What's new

Gốc đa của các bạn & Phớt.Điểm dừng chân sau những chuyến đi.

Re: Gốc đa của các bạn & Phớt.Điểm dừng chân sau những chuyến đi.

THẠCH THẢO

Anh ngắt đi một cụm hoa Thạch Thảo
Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi!


Xa rồi!
Thạch Thảo ơi!
Thu biền biệt
khẽ về
phủ vai miền sương khói.
Gốc thông già
oằn mình
trên đỉnh đèo gió nổi,
Bàn tay lạnh
chẳng giữ nổi em!
Thạch Thảo ơi!
anh chẳng thể bình yên,
Khi chân tình đã gửi về nơi ấy
Em mong manh đến vậy
Em nồng nàn đến vậy
Em lạnh lùng đến vậy,
Anh chẳng giữ nổi em!
Thạch Thảo ơi!
Soi bóng mình trên sóng Tuyền lâm.
hỏi:
-Thu đã về đâu?
mà sao Thu đã chết?
Anh lặng lẽ xa em
dấu luôn lời giã biệt,
Thạch Thảo ơi!
Ai nỡ ngắt tình em!

...
Nếu có lỡ phượt qua Đà lạt, xin đừng đi một mình!
 
Re: Gốc đa của các bạn & Phớt.Điểm dừng chân sau những chuyến đi.

Có những con sông nước trong vắt và cũng có những con sông nước đục ngầu.
Câu hỏi đặt ra:
-Hợp lưu của hai con sông sẽ trong hay đục?
Quá dễ cho một câu trả lời. Nếu cuộc sống cũng như thế thì còn đâu “Gạn đục khơi trong”?
Nhiều khi ta mơ hồ giữa cảm giác giữ mình và hòa nhập mình. Ai dám chắc tâm hồn mình chưa hề vẩn đục. Soi vào những đôi mắt này, ta thấy mình tầm thường và đáng ghét. Nhưng cũng vì soi mình vào những đôi mắt này ta thấy mình vẫn còn cảm thông được với những nỗi khổ đồng loại. Hy vọng nơi cuối của dòng chảy cuộc đời, ta tìm lại dòng trong cho linh hồn mình.

Dòng trong...

fateless1371.jpg

dòng đục..

fateless1375.jpg

Hợp lưu thành con sông dưới chân Mã pì lèng

fateless1377.jpg

Ôi!
Những đôi mắt trẻ...

fateless817.jpg
 
Re: Gốc đa của các bạn & Phớt.Điểm dừng chân sau những chuyến đi.

Một chuyến đi không đơn thuần chỉ là đi tìm cảm giác lạ hay những trải nghiệm mới. Tôi chất lên chuyến xe độc hành về miền sơn cước rất nhiều những trĩu nặng trong tâm tư. Dẫu biết rằng:

Gánh cực mà đổ lên non,
Cắm đầu mà chạy cực còn chạy theo.


Nhưng hình như những tán thông trên đèo Yên Minh đã giúp tôi làm mát lại những cảm giác khô cằn. Thông ơi! Cho tôi gửi lại một phần gánh nặng mang theo nơi thông nhé!


fateless650.jpg
 
Re: Gốc đa của các bạn & Phớt.Điểm dừng chân sau những chuyến đi.

...
Trời lập đông chưa em
Cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi
Để mặc tôi lang thang
Ôm giá băng, ngỡ thầm người yêu tới…
...

Hôm nay Lập đông rồi đó Em. Đêm cà phê phố cổ Đồng văn tôi ôm cây harp thổi khúc nhạc cho riêng mình.

...
Tôi chỉ là người điên
Trong vườn hoa tình ái
Tôi chỉ là người say
Bên đường em nhìn thấy
Thôi em đi, đi đi vì người điên không biết nhớ và người say không biết buồn!
...


Lần đầu tiên người điên đã không nhớ và người say đã không buồn. Thật đấy Em àh! Quá khứ đã là quá khứ nơi cao nguyên đá này. Tôi yêu Em nhưng sẽ chẳng còn những hờn ghen trách móc hay khổ đau quằn quại nữa đâu Em.
Cà phê ơi! Nhận thêm giúp tôi một chút đắng cuộc tình cho đậm đà hương vị nhé! Tôi không muốn uống thêm nữa đâu!

p1070871x.jpg
 
Re: Gốc đa của các bạn & Phớt.Điểm dừng chân sau những chuyến đi.

Chợ phiên Đồng văn! Lại đắm đuối đi tìm những khuôn mặt, những ánh mắt. Lạ thế! Dấu ấn thời gian chẳng buông tha ai bao giờ. Khi nao thì mình sẽ như vầy

p1080001y.jpg

Hay như vầy??

fateless940.jpg

Nhưng vẫn thích những sự khởi đầu mới.
Những đôi mắt trẻ!!


p1080092.jpg


p1080523y.jpg



Mắt trẻ ơi! Cho tôi một vé về tuổi thơ nhé!
 
Re: Gốc đa của các bạn & Phớt.Điểm dừng chân sau những chuyến đi.

...

Ruộng bậc thang mươn mướt gió ngàn lay
Tôi muốn buông mình trên thảm Em ngợp nắng


Đã lâu chưa Em tôi không viết những dòng thơ như thế? Chắc đủ lâu để Em không còn nhớ, vì ngày hôm qua chẳng phải là ngày hôm nay. Bài thơ này tôi viết cho Em đó! Quả thật, đó là sự so sánh hoàn toàn trái chiều.. Em còn đâu chân chất dịu hiền hay ngây thơ thánh thiện. Nhưng tôi biết, bản chất Em là như thế. Đôi khi sự bao dung và lòng vị tha có giá trị hơn rất nhiều những giá trị vật chất khác đúng không Em?

p1080305v.jpg



p1080337.jpg


Tôi yêu cái mộc mạc nhưng ...
sự kết thúc của vẻ đẹp này là cho “nhợn” ăn đó!
Em đừng như thế nhé! Em yêu!

Tam giác mạch ơi! Xót xa đời Em quá!

p1070778f.jpg



p1070779.jpg
 
Last edited:
Re: Gốc đa của các bạn & Phớt.Điểm dừng chân sau những chuyến đi.

Không đi được chợ tình Khâu Vai thì ta tổ chức chợ tình Khâu Vá nhỉ. Chẳng kim, chẳng chỉ và chẳng có ảnh minh họa luôn. Chẳng phải sợ gì đâu nhưng chẳng thích làm ai phiền lòng.
Các bạn của tôi!
Có ai tìm thấy tình riêng của mình trong chợ phiên Khâu Vá này không?? Vui nổ bóng, nổ pháo, nổ trời. Gào khản cả cổ đến giờ vẫn ho rát ngực. Tôi đã tìm thấy tôi trong các bạn. Những người bạn mới quen nhưng sẽ chẳng muốn quên. Nếu như còn Duyên chắc chúng ta sẽ còn gặp nhau trên những cung đường phía trước.
Cảm ơn các bạn!
...
Suýt quên!
Cái mình tìm được một cô con gái dất sinh và dất sinh đó àh!
Phen này tổ chức kén con dể phải “thách cao dao bầu” thôi!
Điều kiện sơ loại:
-Thích phượt và đủ “xìn” đi phượt.
-Đổ đèo ôm cua tay áo tốc độ 60km bằng một tay, tay kia bấm máy ảnh mà không out nét!
Như vầy được không con gái???
...

Khoe hàng tí!
Con gái mình còn sinh hơn thế này nhé! (c)

fateless683.jpg
 
Re: Gốc đa của các bạn & Phớt.Điểm dừng chân sau những chuyến đi.

TIẾNG ĐÀN MÔI SAU BỜ RÀO ĐÁ


Dựng xong căn lều trên mảnh nương mới được người bạn nhường cho, ông Chúng mang mấy chiếc nồi bé sang, cả gạo, muối, dầu thắp, cả một con trong đàn chó canh nhà. Lúc bà hỏi ông, định đi luôn không về hay sao mà mang lắm thứ thế, ông bảo phải qua sông, lại cũng xa nữa, nên thỉnh thoảng ông phải ở lại. Thực ra chính ông cũng biết đó chỉ là cái cớ, chứ nếu ông đi vắng thường xuyên thì nhà ông như thiếu tường đất, mưa không biết lấy gì che, gió không biết lấy gì chống. Chưa kể gần đây thỉnh thoảng lại có nhà trong bản bị mất trộm dê lợn, có nhà đã mất cả bò. Thế mà cánh cổng gỗ vào nhà đã có từ đời ông bà, chưa một lần thay, cài then thì cũng chỉ để đánh lừa mắt thôi, người khoẻ xô nhẹ là bật ra ngay rồi. Chẳng phải ông không biết lo việc nhà, chẳng phải ông bỏ đi để hàng ngày được rượu thịt một mình. Lúc này ông thấy trong nhà mình khó ở quá, giống như trời sắp dông mà mấy ngày liền không mưa được. Nhìn dáng con May ngồi thái dọc mùng trắng cho lợn mới thấy thời gian trôi đi nhanh quá, thằng Trài cũng cao hơn con dao quắm dựng góc nhà rồi. Chỉ phải lo cho hai đứa con một vài năm nữa thôi, đến lúc chúng như cánh chim rời tổ thì với ông sống hay chết, no hay đói, giàu hay nghèo cũng chẳng cần phải nghĩ đến nữa. Cả bà chắc cũng nghĩ như ông thôi...
Ông Chúng sang nương, mấy ngày đầu nhà vắng quá, bữa cơm nào cũng mang thừa bát đũa. Đến tối May sang ngủ chung với mẹ già. Thường thì cứ phải đến lúc May chập chờn ngủ rồi mẹ già mới vào. Hôm nào mẹ cũng phải đi một vòng xem lại cửa cổng, dập hết than trong bếp lò, mang chó ra buộc gần chuồng ngựa. Lúc mẹ già vào, May ôm lấy mẹ thật chặt. Người May nóng gần bằng cái bếp lò, mẹ già bảo thế.
Đêm nay May đi ngủ muộn, phần vì nhà đã vắng càng vắng - thằng Trài mang ngựa đi lấy giống, mẹ già đi xem bệnh cho trẻ con nhà Chứ - phần vì ngoài kia, sau bờ rào đá, có tiếng đàn môi tự dưng cất lên, gọi mãi, gọi mãi. Tiếng đàn ấy may gặp ở mấy phiên chợ rồi, lần nào cũng đuổi sau lưng, May đi nhanh thì theo nhanh, May đi chậm thì theo chậm, bây giờ lại dám theo về tận nhà người ta nữa. Đã mấy lần May đứng dậy, ngập ngừng định đi ra cửa mà chân cứ run lên lại ngồi xuống. Chiếc khăn thêu được vài đường đã nhầm, kim lại đâm vào ngón tay mấy lần. Sau rồi May cũng giữ được chân mình mặc kệ tiếng đàn môi ấy, dội lửa vào gộc củi rồi vào buồng. Tiếng đàn còn quanh quẩn bên ngoài mãi mới chịu đi. Tiếng bước chân ngựa cũng ngập ngừng. Đi ngựa là người ở xa đến rồi. Đi xa mà đứng lâu như thế dưới sương có khi lại ốm.
May nằm mãi cũng chẳng ngủ được. Trên gác nhà, con mèo mẹ tha đàn con đi đi lại lại suốt, lục sục trong đống ngô bắp. Nhà không có đủ người, gió lùa từ đầu hồi này tới đầu hồi kia, nghe mỏi cả tai. Nhằm mắt rồi mở mắt, May cố không nhìn vào cái hòm gỗ to lù lù góc buồng. Trong cái hòm ấy mẹ già cất một bộ váy áo đẹp lắm, thêu bảy màu như cầu vồng, mẹ bảo bao giờ con May lấy chồng thì mẹ cho mang theo. Vậy mà mới đêm hôm qua, lúc gần sáng May thức giấc lại thấy mẹ già mở hòm lấy bộ váy áo ấy ra. Mẹ già định mặc váy áo đẹp đến thế đi đâu? Hết mùa cưới rồi, họ hàng chắc cũng không còn ai cưới vợ cưới chồng cho con nữa. Mẹ già đi đâu? Hay là mẹ già định đi hội chợ 27 tới đây? Nếu thế thì... thì sao hở May? Có phải vì bố bỏ sang nương không? Hay vì bố biết mẹ già định đi hội chợ tháng 3 năm nay mà bố đi? Lâu lâu không nghĩ đến chuyện bố mang gạo muối sang bên kia sông Nho Quế, bây giờ nghĩ lại mới thấy có điều gì đó không bình thường, không giống như việc đàn ông các nhà khác làm lều trên nương canh dê bò, canh khỉ trên rừng về phá. Càng nghĩ càng thấy khó tìm lối ra, càng khó ngủ. Tự dưng May lo lo, không rõ mình lo gì, nhưng như có ai đốt lửa trong bụng. Ngoài hè, giọt sương đọng trên mái tranh rơi xuống bể nước đá cạn khô càng lúc càng to, nghe giống tiếng mưa lác đác.
Năm nay trời rét đậm hơn mọi năm, lại rét muộn nữa. Rét muộn thì sẽ rét lâu rét dài, tháng ba tháng tư có nắng rồi vẫn rét. Ra giêng hoa đào hoa lê mới đua nhau nở, ai cũng bảo năm nay Tết mùng năm tháng năm sẽ mất vui. Nhưng Tết mùng năm còn lâu mới tới, trời thay đổi tính nết thì con người khổ, khổ vì gieo hạt ngô lúa xuống đất mãi vẫn chưa thấy lá chồi lên. Đất càng ngày càng khô đi. ở những nương đá mới xếp đất xẹp dí xuống, đợi hạt giống đâm mầm lá lên mới bón thêm phân được. Nhưng lo thì cứ lo vậy thôi, hội 27 vẫn chẳng kém vui hơn mọi năm đâu.Có tiếng chó đầu nhà rên ư ử, đuôi quẫy đập vào tường đất lạch phạch. Ông Chúng về. Mẹ già mới về trước một lúc lập cập ra mở cửa, xuýt xoa:
- Về sớm thế? Sao không để sáng hẳn ra, sương tan cho đỡ lạnh.- ừ... - Tiếng ông khàn khàn - Cũng định thế. Nhưng có mấy người trên Xíu cái xuống sớm, bảo cho đi nhờ thuyền sang bên này, tiện thể về luôn. ở nhà có việc gì không?- Vẫn thế thôi, chỉ có mấy thanh chuồng ngựa sắp gãy. Hôm nào ông về lâu lâu thì sửa nhé.
- Được rồi, cứ để đấy, tí nữa tôi sửa luôn.ở nhà này thứ gì cũng cũ, cũng già. Cả cái chuồng ngựa cũng thế. Ngày xưa bố ông Chúng dựng bằng gỗ lim từ lúc con trai út chưa ra đời. Mấy chục năm rồi, không nhớ đã có bao nhiêu đời ngựa, bây giờ mới hỏng cần phải sửa là bền quá còn gì.Trời sáng hẳn, ông Chúng đi một vòng quanh nhà, xem kỹ chỗ chồng ngựa chuồng dê rồi mang dao, cưa ra sửa luôn. Bà ra theo ông, xem có cần gì thì giúp. Vừa làm ông Chúng vừa bảo vợ:
- Mẹ già này, năm nay xuân muộn, người đi chợ 27 đông lắm, nấu được ít rượu ngô đem bán thì tốt quá.
- Không phải nấu cũng còn đầy kia kìa. Trước Tết nhà Sùng nhờ nấu mấy nồi cho nó lấy con dâu mới, sau họ hàng giúp nhiều quá lại không dùng đến.
- Thế thì bà mang ngựa thồ đi bán nhé.
Giọng nói của ông có gì khang khác, bà cảm thấy thế. Rượu nhà mình tự nấu, để bao lâu cũng được, càng để lâu uống càng ngon. Mà từ giờ đến Tết năm sau còn có bao nhiêu dịp cần đến rượu, sao ông lại giục bà đi bán. Bà nhìn mãi sang ông nhưng ông vẫn cắm cúi làm, như không để ý, như chỉ vô tình nói ra chuyện đi chợ bán rượu. Ai cũng biết mang rượu đi chợ 27 để người bán người mua uống cùng với nhau. Uống cho say rồi người mua không nhớ trả tiền cũng được, mà nhớ nhưng trong túi chỉ còn vài đồng không đủ mua túi muối, mang ra trả cũng được. Chợ ngày 27 nhưng từ 21, 22 đã lác đác có người, có rượu. Cả năm cúi mặt ngoài nương, cúi mặt vì hạt ngô hạt đậu, về nhà cúi mặt vì con lợn con gà, mãi mới có lúc thảnh thơi. Không bị trẻ con quấn chân nên ở chợ mọi người tha hồ chơi, tha hồ uống rượu. Đàn ông quên dao, quên nỏ, đàn bà quên chảo cám, quên cái đũa cả, chẳng ai chê cười.
Giữa ông Chúng với vợ đúng là có bao nhiêu thứ khó nói ra thành câu thành tiếng. Tất cả cũng chỉ tại một người mới đến, rồi lại đi trước Tết. Đi luôn thì thôi, đằng này còn hẹn ra xuân sẽ quay lại. Nếu đúng lời hẹn thì người ấy cũng sắp quay lại rồi.
 
Re: Gốc đa của các bạn & Phớt.Điểm dừng chân sau những chuyến đi.

Trước Tết một tháng, đúng hôm mẹ già với May làm bánh khảo thì nhà có khách. Khách ấy là mẹ Hoa. Lúc May ra mở cổng, May nhận ra mẹ Hoa ngay, nhưng mẹ Hoa cứ đứng nhìn May mãi, nhìn không chớp mắt. May không nghĩ mình lớn đến mức khó nhận ra thế. Ngay lúc ấy May đã quay lưng đi như chạy vào nhà ngay, mặc kệ mẹ Hoa kéo lê cái túi to đùng trên đất đi sau. Người May tự dưng nóng bừng lên, hai đầu gối run bần bật. Có cái gì đó như một cơn gió lạ đã ùa đến, rồi sẽ hất tung mọi thứ trong nhà lên, sẽ chẳng có thứ gì được ở yên chỗ của mình nữa. Sao tự dưng mẹ Hoa lại về, sao không đi luôn. Chị em May đã sắp quên chuyện cũ đi, giờ lại phải nhớ hay sao?
Mẹ Hoa đi vào trong nhà, cúi đầu chào bố đang ngồi bên bàn uống nước. Bố May nhìn ra:- à... lại về nhà đấy!- Vâng... mẹ Hoa lí nhí, đầu cúi thấp hơn nữa, tay mân mê hai cái quai túi đặt trước mặt.
- Về làm gì? Bố hỏi mà như không hỏi
- Em... em về chơi thôi. Xem mọi người thế nào.
- Thế nào à? Chẳng thế nào hết. Người lớn thì già đi, trẻ con thì lớn lên...
Bố nói như không có người đứng nghe ngay trước mặt. Bố gọi May, gọi thằng Trài. Chỉ mình thằng Trài vào, còn May đứng đầu hồi, như không nghe tiếng bố.
Mẹ già đi ra, bảo mang củi ướt ngoài chuồng ngựa vào cho mẹ gác lên bếp lò, ghé vào tai May nói như mắng:
- Không được thế con gái à. Mẹ Hoa chứ có phải người lạ gặp ngoài đường đâu. Lâu quá nó mới về nhà, nhưng con gái vẫn không quên đâu, phải thế không?
May quay lại trả lời mẹ già:
- Con còn nhờ hơn cả mẹ, mẹ già ạ. Nhớ hết. Nhớ cả con bò bị người ta dắt đi...- ầy, chuyện cũ đừng nhắc nữa. Cái gì cần nhớ hãy nhớ, cái gì nên quên phải biết quên. Hôm qua trời mưa nước suối đục, nhưng không đục mãi được. Con người cũng thế...Mặc kệ mẹ già nói gì thì nói, May cũng không tự bắt mình quên được. May chạy ra chạy vào, hùng hục mang tất cả số củi ướt ngoài chuồng ngựa vào chất cao gần chạm gác bếp ở sau lò. Một thanh củi rơi cả vào chảo cám đang sôi sùng sục. Mặc kệ. Mồ hôi túa ra trên mặt May, áo vay bê bết đất. Chuyến cuối cùng, thằng Trài đứng chặn ở cửa, nhìn chị từ trên xuống:
- Chị là đứa trẻ con bốn, năm tuổi à?
May mím môi. Thằng Trài người thì to thật đấy nhưng ý nghĩ thì bé, bây giờ đã dám nói cái giọng ấy với chị nó rồi cơ đấy. May giằng tay em ra, mang số củi ướt vào phía sau bếp lò, cầm lấy thanh củi trong chảo cám quấy tung cả lên.
Mẹ già về làm vợ ông Chúng đã hơn hai chục năm. Ngày ấy cả vùng này biết tiếng cô Mao đẹp người nết cũng đẹp, con gái bản trên làng dưới không ai dám nhận mình thêu thùa, dệt vải vừa nhanh vừa đẹp như cô. Cả vùng cũng chỉ có nhà anh Chúng chồng đủ bạc trắng, đủ gạo, rượu như bố mẹ Mao thách cưới, vậy là Mao về làm dâu nhà Chúng. Trước ngày cưới, cả đêm tiếng chân ngựa bồn chồn ngoài bờ rào đá làm Mao thức trắng. Mờ sáng thì con ngựa ấy bỏ đi, một lúc sau thì tiếng đàn môi cất lên từ sau hẻm núi. Tiếng đàn môi nghe rất xa. Mao ngồi dậy, nhìn qua ô cửa bé bằng hai bàn tay, thấy ngoài trời mù mịt sương ập xuống mảnh sân, vườn, nhìn từ nhà ra bờ rào đã không thấy rõ. Tiếng đàn môi từ rất xa kia lại giống như mũi tên xuyên qua thấy rõ. Tiếng đàn môi từ rất xa kia lại giống như mũi tên xuyên qua sương dày đặc, lao đến. Tiếng đàn môi buồn rầu, trách móc. Mao lặng lẽ khóc, từ hôm ấy Mao không bao giờ nghe tiếng đàn Môi dành cho riêng mình nữa.
Sau ngày cưới một năm, hai năm, rồi ba năm, chờ mãi mà vợ chống Mao vẫn chưa có con. Lúc đầu nhà chồng còn chạy tìm thầy tìm thuốc sau thấykhông làm được gì đành thôi. Bố chồng, mẹ chồng nối nhau đi, thương con dâu như con gái nên không đành mở miệng bảo con trai đi tìm vợ mới, dù cả họ chỉ còn mỗi một người đàn ông trẻ nhất là Chúng.
Còn lại hai vợ chồng, bao nhiêu lần Mao nói với Chúng, hay là Chúng để Mao về nhà mẹ đẻ, cho Chúng đi lấy vợ mới, nhưng Chúng không nghe. Chúng phải giữ lấy Mao như giữ cánh cửa trong nhà mình. Chúng biết mình chẳng tìm được ở đâu một người thay được chỗ của Mao. Mỗi lần có việc phải ra khỏi nhà Chúng cũng đều cố gắng nhanh nhanh cho xong việc để còn về. Chúng sợ Mao ở một mình lại buồn, sợ Mao đắp nửa chăn, nằm nửa giường lạnh không ngủ được.
Năm ấy, người ta mở đường lên Thượng Sơn, cả bản nhà nào cũng phải có một người ra khuân đất đá. Ngày nào Mao cũng dậy sớm đồ xôi, nướng gà cho Chúng ăn no, còn gói để Chúng mang theo ăn trưa luôn. Nhưng càng ngày con đường càng xa, làm xong không kịp về nhà, Chúng phải mang gạo đi, đến công trường góp nấu cơm chung với người ta. Vài ba hôm Chúng mới tranh thủ về được một lần. Lần nào cũng động viên Mao chịu khó ở một mình ít ngày nữa, đường sắp xong rồi.
Nhưng cũng phải hết mùa khô thì con đường nối mấy xã với nhau mới hoàn thành. Căn nhà rộng vắng bóng Chúng lâu quá nên chỗ nào cũng lành lạnh, ngày Chúng về Mao đang ốm, đã mấy hôm liền không ăn uống gì.
Nhưng Chúng không về một mình. Đi theo Chúng còn có một người cùng trong đội dân công. Người ấy là một cô gái trẻ, trẻ hơn Mao mấy tuổi, người miền xuôi.
Mao lặng lẽ chuyển đồ đạc của mình sang căn buồng của mẹ chồng trước kia. Căn buồng thường xuyên được Mao quét dọn, nhưng thiếu người ở nên cứ như cái nhà hoang. Lúc Mao mang cái hòm riêng từ ngày về nhà chồng ra thì Chúng đứng ở cửa buồng, đưa tay ra như muốn giữ Mao lại. Mao nhìn vào mắt Chúng, nhìn thẳng. Chúng không chịu được ánh mắt Mao phải quay mặt để Mao bước ra. Đêm hôm ấy Chúng ngồi gọt chuôi dao bên bếp lò, muộn lắm mà không đi ngủ. Mao dọn dẹp nhà cửa xong cũng không đi ngủ mà mang bó mùng trắng ra thái. Hai người không ai nói gì, chỉ nghe tiếng dao thái vào thân mùng phầm phập. Mao đứng dậy, đổ dọc mùng vào chảo cám, cúi xuống đẩy mấy gộc củi vào sâu trong bếp, lúc ấy Chúng mới kéo áo Mao, bảo Mao ngồi xuống cạnh mình. Nhưng hai người ngồi cạnh nhau rồi mà Chúng vẫn cứ gọt mãi, gọt mãi cái chuôi dao, gọt cả vào ngón tay, máu gứa ra. Đưa ngón tay bị đứt lên miệng, Chúnh không biết bắt đầu như thế nào. Mao vẫn nhìn chằm chằm vào bếp lửa, ánh lửa hắt lên mặt Mao đỏ hồng, tự dưng Chúng thấy sờ sợ Mao, thà Mao cứ nói gì thật to với Chúng còn hơn.
Từ hôm ấy nhà có ba người. Ba người ngủ ở ba cái giường, ba góc nhà. Ba người không mấy lúc nói chuyện với nhau, Mao dưới bếp, Hoa trên nhà, Chúng ngoài vườn, chỉ bữa cơm mới ngồi gần nhau. Đêm nào cũng nghe thấy tiếng kọt kẹt từ ba cái giường. Dậy sớm hay dậy muộn thì cả ba người đều quầng hai mắt. Sống thế thì khổ quá, rồi đến lúc ốm cả thì sao? Một đêm, Chúng ngồi dậy, đi đến cửa buồng bên phải, cửa buồng cài chặt bên trong, Chúng đứng một lúc lâu, khe khẽ ho, nhưng cửa vẫn đóng kín cũng không nghe thấy tiếng người trong buồng thức dậy. Lúc ấy, buồng bên trái tự dưng có tiếng khóc. Tiếng khóc của người đang úp mặt xuống gối. Cửa buồng bên ấy lại không cài, chỉ khép hờ. Trời lạnh mà mồ hôi vã ra đầm đìa trên mặt Chúng...
Sau khi con bé May ra đời, Hoa ở lại chứ không bỏ đi như Chúng nói với Mao. Nhưng đúng là Hoa không quen làm nương, không biết trỉa đậu, vun đậu, nhóm cái bếp lò cũng không nổi. May được hơn hai tháng tuổi thì mẹ Hoa để May ở nhà với mẹ già rồi xuống phố huyện mở sạp hàng bán giày vải, thỉnh thoảng mới về.
May bé như con mèo con. Từ sáng đến tối khuya, lúc nào cũng nằm trong địu trên lưng mẹ già. Không biết bao nhiêu lần May ngậm hai bầu ngực mẹ già, nhay đến bật máu vì thèm sữa. May lên hai tuổi, còn chưa trèo qua được bậu cửa thì mẹ Hoa đẻ thêm thằng Trài. Thằng Trài lại ngồi trong địu, thay chỗ của May, lại nhay bầu vú chưa bao giờ có sữa của mẹ già.
Mẹ Hoa ngày càng ít về, mỗi lần về cũng chỉ một lúc, không kịp ăn cơm lại đi. Lần nào về cũng mang cho hai chị em May cả túi kẹo màu to tướng, cả giày dép áo quần. Nhưng lần nào cũng vậy, chị em May lại mang kẹo ra đổ vào máng ngựa, quần áo cũng không mặc đến, mặc váy áo mẹ già dệt quen rồi. Quần áo mẹ Hoa mang về cứ để mãi trong hòm...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
57,132
Bài viết
1,158,328
Members
190,428
Latest member
phogahanoi205
Back
Top