What's new

Lệ Giang...hồi đó

Tôi thuật lại ở đây chuyến đi Lệ Giang của mình độ cuối năm 2007, chuyến du lịch tự túc ra nước ngoài hoành tráng nhất của chúng tôi tính đến thời điểm đó. Hoành tráng về kinh phí, về độ dài ngày của chuyến đi, về quãng đường đã đi qua và cả hoành tráng về...độ liều nữa!

Chuyến đi đã lâu, địa điểm đã trở thành "cũ" trong diễn đàn nên cũng không có ý định cung cấp thông tin hướng dẫn cho các bạn có ý định tìm hiểu cung đường này.

Chỉ đơn giản, đối với tôi, để phủi bụi cho "hồi ức" của mình về chuyến đi ấy, khi mà bạn đồng hành nay đã không còn chung bước. Dẫu sao, ký ức vẫn còn sống mãi...
 
Công nhận bạn Happypack viết thực sự có cảm xúc.

Mình đi lên Shangri-La bằng ô tô từ Lệ Giang nên không được biết sân bay ở đó, nhưng bù lại, cung đường Lệ Giang - Shangri-La thực sự đẹp.

Shangri-La là nơi mình thích hơn hẳn Lệ Giang, dù khi mình đi mùa đông, các thảo nguyên bên đường không có hoa mà phủ đầy tuyết trắng.

Từ Shangri-La đi xe 3h là đến đất Tibet. Nghe nói giờ đi đường đó được rồi. Nếu thật vậy thì đường đi Tây Tạng sẽ rút ngắn rất nhiều, và đường đi cảnh cũng rất đẹp nữa.
 
hi, cảm ơn axitchanh đã có lời động viên :) hồi đó axitchanh đi là năm nào vậy? chà, cả thảo nguyên phủ tuyết trắng chắc là axitchanh đi vào khoảng tháng 1 tháng 2 gì đó???

chặng về Trung Điện - Khe Hổ Nhảy - Lệ Giang bọn mình cũng đi ô tô, nhưng lúc đó là buổi chiều tối, lại phải lo cho bạn bị say xe nên cũng không ngắm cảnh được mấy :-( cho nên cũng không thấy được vòm cây xanh hai bên đường như mấy anh chị bên ttvn kể trên diễn đàn.

nếu đường ô tô Trung Điện - Tibet ngon lành rồi thì lần sau mình sẽ đi thử tuyến này :) có điều, chưa biết cái "lần sau" đó là lúc nào :-D
 
Bọn tớ mới đi đợt Tết vừa rồi.

Toàn đi ô tô nên thấy những cảnh này này.

Núi đồi & thảo nguyên đoạn từ Đại Lý lên Lệ Giang

4387854168_7ce3744485_z.jpg


4387853556_b900b3f9d5_z.jpg

Đoạn khúc quanh Ω của sông Trường Giang, các bạn Tầu bán vé đắt quá chẳng ai thèm mua vé, đi quá lui lên về phía Shangri-La đứng bên trên bắn tỉa, cũng đẹp như thường

4398024329_ccb38c8d0b_z.jpg

Đường đèo thơ mộng thế này này

4398790252_1aabc48410_z.jpg

Núi tuyết đoạn gần đến Shangri-La

4393744561_3933c88105_z.jpg

Ngôi làng bình yên trong tuyết

4406202915_91ab490be8_z.jpg

Nương tuyết. Chỗ này lúc không có tuyết phủ có lẽ là những ruộng lúa mì.

4481437839_e59090b232_z.jpg

Cũng đáng để bù đắp cho nỗi sợ hãi khi đi ô tô trên đường đèo.
 
Oái, axitchanh đi nhanh thế! Chờ tí, mãi trưa hôm sau mình mới tới Omega cơ :)
Hình đẹp tuyệt, vote cho axitchanh đấy ;-D
 
Phố cổ Trung Điện

Gần trưa, chúng tôi bắt đầu xuống phố, đi dọc lên dốc đường bên phải. Gọi là thành phố nhưng Trung Điện thực chất chỉ là một trấn nhỏ đang phát triển, còn chưa quá đông người. Nền công nghiệp không khói đang thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kiến trúc nơi đây. Khắp mặt tiền các đường phố trải nhựa thông thoáng, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu đã và đang mọc lên. Để thu hút du khách, người ta cố gắng đưa vào kiến trúc xây dựng những gì có thể gợi nhắc đến văn hóa Tạng, từ những họa tiết sặc sỡ đến những viên gạch nâu thô đắp tường, từ hình dạng thang cân của các tòa nhà đến những cột đèn đường với đường nét hoa văn cách điệu, ngay cả mái vòm của trạm chờ xe buýt cũng được thiết kế giống như một cổng vào nhà người Tạng vậy.

Thế nhưng cuộc sống người dân bản địa không vì thế mà bị hòa tan vào dòng chảy của du lịch, của những tiếp xúc văn hóa diễn ra đã nhiều năm nay. Vẫn dễ dàng để bắt gặp hình ảnh những em bé má đỏ au chơi đùa trước cổng nhà bằng gỗ, với phần mái và đầu hồi chạm khắc và trang trí vô cùng tinh xảo, đầy màu sắc; những căn nhà với bờ tường bao đắp đất được phủ cỏ bên trên. Những miếu thờ hình tháp vẫn ngạo nghễ nơi góc đường hay trên những mô đất cao. Có lẽ, niềm tin tôn giáo chính là sợi dây vững chắc nhất neo giữ người Tạng với bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tiết trời ở Trung Điện rất lạnh, dù nắng vẫn gay gắt. So với Côn Minh, rõ ràng sự chênh lệch nhiệt độ là đáng kể. Chúng tôi đã khoác thêm áo ấm mà vẫn phải xuýt xoa mỗi khi một cơn gió lùa qua. Đã được cảnh báo về hội chứng độ cao, tôi dặn dò Trang phải “đi chậm, nói khẽ, cười mỉm chi” để tránh mất sức; nhưng quả thật cả hai đứa đều phải chịu trận với không khí loãng nơi này, đi rất thong dong mà vẫn cứ phì phò.

Loanh quanh một lúc thế nào chúng tôi lại tiếp cận với khu phố cổ từ một lối vào bên hông. Trước chuyến đi chỉ biết đến Lệ Giang, nên tôi cảm thấy khá thú vị khi đặt chân đến khu phố này. Đường làng lát đá, nhấp nhô lên xuống do địa hình đồi dốc, nhà cửa cũng theo thế mà nhấp nhô. Nhà hoặc có tầng hoặc không, hoặc bằng gỗ hoặc đắp đất, trong sân nhà thể nào cũng có một loại cây ăn quả nào đó, mà phổ biến nhất là táo đang mùa rụng lá, trơ ra những cành đeo đầy quả. Góc sưởi nắng của mỗi nhà là bất cứ nơi đâu có nắng và có thể ngồi được, ngoài hàng hiên, trên bao lơn hoặc ngay chính những bậc thềm gỗ dẫn lên nhà. Nhịp sống nơi đây có vẻ chậm rãi, ai có việc cứ làm, người rỗi rãi thì đánh cờ hoặc đem đồ ra chỗ nắng mà khâu vá, đan móc. Đến mấy chú chó nuôi cũng mang dáng vẻ thảnh thơi, toàn nằm ườn trước sân mà sưởi ấm. Có điều mà mãi đến lúc này chúng tôi mới nhận thấy, là ở các tỉnh miền cao như thế này, người ta rất ưa nuôi những giống chó to sụ có bộ lông dày xồm để chống chọi với khí hậu lạnh lẽo thường trực trong ngày.

Mặt trời đã đứng bóng, những lá bùa nhiều màu sắc giăng trên quảng trường nhỏ đang phất phơ trong gió. Tại đây, cứ mỗi khi màn đêm buông xuống, người ta lại nhóm lên một đống lửa to để cùng nhau ca hát, nhảy múa thành một vòng tròn. Rất nhiều du khách cũng đến để tham gia vũ điệu cùng người dân địa phương, những ánh lửa bập bùng soi trong bóng mắt rạng rỡ. Những người sinh sống ở đây nói với chúng tôi rằng đây, chứ không phải những show diễn trong các nhà hàng, mới chính là những gì mà tổ tiên họ vẫn thực hiện từ bao đời nay để gắn kết tình làng nghĩa xóm sau những giờ làm lụng ngoài đồng áng.

Lấy quảng trường làm trung tâm, bao quanh đó là rất nhiều các nhà nghỉ, nhà hàng, cửa hiệu bán đồ lưu niệm. Hầu hết các biển hiệu đều ghi rằng “Tibetan guesthouse” “traditional meal”…hay đại loại như thế. Trên quảng trường, khói tỏa la đà từ những chảo khoai chiên và những lò than nướng. Chúng tôi thích thú vào nếm thử món ăn chơi này, mỗi thứ một tí, nào nấm, hành, thịt heo, thịt bò, lạp xưởng, bí, dưa, cà tím. Tôi vốn dễ ăn nên thấy khá ngon, Trang thì không thích mấy mùi vị của thứ nước sốt được quệt lên các xâu đồ nướng. Nhìn tôi nhai rau ráu mấy cọng hành, Trang chỉ lắc đầu le lưỡi. Nhưng mà đúng là hành nướng chả hăng tí nào cả!


DSCF1751.jpg

Đường vào phố cổ


DSCF1752.jpg

Một góc sưởi nắng, có thể là chiếc ghế gỗ trước hiên...


DSCF1753.jpg

...hay ban công nhỏ với bộ bàn ghế nhỏ


DSCF1754.jpg

Đánh cờ trong nắng


DSCF1764.jpg

Thêu thùa trong nắng


DSCF1775.jpg

Đi về trong nắng
 
Sorry Happypack, tớ nhầm lẫn. Cái hình này

4398024329_ccb38c8d0b_z.jpg

không phải khúc quanh Ω của sông Trường Giang/Dương Tử (Omega corner) mà chính xác phải là khúc quanh đầu tiên (First bend) bạn ạ.

Cảm ơn PeterPan đã nhắc tớ.
 
Tu viện Shongzhalin

Cả hai chúng tôi đều đã thấm mệt nên quyết định quay về guesthouse. Trang bảo đầu nhức như bưng và hơi choáng, đi rất chậm và phải dừng nghỉ nhiều lần dù đường về nhà nghỉ không xa lắm. Về đến nơi chỉ kịp nằm lăn ra giường, bắt uống thuốc gì cũng không chịu. Tôi thấy rất lo lắng, đoán rằng Trang bị hội chứng độ cao cộng thêm việc đêm trước khó ngủ vì lạ chỗ, nếu không có biện pháp gì thì tình hình sẽ rất tệ. Sau một lúc hỏi han, tôi được chị chủ nhà trọ chỉ đường tìm mua loại thuốc tên là “hong mỉng tian” để giảm nhức đầu cho Trang, cách đó gần 2 cây số. Dù đã tự dặn mình phải bình tĩnh, tôi vẫn không ngăn được việc guồng chân thật nhanh (không dám chạy) để tìm mua thuốc. Bản vẽ chỉ đường khá đơn giản nhưng mãi vẫn không tìm thấy hiệu thuốc đâu, chỗ nào cũng chỉ toàn tiếng Hoa. Nghĩ đến Trang vẫn đang nằm khổ sở ở nhà, lúc này tôi phát hoảng thật sự, chạy quàng cả lên. May sao, sau một hồi loay hoay hỏi thăm người đi đường mà chẳng hiểu gì, tôi đánh liều lại vào đúng ngay hiệu thuốc. Thật mừng không kể hết :) Có được thuốc rồi phải tức tốc quay về thật nhanh với Trang, miệng mồm thở hồng hộc mà không dám nghỉ, chỉ làm sao cố gắng điều hòa hơi thở và nhịp chân. Đến nhà, tôi xin một bát cơm nguội và nhờ chị chủ nấu hộ một tô canh cải. Cho Trang ăn cơm, Trang ăn không hết, tôi ăn phần còn lại. Uống thuốc xong Trang lại đi nằm, tôi cũng thiếp đi.

Chúng tôi tỉnh dậy đã gần 5h chiều, nắng vẫn còn chói chang nhưng có thể cảm thấy nhiệt độ đã bắt đầu giảm xuống, tức là còn lạnh hơn ban sáng. Trang có vẻ khá hơn một chút, tôi lại có triệu chứng nhức đầu và gây gây sốt, chắc tại buổi trưa dang nắng.

Kế hoạch cho chiều nay là đi thăm tu viện Songzanlin. Chúng tôi đến đó bằng xe buýt, chỉ chừng 1-2 tệ. Từ xa đã thấy chữ Shangri-la màu trắng khắc trên sườn núi đá xám. Tự dưng xe buýt dừng lại và thả chúng tôi xuống một đoạn đường đất mù mịt bụi rồi chạy tiếp. Ngơ ngác, đã thấy cái tu viện nào đâu, hay đi nhầm tuyến. Nhưng dòng chữ trên kia cho biết là chúng tôi đang đi đúng hướng. Thôi cuốc bộ vậy.

Vừa dợm bước, chúng tôi giật nảy mình vì một tiếng thét the thé với âm vực rất cao. Nhìn quanh quất thì thấy một người phụ nữ đứng trong căn lán nhỏ bên kia đường đang chỉ trỏ gì đó. “Chắc không phải mình”, tôi nói với Trang. Đi tiếp, lại “quác quác quạc quạc”. Lạ nhỉ, chúng tôi nhìn nhau lo lắng. Thử đi thêm vài bước, ôi thôi một tràng quang quác đuổi theo. Thế thì đúng bọn mình rồi. Tức mình, chúng tôi quay lại chỗ người phụ nữ. “Chị muốn gì!?”, tôi xẵng giọng, bằng tiếng Anh _ bên kia chìa ra xấp vé, tuôn một tràng xủng xoảng. À, thế ra bắt chúng tôi mua vé. Quái nhỉ, trước nay tôi chưa từng nghe ai nhắc nhỏm vụ vé vủng khi vào thăm tu viện cả, mà cả một đám người trên cùng chuyến xe buýt lúc nãy có ai phải mua vé đâu, xe cứ chạy thẳng vào đấy thôi. Vé giả à, hay định bắt chẹt bọn này!? Chúng tôi lắc đầu quay đi. Màn trình diễn lại lặp lại với cường độ quyết liệt hơn. Ngao ngán quá, vả lại nhìn xấp vé được in rất rõ nét và cẩn thận, chúng tôi đành mua hai vé, ngộ nhỡ vào trong ấy có người kiểm tra bắt quay ra thì khổ.

Qua khỏi một khúc quanh bị che khuất tầm nhìn, tu viện Songzanlin hiện ra rực rỡ dưới nắng chiều. Từ xa, tu viện trông giống như một cái ngai vàng đang tựa lưng vững vàng vào vách núi, nhìn xuống lòng hồ cạn. Khi hồ đầy, bóng tu viện in trên mặt nước xanh rợi màu trời hẳn phải là một bức tranh tuyệt đẹp. Người ta đang làm một con đường vòng quanh hồ để nối lên đường xe chạy phía trên. Từ chỗ đó, chúng tôi phải đi bộ gần 3 cây số mới tới chân tu viện.

Nhìn bao quát, đây như thể là một thành phố nhỏ, tách biệt hẳn với Trung Điện đằng kia, với nhiều lớp nhà Tạng bạc màu vôi xếp chồng lên nhau, trải dài hai bên tu viện mà trung tâm là tòa chính điện. Nếu không có những chiếc xe buýt hay xe con đang đậu ngoài bãi, khách đến thăm rất dễ thấy như mình đang đứng đây đâu khoảng 20 năm về trước. Tịnh không thấy một cột ăng ten nào. Những ô mắt – cửa sổ nhất loạt quay về một hướng, mấy lớp cỏ xám trên bờ tường phất phơ trong gió.

DSCF1787.jpg


Tu viện như một cái ngai vàng tựa lưng vào vách núi.


DSCF1789.jpg


Những ô mắt - cửa sổ


DSCF1809.jpg


Một khu nhà ở của tu sĩ
 
Last edited:
Đường lên chính điện khá cao và dốc, dễ phải đến hơn hai trăm bậc đá hẹp.

Chúng tôi cứ leo vài bậc, lại nghỉ một đỗi, mồm và mũi thi nhau thở. Trên đường lên có đoạn bắt gặp mẹ con nhà lợn, trông rất phong trần và hoang dã. Hai đứa đang ngồi nghỉ vội bảo nhau thôi ráng thêm vài bậc nữa để tránh đường cho lợn, nói dại mồm chứ chẳng may nó nổi hứng ủi cho một ủi thì cứ lông lốc mà lăn xuống thôi, công leo vất vả toi hết!

Songzanlin, như hầu hết các tu viện Tạng khác, là một tổ hợp kiến trúc bao gồm chính điện và các khu nhà ở dành cho các thầy tăng. Thầy tăng trong xã hội Tạng luôn nhận được sự tôn trọng nhất định, và bên cạnh việc tu hành học đạo, thường không phải lo toan nhiều về nơi ăn chốn ở. Điều này giải thích vì sao nhiều gia đình Tạng thích gửi con mình vào các tu viện trong màu áo mận chín. Hình khối thang cân, tường sơn trắng lốp, rui mè và cửa sổ trang trí sặc sỡ với hoa văn tỉ mỉ - là những nét kiến trúc cơ bản của tu viện. Trắng, đỏ sẫm và vàng là những màu sắc chủ đạo. Như thường thấy, phần mái của chính điện trong kiến trúc Phật giáo, bất kể là của nhánh nào, đều là những tác phẩm đặc sắc từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, khiến người xem phải trầm trồ ngưỡng mộ. Mái của tu viện Tạng càng nổi bật hơn với phần vàng thếp chói lọi.

Chúng tôi lên đến sân chính điện, trống ngực vẫn thình thịch vì chưa hết mệt, trông thấy một anh thợ hồ gánh xi măng phăm phăm lên xuống mấy lượt mà chỉ biết trợn mắt nhìn nhau. Trên cao này lạnh thật. Từ đây, phóng tầm mắt khỏi những tầng mái lợp chặn đá bên trên, qua cả hồ nước và rặng cây trụi lá trước mặt, có thể nhìn thấy thị trấn Trung Điện trong thung lũng xa xa. Vài tảng mây trên đầu trôi lững thững, ngăn bớt ánh mặt trời đang hắt sang từ phía bên hông phải.

Đã gần cuối giờ chiều, trên sân lúc này chỉ lác đác mấy du khách đang tản bộ. Phía trước cửa lớn dẫn vào phòng đọc kinh, một nhóm thầy tăng trẻ tụ tập bên cạnh đôi sư tử bằng đá trắng. Giày bốt, tay trần, họ la hét rất sôi nổi và có những động tác giống như đang khởi động cho một môn thể thao nào đó.

Ái chà, ấn tượng thật! Chúng tôi nán lại chờ, nhưng mà sao khởi động hoài vậy! Mãi mới nhận thấy các thầy chia thành từng nhóm nhỏ chừng 5-7 người, với một hoặc hai người ngồi làm tâm, các thầy còn lại quây tròn xung quanh. Lần lượt mỗi thầy xoay dọc người, dang tay hướng về phía người làm tâm, miệng thốt lên một câu gì đó rất nhanh với âm điệu lớn dần, cùng lúc đó hơi lùi ra và nghiêng người về phía sau lấy đà, làm sao để khi kết thúc câu với tiếng thét “ya-tso, ya ya-tso” cũng là lúc bật chồm người về phía trước, bàn tay phía sau đập mạnh vào bàn tay đang chìa ra trước mặt người ngồi. Người “chịu trận”, gần như ngay lập tức, đáp trả bằng một câu dài, cũng to và nhanh không kém. Cứ thế hết một lượt thì đổi người “chịu trận”. Không khí “cãi vã” khá huyên náo với tiếng đối đáp, tiếng vỗ tay bôm bốp và điệu bộ nhảy nhót của các thầy tăng. Chúng tôi đinh ninh rằng họ đang luyện tập khả năng diễn thuyết và ứng đối, để sau này còn đi thuyết giảng kinh Phật cho dân chúng nữa chứ :) sau mới biết mình chỉ “bụng ta suy ra bụng người”, vì đó chẳng qua là một hình thức khảo bài miệng cuối ngày của các tiểu tăng sau những giờ học kinh mà thôi!


DSCF1795.jpg


Đường lên chính điện


DSCF1796.jpg


Những sắc màu Phật giáo Tây Tạng...


DSCF1794.jpg


...tưởng như vô tình nhưng lại thực hòa hợp với thiên nhiên.


DSCF1799.jpg


Trên sân chính điện


DSCF1802.jpg


Khởi động...trả bài


DSCF1797.jpg


Từ sân chính điện nhìn về phía Trung Điện thị trấn
 
Last edited:
Đáp chuyến xe buýt cuối cùng từ tu viện về lại thị trấn, chúng tôi có một buổi tối quây quần bên bàn ăn cùng gia đình Kevin và hai em phục vụ. Trong ánh đèn vàng nhạt và hơi ấm tỏa ra từ chiếc quạt sưởi, chúng tôi cùng thưởng thức các món ăn Trung Quốc. Có đầy đủ thịt, trứng, rau, bắp, đậu phụ, miến và canh (hình như là rong biển).

Kevin thấp đậm, mặt tròn, tóc húi sát cùng chị vợ Becky nhỏ người, xinh xắn là những người hay chuyện và nói tiếng Anh cực tốt. Hai anh chị quen nhau từ khi học cùng lớp đại học ở Côn Minh, sau khi cưới thì quyết định lên đây lập nghiệp vì yêu thích sự yên tĩnh của thị trấn. Chúng tôi lan man đủ thứ chuyện, từ sở thích du lịch đến công việc kinh doanh nhà nghỉ. Trong lúc chú berger non to sụ cứ quanh quẩn dưới chân với ánh nhìn tinh nghịch, hai em phục vụ má đỏ dọn dẹp bàn ăn. Các em đều là người ở quê đi làm công và khá bẽn lẽn khi chúng tôi bắt chuyện.

Chỉ ở nhà nghỉ của Kevin một ngày đêm cũng đủ để chúng tôi hiểu vì sao đây là sự lựa chọn ưa thích của dân backpacker. Bên cạnh lợi thế giao tiếp, giá cả bình dân, dịch vụ đầy đủ, Kevin Trekker Inn dường như còn là một trong những nơi hiếm hoi ở Trung Điện mà người ta có thể tìm thấy sự trợ giúp khi gặp vấn đề với các sản phẩm công nghệ cao (laptop chẳng hạn…). Bản thân Kevin cũng đã từng nhiều lần rong ruổi xe máy ngao du trên đất Trung Quốc, nên những kinh nghiệm và gợi ý tư vấn lộ trình của anh có phần hợp gu với những kẻ thích du lịch bụi.

Từ ý kiến riêng của đôi vợ chồng, những tháng đầu đông khi trời còn quang đãng là thời điểm thuận lợi nhất trong năm để xem ánh mặt trời lên trên đỉnh Meili, nhưng lại thường là mùa thấp điểm du lịch vì cái lạnh. Đối với chúng tôi, đã đến đây lúc này có thể xem là một sự may mắn tình cờ, vì trước đó, qua nhiều bài viết, chúng tôi cũng không hy vọng gì nhiều có thể chứng kiến hiện tượng thiên nhiên đặc biệt này.

Lại vẫn ý kiến của Kevin, khi đã đến Đức Khâm, nên tranh thủ đi xem sông băng (glacier, very nice), Lệ Giang chỉ cần hai ngày, Ngọc Long thì không nên đi vì chẳng mấy khi có tuyết do thời tiết thay đổi dạo gần đây, và Đại Lý thì chẳng đáng ghé qua (mới nghe chúng tôi hơi bị sốc, vì như thế thì quá khác so với kế hoạch định sẵn). Hai vợ chồng còn đặc biệt lưu ý hai đứa chúng tôi nếu có thời gian rất nên trekking dọc theo hẻm núi Hổ nhảy (very beautiful, magnificient). Sau một hồi bàn tính, chúng tôi nhờ Becky liên lạc lại với bác tài lúc sáng để thuê xe cho chặng Trung Điện – Đức Khâm – Trung Điện – Lệ Giang sáng hôm sau (Kevin cũng có dịch vụ này nhưng do xe mới nên chi phí hơi cao so với ngân sách của chúng tôi lúc đó). Giá cả thỏa thuận là 400 tệ/ ngày đường, bác tài sẽ ăn cùng chúng tôi. Biết chúng tôi vẫn chưa định sẽ ở đâu, Kevin giới thiệu một anh bạn cũng có guesthouse ở Feilai View, ở đó sẽ bao chỗ ở cho tài xế.

Thấy hơi mệt nên chúng tôi đi nghỉ sớm. Từ phía khu phố cổ vẳng lại tiếng nhạc rộn ràng, chắc mọi người lại đang hát hò và nhảy múa ngoài ấy.

Đêm xuống 4oC. Trời rét căm. Giường ấm.

DSCF1783.jpg



DSCF1782.jpg



DSCF1781.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,657
Bài viết
1,154,589
Members
190,156
Latest member
phathaioqan1
Back
Top