DI TÍCH LỊCH SỬ BIA BÀ LA KHÊ
Làng La Khê trước đây thuộc thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Là vùng đất ven đô - cửa ngõ phía Tây Nam thị xã Hà Đông, lại nằm sát kinh kỳ trong chiếc nôi văn hóa kinh đô, làng có lịch sử lâu đời với những nét văn hóa riêng biệt.
Di tích lịch sử Bia Bà La khê bao gồm: Đình làng La Khê, nhà thờ Mẫu - Bia Bà, chùa Diên Khánh.
Tục truyền rằng Làng La Khê xưa kia là vùng đất sình lầy hoang vu, lau sậy mọc um tùm, gò cao, ruộng thấp xen lẫn suối khe..., người dân một nắng hai sương vẫn nhọc nhằn, nghèo khó. Sau đó nhờ có hai vị thần "âm phù" báo mộng cho dân làng: Hắc diện Đại vương - vị thiên thần mặt đen râu rậm, mắt sáng mình mặc áo giáp vàng, tay mang thiên kích vân mệnh trời xuống trần gian giúp dân làng và bà Tiên Thiên Bảo Hoa công chúa - đằm thắm dịu dàng, tỏa ánh hào quang rực rỡ; bà cưỡi mây trắng theo luồng gió mát hạ xuống cõi trần, nhẹ nhàng đưa tay phất nhành hoa khuyến thiện, trừ họa đem lại thanh bình cho dân. Hai vị thần mang lại nguồn nước, điều hòa sông suối cho dân làng cấy lúa, trồng hoa... của cải từ đó sinh sôi nuôi sống con người qua bao thế hệ. Để tở lòng thành kính, biết ơn hai vị thần đã có công đức âm phù, dân làng đã chọn vị trí nơi đắc địa lập một ngôi miếu để nhang khói thờ phụng, và giờ là Đình Làng La Khê. Ngoài ra Đình Làng còn là nơi thờ phụng mười vị Tổ sư nghề dệt the có công dạy dân dệt nên những tấm the vân nổi tiếng.
Đình được xây dựng từ thế kỷ XVII, tu sửa lớn vào thế kỷ XVIIII, đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật quý có niên đại vài thế kỷ như: án gian, nhang án, kiệu, hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị... và 28 đạo sắc của các triều đại phong kiến Việt Nam phong tặng (từ thời Lê đến thời Nguyễn).
Nhờ những giá trị tinh thần và vật chất lưu truyền tại đây, ngày 19/1/1990 khu di tích La Khê đã được Bộ văn hóa thông tin cấp bằng Di tích lịch sử quốc gia.
Bên cạnh Đình Làng La Khê là Nhà Mẫu -Bia Bà linh thiêng, nơi thờ phụng Mạc triều Đông cung Hoàng Hậu.
Mạc triều Đông Cung Hoàng Hậu tên thật là Trần Thị Hiền. Bà sinh giờ Mão ngày Tân Mùi năm Hồng Thuận thứ ba (1511) trong 1 gia đình có nhiều công lao với triều Lê Mạc. Cha Bà là Cụ Trần Chân - con nuôi Trịnh Duy Sản đứng đầu triều Lê - tương truyền ông có sức khỏe vật được trâu, đánh được hổ, giỏi võ công.
Năm 1514 Mạc Đăng Dung đã đến ướm hỏi Bà cho con trai là Mạc Đăng Dung (lúc đo mới Bà mới 3 tuổi). Lớn lên bà nổi tiếng là người con gái hiền thục, đoan trang, công dung ngôn hạnh, xinh đẹp như vì sao lấp lánh, không chỉ giỏi văn chương mà còn thạo đường kim mũi chỉ.... Năm 1527 Mạc Đăng DUng lên ngôi đã cho đón Bà về cung. Năm Canh Dần (1530) Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh. Mạc Đăng Doanh phong bà làm Đệ nhị Cung (Hoàng Hậu). Năm 1536, Mậu Thân, Bà sinh được Hoàng tử thứ năm rồi lâm trọng bệnh, bà xin triều đình về quê tĩnh dưỡng. Vua cho ngự y về theo chăm sóc nhưng mệnh trời đã định, ngày 16/11 năm Canh Tuất (1538) Bà đã yên nghỉ vĩnh hằng tại cánh đồng Đa Bang - nơi mảnh đất quê hương. Trước khi mất Bà đã hiến toàn bộ của cải, điền trang cho làng, khuyến khích nông trang, mở mang nghề dệt.....
Nhớ ơn công đức của Đức Bà nhân dân đã lập đền thờ Bà tại cổng làng. Năm 1982 dân làng La Khê đã rước tấm Bia về khu di tích La Khê để thờ phụng.
(công trình mới được tôn tạo trùng tu)
(
theo Thuy Duong& Mai Anh - vn.360plus.yahoo.com)
Nghề dệt the lụa ở La Khê
Làng La Khê từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất tằm tơ, dệt lụa. Làng được hình thành từ thế kỷ thứ 5, lúc đầu có tên là La Ninh, "La" là lụa, "Ninh" là sự thịnh vượng, lâu bền.
Ðất làng do phù sa sông Hồng, sông Ðáy, sông Nhuệ bồi đắp nên, vì vậy rất màu mỡ, thích hợp cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Sang thế kỷ 15, làng La Ninh đổi thành La Khê. Nhưng các sản phẩm dệt của làng vẫn còn thô sơ, chủ yếu là sồi, đũi, phục vụ cư dân chốn Kinh kỳ Thăng Long xưa. Ðến đầu thế kỷ 17, người Hán ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) sang Việt Nam mang theo nghề dệt thủ công. Trong số đó, có mười gia đình người Hoa đã đến lập nghiệp ở đất La Khê, đem nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dệt tiên tiến dạy lại cho dân làng.
Nghề dệt the lụa ở làng La Khê nay là phường La Khê, (quận Hà Ðông) phát triển rực rỡ vào thế kỷ 17. Theo những bậc cao niên trong làng, vào thời hoàng kim, hầu hết dân trong làng đều sống bằng nghề canh cửi.
Các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo. So với sồi, đũi, loại hàng the, sa mỏng, nhẹ hơn, nhưng lại rất bền và đẹp, được lựa chọn để may trang phục cho các tầng lớp quý tộc trong xã hội phong kiến xưa... Do vậy, năm 1823, Triều đình nhà Nguyễn đã lập La Khê thành một xưởng dệt cho Kinh thành Huế, cả làng được miễn đi lính để phục vụ phát triển nghề.
Chợ Cầu Đơ, một tháng 6 phiên là nơi mua bán the La Khê để từ đó thứ sản phẩm cao cấp này đi theo khắp dọc dài đất nước. Nghề dệt the ở La Khê phát triển mạnh, không những cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Châu Âu. Vào đầu thế kỷ 20, các nghệ nhân làng nghề còn được phong cửu phẩm, bá hộ và the làng La được mang triển lãm ở Pa-ri...
Sau năm 1954, để dồn sức cho công cuộc cải tạo, xây dựng XHCN và chi viện cho chiến trường miền Nam, nghề dệt the tạm lắng, cả làng La Khê quay sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay... phục vụ sinh hoạt trong thời chiến.
Ðất nước thống nhất, nhưng trước nhịp sống hiện đại, đòi hỏi sự tiện lợi thì các loại trang phục cũng thay đổi cho thích ứng, nghề dệt the của làng mai một dần, tưởng chừng như rơi vào quên lãng...
Cho đến năm 2002, nhờ có chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống của Nhà nước, cùng với quyết tâm phục hồi nghề Tổ, chính quyền địa phương và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp La Khê và những nghệ nhân trong làng đã bỏ ra nhiều công sức tìm lại sức sống cho nghề the lụa.
Tuy nhiên, việc khôi phục gặp muôn vàn khó khăn bởi không còn mấy người biết cách dệt the, khung dệt cũng không còn. Việc phục dựng nghề trông cậy phần lớn các nghệ nhân trong làng lúc này tuổi đều đã cao, tâm huyết với nghề, quyết truyền nghề truyền thống cho lớp con cháu.
Các nghệ nhân đã nhớ lại từng chi tiết cấu tạo, rồi phục chế khung dệt trên tinh thần vừa thừa kế, vừa cải tiến để trở thành cỗ máy vừa dễ vận hành, vừa cho năng suất cao.
Sau khi lắp đặt thành công và sản xuất được những tấm the đạt chất lượng, Hợp tác xã tiếp tục đầu tư hơn 200 triệu đồng, lắp đặt 11 máy dệt và mở lớp dạy nghề cho lao động trong làng. Hiện ở La Khê còn cụ Nguyễn Công Toàn là nghệ nhân duy nhất của làng dệt the. Cụ là người tâm huyết với nghề được mời truyền lại bí quyết cho lớp trẻ.
Những người thợ trẻ từ chỗ chưa bao giờ sờ tay vào khung dệt, sau vài tháng được các nghệ nhân chỉ bảo, truyền nghề, đã biết dệt thành thạo các mẫu hoa văn.
Trong số những học viên của cụ có anh Lê Đăng Toản, một người dường như có “duyên” với the La Khê đã tiếp thu rất nhanh nhạy. Từ chỗ chỉ vì tò mò mà học, giờ đây anh Toản đã sẵn sàng “sống chết” với nghề. Gặp khách đến, anh say sưa thuyết trình về từng công đoạn của nghề từ go sợi, lên máy, dựng máy đến thăm go, sô nan và đục bìa (vẽ hoa để dệt) ở từng mẫu hàng như: the, sa, vân, xuyến , băng, là...
Theo cụ Toàn, sản phẩm của La Khê có các họa tiết, hoa văn rất tinh xảo. So với sồi, đũi, hàng the, sa mỏng và nhẹ hơn nhưng rất bền đẹp, được lựa chọn để may trang phục cho Vua Chúa xưa...
Nghề dệt the đòi hỏi rất nhiều công phu, có mẫu hàng phức tạp tới mức mất nửa năm mới dệt xong, nhanh nhất cũng phải hai tháng. Vẽ hoa để dệt được coi là một trong những công đoạn khó nhất của nghề bởi không chỉ như vẽ một bức tranh, người vẽ mẫu để dệt phải tính toán từng đường nét sao cho cân đối, lúc dệt lên tấm the không bị xô, bị dạt. Những người thợ dệt the La Khê phải vào tận Cố đô Huế xem các mẫu dệt để về khôi phục lại.
Công sức không phụ lòng người, đến nay, những người thợ dệt the La Khê đã sáng tạo ra hơn 20 mẫu hoa văn để dệt thành những tấm vải the hoa, trong đó có không ít những mẫu hoa văn cầu kỳ, với họa tiết cách điệu những hình tượng văn hóa dân gian như "tứ linh" (long, ly, quy, phượng), "tứ quý" (tùng, cúc, trúc, mai) hay hình song hạc, mây trời, hoa sen, chữ thọ...
Năm 2007, sản phẩm the La Khê được trao Cúp vàng thương hiệu Việt tại Triển lãm Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Ðây là sự ghi nhận sự hồi sinh của làng nghề truyền thống.
Dù khẳng định nghề dệt the cổ truyền của địa phương đã “sống lại” nhờ những người thợ trẻ, song người dân nơi đây không khỏi lo lắng về tương lai làng nghề trước “đầu ra”của sản phẩm the La. Mặc dù sản phẩm the lụa có nhiều ưu điểm như mềm mại, thoáng mát, điều hòa thân nhiệt tốt, không bị nhăn, bị xô, rạn, nhưng rõ ràng chưa cạnh tranh được với các sản phẩm sợi tổng hợp, may công nghiệp.
The lụa La Khê được sản xuất từ sợi tơ tằm chất lượng cao, dệt thủ công, cho nên giá thành tương đối cao. Hợp tác xã dệt the La Khê đã được thành lập song hầu như chỉ sản xuất theo hợp đồng còn lượng hàng bán đại trà ra thị trường được rất ít.
(
theo HTSN nguồn Hanoinho.com - langvietonline.vn)