tự thưởng cho mình một chuyến đi như vậy. Tôi đến những nơi mình muốn đến bằng tiền tiết kiệm trong một năm. Đến nay tôi cũng chỉ trải qua vài chuyến như thế, không nhiều lắm nhưng mỗi chuyến đi đều là một cuộc trải nghiệm không thể nào quên. Mỗi một chuyến đi đều làm tôi khôn ra và thêm yêu cuộc đời này hơn rất nhiều. Cũng đã sáu năm như vậy rồi.

Cuối cùng thì thằng cu và anh Hai nó cũng trở ra bãi để đâm mực. Đi cùng còn có thêm hai đứa nữa trạc tuổi cậu em, tôi đoán chắc là mấy đứa bạn hàng xóm của chúng. Từ gành đá tôi chạy tới chỗ bọn trẻ tụ tập thì hai anh em nhà quán nước đã cầm lao nhảy xuống biển lặn tìm mực rồi.

“Sao hai con ngồi đây, không lội xuống tham gia với tụi nó cho vui?” Tôi bắt chuyện làm quen trước.

“Tại tụi con không có kính nên đứng trên bờ coi thôi chứ không xuống. Dưới đó không có kính sao thấy đường mà đâm được,” một đứa nhìn tôi ấp úng trả lời.

Tôi “À” lên một tiếng, đầu gật gù lấp liếm cho câu hỏi ngớ ngẩn của mình. Lát sau chắc tụi nhỏ ngại người lạ nên bỏ đi đâu hết, chỉ còn mình tôi ngồi lại quan sát theo hai anh em đang ngụp lặn dưới kia. Thì ra đâm mực không phức tạp như tôi nghĩ, chỉ cần một cây lao, một cái kính lặn và một chút tinh ý là có thể thoải mái trổ tài. Nhìn hai anh em hệt như hai chú rái cá hiếu động đang tìm mồi. Đúng là con nhà biển nên việc bơi lội đối với chúng cũng dễ dàng như việc chạy bộ vậy. Bất chợt tôi lại có một chút “ganh tị” với tụi nhỏ khi nghĩ về cái giai đoạn tạm gọi là tuổi thơ của mình.


img_4282.jpg
 
tiếp theo

Chừng nửa tiếng sau hai đứa trẻ kéo nhau lên bờ. Nhìn mặt cậu anh hai xem chừng có vẻ thất vọng nên tôi chạy lại hỏi thăm. Thì ra nãy giờ hai đứa lặn cả buổi mà không kiếm được con nào. “Chắc là do trời thổi,” chú em quy kết. Xong nó than đau bụng rồi bỏ chạy một mạch vào gành đá gần đó để “giải quyết nỗi buồn”.

Tôi ngồi nói chuyện với anh hai nó một chút. Đó là một chú bé nhỏ con nhưng trông rất khỏe khoắn nhanh nhẹn. Khuôn mặt rám nắng của nó cũng đã bắt đầu chi chít mụn. Tôi đoán chừng cu cậu chắc cũng tầm mười hai mười ba tuổi gì đấy.

“Từ đó tới giờ chú mới thấy người ta đi đâm mực lần đầu,” tôi vừa cười vừa thú thật với nó. “Mà sao anh em con không đem cần ra câu cho đỡ mệt?”

Nó nhìn tôi, lễ phép trả lời:

“Dạ, câu mực là người ta câu mực ống, còn mấy con mực nang không câu được đâu chú…”

Xem chừng vẻ mặt tôi không biết con mực nang ra sao nên không đợi tôi thắc mắc nó trả lời luôn:

“Mực nang là con mực có một miếng nang cứng ở trong người, con này bơi sát dưới đáy chứ không nổi lên mặt nước như mấy con mực kia nên mình không câu được.”

À, ra là vậy. Từ đó tới giờ toàn ăn mực chứ có khi nào tôi lại để ý tới việc phân biệt con nào là mực ống con nào mà mực nang, huống hồ chi là cách để làm sao bắt được chúng. “Nhờ cậu bé này mà mình khôn thêm được chút ít rồi đây,” tôi khoái trá cười thầm.

“Mà mực nang nó cũng rẻ hơn mực ống nghe chú, tại thịt không ngon bằng. Bữa nay trời thổi nên không có con nào chứ bình thường chỗ này thiếu gì,” thằng bé nhanh nhảu bắt chuyện.

“Ở đây ngoài mực ra còn có nhum không con?” Tôi hỏi thêm, trong lòng vẫn còn thấy tiếc khi nghĩ về đám nhum ở hòn Dầu hôm nọ.

“Có chứ chú, cũng nhiều. Nhưng mấy con đó mình phải biết cách bắt chứ nếu không dễ bị nó đâm. Mà mỗi lần nó đâm là nó bẻ gai để lại cả chục cái, nhứt lắm”.

Tới đây thì tôi bắt đầu khâm phục vốn hiểu biết về biển của thằng bé. Bất chợt tôi lại nghĩ về những đứa trẻ thành phố và… thấy thương chúng. Xưa nay người ta vẫn tưởng rằng trẻ em vùng nông thôn thiệt thòi hơn bạn đồng trang lứa ở đô thị trong việc tiếp cận với giáo dục và những dịch vụ kèm theo. Quả đúng là có như vậy thật, trẻ con sống tại những vùng quê nghèo thường không có cơ hội học hành tới nơi tới chốn do điều kiện kinh tế hạn hẹp của gia đình các em. Nhưng ở một góc độ nào đó những gì mà đám trẻ như cậu bé này “học” được từ cuộc sống xung quanh đôi khi lại có giá trị thực tế còn cao hơn lượng kiến thức trong các bộ sách giáo khoa vẫn đang được dùng giảng dạy ở các trường phổ thông – những cuốn sách dày cộm biến trẻ em thành “siêu nhân giấy”. Thằng bé chắc không thể nào phân biệt được đâu là tâm thất phải, đâu là tâm nhĩ trái, tuyến tụy tiết ra enzyme gì hay con trùng đế giày giữ vai trò nào trong giới tự nhiên. Nhưng rõ ràng nó biết cách để không bị con nhum đâm phải mà vẫn có thịt nhum để ăn, biết được loài mực nang có tập tính bơi sát đáy biển nên phải chịu khó lặn xuống mới bắt được, và chắc chắn là nó còn biết nhiều hơn thế, về những kiến thức thực tiễn liên quan tới các loài sinh vật biển mà tôi chưa kịp lĩnh ngộ từ nó. Và trong khi những đứa trẻ thành thị còn đang hì hục dang tay xoạc chân tập bơi trong sự khích lệ cuồng nhiệt của các bậc phụ huynh tại các công viên nước đông nghẹt người hay ở một hồ bơi be bé nào đấy, thì hai anh em thằng bé đã trở thành những chú rái cá vẫy vùng trong bãi biển mênh mông sau nhà chúng từ bao giờ.


img_4285.jpg

"Chiến binh của biển"

“Ủa chú là khách du lịch hả? Chú ở đâu sao đi mình ên vậy?” Tới phiên thằng bé thắc mắc về tôi.

“Ừ chú đi chơi một mình. Chú ở Tiền Giang tới,” tôi đáp.

Nhìn nét mặt ngờ ngợ của thằng bé không hình dung ra cái địa danh tôi vừa đề cập tới nằm ở chỗ nào nên tôi giải thích đơn giản hơn:

“Chỗ đó mình vào Rạch Giá rồi chạy thẳng một trăm mấy cây số nữa là tới.”

“Vậy cũng xa dữ,” thằng bé đoán. “Mà chắc ra đảo chú ở nhà nghỉ bên Bãi Nhà hả? Lúc trước có mấy anh chị kia tới đây chơi, thấy chỗ này đẹp quá nên họ xin ở lại nhà con. Ba con tiếp họ mấy ngày luôn, không có lấy tiền. Lát chú có rảnh thì ở lại chơi.”

Tôi nghĩ thầm: “Mình quả là may mắn khi toàn gặp những người tốt bụng. Cô bán thức ăn chiên ở bãi Nhà đối xử cũng tốt với mình, chỉ mình biết bao nhiêu thứ hay ho. Chị Bảy ở bãi Bàng vừa nãy cũng vậy. Giờ tới đây lại gặp anh em thằng bé và gia đình hiếu khách của nó. Ở đảo này có lẽ người ta không quen sống cùng sự lừa lọc và những chiêu trò tinh quái như trong đất liền. Chứ thử hỏi có khi mình đi lang thang vào thôn xóm nào đấy tại vài vùng ‘trọng điểm’, thấy mặt mình không quen không biết người ta nghi là trộm chó, rồi cả làng kéo ra đánh hội đồng cho bán sống bán chết cũng không chừng”.

“Cám ơn con nghe. Tại mai chú phải vào Rạch Giá rồi chứ nếu không cũng ở đây chơi. Chỗ này đẹp vậy mà,” tôi đáp lại thiện ý của nó bằng một ánh mắt đầy tiếc nuối.

Thằng bé cười. Nhưng chừng như sực nhớ ra điều gì đó là lạ, nó nhìn tôi tò mò:

“Mà hồi nãy chú ra đây bằng gì sao con không thấy chiếc xe nào hết vậy?”

“Chú đi bộ theo đường quanh đảo ra chứ không đi xe. Lúc sáng chú có ghé bãi Bàng rồi mới xuống đây,” tôi thành thật đáp.

“Trời! Xa dữ lắm đó. Từ bãi Nhà mà chạy xe máy ra đây nhanh cũng hai mươi phút rồi,” thằng bé tỏ ra khá ngạc nhiên. “Lát chú theo đường núi về đi chứ đừng trở lại đường cũ làm gì, xa lắm.”

“Ừ thì chú cũng định vậy cho bớt lại vài cây số,” tôi nói. “Mà chắc chỗ này mình ngắm cảnh thôi chứ đâu tắm táp được gì phải không con? Hà bám trên đá nhiều quá,” tôi thắc mắc sau khi đưa mắt nhìn quanh mấy tảng đá bên mép nước.

“Đâu, đằng kia có bãi cát nho nhỏ tắm cũng được lắm đó chú. Chiều nào anh em con cũng ra đó tắm hết. Chú tắm không thì lát nữa đi chung với anh em con cho vui.”

Vừa nói dứt câu thì nó đã lôi tôi ra xem “bãi tắm tư nhân” của gia đình mình. Đó là một bờ cát nhỏ nằm khuất sau dãy đá gập ghềnh bên cánh trái bãi Đá Chài. Nước ở đây trong vắt. Dưới làn nước là những tảng đá hình cái bát úp, nhìn xa trông như một bầy rùa khổng lồ đến kỳ trườn lên bờ đẻ trứng. Gần đó còn có một hòn đá lớn hơn hình chú cá voi, hệt như những gì tôi vẫn hay thấy trong các bộ phim hoạt hình. Chỗ này rất nhiều đá với đủ hình khối kỳ khôi, ai có trí tưởng tượng bay bổng một chút là có thể ngồi cả buổi vẽ vời ra hình ảnh của vô số con vật. Ngay trên bờ, lại có một cái nhà tường bỏ hoang nữa, chắc là chỗ ở của chủ cũ khu đất này.


img_4294.jpg


Hai anh em thằng bé quay về nhà, còn tôi nán lại bãi biển ngồi thêm một chút. Quả thật chỗ này mà tắm táp thì không thể chê vào đâu được. Nhưng vì lúc này cũng đã gần xế chiều, ngồi đợi một buổi lâu cũng không thấy hai cậu nhóc trở ra nên tôi đành xách ba lô trở về nhà nghỉ trước khi trời kịp tối. Tại ngã tư cầu cảng bãi Bấc thì đường nào cũng dẫn về bãi Nhà. Đi thẳng, đi ngược trở lại hoặc leo lên núi đều được. Tôi dĩ nhiên chọn đường núi, tuy có nhiều dốc và vắng vẻ nhưng nó lại ngắn hơn hai hướng còn lại rất nhiều.

Ngọn núi tuy không cao nhưng việc leo dốc giữa một buổi chiều nắng chói chang thế này cũng đủ làm cho quần áo tôi ướt sũng mồ hôi. Con đường bê tông có vài khúc cua tay áo nguy hiểm, đúng với những gì mà cô bán đồ chiên đêm qua đã cảnh báo tôi nếu tôi có đi xe máy. Hai bên đường vắng bóng nhà cửa. Tôi đứng trông xuống chỉ thấy một màu xanh bát ngát của rừng dừa trải dài khắp cả sườn núi. Một cánh chim to lớn lượn lờ trong khoảng không bên bờ vực, liên tục phát ra những tiếng kêu the thé đứt quãng. Nghe nói Hòn Sơn có tới mấy đỉnh núi chứ không chỉ có riêng gì ngọn núi nơi tôi đang đi. Cao nhất trong đó là đỉnh Ma Thiên Lãnh – nơi chị Đào kể có tượng ông Phật lộ thiên và một gò cao gọi là “sân tiên”. Xem ra hòn đảo này hãy còn nhiều nét đẹp hoang sơ và kỳ bí lắm.


img_4308.jpg

Bãi Bấc nhìn từ đỉnh Yên Ngựa

Sau gần một giờ vừa đi vừa nghỉ tôi cũng đã vượt qua được con dốc cuối cùng để đặt chân lên đỉnh núi. Nhìn cột cây số mới vỡ lẽ một điều thú vị, thì ra đây là đỉnh Yên Ngựa. “Vậy là nhà nghỉ của chị Đào nằm ngay dưới kia rồi,” tôi mừng thầm trong lòng. Chợt nhớ tới lời chị đào, vừa rảo bước tôi vừa nhìn quanh xem có bóng dáng của cái hang nào ở đây không, nhưng tứ bề chỉ có đá và đá. “Có lẽ hang nước nằm khuất ở một vị trí nào đấy chứ không kề bên đường,” tôi tự nhủ.

img_4313.jpg

Một đoạn đường núi xuyên đảo

Đoạn xuống núi tất nhiên không làm tôi tốn hao nhiều sức lực như lúc từ bãi Bấc leo lên, nhưng cũng có khúc cua tay áo trông khá “ngặt nghèo” đối với những ai không quen đường đèo. Ngẫm lại thấy đi bộ quả thật là một lựa chọn sáng suốt vì vốn dĩ tôi không thạo mấy trong việc điều khiển xe máy. Dọc theo hai bên đường là những ống nhựa nho nhỏ to cỡ ngón chân cái. Tôi đoán đây là những ống dẫn nước từ hang đá trên đỉnh Yên Ngựa xuống nhà dân bên dưới. Nhà chị Đào cũng có một ống trong số này. Nhờ nguồn nước tự nhiên trên núi mà đời sống của người dân hòn Sơn cũng đỡ phần vất vả trong những tháng khô hạn như bây giờ.

Quán cà phê Vườn Xoài cuối cùng cũng hiện ra trước mắt, sau một ngã ba đường.
 
tiếp theo

“Bữa nay lội bộ đã rồi hả? Đi được đâu rồi?”

Tôi quay sang hướng hàng tạp hóa, nhìn thật kỹ xem có phải ai đó đang hỏi mình. Thấy một anh trạc ngoài ba mươi mắt hướng về phía tôi và cười nên tôi đoán chắc là đúng rồi. Chưa kịp trả lời thì anh lại lên tiếng:

“Mai còn tính đi đâu chơi nữa?”

“Mai em tính đi bãi Giếng với bãi Thiên Tuế, chỉ còn hai bãi đó thôi anh,” tôi đáp. “Hồi sáng này em tới Bãi Bàng, chiều thì ghé Bãi Bấc với bãi Đá Chài rồi,” tôi vừa cười chào vừa “khoe” chiến tích trong ngày hôm nay.

“Ừ, siêng dữ hé. Vậy mai đi chơi vui nghe!”

“Tôi gật đầu cám ơn rồi đi tiếp ra khu cầu tàu để ăn tối. Vừa đi vừa cố gắng nhớ xem đã gặp anh này ở đâu. “Lạ thật, sao anh ta lại biết về chuyến đi của mình? Hôm nay ngoài hai cô chú nhà gần bãi Bàng, vợ chồng anh Tùng chị Bảy, anh chủ quán ở bãi Bấc và hai anh em ở bãi Đá Chài ra thì mình đâu còn nói chuyện với bất kỳ ai khác nữa,” tôi lầm bầm “rà soát” lại toàn bộ “dữ liệu” thu thập được từ sáng giờ. Kết luận cuối cùng của tôi là chưa từng gặp qua người này. “Vậy thì tại sao… Hay có khi nào đó là một trong những người đã chạy xe ngang qua khi mình đi bộ lúc sáng hoặc lúc leo núi, thấy mình lạ nên chú ý tới như vợ chồng chị Bảy?” Tôi bắt đầu sàn lọc các khả năng. Có lẽ đây là trường hợp khả thi nhất.

Chợ đêm tối nay nhộn nhịp hơn hôm qua. Phần tôi sau khi đánh chén no nên một dĩa bánh ướt thì ghé lại quán của cô bán đồ chiên để tán dóc. Vừa thấy tôi là cô đã kéo ghế ra kêu vào ngồi chơi.

“Bữa nay đi được đâu rồi? Tới bãi Bàng chưa?” Cô vui vẻ hỏi.

“Con tới bãi Bàng, bãi Bộ, bãi Bấc, bãi Đá Chài hết rồi. Bãi Bàng đúng là đẹp thiệt,” tôi kể một cách hào hứng.

“Ừ, lâu lâu cô cũng có ra đó chơi. Thấy mấy khúc cua tay áo trên núi không? Nguy hiểm hén?”

Tôi gật đầu xác nhận. Đúng là nó nguy hiểm với mấy tay lái hạng “gà” như mình thật.

“Mà công nhận con cũng chịu đi dữ hén. Chắc quen đi rồi chứ ai không đi về là bơ phờ luôn,” cô nói, mắt nhìn thẳng vào tôi ra vẻ khen ngợi.

Tôi gật đầu xác nhận lần hai.

“Lấy con hai xâu cá với hai xâu đậu hũ đi cô,” chợt tôi nhớ tới lời hứa ghé quán ủng hộ cô tối qua.

“Có liền!”

Cô vừa chiên vừa tiếp tục kể về đứa con gái và về cách dạy con của mình. Có vài chi tiết cô đã nói với tôi nay kể thêm một lần nữa, chắc là do không nhớ. Quả thật đây đúng là một “bà mẹ hổ” thứ thiệt. Để cho câu chuyện rẽ sang hướng mới mẻ hơn nên tôi bắt đầu chuyển sang chủ đề mới.

“Hôm qua con thấy ngoài kia người ta chở cột điện vào nhiều quá, chắc đang có công trình gì hả cô?”

“Ừ, họ đang kéo điện. Điện này dẫn từ nhà máy trên đảo, còn điện từ đất liền ra thì nghe đâu tới năm 2020 mới tới. Đảo Phú Quốc mới có hồi đầu năm rồi đó,” cô kể với một giọng hồ hởi.

Tôi thầm nghĩ trong đầu: “Chừng nào người dân đảo còn thường xuyên thiếu điện và nước sạch thì đời sống không thể nào vực dậy nổi. Tính ra từ nay tới năm 2020 cũng chỉ còn mấy năm nữa thôi. Người dân chờ đợi mòn mỏi từ năm này qua năm khác để tới một ngày được dùng điện theo giá nhà nước cuối cùng rồi cũng sắp toại nguyện. Nhưng giá như số tiền chi cho những những siêu dự án ngàn tỉ đang nằm xếp xó trên đất liền kia là để dành cho việc mang điện nước tới người dân xứ đảo thì chắc họ đã được hưởng những tiện nghi cơ bản này từ lâu lắm rồi. Thời buổi kinh tế thị trường nên người ta cứ ưu tiên tập trung phát triển kinh tế (còn có hiệu quả hay không lại là một vấn đề khác), mà đôi khi lại quên mất ở một vùng quê nào đó có những đứa trẻ hằng ngày phải du dây đi học, còn thầy cô thì phải chui vào bao ni lông vượt suối để đem ánh sáng tri thức đến cho thế hệ xưa nay vẫn được ví là những ‘mầm non của đất nước’. Xem ra đang tồn tại một nghịch lý đáng hổ thẹn: Cầu nhỏ ở miền núi lại khó xây hơn đại lộ nghìn tỉ trong thành phố. Đảo được như thế này là đã ‘may mắn’ lắm rồi – một sự may mắn chua chát.”

“Bên nhà nghỉ Hồng Đào chắc điện nước đầy đủ hả con?” Cô hỏi tôi.

“Dạ cũng đầy đủ, hình như họ có máy phát điện. Còn nước thì lấy trên núi Yên Ngựa xuống,” tôi nói.

“Ừ, ở đây đa phần người ta xài nước đó. Nhưng cô nói thiệt chứ xài lâu ngày cũng không tốt lành gì đâu. Nước trên núi hại cho răng lắm. Cỡ chừng bốn mươi tuổi là răng người ta bắt đầu hư hết hà.”

Tôi không hỏi gì thêm nữa. Cá và đậu hũ cũng đã chiên vàng và được dọn ra ngay trước mặt. Ngồi nhâm nhi dĩa đồ chiên mà trong lòng nghĩ đủ thứ chuyện. Trong khi mình lo không có máy giặt dùng thì ở đây người ta không có nước sạch để sử dụng cho an toàn. Trong khi chỉ cần cúp điện một giờ đồng hồ là mình đã than trời trách đất thì ở đây người ta chỉ mong mỏi sao cho mỗi ngày chỉ cúp vài giờ.


img_4316.jpg

Một góc bãi Nhà

Nhưng đó chỉ là một mặt của câu chuyện, còn đây lại là một mặt khác: Ở Sài Gòn mỗi lúc đậu xe mua đồ là mắt phải dáo dác ngó trước ngó sau trông chừng, còn ở đây người ta vô tư “quăng” xe ngay bên đường. Trong khi người ở thành phố mỗi lần ăn uống ở thành phố là mỗi lần lo lắng không biết thực phẩm có phụ gia hay chất cấm nào mua ở chợ Kim Biên không thì người dân đảo lại vô tư thưởng thức những con cá tươi ngon nhất mới được bắt lên trong ngày. Trên đảo cũng ít thấy ai chạy xe mà mang khẩu trang kín mít vì sợ khói bụi ô nhiễm gây bệnh. Một lý do duy nhất để họ mang là tránh đen da, và chỉ phổ biến ở cánh chị em phụ nữ hay những người có cá tính tương tự.

“Ngày mai con vào lại Rạch Giá rồi. Hồi nào có dịp trở ra đây con sẽ tới quán cô ủng hộ tiếp vài xâu cá nữa,” tôi vừa nói vừa đẩy lại ghế cho ngay ngắn, chuẩn bị đứng dậy đi về.

“Ừa,” cô cười. “Mà lần sau ra nhớ rủ đông đông cho vui nghe. Đi nhớ tránh tháng bảy tháng tám mình là được.”

“Vậy ra mấy tháng đó biển động hả cô?” Tôi tò mò.

“Ừ, tháng bảy tháng tám là hai tháng ‘chua chát’ mà. Mưa hoài đâu có bán buôn gì được đâu, ghe tàu cũng hạn chế đi lưới nữa. Thôi mai về mạnh giỏi nghe con.”

Tôi gật đầu chào rồi cáo lui để ra cầu tàu hóng gió. Có hai ba đứa trẻ đem cần ra đây câu mực từ bao giờ, lâu lâu lại nhăn mặt khi “câu” dính một túi rác trôi nổi của nhà nào đấy ném xuống biển. Thỉnh thoảng cũng có con mực buồn tình cắn câu để kết thúc cuộc đời ngon ngọt của nó trên cái chảo. Giờ thì tôi đã biết chúng là loại mực gì rồi.

Biển đêm nay tĩnh mịch và yên bình quá!


img_4324.jpg
 
tiếp theo và hết

Sáng nay tôi dậy thật sớm. Chị Đào nói gần nhà nghỉ có quán cơm tấm bữa nào cũng dọn ra bán, xuống dưới dốc một chút là thấy. Vậy mà hôm qua chắc do vội vàng quá tôi đã đi ngang chẳng để ý tới. Ngoài đảo hàng quán nhiều, nhưng hình như chỉ có mỗi chỗ này là bán cơm. Từ khi ra đây tới giờ tôi chưa có hột cơm nào vào bụng. Chắc nhờ vậy mà dĩa cơm sườn bình dân với thịt khìa và trứng vịt kho bỗng trở nên ngon không thể tưởng.

Từ nhà nghỉ Hồng Đào chỉ cần rẽ trái theo con đường bê tông chừng hai cây số là tới hai bãi còn lại của hòn Sơn – bãi Giếng và bãi Thiên Tuế. Chị Đào kể sáng nào ở đây cũng có mấy tốp người đi bộ tập thể dục ra bãi Giếng rồi về. Đường này mát mẻ dễ đi chứ không như đường xuyên đảo qua bãi Bấc nên chắc chắn là tôi sẽ về đúng giờ để kịp mua vé tàu.


img_4336.jpg

Đá ven theo bờ biển

Qua khỏi đồn biên phòng thì nhà cửa hai bên đường cũng bắt đầu thưa thớt dần. Đường men theo mép núi, còn một bên là biển. Đá nhiều vô kể, ngổn ngang xếp chồng lên nhau tạo thành một bờ đê chắn sóng tự nhiên cho đảo. Ở hòn Sơn này dân cư chỉ tập trung sinh sống tại vài bãi cát thuận lợi cho ghe tàu neo đậu, chứ những bãi đá như thế này không phải là nơi thích hợp để xây dựng nhà cửa kiên cố. Dọc đường tôi có ngang qua một bãi đá khá đẹp chẳng biết tên gọi là gì. Tôi rẽ xuống đó ngồi hóng mát một lúc lâu. “Phải chi có vài lon bia và một con mực khô ở đây nữa thì trên cả tuyệt vời,” bất chợt tôi lại lên cơn thèm vu vơ.

img_4328.jpg

Đi thêm chừng mươi phút nữa thì gặp một ngã ba, rẽ trái xuống là tới khu dân cư. Ban đầu tôi cứ ngỡ đây là bãi Giếng, nhưng sau khi hỏi lại mới biết là bãi Thiên Tuế. Bãi Giếng và bãi Thiên Tuế nằm quay lưng vào nhau ở hai bờ của một mũi đất nhô ra biển. Hai bãi này hình như cũng là hai ấp của xã Lại Sơn thì phải.

Đình thần Nam Hải tọa lạc ngay lối vào bãi Thiên Tuế. Hầu như bất kỳ vùng biển đảo nào của Việt Nam cũng có nơi thờ thần Nam Hải tương tự thế này. Nơi nào dân cư có đời sống khá giả thì xây lăng, xây đình, nơi nào khó khăn thì cũng cố gắng dựng một ngôi miếu nhỏ cho “ông”. Trong tín ngưỡng của những ngư dân quanh năm suốt tháng phó mặc số phận trên những cơn sóng để thu về lộc biển thì “ông” Nam Hải chính là người phù hộ cho từng chuyến ra khơi trúng mùa tôm cá. “Ông” cũng là người độ trì giúp tàu ghe bình an vượt qua cơn dông bão mỗi khi trở trời. Một niềm tin vững chắc để ngư dân an tâm lênh đênh giữa muôn trùng biển khơi không bao giờ là chuyện thừa thãi. Niềm tin đó giúp người ta bền gan vững chí trước biển cả bao la, nhất là vào mỗi lúc biển trở mình không còn hiền hòa êm dịu. Đâu đó tôi vẫn nghe người xứ biển kể rằng có tàu thuyền gặp nạn, tưởng như chắc chắn là sẽ bị bão biển đánh chìm thì bỗng nhiên lại được “ông” nâng lên và dìu qua vùng sóng gió. Về làng biển mà hỏi những chuyện ghe tàu được “ông” cứu giúp thì ngay cả đứa trẻ con cũng biết, bởi từ nhỏ nó đã trở thành câu chuyện cổ tích ông bà cha mẹ kể lại cho con cháu nghe bên mâm cơm cánh võng. Cho nên bạn đừng lấy gì làm ngạc nhiên mỗi khi phát hiện ra xác “ông”, dù chưa tấp vào bờ thì ghe tàu đang ra khơi sẵn sàn bỏ luôn chuyến đánh bắt để đưa “ông” về với đảo an táng. Xương cốt của “ông” luôn được thờ ở nơi linh thiêng nhất trong làng.

Tôi không có cơ hội được chiêm ngưỡng xương “ông” tại đây. Khi về tôi có hỏi chị Đào thì chị nói chắc sau ngày lễ người ta đã đem đặt xương ở nơi kín đáo hơn trong đình chứ không trưng bày ra bên ngoài. Đình này được xây trên một gờ đá nho nhỏ hướng ra phía biển, nhưng cửa chính thì quay vào bãi Thiên Tuế. Trước cửa đình còn có một ngôi miếu nhỏ và tượng Phật Nam Hải – minh chứng cho sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Phật Giáo ở Việt Nam.

Bãi Thiên Tuế nhìn từ đình thần trông rất đẹp và nên thơ. Nó tiêu biểu cho hình ảnh một ngôi làng ven biển Việt Nam, với tàu ghe tấp nập và những căn nhà san sát nhau trên bãi cát. Tuy nhiên cũng như bãi Nhà và bãi Bấc, Bãi Thiên Tuế không tránh khỏi tình trạng tràn lan rác thải. Nếu bỏ qua khía cạnh ý thức, thì cái mà người dân đảo còn thiếu là một nhà máy xử lý rác sinh hoạt để có được một hòn đảo thật sự trong sạch.


img_4343.jpg

Bãi Thiên Tuế

Ngoài khơi là vô số ghe tàu lớn nhỏ đang trong cuộc mưu sinh hằng ngày. Từ đình nhìn ra trông chúng chẳng khác nào những đốm nhỏ trên cái phông nền xanh bất tận của biển cả. So với thiên nhiên con người chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi, vậy mà cái tư tưởng chinh phục và đánh bại tự nhiên vẫn hằn sâu vào biết bao thế hệ. Làm sao con người có thể đánh bại được thiên nhiên trong khi hầu như mọi thứ trong cuộc sống mà chúng ta có được là do tự nhiên hào phóng ban tặng? Chừng nào con người ta chưa biết tôn trọng và sống hòa hợp với tự nhiên thì khi đó chúng ta còn phải trả thêm những cái giá đắt cho hành động vô ơn của mình.

img_4354.jpg

Người dân đang phơi tôm khô

Tôi còn ngồi ở hàng ghế đá bên đình thần đón từng cơn gió trong lành một lúc lâu nữa mới trở vào khu dân cư. Nhà cửa nơi đây san sát và nhộn nhịp như khu vực bãi Nhà. Một chiếc tàu gỗ to tướng đang trong quá trình thành hình, mùi gỗ mới vẫn còn thơm phức. Kế bên đó, trong căn nhà vách tole văng vẳng một giọng “oanh vàng” đang say sưa với những bài hát karaokê, nhiều đoạn át luôn cả tiếng máy cưa và tiếng đóng đinh chan chát từ bãi đóng tàu. Những quán cà phê lúc nào cũng đông thanh niên tụ tập. Chợ hiện ra sau chục bước chân. Hầu như thứ gì trên đất liền có thì chợ bãi Thiên Tuế này cũng có, nhưng cá tôm và các loại hải sản vẫn là nhiều nhất.

img_4349.jpg

Phải nhờ một đứa bé dẫn đường thì tôi mới đến được bãi Giếng từ mê cung ngõ ngách trong khu chợ. Và thậm chí tôi cũng không thể biết chính xác là mình tới bãi Giếng lúc nào. Biển đang ở phía trái đột nhiên sau vài ngã rẽ lại thấp thoáng bên phải. Đến đây tôi mới nhận ra hai khu dân cư này tuy hai mà một, còn bãi Giếng và bãi Thiên Tuế cũng chỉ là tên hai bờ biển nằm hai bên khu thôn xóm này.

Lang thang khắp các ngõ ngách cuối cùng tôi cũng trở ra được con đường cũ. Từ ngã ba ban nãy đi thẳng sẽ tới bãi Đá Chài, cách đó sáu cây số. “Đây là sáu cây số đường bê tông duy nhất trên đảo chưa có dấu chân mình,” tôi thầm nghĩ. Vậy là tôi quyết định đi thêm một chút nữa để xem có gì hay ho dưới kia.

Vượt qua con dốc và mấy khúc quanh, khung cảnh trước mặt tôi chỉ toàn những bụi cỏ lau chết khô trong mùa hạn. Phía dưới đường là bãi Giếng. Từ đây trông xuống người ta mới có thể phân biệt rõ hai bãi. Ước chừng cũng không còn điều gì lý thú nữa nên tôi quay bước trở về để kịp mua vé tàu ban trưa.


img_4351.jpg

Một góc bãi Giếng

Tôi trả phòng, chào tạm biệt chị Đào rồi đi ra phía cầu cảng. Người bán vé ngồi ngay trong quán nước gần đấy. Tôi vào mua vé, kêu một trái dừa nhâm nhi trong thời gian đợi tàu cao tốc từ Củ Tron chạy vào. Vừa uống vừa nói chuyện với mấy anh công nhân điện lực nghỉ trưa trong quán. Thì ra họ cũng từ Rạch Giá ra đây được mấy hôm để thực hiện công trình điện dọc theo đường quanh đảo. “Nhà nào có con gái đẹp là tụi anh dựng cột thôi, chỗ nào già quá thì bỏ qua,” một anh nói đùa. Tôi hỏi anh thêm chút thông tin về Rạch Giá, vậy là anh kể về khu lấn biển. “Cà phê trong đó năm sáu chục ngàn một ly,” anh nhấn giọng, kèm theo một nụ cười ra vẻ đầu hàng với mức giá. Chắc có lẽ ngoài khu lấn biển ra thì Rạch Giá chắc cũng chẳng còn chỗ nào nổi tiếng để đi nữa, vì hỏi bất kỳ thông tin nào về thành phố này tôi cũng đều nhận được cùng một câu trả lời như nhau về khu này.

Con tàu từ Nam Du cuối cùng cũng lờ mờ xuất hiện phía đằng xa, rồi chẳng mấy chốc cũng cập vào cầu tàu. Hôm nay có vẻ tàu đến chậm vài phút so với giờ được in trên vé. Sau hồi còi giục giã một vài hành khách đang còn lưu luyến với người thân, con tàu nhổ neo hướng về phía đất liền. Phần tôi chẳng có ai để tạm biệt nên chỉ còn biết ngồi yên dõi mắt trông qua tấm cửa kính ố vàng. Khung cảnh giờ đã thật thân quen chứ chẳng còn xa lạ như mấy ngày trước nữa. Đằng kia là gành đá mà hôm qua tôi có ghé lại trong chuyến đi bộ quanh đảo, chỉ cần qua thêm mấy con dốc, mấy khúc cua nữa là sẽ ra tới bãi Bàng. Mà hình như bãi Bàng cũng đã hiện ra phía xa rồi, cái bãi cát trắng tinh bên cạnh hành dừa cao vút chẳng thể nhầm lẫn vào đâu được. Không biết hôm nay vợ chồng chị Bảy sẽ đón vị khách đặc biệt nào nữa đây. Tôi chẳng thấy bãi Đá Chài đâu nữa, xa quá. Mong cho hai anh em nhà nọ sẽ đâm được vài ba con mực trong một ngày đẹp trời thế này….
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,582
Bài viết
1,153,828
Members
190,135
Latest member
liemnv
Back
Top