What's new

[Chia sẻ] Hành trình ba lô 2 tháng dọc Lào Thái Malai Sing

Chuyến đi này của em nó kéo dài đúng 2 tháng khi em xuất phát ở vinh ngày 9/6 về lại Vinh 9/8 nhưng có gần 10 ngày ở trong nước nên thời gian đi dọc mấy nước trên chỉ là hơn 50 ngày thôi. Ban đầu cũng không định viết, một phần vì lười, một phần vì em mất hết ảnh của chuyến đi rồi. Số là vừa về đến Sài gòn thì con sờ ma phôn của e nó rơi, nó vỡ màn hình e đi thay hết 750k, vừa dùng đc 1 hôm thì thấy xèo xèo khét khét vậy là cú rơi này kết hợp với lần nhúng nước mấy tháng trước làm em nó chết CPU, không cứu vãn đc gì cả, em tiếc ảnh ít mà tiếc 750k thì nhiều, cả ngày ko ăn cơm vậy là tiết kiệm đc gần 100k, vui rớt nước mắt.
Nhưng hơn 2 tháng sau khi về, tức là hôm nay em nghĩ rằng giờ ảnh ko còn, cũng ko viết gì thì uổng quá nên em viết, viết chay (không hình minh họa), viết theo tinh thần có chữ là đước cần gì biết cấu trúc và nội dung, nên các bác đọc có gì ko phải bỏ qua cho em với nhé.
Ok, bắt đầu!
Phần 1: trước chuyến đi
Em đang làm nhân viên văn phòng cho 1 công ty tư nhân các bác ạ, làm được gần 4 năm rồi, nhưng em thấy việc chán quá, em muốn thay đổi 1 chút nhưng sợ vậy mà cứ lần lữa mãi, đợi đến 4 cái xuân xanh trôi qua em mới có can đảm bỏ việc. Nói vậy chứ lúc đó em cũng hốt lắm, nghỉ rồi biết làm gì mà ăn, nhưng lỡ nói ra rồi giờ rút lại thì ngại quá, thế là em nghỉ. Bạn bè hỏi tìm được việc đâu rồi hả, em chỉ cười bảo tau nghỉ đi chơi bây ơi, lúc đầu em cũng nói cho sướng miệng vậy nhưng nghỉ rồi ở nhà chả có việc gì làm cả thế là em đi chơi thật, 1 phần cũng vì nói với bạn đi mà ko đi thì ngại quá. Đấy chuyến đi của em nó bắt đầu từ hai lần ngại quá mà ra. Sau 9 ngày ăn cơm bố nấu ở nhà, em lên đường. Mà khoan, phải nói đến ngày ở nhà thứ 1 2 3 đã, 3 ngày đó em cũng hào hứng tìm hiểu thông tin du lịch lắm, quyết làm chuyến ra tấm ra món nhưng rồi chẳng đâu vào đâu, tại cái tính lười không làm đc cái gì cho ra hồn, vậy là em bỏ việc lập kế hoạch luôn. Mấy ngày sau chỉ có ở nhà đi ra đi vào đến ngày thứ 9 thì chán ko chịu đc nữa nên đi. Nghĩ lại việc em có chuẩn bị từ trước và có kế hoạch nhất trong suốt chuyến đi là gọi điện đặt xe từ Vinh đi Luangprabang. Chiều mồng 8 khăn gói quả mướp, hí hửng bắt bus ra Vinh ở nhờ nhà bà con để sáng mai ra bến xe đi Lào. Vậy mà niềm vui nào có tày gang, điện xác nhận với nhà xe thời điểm xuất bến thì anh zai dễ thương bảo " à, em à, tại mai ít khách quá nên xe ta nỏ chạy mô", ôi định mệnh, em sầu lắm chưa đi đã bị bỏ bom vậy. Nhưng rồi e vẫn quyết ghé bến xe Vinh hỏi xem còn xe nào khác ko, rất may là có xe đi Lào nhưng xe này ko đi Luangprabang mà chỉ đi Xiengkhoang thôi, em chả biết Xiengkhoang nó ở đâu, có cái gì nữa nhưng cũng tặc lưỡi đi, đến đâu thì đến, nghĩ bụng chả biết đi có vui không nhưng chưa đi mà đã bị bẻ cung rồi. Nói với chị nhân viên hết bao tiền để lấy vé, chị bảo xe này ko bán vé đâu, sán mai 6h ra đây mà bắt. Thế là ngày mồng 9 sáng tinh mơ đã nhờ cu em chở ra bến, hỏi bác bảo vệ chỉ cho chỗ xe đi Lào, đang hăm hở lên xe thì anh lơ hỏi "em đi phonsavanh hả"? Ôi cái gì thế này? Thôi em cứ lên anh chở đc đến đâu thì chở, vậy là anh lơ gọi với cho chị chủ "1 phonsavanh chưa gọi điện trước". Đấy chuyến đi của em bắt đầu bằng hai lần "ngại quá" và 1 lần lỡ xe.
 
Last edited:
Phần 3: Thái Lan - tận cùng cảm xúc (tiếp)

Koh Samui - Những ký ức muốn quên

Thực sự rất khó để viết về những gì đã xảy ra đêm hôm ấy, vì em hầu như chẳng nhớ gì nhiều. Sau khi rời khỏi quán rượu em tới một bar trên bãi biển, rất đông người đang lắc lư theo điệu nhạc bập bùng. Một người nắm tay em và dắt đi, đưa em len lỏi qua biển người đó, là ai thì em không biết. Hình như em không còn uống tiếp trong bar này nữa nhưng đã nhảy ở đó một lúc. Rồi sau đó, em thấy như điện thoại của mình vuột ra khỏi túi quần, rơi xuống đường , và lúc đó em biết mình đang ngồi trên một chiếc xe máy, chẳng hiểu sao em lại leo lên đó và đang đi đâu nữa. Với chút tỉnh táo còn lại, em kêu người chở dừng xe, loạng choạng đi nhặt lại điện thoại, nó xây xước hết cả hai mặt vì lăn một vệt dài trên đường nhưng rất may vẫn còn sử dụng được. Rồi khi đang lơ mơ em nhận được tin nhắn của cậu bạn cho ở nhờ, hỏi đang ở đâu, và cậu rất lo lắng cho em vì đã muộn. Và điều ngu ngốc nhất em đã làm là trả lời tin nhắn của cậu ấy, trong tình trạng say xỉn và chế độ tự động đoán chữ tiếng Anh, nó tạo nên một tin nhắn cực kỳ vô nghĩa và vô tình có một vài từ rất mất lịch sự trong đó. Sau khi nhắn xong em kêu người kia chở em về địa chỉ e ghi trên điện thoại, đang trên đường về em nhận được tin nhắn của cậu bạn với đại ý không thể chấp nhận một người say xỉn, buông thả và bất lịch sự như em ở cùng, đồ đạc của em đã được bỏ ra ngoài, nếu em về sau 8h sang mai thì nhớ bỏ chìa khóa lại dưới tấm thảm, đó là những gì em đọc được vào sáng hôm sau khi đã tỉnh, còn lúc đó đập vào mắt chỉ là mấy chữ “cậu không thể ở lại”. Về đến đầu ngõ em đi bộ vào nhà cậu ấy, ba lô đã ở ngoài, em gọi cửa, đưa chìa khóa và nói lời xin lỗi, cậu ấy giật lấy chìa khóa trong tay em, và vẻ mặt thì như “không thèm quan tâm” rồi đóng sầm cửa lại. Em đeo balo trên lưng quay ra khoảng tối mênh mông và vô định, mọi thứ im ắng đến đáng sợ, con đường lớn giờ đó chẳng còn chiếc xe nào (lúc đó tầm 3 giờ sang). Mệt mỏi, buồn bã và xấu hổ, em cố lục lại trí nhớ xem có khách sạn nào có thể ở hay không, nhưng tầm này chắc chúng đóng cửa hết rồi, đêm nay làm sao đây? Bất giác em thò tay vào túi quần và phát hiện ra mình đã mất hết tiền, sự tức giận và phẫn nộ dâng lên, chắc chắn người lấy tiền của mình là người đi xe máy đó, nhưng hắn là ai, làm sao tìm lại hắn và nếu có gặp hắn thì làm sao để lấy lại được tiền? Rồi những suy nghĩ đó nhanh chóng nhường chỗ cho câu hỏi lúc nãy, tối nay làm sao đây? Em cứ đi mãi, cho đến khi thấy một nhan viên lễ tân đang ngồi buồn rầu (có lẽ vậy) trước quầy của một khách sạn, em vẫn cố tình đi qua, cố tìm một nơi nào đó rẻ hơn nhưng rồi cũng đành phải quay lại vì ngoài chỗ đó ra, xung quanh là một sự im lìm . “750B, phòng rẻ nhất mà chúng tôi có, làm ơn cho tôi mượn hộ chiếu”, rồi em chìm vào giấc ngủ trong mớ cảm xúc hỗn độn, khó chịu đó.

Sáng hôm sau, vừa mới tỉnh dậy em ngồi cố nhớ ra mình đã mất bao nhiêu tiền, có thể là hơn 1000B một chút, số tiền không lớn lắm, và 1000B khác em bỏ trong ngăn nhỏ cùng với hộ chiếu trong túi đeo vẫn còn. Uể oải bước vào phòng tắm, trong long vẫn không thấy khá hơn, em đứng trong đó rất lâu, suy nghĩ về mọi chuyện, hoặc cũng có thể là chẳng nghĩ gì cứ để nước dội sạch cơ thể từ đầu đến chân. Rồi sực nhớ ra chiếc ví trong túi đeo, em lao ra kiểm tra thì ôi thôi 50 đô la và toàn bộ tiền việt (hơn 700k) biến mất, một lần nữa uất nghẹn dâng trào, em ngồi như kẻ thất thần trong phòng sau khi khóa thanh toán online cho thẻ visa (khá may mắn là thẻ visa vẫn còn trong ví, nhưng biết đâu kẻ đó đã ghi lại hết thông tin nên khóa thẻ lúc này là điều sang suốt nhất em đã nghĩ ra).
Thực sự thì đó là một số tiền khá lớn, ít nhất là trong thời điểm này khi mà em đang cố gắng tiết kiệm hết mức có thể, nhưng điều em buồn nhất không phải là tiếc chừng đó tiền mà buồn bởi những cảm xúc khác đan xen, giận bản thân mình, xấu hổ với người cho ở nhờ và tức giận người đã đánh cắp tiền, có thể em chẳng nhớ tại sao mình đi với họ nhưng chắc chắn đã coi họ là bạn bè mới đi cùng, và bạn bè thì sao lại làm vậy. Rồi nhanh chóng, cảm xúc tức giận trôi qua nhưng giận bản thân và xấu hổ vẫn còn đeo bám mãi, nhất là khi đọc lại dòng tin nhắn hồi tối, em không tưởng tượng được là mình đã làm vậy, tất nhiên là không cố ý nhưng không thể không trách bản thân mình. Em trả phòng, nhưng vẫn ngồi lần lữa tại khách sảnh khách sạn chỉ vì từ đây đến cái dorm gần nhất cách đó 3km bắt buộc phải đi qua chỗ cậu bạn cho ở nhờ làm việc, làm sao có thể đối mặt với cậu ấy khi vô tình gặp nhau đây? Em ngồi ở đó rất lâu, mông lung cho tới cả quá trưa, rồi em quyết định nhắn tin xin lỗi cậu ta, nói rằng cảm thấy cực kỳ xấu hổ về bản thân mình. Cậu ta trả lời rằng không sao và mong em bảo trọng. Xong xuôi, em hít một hơi thật sâu, đứng dậy và bước đi, lúc qua nơi cậu ấy làm việc, em cúi đầu và bước đi nhanh hơn, vẫn cố liếc vào nhìn và em biết cậu ta thấy em nhưng làm ra vẻ như không thấy, lúc đó cảm giác lại càng khó chịu hơn, buồn, xấu hổ, căm ghét chính bản thân mình. Và em sống với cảm giác đó suốt cả ngày hôm ấy.
 
Phần 3: Thái Lan - tận cùng cảm xúc (tiếp)

Koh Samui - Những ký ức muốn quên


Dorm tiếp theo mà em ở do 1 nhóm thanh niên âu mỹ quản lý, thực sự đó là một nơi cực kỳ tệ hại để sống. Sau khi checkin, một bạn dẫn em lên phòng, để vào căn hộ phải bỏ dép ngoài nhưng khi bước vào nền nhà là một lớp cát đi kển cả chân, qua dãy hanh lang tối tăm ẩm mốc, theo cầu thang dẫn lên tầng 2 một căn phòng 6 giường ngủ, chỉ còn 1 cái duy nhất trên tầng hai. Em leo lên, cả dường rung lên, kêu cọt kẹt, cũng may người nằm dưới lúc ấy không có ở đó, ngay cả khi đã yên vị trên đó rồi mà chỉ cần trở mình thôi cả cái giường cũng lung lay theo, đệm thì quá mềm, nằm cái là lún hết cả người xuống. Tệ hại là vậy nhưng em cũng chẳng quan tâm, nằm lên đó và ngủ 1 giấc vì quá mệt mỏi. Trước khi đến em có đọc review về nó, có cái gần nhất viết là “ một nơi tồi tệ, bẩn thỉu, tôi đã bị kiến cắn khi lau người bằng khăn tắm mà nhân viên nói là đã được giặt sạch, nhưng khi mở ra nó cáu bẩn và đầy kiến”, khách sạn phản hồi rằng “không biết bạn đã nhận tiền của ai để để lại nhận xét bịa đặt như vậy, trong quá trình ở bạn đã ở đêm này sang đêm khác, đã rất vui vẻ và còn cảm ơn chúng tôi khi rời đi”, bây giờ khi đã vào ở thật thì thấy rằng vị khách kia chắc chả nhận đồng tiền nào của ai vì sự thật vốn như vậy. Đang lơ mơ ngủ, em bị gọi dậy, một nhân viên khác không phải người lúc nãy dẫn em lên hỏi rằng “cậu là ai? Sao cậu ngủ ở đây, đây là giường của người khác” vừa nói vừa nhìn sang vị khách đứng bên cạnh. Em chưa hiểu gì hết đáp lại “lúc nãy có người dẫn tôi lên đây bảo ở chỗ này”. “được rồi, hai cậu đi theo tôi”, hai đứa lục đục đi ra quầy lễ tân, “cậu tên gì? Đặt phòng qua trang nào”, em bảo em đặt trực tiếp ở đây cứ không phải đặt online, họ phớt lờ câu trả lời của em rồi đưa ra 1 bảng excel “tên cậu đây phải không? Cậu đặt phòng ngày hôm trước, không phải hôm nay, cậu không thể ngủ giường đó được”, “ tôi đến đây đầu giờ chiều và làm việc trực tiếp với người ở đây, ko đặt phòng online ok?”, Họ vẫn nhìn em với ánh mắt dò xét, cho đến khi em nói, em ko nhớ tên người đó, chỉ nhớ là 1 cô gái với chi chít hình xăm trên người. Cô ta đã nghỉ ca, phải ngồi 1 lúc đợi họ xác nhận lại, trong lúc đó cậu bạn kia đã vứt balo ở đấy và chạy ra bãi biển. Cuối cùng họ cũng nhận lỗi thuộc về họ, và một cách tài tình nào đó họ lo được cả phòng cho cậu bạn kia mặc dù lúc trước họ một mực nói rằng đó là giường cuối cùng còn lại.
Điểm cộng có lẽ là duy nhất cho nơi này là phòng em có 1 cái ban công, ban công chẳng có gì ngoài 1 cái ghế, và trên thành vắt vài bộ đồ của vị khách nào đó. Chiều hôm ấy, ngồi ở ban công, ngắm tán cây lớn vươn lên cả tầng trên đung đưa trước gió, tâm trạng cứ mien man mà chẳng biết là đang suy nghĩ điều gì, chỉ biết rằng thấy buồn và cô đơn lắm. Rồi cánh cửa khẽ mở “hi”, “xin chào”, “cậu là người Trung Quốc à?”, “không, tôi là người Việt Nam”, “vậy hả, tôi là người Thái Lan, thật vui khi gặp 1 người châu Á xung quanh đây, tớ và cậu là hai người duy nhất đấy, tớ không chịu nổi mấy người Âu Mỹ này nữa rồi”. Cô bạn đó tên Oi, đến từ một nơi nào đó của Thái Lan, gần với Bangkok và giap Campuchia,trước đây cô đã từng ở đây, và bây giờ muốn quay lại nơi này với ước mong tìm được một công việc trên hòn đảo này và đổi đời. Cô kể chuyện với một ánh mắt rạng rỡ và niềm tin mãnh liệt về điều đó, nhưng cô không nhận ra rằng mình đang lạc long giữa đám Âu Mỹ này, lạc lõng ngay trên chính đất nước của mình. Dù sao thì câu chuyện với Oi cũng kéo dài hơn với những người khác, ít nhất vì cả hai đều là người Châu Á nên có nhiều cái để nói hơn, và cuộc trò chuyện đó thật sự đã giúp kéo em phần nào ra khỏi những suy nghĩ hỗn độn kia. “hình như cậu có tâm trạng gì thì phải”, “không sao đâu, tôi gặp mấy chuyện xui xẻo mà giờ cũng qua rồi”, “Cậu có muốn ăn chút gì rồi đi dạo không, tôi chưa biết đi đâu vì bạn tôi vẫn chưa tới đây, mai tôi sẽ tìm một chỗ ở mới và đợi cậu ấy, tôi chán chỗ này rồi”. Lời mời đó của Oi khiến em nhớ ra là mình chưa ăn gì kể từ sáng sớm, thế là hai đứa bước xuống đường, khách du lịch vẫn hối hả, người dân vẫn bình thản làm việc, xe cộ vẫn theo dòng chạy, chẳng ai để ý đến đôi bạn. 2 đứa vào một chợ ven đường ăn Padthai, vừa ăn vừa nói chuyện về những món ăn của Thái lan. Rồi 2 đứa tản bộ ra biển, lúc ấy đã nhá nhem, người ta bắt đầu thu dọn những chiếc xuồng và mô tô nước, nhưng người tắm và dạo biển vẫn còn rất đông. Hai đứa lót dép ngồi ngắm biển, ngắm người ta chơi đùa, nghĩ ngợi gì đó và không nói với nhau câu nào. Khi xa xa những khách sạn, nhà hàng ven biển đã lên đèn, du khách cũng đã thưa dần, em và Oi mới đứng lên đi dạo biển, vừa đi vừa nói chuyện, chuyện về công việc, về những ước mơ của cô ấy, về những bữa tiệc ven biển mà cô muốn tham gia nhưng tài chính không cho phép...cho đến khi nhận ra rằng đã đi quá xa, hai đứa mới quay về.
Trên đường về em nhìn thấy đại lý bán vé tới Krabi (cũng là một nơi mà cô massage ở Huahin nhắc đến), người bán vé bảo rằng nếu muốn mua vé cho ngày mai thì phải mua trong tối nay vì đợi đến mai họ sẽ không sắp xếp được, Oi cứ giục em về “cậu hãy ở lại them đi, cậu đã đi được đâu trên hòn đảo này đâu”. Em theo chân cô ấy, nhưng đầu vẫn ngoái lại chỗ bán tour. Về đến khách sạn, hầu hết khách đã tập trung ở phía dưới, tất cả họ đang chờ xe tới đón để đi xem Muaythai, chỗ này chỉ mất tiền mua nước uống chứ không mất tiền vé xem như những nơi khác, một nhân viên khách sạn nói vậy và họ là người sắp xếp chiếc xe này. Em thực sự muốn ở nhà nghỉ ngơi, muốn yên tĩnh một chút nhưng thấy Oi hào hứng quá nên cũng gật đầu. Nhưng sắp đến lúc đi em đột ngột thay đổi quyết định, có lẽ nằm một chút lúc này sẽ tốt hơn là đến một nơi điên rồ như vậy rồi uống rượu rồi say xỉn. “Cậu đi chơi vui vẻ và cẩn thận nhé, tớ ko đi nữa đâu”, sự thất vọng và ánh mắt khó hiểu hiện lên trên gương mặt Oi, cô ấy chạy theo em đến tận cửa phòng cố thuyết phục nhưng em vẫn từ chối “tớ mệt quá, muốn nghỉ ngơi 1 lát”, rồi em buồn bã nhìn cô ấy rời đi, cảm giác như vừa phản bội một điều gì to lớn lắm. Em leo lên giường, cố suy nghĩ hình dung cho kế hoạch ngày mai sẽ đi đâu làm gì, nhưng thực sự không còn tâm trạng để đi chơi, nghĩ bụng nếu cứ ở lại đây sẽ chẳng giải quyết được gì nên em bật dậy, chạy thật nhanh đến chỗ đại lý tour vì nó sắp đến giờ đóng cửa. Cầm trong tay chiếc vé tới Krabi, lòng nhẹ nhõm hơn, em đi dạo một vòng nữa rồi trở về khách sạn, vẫn không có bóng dáng ai, chắc mọi người đang vui vẻ ở chỗ đấu MuayThai. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, giường của Oi và cậu bạn Canada luôn gọi em là Wings và mỗi lần gọi lại làm động tác gà vỗ cánh (chỉ vì cậu ta không thể phát âm được chữ Vinh) đã trống trơn, cô ấy đã dọn đi từ sớm, còn cậu ta chắc sắp tới KohTao để học lặn biển, những khách khác vẫn còn say giấc, em nhẹ nhàng xuống giường, cố gắng hạn chế tiếng cọt kẹt, thu dọn đồ đạc và chuẩn bị rời khỏi đây mà chưa đi được đâu như lời của Oi, nhưng có lẽ đây là quyết định đúng đắn. Samui đáng lẽ phải là một trong những trải nghiệm tuyệt vời vì nó rất đẹp, vì xin được ở nhờ tại nhà 1 người bạn tử tế nhưng nó lại là một nốt buồn trong cả hành trình, có lẽ vì ông trời muốn sắp xếp như vậy vì đến khi chuẩn bị rời đi rồi, Samui vẫn cho người ta một phen hú hồn.
 
Phần 3: Thái Lan - tận cùng cảm xúc (tiếp)

Đã tìm thấy chuyến phà chở được cả ô tô

9h35 phút vẫn chưa thấy bóng dáng của chiếc xe của đại lý du lịch tới đón, mặc dù theo lịch hẹn là sẽ đón lúc 9h30. Long đầy lo lắng cứ nhướm mày nhìn theo những chiếc minivan chạy qua, nhưng không một chiếc nào dừng lại, “hay là người ta cho mình leo cây rồi?”, Cầm điện thoại dò theo số trên vé để gọi, nhưng chẳng có ai nghe máy cả, một lúc sau nữa khi đã hết kiên nhẫn, định bụng sẽ gọi lần cuối, nếu không gọi được thì sẽ qua đại lý đòi trả lại vé vì họ làm ăn không có uy tín, “thành thật xin lỗi, do tình trạng giao thông không tốt nên chúng tôi đến muộn, vui long đợi them một lúc nữa”. Gần 10h, cuối cùng cũng đã được yên vị trên chiếc xe rời khỏi Samui, em là hành khách cuối cùng trên chuyến xe chật chội đó. Hơn 1 tiếng để ra ra được đến cầu cảng, binh thường sẽ ngồi ngắm đất trời, phố xá nhưng hôm nay không có tâm trạng, đành ngồi vậy, bất động cũng không suy nghĩ đến điểm đến tiếp theo. Ra đến bến phà, tài xế dẫn mọi người tới chỗ mua vé, mua xong anh phát cho mỗi người một vé và dẫn đến bãi xe hướng dẫn lên một chiếc xe bus lớn, tại đây minivan lúc nãy nhập them với mấy xe khác nữa, mọi người chất đồ lên xe bus và chờ đợi chiếc xe xuất phát, anh tài xế mất hút sau khi xong việc. Rồi bus cũng rời bãi hướng ra chiếc phà lớn đang đậu dưới biển, sắp lên phà bác tài xế già ra hiệu cho mọi người xuống xe nhưng không phải lấy hành lý theo, mọi người mới biết chiếc xe cũng sẽ lên phà và chở mọi người ở bờ bên kia. Chiếc phà lớn, chở được cả chục chiếc bus, xe tải, xe cá nhân và cơ man nào là hành khách. Mọi người lên phà, em tìm cho mình một chỗ ngồi ngay bên cửa sổ để có thể ngắm được mặt biển, phà lớn nên đi chậm hơn tàu cao tốc hôm trước, phải mất hơn hai tiếng đồng hồ mới về tới đất liền, suốt khoảng thời gian đó em ngắm nhìn mặt biển trải ra mênh mông, thi thoảng lắng nghe câu chuyện của những người ngồi bên cạnh, cảm giác buồn bã về những gì xảy ra trên đảo đang dần biến mất, tâm đang binh yên trở lại.
Phà cập bến, mọi người lục đục lên bờ, ai cũng hớt hải tìm cho ra chiếc xe bus của mình, xe của bọn em đứng đợi ở đằng xa, em và một vài người nữa tiến đến, vừa đi vừa hồ nghi có phải lúc nãy những người này đi cùng mình hay không?, những người đó đi cùng em hay không thì em không chắc nhưng chắc chắn một điều rằng đó là chiếc xe của em vì em đã chụp hình lại biển số trước khi lên phà. Mọi người lên xe tiếp tục cuộc hành trình mà chẳng ai biết về đâu, như kiểu phó thác cho tài xế vậy. Xe đó là một chiếc xe kiểu cũ, ghế ngồi không thoải mái lắm và tài xế là một bác lớn tuổi với vẻ mặt đăm đăm và vốn tiếng anh không thể hiểu nổi. Chính vì vậy mà khi mọi người đang cố gắng nghỉ ngơi một tý dưới cái thời tiết nắng nóng, sau một chuyến phà hơn 2 tiếng thì phải nghe những cuộc điện thoại phàn nàn của một du khách với đại lý du lịch. Ông ta đến từ đâu không biết, nhưng ông ta thể hiện mình là một người giàu có hết sức, ông ta chê dịch vụ thật tệ hại, ông ta cần một lời xin lỗi, giải thích, ông ta gác máy rồi phàn nàn với tài xế, bác tài tỏ vẻ chả mấy quan tâm, có lẽ tại bác cũng không hiểu được ông ta nói gì, rồi ông ta lại gọi điện cho đại lý và phàn nàn tiếp, rồi ông ta kêu bác tài dừng xe và tự bắt taxi để đi đến sân bay, và trước khi xuống xe ông ta ném cho bác tài một câu “các người sẽ phải trả tiền cho chuyến taxi này”, bác tài vẫn vậy, chẳng tỏ vẻ gì là quan tâm. Cuối cùng thì mọi người cũng được nghỉ ngơi chút đỉnh. Lờ mờ tối xe về đến một nơi nào đó, bác tài dừng xe, kêu mọi người nếu ai có nối chuyến đi Bangkok hay krabi thì xuống xe ở đây, còn ai ra sân bay thì ngồi yên. Không biết bác tài đã nói những gì nhưng em hiểu là như vậy, trong lúc đó những hành khách khác vẫn đang phân vân không biết nên xuống hay nên ngồi yên, khiến em cũng hoang mang lắm, nhưng rồi như bản năng em xuống xe và băng qua đường tới trạm trung chuyển. Có một vài người nữa xuống xe. Trạm trung chuyển kiêm một quán ăn bình dân khá rộng rãi, lúc bọn em bước vào có những hành khách khác cũng đang ở đó, một lúc sau ông chủ từ trong bước ra nhìn thấy bọn em thì hỏi ai đi krabi, chỉ mình em giơ tay, ông hỏi tiếp “vậy mọi người đi đâu?” “Ra sân bay để về Bangkok” một người đại diện trả lời, “sao mọi người lại xuống xe ở đây, phải ở trên xe kia chứ”, ai cũng hiện lên vẻ hoang mang lo lắng, rồi nhanh chóng ông kêu mọi người binh tĩnh, ông gọi một cuộc điện thoại có lẽ là kêu xe bus dừng lại, rồi bảo người làm chở những người này đuổi theo. “còn cậu, đợi ở đây một lát, tôi sẽ chở cậu ra bến xe đi krabi”. Em gọi một phần ăn tối và ngồi ngắm nhìn chỗ đó, một nơi thật hoang sơ.

“Bình thường có nhiều người tới Krabi nhưng hôm nay chỉ có mỗi mình cậu, cậu đang ở trong kỳ nghỉ lễ à?”, em chỉ ậm ờ cho qua chuyện với bác tài cũng là ông chủ đã lớn tuổi nhưng có phong thái của người kinh doanh và sự tinh tường của một người am hiểu nhiều thứ. Khoảng 20ph xe đến chỗ bến để đi Krabi, bến xe như một trạm xe bus nhỏ cạnh chợ, lúc đó chợ đã vãn, mấy đứa trẻ đánh cầu lông trước đầu xe, bác tài đưa em lên và nói gì đó với bác tài mới rồi chào em quay xe ra về, lần thứ 2 trong ngày bị bán đi. Đợi thêm một lúc nữa người dân địa phương lần lượt lên xe, lúc nãy bác kia bảo xe đi khoảng hơn 4 tiếng thì tới nơi, vậy là xuống Krabi tầm 10 rưỡi đêm. Lòng không suy nghĩ gì nữa, chỉ vội vàng tìm mấy khách sạn khả dĩ để tý đến nơi còn đặt phòng và thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Trời bỗng đổ cơn mưa rào, cảnh vật hai bên đường nhòa đi trong mưa và ánh đèn đường nhờ nhợ, chỉ có mỗi chiếc xe của em miệt mài lăn bánh, cảnh vật hai bên cứ im lìm. Xe tới nơi, vì không phải là một thành phố du lịch điển hình nên xe chỉ dừng ở bến xe, khá xa trung tâm thành phố, có lẽ tầm 5 đến 6km, một khung cảnh quen thuộc hiện ra với những quán ăn khuya tạm bợ và những bác xe ôm, taxi đang chờ bắt khách. Khách sạn toàn nằm trong khu trung tâm, chỉ có một cái ở gần đó nhưng giá khá đắt, sau một hồi suy nghĩ em quyết định đến khách sạn gần đó vì nếu giờ đi taxi hoặc xe ôm xuống trung tâm thì số tiền bỏ ra còn nhiều hơn nữa, ngày mai có thể đi xe bus (và em đã lầm vì không hề có bus ở thành phố này).

Theo bản đồ em bước đi trên vỉa hè con đường lớn, lúc xa khỏi chỗ xuống xe rồi khung cảnh trở nên im ắng, nhà nào cũng đóng cửa im lìm, thỉnh thoảng chỉ có ánh sáng vàng vọt hắt xuống từ cột đèn. Lát sau em đã đứng trước cổng của khách sạn, nhưng trong lòng chợt nảy ra một ý định khá điên rồ, “hay mình thử vẫy xin xe vào trung tâm nhỉ”, em băng qua đường để thực hiện ý định đó, chọn một nơi sáng sủa dễ nhìn nhất em chìa tay ra làm dấu xin đi nhờ. Lượng xe ít ỏi vút qua lúc đó, không một chiếc nào mảy may giảm tốc độ. Đã hơn 11h khuya, em tự nhủ thêm lúc nữa không được thì vào khách sạn. Cuối cùng vận may đã mỉm cười, một chiếc xe bán tải nép vào. Một anh chàng nhỏ thó với khuôn mặt hiền hậu ra hiệu cho em lên xe, em vứt ba lô lên thùng sau, bước lên xe không chút do dự. Anh ta không nói được tiếng Anh, mọi nỗ lực giao tiếp trở thành vô vọng, đành làm dấu cứ đi thẳng và cho anh ta biết tên khách sạn, rồi anh gật đầu, và ra dấu như đang đi tìm cái gì đó để ăn hoặc đại loại vậy. Bỗng dung xe dừng lại, anh ta để em trên xe 1 mình rồi bước xuống, em nhìn qua gương chiếu hậu thấy xe cảnh sát phía sau và anh ta đang nói gì đó với cảnh sát, rồi còn chỉ trỏ vào trong xe, lúc đó không hiểu sao em không thấy lo lắng mà có cái gì đó thôi thúc em bước xuống vẫy chào người cảnh sát, ông ấy chào lại em và cuộc hành trình lại bắt đầu. Cho đến bây giờ em vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra tối hôm đó, nhưng có lẽ đoạn đường em lên xe là đoạn đường cấm dừng (hai hôm sau khi thuê xe máy đi lang thang mới phát hiện ra), mà anh ta đã dừng để đón em nên bị cảnh sát hỏi thăm, sau khi nghe giải thích và nhận cái vẫy chào của em thì cảnh sát đã bỏ qua. Khi sắp tới khách sạn (nó nằm ở một hẻm phía bên kia đường), em cố nói anh ta dừng xe rồi tự đi bộ sang, anh ta gật đầu nhưng vẫn đạp ga chạy thẳng, em xót ruột ngoái nhìn về phía sau. Anh đi một lúc nữa thì rẽ vào con đường ven sông nới có rất nhiều quán ăn vỉa hè. Trong lòng thầm nghĩ “nếu giờ đợi anh ta ăn xong thì muộn mất, khách sạn mà đóng cửa là chỉ có nước chết”, nhưng không, anh ta hạ kính xuống và hỏi mấy người bán hàng ở đó, em chỉ nghe được anh ta có nhắc tới tên khách sạn, còn người chỉ đường có nhắc đến seveneleven, “seveneleven là đúng rồi, khách sạn nằm đối diện 1 cái seveneleven”. Rồi anh ta quay đầu xe, chở em về ngay cổng khách sạn. Không biết lấy gì cảm ơn ngoài một cái bắt tay thật chặt, lòng thấy ấm áp lạ thường. “Chào bạn hiền, chúng tôi còn rất nhiều giường trống nhé, chào mừng đến với Krabi”. Giọng ông chủ khách sạn cất lên, một người đàn ông vui tính và luôn tỏ ra thân thiện với khách, nhưng khách sạn ông có những quy định thật kỳ lạ.
 
Phần 3: Thái Lan - tận cùng cảm xúc (tiếp)

Krabi-ngày lễ yên bình

Đó là một khách sạn lớn, rộng rãi thoải mái, có đèn đọc sách cho từng giường, ông chủ luôn gọi khách là “bạn của tôi”, “hôm nay cậu định đi đâu, bạn của tôi?”, “cậu vừa đi đâu về vậy bạn của tôi?”, nhưng khách sạn này không bật điều hòa từ 9h sáng tới 9h tối, khoảng thời gian nóng nhất trong ngày, nó cũng không cho tắm sau khi đã check out, muốn vào rửa cái mặt cũng phải trả tiền, và không biết đã từng có cặp nào ân ái trong phòng chưa nhưng biển báo “no sex in the room” được dán khắp mọi nơi. Em thì không sao, chỉ tội mấy bạn Tây ngủ sớm (2 3h sáng), dậy muộn, khi nào giáp mặt cũng than phiền, sáng nay đang ngủ mà nóng quá chịu không được (sáng nay chăc là tầm 11 12h trưa). Sau một đêm ngon giấc, tinh thần đã sảng khoái, không tậm trạng không còn buồn rầu nữa mà sẵn sang khám phá thành phố mới. Nhưng điều quan trọng lúc bấy giờ là phải đổi tiền, vì sau khi mua vé tới đây, thanh toán tiền phòng và đặt cọc chìa khóa 300B em đã không có đủ tiền để mà ăn trưa nữa.

Bước ra đường, đón lấy ánh nắng sớm, khoan khoái đi bộ qua khu chợ gần khách sạn, trên đường xe cộ rất ít, bước qua con đường rộng thênh thang đến bên bờ sông, nơi có bức tượng con cua khổng lồ (mãi sau này chơi pokemon go mới biết krabi là con cua), lúc ấy chỉ lác đác vài tốp khách du lịch đang chụp ảnh. Từ bức tượng cua khổng lồ, phóng tầm mắt ra xa sẽ bắt gặp một trong những biểu tượng của thành phố này, hai quả đồi đứng đối diện ở hai bên bờ sông, nhìn từ xa như một cánh cổng. Xuôi theo bờ sông là nhiều bức tượng khác, tượng đại bàng trắng hiện thân cho tinh thần mạnh mẽ, những bức tượng trừu tượng mà mỗi đêm đến được chiếu sáng bởi đèn màu và phát ra những bài hát vui tai, còn có một công viên nhỏ nữa, là một nơi khá thú vị để chạy bộ hoặc ngồi nghỉ ngơi. Bỏ qua những chỗ này để đi tìm chỗ đổi tiền nghĩ bụng sẽ quay lại chụp hình sau, lại là một sai lầm nữa vì không có lúc nào chỗ này rảnh rang như vậy để chụp hình. Cả khu phố không một ngân hàng nào làm việc, những địa điểm công sở, hoặc công ty khác đều đóng cửa, may mắn lắm mới bắt gặp một hàng tạp hóa nhỏ còn bán. Khá hoang mang khi trong ví chắc còn tầm mấy chục B, cuối cùng cũng tìm được một nơi treo biển đổi tiền mà có người ngồi trực trong một con ngõ nhỏ. “Hôm nay là ngày gì mà mọi thứ đều đóng cửa vậy”, “À, không có lễ gì đâu, chỉ là ngày cuối tuần dài thôi (long weekend), chúng tôi nghỉ them hôm nay và ngày mai nữa, ngày kia mới quay lại làm việc”. May quá không đổi được tiền là chết đói hai hôm luôn, có tiền trong túi bước đi tự tin hẳn. Dạo qua những con phố nhỏ yên ắng với lối kiến trúc cổ điển, đi xuống luôn cả con đường ven sông lắm quán ăn mà tối qua anh kia chở em xuống, có điều bây giờ chẳng có gì ở đó. Karabi quả là một nơi đáng sống, không quá xô bồ cũng không quá lặng lẽ, không gian công cộng được chú trọng đúng mức.

Chiều hôm đó, sau một ngày lượn lờ, em quay về ăn bữa chiều ở một quán ăn ở đầu con ngõ rẽ về khách sạn chỉ vì tò mò món cơm có màu tím. Đó là một món ăn điểm mười về phần sắc và điểm 9.5 cho phần vị, những hạt cơm màu tím được để trong một đĩa tròn, xung quanh được bao quanh bởi những thức ăn kèm đủ loại, em ấn tượng bởi phần cá khô nhỏ như que tăm nhưng ăn giòn tan. Nhân viên nói chuyện với nhau bằng một ngôn ngữ rất lạ, không phải là tiếng Thái (chắc chắn vậy mặc dù em không biết nói tiếng Thái), trang phục của họ cũng khác, nhìn như người Hồi Giáo. Ông bạn cùng bàn bảo rằng đó là tiếng miền Nam, kết hợp giữa nhiều phương ngữ địa phương được sử dụng nhiều ở đây. Nói về ông bạn cùng bàn, có vẻ ông kinh doanh đa cấp, vì sau khi chủ động làm quen và những chia sẻ những điều bình thường như một người bản địa giới thiệu cho khách du lịch thì ông chít cổ em lại bắt đầu nói về công việc, về những sản phẩm của tương lai và bla bla…em thì sẵn sàng nghe, tại hiện tại đang là tỷ phú thời gian. Chia tay ông bạn và hai đệ tử của ông (đến trong lúc bọn em nói chuyện) bằng một cái bắt tay chặt hơn cả cái lúc tối với anh cho đi nhờ xe, em về phòng tắm rửa nghỉ ngơi.

Buổi tối lại một mình dạo chợ đêm, chợ đêm được dựng ngay chỗ khu chợ gần khách sạn, không lớn và chủ yếu bán đồ ăn, có vẻ như hôm đó em đã ăn phân nữa những gì người ta bán trong khu chợ đó, kem cuộn, bánh tôm, bánh ngọt, kẹo bông, hoa quả dầm, xiên nướng….và thật kỳ diệu, không hề bị đau bụng. Đến khi đi bộ mỏi chân, cầm bịch hoa quả dầm ngồi bên góc xa của sân chơi nghe nhạc (nhạc từ sân khấu trong chợ vọng lại) và ngắm lũ trẻ con chơi đùa, một mình mà chẳng thấy cô đơn, chỉ thấy nhẹ nhõm. Về phòng, có một cô bạn vừa mới đến, cô bạn với mái tóc xù và nụ cười không thấy đường về, cô đang trong hành trình khám phá thế giới lần thứ 2 sau khi không thể chịu nổi công việc văn phòng nhàm chán nữa. Chuyến đi đầu của cô là lúc vừa tốt nghiệp đại học. “Lần này bạn sẽ đi bao lâu?”, “Chưa biết nữa, tùy vào nhiều thứ lắm”, “vậy điểm tiếp theo là chỗ nào?”, “Không biết, tôi đã từng đến đây nên chắc sẽ không ở lại lâu, còn điểm tiếp theo để xem người ta có vé đi những đâu đã”. "Còn tôi sẽ đi Malaysia".
 
Phần 3: Thái Lan - tận cùng cảm xúc (tiếp)

Krabi - một ngày rong ruổi

“Tôi sẽ đi Malaysia”, đúng vậy, nhưng không phải hôm nay! Sáng sớm đi dạo dọc con đường ven sông, đây qủa là một nơi thú vị, vì cứ mỗi lần đi qua ta sẽ nhìn thấy một cái gì đó mới mặc dù vốn dĩ nó đã ở đó từ lâu. Ánh nắng ban sớm trải ra mênh mông, chan hòa, chiếu lên những cành hoa còn đọng sương, chiếu lên những chiếc thuyền nhỏ nhấp nhô phía dưới, chiếu vào mặt kính của những ngôi nhà bên kia đường khiến nó phản lại loang loáng. Thành phố dường như vẫn còn chưa thức giấc, chỉ lác đác mấy người khách du lịch hoặc dân địa phương chạy bộ. Cảm giác thật khoan khoái. Xuôi xuống phía biển chừng hơn cây số có một bến thuyền nhỏ, bến thuyền đó bán vé khứ hồi chở khách tới biển Railey, một trong những bờ biển theo lời của các trang web du lịch thì là tuyệt đẹp. Nhưng sáng hôm đó vẫn chưa sẵn sàng ra biển, một mình đi lang thang thành phố tới trưa mới về. Một thành phố quyến rũ bởi sự thảnh thơi, bởi hơi thở hiện đại kết hợp với cổ điển và đặc biết quyến rũ bởi những con dốc, em là một người có cảm xúc đặc biệt với những con dốc, bởi vậy ngoài ước mơ 1 ngôi nhà bên bờ biển thì một ngôi nhà lưng chừng dốc cũng cháy bỏng không kém.

Nhớ có lần đọc cuốn sách nào đó, tác giả viết về cảm giác chạy xe máy rong ruổi ở miền Nam Thái Lan nên cũng muốn thử một lần, thứ nhất vì chưa thử thuê xe máy lần nào, thứ hai giao thông ở đây có vẻ dễ thở hơn những nơi khác. Em bèn đánh bạo thuê 1 chiếc ở chỗ treo biển cho thuê xe gần khách sạn, kỳ cục ở chỗ treo biển cho thuê xe nhưng nó là 1 tiệm may bên trong có người phụ nữ đang tỷ mẫn từng mũi kim. Bà dừng tay nói “làm ơi đợi 1 lát, sẽ có xe tới ngay”, chưa đầy 5ph, hai người đàn ông tới mang theo chiếc tay ga khá mới, giá thuê 250B/ngày. Ông ta kêu em kiểm tra xe rồi ký vào hợp đồng thuê, và đặt cọc hộ chiếu lại, theo như chia sẻ nhiều nơi thì hộ chiếu là thứ tối quan trọng, không bao giờ nên để khỏi tầm kiểm soát, do vậy em kêu ông đặt cọc tiền và lấy lý do hộ chiếu đang ở khách sạn. Hành trình bắt đầu, điểm đến đầu tiên là Tiger Temple ở cách trung tâm mười mấy km. Để đến được đền Hổ, em phải đi ngược về phía hôm xuống xe bus, đi theo con đường lớn một đoạn nữa rồi rẽ trái theo hướng Bắc. Vẫn là ngày nghỉ, đường phố khá thoáng (một phần là do nó rất lớn nữa), lần đầu chạy xe bên trái nhưng em thích nghi rất tài tình. Trong lúc phởn chí vừa đi vừa ngắm đất trời, em rẽ nhầm vô đường khác, một lúc thấy có biển chỉ dẫn đi 1 ngôi chùa khác và thác nước, thấy sai sai nên mới check lại bản đồ rồi quay lại. Đường tới đền Hổ khá dễ đi, càng ra khỏi thành phố nhà dân càng thưa rồi dần dần như về vùng nông thôn, một màu xanh ngút mắt với những vườn cọ và cao su nối tiếp mênh mông.

Giữa buổi trưa hè, từng đoàn người vẫn lũ lượt đổ về nơi đây, người dân Thái thường đi theo gia đình hoặc từng nhóm bạn lớn còn khách du lịch chủ yếu vẫn là đi theo nhóm nhỏ hoặc theo cặp. Đền Hổ nhưng chỉ có khỉ và bồ câu, sau khi gửi xe, phải đi bộ đoạn ngắn sẽ tới một ngôi chùa mà trước sân có tượng phật quan âm rất lớn, sân chùa là khoảng rộng, bên trái có thác nước nhỏ như hòn non bộ, và đó là đại bản doanh của lũ khỉ, chúng béo múp, không sợ người, nhiều con rất khệnh khạng và con nào cũng sang chảnh, em mua cái bánh, đang đói mà cắn răng đưa nó 1 miếng mà nó hít 1 hơi nhìn em khinh bỉ rồi quay đít bỏ đi. Bồ câu cũng nhiều vô kể, chúng sà xuống ăn những gì mà lũ khỉ bỏ lại. Gia đình nào có trẻ con đi cùng đều phải nán lại đây rất lâu để chúng chơi.

Sau lưng đại bản doanh của lũ khỉ có 1 con đường để leo lên đền hổ, là 1237 bậc thang dốc đứng hầu hết ai cũng hào hứng để trải nghiệm nhưng không phải ai cũng vui vẻ hết cả quãng đường. Bậc thang ở đó ít nhất phải dốc gấp rưỡi cầu thang bộ ở nhà, có những đoạn dốc thẳng đứng như leo thang chữ A, đến độ họ phải đóng chúng lại để mở 1 đoạn vòng ngay bên cạnh nhưng cũng dốc không kém. Đi khoảng được mấy chục bậc sẽ có cột ghi đây là bậc bao nhiêu (như đường cột điện ở núi Bà), ban đầu nhiều người hồ hởi leo và nói chuyện râm ran nhưng chỉ một đoạn không khí chùng xuống, ai cũng im lặng, cố gắng thở với gương mặt nhăn nhó, mỗi lần dừng lại là cúi xuống chống tay vào đầu gối và hớp lấy hớp để từng miếng không khí, duy chỉ có khách Trung Quốc là vẫn cứ ồn ào. Mệt như vậy nhưng bù lại khung cảnh hai bên đường lên khá đẹp với hàng trúc xanh rợp trời và gió thổi mát dịu, những tiếng cỗ vũ của người đi xuống khiến người đi lên càng có them động lực. Cuối cùng khi bỏ hết 1237 bậc thang phía sau lưng thì trước mắt ta là một cảnh tượng không thể miêu tả bằng lời. Trên đỉnh núi có một tháp và tượng phật rất lớn, cả hai đều dát vàng rất uy nghi, người hành lễ nghiêm cẩn cúi rạp người hành lễ, kẻ đi chơi thì trật tự, quan sát và ngắm cảnh. Dưới chân núi là con đường lúc nãy em đi xe lên, giờ trông thật nhỏ bé, từng thửa cao su và cọ vuông vức nối nhau ra vô tận, len lỏi giữa chúng là những con đường nhỏ như những mạch máu li li. Ở phía đối diện là những dãy núi đá trùng điệp, hùng vĩ lẩn khuất trong mây. Em chạy hết góc này đến góc khác, ngắm nhìn cảnh vật và bức tượng phật, trong long nghĩ không biết người ta xây chúng như thế nào? Làm sao để mang vật liệu lên trong khi đi người không đã thấy mỏi chân. Chiều hôm đó nắng nhè nhẹ, gió mát, đứng trên đỉnh núi cảm giác thật khoan khoái, mọi thứ chậm lại, lũ trẻ con hay chạy nhảy đứng nép bên bố mẹ xem bố mẹ làm lễ, những du khách tây vốn năng động giờ ngồi bệt xuống đọc sách, ngắm đất trời, cả con chó cũng chả buồn làm gì chỉ tìm 1 chỗ có bóng râm và nằm tựa như nó là con mèo vậy (không biết con chó này làm sao lại có mặt ở đây). Trong lúc ngắm cảnh phía dưới em nảy ra ý định chạy xe men theo những con đường nhỏ trong vườn cao su xem nó như thế nào, nhưng trước hết là phải leo xuống 1237 bậc thang đã. Như mọi người biết thì leo lên sẽ mệt còn leo xuống chắc chắn bị đau chân. Trên đường xuống em và một cặp du khách gặp phải con khỉ cà chớn, nó đứng ở lan can, nhìn chằm chằm vào 3 người và chực trộm cái gì đó, chàng trai kia vừa xua con khỉ vừa quay qua nói “hãy cẩn thận, nó là bậc thầy trộm cắp, đừng để nó lấy gì”, con khỉ nhanh như cắt chồm lên tát chàng thanh niên 1 phát rồi quay đít chạy mất trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Mãi cũng xuống đến nơi, và vô tình nhìn thấy mũi tên chỉ vào “Vườn Địa Đàng”
 
Phần 3: Thái Lan - tận cùng cảm xúc (tiếp)

Krabi - một ngày rong ruổi

Kỳ thực nơi đó có phải tên là “Vườn Địa Đàng” hay là tên gì khác thì em cũng không nhớ rõ, lúc tìm hiểu về Tiger Temple đều không hề nhắc tới nơi này. Chỉ nhớ rằng khi bước xuống những bậc thang cuối cùng thì nhìn thấy một tấm bảng chỉ dẫn đến đó. Đường tới Vườn Địa Đàng nằm ở lưng chừng núi, bên cạnh đường lên đền Hổ có một đường nữa nằm khuất hơn, cũng là những bậc thang rất dốc nhưng chỉ độ trên dưới 50 bậc, lên hết những bậc đó sẽ bước vào cánh cổng vòm như hang động, bên trên treo chiếc bảng “Vườn Địa Đàng” mục nát chực rơi xuống, 2 bên có hai cái ghế gỗ dài cũng chực vỡ vụn, giường như nơi này đã bị bỏ hoang từ rất lâu rồi. Đường vào Vườn giờ không đi lên nữa mà dẫn xuống, con đường nhỏ bằng bê tông, rêu xanh bám đầy, hai bên đường những cây bụi cố ngoi lên đón chút ánh nắng yếu ớt, những cây dây leo bám chặt, đung đưa từ cây cổ thụ này sang cây khác. Con đường len lỏi trong đám cây rừng đó, dưới một không khí ẩm ướt mát dịu, được một đoạn thì con đường bê tông bám rêu kết thúc, tiếp vào đó là con đường đất mòn thi thoảng lại cộm lên rễ của những cây bên cạnh. Đường dốc thoai thoải, giống như dẫn xuống thung lũng, càng xuống càng âm u, ẩm ướt và càng tối, cây càng cố gắng mọc thật cao để đón nắng. Đang phân vân không biết trong này có gì mà để được gọi là Vườn Địa Đàng thì em nhìn thấy mấy cái chòi nhỏ dựng bên cạnh mấy cái cây, cách đường mòn tầm 5 mét, càng đi lượng chòi càng nhiều, có những cái quây bạt kín nên không thấy bên trong có gì, còn có những cái nhìn rõ là chứa củi hoặc …máy giặt. “Vậy là có người ở trong đây, nhưng là ai mới được?. Rồi trời tự nhiên sáng bừng lên, con đường nhỏ dẫn ra một khoảng trống, một mặt bị chặn đứng bởi vách núi lừng lững. Ở dưới chân vách núi có những mái vòm khoét sâu vào trong, không biết là do tự nhiên hay nhân tạo, phía bên ngoài người ta xây một khoảng sân lớn lát đá, trên khoảng sân và trong mái vòm là ban thờ, đồ cúng tế, nhưng không một ai ở đó cả, em bang qua khoảng sân, men theo vách núi, cứ một khúc bị cây cối che lấp thì một khoảng sân như vậy hiện ra, chòi nhỏ bên kia con đường mòn cũng ngày một dày hơn. Cuộc hành trình bị cắt ngang vì trên một khoảng sân nọ có một nhà sư và một phật tử đang hành lễ, đi thật rón rén để không ảnh hưởng đến họ, vừa đi vừa liếc nhìn. Đó cũng là khoảng sân cuối cùng trong vườn, con đường đất nhỏ lại mất hút trong đám rừng nhiệt đới, trước khi kịp chia làm hai một nhánh rẽ vào cái hang dưới vách núi, bên trong tối om, khi dọi bằng đèn flash thấy thoang thoáng mấy bức tượng Phật và chỗ thờ cúng, vẫn không có ai ở đây, một cảm giác rờn rờn vì sợ ập đến nên em không bước tiếp mà quay ra, đi theo nhánh kia, cứ đi mãi, vẫn chỉ là con đường đất ngổn ngang rễ cây, xuyên qua cánh rừng có cây bụi, cây dây leo đu đưa. Đấu tranh tu tưởng giữ lắm em mới quay bước, vì một phần muốn đi tiếp xem cuối đường có gì, một phần thì lại sợ và nghĩ chắc cũng không có gì. Em quay lại chỗ có nhà sư và vị phật tử, vẫn còn phảng phất mùi hương trầm nhưng họ không còn ở đó nữa. Vách núi đá trắng xóa đứng sừng sững, có mấy cái cây mọc ra từ vách núi, những cái cây có rễ còn lớn hơn cả thân, để bám chắc vào vách núi thẳng đứng, những cái cây nhỏ bé nhưng mạnh mẽ hơn tất thảy, chúng mọc được, sống được ở đó thì chúng chẳng sợ gì cả. Quay đầu lại, sau lưng ánh sáng dần dần bị nuốt vào tán rừng chằng chịt cây leo. Em thẫn thờ bước trên con đường đá phủ rêu xanh lần nữa, vừa đi vừa tưởng tượng ra cảnh sống ở khu Vườn diệu kỳ này, có lẽ đó là nơi mà các nhà sư dùng để tu tập, tách biệt với thế giới bên ngoài, mặc dù bước xuống chỉ trên dưới 50 bậc thang thì khách du lịch vẫn đang ồn ào qua lại, đang thích thú chụp những bức ảnh khi họ cho khỉ và bồ câu ăn, đang lầm rầm tụng niệm trước tượng Bồ Tát.

Bước ra khỏi chốn thần tiên ma mị đó tự nhiên thấy lòng phơi phới, càng sẵn sàng cho cuộc khám phá vùng nông thôn Thái Lan bằng xe máy. Ra đường lớn, em cố định vị lại con đường xuyên rừng cao su, nhưng mọi việc không dễ dàng như khi đứng trên cao thu cả cái bản đồ ấy vào mắt. Rồi em quyết định rẽ trái vào một con đường bất kỳ, vì cả khu này chỉ có vườn cây. Con đường nhựa loang lỗ ánh nắng dưới tán cây trong buổi chiều tà, hai bên, những hàng cao su thẳng tắp chạy ra mênh mông. Thật khoan khoái biết bao, em cho xe chạy tà tà và rẽ tạt vào bất kỳ đường nào nếu muốn, càng đi đường càng nhỏ, có chỗ gồ ghề sỏi đá, có chỗ chỉ là đường đất, rồi bất giác gặp 1 khu dân cư, những ngôi nhà thấp nối tiếp nhau, chơi đùa trước sân, rồi bất giác lại chạy vào rừng cây. Những mảng cao su, nhà ở, cây cọ đan xen như thế. Càng xa, nhà thưa dần và đường giường như cũng mất dạng, em đi cứ thế đi trong rừng cọ, trong lúc đang cố tìm ra đường lớn thì thấy mình dừng ngay bên hông của một ngôi nhà, đường lớn trước mặt nhưng không thể qua được vì có con mương rất to. Trước sân nhà, có hai cây cọ lớn trĩu quả, ông bố ngồi làm gì đó còn hai đứa trẻ con ngồi chơi, thấy em họ ngạc nhiên lắm, nhưng tỏ ra rất thân thiện. Em cố gắng tìm cách giao tiếp nhưng tất cả nhận lại chỉ là những nụ cười, em hỏi quả cọ kia có ăn được không bằng cách chỉ vào cây và làm động tác ăn, có vẻ ông bố tưởng em đói bèn nói gì đó với đứa lớn, đứa bé đứng dậy đi vô nhà, em nghĩ nó lấy đồ ăn mà không muốn phiền người ta nên chào rồi quay xe chạy thẳng. Quay lại rừng cọ, muốn chọc quả xuống ăn thử nhưng mà nó cao và chắc quá, loay hoay 1 hồi không chọc được đành bỏ cuộc. Rồi lần theo đường cũ để về lại, đang suy nghĩ miên man, ở đâu không biết có con rắn to bằng cổ tay, dài ngoằng phóng ra ngay trước đầu xe rồi lủi đi mất dạng, em giật mình loạng choạng tay lái may không bị ngã. Ra đên đường cái để về lại thành phố rồi mà vẫn cứ tiếc rẻ sao đường về nhanh vậy.

Trên đường về em quyết định ghé chùa và thác nước ở con đường đi lạc lúc trưa, nhưng mà thác nước xa qua tận hơn 20km, đi về thì tối quá mà lên đến nơi chắc cũng chẳng thấy đường, nên chỉ đi chùa thôi. Vì đây là nơi vô tình biết đến do lạc đường nên em không hề biết nó có gì và như thế nào, nhưng cứ đi thôi. Tính từ đoạn rẽ, tầm 2km có một chợ nhỏ, hai bên đường vẫn có dân sinh sống, đi them đoạn nữa có cái biển chỉ vô chùa nhưng đặt song song với đường chứ không phải vuông góc nên em nghĩ chỉ có những người thật sự may mắn mới đến được với ngôi chùa này. Thế nhưng đâu hề đơn giản, ngay sau tấm biển có 1 con đường nhỏ, cỏ mọc lút đầy như ngàn năm không có ai qua lại, em vẫn quyết đi vào đó thì hỡi ôi, nó dẫn vào 1 vườn chôm chôm đang kỳ đậu quả bé xíu bằng ngón tay, và con đường biến mất luôn dưới đám cỏ. Thất vọng đi về, vòng qua khu chợ mua mấy món ăn vặt rồi leo lên xe ngồi ăn. Cái chợ giống chợ quê ở nhà, bên ngoài người ta bán đồ ăn ngay bên ngoài vệ đường, đi vô trong thì đến thực phẩm, thịt cá rau củ các kiểu, nhưng quy mô rất nhỏ chắc được hơn chục sạp hàng, nhưng không khí lại rất náo nhiệt, em mua một ít cá viên chiên, vừa ăn vừa nghĩ “lẽ nào lại bỏ cuộc?”, đoạn ăn xong thì quay xe lại quyết tìm cho ra ngôi chùa.
 
Phần 3: Thái Lan - tận cùng cảm xúc (tiếp)

Krabi - là thực hay là mơ?

Cho đến bây giờ nếu có ai hỏi chùa đó là chùa gì thì em cũng chịu, không nhớ được tên nữa, mà kỳ thực ngay từ lúc đầu đã không biết tên rồi, chỉ biết có một cái gì đó thôi thúc mình đi thôi. Qua biển chỉ dẫn lần nữa, lần này không rẽ vô “con đường xưa em đi” mà chạy thẳng, đoạn gần 3 4 cây số thì có con đường nhỏ lập thành chữ Y với đường đang đi, 1 quyết định thoáng qua, rẽ vào đường đó – một con đường đang làm, vẫn chưa hoàn thiện, bên dưới sỏi đã được lu mịn nhưng chưa rải nhựa, bụi bay tung trời mỗi khi có xe chạy qua, hai bên đường là những bụi cây dại, lá cây trắng phau vì bụi. Trời nhá nhem tối, đường thì vắng có một chút sợ hãi nhẹ nhưng vẫn kiên trì đi, qua đoạn tu sửa đường đẹp hơn, hai bên lại là vườn cao su và cọ, vẫn là khung cảnh ấy nhưng cách đấy một lúc là niềm hân hoan thích thú thì giờ đây là sự sợ hãi bao trùm, sợ bị hỏng xe, sợ bị rắn xông ra cắn, sợ gặp phải cướp vân vân và vân vân. Sợ thì sợ, đi vẫn cứ đi, đến khi chìm vào cái màn sầm sậm chập choạng tối thì một bức tranh phật rất lớn hiện ra, bức tranh bị rách mất một góc, rẽ vào con đường nhỏ dẫn vào chùa, con đường dốc cứ đoạn lại gặp cây cầu ngắn được gép lại bẳng nhiều thân cây nhỏ, 1 bên là vườn cây, bên kia là vách núi. Rồi ngôi chùa cũng hiện lên, im lìm giữa núi rừng. Trên bãi đất có 1 ngôi nhà lớn, đóng cửa kín mít và 4 bề có dãy hàng rào thấp nữa bao quanh như một nơi bất khả xâm phạm vậy. Bên hông phía sau ngôi nhà đó có một nơi như để mọi người nghỉ ngơi với cái lán lớn bày biện nhiều bàn ghế, em đến bỏ xe bên cạnh chỗ đó, không một bóng dáng nhà sư, chỉ có hai cậu trai đang ngồi, em gật đầu chào và ngồi xuống, hai cậu trai chẳng nói gì, rồi lũ chó ở đâu chạy ra, chó nhà chùa có khác, thân thiện hơn hẳn, chẳng thấy sủa mà chỉ lại gần khịt khịt cái mũi rồi lúc em đưa tay vuốt ve thì tỏ ra mừng lắm. Hai cậu trai vẫn không nói gì với em mà thỉnh thoảng nói với nhau điều gì đó, rồi cả hai đứng dậy bỏ đi, bỏ mặc em với lũ chó. Một tình cảnh thật gượng gạo làm sao.

Chốn này được bao quanh bởi 3 bề là núi, bề còn lại là con đường lúc nãy em đi lên. Chỗ em ngồi có bảng chỉ dẫn, mũi tên chỉ sang phải lên một hang động, mũi tên chỉ sang trái đến một hang động khác. Nhìn lên vách núi bên phải, trong không gian nhờ nhờ ánh sáng, một khung cảnh ma quái hiện ra, trên miệng hang lớn, những nhìn chạm trổ rồng đứt gãy, chỗ còn cái đầu, chỗ còn cái đuôi. Em men theo con đường mòn dẫn lên miệng hang, sau lớp cây bụi những tượng Phật lớn bằng bê tông đã bị đổ vỡ hoang phế, nhìn những bức tượng sứt mẻ, chỉ còn nửa thân, phần đầu nằm dưới đất, mảnh vụn vương vãi khắp nơi có một cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng. Cảm giác đó tăng lên gấp bội khi cảnh vật tối dần, vì ánh sáng bị hút hết vào trong hang, len lỏi trong đống đổ nát, em lần sâu hơn vào bên trong, phải bật cả flash lên để tìm đường, vừa đi vừa sợ vấp phải cái gì đó. Trong hang có nhiều chỗ đặt ban thờ nhưng giờ đã bỏ hoang, có một hùi hôi thối phát ra, càng vào sâu càng khó chịu. Rồi trong lúc em đang định thần để xem vật đen đen nằm trong góc là gì do đèn không chiếu rõ thì bất ngờ lũ dơi túa ra, chúng bay dáo dác trên đầu làm em giật nảy mình. Hóa ra mùi hôi đó do phân dơi, em quyết định đi ra vì sợ vào sâu hơn sẽ bị ngộ độc, vẫn đi từng bước mò mẫm cẩn trọng vừa đi vừa ngoái lại nhìn vì sợ có ai hoặc cái gì đó đi theo.

Lúc em xuống tới chỗ ngồi lúc nãy, mấy con chó đã đi mất, hai cậu trai cũng không còn ở đó. Em ngồi vẩn vơ suy nghĩ, mắt vẫn hướng lên cái hang như mong chờ một cái gì đó. Bỗng một âm thanh xé tan sự im lặng, một chiếc xe bán tải lớn hình như là chở cả gia đình già trẻ lớn bé dễ tới 15 20 người, họ xuống xe để bước vào ngôi nhà lớn, và không biết từ bao giờ ngôi nhà đã mở cửa, họ bước qua hàng rào thấp, tiến vào, đợi họ ở cửa là mấy vị tăng cũng không biết đến từ bao giờ. Người ta làm lễ, cầu khấn bằng thứ ngôn ngữ em không hiểu, bất giác nhìn theo mũi tên còn lại. Còn đường nhỏ lát đá đi qua dưới những cây ăn quả vòng bên hông ngôi nhà, trước cửa hang có cây cổ thụ lớn thẳng tắp cao chót vót, những cây leo quấn chặt lấy thân nó và buông thõng xuống những cái rễ như những sợi dây thừng đung đưa trong ánh sáng lờ nhờ. Để lên được hang phải trèo qua chiếc cầu thang bằng gỗ bậc còn bậc mất, tay vịn lỏng lơ, bước một bước rung rinh một bước. Cửa hang ở cuối bậc thang, nó dẫn vào một đường hầm nhỏ dài chừng 10m, phải cúi người thật cẩn thận, luồn lách mới đi chui qua được. Ló đầu sang được phía bên kia, lia mắt nhìn một vòng, trần hang thâm thấp, nền đất bằng phẳng được chiếu sáng bởi 1 bóng neong ở phía xa (đường điện chạy theo đường hầm nhỏ, trong hầm cũng có vài cái bóng nhưng không cái nào sáng). Giật thót mình khi thấy ở một góc có cái bàn thờ nhỏ gắn trên vách hang và phía dưới có một tấm…chiếu rách. Sau khi định thần lại, em chui ra khỏi hầm, đứng giữa hang, nhìn quanh một vòng nữa, có vẻ như không có ai ở đây. Phía gần đối diện đường hầm có một cửa ra khác, đứng ở cửa đó nhìn ra là một khung cảnh không thể nào diễn tả được bằng lời, những khối đá lớn nằm sát nhau để chừa lại một lối đi nhỏ phía dưới, qua bên kia những phiến đá là một rãnh sâu, cây cối mọc từ dưới đó lên, cảm tưởng như mình đang đi trên ngọn cây vậy. Phía này ánh sáng không bị che chắn nhiều nên trời còn sáng. Cuối con đường có hai khối đá lớn đứng dựa vào nhau chỉ chừa ra một khoảng nhỏ ở giữa, em phải bỏ balo ra mới len qua được. Qua đoạn này chỉ còn lại một khối đá duy nhất, mà có lẽ cũng lớn nhất trước khi mọi thứ rơi tõm xuống cái rãnh đó. Thi vị biết bao khi người ta đóng một cái chòi gỗ trên khối đá đó, cái thang cũ kỹ oằn lên kêu cót két theo từng bước chân, sàn gỗ đã mục nát, bức vách cũng đang rung rinh, em đứng trong đó thật rón rén không giám hít thở mạnh sợ nó đổ sập xuống, sợ thì sợ vậy nhưng vẫn đủ bình tĩnh để phóng tầm mắt ngắm nhìn rừng cây phía dưới, thầm nghĩ không biết nơi này hồi xưa có cao nhân nào ngồi luyện kiếm hay có đôi tình nhân nào như Dương Quá và Cô Cô sống hay không. Vẫn giữ những suy nghĩ tinh nghịch đó trên đường quay về, em suýt vỡ tim khi nhìn thấy cái chiếu rách trong hang lần hai. Thề rằng lúc đó chỉ cần một tiếng động nào đó phát ra, hay cái đèn phụt tắt hay đơn giản chỉ một cơn gió khẽ thổi là em lăn đùng ra đó ngay. Sợ quá em chui ngay vào đường hầm mà vừa đi vừa sợ có ai đó đứng đợi sẵn hoặc là đường hầm đã bị bít lại. Chui ra đến nơi lại hoảng hồn vì đám rễ cây lủng lẳng trước mặt. Màn tối trở nên dày đặc hơn, em không đi theo đường cũ mà vòng theo mạn kia của ngôi nhà, bên hông phía con đường em đi xe máy lên có cái ao nhỏ sâu thiệt sâu nhưng nước chỉ ở dưới đáy, ngó xuống thấy có mấy con cá đớp mồi tạo ra những gợn sóng lan ra. Bất giác em lùi lại, vì cảm thấy có ai đó đứng phía sau tính xô mình xuống, nhưng đó chỉ là ảo giác, xung quanh chẳng có ai. Gia đình kia đã làm lễ xong lục tục lên xe về, em đi vòng ra phía trước ngôi nhà nơi xe họ đang đậu nhưng chỉ lặng lẽ đi không giám nhìn họ, cũng không giám nhìn vào bên trong ngôi nhà và mấy vị hòa thượng. Chỗ em dựng xe, hai cậu trai đang ngồi đó với lũ chó, em gật đầu nhè nhẹ rồi nối đuôi chiếc xe ô tô rời đi, nhưng khi đi được một lúc thì phát hiện ra trên đường chỉ có mình em, chiếc ô tô không biết rẽ vào ngã khác tự lúc nào. Cho đến bây giờ em vẫn không biết được bao nhiêu phần của nơi đó, lúc đó là thật, bao nhiêu phần là giả, hai cậu trai, lũ chó, gia đình kia, những vị tăng, cả những ngôi nhà và hang động, mảnh chiếu rách nữa có thật sự tồn tại? (Có lẽ cách tốt nhất là quay lại đó một lần nữa). Nhưng câu hỏi này được đặt ra nhiều ngày sau đó, còn hôm ấy vẫn cảm thấy mọi việc thật sự chẳng có gì khác lạ, trên đường về em đi tìm bến xe để hỏi vé đi Penang nhưng không thấy. Em đành về khách sạn, để xe đó rồi đi bộ ra bờ sông ngắm cảnh và ăn tối ở con đường nơi người cho đi nhờ xe đã chở em tới hôm đầu tiên. Quán ăn khá nhiều, chủ yếu bán cơm, mỳ và hải sản, bàn ăn được bày ngoài trời, khách vừa ăn vừa nghe sóng vỗ và cảm nhận làn gió thổi từ cửa sông về. Ăn tối xong, em đi bộ men theo đường bờ sông để về khách sạn, ban đêm ngoài ánh điện xanh đỏ từ các nhà hàng nổi trên sông, ngoài những ánh điện sáng trưng rọi vào những bức tượng, ngoài tiếng nói chuyện và cười đùa của du khách, còn có tiếng quăng lưới, tiếng lội bì bõm của những ngư dân địa phương, tiếng mấy con cá nhỏ dãy trên nền xi măng và tất nhiên tiếng cười rất khẽ của người vừa bắt được chúng. Những mảng màu và âm thanh đối lập tạo nên một Krabi thật khiến người ta lưu luyến. Krabi còn mang đến một điều bất ngờ nữa, khi mà lúc về tới khách sạn em hỏi ông chủ có thể để xe máy ở đâu được khi em vẫn chưa muốn trả để dùng nó vào ngày mai, thì ổng chỉ ra vệ đường nơi xe em đang dựng cùng với mấy chiếc xe khác “cứ để ngoài đó đi, không sao đâu”, em hơi nghi ngại nhưng thấy khuân mặt nghiêm túc đầy thản nhiên của ông và nghe ông nói “cứ để đó, cái màu trắng là của tôi đấy” thì em yên tâm lên phòng đi ngủ. Sáng sớm vừa ngủ dậy đã phi như bay xuống nhà để xem xe còn hay mất thì thấy nó vẫn yên vị ngoài đường.
 
Phần 3: Thái Lan - tận cùng cảm xúc (hết)

Krabi – góp nhặt niềm vui



Vì tới trưa là phải trả lại xe máy nên em tranh thủ đi vài nơi trong thành phố và qua bến xe để tìm mua vé đi Penang. Cũng như hầu hết các nơi khác trên đất nước này, các danh sách các địa điểm gợi ý đến thăm không thể không có chùa chiền. Chọn Wat Kewa là điểm đến vì nó khá gần với khách sạn. Đây là một ngôi chùa lớn với khuôn viên rợp bóng cây. Không biết có phải ngày lễ gì không nhưng người dân đi chùa như trẩy hội, họ thường đi theo gia đình, và chùa giường như không chỉ là nơi thực hành tâm linh nữa mà là nơi các gia đình gặp gỡ, giao lưu gắn kết hơn tình cảm, người ta chào hỏi, trò chuyện với nhau rất vui vẻ. Một vài người lấy nước vừa làm lễ xong tưới cho những cây trong vườn. Sáng sớm hôm đó nắng chan hòa, ngồi trên ghế đá trong sân chùa ngắm nhìn mọi người, người lớn thường trực nụ cười trên môi, trẻ con háo hức với mấy xe hàng quà vặt còn em trong lòng thấy phơi phới. Tầm trưa em lên bến xe để tìm mua vé qua Malai, bến xe rộng lớn nhưng không quá nhộn nhịp, vẫn không có chỗ gửi xe, thấy mấy người để xe bên vệ đường rồi đi vô, em cũng làm theo vậy. Vé đi Penang 1000B mà còn không có xe trung chuyển đón từ khách sạn, đắt hơn vé mà khách sạn chỗ em ở bán, đành quay về. Lúc trả xe máy cho bà chủ, bà đã ân cần hỏi thăm rồi hỏi xem em có hài lòng với chiếc xe và có điều gì góp ý để dịch vụ của bà ngày càng tốt hơn thôi. Qua chỗ gửi xe mấy số nhà có một đại lý vé xe với cái biển rất nhỏ, chị chủ cũng chỉ xem đây là nghề tay trái, nhưng chị rất tận tâm, em quyết định mua ở đây vì nó rẻ hơn chỗ khách sạn được 50B, sau khi ghi vé chị cẩn thận bỏ nó trong phong bì và đưa cho em cái card visit, chị vòng tròn số điện thoại lại kêu có gì thì gọi. Lúc chuẩn bị rời đi chị còn kêu lại, viết một lần nữa số điện thoại khác lên phong bì rồi bảo đề phòng số kia không liên lạc được. Những điều nhỏ nhặt như vậy thể hiện sự tận tụy và chuyên nghiệp của phần lớn người làm du lịch của Thái Lan điều mà chắc Việt Nam cần phải học hỏi nhiều.

Sau khi mua được vé em đã thảnh thơi để chuẩn bị tâm thế cho ngày mai rời khỏi đất nước này. Về qua khách sạn, dọn dẹp đồ rồi đi dạo dọc bờ sông, lúc qua bến tàu đi Railey một quyết định được đưa ra trong thoáng chốc, mua ngay 2 chiếc vé (1 đi, 1 về) và lật đật phi về khách sạn lấy đồ đi biển. Lúc quay lại vẫn phải chờ thêm một lúc nữa tàu mới xuất phát vì giờ đó tìm đợi đủ khách cũng phải mất một thời gian khá dài, trong lúc chờ đợi có mấy bạn tranh thủ cởi hết quần áo chỉ mặc mỗi bikini nằm ngồi trên cầu tàu tắm nắng. Cuối cùng con tàu nhỏ chở khoảng 7 vị khách rẽ sóng cữa sông để ra khơi. Nước sông khá đục, sau khi bỏ lại thành phố nhộn nhịp, thì hai bên sông là xóm chài nhà lá làm thành từng vệt nhỏ mờ dần bởi càng đi xa, cửa sông càng mở rộng khiến mọi thứ càng trở nên nhỏ bé. Sóng mỗi lúc một lớn, cong thuyền chòng chành, chợt nhận ra rằng mình không hề mặc áo phao, nhìn ra khoảng mênh mông đục ngầu nhấp nhô đó, một cảm giác rờn rợn nổi lên, sợ lật thuyền thì chỉ có nước chết. Thế nhưng rồi con thuyền cũng vượt qua hết đợt sóng đến đợt sóng khác, một cảnh tượng không thể đẹp hơn hiện ra, giao thoa giữa sông và biển, làn nước đục ngầu bỗng trở nên trong xanh lạ thường. Càng ra xa nước càng xanh, nước xanh, đảo xanh, trời xanh, thật dễ chịu. Không nhớ chính xác bao lâu nhưng cũng khá lâu tàu mới cập cầu cảng để đến biển Railey, một nơi vừa đến thôi đã thấy sang chảnh, những chiếc ca nô và du thuyền cá nhân neo thành hàng trắng xóa nhấp nhô trên làn nước trong xanh, hòn đảo có phần lớn diện tích được dành để xây khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Bãi biển nằm ở phía bên kia hòn đảo phải đi qua con đường nhỏ len lỏi giữa những khách sạn mới tới được.

Bãi biển Railey hiện ra, không quá lớn, một hình vòng cung bao quanh là núi. Lúc đó thiên hạ đang tắm biển nhiệt tình, em cũng lội xuống nhưng khá thất vọng, nước bên này không trong xanh như phía bên kia và càng không đẹp như ảnh mạng, còn tràn ngập quả của loại cây nào đó ( không biết là quả hay là gì, chúng nhỏ như cái đũa, dài bằng gang tay có 1 đầu thuôn hơn chắc là cuống và 1 đầu phình to hơn một chút, đầu to nổi lên, đầu nhỏ chúi xuống, cứ như vậy chúng nhấp nhô thành đám rất khó chịu), đáy biển cũng không hoàn toàn là cát mịn, một số nơi là những rạng san hô đã chết dẫm lên rất đau chân. Nên tắm được một chút thì em lên bờ ngồi đọc sách, chán chê lại đi dạo biển, chỗ con đường để dẫn về mạn bên kia đảo người ta bán rất nhiều đồ ăn, thức uống nhưng giá khá mắc được cái không khí rất náo nhiệt. Tầm chiều khi đang đứng dưới vách đá ở cuối vòng cung bãi biển em nhìn thấy có một sợi dây thừng buông thõng xuống từ một cái cây, vốn tính tò mò em leo lên mấy tảng đá để đến chỗ sợi dây đó thì phát hiện ra một lối mòn. Chẳng biết nó dẫn đi đâu nhưng vẫn lần theo để đi, đoạn đầu dây thừng được neo giữa những gốc cây để người ta có thể bám vào khi leo qua những tảng đá, khi đường đã dễ đi hơn thì dây thừng không còn nữa. Len lỏi giữa rừng cây một lúc thì thấy mình đang đứng trên vách núi và nhìn ra một mặt khác của hòn đảo. Để tới bãi biển dưới chân, phải leo xuống qua một cái miệng hang nhỏ. Phía này vách núi cao hơn rất nhiều còn cây cối thì lại ít hơn, du khách chỉ có một đám thanh niên chuẩn bị đi về bên kia, mấy người đang đi bộ qua bãi san hô chết để ra thuyền và em. Sau khi chụp cho đám than niên mấy bức hình, em đi bộ theo nhóm người kia, khi họ lên thuyền đi mất thì giữa trời đất bao la đó còn mỗi một mình em, một bên là biển, một bên vách núi sừng sững, phía xa có mấy ngôi nhà nhưng chẳng thấy bóng người, dưới chân là một màu đen của san hô chết. Thủy triều đang xuống, bãi cạn mỗi lúc một rộng thêm, nước rút, để lại những vũng nước nhỏ, mấy con tôm tít nhảy tanh tách mỗi khi có người lại gần, rất nhiều những con ghẹ màu xanh biếc lẩn trốn rất nhanh vào mấy tảng đá, nếu trốn không kịp thì giơ hai cái càng lên sẵn sàng chiến đấu. Cứ thế, em đi từ vũng này sang vũng khác, bắt ghẹ rồi lại thả ra. Mải mê đến khi nhìn lên thấy hai bác phụ nữ ở đâu xuất hiện đang tìm bắt ốc. Em nhập hội với họ, nhặt ốc cho họ, em làm hiệu có nhiều con ghẹ rất to ở đây nhưng họ chỉ lắc đầu giơ mớ ốc lên “chúng tôi chỉ lấy ốc thôi”. Cứ muốn nấn ná lại thêm nhưng gần đến giờ hẹn với lái tàu, đành tạm biệt hai bác để đi về, thủy triều lúc này rút xuống rất nhiều đến mức có thể lội trên biển để về bờ bên kia chứ không cần đi theo đường mòn trên vách núi nữa. Chạy như bay qua con đường giữa những khách sạn tới cầu tàu, những người cùng thuyền đều đã ở đó. Cầu cảng lúc trưa nước ngập mấp mé bây giờ đã thấy cả đáy phía dưới, lớp lớp những con cua đỏ (loài cua nhỏ như ngón tay cái) có một càng to thiệt to còn càng còn lại bé như cái tăm đang bò phía dưới chẳng hề quan tâm phía trên con người đang làm gì. Đoàn người lũ lượt hành quân trên cầu tàu làm nó rung lên theo từng bước chân. Sóng ở cửa sông càng lớn bội phần khi về chiều gió mỗi lúc một to, khiến cho nỗi sợ hãi cũng dâng lên, nhưng cuối cùng mọi người đều an toàn về tới Krabi, thêm một ngày mệt phờ nhưng vui.

Tối hôm đó em đi dạo dọc theo con đường ở bờ sông, ngắm nhìn lần nữa Krabi và hồi tưởng lại con đường đã đi trên đất Thái, một hành trình đong đầy cảm xúc, từ vui sướng đến tức giận, từ hạnh phúc tới cô đơn từ nụ cười tới sự thất vọng, mọi thứ kết thúc nhẹ nhàng và giản dị tại Krabi, để khởi đầu cho một Malaysia khá trọn vẹn.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,621
Bài viết
1,154,050
Members
190,152
Latest member
sportzwarrior
Back
Top