What's new

[Chia sẻ] Trung Nguyên, mùa xuân trên non cao

Trung Nguyên, mùa xuân trên non cao


Xuân đã sang, sao vẫn còn gió đông.

Xuân, sao giá băng vẫn chen về nơi miền quê xa nghèo.

Xuân, sao trời như buốt lạnh.

Xuân, sao vẫn lòng vẫn lạnh giá…



Tôi đi Trung Nguyên những ngày xuân Sài Gòn mưa sao về quá sớm. Bầu trời quang đãng những ngày xanh nắng tháng 3 sao vội tối sầm khi chiều xuống. Một chiều hối hả chạy qua cơn mưa trên con đường nhiều những cơn trốt hoa dầu bay tung trong gió lốc, một đêm bó gối trong quán nhìn mưa lạ, nghe gió lạnh hun hút thông thốc lùa qua quán, sao thấy chùng sâu…


Rồi tôi đi.

Bạn hỏi, sao đi hoài?

Bạn hỏi, đi chừng nào về?

Bạn hỏi, lại đi một mình nữa sao?

Bạn hỏi, vẫn còn tiền để đi sao?

Bạn hỏi, không sợ những cơn mưa axit, mưa phóng xạ sao?


…….


Tôi hỏi, sao tôi đi?


Rồi tôi đi.


23.03.2011. Đêm tháng Ba, Sài Gòn mưa đổ trắng trời…​
 
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …

09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …



“Ngôi làng đổ nát ngày xưa” thực ra là Hecang Cheng, hay Pháo đài Hecang, được xây dựng từ thời nhà Hán. Các nhà khoa học TQ cho rằng pháo đài được dùng để dự trữ lương thực, vũ khí đưa đến từ thành Trường An, để dành cho thành Dunhuang lúc đó sử dụng. Pháo đài hình chữ nhật vuông vắn này đã sụp đổ nhiều, chỉ còn lại một tháp canh trong 4 tháp canh ở 4 góc... Tuy nhiên, với 2.000 năm tuổi, được xây dựng từ bùn đất, trơ trọi giữa sa mạc cuồng nộ mà giờ nó vẫn còn được như vậy cũng là điều kỳ lạ. Nhưng, sa mạc cuồng nộ cũng là môi trường “giữ gìn” cho pháo đài này, nhờ vào độ ẩm rất thấp của nó.


P4100203-1.jpg

Pháo đài Hecang giữa Gobi


Lạ lùng là pháo đài cổ được xây dựng gần dòng sông Shule chạy giữa sa mạc Gobi. Dòng Shule ngày xưa rộng lớn ra sao không biết nhưng giờ cạn trơ khấc, leo teo chút nước đọng như những vũng bùn. Nhưng, giữa sa mạc mà có được những vũng bùn này là quá tốt rồi, nên quanh Shule có một đồng cỏ miên man. Có điều chắc lúc tôi đến mùa chưa về nên lũ cỏ khô vàng xác xơ. Chắc ngày non tơ, lũ cỏ xanh, sa mạc vàng, pháo đài Hecang nhiều ngàn năm tuổi kia sẽ là một điểm đến vô cùng thú vị của Gobi.


P4100175-1.jpg



P4100190-1.jpg

Dòng Shule giữa sa mạc Gobi


Nằm cách thành Dunhuang chỉ 60km và 20km từ Ngọc Môn Quan nhưng rất ít khách du ghé thăm nơi đây. Cũng may là bác tài xế taxi tốt bụng đã rẽ ngang vào đây khi chúng tôi yêu cầu chứ không đi thẳng luôn. Hơn thế nữa, bác còn đưa chúng tôi đến 2 điểm viếng thú vị khác mà ít thấy các bạn nhắc đến, kể cả trên các diễn đàn du lịch nước ngoài.


P4100191-1.jpg


P4100206-1.jpg

Chia tay Hecang một trưa nắng, tôi đi, biết khó ngày quay lại.


(tbc.)
 
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …

09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …


P4100209-1.jpg

Những điểm đến thú vị trên cung đường này từ Dunhuang.


Xem sơ đồ trên, bạn sẽ thấy rằng tôi đã thăm viếng hết các di tích trên cung đường này rồi, từ Thành Ma Yadan đến Vạn Lý Trường Thành nhà Hán, đến Ngọc Môn Quan, đến Pháo đài Hecang (tôi không dùng từ “town” như ở đây nói về Hecang vì tôi có tìm đọc thêm và thấy rằng từ “pháo đài” là phù hợp về kích thước cũng như chức năng của Hecang). Vậy thì về Dunhuang thôi chứ còn đi đâu nữa. Nhưng không, giờ chúng tôi lại rẽ sang một nhánh khác để đến những điểm thú vị khác, một ngôi thành cổ nổi tiếng không kém Ngọc Môn Quan. Chúng ta cùng đến thăm ải Dương Quan nổi tiếng của ngày xa xưa nhé.


Nằm giữa Cam Túc & Tân Cương, ải Dương Quan (Yang Pass) thuộc huyện Dunhuang. Nằm phía nam Ngọc Môn Quan, Dương Quan còn có nghĩa là cửa ải phía nam (Dương còn có nghĩa là phía nam), nhưng nói đến Dương Quan, người ta nói về sự chia ly. Phần nhiều cũng do bài thơ Vị Thành Khúc nổi tiếng của Vương Duy thời nhà Đường, khi tiễn bạn lên đường đi sứ.

Vị Thành khúc

Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.



Bản dịch của Trần Trọng San

Sáng mưa ướt bụi Vị thành,
Tươi màu quán khách, liễu xanh rườm rà.
Xin vơi một chén quan hà,
Dương quan chốn ấy, ai là cố nhân?



Còn ở nước Nam, đại thi hào Nguyễn Du cũng từng nhắc đến Dương Quan trong một cuộc chia tay đẫm lệ của Thúy Kiều với chàng thư sinh yếu đuối họ Thúc.


Tiễn đưa một chén quan hà,
Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình.
Sông Tần một dải xanh xanh
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan.
(Truyện Kiều)



P4100222-1.jpg



P4100229-2.jpg

Thành Dương Quan giữa gió cát Gobi


Trong nhiều bản dịch của Vị Thành Khúc, tôi thích bản dịch này nhất. Tôi muốn đến Dương Quan, cũng để tự hỏi mình “Dương Quan chốn ấy ai là cố nhân?”


(tbc.)
 
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …

09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …


Đường đến Dương Quan lạ lùng thay, lại giống như những con đường đến miền Thổ Lổ Phồn ở Tân Cương bên bờ kia sa mạc. Vùng đất này, có thể gọi là hoang mạc hơn là sa mạc vì ít những đồi cát mà chủ yếu là đất hoang hóa vàng đỏ xác xơ cằn cỗi. Nhưng, giữa những hoang vu là những ốc đảo xanh mướt um tùm những vườn nho, như những vườn nho miền Thổ Lỗ Phồn ngày mùa thu năm nào tôi lang thang.


Và rất dễ nhận ra những nhà sấy nho bằng cái nóng thiên nhiên ở đây, cũng như ở miệt Tân Cương. Những căn nhà xây bằng gạch, có nhiều ô trống, để những chùm nho treo trong đó, giữa cái nắng nung người miền hoang mạc, và những cơn gió luồn qua những ô cửa trống mang đi chút nước hiếm hoi, dần quắt queo lại thành những trái nho khô ngọt ngào. Sự sấy khô này không bị ánh nắng mặt trời tác động nên những trái nho còn giữ được những sắc màu trong trẻo, bên vị ngọt ngào đậm đà của những hoa trái tinh túy của miền hoang mạc. Đó là chuyện nàgy xưa, còn bây giờ, chẳng biết người ta có xông diêm sinh, phun thuốc bảo quản,… để chống mối mọt, để bảo quản lâu hay không tôi chẳng biết. CHỉ hy vọng rằng những người dân nơi xa xôi đây chưa bị Hán hóa đến như vậy.


Đi mãi, ra khỏi những vườn xanh, mới thấy một ngôi thành nằm lặng lẽ bên dưới một dãy nhiều những ngọn đồi thâm thấp kéo nhau chạy miên man vào sa mạc đã vàng ruộm nắng xế - thành Dương Quan.


Dương Quan không được nhắc đến một dòng nào trong L.P. Tôi không ngạc nhiên về điều này, vì những tác giả của LP là người Âu Mỹ, cảm nhận, sở thích của họ về lịch sử, đôi khi về tôn giáo… thường có những khoảng cách đối với người Á đông. May là trong 3 đồng bọn chia nhau tiền taxi với tôi hôm đó hôm đó có 2 bạn trẻ TQ nên chúng tôi đã quyết định đi Dương Quan – dù cũng đã đọc, biết là ngôi thành trấn giữ ải xưa giờ không còn lại gì nhiều.


P4100224-1.jpg

Thành Dương Quan cũ, mới & dãy Alkin Snoro.


Được xây dựng vào thời Hán, 206 – 88 Trước CN, thành Dương Quan được xây trên một ngọn đồi cao hiếm thấy giữa Gobi (mà các bạn TQ thậm xưng là Alkin Snoro Mountain), do đó thành có vị trí đặc địa bởi tầm nhìn xa của nó. Ải Dương Quan cũng từng là cửa ngõ quan trọng trên Con đường tơ lụa. Thế nhưng, khác với Ngọc Môn Quan hay pháo đài Hecang còn được giữ gìn nguyên hiện trạng cổ nát, ngôi thành xinh đẹp bạn đang thấy lại là một khu thành mới. Những gì còn lại của Dương Quan còn rất ít và nằm xa xa trên đỉnh đồi, ở đúng vị trí chiến lược ngày xưa của nó.


P4100213-1.jpg



P4100216-1.jpg

Thành Dương Quan mới.​


Điều đáng nói là thành Dương Quan mới này, cũng là khu bảo tàng, khu du lịch,… là của một đại gia người Dunhuang. Đây cũng là bảo tàng tư nhân lớn nhất miền tây bắc nước này. Dù sao, người ta cũng tôn trọng sự thật là ngôi thành mới chỉ được xây lại có 3 bức tường thành, vị trí để trống của bức tường thứ 4, hướng nam, hướng về những gì còn lại của Dương Quan ngày cũ, nằm trên đồi Alkin Snoro.


P4100218-2.jpg

Xa xa, trên ngọn đồi, những gì còn lại của thành Dương Quan chỉ là cái tháp canh đã hoang phế như cái núm đất đó.


Dù sao, trên đất nước TQ, ở miền đất xa xôi cách trở, đọc được dòng chữ “Satisfying you will be our eternal aim!” quả là một điều rất ngộ!
 
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …

09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …


Nhưng, nhìn thành Dương Quan mới toanh với chiếc cổng bán vé là tôi hết muốn vào, ku người Pháp cũng vậy. Chỉ có 2 bạn TQ xí xa xí xởn mua vé vào, tíu ta tít chụp hình (mình) với ngôi thành mới.


Vài chục Tệ (Y) cũng chẳng là bao, nhưng tôi không lấy gì làm hứng thú với cái thành mới này. Tôi cũng mới vừa đến từ Gia Dụ Quan, Huyền Bích Trường Thành,… chẳng bao lâu, biết rất rõ các bạn TQ thường làm gì với các ngôi thành mới này, nên thôi. Nên tôi dành thời gian lang thang bên ngoài, tính tìm đường leo lên tháp canh đã sụp, chút duy nhất còn sót lại của thành Dương Quan cũ, nhưng đường xa, dốc, bụi và nắng gió sa mạc bây giờ quá dữ dội nên đành loanh quanh ngó nghiêng tý chút, cũng vừa lúc các bạn TQ chụp hình xong đi ra. Cả bọn lại kéo nhau lên xe, thẳng tiến về Western Thousand Buddha Caves.


Nằm cách Dunhuang 35km, Hang Ngàn Phật này, cũng với những bức tranh, pho tượng Phật trong hang động, cũng hơn 1500 tuổi,… sẽ là một điểm đến hấp dẫn – nếu nó nằm ở đâu đó chứ không ở Dunhuang này. Sự “lấp lánh” của hang Mạc Cao/Mogao đã làm Hang Ngàn Phật bị lu mờ, nên rất ít du khách ghé thăm nơi này. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi rất muốn ghé nơi này, cũng như tôi để dành hang Mogao cho ngày cuối ở Dunhuang thay vì đi thăm viếng đầu tiên.


Nhưng ở đời muôn sự chữ duyên, nên chúng tôi đến Hang Ngàn Phật chỉ vài phút sau khi những cánh cửa khép lại. Lúc này mới tự an ủi mình, thôi thì để ngày mai đi Mogao xem luôn vậy!!! Thôi thì lang thang ngó nghiêng bên ngoài vậy.


P4100230-1.jpg



P4100236-1.jpg

Bên ngoài Hang Ngàn Phật


“Lội” xuống dòng sông Dang giờ khô không khốc nhìn lên Hang Ngàn Phật bên bờ, mới thấy cảm khái làm sao. Sông xưa giờ đã không còn, nhưng những gì người xưa đã làm giờ vẫn trường tồn – giữa hoang mạc cuồng nộ. Còn bây giờ…


P4100234-1.jpg

Tôi đang đứng dưới lòng con sông Dang cạn khô. Hàng Ngàn Phật nằm bên bờ kia con sông.


Rồi cả lũ leo lên xe về Dunhuang khi hoàng hôn đã chập chờn trên phố. Trả 100Y cho hành trình hơn 400km suốt ngày dài vào sa mạc, cảm ơn bác tài, chia tay đồng bọn, tôi lại một mình tìm đến khu đèn đỏ của Dunhuang, cho một đêm dài hoang mạc hoang dại (!?).


P4090037-1.jpg

Hoàng hôn xanh ngời yên bình ở ngoại ô Dunhuang, có ngờ đâu sa mạc chỉ vài bước ngoài kia.


P4100242-1.jpg

Phố đèn đỏ Dunhuang đây!



(tbc.)
 
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 1.

11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 1.


Sau đêm “hoan lạc” miệt mài, mệt nhoài không chỉ ở “phố đèn đỏ” thành Dunhuang/Đôn Hoàng (!?), buổi mai sớm hôm sau tôi ra đường đón chuyến xe bus sớm nhất đi Mogao/Mạc Cao, cùng với một nhóm các học sinh trung học TQ. Đáng tiếc vốn ngoại ngữ của các em yếu nên dù rất muốn chuyện trò để tìm hiểu thêm về cuộc sống, học hành, muốn biết cảm nhận của các em về Mogao… tôi chẳng hỏi han được gì.


P4110243-1.jpg



P4110245-1.jpg



P4110297-1.jpg

Mogao mùa xuân hao gầy miền sa mạc.


Ai đã từng đi miền Tây Bắc TQ, đến Hành lang Hà Tây… mà không từng đến hang Mogao nổi tiếng – một trong những niềm tự hào của TQ với cả thế giới. Và quả thật khác với những điểm đến khác, nơi cổ, giả cổ, mới toe toét… lẫn lộn, Mogao là nơi hiếm hoi giữ được những nét nguyên sơ ban đầu của nó.


P4110294-1.jpg



P4110294-2.jpg

Chưa vào được Mogao, tôi đã ngất ngư với những nữ thần Apsara quyến rũ – dù chỉ là những phiên bản.


Do đến sớm, đi một mình, tôi phải chờ các đoàn khách ngoại quốc khác để đi chung – dù tôi đã phải mua thêm vé phiên dịch. Lang thang bên ngoài, tôi đọc thêm, đọc kỹ càng ngỡ ngàng về Mogao.



“Mạc Cao Đôn Hoàng nằm ở miền tây bắc Trung Quốc, là kho tàng nghệ thuật Phật giáo to lớn nhất còn tồn tại, và được bảo tồn nguyên vẹn nhất trên thế giới hiện nay. Năm 1987, Hang Mạc Cao Đôn Hoàng được đưa vào “Danh mục di sản thế giới”. Ủy ban di sản thế giới có sự đánh giá như sau: Hang Mạc Cao Đôn Hoàng nổi tiếng thế giới bởi các pho tượng điêu khắc và bích họa, đã thể hiện nghệ thuật Phật giáo liên tiếp trong suốt ngàn năm.


Hang Mạc cao Đôn Hoàng bắt đầu được khởi công vào năm 366 công nguyên. Theo ghi chép, một vị hoà thượng đức độ chống thiền trượng tây du, khi đến đây thấy hào quang Phật sáng loà một vùng, vô cùng xúc động. Thế rồi, ông quyết định đào một cái hang. Đó là cái hang đầu tiên trong dãy hang Mạc Cao. Tiếp theo sau suốt một thời gian dài từ thời kỳ “Tam thập lục quốc” đến đời Nguyên, việc đào hang đá đã kéo dài suốt 10 thời đại (khoảng 1500 năm). Ngày nay, hang đá mà hoà thượng đào đầu tiên, chúng ta không thể xác định được cụ thể là hang nào.Trải qua các triều đại tạc tạo, số lượng của các hang không ngừng tăng lên, đến thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường, đã có tới hơn một nghìn hang động, bởi vậy hang Mạc cao còn được gọi là “Thiên Phật động”.


Sau khi trải qua sự biến thiên của lịch sử và phá hoại của con người, đến nay, hang Mạc Cao vẫn còn giữ lại gần 500 động, bảo tồn khoảng 5 vạn mét bích họa và hơn hai nghìn pho tượng. Các tượng của hang Mạc Cao muôn hình muôn vẻ, trang phục và sự biểu hiện của mỗi pho tượng đều khác nhau, phản ánh bản sắc khác nhau của các thời đại. Bích họa trong hang Mạc Cao cũng rất hoành tráng, nếu như nối những bức bích họa đó lại với nhau thành một dải, có thể tạo thành một hành lang bích họa dài 30 Km.” – Từ nhiều nguồn, internet.



(tbc.)
 
Hay quá bạn BPK ơi, đọc trải nghiệm của bạn ở nơi mình đã đi qua cứ như được đi lại một lần nữa ấy, thật tuyệt, tks :)
 
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 2.

@ likemoon, cảm ơn bạn chia sẻ. Nói thiệt là sau khi bpk đi về rồi mới đọc loạt bài “Khám phá con đường tơ lụa” của bạn, dù có biết trước đó. Lý do là vì bpk không muốn đọc trước, nhiều thông tin được biết trước quá sẽ giảm đi ý nghĩa của việc “khám”, “phá” (!?). Và đúng như bạn nói, bpk cũng đã gặp một Con đường Tơ lụa khác, rất thú vị của bạn, được “sống” lại những ngày lang thang đã đời du côn khó có thể quên đó. Và sau khi đã ngất ngư với Đôn Hoàng, quyết định sẽ đi đâu sau Đôn Hoàng vô cùng khó khăn với bpk lúc đó.

--------------------------------



Sẽ có rất nhiều bạn, cả tôi nữa rất rất rất không thích một điểm quan trọng khi viếng thăm khu di tích Mogao này: không cho chụp hình, và việc canh gác rất rất rất kỹ. Khác với các khu du tích khác mở rộng cửa thoải mái, ở Mogao, các gian hang động đều khóa chặt cửa, mỗi HDV đeo một chùm chìa khóa to đùng. Đến từng “phòng”, HDV mở cửa, bước vào trong đầu tiên, sau khi giới thiệu xong, HDV đứng canh khách ra hết, ra sau cùng và khóa cửa lại. Do vậy, cơ hội cho việc chụp hình lén rất khó. Chưa nói là trong hang động tối thui tối thùi, phải xem bằng đèn pin, chụp hình không flash, chụp lén nữa thì thật sự rất khó có hình đẹp. Và ngay cả việc chụp hình bên ngoài các hang động, ngay khi bạn vừa qua cửa soát vé, cũng bị cấm luôn!!!


P4110251-1.jpg



P4110249-1.jpg

Những sắc màu đã đâu đó 1.500 năm tuổi


Tôi đi theo nhóm khách Tây, nên việc chụp lén gần như hoàn toàn không thể được (!?) vì các bạn ấy thường rất nghiêm chỉnh tuân thủ luật lệ. Trong khi đó, lúc tôi ghé vào một gian phòng khác của nhóm mấy bạn TQ thì tôi thấy có mấy bạn lén chụp hình. Nhưng thật sự mà nói, đi thăm Mogao mà không nghe thuyết minh thì mất hẳn sự hấp dẫn, do vậy tôi cũng không thể bỏ nhóm có phiên dịch tiếng Anh mà đi theo các nhóm khác được.


Nhiều câu chuyện “lạ”, dù được đọc, nhưng nghe các HDV thuyết trình, kèm theo hình ảnh minh họa mới thật sự “ngấm”, và càng khâm phục tài năng của người xưa. Tỷ như câu chuyện về sự “thay đổi hình thể, nhân dạng” của các Apsara qua các triều đại, hay sự “chuyển đổi giới tính” của Quan Thế Âm Bồ Tát….


P4110252-2.jpg

Vẫn còn rạng ngời.



“Khi khai quật hang động, vô số thợ thuộc các triều đại của các thế hệ đều điêu khắc rất nhiều tượng Phật, vẽ rất nhiều bích họa. Do hang Mạc Cao Đôn Hoàng nằm trên nút “con đường tơ lụa”, nên nó cũng là nơi gặp gỡ của tôn giáo, văn hóa, kiến thức giữa phương đông và phương tây. Các loại hình nghệ thuật của nước ngoài và nghệ thuật dân tộc của Trung Quốc đã đan xen với nhau tại hang Mạc Cao. Phong cách nghệ thuật đa dạng muôn màu đã khiến kho báu nghệ thuật này trở thành cảnh quan sáng ngời rực rỡ.


Những bích họa ở đây phần lớn đều mang đề tài Phật giáo, ví dụ hình vẽ các loại Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng, những bức vẽ liên hoàn theo cốt truyện trong kinh Phật, những bức họa về sử tích Phật giáo, kết hợp với những truyền thuyết và nhân vật lịch sử về Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Á và Trung Quốc. Ngoài ra, bích họa của các thời đại đã phản ánh đời sống xã hội, trang phục, đồ trang sức, tạo hình kiếc trúc cổ đại và âm nhạc, múa, xiếc... của các tầng lớp và các dân tộc hồi bấy giờ. Bởi vậy, các học giả phương Tây coi bích họa Đôn Hoàng là “viện bảo tàng trên vách tường”. Thông tin từ internet.


(tbc.)
 
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 3.

11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 3.


So với các hang động nổi tiếng khác của TQ như Vân Cương, Long Môn, Mạch Tích… Mogao nổi tiếng không bởi vì sự to lớn hoành tráng hay điêu khắc sắc xảo của các pho tượng đá, phù điêu, tranh vẽ,… mà bởi chính sự sử dụng màu sắc, những nét vẽ tài hoa của người xưa. Câu hỏi và câu tự trả lời này được HDV bắt đầu ngay trước khi đưa nhóm chúng tôi vào thăm các hang động.


P4110256-1.jpg

Hoa lá ngày xưa.


P4110277-1.jpg

Gương mặt thanh tú của một vị cao tăng, dù mờ phai theo năm tháng vẫn dễ dàng nhận ra.


P4110258-1.jpg

Một vị thần canh cửa hang động (chữ E đó không thể ngàn năm tuổi).



Quả thật, khi vào trong các hang động, nhìn những tranh vẽ đâu đó 1.500 năm tuổi vẫn còn tươi mới sắc màu, những nét vẽ mềm mại thể hiện thần thái thanh thoát của các vị Phật, những nét uyển chuyển của những nàng Apsara, còn được gọi là Phi Thiên (Feitian),… Một điều thú vị khác nữa là có nhiều tranh vẽ có những tông hiện đại như những nét đen mạnh mẽ,… mà giải thích mới được biết là do sự oxy hóa của chì, có trong sơn được dùng vào thời kỳ đó. Trong một hang động nào (tôi chẳng nhớ là số mấy) có nhiều bức tranh của các vị bồ tát vòng quanh vách hang, lạ lùng là những vị bồ tát cuối cùng (tính theo chiều kim đồng hồ từ cửa hang) lại có đôi mắt có màu bình thường, trong khi đó những vị bồ tát trước đó có màu mắt trắng dã. Cô HDV giải thích là có lẽ khi trang trí lớp vẽ cuối của các vị bồ tát này, theo chiều kim đồng hồ, đến những vị bồ tát cuối cùng thì hết sơn, nên các vị không được vẽ thêm lớp cuối cùng. Không may (hay là may mắn thay) là trong lớp sơn cuối đó, có chất bị oxy hóa bay màu. Do vậy, các vị bồ tát không được “tráng” lớp sơn cuối cùng thì vẫn giữ được màu sơn nguyên thủy từ đó, trong khi đó các vị được vẽ lại có đôi mắt trắng dã lạ lùng.


P4110269-2.jpg



P4110246-1.jpg

Những nét màu đen lạ so với phong cách thời đó.


Có nhiều câu chuyện như vậy được kể đến trong quá trình thăm viếng, không biết sự thật là bao nhiêu % nhưng chúng đã làm cho hành trình thêm phần thú vị.

(tbc.)
 
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 4.

11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 4.


Một câu chuyện thú vị khác (có thật) là sự “chuyển biến” của các Phi Thiên/Apsara. Từ là những nam thần ở thời kỳ đầu, dần dần các vị Phi Thiên này được chuyển giới thành những nàng Apsara xinh đẹp. Thú vị hơn nữa là vẻ đẹp của nữ giới qua các thời kỳ cũng khác nhau. Ở thời Ngụy, Tây Chu các pho tượng, các bích họa đều mảnh mai thanh thoát. Đến thời Tùy (hay Đường gì đó, tôi nhớ không chính xác), nét đẹp nữ giới lúc đó mang tính phồn thực, phì nhiêu. Do vậy, để các nàng Apsara xinh đẹp mũm mĩm có thể bay lượn trên trời cao được, các nghệ nhân phải thêm vào những đám mây, để “nâng” các nàng lên. Cho hợp lý hơn và cũng để tôn hơn vẻ đẹp của các nàng.


P4110284-1.jpg

Một vị thần gác hang khác. Tôi chờ mãi bóng nắng đi để chụp tấm hình này – cuối cùng chẳng chờ nổi.


Câu chuyện này được minh họa rất rõ ràng qua hình ảnh của các (nàng) Apsara qua các hang động khác nhau, ở các thời kỳ khác nhau.


P4110289-1.jpg

Tiếc là chẳng chụp được các hình ảnh “chuyển đổi giới tính” của các Apsara nào hết, đành mượn tấm hình diễm lệ của nàng Apsara này.


Sự “chuyển đổi giới tính” của các Phi Thiên/Apsara này diễn ra trong các hang động ở thời Đường. Thời gian này cũng chính là lúc Quan Thế Âm Bồ Tát cũng được “chuyển giới” thành Nữ Bồ Tát


P4110303-1.jpg

Quan Thế Âm Bồ Tát của thời còn là Nam Bồ Tát.


(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,640
Bài viết
1,154,273
Members
190,154
Latest member
tranquochuy86
Back
Top