What's new

[Chia sẻ] Hòn Nhọn - Thác Bay - Bình Tiên

Thân chào cả nhà,
Cuối cùng thì chuyến đi cũng đã kết thúc, chuyến đi ba ngày vừa lên rừng, vừa xuống biển của một tập thể gồm 10 con người để lại rất nhiều cảm xúc cho mỗi cá nhân. Người thì coi đó là một chuyến đi tuyệt vời, có người lại có những cảm xúc mới lạ thêm trong cuộc đời của mình, có người lại thấy đó là sự chấm hết cho những chuyến đi khác. Dù sao đi nữa, chúng ta đã có một chuyến đi không thể hoàn hảo hơn trong hoàn cảnh như vậy.

Chuyến đi đến từ một bài viết của một phóng viên báo Tuổi Trẻ và trở thành một topic rủ rê hot nhất thời đại phuot. Và chỉ với 336 bài viết nhưng có đến 14.780 lượt người theo dõi cũng đủ sức nói lên cái nóng của topic này.

Một chuyến đi khám phá mà gần như một bãi chiến trường khi có sự tranh cãi về số lượng người và cách thức tuyển lựa người để mất bao công sức của các mod, admin kiểm duyệt, kiềm chế sự nóng nảy không cần thiết của rất nhiều thành viên.

Nhưng nó thực sự là topic đáng để quan tâm.

Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ nằm ở miền Trung của tổ quốc, có vô số cảnh đẹp và điểm nên đến trong hành trình của các phượt gia. Nhưng những điểm được nhiều người biết đến đại đa số nằm ở ven biển như Hòn Lao lạnh lùng, Vĩnh Hy huyền bí, Bình Tiên êm ả hay Núi Chúa hùng vĩ. Có nhiều cảnh đẹp còn nằm ẩn khuất sau những cánh rừng, những vách núi mà chúng ta còn chưa có dịp nhìn ngắm. Một trong những cái như thế là hòn Nhọn.

Đúng như nhà báo Bình bên báo Tuổi trẻ đã viết, hòn Nhọn nằm trong khu vực xã Phước Hà. Dân địa phương nơi đây hay kêu là hòn Một. Từ khu xã Nhị Hà, Phước Hà nhìn về phía Lâm Đồng, chúng ta sẽ thấy hòn Nhọn vượt cao hơn tất cả và có một đỉnh nhọn như một cái chóp mũ của những chàng mục đồng. Đây là đỉnh núi cao nhất trong khu vực và nằm trong khu vực quản lý của hạt Kiểm Lâm Tân Giang. Trong toàn khu vực 30.000 ha rừng mà hạt Tân Giang quản lý, có ba dòng suối thì có đến hai dòng bắt nguồn quanh hòn Nhọn. Tới hòn Nhọn, chúng ta có hai đường đi. Một là đi từ trung tâm xã Nhị Hà, băng đồng tới chân núi rồi theo đường mòn lên đỉnh sau khi vượt qua một yên ngựa khá khó khăn. Hai là chúng ta đến hồ Tân Giang rồi theo đường mòn ven hồ, khi gặp con suối đầu tiên thì rẽ phải để đi lên khu thác Bay rồi lên hòn Nhọn. Nếu gặp con suối này mà vẫn đi thẳng, chúng ta sẽ đến khu căn cứ Anh Dũng, một căn cứ cách mạng trong thời gian chống Mỹ. Đây là khu vực tiếp giáp Lâm Đồng, có nhiều hầm trú ẩn, giao thông hào, có cả trường đảng, lớp học ... Tuy nhiên, khu vực này nằm ngoài khu hòn Nhọn.
Sau khi tìm hiểu kỹ tất cả các vấn đề từ anh Doanh - trưởng hạt kiểm lâm Tân Giang - người đi suốt hành trình tại khu hòn Nhọn thì chúng tôi hiểu rằng bài báo của anh phóng viên trên báo tuổi trẻ đã nêu ra đúng vị trí của hòn Nhọn, nhưng nơi anh đến thì không phải là hòn Nhọn. Vậy thì chúng ta sẽ chinh phục hòn Nhọn này, đó là quyết định của cả nhóm.

Để hoàn thành chuyến đi, chúng tôi nhận được sự trợ giúp của rất nhiều cá nhân, tập thể. Có lẽ không có gì để nói nếu như chúng tôi liên hệ suôn sẻ với dân địa phương. Nhưng, ở đời vẫn có nhiều chữ nhưng, và ở đây chúng tôi sẽ nói đến nó. Có nó, chuyến đi mới trở nên khó khăn như vậy.

Bảo là một anh bạn dễ thương sống ở xã Nhị Hà. Sau chuyến đi cùng với anh Bình (báo Tuổi trẻ), chúng tôi đã có dịp gặp anh và trò chuyện nhân chuyến anh vào chơi thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi những tưởng rằng sự vui vẻ của anh sẽ giúp đỡ rất nhiều khi chúng tôi chinh phục hòn Nhọn, nhưng không phải vậy. Cách chuyến đi gần một tuần lễ, tôi bốc điện thoại gọi cho Bảo. Sau một hồi nói chuyện, Bảo nói tôi cần phải gặp một anh bạn khác tên Thuận, làm bí thư đoàn xã Nhị Hà. Anh Thuận nói rất dài dòng, nhưng vắn tắt như sau:

- Dẫn đường chứ không phải vác đồ giùm.
- Cần phải làm thủ tục vào rừng và đóng một số khoản thuế cho xã.
- Chi phí dẫn đoàn trong ba ngày vào hòn Nhọn là 5 triệu đồng cho một nhóm khoảng trên 10 người. Tất cả sẽ thể hiện bằng hợp đồng và anh sẽ gửi qua fax cho chúng tôi hợp đồng mẫu.

Mới nghe đến con số 5 triệu đồng, tôi đã tá hỏa tam tinh. Bởi theo Tuấn mỏ nhọn (thành viên của Chim Cò group), chi phí cho mỗi hướng dẫn là 100 ngàn/ngày (chúng tôi đã cùng nhau thỏa thuận như thế), 500 ngàn thuê xe đưa vào ra (đón từ cây xăng ngã ba Phú Quý vào Nhị Hà và ngược lại) cùng tiền mua rau, gạo chừng 300 ngàn. Như vậy, nhóm của Tuấn chỉ tốn 200 ngàn cho 1 "hướng dẫn viên" mà thôi, vậy mà.... Tôi liền gọi cho anh Bình nhờ can thiệp. Anh liền gọi liên lạc với Bảo rồi gọi cho tôi, nói nên liên hệ với anh Luân - là người quen của nhóm Bảo, Thuận và dẫn anh Bình vào chỗ đó.

Cho đến sáng hôm sau, tôi gọi cho anh Luân. Anh Luân là người làm du lịch và cũng là người khám phá ra khu này (hòn Nhọn) nhưng chưa đưa vào khai thác. Anh cũng rất tiếc khi một số anh em địa phương lại đưa ra giá như vậy và sẽ giúp đỡ để chi phí còn là con số chấp nhận được. Sau một hồi điện thoại của anh Luân, Thuận đồng ý giảm giá nhưng con số chỉ được tụt xuống còn 3 triệu đồng. Tôi cũng gọi cho Bảo một vài lần nữa, nhưng em cũng không giúp gì hơn được nữa. Thôi thì đành chịu vậy, tôi nghĩ mình nên thông báo cho anh em hủy chuyến đi, vì không nên chấp nhận một cái giá vô lý như thế. Nếu tôi chấp nhận giá này thì nó sẽ là một tiền lệ xấu cho các chuyến đi của các anh em về sau. Nhưng cái sức nóng của hòn Nhọn, cùng với sự quyết tâm của anh em làm cho tôi đành tìm cách khác. Chợt nhớ ra có một người bạn làm kiểm lâm Ninh Thuận, tôi liền liên lạc để tranh thủ sự giúp đỡ của những chủ rừng khi không có sự giúp đỡ của dân địa phương. Nói là bạn cho nó oai, chứ thực ra chỉ là sơ giao thôi. Cách đây vài năm, bạn ấy có giúp đỡ gia đình tôi vào cắm trại trong vùng hoang vắng nằm giữa vịnh Vĩnh Hy và Núi Chúa hết sức ấn tượng. Và lần này cũng vậy, bạn ấy lại nhiệt tình giúp tôi sau khi nghe kể lể khó khăn.

Anh Thanh - trưởng ban quản lý và bảo vệ rừng tỉnh Ninh Thuận là sếp của bạn ấy và là người đích thân giúp chúng tôi vào rừng lần này. Anh gọi xuống xã để giúp cử một cán bộ an ninh đi theo đoàn và cắt cử luôn anh Doanh là trưởng hạt kiểm lâm Tân Giang đi giúp chúng tôi. Ngày chúng tôi ra đến ngã ba Phú Quý, anh còn dậy từ 5 giờ sáng, vượt hơn chục km để thăm đoàn chúng tôi và dặn dò một số điều trước khi vào rừng. Thật là cảm động khi anh ấy là người quản lý của rừng cả tỉnh nhưng lại hết sức gần gũi và thân thiện khi tiếp xúc.

Chuyến đi còn được sự hỗ trợ không mệt mỏi và đầy tình cảm của anh Hiệp, là dượng của Đình Quân - một thành viên của 4so9.com tham gia chuyến đi. Số là sau khi nhờ đến anh Thanh nhưng lại chưa thể chắc chắn lắm, tôi bèn đánh liều gọi cho dượng Hiệp. Dượng Hiệp hiện nay đang công tác tại ban quản lý giao thông đường bộ của tỉnh, ngày trước làm trong ủy ban dân tộc của tỉnh nên nắm rất cụ thể khu này. Gần như ngay lập tức, dượng hỏi thăm xuống chính quyền xã để nắm tình hình và còn nhờ bạn bè làm bên Sở nội vụ tỉnh can thiệp, gọi cho chủ tịch xã. Các cán bộ của xã đã biết gần như đầy đủ chuyến đi của chúng tôi, nên dượng Hiệp nắm được ngay tình hình. Họ còn cho biết, Bo Bo Thuận (không hiểu sao họ lại gọi thế) đứng ra lo vụ này. Họ còn nói do tuần trước có dẫn một nhóm đi, chở ra vào bằng cái xe chở heo rồi tính tiền đâu 1 triệu ba hay một triệu tám gì đó mà kêu rẻ quá nên anh em nó tưởng là hớ nên mới tính giá cao lên. Thật là khổ cho những người ít tiếp xúc với tiền, cứ ngỡ là tiền ở thành phố như lá mít, cứ lượm là được.

Chưa an tâm, bởi vì địa danh tôi nói (hòn Nhọn) dượng Hiệp chưa nghe tới, nên dượng phi thẳng xe xuống xã hỏi tình hình. Anh Chín Tấn - cũng là chỗ thân tình với dượng Hiệp có một trang trại ngay vùng liền cho biết dân địa phương kêu đó là hòn Một, nước non mùa này cũng cạn nên chắc là ít cá thôi. Do cũng từng làm trong cơ quan công quyền tỉnh nên anh Chín Tấn nói cứ an tâm mà đi, anh sẽ dặn dò anh em xã và khi về thì ghé qua trang trại làm bữa cơm thân mật.

Ngày đi chỉ còn hai ngày là tới, các cuộc đàm phán giá cả với Thuận cùng sự giúp đỡ của Bảo, anh Luân, anh Bình đều thất bại. Tôi đã có được sự đồng ý giúp đỡ của anh Thanh nên từ chối giá cả và sự dẫn đường của nhóm Thuận. Ngay chiều hôm đó, Thuận gọi thẳng cho tôi và nói dõng dạc: " Các bạn đừng đi đến đây làm gì, phí tiền vé xe vì đến nơi cũng phải mua vé xe mà về ngay. Tỉnh đoàn cùng Sở du lịch tỉnh đã giao vùng hòn Nhọn cho xã đoàn Nhị Hà quản lý và khai thác rồi, nên không có cách nào các bạn vào được nếu như không có sự dẫn đường của bọn tôi. Các bạn có nhờ kiểm lâm dẫn vào cũng không có vào nổi đâu!!!". Lời nói của Thuận như đinh đóng cột khiến tôi đã lo lắng cho chuyến đi còn lo thêm gấp bội.

Sự lo sợ có phần thái quá của tôi sau khi nghe anh Thuận đe dọa làm cho chuyến đi thực sự trở thành chuyến đi tâm điểm của các câu chuyện xung quanh xã Nhị Hà. Một nhúm người vào chốn rừng núi với một chút đam mê, hà cớ gì mà Kiểm Lâm quan tâm, Sở Nội Vụ gửi gắm, Ban quản lý giao thông đường bộ cũng vào cuộc? Hay là họ còn có lý do gì khác khi bước vào khu này? Đoàn của họ gồm những ai mà quan trọng và ghê gớm thế? Và đấy cũng là một phần của câu chuyện mà tôi sẽ nói về sau.

(to be continue)
 
Last edited:
Theo lối mòn của bà con dân tộc, chúng tôi tiến vào khu vực núi trọc khô cháy dưới cái nắng chang chang của Phan Rang, nơi có hơn 800 giờ nắng trong năm, là vùng khô hạn nhất Việt Nam. Không thấy bóng dáng của cây to, chỉ toàn những bụi cây lá gai và một loại cây bản địa với lá khá to và có màu đỏ, vàng khá đẹp trải dài khắp hai bên lối đi. Tôi hỏi anh Doanh về nguồn gốc thì anh bảo cây dại, nhưng tôi hơi ngạc nhiên vì thấy chúng mọc khá ngay ngắn và thẳng hàng
IMG_3521.jpg

(Ngọn núi xa xa trong hình là đỉnh của Hòn Nhọn, nhìn hình dáng của đình núi tôi không còn thắc mắc vì sao núi này có tên như thế)
vượt qua con dốc đầu tiên, chúng tôi bắt đầu tiến vào khu vực của những dòng suối cạn, đau đó còn sót lại những vũng nước khá trong xanh và mát, nhưng không xoa dịu được cái nóng từ những tảng đá phẳng lỳ do nước, nắng và gió Phan Rang bào mòn trong hàng triệu năm trước, rộng hàng trăm mét vuông tỏa ra làm nặng thêm bước chân của cuộc hành trình.
IMG_3537-1.jpg

Nhưng thỉnh thoảng cũng còn những dòng suối, hồ nước còn sót lại của những tháng mưa ít ỏi, và nơi đây, sức sống vẫn ngập tràn, những bụi cây xanh lá
IMG_3529.jpg

và một loại cây khá đẹp mắt với cành và hoa (không thấy lá) hiên ngang vươn thẳng lên bầu trên xanh, nắng vàng
IMG_3531-1.jpg

Sau hơn 2 tiếng hành trình vừa đi vừa nghỉ và tranh thủ bắn vài tấm hình thiên nhiên hoang dã, nhóm chúng tôi dừng chân cắm trại tại một khu vực khá đẹp, có suối, có hồ (có thể câu cá) và vòm cây (có bóng râm để nghỉ ngơi và mắc võng). Những chàng trai cô gái lần đầu tiên đến với núi rừng như bừng tỉnh sau những giờ lầm lũi cuốc bộ dưới nắng nóng như bừng tỉnh, nhanh chóng trút bỏ balo rồi ...người thì xắn quần lội suối, ngâm chân, rửa mặt, người thì nằm vật ra những tảng đá bằng phẳng nằm chênh vênh bên bờ suối cảm nhận hơi thở của thiên nhiên đang bao trùm xung quanh. Dòng nước mát lạnh khiến mọi người tỉnh táo và như thêm sức.
IMG_3560.jpg

Anh Doanh và Nhân chọn một góc khuất để nhóm bếp và chuẩn bị bữa trưa cho đoàn. Tôi mở balo lấy cái bếp gas mini, vật bất lý thân trong những chuyến đi về với thiên nhiên của tôi đưa cho anh và nói "anh sử dụng cái này cho nhanh và an toàn" anh từ chối và nói một câu khá thú vị " Lên rừng lên núi mà nấu bằng bếp gas là không đúng bài", mà quả thật vậy, củi khô xung quanh khá nhiều, thứ củi của những loại cây vùng khô hạn rất cứng và cháy rất đượm. Khi nhìn lại tấm hình chụp góc bếp dã chiến, với 3 hòn đá làm ông táo với những thanh củi cháy dở cùng nồi cháo cá lóc nghi ngút khói giữa góc rừng tôi như cảm nhận được không khí núi rừng dường như vẫn còn vương vấn xung quanh. Nếu như là hình ảnh của cái bếp Gas thô kệch nằm khá tương phản với ái hoang dã của núi rừng thì chắc cảm xuác đã khác
IMG_3575.jpg
 
Last edited:
Tự nhiên thấy mặt mũi của Death trong phượt này thấy cũng zui zui. Vắng bóng gian hồ đã lâu, bây giờ mới thấy ló mặt. Death là anh trai của Darkdeath.

Death là một phượt có máu, đã từng lang thang nhiều nơi, đi nhiều nhưng lười viết. Sau tết 2 anh em có kế hoạch lang thang từ Phú Yên vào SG cũng như mở màn cho năm mới. Cái Hòn Nhọn này Darkdeath đã dòm ngó từ lúc TTO khai phá. Định đi nhiều lần, nhưng vì 1 số lý do nên đã không theo kịp. Sau tết đây là địa điểm để 2 thằng bọn em lang thang.

@Death: Hôm bữa máu quá không kìm đc, lại xách đt phone ngay cho Utkha nói là làm trc tết luôn. Utkha đồng ý ngay lập tức nhưng ít bữa sau lại thỏ thẻ, anh muốn ăn tết sớm sớm cũng gia đình nên 2 ae đành hẹn sau. Utkha máu me lắm, lại rủ em xuyên Việt đầu năm, lại đạp xe đi, nhưng chuyến này Utkha không đi do bận làm và e cũng vậy. Em đang giữ cái lều của Utkha tết này mang về luôn. Utkha sau khi xuyên Việt về lập ngay 1 Group tên là Bụi Đường. Hôm bữa có ra mắt ace. Thôi ae gặp nhau sau. HN mùa này lạnh lắm death nhớ mặt nhiều áo nha!

@Mod, Admin: Anh em lâu ngày hội ngộ mong mấy anh thông cảm vì spam làm loãng topic, thanks các anh vì đã cho ae hội ngộ
 
Sau khi ăn trưâ, các đồng đội tản ra nghỉ ngơi dưới các tán rừng mát rượi, tôi tranh thủ ngồi giao lưu với anh Doanh và Nhân, sau vài chén trà, từng câu chuyện về phá rừng của các "đại gia" năm xưa được anh Doanh thuật lại nghe hấp dẫn như phim Đài Loan, nào là trang trại của sếp ngành nọ, sếp ngành kia được mua bán và thay đổi mục đích sử dụng như thế nào, nào là những mảng rừng gỗ quý xanh tươi ngày xưa được hợp thức hóa thành....rừng tạp như thế nào..v.v và v..v... Xin nói một chút về Nhân, chú dẫn đường người dân tộc Dakle. Nhân là bộ đội phục viên, Nhân nói vì mình là người dân tộc nên Nhân được chế độ ưu tiên theo nghiệp binh và đào tạo thành sĩ quan chuyên nghiệp, nhưng hắn từ chối vì đi theo binh nghiệp cuộc sống...mất tự do nên phục viên, lãnh một số tiền rồi rồi sau đó về quê giữ rừng và ...uống "diệu", khi về địa phương được đề bạt làm trưởng dân quân xã Phước Hà. Ngành lâm nghiệp Phan Rang có chủ trương giao rừng cho các hộ dân dân tộc Raklei giữ, gia đình Nhân được giao đâu chừng 30.000 hecta và được cấp kinh phí là 50triệu/năm, nhưng theo như anh Doanh nói thì khi nào phát tiền (phát từng đợt) là y như làng Raklei tổ chức ăn nhậu tưng bừng cho đến khi...hết sạch tiền thì mới vác dao vào rừng làm việc, và nghe đâu là các bạn chỉ làm đủ ăn của ngày hôm đó là...vác dao về, ăn hết thì mai lại vác dao đi tiếp, chờ đến ngày nhận kinh phí thì lại ..hoành tráng lần nữa, tôi nghe câu chuyện mà lòng thât buồn.
Đúng 2 giờ chiều, đoàn tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi bắt đầu vượt con dốc đầu tiên, con dốc không cao lắm, nhưng cũng đủ làm chồn chân chúng tôi vì cái nắng nóng đến khô người, nhưng cả đoàn vẫn lạc quan tiến về phía trước. Những mảng rừng khô cháy, những bụi cỏ lau cao lút đầu trải dài khắp lối đi
IMG_3552-1.jpg

nhìn những mảng cỏ lau trải dài, tôi bất giá nhớ lại những câu chuyện về ông ba mươi mà ngày xưa những người thợ sơn tràng quê tôi thường kể. Trong những cảnh đồng cỏ lau là nơi ông ba mươi thường ngồi rình thù và người đi qua để vồ ăn thịt. Chỉ một thoáng suy nghĩ rồi chạnh buồn vì bây giờ làm gì còn thú?? cả buổi sáng chúng tôi không hề thấy bóng của nhưng con thú nhỏ như sóc, chồn...huống hồ là thú lớn. Vậy mới thấy qua trình tăng dân số và đô thị hóa của con người đã đẩy nhiều cánh rừng và công dân của nó đến thảm họa tuyệt chủng và dần biến mất...trong tương lai không xa, các phượt cháu, phượt con của chúng to sẽ không còn cơ hội khám phá thiên nhiên như ông cha của chúng, chúng sẽ chỉ loanh quanh trong các Theme Park và cố gắng tưởng tượng ra không khí hoang dã tự nhiên mà thôi.

Vượt qua con dốc, chúng tôi bắt đầu nghe tiếng nước chảy, ai nấy cũng phấn chấn, Nhân động viên, "cố gắng lên, điểm dừng chân chỉ còn cách một rựa nữa thôi", tôi không hiểu ý nghĩa của câu này lắm, vì xưa giờ chỉ nghe người ta nói "một ngày đường" hoặc "mét" để chỉ quãng đường chứ chưa nghe khái niệm "một rựa". Con suối hiện ra, nước khá nhiều, trong xanh và mát lạnh
P1080724.jpg

đến khu này, thỉnh thoảng cũng xuất hiện các cây to, tôi hỏi anh Doanh vì sao mấy cây này may mắn thì anh nói "đơn giản thôi, gỗ của chúng không có giá trị kinh tế cao với lại khu này nằm đưới thung lũng, khai thác và vận chuyển hơi khó nên lâm tặc bỏ qua". Tuy nhiên rải rác trong lòng suối chúng tôi vẫn gặp những cây cổ thụ bị cưa và bỏ lại vì bị lỗi hoặc mối mọt làm hư hỏng bên trong, không sử dụng được, và những cây này trở thành những cây cầu tự nhiên cho chúng tôi vượt suối
P1080860.jpg

trong lòng suối thỉnh thoảng cũng gặp hình ảnh này, dấu vết của những người dân tộc đi rừng hoặc của Lâm tặc đi ...làm việc
P1080718.jpg

Anh Doanh bị đau bao tử kinh niên nên sức khỏa không được tốt, nên anh là người chốt đoàn, một vài thành viên thấm mệt do dồn sức vượt qua con dốc, chúng tôi lại nghỉ tiếp, tôi và Quân tranh thủ kiếm vài bắp chuối rừng để làm nồi canh chua cá suối nấu chuối rừng cho bữa tối
P1080712.jpg

đoàn tiếp tục lên đường, mặt trời cũng bắt đầu khuất sau đỉnh hòn Nhọn, Nhân và anh Doanh chọn một đỉa điểm khá lý tưởng cạnh bờ suối và quyết định hạ trại. Mọi người nhanh chóng triển khai đội hình, tôi Quân và Sami mang cần đi kiếm cá, các bạn còn lại phụ anh Doanh nấu bếp và tranh thủ tắm táp dưới các thác nhỏ mát lạnh. Dưới các hốc nhỏ của dòng suối, cá suối khá nhiều, tuy không lớn lắm, chỉ chừng 2 ngón tay, nhưng mang lại cho chúng tôi cảm giác khá thú vị và chúng tôi cũng không hiểu vì sao những chú cá này lại có thể sống được nơi này, khi mà dòng chảy sẽ rất khủng khiếp vào những ngày mưa và câu hỏi lớn nhất vẫn là nguồn gốc của chúng.
P1080774-1.jpg

Sau khi lòng vòng hết chỗ này chỗ nọ, hết hóc đá này đến hốc đá kia, đến khi trời sụp tối chúng tôi câu được bao nhiêu đây, chúng được sấy khô chứ không nấu canh như dự định ban đầu vì quá ít với lại không kịp cho các cái bao tử rỗng đang réo inh ỏi, anh Doanh đành nấu chuối rừng với cá...khô.
P1080808.jpg
 
Last edited:
Bữa cơm chiều nhiều "đạm" ít "bạc" được dọn ra trên một phiến đá phẳng, to bằng cái giường đôi nằm giữa lòng suối, dưới tán rừng bên bờ suối trong xanh, nhóm người ăn ngon lành bữa cơm đơn sơ nhưng ngon vô cùng. Những câu chuyện hài, những tiếng cười vang lên giữa rừng chiều hoang vắng.
P1080778.jpg

không đủ chỗ nên sau khi xới mỗi người mỗi chén ai cũng chọn cho mình chỗ ngồi thoải mái để ăn vì phiến đá không đủ để chứa 12 mạng người, nếu chen lấn thì có nguy cơ lọt suối
P1080848.jpg

lo cho cái ăn cảu các bạn xong thì đến cái ngủ, mỗi chúng tôi chọn cho mình một vị trí móc võng. Các bạn lần đầu đi rừng chưa biết cách cột võng nên tôi và anh sami phải hỗ trợ và hướng dẫn các bạn cách cột. Anh Doanh và Nhân tách nhóm lên tít trên cao, trong rừng trúc căng võng và đốt một đống lửa ngủ riêng (tôi thắc mắc điều này, nhưng tối hôm đó một phát hiện tình cờ khiến tôi biết thêm vài điều không hay về chuyến đi này). Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó.
P1080784.jpg

và dĩ nhiên điều không thể thiếu trong các chuyến đi là phần lửa trại, khiỏi phải nói, củi ở đây nhiều như...rừng, mà toàn là củi nhóm 1 (tôi thường đùa anh Sami) vì đó là những thanh gỗ bìa, to và dài như cái xà nhà, bị lâm tặc bỏ lại, chất lượng gỗ rất tốt, cháp đượm và lâu vô địch. Khoaquan và Quân là hai đồng chí tiên phong đi mót gỗ, trông không khác gì lâm tặc chuyên nghiệp
P1080817.jpg

Với đèn khò của Khoaquan chúng tôi không gặp khó khăn để nhóm đống lửa này, không khí lạnh lẽo của núi rừng nhanh chóng được xua tan thay vào đó là không khí ấm áp của đống lửa trại, cả nhóm tụm lại sưởi ấm và nói chuyện tiếu lâm
P1080819.jpg

trời tối hẳn, hết chuyện mà "diệu" thì đã bỏ quên trên xe lúc lên đường thế là tan nhóm, vài đồng chí lên võng ngủ, tôi nhớ rõ là đồng chí Madsientist là người lên chuông sớm nhất và đồng chí có một giấc mơ làm lâm tặc vì tôi nghe tiếng cưa máy khá to phát ra từ chỗ đồng chí nằm. Lúc này Nhân đi xuống và rủ chúng tôi đi...bắt cua. Mọi người hào hứng theo Nhân, người cầm đèn, người cầm ...bao, kẻ xắn quần, người ...để nguyên quần lội suối bắt cua
P1080792.jpg

Trời tối, bầu trời trong xanh nên dải Ngân Hà hiện lên rực rỡ với hàng ngàn vì sao lấp lánh, tôi men theo những hòn đá đi xuôi xuống dưới để tìm một vị trí đẹp ngắm sao, đang nằm suy nghĩ miên man và ngắm bầu trời tuyệt đẹp thì bất chợt tôi phát hiện ánh đèn và vài bóng người thấp thoáng phía xa, dưới hạ nguồn con suối. Tôi bật đèn, lia về phía hạ nguồn thì ánh đèn dươi đó phụt tắt, tim đập mạnh, một cảm giác bất an ùa đến, tôi ngồi dậy rồi phóng nhanh về điểm cắm trại. Lúc này anh Doanh cũng đã xuống ngồi suởi ấm và nấu bình trà uống thay "diêu", tôi đến và nói với anh sự việc vừa chứng kiến, anh dường như không nghe và đánh trống lảng khi tôi hỏi đến lần thứ 3 thì anh nói nhanh một câu, "chắc là ánh đèn của người dân tộc lên núi băt cá đó mà". Cảm giác bất an càng tăng vì tôi tự hỏi, có điên mới lên núi bắt cá giờ này, ở một con suối khô cạn với vài con cá trắng bằng ngón tay. trong khi dưới chân núi là hồ Tam Giang với những con Trắm, con Chép to vật nặng hàng chục ký. Chắp nối những câu chuyện và sự kiện đã qua, tôi khẳng định chắc chắn rằng . NHÓM CHÚNG TÔI ĐANG BỊ THEO DÕI. Vì chuyến đi của chúng tôi đã làm kinh động đến giới lâm tặc và lâm nghiệp địa phương vì đây là điểm nóng của nạn phá rừng và trước khi chúng tôi đi, vì một số lý do bất khả kháng mà đoàn đã nhờ đến một vài nơi quen biết hỗ trợ, trong đó có GĐ sở Nội Vụ tỉnh, Trưởng phòng QLGT Đường Bộ, Trưởng phòng quản lý Lâm Nghiệp tỉnh...
Tôi ôm nỗi lo mà không dám nói với các bạn vì sợ làm hỏng mất không khí của chuyến đi. Đêm đó tôi cột balo vào võng và có một giấc ngủ chập chờn trong khi các đồng đội ngủ say sưa sau một ngày mệt nhọc.
 
:T
Ném đá bạn TheHung tí...hị hị
Chả tìm thấy dân tộc nào là dân tộc Dakley trong 54 dân tộc anh em nhà mình cả. Chắc là dân tộc này http://vi.wikipedia.org/wiki/Người_Ra_Glai

Thanks chị Dugiang nhiều, Hùng vừa gọi điện cho anh Doanh, trạm trưởng Kiểm Lâm Phước Hà check lại thông tin thì chính xác là người Reklei . Thông tin về họ khá ít, trên wiki cũng không thấy, chỉ thấy trên vài tin tức và web du lịch..
Nghe nói là số lượng người Raklei khá ít và họ được chính phủ (hoặc Tỉnh Ninh Thuận) bảo trợ gần như 100%, phát tiền, phát gạo...hàng tháng vì vùng này hầu như không thể khai thác gì ngoài nuôi dê, bò và...phá rừng.
 
Last edited by a moderator:
Bữa cơm tối nhanh qua, anh em lại hùn sức kéo cành cây về làm lửa trại. Mới 17h tối mà nhiệt độ có vẻ đã xuống thêm vài độ. Cây cối xung quanh làm gì có thiếu, nhất là các miếng củi nhóm một (theo cách gọi của Thế Hùng) thì rất nhiều ven dòng chảy con suối. Chả là lâm tặc hạ cây xuống thì chỉ lấy lớp lõi tốt, còn lớp bìa thì vứt phứa ra, cho dù nó cũng to và dày đẹp chán. Từng khúc bìa cũng dày đến 20cm, rộng cả 30-40 cm và dài hơn 2 mét nằm đầy trên đường đi, dọc dòng chảy con suối. Anh em hí húi khiêng về, châm lửa. Lúc này cái đèn khò gas đa dụng của dangkhoaquan phát huy tác dụng, khò đánh nhoằng một cái là đám lửa đã bùng lên.

Trà được anh Doanh nấu sẵn vẫn để nguyên một nồi cho anh em, được mang ra dùng. Thứ trà nửa móc nửa câu này uống vào chỉ có vị trà mà thôi, chứ thú thật, chả ngon lành gì. Dangkhoaquan còn móc đám khô ra, lấy miếng khô cá đuối đen ngon nhất mua đến 80 ngàn ra nướng thơm ngát rồi chia cho anh em ăn kèm … trà. Càng nghĩ, anh em càng tiếc can rượu đã quên trên xe ô tô. Tuần trà và cá khô đã hết, tôi lúc này mới móc chè Tà Xùa ra khao anh em. Thứ trà này tôi có được là do chuyến đi tết dương lịch về thăm nhà thì tiện đường làm quả lên Bắc Yên Sơn La. Trên đây là nơi có cái vạt đất xưa kia có bản làng A Phủ ở, để Tô Hoài phóng tác thành cái tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Ở nhà anh bạn tôi tại thị trấn Bắc yên, phóng tầm mắt ra là nhìn thấy cái vạt đất của bản ngày xưa, nay chỉ còn một màu đỏ quạch do đất bạc màu cây cối mọc không nổi. Cách đây gần 20 năm, tôi đã có mặt ở mảnh đất này, nhìn những chú người Mèo một cách lạ lẫm rồi tập gọi từ “ku tỷ - đồng chí” và mê mẩn cái hương chè Tà Xùa. Khoảng cách địa lý thì Tà Xùa cách thị trấn Bắc Yên 14km nhưng ở độ cao hơn thị trấn cả gần ngàn mét, hiện nay đã có đường trải nhựa lên tận nơi. Ở Tà Xùa, một ngày có đến bốn mùa bởi cái giá lạnh mùa đông đến vào ban đêm, cái tiết thu có vào buổi chiều, cái mùa hè đến vào lúc trưa và buổi sáng là mua xuân man mát. Chè Tà Xùa ngon và nổi tiếng bởi cây chè được mọc ở độ cao trên cả ngàn mét, búp to khỏe mập mạp, hái bằng tay và chế biến hoàn toàn thủ công. Cái vải ủ chè là một cái vạt váy cáu bẩn, đậm mùi mồ hôi của chàng trai cô gái người Mèo. Khi pha chè, phải rửa kỹ nước đầu để gột bớt cái mùi cố hữu của người Mèo thấm đẫm trong chè và uống bằng nước hai trở đi. Chè Tà Xùa không đẹp nước nhưng để lại cái vị ngọt sau mỗi ngụm nơi đầu môi. Mà độc đáo nhất là phải pha chè Tà Xùa với nước suối mới thấy cái ngon nhất của vị trà. Cũng định bụng nhân dịp này mang về dăm lít nước suối đầu nguồn để pha trà uống, nên tôi tích trữ gần chục cái vỏ chai nước mà anh em uống xong trong ba lô.

Cái nồi được mang ra kì cọ lại cho sạch sẽ rồi múc lưng lưng nước suối. Cái bếp ga của Thế Hùng mang ra nấu nước làm anh em trầm trồ vì cái tiện dụng của nó. Dangkhoaquan thì mừng ra mặt, bởi trên vai hắn vác cả 4 bình gas, nếu nấu bớt đi thì hắn nhẹ nhàng biết bao. Nước vừa sôi, tôi múc ra một tô để làm thủ tục rửa trà đàng hoàng rồi mới bỏ đám chè sạch vào trong nồi nước sôi. Tính theo đạo trà thì kiểu này không phải nhưng quả thật, trong hoàn cảnh này cũng nên bỏ qua một số đạo giáo thông thường. Cả đám ngồi quây quanh đám lửa uống trà, cho dù đại đa số là người miền trong và trẻ tuổi nên cũng không hiểu về trà cho lắm. Nhưng biết làm gì trong lúc này bây giờ, đành phải nhấp trà và ngồi quanh đống lửa nói chuyện phiếm. Thi thoảng, câu chuyện của chúng tôi lại phải ngừng vì xa xa có tiếng cưa máy của Mad. Anh chàng quá mệt mỏi nên ăn xong đã thăng liền.

ChoDTDD bất ngờ với hương vị trà Tà Xùa mang lại, bởi càng uống, trà lại càng để lại vị ngọt nơi đầu lưỡi, ngay cả khi liếm môi cũng thấy ngọt. Hắn cho mọi người biết về cảm nhận của mình và mọi người lúc này mới thử liếm môi mình. Cái hương thơm nhè nhẹ của chè Tà Xùa cứ len lỏi vào hương núi rừng hòn Nhọn làm thành cái hương đặc trưng là lạ, gắn kết tất cả đám anh em chúng tôi thành một khối.

Đám lửa cháy không cách nào bùng to lên được do chỉ có cháy một khúc cây khô do tôi vác về, còn khúc “củi nhóm một” thì không cách nào bén lửa. Anh Doanh cho biết, đây là bìa cây dầu, nó đã ngậm nước lâu rồi nên muốn cháy thì chắc phải nửa đêm nó mới bùng lên được. Thế là cả nhóm cùng nhau đi kiếm thêm củi, cùng lúc anh Nhân rủ đi bắt cua đêm. Lũ cua buổi tối mới từ khe đá bò ra kiếm ăn, chỉ cần soi đèn xuống nước là nhìn thấy chúng ngoe nguẩy càng trong dòng nước trong vắt. Chỉ cần nhanh tay chộp lấy, cho vào túi là xong. Chân tôi lúc này thấy hơi đau nên lười biếng hẳn ra, mặc kệ đám trai tráng bám theo Nhân leo dọc lên, bò lui xuống đoạn suối bắt cua. Chỉ 10 phút, cả đám đã tóm được hơn chục chú cua chắc nịch. Ngày mai chắc chắn sẽ có một nồi canh ra trò. Trong khi đó, đám QuanTD và Dangkhoaquan thì đi kiếm củi. Hì hục, cả hai cũng kéo về được hai khúc củi nhóm một bổ sung. Trong màn đêm, hai thằng chả khác gì đám lâm tặc đang khuân vác gỗ. Đám lửa được tiếp thêm hai cành cây, thêm bình gas và đèn khò của dangkhoaquan cháy bùng lên, tỏa sáng rõ cả một góc rừng.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
57,150
Bài viết
1,158,424
Members
190,433
Latest member
yang_chou
Back
Top