What's new

[Chia sẻ] Hòn Nhọn - Thác Bay - Bình Tiên

Thân chào cả nhà,
Cuối cùng thì chuyến đi cũng đã kết thúc, chuyến đi ba ngày vừa lên rừng, vừa xuống biển của một tập thể gồm 10 con người để lại rất nhiều cảm xúc cho mỗi cá nhân. Người thì coi đó là một chuyến đi tuyệt vời, có người lại có những cảm xúc mới lạ thêm trong cuộc đời của mình, có người lại thấy đó là sự chấm hết cho những chuyến đi khác. Dù sao đi nữa, chúng ta đã có một chuyến đi không thể hoàn hảo hơn trong hoàn cảnh như vậy.

Chuyến đi đến từ một bài viết của một phóng viên báo Tuổi Trẻ và trở thành một topic rủ rê hot nhất thời đại phuot. Và chỉ với 336 bài viết nhưng có đến 14.780 lượt người theo dõi cũng đủ sức nói lên cái nóng của topic này.

Một chuyến đi khám phá mà gần như một bãi chiến trường khi có sự tranh cãi về số lượng người và cách thức tuyển lựa người để mất bao công sức của các mod, admin kiểm duyệt, kiềm chế sự nóng nảy không cần thiết của rất nhiều thành viên.

Nhưng nó thực sự là topic đáng để quan tâm.

Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ nằm ở miền Trung của tổ quốc, có vô số cảnh đẹp và điểm nên đến trong hành trình của các phượt gia. Nhưng những điểm được nhiều người biết đến đại đa số nằm ở ven biển như Hòn Lao lạnh lùng, Vĩnh Hy huyền bí, Bình Tiên êm ả hay Núi Chúa hùng vĩ. Có nhiều cảnh đẹp còn nằm ẩn khuất sau những cánh rừng, những vách núi mà chúng ta còn chưa có dịp nhìn ngắm. Một trong những cái như thế là hòn Nhọn.

Đúng như nhà báo Bình bên báo Tuổi trẻ đã viết, hòn Nhọn nằm trong khu vực xã Phước Hà. Dân địa phương nơi đây hay kêu là hòn Một. Từ khu xã Nhị Hà, Phước Hà nhìn về phía Lâm Đồng, chúng ta sẽ thấy hòn Nhọn vượt cao hơn tất cả và có một đỉnh nhọn như một cái chóp mũ của những chàng mục đồng. Đây là đỉnh núi cao nhất trong khu vực và nằm trong khu vực quản lý của hạt Kiểm Lâm Tân Giang. Trong toàn khu vực 30.000 ha rừng mà hạt Tân Giang quản lý, có ba dòng suối thì có đến hai dòng bắt nguồn quanh hòn Nhọn. Tới hòn Nhọn, chúng ta có hai đường đi. Một là đi từ trung tâm xã Nhị Hà, băng đồng tới chân núi rồi theo đường mòn lên đỉnh sau khi vượt qua một yên ngựa khá khó khăn. Hai là chúng ta đến hồ Tân Giang rồi theo đường mòn ven hồ, khi gặp con suối đầu tiên thì rẽ phải để đi lên khu thác Bay rồi lên hòn Nhọn. Nếu gặp con suối này mà vẫn đi thẳng, chúng ta sẽ đến khu căn cứ Anh Dũng, một căn cứ cách mạng trong thời gian chống Mỹ. Đây là khu vực tiếp giáp Lâm Đồng, có nhiều hầm trú ẩn, giao thông hào, có cả trường đảng, lớp học ... Tuy nhiên, khu vực này nằm ngoài khu hòn Nhọn.
Sau khi tìm hiểu kỹ tất cả các vấn đề từ anh Doanh - trưởng hạt kiểm lâm Tân Giang - người đi suốt hành trình tại khu hòn Nhọn thì chúng tôi hiểu rằng bài báo của anh phóng viên trên báo tuổi trẻ đã nêu ra đúng vị trí của hòn Nhọn, nhưng nơi anh đến thì không phải là hòn Nhọn. Vậy thì chúng ta sẽ chinh phục hòn Nhọn này, đó là quyết định của cả nhóm.

Để hoàn thành chuyến đi, chúng tôi nhận được sự trợ giúp của rất nhiều cá nhân, tập thể. Có lẽ không có gì để nói nếu như chúng tôi liên hệ suôn sẻ với dân địa phương. Nhưng, ở đời vẫn có nhiều chữ nhưng, và ở đây chúng tôi sẽ nói đến nó. Có nó, chuyến đi mới trở nên khó khăn như vậy.

Bảo là một anh bạn dễ thương sống ở xã Nhị Hà. Sau chuyến đi cùng với anh Bình (báo Tuổi trẻ), chúng tôi đã có dịp gặp anh và trò chuyện nhân chuyến anh vào chơi thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi những tưởng rằng sự vui vẻ của anh sẽ giúp đỡ rất nhiều khi chúng tôi chinh phục hòn Nhọn, nhưng không phải vậy. Cách chuyến đi gần một tuần lễ, tôi bốc điện thoại gọi cho Bảo. Sau một hồi nói chuyện, Bảo nói tôi cần phải gặp một anh bạn khác tên Thuận, làm bí thư đoàn xã Nhị Hà. Anh Thuận nói rất dài dòng, nhưng vắn tắt như sau:

- Dẫn đường chứ không phải vác đồ giùm.
- Cần phải làm thủ tục vào rừng và đóng một số khoản thuế cho xã.
- Chi phí dẫn đoàn trong ba ngày vào hòn Nhọn là 5 triệu đồng cho một nhóm khoảng trên 10 người. Tất cả sẽ thể hiện bằng hợp đồng và anh sẽ gửi qua fax cho chúng tôi hợp đồng mẫu.

Mới nghe đến con số 5 triệu đồng, tôi đã tá hỏa tam tinh. Bởi theo Tuấn mỏ nhọn (thành viên của Chim Cò group), chi phí cho mỗi hướng dẫn là 100 ngàn/ngày (chúng tôi đã cùng nhau thỏa thuận như thế), 500 ngàn thuê xe đưa vào ra (đón từ cây xăng ngã ba Phú Quý vào Nhị Hà và ngược lại) cùng tiền mua rau, gạo chừng 300 ngàn. Như vậy, nhóm của Tuấn chỉ tốn 200 ngàn cho 1 "hướng dẫn viên" mà thôi, vậy mà.... Tôi liền gọi cho anh Bình nhờ can thiệp. Anh liền gọi liên lạc với Bảo rồi gọi cho tôi, nói nên liên hệ với anh Luân - là người quen của nhóm Bảo, Thuận và dẫn anh Bình vào chỗ đó.

Cho đến sáng hôm sau, tôi gọi cho anh Luân. Anh Luân là người làm du lịch và cũng là người khám phá ra khu này (hòn Nhọn) nhưng chưa đưa vào khai thác. Anh cũng rất tiếc khi một số anh em địa phương lại đưa ra giá như vậy và sẽ giúp đỡ để chi phí còn là con số chấp nhận được. Sau một hồi điện thoại của anh Luân, Thuận đồng ý giảm giá nhưng con số chỉ được tụt xuống còn 3 triệu đồng. Tôi cũng gọi cho Bảo một vài lần nữa, nhưng em cũng không giúp gì hơn được nữa. Thôi thì đành chịu vậy, tôi nghĩ mình nên thông báo cho anh em hủy chuyến đi, vì không nên chấp nhận một cái giá vô lý như thế. Nếu tôi chấp nhận giá này thì nó sẽ là một tiền lệ xấu cho các chuyến đi của các anh em về sau. Nhưng cái sức nóng của hòn Nhọn, cùng với sự quyết tâm của anh em làm cho tôi đành tìm cách khác. Chợt nhớ ra có một người bạn làm kiểm lâm Ninh Thuận, tôi liền liên lạc để tranh thủ sự giúp đỡ của những chủ rừng khi không có sự giúp đỡ của dân địa phương. Nói là bạn cho nó oai, chứ thực ra chỉ là sơ giao thôi. Cách đây vài năm, bạn ấy có giúp đỡ gia đình tôi vào cắm trại trong vùng hoang vắng nằm giữa vịnh Vĩnh Hy và Núi Chúa hết sức ấn tượng. Và lần này cũng vậy, bạn ấy lại nhiệt tình giúp tôi sau khi nghe kể lể khó khăn.

Anh Thanh - trưởng ban quản lý và bảo vệ rừng tỉnh Ninh Thuận là sếp của bạn ấy và là người đích thân giúp chúng tôi vào rừng lần này. Anh gọi xuống xã để giúp cử một cán bộ an ninh đi theo đoàn và cắt cử luôn anh Doanh là trưởng hạt kiểm lâm Tân Giang đi giúp chúng tôi. Ngày chúng tôi ra đến ngã ba Phú Quý, anh còn dậy từ 5 giờ sáng, vượt hơn chục km để thăm đoàn chúng tôi và dặn dò một số điều trước khi vào rừng. Thật là cảm động khi anh ấy là người quản lý của rừng cả tỉnh nhưng lại hết sức gần gũi và thân thiện khi tiếp xúc.

Chuyến đi còn được sự hỗ trợ không mệt mỏi và đầy tình cảm của anh Hiệp, là dượng của Đình Quân - một thành viên của 4so9.com tham gia chuyến đi. Số là sau khi nhờ đến anh Thanh nhưng lại chưa thể chắc chắn lắm, tôi bèn đánh liều gọi cho dượng Hiệp. Dượng Hiệp hiện nay đang công tác tại ban quản lý giao thông đường bộ của tỉnh, ngày trước làm trong ủy ban dân tộc của tỉnh nên nắm rất cụ thể khu này. Gần như ngay lập tức, dượng hỏi thăm xuống chính quyền xã để nắm tình hình và còn nhờ bạn bè làm bên Sở nội vụ tỉnh can thiệp, gọi cho chủ tịch xã. Các cán bộ của xã đã biết gần như đầy đủ chuyến đi của chúng tôi, nên dượng Hiệp nắm được ngay tình hình. Họ còn cho biết, Bo Bo Thuận (không hiểu sao họ lại gọi thế) đứng ra lo vụ này. Họ còn nói do tuần trước có dẫn một nhóm đi, chở ra vào bằng cái xe chở heo rồi tính tiền đâu 1 triệu ba hay một triệu tám gì đó mà kêu rẻ quá nên anh em nó tưởng là hớ nên mới tính giá cao lên. Thật là khổ cho những người ít tiếp xúc với tiền, cứ ngỡ là tiền ở thành phố như lá mít, cứ lượm là được.

Chưa an tâm, bởi vì địa danh tôi nói (hòn Nhọn) dượng Hiệp chưa nghe tới, nên dượng phi thẳng xe xuống xã hỏi tình hình. Anh Chín Tấn - cũng là chỗ thân tình với dượng Hiệp có một trang trại ngay vùng liền cho biết dân địa phương kêu đó là hòn Một, nước non mùa này cũng cạn nên chắc là ít cá thôi. Do cũng từng làm trong cơ quan công quyền tỉnh nên anh Chín Tấn nói cứ an tâm mà đi, anh sẽ dặn dò anh em xã và khi về thì ghé qua trang trại làm bữa cơm thân mật.

Ngày đi chỉ còn hai ngày là tới, các cuộc đàm phán giá cả với Thuận cùng sự giúp đỡ của Bảo, anh Luân, anh Bình đều thất bại. Tôi đã có được sự đồng ý giúp đỡ của anh Thanh nên từ chối giá cả và sự dẫn đường của nhóm Thuận. Ngay chiều hôm đó, Thuận gọi thẳng cho tôi và nói dõng dạc: " Các bạn đừng đi đến đây làm gì, phí tiền vé xe vì đến nơi cũng phải mua vé xe mà về ngay. Tỉnh đoàn cùng Sở du lịch tỉnh đã giao vùng hòn Nhọn cho xã đoàn Nhị Hà quản lý và khai thác rồi, nên không có cách nào các bạn vào được nếu như không có sự dẫn đường của bọn tôi. Các bạn có nhờ kiểm lâm dẫn vào cũng không có vào nổi đâu!!!". Lời nói của Thuận như đinh đóng cột khiến tôi đã lo lắng cho chuyến đi còn lo thêm gấp bội.

Sự lo sợ có phần thái quá của tôi sau khi nghe anh Thuận đe dọa làm cho chuyến đi thực sự trở thành chuyến đi tâm điểm của các câu chuyện xung quanh xã Nhị Hà. Một nhúm người vào chốn rừng núi với một chút đam mê, hà cớ gì mà Kiểm Lâm quan tâm, Sở Nội Vụ gửi gắm, Ban quản lý giao thông đường bộ cũng vào cuộc? Hay là họ còn có lý do gì khác khi bước vào khu này? Đoàn của họ gồm những ai mà quan trọng và ghê gớm thế? Và đấy cũng là một phần của câu chuyện mà tôi sẽ nói về sau.

(to be continue)
 
Last edited:
Chúc mừng chuyến đi thành công, hình ảnh rất đẹp, nhất là của bạn Thehung. Bầu cho leader Sami là người có cái bụng ấn tượng nhất =)) Đi tập thể dục đi chú em :T

Báo cáo lãnh đạo, em mới đi vịnh Vĩnh Hy câu cá tập thể dục về, do vậy bài vở chậm. Tập hoài mà bụng không nhỏ được, chắc là do số mệnh rồi. Hix
 
Anh Doanh và Nhân nhất quyết không chịu xuống uống trà cùng anh em. Sau khi dùng xong cơm, làm một tuần trà và ăn khô xong là cả hai rút hẳn lên cao nằm, nơi có nhiều bụi le bao phủ. Ở phía trên, cả hai có thể bao quát hết cả nhóm chúng tôi. Cả hai trên đó thì thào gì đó suốt nhưng bằng tiếng đồng bào nên chúng tôi chịu, chỉ nghe thấy như chả hiểu thế nào. Chắc là các bác ấy cố gắng bảo vệ cho cả đoàn đây. Tôi thì nghĩ thế!

Thế Hùng cầm đèn pin đi cùng đám QuanTD đi lấy củi về rồi còn đi dạo một vòng, tôi đoán là đi làm cái chuyện mà không nói ra thì ai cũng hiểu. Đang tám chuyện với anh em thì Hùng về, thì thầm bên tai tôi: “Ở dưới kia có một nhóm người, không biết họ làm gì mà khi tôi lia đèn về phía đó là họ tắt đèn và im bặt. Nó ở ngay đám rừng cháy hồi chiều qua đó”. Tức là họ chỉ cách chỗ chúng tôi chừng 500 mét, và có thể tiếp cận trong vòng 5 đến 10 phút đồng hồ. Một thoáng căng thẳng, vì cái tôi sợ là đám đồ đạc của anh em sẽ bay biến nếu như xung quanh đây có người, và lại tỏ vẻ rất khả nghi. Tôi đánh tiếng mãi, anh Doanh mới chạy xuống. Tôi bèn hỏi về tung tích những người dưới kia và chuyện đồ đạc của anh em an toàn ra sao. Rei và Hothimo đã được chúng tôi bố trí cho nằm lọt vào giữa vòng vây của 8 anh con trai thì không lo lắm, nhưng ba lô và máy ảnh thì chả biết thế nào. Anh Doanh trấn an chúng tôi là đám người đó đi bắt cá thôi, đừng quá lo lắng. Nhưng thú thật, tôi cảm thấy quá lo. Bởi vì khu suối chúng tôi qua hoàn toàn ít nước và có khá nhiều đá nên chắc chắn cá mú ít hẳn. Hơn nữa sao khi chúng tôi soi đèn về phía họ thì họ lại tắt đèn và biến mất vào màn đêm đen.

Cảm giác bất an chợt lan tỏa trong tôi và Thế Hùng. Nhớ lại lúc chiều, có hai bác dân tộc đi lên, qua đám anh em thì nhìn ngó rồi trao đổi với Nhân và anh Doanh bằng tiếng dân tộc 100%. Chúng tôi có hỏi là đi đâu thì nói đi bắt cá, nhưng trong giỏ chẳng có lấy một mảnh lưới hay lưỡi câu cũng như đồ chích điện. Các bác ấy đi về phía thác, rồi cũng không thấy quay xuống cho đến lúc này. Lúc ấy thì chúng tôi chả nghĩ gì, nhưng tổng hợp toàn tình hình thì hình như chúng tôi đang bị theo dõi hay cầm chân gì đó. Trưởng ban quản lý bảo vệ rừng ra thăm xem ngó mặt lúc lên đường, những người gọi là lâm tặc thì nhìn với vẻ dò xét, cũng có vẻ hiền hơn những gì người ta miêu tả về lâm tặc – kẻ phá sơn lâm. Thêm vào đó, anh Doanh liên tục kìm hoãn tốc độ của đoàn bằng cách nghỉ, rồi lại những kẻ đi qua lại, những kẻ ám muội đang ở tận dưới kia. Tránh để anh em hoang mang, tôi chỉ nhắc tất cả anh em tập trung ba lô vào thành một chỗ gọn ghẽ để tôi phủ tấm tăng lên tránh sương, còn điện thoại và máy ảnh vui lòng ôm vào võng ngủ. Lại tiếp tục màn tám chuyện thưởng trà, mỗi người nghĩ ra một câu chuyện vui để kể cho anh em quên đi cái lạnh. Câu chuyện cứ râm ran như pháo, mọi người thi thoảng lại cười ồ lên vì những tình tiết của câu chuyện ai đó mang lại. Thế Hùng và tôi châm chọc nhau, trong bất chợt, tôi nghĩ ra cho hắn một cái tên. Đọc cái tên theo tiếng lái, anh em cười ngất còn Hùng thì tím bầm mặt. Ai muốn biết cái tên đó ra sao mà Hùng tức tối thì hỏi hắn, chứ tôi mà nói ra đây chắc tính mạng chẳng an toàn.

Hơn mười giờ khuya, đám cá sấy hơi lửa đã khô, tỏa mùi thơm dễ chịu. Tôi xếp đám cá ra xa khỏi đám lửa một chút rồi hối anh em ngủ lấy sức mai lên đường. Thế nhưng, chỉ có các anh con trai lên nằm là ngáy, còn hai cô gái trong đoàn, nằm một chút lại kéo nhau xuống bếp lửa thì thầm câu chuyện. Trằn trọc mãi mà không ngủ nổi, phần vì lo lắng cho sự an toàn của đoàn và đồ đạc, phần vì trời bắt đầu lạnh kinh khủng, tôi lăn qua lăn lại trên võng. Thi thoảng, tôi lại rọi đèn xung quanh để kiểm tra tình hình, đáp lại tôi là ánh đèn từ phía anh Doanh, Nhân và màn đêm lạnh lẽo, vô hồn. Ánh lửa rừng rực cũng chỉ làm sáng một mảng, nhưng lại hạn chế tầm nhìn của chúng tôi sang bên kia bờ suối cũng như xung quanh. Thực sự là một bất lợi nếu chúng tôi nằm trong vòng tầm soát của ánh lửa, bởi vì như vậy chúng tôi bị người ta theo dõi mình rõ ràng nhưng mình lại chẳng nhìn thấy gì ngoài ánh lửa. Rei và Hothimo vẫn bên nhau to nhỏ, cho dù đồng hồ đã chỉ đến gần con số 12 giờ khuya. Hóa ra cả Rei và Hothimo đều lạnh nên đến ngồi gần lửa cho ấm. Cứ mỗi cựa quậy của chúng tôi dưới này, Nhân đều soi đèn xuống kiểm soát, kể cả việc anh em dậy soi đèn đi tè. Sự căng thẳng cứ đè nén trong đầu làm tôi hết sức mệt mỏi. Cái lạnh khiến cho tôi ngủ không nổi, phải bò dậy lấy tấm tăng phủ lên trên mình làm chăn. Hơi ấm được giữ lại đôi chút, làm tôi cảm thấy an lòng. Rồi tôi cũng thiếp đi tự bao giờ, mặc kệ cho trời đất có đến đâu thì đến.

Năm giờ sáng giữa cảnh núi rừng trùng điệp đầy hơi sương, tôi cựa mình, thò đầu ra khỏi võng nhìn xung quanh. Chiếc ba lô của tôi còn nguyên ở chỗ cũ, anh em vẫn còn đang ngủ say sưa. Chim thú không có lấy một tiếng kêu ra chiều là có. Mặt trời còn chưa lên, ánh sáng chỉ mới lờ nhờ, ra chiều còn tối lắm. Đống lửa đã gần tàn, chỉ còn cháy nhàn nhạt, ba thanh gỗ to đùng chỉ còn lại vài cái đầu gỗ mà thôi. Tôi lại lười biếng, thu đầu vào trong võng ngủ nướng thêm một chút. Lúc này, tiếng kéo gỗ của Madscientist không còn nữa, chắc là anh chàng đã bớt mệt mỏi. Những chuyến đi như thế này, quả thật làm cho cơ thể của những kẻ chỉ biết công việc văn phòng như chúng tôi cảm thấy như rã ra từng bộ phận, cuối một ngày chỉ biết ngủ và ngủ. Thế Hùng hôm qua còn tưng tửng phát biểu một câu: “ Không khí ở đây thật là dễ chịu, sảng khoái nhưng mua nó quả là tốn thời gian và công sức nhưng không uổng phí”. Quả nhiên, không khí trong lành như thế này không dễ gì có được.

Nằm nghĩ ngợi một lúc, anh em cũng lục tục bò dậy chuẩn bị cho ngày mới. Kẻ đánh răng rửa mặt, người suýt xoa cho cái lạnh đêm qua và vài câu bông đùa tí tởn. Đám cá suối hong đã giòn tan, QuanTD khơi mào con đầu tiên. Từ xương đến thịt đều giòn, ăn rất thú vị. Tôi cũng nhanh tay làm ngay hai con, quả nhiên khác lạ. Thú thật, loại cá suối này tôi đã ăn nhiều lần, nhưng ăn cá câu thì đây là lần thứ hai. Lần đầu, chúng tôi ăn tại chuyến trek Thác Bà, hồ Biển Lạc. Thứ cá suối ở đó nhỏ, dày đặc và câu dễ hơn ăn kẹo. Lưỡi câu cá sặt cùng một cành tre và sợi dây cùng ít bún cũng giúp mình tôi câu trong một giờ được hơn 40 con. Tối hôm đó, ven hồ Biển Lạc, cả nhóm đã có bữa ăn cá suối cùng rượu gạo hết sức thú vị. Còn lại những lần khác là ăn tại nhà hàng của người nhà, chuyên đặc sản dân tộc mà một lần các bác phuot nhà ta tại HCMC đã ăn uống ở đó thì phải (quán Khèn lá). So sánh thì cá ở khu vực này to hơn, khỏe hơn và thịt có vẻ cũng đượm vị khác lạ so với các lần khác. Quả là ăn uống cũng phải có hứng thì nó mới ngon.

QuanTD tưng tưng bá vai Nhân hỏi: “mày biết ba tao làm gì không?”. Anh bạn dân tộc sau một đêm mệt mỏi vì canh chừng cũng giật mình đánh thót rồi lắc đầu ra chiều ngơ ngác. Ba tao làm nông dân đó, cái mặt QuanTD tỉnh ruội trả lời làm các anh em khác nghe thấy thế cũng chuyển trạng thái từ tò mò sang ngạc nhiên rồi phá lên cười. Thế Hùng nhanh nhẹn đón lấy cái túi cua núi từ tay Nhân rồi ra suối rửa sạch, lột vỏ cho vào nồi. Thế nhưng cái hay của anh chàng thành thị ít khi đụng đến món cua này còn có 1 tý sạn. Bao nhiêu mai anh chàng liệng sạch xuống suối, còn yếm thì cái lột cái không. Toàn bộ cua được Thế Hùng cầm chày là hòn đá lấy từ ven suối ra giã nát rồi cho vào nồi nước, vừa giã vừa tuyên bố đây là công cụ của người tiền sử để lại. Nồi nước nấu mì tôm cho cả đoàn chỉ gồm 10 con cua nhưng ngọt lừ, làm mọi người tranh nhau múc lấy múc để, làm cho vài người thiếu nước, phải nấu bổ sung nhưng chả còn cua nên cứ thèm thèm tiếc rẻ. Vừa ăn, cả đoàn vừa bàn bạc phương án cho ngày hôm nay. Có hai phương án đề ra. Một là đi vượt qua yên ngựa rồi xuống đồng bằng, đi xuôi về phía Nhị Hà. Đoạn này phải đi chừng 6 giờ đồng hồ mới gặp nước và gặp con dốc còn cao hơn hôm qua. Hai là đi theo một con đường khác, quay lại hồ Giang Tân rồi ngược về phía thượng nguồn, nơi có con suối từ đất Lâm đồng đổ vào lòng hồ có nhiều đá tảng bằng và lớn có thể cắm trại. Cả đoàn đều lưỡng lự trước hai phương án mà anh Doanh đưa ra, nhưng đều thích vượt qua yên ngựa để đo thử thách. Đồ nghề hôm nay đã giảm bớt nhiều trọng lượng do tiêu thụ bớt, nên ai nấy cũng bớt lo hơn ngày hôm qua. Điều đáng ngại là Madscientist, không biết anh chàng này có theo nổi đoàn hay không. Cái đầu gối của tôi hơi trở trứng, nhưng vẫn còn có thể vác đồ đi thoải mái, cho dù không như ngày hôm qua. Tạm thời chưa quyết định vội, chúng ta lên thác chơi khoảng hơn một giờ rồi hãy tính. Cả đoàn đều đồng ý như vậy rồi cùng nhau bì bõm vượt ngược lên.
(to be continue)
 
Bác Sami viết hay quá, thôi thì em post ảnh minh quạ vậy.
P1080830.jpg

Cả đoàn tập trung bên đống lửa tàn để xua tan cái lạnh sáng sớm.
P1080834.jpg

Nồi mì riêu cua...suối nè, TheHung sử dụng công cụ đá của người tiền sử nhé
P1080841.jpg

sau đó là ...xực, mạnh ai nấy...chèo..
P1080843.jpg

1 gói mì không thể đủ cho một buổi sáng leo núi mệt nhọc nên phải độn thêm cơm. Bàn tay trong ảnh là của hothimo heheh
P1080851.jpg

Ăn no nê, làm một "chén" trà Tào Xùa và 1 điếu Caraven, phê như con tê tê
 
ăn uống no nê, chúng tôi tiến về thác Bay, Thác Bay nằm trên thượng nguồn con suối cách chúng tôi cắm trại không xa
IMG_3651.jpg

gần hơn chút nữa
IMG_3584.jpg

Đĩnh thác
IMG_3608.jpg

Lòng hồ nằm trên đỉnh, nơi chúng tôi tắm táp, bơi lội với nỗi lo bị Chình lớn cắn chình nhỏ
IMG_3627.jpg

Làm phát show hàng nào
IMG_3619.jpg

Vách đá trơn trợt
IMG_3590.jpg
 
dòng suối chảy từ độ cao khoảng 30m xuống như một dải lụa trắng xóa, khung cảnh rất hữu tình
IMG_3507-1.jpg

thế mà có kẻ nó dám làm thế này, nhìn xối xả còn hơn thác
IMG_3500.jpg

ai làm gì thì cũng mặc kệ, nọng trong người, em, Quan, Huythong, chodtdd ùm xuống tắm một phát, tắm xong ngồi nghịch nước cho nó giống phim trên Tiqui.
IMG_3511.jpg

hai bạn nữ ngại ngùng vì hổng có bikini nên ngồi nhìn các anh tắm
IMG_3519-1.jpg

mấy anh tắm xong cũng cố gắng làm vài cú nhảy cho nó giống cascadeur để lấy le, Sami tung nguoi bay nhu chim
DSC_0212.jpg

còn em, tung cánh nhảy như...ếch
DSC_0163.jpg

kĩ thuật khá "điêu luyện" nên nước bắn tung tóe thế này đây
DSC_0166.jpg
 
Tắm táp đã đời, chúng tôi...quay về, để thay đổi không khí, Nhân dẫn chúng tôi băng rừng đi len lỏi giữa các lối mòn theo nương rẫy của bà con dân tộc chứ không xuôi theo tuyến đường cũ
P1080865.jpg

thỉnh thoảng ven đường còn sót lại những khóm chuối, những cây dừa, đu đủ mọc hoang bên cạnh lối đi, tuy nhiên hiêm khi thấy quả, và cây cối khá còi cọc
IMG_3663.jpg

sau khoảng 2 tiếng đi miệt mài giữa những con đường mòn đầy dấu vết lâm tặc và nương rẫy bỏ hoang, nhóm chúng tôi lại nghe tiếng suối, đoạn này khá khó đi, tuy nhiên Nhân đi trước mở đường nên rồi mọi chuyện cũng dễ dàng, đoàn chọn một khúc suối mát mẻ dừng chân và chuẩn bị cho bữa trưa. Như mọi lần, anh Doanh và Nhân lo phần bếp núc, thực đơn hôm nay chỉ còn như thế này
P1080889.jpg

thế nhưng mọi người ai cũng ăn ngon lành vì có một buổi sáng bơi lội và leo trèo khá mệt
P1080891.jpg

chúng tôi kẻ nghỉ ngơi, người thì vui chơi...hai người đẹp trong đoàn tranh thủ làm hàng trên đoạn dây leo to vật vắt ngang lòng suối
P1080895.jpg

Ăn cơm xong, nhàn cư vi bất thiện, các đồng chí này thì...điều binh khiển tướng
P1080900.jpg

kết quả của buổi sinh hoạt trí tuệ này tôi nhẩm tính được có khoảng 400k tiền mặt được luân chuyển từ túi người này sang túi người kia. Nhưng khi yêu cầu công bố lợi nhuận thì con số tổng kết là : 3 người thua, một người huề vốn.
Sau đó chúng tôi thẳng tiến về đập Tam Giang, kết thúc 2 ngày ăn rừng, ngủ rừng, ị...trên rừng.
 
Vì sức nặng của tuổi tác và cái bụng quá khổ, cộng với quá trình lao động khổ sai hàng đêm kể từ ngày có dzợ, cặp phuột nhún của leader sami bị hết dầu (hay nhớt cũng được) nên bác ấy phải nhờ sự trợ giúp của con trâu nước Quantd ở một vài đoạn đường, và sau đó nghe bác í nói là suốt chặng đường còn lại bác í đi bằng ..ý chí
P1080914.jpg

trên đường đi, đúng vào thời điểm cuối ngày, nên gắp khá nhiều bà con xuống núi sau một ngày "đi làm", bà con làm gì thì chắc ai cũng biết, em không tiện post hình lên đây, chỉ mạo muội đưa một tấm đại diện dưới đây. Tổng trọng lượng của "hàng hóa" của "người anh em" này nặng khoảng 40 - 50kg thế mà "người anh em" bước đi băng băng như gió lốc
P1080910.jpg

Ban đầu nhóm dự định sẽ ghé trang trại của một bác ở gần đập cắm trại theo lời mời hôm trước, nhưng thể theo nguyện vọng của vài thành viên leader Sami nhanh chóng quyết định đổi hướng không ở rừng nũa mà sẽ xuống biển, hai phương án đưa ra là Vĩnh Hy và Bình Tiên, cuối cùng Binh Tiên là lựa chọn cuối cùng của nhóm. Bình Tiên là một vùng biển khá đẹp, ngày xưa là bãi tắm..tiên của những sĩ quan cấp Tá, Tướng của Việt Nam Cộng Hòa nằm cách Phan Rang khoảng 50km. Muốn đến được Bình Tiên phải đi qua đại phận tỉnh Khánh Hòa rồi ngược lại Ninh Thuận.
IMG_3735-2.jpg

Post một tấm bãi biển để bà con ..thèm chơi, lát em viết tiếp :D
 
Last edited:
So với mực nước chiều qua, con suối có vẻ đã rút đi đến 20 cm nước. Dòng chảy đã nhẹ nhàng hơn nhiều so với chiều qua. Lúc này mới nhớ đến lời nói của dượng Hiệp, nói khu này mùa khô, làm gì có nước non gì mà câu. Rei và Hothimo cùng ChoDTDD đã quen đường do chiều qua đã tiền trạm nên cứ bon bon lao về phía trước. Cả đám làm dáng trước cây cầu nhân tạo do lâm tặc cưa đổ một cây to ngã xuống suối và gốc nó bị rỗng nên đành bỏ. Tất cả đều qua ngon lành, trừ Tequila. Cu em này bị hội chứng sợ độ cao nên cứ ngồi mà đi trên cây cầu voi (gọi là cầu voi là do nó to gấp 20 lần cầu khỉ). Nhìn cảnh nó cứ nhích từng đoạn, tay thành chân bò bò chầm chậm qua cái cây mà nó ngồi vào, nhìn không thấy đất. Chân tay nó run lẩy bẩy, nhìn rất tội nghiệp. Nhân nhanh nhảu tiến ra cầm tay nó dắt qua, vậy mà nó còn sợ, chỉ đển khi bò đến gần nửa cây cầu rồi … bỏ cuộc, cho dù có Nhân kề bên. Nhìn nó thật buồn cười và trái ngược cái cảnh nó leo dốc, vừa leo vừa huýt sáo hôm qua. Cu cậu tay chân lập cập, miệng cười méo xẹo mà nhìn đoàn bên kia đầu cầu, bất lực.

Chứng kiến cảnh Tequila chầm chậm bò qua cầu, Dangkhoaquan, Huythong quyết định không leo cây cầu này mà tìm cách len qua các vách đá đi lên. Để lên được thác, nếu chọn cách đi qua cầu thì phải đi qua hai thân cây đổ. Tequila liền nhập vào nhóm của Dangkhoaquan leo bộ lên trên. Trong lúc cả ba đứa đang ì ạch trườn qua các tảng đá thì cả nhà đã lên đến bên trên rồi. Lúc này, anh Doanh và Nhân đã ngồi nghỉ ngơi và nhìn lên trên, Thế Hùng và cả đám đã quậy nát trời trên đó cùng hai kiều nữ của nhóm.

Cuộn dây cứu hộ hơn 20 mét của tôi bắt đầu phát huy tác dụng. Chả là nhóm dangkhoaquan gặp khó khăn ở đoạn cuối cùng khi lên thác khi mà tất cả đường lên đều có vách đá trơn tuột và cao đến cả 3 mét. Nếu không đu dây lên, chỉ còn một cách là đi cầu voi mà bọn chúng đã không dám đi.vậy là ChoDTDD và QuanTD trợ giúp bằng cách thả dây xuống và kéo từng người lên. Tequila được đưa lên trước, nó cẩn thận còn buộc chặt dây vào người rồi mới đu từ từ mà lên. Chỉ trượt một cái, chắc là nó sẽ ngã xuống cái khe nước đầy đá lởm chởm hoặc chí ít cũng bầm dập chân tay. Cũng may mà hai chàng hộ pháp kéo chú nhái bén Tequila lên nhẹ nhàng như không. Lần lượt đến Huythong và Dangkhoaquan cũng thế. Cả ba thở phào khi biết rằng, từ giờ đến cuối chặng không có đoạn nào vất vả như vậy nữa.

Cả đám đua nhau leo lên thác, nơi hôm qua tôi và Rei đã từng leo lên thực hiện clip nhảy thác. Tequila thấy vậy nhưng cũng cố gắng bám theo tôi để tìm đường lên thác dễ nhất. Nó cứ một mực đòi leo trước, để nếu có trượt chân thì có tôi đỡ bên dưới. Mẹ ơi, té ngã thì có mà chết cả đám, chứ ở đấy mà anh mày đỡ cho mày được. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn phải hướng dẫn nó cách vượt lên các dốc đá dựng kiểu này. Đại đa số các bạn khi leo dốc hoặc leo đá chỉ chăm chăm hi vọng vào tay chân mà quên đi tác dụng của hông cũng như các bộ phận khác trong cơ thể cũng như cách mượn lực từ các chuyển động của cơ thể. Chỉ cần sử dụng nó một cách hợp lý, chắc chắn nó sẽ giúp bạn vượt qua những con dốc hay tảng đá trơn trượt, khó leo nhất. Vừa nói, vừa làm mẫu và đỡ chân cho Tequila, chỉ trong vài phút, chúng tôi đã lên đến nơi mà mọi người đang tụ họp. Nó lên đến mặt tháng thì khoái ra mặt, cho dù chân tay vẫn đồng thanh run rẩy. Cả đám đã ăn mặc như muốn nhảy xuống nước đến nơi, nhưng cái lạnh của dòng nước làm cho đại đa số đều chùn lòng.

Thế Hùng là kẻ chế diễu tôi nhiều nhất vì clip chuẩn bị động tác nhảy xuống hồ từ vách đá cao đến 4 mét nhưng thực hiện ở cao độ có 80cm tiên phong lãnh ấn nhảy thử. Tất cả các ống kính đều đổ dồn vào từng động tác của anh chàng. Khởi động cho chán, hắn lại dừng lại, đi nhúng nước cho quen rồi lại khởi động. Kết thúc là một điệu nhảy xấu òm, khiến tôi nóng gà. Nhảy thế mà cũng nhảy, xem đây. Hồi bé ở nhà, chuyên gia ra cống thủy lợi hoặc cống biển lúc nước lên mà nhảy, cỡ này ăn thua gì. Không dám liều bằng lũ bạn đứng cao cả bảy tám mét nhảy xuống, chứ cỡ 4 mét là chơi láng à. Hôm qua là cả đám không biết bơi, chứ ở đây ít ra còn có vài anh biết lội còn đỡ. Nói rủi, lỡ có chuyện gì còn ứng cứu được. Do vậy, tôi còn xách cả cuộn dây dù lên để đề phòng chuyện bất trắc.

Cái nhảy của tôi được Huythong ghi lại đầy đủ, có nguyên 1 serial ảnh từ nhún nhảy cho đến tiếp nước. Cái làn nước vẫn lạnh buốt như chiều qua khiến người se sắt, nhưng anh em thì vẫn bên trên nên chả có gì đáng ngại. Đáy hồ sâu thăm thẳm, đen ngòm như miệng quái vật nên tôi sợ hãi phải ngoi lên. Cái lạnh ở đây nó khác cái lạnh nơi hồ Đất (Thủ Đức). Gần làng sinh viên, cái hồ nghe tên bình dị như hồ Đất, hồ Đá đã lấy mạng gần 40 sinh viên, trai gái đủ cả. Những cái chết đến đều rất bất ngờ và chưa rõ nguyên do, chỉ biết là chết, có những người còn không tìm thấy xác. Tôi cũng đã từng thám hiểm hồ này qua những lần đi câu. Số là chỗ câu rất nhiều rong rêu, đáy lại quá khấp khểnh nên chúng tôi thường câu không được cá do mồi xả trôi hoặc thả mồi vướng rong. Mà địa hình cái hồ này thì bó tay, chỗ sâu trung bình là 4 mét ven bờ (mùa cạn), còn lại có chỗ sâu đến 25 mét. Mặt nước thì bốn mùa trong xanh, trả trách sinh viên xung quanh đều ra đây cà phê rồi hứng chí nhảy xuống tắm. Bực mình vì chuyện câu không được, tôi đã liều mình lặn xuống đáy để xử lý đáy hồ. Độ sâu 4 mét thì quá bình thường, vì tôi đã từng lặn sâu đến 10 mét ở vịnh Nha trang khiến các guide lặn cũng ngạc nhiên vì tôi chưa có bằng lặn chuyên nghiệp hay bán chuyên gì ráo trọi. Mặt nước bên trên của hồ rất bình thường, nhưng chỉ cần chao mình lặn xuống, cái lạnh như toát ra từ khối băng khổng lồ làm cơ thể co rúm lại ngay tức khắc. Một cảm giác sợ hãi mơ hồ lan tỏa khiến tôi vừa chạm tay vào bùn là vội vàng ngoi lên. Những cộng rong đuôi chó mềm mại lúc này mới đáng sợ. Nó hết quấn vào tay lại chân khiến cử động của tôi càng vội vã thì càng chậm chạp và nặng nề. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân gây ra hầu hết những cái chết chăng? Lấy hết sức bình tĩnh, tôi đảo người qua một đám rong để gỡ nó đang vướng vào một tay rồi cứ thế đạp lên, một tay dưới thẳng ra để gỡ rối. Ánh sáng rực rỡ phía trên làm tôi mừng rỡ phi thật nhanh lên. Bất ngờ nhất là cái tay trên của tôi lại không đụng vào mặt nước mà lại vào cái gì rất lởm chởm, sắc lẹm. Hú hồn, tôi ngớp một ngụm nước rồi nhắm phía ánh sáng chiếu rực rỡ hơn trườn tới. Cũng may là chỉ hơn một trườn tay là tôi đã nổi lên mặt nước thở gấp gáp. Đây là cạm bẫy thứ hai, là một cái ngàm đá ong sâu hoắm. Có lẽ nó cũng là lý do khiến nhiều người kém may mắn không còn được thở trên thế giới này. Từ sau, tôi không còn dám mạo hiểm lặn nơi hồ Đất, hồ Đá nữa.

Nói thì lâu, nhưng làm thì nhanh. Từ lúc nãy đến giờ, Thế Hùng đã làm vài cú nhảy, có cả một cú tiếp nước bằng bụng. Hú hồn, may mà chỉ có hơn một mét, chứ cao chừng 4 mét chắc có chuyện à. Vậy mà cái bụng của Hùng vẫn ửng đỏ, chả biết là có rát hay tức ngực hay không. Hắn vẫn cười hề hề, cải tiến lắm nhưng kiểu nhảy vẫn không khá hơn. Cả đám chỉ có QuanTD, tôi và Thế Hùng là dám nhảy, còn lại thì hưởng ứng vỗ tay và chụp hình. Em Rei và Hothimo thì chíu chít một góc, thu mình vào chiêm ngưỡng mấy anh quay trở về tuổi thơ.

Nhoáng nhoàng đã gần 9 giờ sáng, cả đám làm nốt vài tấm hình cho đã rồi cùng nhau kéo xuống. Cu Tequila là trầy trật nhất, nó vừa bò xuống vừa run. Chiến thắng sự sợ hãi có lẽ là cái khó nhất trong mỗi con người. Nó xuống thôi thì bằng tay, bằng chân, bằng mông các kiểu. Cuối cùng rồi nó cũng xuống đến nơi, vừa cười vừa nhí nhoáy tay chân để che giấu đi cái run rẩy đang cố hữu điều khiển thân hình nó. Con người là thế, đại đa số chỉ khoe ra những cái mình hoành tráng, còn những cái kém cỏi xấu xí lại cố che đi, cho dù ai ai cũng nhận ra. Mà cũng lạ, nhiều người nhận ra những cái xấu của người khác không nói ra cho họ sửa mà lại đi kể lể hết người này đến người khác, khiến cho cả một loài người đi vào cảnh hoài nghi, đố kị lẫn nhau. Họ sẵn sàng cười hô hố kể cho cả công ty khi đi ra đường nhìn thấy một anh chàng chưa kéo khóa quần hay một cô nàng hớ hênh bung nút áo phơi ra một khoảng đồi, nhưng tế nhị chỉ cho họ sửa đổi thì không. Cái này ở Liên Xô còn thế nói gì đến Việt nam mình (nếu bạn nào đã đọc Đất Vỡ Hoang).

Động viên, hướng dẫn thêm cho Tequila một chút nữa rồi tôi lại cùng cả đám lên đường. Suy nghĩ một lát, tôi và anh em quyết định hành quân trở về hồ để cắm trại. Tuy nhiên, đoàn sẽ đi theo lối mới chứ không đi theo đường cũ nữa. Nhân cầm con dao của Madscientist mở đường cho bà con đi. Đây là cái lối mòn do quá lâu không có người đi nên cây cỏ lan đầy, vướng víu lối đi. Lúc này, cái đầu gối tôi bắt đầu trở chứng thực sự. Lên dốc, nó hơi đau thôi nhưng khủng khiếp là xuống dốc. Hai cái bánh chè như là hai miếng gai sầu riêng chêm vào khớp gối, đau kinh khủng. Tôi tụt hậu nhanh chóng, cứ luôn nhăn mặt và kêu mọi người phải chờ. Cố gắng lắm, tôi mới bám được tốp sau cùng. Hết vượt gai cào, cả tốp đến một khu trống trải, đầy cỏ tranh. Lúc này quay lại, Dòng thác đã ở phía sau, như một sợi chỉ ngoằn ngoèo lượn trên quả đồi. Làm vài tấm hình, chúng tôi lại bước tiếp. Dọc đường đi, Nhân lại hạ một cây chuối non, đẽo lấy cái ruột để trưa nấu canh. Chừng hơn một giờ sau, cả toán quyết định hạ trại nấu cơm trưa trước khi về hồ. Điểm hạ trại um tùm cây cối ven suối và rất mát mẻ sát bên hai cây chết khô trắng toát mà đoàn đã đi gặp ngày hôm qua, chỉ khác điểm này thấp hơn và nằm dưới suối.
(to be continue)
 
Bữa trưa đạm bạc diễn ra cũng nhanh chóng. Nhân và anh Doanh vẫn là những đạo diễn chính của chương trình “cả nhà vào bếp này”. Bữa ăn cuối trong rừng có canh thân chuối rừng nấu canh cá khô, cá khô chao dầu và nước mắm tỏi ớt. Những dây leo khổng lồ chao ngang suối như những chiếc võng của bà mẹ thiên nhiên làm chỗ cho các nàng tiên nữ thể hiện. Tôi cũng chọn một dây leo to không kém để mắc võng. Khu này lác đác có muỗi và nhiều kiến nên thi thoảng lại có người la oai oái vì bị đốt. Tôi cũng được một anh muỗi hồn nhiên đậu ngay đùi, vô tư hút máu và cũng thản nhiên đón án tử hình. Cái bọn muỗi rừng nó cũng hồn nhiên như người rừng nhỉ, cả đám phá lên cười. Ở nhà muốn diệt muỗi thì cứ phải nhẹ nhàng, làm mạnh là nó bay mất dạng. Mà chưa có bài hát nào viết về những chú muỗi rừng này nhỉ, toàn hát nào là ong rừng, voi rừng, suối rừng, thác rừng. Hy vọng một ngày gần đây, muỗi rừng sẽ được đưa vào nhạc để anh em vừa đi rừng, vừa đập muỗi và vừa hát cho quên đi những cái sốt rét rừng nếu vô tình gặp.

Bữa cơm đạm bạc qua nhanh, ai nấy cũng hài lòng với bữa cơm với món canh chuối cá khô là lạ. Nó chan chát vị chuối rừng, chua chua vị me núi và thêm cái mằn mặn, tanh tanh của cá mà chẳng thể nào có nơi phồn hoa đô hội. Canh thì hết trước cả cơm, cái còn dư nhiều là hạt ớt vì chả ai ăn được nó cả. Cả đám ríu rít ca ngợi tài nấu nướng của anh Doanh rồi nhanh chóng dọn sạch sành sanh đồ ăn. Rồi cả đám lại như chim tỏa ra, mỗi người một góc. Chỉ có Dangkhoaquan lần mò bộ bài của Madscientist mang theo, tụ tập anh em đánh bài. Cái đầu gối của tôi ngày càng đau tợn, đã phải lấy miếng dán của Huythong dán vào cho đỡ đau rồi lên võng nằm hi vọng nó giảm bớt. Chắc là do nhảy nhót nơi thác nước khiến nó bị co giãn bất thường nên đau thêm đây mà. Tôi chập chờn ngủ, vừa ngủ vừa lo muỗi nó lại hồn nhiên hút máu, bên cạnh là lũ hám tiền đang sát phạt nhau.

Đúng 13h30, cả bọn lại thu dọn chiến trường và lên đường. Nhân đang băm băm chặt chặt cái gì đó. Anh Doanh thì bảo hắn đang lấy thuốc chữa đau lưng. Gì chứ nói đến thứ mà có thể ngâm rượu là mắt tôi sáng lên. Nhân chỉ ra cái cây mọc nhan nhản lòng suối, nói là cứ chặt đại một cành rồi lấy khúc vừa vừa, to bằng ngón tay rồi chẻ đôi, chẻ ba. Về chỉ việc sao cho vàng rồi ngâm rượu uống. Thứ cây này, một số nơi thì gọi là thủy tiên vì nó có cái lá mềm, lại mọc ven suối. Trông sơ sơ, nó rất giống cây rau yam tang (rau sông), nhưng lá to hơn và không ăn được. Thứ cây này có một ưu điểm là không sợ nước lũ gì cả. Bộ rễ chùm của nó đã cắm xuống đá thì hầu như chả có gì có thể đánh bật nó đi được. Do vậy, ven các thác suối, chỉ có cây này là ngạo nghễ mọc giữa dòng và cũng gần như chỉ còn có nó tồn tại sau mỗi đợt thác lũ.

Cái thứ mà nhiều như thế này, chắc là chẳng tốt gì cho lắm. Thường thì các cụ bảo, có hiếm thì nó mới quý. Trong bộ sưu tập rượu của tôi, có những thứ mà các đại gia kiếm ra cũng khó. Bởi vì nó mọc tận Luông Pra Băng hoặc vùng đất Trung Quốc giáp Lào. Nói thì dễ, nhưng cái giá của nó đâu chừng hơn 100 triệu đồng cho 1 ký của Tàu, tức là chỉ hơn nửa kg bình thường mà thôi. Theo truyền thuyết, vua Lào đời đầu được an táng cùng một số đồ quý giá và các vị thuốc mà vua hay dùng. Để tránh người đời xâm phạm nên lăng mộ được xây bằng đá tảng rất chắc chắn. Vậy mà chỉ một thời gian, có một loài cây mọc xuyên đá đi lên xanh tươi. Đoán là một vị thuốc quý, người dân bèn đi tìm kiếm và chỉ bắt gặp nó trên các vách đá cheo leo. Bộ rễ cắm sâu vào lòng đá khiến khai thác rất khó khăn. Những người bị bệnh gan mà dùng cái này sắc uống thì bệnh lui người khỏe. Dân Lào thường hay bán những chai rượu mà trong chai chỉ có một cái lá dài xanh ngắt, chính là lá của cây này. Dân Việt ta thấy cái cây nó hoành tráng mọc xuyên đá nên gán cho cái tên: “Thiên Thạch Thảo”. Vô tình một lần ra Hà Nội, gặp một cụ xem phong thủy, tướng số được “người ta” biếu và cụ cho thưởng lãm đôi chút, gọi là giải cơn say. Dùng rượu giải rượu gồm nhiều loại thuốc, nhưng dùng cái vị này thì đúng là độc đáo. Kể từ đó tôi mê mẩn và đặt hàng cho ông anh kết nghĩa. Chả biết bằng cách nào, ông anh tôi lại moi được của bác bí thư tỉnh Quảng Trị tới tận … 1 kg. Vậy là tôi phát tài, cứ ngâm rượu cơ số đó, thi thoảng lại chiết ra tặng anh em thân thiết. Ai cũng mê, có bác cứ nằng nặc đòi đổi 1 lạng cao hổ cốt lấy cái hũ của tôi nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Chuyện thì dài, thôi không kể nữa, nhưng tôi cũng không thèm ham cái thứ ê hề đó. Do vậy, kệ cho cu Nhân băm băm chặt chặt, tôi lần mò theo anh em tiến lên.

Đường về quả là một thử thách kinh hồn đối với tôi. Lên dốc rồi lại xuống dốc, cái đầu gối ngày càng nhức nhối. Nhất là lúc xuống dốc thì thôi rồi mẹ ơi, chỉ muốn chảy nước mắt. Lối về dễ hơn lối đi, đoàn tách làm hai. Một theo anh Doanh đi về lối cũ, hai theo Nhân đi lối mới. Tôi chọn đi theo Nhân vì hắn bảo lối này bớt dốc hơn. Đoàn theo Nhân gồm có Rei, ChoDTDD và Huythong cùng tôi. Vừa đi, tôi vừa nhắc anh em trong nhóm đi chầm chậm để chờ, cứ xuống 1 cái dốc, tôi lại thấy như gặp cực hình. ChoDTDD vừa đi vừa hỏi xem có cần trợ giúp mang đồ không, nhưng tôi lắc đầu. cái ba lô của tôi không quá nặng, tổng cộng giờ này chỉ còn khoảng 5kg gì đó. Ý định mang nước suối về pha trà đã tiêu tan bởi cái chân đau. Vừa đi, vừa nản, đến em Rei còn phải đi chậm để tôi theo, tránh lạc nhóm. Đường đi toàn đá và nắng, khiến tôi cứ phải cẩn trọng bước từng bước. Có đoạn dốc quá, tôi đành phải bò lùi, trông còn thảm hại hơn Madscientist. Mất gần 30 phút, tôi và Rei bắt kịp nhóm đang đứng chờ. Đoàn kia cũng sẽ ngang qua đây, Nhân cho biết. Tôi tranh thủ ngồi xuống nghỉ ngơi và xoa cái chân. Chừng 5 phút sau, đã nghe tiếng í ới của đoàn kia cũng vừa bắt kịp. Thế Hùng không biết đã kiếm đâu ra cây gậy le để tôi làm gậy chống. Đoạn xuống dốc thì tôi dùng gậy, còn lên dốc và đường bằng thì tôi kéo nó lết thết. Tiếng gậy gõ lóc cóc tạo những âm thanh khô khốc đến nản lòng. Thế là hết, dự định leo Phan sẽ thành mây khói bởi cái đầu gối trở chứng này. Những cung đường leo rừng núi trên 10km cũng cần phải xét lại. Giấc mơ chinh phục của tôi như đang tắt dần.

Cứ vừa đi vừa nghĩ miên man, tôi chợt nhớ đến liệu pháp tâm lý. Đã có lần, tôi để cơ thể rơi vào trạng thái mất cảm giác và tôi đã bị bỏng mà không biết. Chả là hồi bị đau lưng đi châm cứu, bà y sĩ lấy cái cục ngải cứu đốt lên rồi gắn lên cây kim châm để hương ngải ngấm vào huyệt. Từ đó, tôi biết là gọi chung là châm cứu, nhưng thực ra nó chia ra châm và cứu khác nhau. Nằm vẩn vơ nghĩ ngợi, nghĩ rằng chắc để lâu sẽ có lợi nên tôi phân tán tư tưởng, không nghĩ gì đến cái kim và cục ngải cứu đang lún ngún ở trên đầu cây kim đó. Và đúng là tôi chả hề có cảm giác gì về sức nóng của miếng ngải kia gây ra cho đến khi bà y sĩ cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi. Bà ấy nói, để lâu có thể bỏng đó thì tôi giật mình kêu là nóng thật. Và thật thảm hại, đám thịt của tôi đã bị bỏng phồng rộp lên, mất khá lâu mới lành. Và nói là làm, tôi bắt đầu tập trung thần kinh, không nghĩ đến cái đầu gối và rảo bước. Đi được một đoạn khá xa, tôi thấy ổn bèn ném cây gậy của nợ đi rồi bước thật nhanh. Anh em trong đoàn ai cũng ngạc nhiên, sao một thằng tấp tểnh nãy giờ sao lại đi nhanh như thế. Tôi không thèm đáp lại, cắm mặt bước trong sự hoang mang của một số người. Có lúc, tôi còn đi nhanh hơn cả đồng chí Nhân, cho đến khi cả đoàn ùn lại vì có một số người đang gánh than, gùi than choán lối. Họ cứ kìn kìn gánh, kệ cho ai nói gì thì nói. Người khỏe thì gánh, người yếu thì gùi. Mỗi gánh than chừng 50kg, mỗi gùi than cộng thêm 1 cái bao to tướng thì chừng gần 40. Vậy mà họ vẫn bước đi như không, kệ cả kiểm lâm, kệ cả bảo vệ rừng.

Đoạn dừng chân này khiến cảm giác đau của tôi lại có dịp ào đến, nhưng may mắn là cũng gần đến hồ Tân Giang rồi. Cái đau đớn này khiến tôi xoay chuyển quyết định, không để anh em phải nhọc nhằn vì tôi nữa, bởi đến điểm cắm trại ven hồ còn khá xa. Chúng tôi bàn sơ rồi quyết định ra biển. Phải rồi, lên rừng xuống biển thì còn gì bằng. Tôi gọi cho dượng Hiệp, hóa ra ông cũng đang lo lắng cho đứa cháu nên đi câu về sớm đang ở nhà ngóng tin. Chỉ trong chưa đầy 30 phút, hai chiếc xe đã đến chân đập Tân Giang đón chúng tôi để đi đến Bình Tiên. Ngồi trên xe, cảm giác thật là thoải mái.

(to be continue)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,959
Bài viết
1,157,031
Members
190,300
Latest member
khangng
Back
Top