What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Delhi của một thời vang bóng – 6

(cont.)


Red Fort (Lal Qila), Pháo đài Đỏ là một trong những di sản văn hóa thế giới và cũng là di sản của quốc vương Shah Jahan, tác giả của những công trình diễm lệ hoành tráng như Taj Mahal, Jama Masjid… Pháo đài được xây dựng từ năm 1638 và hoàn thành năm 1648, trong kế hoạch dời kinh đô từ Agra về Delhi của quốc vương Shah Jahan, là một trong những điểm son đánh dấu đế chế quyền uy của các quốc vương Hồi giáo – Mughal. Pháo đài có chu vi 2km và có chiều cao dao động từ 18m đến 33m. Cho đến những năm giữa thế kỷ 20, khi Ấn Độ độc lập mãi đến nay, Pháo đài Đỏ vẫn là nơi các nguyên thủ quốc gia Ấn Độ đọc những diễn văn quan trọng đến vận mệnh đất nước cũng như là nơi tổ chức trọng thể quốc khánh hàng năm.


PB221311.jpg

Đường vào Pháo đài Đỏ


PB221366.jpg

Nơi lá cờ độc lập của Ấn Độ tung bay lần đầu tiên năm 1947​


Pháo đài rất rộng và chỉ mở cửa Tây, cửa Lahore, cho du khách vào thăm viếng. Cổng Lahore, có cái xuất xứ rất hay là vì nó hướng về phía Lahore, giờ nằm tận ở Pakistan! Đây được xem là biểu tượng độc lập của Ấn Độ khi những lá cờ của quốc gia độc lập Ấn Độ lần đầu tiên đã tung bay ở đây vào năm 1947.


PB221363.jpg

Buổi tham quan để tôn vinh lòng tự hào dân tộc của học sinh lớp mầm, chồi, tiểu học... ở Ấn Độ


PB221356.jpg

Người lớn cũng hãnh diện viếng thăm​


Muốn thăm viếng Pháo đài Đỏ, bạn phải chịu khó đi sớm, vì cho dù là khách nước ngoài, bạn được xếp hàng ưu tiên mua vé ở 1 hàng ngắn hơn (và dĩ nhiên là giá cao hơn nhiều lần) nhưng khi sắp hàng vào cửa soát vé, bạn cũng phải đứng theo hàng rất dài. Nếu đi hơn 2 người, bạn nên phân công nhiệm vụ 1 người mua vé, số còn lại xếp hàng thì sẽ rất tiện. À, mà đều này chỉ hợp với 2 người cùng phái, vì ở đây có 2 hàng riêng biệt, 1 cho nam và 1 cho nữ. Nhớ nghen! Cả đám chen chúc mua vé xếp hàng, vào trong cổng là tản mác ra ngay, sau khi hẹn chính xác giờ ra cổng. Ngẩn ngơ lon ton vào cổng tôi, lại như mọi lần khi viếng cảnh đẹp, lại cứ hận mình không chịu mua một cái máy chụp hình tốt hơn. Vấn đề là vì các chùa chiền đền đài di tích ở Ấn Độ rất to lớn, nhưng các góc chụp rất cận và hẹp nên chỉ lấy được góc nhỏ thôi chứ không lấy toàn cảnh được. Kệ nó hén, có nhiêu chơi nhiêu.


PB221327.jpg

Đền đài cung điện trong Pháo đài Đỏ.



(tbc.)
 
Delhi của một thời vang bóng – 7

(cont.)


Ngay khi vào cổng, bạn sẽ gặp ngay 1 dãy dài các hàng quán bán các đồ lưu niệm, mà tôi đã đi như chạy qua đó vì tôi ít có hứng thú với các món đó và đang rất háo hức muốn tìm xem có cái gì sau cái cổng thành nguy nga đó khác hơn là những dãy hàng quán nhộn nhịp này. Tiếp đó, bạn sẽ gặp Bảo tàng chiến tranh Ấn độ, tôi cũng có vào xem các công cụ chiến đấu, đủ thứ các vật dụng liên quan đến các cuộc chiến ngày xưa nhưng vì ở đây không cho chụp hình nên không có hình để chia sẻ.


Diwan-i-am.jpg

Cung Diwan-i-am (net)


PB221315.jpg

Các góc khác của Diwan-i-am​


Đi thẳng vào trong, bạn sẽ gặp Diwan-i-am, cung thiết triều, nơi nhà vua lắng nghe ý kiến của dân chúng về các chính sách của người cũng như các câu chuyện liên quan đến việc an dân. Cung điện này rộng mênh mông với những trang trí bằng đá màu khắc trên đá cẩm thạch rất đẹp. Nghe nói ngày xưa nó còn được cẩn vàng bạc đá quý nhưng đã bị bóc gỡ do những cuộc chiến tranh ở Ấn Độ. Cung này được trùng tu lần cuối bởi vị Tổng trấn Delhi Lord Curzon vào những năm 1898-1905. Đến đây, bạn sẽ thấy mình thật nhỏ bé và những gì một vị quốc vương đã làm được vào thế kỷ 16 thật đáng nể.


PB221326.jpg



PB221332.jpg

Diwan-i-khas nhìn từ xa​


Giống như Diwan-i-am, cũng là cung điện dành cho quốc vương tiếp khách nhưng Diwan-i-khas là cung khu mật, dành cho những cuộc gặp gỡ riêng tư cơ mật chứ không mở rộng cho quần chúng. Cung này được xây bằng đá cẩm thạch trắng và còn được giữ gìn tương đối nguyên vẹn, tuy nhiên cái mái nghe nói ngày xưa lợp bằng bạc cũng đã không còn. Ngai vàng Chim công làm bằng vàng và ngọc cũng đã bị lấy đi. Giờ chỉ còn những đóa hoa ngời sáng trên cẩm thạch trắng trong là những di chứng của thời vàng ngọc oanh liệt xa xưa.


PB221343.jpg



PB221347.jpg

… và lộng lẫy khi đến gần​


(tbc.)
 
Delhi của một thời vang bóng – 8

(cont.)


Những toà cung điện này sẽ làm bạn choáng ngợp bởi vẻ sang trọng quyền quý của nó. Những phiến đá cẩm thạch đồ sộ qua bao năm tháng thời gian, tàn phá của chiến tranh, con người, của ô nhiễm, của mưa acid, của khói lưu huỳnh nồng nặc ở Delhi… vẫn lưu giữ được nét thanh tao của ngày xưa thanh tân.


Nhìn các khoảng trống do đã bị bóc gỡ của các chạm khắc trên các bức tường cẩm thạch, tôi mơ màng nghĩ đến ngày xưa nơi đó còn nguyên vẹn với những chạm trổ dát vàng bạc, đá quý... Ôi, tôi còn nhắm mắt lại tưởng tượng trong cung điện nguy nga này những nàng cung nữ yêu kiều nhẹ nhàng lướt êm trong những chiếc saree lộng lẫy, ánh mắt sâu hun hút ợp dưới hàng mi như bóng dừa... đến đó thì phải mở mắt ra thôi. Chẹp!


PB221345.jpg



PB221348.jpg



PB221344.jpg



PB221337.jpg



PB221342.jpg

Hoa văn chạm khắc tinh xảo trên cẩm thạch sáng trắng​


Lúc đến đây Red Fort, được nhìn tận mắt, được mân mê sờ mó - đúng nghĩa, được chiêm ngưỡng các kiệt tác của quốc vương Shah Jahan, tôi càng rạo rực mong cho ngày được đến Agra, để sớm được chiêm ngưỡng tuyệt tác của những tuyệt tác của vị vua tài hoa này, ngôi đền diễm lệ Taj Mahal. Chắc nó còn đẹp hơn bội bội phần!


(tbc.)
 
Delhi của một thời vang bóng – 9

(cont.)


Vào sâu hơn, bạn sẽ choáng ngợp bởi nhiều cung điện đền đài hoành tráng. Do thời gian và việc ghi chú có hạn nên tôi sẽ giới thiệu hình ảnh và 1 số hình ảnh đặc trưng. Bạn nào muốn chi tiết hơn thì “tra gu-gồ” nghen.


PB221336.jpg

Nhà tắm Hoàng gia nằm kế bên gồm 3 phòng, bao quanh bởi các mái vòm…
và Shashi Buji, tòa nhà bát giác 3 tầng, nằm khuất phía sau.​


Kế bên là ngôi đền Hồi giáo Moti Masjid, xây dựng năm 1659, bởi quốc vương Aurangzeb, con trai của quốc vương Shah Jahan để sử dụng cho riêng ông. Ngôi đền này có cửa hướng thẳng đến thánh địa Mecca.


PB221324.jpg

Đền Moti Masjid


PB221340.jpg


PB221339.jpg

Các cung điện đền đài trong Red Fort​


Red Fort không chỉ là điểm tham quan của người nước ngoài mà còn là điểm picnic quen thuộc của các gia đình và các bạn trẻ Ấn Độ. Bãi cỏ xanh mát, dưới những bóng cây to, tuy hiếm hoi, và bóng của những đền đài thành quách xưa các bạn trẻ, cũng như những du khách có thể sẽ tạm xa rời được một Delhi ồn ào náo nhiệt ô nhiễm ngoài kia để tâm hồn chợt dịu lại nơi đây – không chỉ bởi những nuối tiếc về thời huy hoàng của một ngày xa xưa mà bởi những khoảnh khắc thanh bình hiếm có ở Ấn Độ. Nơi đây, bạn có thể thấy những chú sóc vui đùa cùng những cô sáo mỏ vàng… rồi thỉnh thoảng lại bị quấy rối bởi những mụ quạ đen đáng ghét.


PB221352.jpg

Sóc và sáo đang “chiến đấu” với các con quạ tham lam


PB221319.jpg

Các bạn trẻ Ấn Độ dễ mến, rất thích được chụp hình.​


Nếu có nhiều thời gian, bạn hãy lăn ra nằm trên bãi cỏ xanh mướt đó và gieo vài hạt ngũ cốc hay những mẩu vụn bánh mì, biết đâu bạn sẽ được những chú sóc dạn dĩ nồng nhiệt đón chào. Sao lại không nào?!


(tbc.)
 
mình cũng đã lang thang 20 ngày ở Ấn Độ qua bang Mumbai, Bangalore, New Delhi va Hyderbad, xem topic của bạn thây nhớ quá và biết thêm nhiều thứ.
 
Delhi của một thời vang bóng – 10

@ hathanh, mong bạn vào cùng kể chuyện cho vui! Cám ơn bạn!
................................

(cont.)


Hoàng hôn đã đổ ráng đỏ trên Pháo đài Đỏ đỏ rực. Chim chiều đã chao chát bay đầy trên bầu trời Delhi vẫn xanh trong ngày đông nắng, dòng người cũng luyến tiếc rời Red Fort đang lộng lẫy tỏa sáng trong hoàng hôn, nhưng biết làm sao, cuộc vui nào chẳng tàn.


Rời Lahore Gate, rời Red Fort, nhưng chúng tôi không bỏ Red Fort mà đi. Chúng tôi men theo bờ thành cao nghều nghệu đi qua cửa bên kia của Red Fort, cửa Delhi – vốn không mở cửa cho công chúng. Ý đồ là sẽ dụ dỗ các anh lính Ấn Độ, vốn dĩ rất mến khách lạ, biết đâu lại được cho vào.


PB221371.jpg

Chiều về, chim chao chát tìm tổ ở Lahore gate​


4 tên đi, rớt 2 tên, cho tự đi về nhà nghỉ luôn. Tôi và 1 đồng bọn lần mò qua cửa Delhi. Đúng là mấy anh lính Ấn độ rất dễ thương, tuy không cho chúng tôi vào trong nhưng lại cho đến gần dòm ngó tý và cũng cho chụp vài tấm hình làm kỷ niệm.


Không vội vã, 2 tên mò ra 1 góc thành cổ vắng tênh ngồi nhìn chiều rơi chầm chậm trên từng phiến đá cũ, lòng cảm thấy hí hửng vô cùng vì được nhìn hoàng hôn rơi trên thành xưa vang bóng. Nhưng sau đó mới thấy mình dại.


PB221374.jpg


PB221375.jpg

Bên cửa Delhi vắng thênh thang càng thấy rõ sự uy nghi, sự hoành tráng của Pháo đài đỏ ngày xưa.​


Sau đó, là khi chiều đã thật muộn, tôi lon ton đi về thì mới phát hiện ra có 1 con đường rất gần đi từ cửa Delhi của Red Fort, băng sang 1 vườn hoa công viên nhỏ là sẽ đến cổng Bắc của Masjid Jama. Mà ở đây, giờ này lại miễn vé vào cửa vì không còn du khách, chỉ có người mộ đạo đi lễ. Cắp dép vào nách (vì không được đi giàu dép trong thánh đường), tôi trà trộn vào dòng người đi lễ nhưng không vào trong thánh đường – cũng biết giới hạn nào cần dừng, tôi ngồi mê đắm trên khoảng sân rộng của thánh đường ngắm chiều muộn đi đang trôi, hoàng hôn đã không còn những những tia nắng ham vui vẫn còn vương vấn trên mái thánh đường xưa làm Masjid Jama càng thêm huyền hoặc trong khoảnh khắc khi ngày đi đêm tới.


PB221379.jpg

Masjid Jama trong chiều tắt nắng (lại hận mình vì cái máy chụp hình, vì nó, tôi cứ hết yêu lại hận!!!)​


Trên sân vắng tênh, gió nhè nhẹ trên cao, tiếng kinh kệ lúc rì rầm lúc vang vang… tôi như say như đắm ngồi giữa vuông sân thênh thang đó, chỉ muốn ngồi thật lâu chờ đêm đen rồi sẽ về. Nhưng không được, vì bị mấy anh theo đạo phat hiện và mời ra. Có lẽ tôi bị phát hiện là do không chịu quỳ lạy lúc mọi người làm lễ hay vì quần áo và vóc dáng quá châu Á, cũng chẳng biết nữa. Nhưng mai mốt, nếu bạn nữ nào yêu thích được ngắm hoàng hôn trên Masjid Jama thì chịu khó kiếm cái khăn trùm đầu rồi vào đây ngồi thì tha hồ mà ngắm.


Dù đổi chỗ mấy lần khi bị đuổi trong cái sân mênh mang, cuối cùng chúng tôi cũng phải lóc cóc ra về. Trên đường về, 2 tên lựu đạn chúng tôi lại đi bằng Metro, xem bản đồ và nảy sinh ý định nhảy tàu đi đến India Gate, Khải Hoàn Môn của Ấn Độ trong đêm, nghe nói rất lung linh quyến rũ khi đêm về.


Vậy sao không đi? Thế là 2 tên bụi đời nhảy Metro đến viếng một India Gate thật lung linh huyền ảo trong một đêm Delhi nồng nàn!


(tbc.)
 
Delhi của một thời vang bóng – 11

@ lựu_đạn_chì, ủa dzậy hả? Bạn thấy người đang di chuyển thiệt hả? Đừng có hù tui nghen!!!
........................



(cont.)

Thật tình mà nói, đi Metro dù vào giờ cao điểm đông đúc người hơn, là một trong những niềm vui khi lang thang ở Delhi, niềm vui này cũng giống như sau khi đi đôi giày chật chội bạn được đi chân trần vậy (!). Lúc đầu, 2 tên định về lại khu Paharganj vì sợ để đồng bọn chờ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại có về đó giờ này cũng ăn nhậu thôi chẳng làm gì khác, giở L.P ra xem thấy có 1 ga Metro tương đối gần India Gate là 2 tên quyết định đi luôn. Đồng bọn ở nhà tha hồ mà đi shopping.


Tưởng gần, té ra từ ga đi đến India Gate đi mất gần 30p, con đường vắng tanh vì đi ngang qua các công viên. Nhưng nhờ vậy mà lại sạch và yên tĩnh, khác xa một India ồn ào đông đúc mà chúng tôi đã chìm ngập từ sáng đến giờ. Lơn tơn đi trên đường, ánh vàng rực rỡ của India Gate từ xa thật xa đã lôi cuốn chúng tôi nhanh bước hơn.


IndiaGate-4.jpg

India Gate ban ngày (mượn từ net)​


Cổng Ấn Độ là đài tưởng niệm chiến tranh lớn nhất tại Ấn Độ. Nằm giữa một quảng trường cây xanh rộng nhiều ha, trước ngày Ấn Độ độc lập, tháp cao 42m này là nơi tưởng niệm 90.000 binh sĩ Anh đã ngã xuống qua nhiều cuộc chiến trên đất Ấn, chứ không phải dành cho người Ấn. Nhưng giờ đây, mọi người chỉ biết đến India Gate như một đài tưởng niệm chiến tranh – đơn giản vậy thôi.


IndiaGate-2.jpg

India Gate ban đêm (mượn từ net)​


Nhìn xa xa thì thấy India Gate cũng hao hao giống Khải hoàn môn hay Patuxay ở Vientiane, hay giống giống vài cái cổng chào trên đất Thái, nhưng lại gần thì thấy ngay đó là India – vì rất đông người tụ tập bên dưới chân đài, buôn bán, tám, lòng vòng… nói chung là cũng y như các điểm tụ tập ban đêm đông đúc ở Ấn Độ cũng như quê Việt nhà mình.


PB221393.jpg


PB221392.jpg


PB221389.jpg

Các góc cạnh India Gate (hình của tui! xấu hơn thấy rõ hén! kệ, cứ post lên vì đã có công chụp!)​


Đi lòng vòng quanh India Gate, cố gắng chụp vài tấm hình gọi là lưu dấu, ngồi lê lết nhìn thiên hạ… đến lúc bụng sôi lên ồng ộc lại lếch thếch lê thân băng qua cái quảng trường cây xanh dài tít mù để đến ga, nhảy tàu điện về ga New Delhi rồi băng qua đường để đến khu Paharganj.


Đêm Delhi thứ 2, bia lại lênh láng. Tranh thủ ăn chơi tối cuối cùng ở Delhi thôi, vì ngày mai sẽ rời Delhi đi Amritsa rồi.


Bạn thấy không, có 1 ngày ở Delhi thôi mà kể lể dài dòng được bao nhiêu là chuyện, chèn ép dồn nén vào bao nhiêu là hình ảnh… Vậy cái bài về đất nước Ấn Độ thênh thang này nó sẽ bị kéo dài lê thê cỡ nào vậy ta?


(tbc.)
 
Chẹp! đọc bài của pác, em cứ thèm........bia. Chiều chiều rỗi rãi, cầm chai bia lạnh, mở phượt lên đọc và xem hình, phiêu theo cảm xúc của bài viết, cũng thú vị, cứ như mìh được đi.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
57,025
Bài viết
1,157,586
Members
190,356
Latest member
789bet9vip
Back
Top