What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 4

(cont.)


Chúng tôi đến nơi khi đêm còn bảng lảng, gửi dày giép vào kệ, rửa chân sạch sẽ ở cái lạch nước lạnh ngắt ngay trước cửa ra vào chính, lấy cái khăn Karma mang từ Cambodia ra quấn đầu, lon ton đi chân trần vào trong hồ… chúng tôi trở thành những du khách nước ngoài đến viếng đền sớm nhất trong ngày hôm đó. Cả đám tản ra và hòa mình vào trong dòng người thành kính đang đi lễ. Cũng như mọi lần, tôi theo dòng người đi vòng quanh hồ thiêng, nhưng không dám theo họ xuống hồ để tắm vì quá lạnh và vì thấy mình chưa đủ độ về tín ngưỡng đến mức đó. Tôi cũng chỉ rón rén nhúng chân xuống hồ mong gột sạch được chút tội lỗi đã mang vác quá nhiều. Như vậy là tôi cũng có rửa tý tội lỗi ở sông Hằng, rũ bỏ thêm chút lòng sân si ở hồ thiêng Amritsar, mai mốt đi được Jerusalem và Mecca để rửa sạch thêm tội lỗi là người trở nên trong sạch thánh thiện vô ngần rồi!!!


Ngôi đền Vàng trong đêm quá lộng lẫy, nhưng có vẻ là vẻ lộng lẫy này đã được góp phần tôn lên rất nhiều bởi các dàn đèn cao áp, nên chúng rực rỡ quá. Chỉ khi đèn tắt, phương đông ánh dương vừa lên nhuộm hồng đất trời thì Ngôi đền Vàng và các đền đài trắng thanh khiết xung quanh mới toát lên vẻ thiêng liêng của chúng, bất chấp dòng người đã ngày càng đông đen đi quanh hồ. Nhiều người cho rằng, ngôi đền này cũng giống Taj Mahal ở chỗ là nên được ngắm ở nhiều thời khắc khác nhau trong ngày vì ở mỗi lúc, ngôi đền có một vẻ đẹp riêng. Tôi cũng cảm thấy như vậy dù chỉ ngồi chưa đủ lâu, chỉ mới vài thời khắc mà thấy chúng đã đẹp rất khác.


PB241604-1.jpg



PB241605.jpg

Và những tia nắng đầu ngày đã làm ngôi đền lộng lẫy hơn trong một bình minh trong trẻo​


Ngồi ở một góc ngắm ngôi đền trong ánh bình minh soi bóng dịu dàng ven hồ thật là một cảm giác dễ chịu. Gió sớm lành lạnh thật dễ chịu, làm không khí trong lành hơn. Tiếng người nói thì thầm của dòng người đi quanh hồ chợt thỉnh thoảng bị khuấy động bởi tiếng đọc kinh vang vang từ các loa phóng thanh trong đền.



PB241618.jpg

Và đây, ngôi đền lộng lẫy trong nắng sớm​



Tôi ngồi mải miết không làm gì như vậy đến lúc trời sáng bừng, lại đi loanh quanh ngắm nghía, chụp thêm vài tấm hình rồi bắt đầu đi khất thực cho buổi sáng. Thật mà, hôm nay tôi sẽ đi khất thực.


(tbc.)
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 5

@ chaubaogia, nói ra có thể bạn không tin, cạo đầu thì bpk cạo nhiều rồi, mặc áo cà sa thì cũng có mặc rồi… nhưng đi khất thực ở Ấn Độ thì không cần phải cạo đầu và mặc áo cà sa đâu. Ở đạo Sikh, tóc người ta còn không cho hớt, thấy cạo đầu người ta còn ghét, cho nhịn đói luôn chứ chẳng chơi…
________________________________________


(cont.)



Hôm nay tôi sẽ đi khất thực ở Guru-Ka-Langar, Amritsar.


Guru-Ka-Langar là phòng ăn miễn phí của khách hành hương lẫn khách “cà tưng” như bọn tôi. Phòng ăn miễn phí rộng thênh thang này phục vụ liên tục suốt ngày, có lúc lên đến 40.000 khách hành hương trong ngày. Đi theo tiếng dĩa nhôm đang rửa va vào nhau lao xao, bạn sẽ thấy căn phòng ăn rộng lớn này. Bon chen theo đoàn người, tôi cũng xếp vào hàng. Mọi người nhìn tôi với ánh mắt tò mò, chắc có thêm phần thương hại khi thấy một thằng ku ở đâu thật xa đến tận Ấn Độ mà khất thực, nhưng tôi cũng tỉnh queo. Chờ đến lượt thứ 2 tôi mới được vào phòng. Vào trong phòng, mọi người ngồi yên lặng thành từng dãy đối diện nhau ngay dưới đất trên các tấm chiếu nhỏ. Sau đó mỗi người được phát một cái dĩa nhôm trẹt có nhiều ngăn, có thêm một cái muỗng nhôm nữa mà trong lúc chờ đợi tôi ngồi gõ leng keng lốc cốc.



PB241637.jpg

Bạn có nhìn thấy bpk trong những người đang chờ bữa trong căn phòng mênh mông này



PB241642.jpg

Đông nhưng mà vẫn trật tự đàng hoàng nghen



Rồi tuần tự các người làm công quả bắt đầu đi phát bánh mì nan dẹt, rồi múc đậu, rồi tương ớt… rồi cái gì nữa chẳng biết và cuối cùng là cháo sữa. Nói chung là thiên hạ ăn hết, tôi thì chừa lại cháo sữa vì lượng bia tiêu thụ quá nhiều đã làm hư tanh bành hệ men lactase, tôi không dung nạp được sữa. Cả phần bánh mì nan nữa, tôi cũng chừa lại vì tôi vốn ăn rất ít. Thấy các bạn nhìn nhìn tôi bèn cố gặm thêm cho gần hết bánh mì, còn cháo sữa thì làm thế nào tôi cũng không thể ăn được vì không muốn bị Tào Tháo rượt. Thế mà nhoáng cái, mọi người rào rào một chặp là đã xong bữa.



PB241640-1.jpg

Các cô các chú nhìn bpk chăm chú



PB241641-1.jpg

Các em bé cũng nhìn bpk tò mò



Theo dòng người tôi cầm cái dĩa xuống bếp bỏ vào cái bồn rửa dĩa khổng lồ – thế là xong buổi sáng, xong một buổi khất thực. Cảm giác cũng vui vui khi càng ngày càng được sống gần hơn cuộc sống người dân bản địa.



PB241644.jpg

Bữa ăn của người đi khất thực bpk, chỉ có bpk mới dùng muỗng thôi đó nghen.



No xôi chán chè rồi, việc kế tiếp của tôi là đi kiếm đồng bọn để cả lũ đi đăng ký phòng trọ miễn phí dành cho khách hành hương. Nói nào ngay là vì đi cả ngày hôm qua ở Delhi nắng nóng, tối lên tàu xa cạ nằm lăn nằm lóc, giờ lại lang thang không chốn nương thân… nên mục đích kiếm phòng trọ là để trưa có chỗ ngả lưng và quan trọng nhất có chỗ tắm rửa cho đồng bọn. Nghe nói ở đây có các dorm miễn phí cho khách hành hương, tôi bèn đầu têu rủ cả lũ đi thử xem. Vậy mà OK, nhất là “khách nước ngoài” được ở phòng riêng nữa. Cả đám được vào phòng, gặp lại vài em khoai Tây trên tàu hôm qua. Té ra chúng cũng như mình, mà chúng vào đây nghỉ từ sáng rồi chứ đâu có lang thang như mình đâu. Nghe đồn khoai Tây đi bụi lắm, giờ tụi mình còn bụi hơn nữa (hix). Như vậy, ngày hôm nay đi đến thánh địa Amritsar này tụi mình giống như hành khất đi khất thực rồi. Ăn miễn phí, tắm rửa nghỉ ngơi miễn phí. Không biết giờ có còn cái gì miễn phí nữa không làm nốt cho nó biết mùi luôn…



(tbc.)
 
Last edited:
Họ là đồng nghiệp, đến từ mọi miền Ấn Độ vì vậy tôi có dịp biết được cái hay của mỗi vùng. Người Punjabi được cho là thích sử dụng sức mạnh hơn là sử dụng cái đầu và cũng là mục tiêu chọc cười của tôi với các bạn Ấn khác. Theo cách nói bằng tiếng Anh thì họ gọi là 5 treasures nên tôi tạm dịch là 5 bảo bối :). Giới trẻ Sikh, và đặc biệt khi rời Punjab để kiếm sống ở các tiểu bang khác thì không phải lúc nào cũng tuân theo tục lệ này, nhưng hầu hết vẫn theo 2 thứ là không hớt tóc (quấn đầu) và đeo cái vòng bangle trên tay. Tôi thích người Sikh hai thứ: ý chí và sức mạnh. Món ăn Punjabi cũng có vài nét đặc biệt mặc dù nói chung là thuộc các món ăn bắc Ấn.
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 5

(cont.)


Sạch sẽ thơm tho rồi cả đám bắt đầu tản ra hẹn chiều quay lại để đi biên giới Ấn Độ - Pakistan. Nhiệm vụ của tôi là đi mua vé tàu Amritsar – Delhi ngay tối nay, cũng như lo dàn xếp xe cộ chiều nay đi biên giới. Kệ, tôi lo hết để cho đồng bọn thoải mái đi chơi. Nhưng trước khi đi làm mấy việc đó, tôi lại vọt vào trong Đền Vàng vì muốn tìm xem nó đã “thay đổi” như thế nào khi nắng đã lên cao.


PB241610.jpg

Con đường xung quanh đền cờ phướn phất phới bay vui như ngày hội. Tôi cứ chân trần chạy khắp phố
vì làm biếng lấy rồi gửi, rồi lấy… y như ngày xưa còn bé chân đất chạy khắp xóm. Vui!


Ối trời ơi, tôi lóa mắt luôn. Trước tiên là cái sân lát gạch men trắng bóng chạy quanh hồ hắt ánh sáng lên đã chịu không nổi rồi. Thêm nữa, ánh nắng hắt vào ngôi đền vàng chóe rồi hắt ngược vào mắt làm tôi gần choáng luôn. Chui vào bóng râm, định thần tý tôi mới làm một vòng quanh hồ.



PB241629.jpg

Ngôi đền vàng chóe lên trong nắng. Vàng thiệt đó, thấy chưa?



Quanh hồ giờ đây rất nhiều khách hành hương tập trung. Học vừa đi làm lễ, vừa tụm năm tụ ba ngồi khấn vái hay ngồi tám với nhau chẳng biết. Nhưng nói chung họ rất thanh thản và đặc biệt rất thích chụp hình. Tôi chụp cho họ rất nhiều. Dĩ nhiên cũng nhờ họ bấm lại cho mình vài tấm làm kỷ niệm, thấy mình cũng rực rỡ gần bằng cái ánh vàng chóe của ngôi đền nên không dám post lên đây, sợ cháy luôn màn hình.



PB241695.jpg

Này là thướt tha áo vàng áo đỏ



PB241646.jpg

Này là hạnh phúc khoe con xinh



PB241589.jpg

Này là đại gia đình hạnh phúc nơi miền đất thánh



PB241624.jpg

Anh chàng này đang đứng chỗ mà bpk sẽ đứng. Kêu ảnh đứng, chụp demo cho ảnh một cái rồi kêu ảnh
chụp mình y chang vậy. Nhưng đổi người một cái là khác hẳn, hình sáng choang như đèn pha luôn (?!)


Người ta nói đúng về việc nên ngắm Đền vàng ở nhiều thời điểm. Giờ đây nó lộng lẫy thật. Nhất là soi bóng bên hồ xanh, dưới trời xanh ngắt của ngày đông Ấn Độ nhưng có đều chụp hình không đẹp lắm vì nó hắt ngược ánh sáng vào trong máy cùi bắp nên trông nó giả giả làm sao. Nên đến đây ngồi tận mắt chiêm ngưỡng thì sẽ rất hay (nói giỡn chơi cứ như thiệt hén)!


(tbc.)
 
Bạn có vào trong tòa nhà vàng đó không? Trong đó có gì vậy? Tôi tìm trên mạng chỉ thấy ảnh chụp bên ngoài hoặc trên nóc, không thấy bên trong.
 


Rồi tuần tự các người làm công quả bắt đầu đi phát bánh mì nan dẹt, rồi múc đậu, rồi tương ớt… rồi cái gì nữa chẳng biết và cuối cùng là cháo sữa. Nói chung là thiên hạ ăn hết, tôi thì chừa lại cháo sữa vì lượng bia tiêu thụ quá nhiều đã làm hư tanh bành hệ men lactase, tôi không dung nạp được sữa. Cả phần bánh mì nan nữa, tôi cũng chừa lại vì tôi vốn ăn rất ít. Thấy các bạn nhìn nhìn tôi bèn cố gặm thêm cho gần hết bánh mì, còn cháo sữa thì làm thế nào tôi cũng không thể ăn được vì không muốn bị Tào Tháo rượt. Thế mà nhoáng cái, mọi người rào rào một chặp là đã xong bữa.



Đúng ra thì bạn nên ăn hết vì họ không thích thức ăn bị thừa. Các bạn nào sẽ ăn miễn phí ở đây nên chuẩn bị tinh thần: chắc là sẽ ăn được món bình dân của Ấn và bao tử còn đủ chỗ. Amritsar là thánh địa của đạo Sikh như Mecca hay Vatican. Đến Amritsar là một trải nghiệm lớn, người Sikh rất vui tính, thích nói đùa, nhưng cũng có thể nói nóng nếu mình đùa với tôn giáo của họ (coi chừng họ sử dụng cái bửu bối Kirpan :)) ).
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 6

@ Chitto, bên trong Đền Vàng bị cấm chụp hình nên chắc bạn khó tìm ra hình trên mạng. Để bpk hôm nào lục lại tìm vài tấm hình của các ngôi đền của đạo Sikh khác đưa lên đây. Nói chung là vì không thờ tượng, hình ảnh (cũng như đạo Hồi) nên các ngôi đền của đạo Sikh bên trong cũng khá đơn giản.


@ oilman, bpk biết chứ, văn hóa buffet, văn hóa “khất thực”… bpk đều biết nhưng bpk không thể ăn được, dù đã rất rất cố gắng, với món cháo sữa đó. Bpk cũng đã cố gắng diễn đạt với những người xung quanh rằng mình không thể. Dường như họ hiểu và chấp nhận nên vẫn vui vẻ với bpk. Muốn rút kinh nghiệm cũng không dễ, vì mình đâu biết là họ sẽ cho mình ăn cái gì đâu. Đó cũng là ngày đầu tiên đến Punjab, không biết đến món đó, chứ mấy món ở Varanasi, Delhi… bpk ăn được hết mà….
____________________________________

(cont.)


PB241651.jpg

Lối vào Jallianwala Bagh, nhỏ nhắn nhưng xinh xắn và nghệ thuật


PB241654.jpg

Bia tưởng niệm chính


Nằm gần bên Ngôi đền Vàng, Jallianwala Bagh là công viên, cũng là nơi tưởng niệm cuộc thảm sát làm chết và bị thương khoảng gần 2.000 người dân địa phương. Cuộc thảm sát này do binh sĩ Anh tấn công vào một cuộc biểu tình bất bạo động của dân chúng vào năm 1919, ngay tại chính nơi này. Nhiều nơi trong công viên này đều được giữ gìn cẩn thận, ghi dấu trận thảm sát, như cái giếng Martyrs, nơi mà hàng trăm người đã nhảy xuống để tránh đạn.


PB241662.jpg

Giếng Martyrs, giờ đã được xây bao quanh bảo vệ di tích của một thời



PB241656.jpg


PB241661.jpg

Các bức tường lỗ chỗ vết đạn của cuộc thảm sát gần 100 năm trước


Giờ nó là một công viên xanh mát, nhỏ nhắn đáng yêu. Nếu bạn cảm thấy cần một khoảng xanh để dịu lại sau khi bị ám ảnh bởi cái trắng toát lóe mắt của khuôn viên quanh Đền Vàng, cái vàng rực chói mắt bởi Ngôi đền Vàng lấp lánh, bạn nên sang đây, lăn ra cỏ nằm dưới một bóng râm nào đó. Chợt thấy những tia nắng vàng nhảy nhót qua kẻ lá sẽ đáng yêu hơn, không còn chói sáng rực rỡ như ở ngay bên kia bức tường.


PB241660.jpg

Các nhóm thanh niên Punjab vui vẻ, mến khách trong công viên Jallianwala. Các cô gái xinh quá hén!​


(tbc.)
 
Xem bộ phim Gandhi làm năm 1981 tả lại cảnh lính Anh thảm sát ở cái giếng thật sống động. Ben Kingsley đóng phim đó tuyệt. Ban đầu em cứ nghĩ do là nền văn hóa lớn nên sản sinh ra Gandhi với lý thuyết bất bạo động của tổ tiên ông, ai dè đọc Tự truyện của Gandhi mới biết ông này học được lý thuyết BBĐ từ Lev Tolstoi! Tự truyện của Gandhi ấn tượng nhất vụ ông ấy thuê 1 đầu bếp về nấu ăn cho mình, ai dè ông bếp này theo 1 tôn giáo có phát nguyện suốt đời đi vệ sinh không rửa tay, báo hại cụ Gandhi phải làm đầu bếp cho luôn cả hai người!

Bác Chitto hay bác nào biết thì cắt nghĩa thật rõ dùm em vụ tại sao Hồi giáo lại không dùng họa tiết trang trí hình người và động vật với. Theo em hiểu thì họ quan niệm quyền tối cao được sáng tạo ra con người và động vật là thuộc về Thượng đế, nên không được phạm thiêng khi trang trí những độc quyền của Người. Nhưng tại sao cây cỏ không thuộc phạm vi giới hạn? Có thuyết nào khác liên quan không? Bắt nguồn từ tôn gíao nào? Theo em biết hình như Chính thống giáo ở Constantinopole cũng có 1 nhánh không dùng hình người và động vật, nhưng sao Chính thống giáo ngày nay vẫn có ảnh Chúa?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,621
Bài viết
1,154,050
Members
190,152
Latest member
sportzwarrior
Back
Top