What's new

[Chia sẻ] Nepal - Mặt trời trên núi tuyết

Nepal - 02.2014

Cách tốt nhất để quên đi ưu phiền thực tại, là nghĩ về chuyến đi đã qua hay nghĩ đến chuyến đi sắp tới.

Mỗi chuyến đi dù xa dù gần đều mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Dù rằng những bước chân của tôi là quá nhỏ bé trên bề mặt địa cầu.

Nepal – Mặt trời trên núi tuyết

Tại sao tôi đi Nepal, một nước nhỏ và ít được biết đến? Nhiều người hỏi tôi câu đó, gia đình, bạn bè. Và thực lòng tôi cũng không trả lời được lý do chính xác là gì. Vì cao lắm mỗi năm đi được một, hai nước mà cũng chỉ còn khoảng 10 năm đủ sức khỏe để đi, nên việc chọn đi nước nào cũng là điều tôi cân nhắc rất kỹ lưỡng. Mọi việc bắt đầu vào ngày sinh nhật tôi. Ngày hôm ấy tôi vô tình đọc được một bài viết về Nepal trên chuyên mục du lịch của Vnexpress. Thế là tìm bạn đồng hành, rồi book vé. Tất cả như đã được một “thế lực” nào đó sắp đặt sẵn khi mọi việc đều diễn ra suông sẻ. Chọn Nepal, tôi đã phải bỏ qua chuyến đi Nhật mùa thu. Dù rằng chi phí đi Nepal lần này không hề rẻ hơn chi phí đi Nhật.

Nepal nằm giữa hai miền đất quá mênh mông về địa lý và quá vĩ đại về văn hóa là Ấn Độ và Tây Tạng. Nên Nepal thường là nơi trung chuyển để đến Tây Tạng, hoặc là nơi ghé thăm “kèm theo” khi đến Ấn Độ. Bạn bè tôi ít người biết đến nơi này. Trước kia, tôi cũng không nghĩ rằng Nepal là nơi sẽ có trong danh sách du lịch của mình, mặc dù tôi biết nơi đây có 3 điều nổi tiếng: đỉnh Everest, Lumbini và tượng đồng. Tôi không có tham vọng, cũng không đủ sức khỏe để chinh phục Everest, nên mục đích khi đến Nepal là 2 điều còn lại. Nhưng Nepal cho tôi nhiều hơn tôi đã tưởng.

Nepal không chỉ có núi tuyết là Everest. Và không cần chỉnh phục đỉnh Everest để có được cảm xúc chạm vào núi tuyết. Từ khi xem Mekong ký sự cách đây gần mười năm, rồi đọc các cuốn sách Đường mây qua xứ tuyết hay Mùi hương trầm, Đường xa nắng mới,…thì hình ảnh những ngọn núi tuyết vĩnh cửu trong dãy Hymalaya luôn ám ảnh tôi. Những ngọn núi tuyết hùng vĩ mang đến cho tôi cảm giác vừa bí ẩn vừa linh thiêng. Là nơi khởi nguồn. Là nơi gần bầu trời nhất. Là nơi ta chỉ có thể vọng ngưỡng mà không bao giờ chạm tới.

Buổi chiều đầu tiên ở Kathmandu là lần đầu tiên tôi được vọng ngưỡng núi tuyết, dù khoảng cách là rất xa, chỉ có thể thấy được những chóp núi tuyết trắng. Thung lũng Kathmandu như một gương sen, núi non bao quanh trùng trùng điệp điệp hết lớp này đến lớp khác như những cánh sen. Những cánh sen này thay đổi màu sắc theo từng khoảnh khắc trong ngày. Có khi sen trắng màu trắng của tuyết, khi trắng màu trắng bồng bềnh của mây, có khi ửng hồng bình minh, khi nhuộm màu ráng chiều. Chùa Swayambhunath nằm trên một ngọn đồi trong thung lũng Kathmandu, là nơi có thể ngắm toàn cảnh thung lũng Kathmandu và ngắm hoàng hôn trên dãy núi tuyết bao quanh thung lũng.

1508153_3903787689889_579360199_n.jpg
[/IMG]

Ngày thứ hai, chúng tôi khởi hành đi Pokhara, một thành phố du lịch nổi tiếng của Nepal nơi có dãy núi tuyết Annapurna (một phần của dãy Hymalaya) mà đỉnh cao nhất tới 8.091m. Pokhara cách Kathmadu hơn 200km. Đồng hành với chúng tôi trên suốt chặng đường là dòng sông Trisuli xanh như ngọc và núi tuyết. Ra khỏi trung tâm Kahtmandu không xa là đã bắt gặp dòng sông Trisuli. Lúc đầu, sông và con đường ngang ngửa độ cao với nhau. Nhưng càng lúc thì độ chênh giữa mặt đường và dòng sông càng lớn dần, không biết vì đường càng lúc càng lên cao hay sông cảng lúc càng chảy xuống thấp? Dòng sông uốn lượn giữa các hẻm núi đá. Có một điều khác biệt giữa sông Trisuli và các con sông khác mà tôi đã từng thấy, đó là Trisuli có những bờ cát trắng mịn đẹp như bãi biển. Có lẽ do Nepal không có biển nên tạo hóa bù đắp bằng những bến sông đẹp như bãi biển chăng?

1508588_3903848851418_447216161_n.jpg


1902084_3903873372031_309578748_n.jpg


Nối 2 bờ sông Trisuli là nhiều cây cầu treo thế này. Hy vọng chất lượng những chiếc cầu này không tệ như cầu treo Chu Va vừa bị đứt ở Lai Châu.

1957966_3903858451658_396909520_n.jpg


1920032_3903866611862_1673539203_n.jpg


Trên đường đi, chúng tôi ghé Siddha Cave, với hy vọng vườn quýt ở đó còn trái. Mặc dù không đủ sức leo lên đến tận Cave cũng như vườn quýt chỉ toàn lá chứ không có 1 trái quýt náo, nhưng tôi đã có 1 nơi tuyệt vời để ngắm núi tuyết và sông Trisuli. Một không gian thật thoáng đãng và yên tĩnh. Ở lưng chừng núi phóng tầm mắt nhìn xuống là dòng sông Trisuli xanh ngắt uống lượn, là dãy núi tuyết dường như rất gần. Có một ngôi nhà bằng đá không có người ở. Có một vườn quýt xanh lá. Có một cây xoài hàng trăm tuổi. Có những giọt sương vẫn chưa tan dù trời nắng. Có 1 cây khô. Và có những bậc thềm đá rất tĩnh tại

1743439_3903925813342_1500957045_n.jpg


1891112_3903940333705_1968398544_n.jpg
 
Khởi hành rời Kathmandu lúc 6h sáng. Đến 6h tối chúng tôi mới đến Pokhara. Nghĩa là mất gần 12 giờ đồng hồ cho quãng đường chỉ hơn 200km. Không phải do đường xấu, dù đi đường đèo xe không thể chạy quá nhanh được, mà do chúng tôi cứ mãi nhẩn nha trên đoạn đường đi vì biết khi nào mới quay trở lại. Khi thấy lạnh thì dừng ở một quán nhỏ ven đường, ấp ủ trong tay tách trà sữa nóng hổi trước khi nhấm nháp từng ngụm béo ngậy, ăn thử món tép sông Trisuli rang giòn rụm và ngọt lịm. Dừng lại Siddha Cave. Dừng lại vài lần để đi xuống tận bến sông Trisuli, đi trên bãi cát trắng phau, vọc tay vào dòng nước mát lạnh trong veo, để không phải tiếc nuối điều gì về con sông đẹp đẽ này: đã được nhìn thấy và đã được chạm vào.

Hai bên đường là những khoảnh ruộng hoa cải vàng óng ánh nối tiếp nhau. Tôi nghĩ vui rằng nông dân Nepal rất nghệ sĩ và rành nghệ thuật sắp đặt. Họ trồng mù tạt vàng hoặc kiều mạch hồng trên những mảnh ruộng nho nhỏ vuông vuông, rồi viền xung quanh những khoảnh ruộng vuông vuông nho nhỏ đó bằng những luống hoa dại màu tím. Nhìn xa xa những luống hoa dại tím này cũng giống hoa oải hương lắm. Hoa cải vàng hay kiều mạch (tam giác mạch) nước mình cũng có, và nhiều nơi khác cũng có. Thế nhưng để tập hợp lại màu vàng hoa cải, màu phớt hồng của kiều mạch, màu tím hoa dại trên nền dãy núi tuyết trắng xa xa, chấm phá thêm vài cánh chim điêu đậu trên cành cây khô, là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, dễ đâu tìm thấy.

1779119_3906101907743_586356537_n.jpg


547885_3906111307978_564563336_n.jpg


Sau bao nhiêu thứ quyến rũ ở dọc đường đi, cuối cùng chúng tôi cũng tới Pokhara lúc hơn 6h tối. Ấn tượng đầu tiên về Pokhara là những “bùng binh” bất đắt dĩ trong thành phố. Đó là những cái cây rất lớn, có lẽ hàng trăm năm, khi làm đường họ không đốn đi mà xây bảo vệ xung quanh cây, do đó cây trở thành bùng binh bất đắc dĩ vì thái độ trân trọng thiên nhiên của con người.

Núi tuyết ẩn mình trong đêm đen bao quanh thành phố. Trời vẫn rất lạnh, có lẽ từ hơi thở buốt giá của dãy núi tuyết Annapurna.

Tôi gọi ngày thứ 2 ở Pokhara là ngày của mặt trời và núi tuyết. Tôi đã được chiêm ngưỡng núi tuyết từ nhiều góc nhìn, nhiều khoảnh khắc. Dù ở cách núi tuyết hàng trăm cây số, nhưng có những sát na, dường như tôi đã được chạm vào.

Để ngắm bình minh trên núi tuyết, chúng tôi phải khởi hành từ rất sớm để lên đỉnh Sarangkot. Mới hơn 5h sáng và trời lạnh tê tái mà đã có rất nhiều xe rồng rắn lên đó. Sarangkot cao khoảng 1800m, nếu tôi nhớ không nhầm thì trước đây Sarangkot là một pháo đài, còn bây giờ thì trở thành view lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng mặt trời mọc trên dãy Annapurna. Từ dưới chân Sarangkot đi lên có nhiều trạm dừng với độ cao khác nhau. Vì tham lam, chúng tôi chọn trạm cuối cùng cao nhất để đón mặt trời. Để lên đó, phải leo một đoạn đường không ngắn. Dù có bậc thang, nhưng do trời còn quá sớm, quá lạnh, không khí loãng, sức khỏe lại không tốt nên có lúc tôi tưởng phải bỏ cuộc, đành ngắm mặt trời ở điểm dừng thấp hơn. Cuối cùng nhờ sự động viên của các bạn đồng hành, và 1 ly trà sữa nóng hổi tiếp năng lượng, tôi đã có mặt ở chốt cuối cùng.

Quá đông người, và nhiều nhất, như mọi khi khác và như mọi nơi khác, là các bạn Trung Quốc. Trạm dừng để xem, tôi tự đặt là “Vọng tuyết đài” cho gọn vậy, hình tròn, bạn có thể ngắm núi tuyết từ nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên có một số góc nhìn bị vướng dây điện (dây điện luôn là kẻ thù của người chụp hình). Hướng đẹp nhất là nhìn thấy được ngọn Fish Tail cao khoảng 7.000m.

Khi chúng tôi lên tới nơi, may mắn là mặt trời vẫn chưa ló dạng. Dãy núi tuyết vẫn còn như đang say ngủ, chìm trong sương mờ. Lúc này, những đỉnh tuyết trắng một cách lạnh lẽo. Rồi trong 1 khoảng thời gian rất ngắn, chóp núi bừng lên màu đỏ rực. Tôi tưởng tượng như có ai đó vừa tỉnh ngủ, bật hộp quẹt châm vào đỉnh núi vậy. Không thể diễn tả được vẻ đẹp của dãy núi tuyết trong khoảnh khắc đó. Không thể bằng ngôn từ, không thể bằng hình ảnh. Lúc đó trong đầu tôi chỉ có 1 ý nghĩ: Thiên thai là chốn đây.

1901290_3906206510358_1957885737_n.jpg


1004712_3906213430531_1065413349_n.jpg


1922433_3906214150549_1245644958_n.jpg


1620819_3906214510558_456477268_n.jpg


“Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên ” (Thiên Thai – Văn Cao)

Một cây đào rừng lẻ loi trơ trọi phía sau một quán nước nhỏ trên đỉnh Sarangkot đã làm cho chốn đào – nguyên – của – tôi trong buổi sáng hôm ấy thật trọn vẹn. Tôi tìm thấy cây đào hay cây đào đã thấy tôi…

“Âm ba thoáng rung cánh đào rơi…”

1507960_3906236391105_237412817_n.jpg
 
Lumbini - Mùa sương mù trên thánh tích

Rời Pokhara, rời núi tuyết, chúng tôi xuôi về đồng bằng, đi gần 300km để đến với Lumbini, theo dấu lịch sử của 2.500 năm trước.

Tôi đến Lumbini với tâm thế gì đây?

Tôi không phải là một Phật tử thuần thành. Tôi không ăn chay, không thông làu kinh kệ, cũng chẳng mấy khi đi chùa. Do vậy mà chuyến đi Lumbini của tôi không phải là một chuyến hành hương đúng nghĩa mà là một chuyến đi tìm về lịch sử. Bởi vì nếu hành hương, tôi sẽ chọn Ấn Độ để đi vì Ấn Độ có đến 3 trong 4 thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo, trong khi Nepal chỉ có một Lumbini. Tuy chỉ có một, nhưng Lumbini là thánh tích bắt đầu cho những thánh tích còn lại: nơi Đức Phật đản sinh, nơi khởi nguồn cho một tôn giáo vĩ đại và lâu đời nhất.

Tôi tìm về quê hương của Đức Phật với tất cả lòng tôn kính. Với tôi, Người là Thánh nhân, là một trong vài người vĩ đại nhất của nhân loại. Tôi ngưỡng mộ tư tưởng của Người. Người không can thiệp, cũng không đặt dấu ấn vào lịch sử bằng vó ngựa trường chinh như Thành Cát Tư Hãn hay bằng sự thống trị như Tần Thủy Hoàng. Người không thay đổi lịch sử, cũng không làm thay đổi bản chất nhân loại vì trước, trong, và sau thời đại của Người, nhân loại chưa bao giờ hết khổ đau bởi chiến tranh, bởi thù hận, bởi quy luật tử sinh. Có hàng tỷ tỷ khổ đau và cũng có hàng tỷ con người nhờ triết lý của Người mà thân tâm an lạc.

Tôi đến Lumbini khi hoàng hôn vừa buông xuống. Nếu Kathmandu và Pokhara là những thung lũng nằm gọn trong lòng những dãy núi tuyết thuộc Hymalaya, thì Lumbini mang dáng vẻ đồng bằng và văn hóa đậm đặc chất Ấn hơn. Lumbini là một thị trấn miền biên ải, có nơi chỉ cách biên giới Ấn Độ có vài cây số. Và không hiểu vì sao, miền biên ải nào cũng mang đến cho tôi cảm giác buồn man mác. Có lẽ bởi vì khái niệm “ranh giới”. Mỗi khi tôi chạm vào ranh giới, dù hữu hình, dù vô hình, đều mang lại chút gì đó u uẩn! Một chiều sương biên giới…

Hai bên đường ở Lumbini là đường xoài với rất nhiều cây xoài cổ thụ, tiếc là mùa này không phải là mùa xoài ở đây. Bên cạnh đường xoài là những cánh đồng mù tạt vàng bạt ngàn. Khác với những khoảnh hoa cải vuông vuông nho nhỏ ở Pokhara, hoa cải ở Lumbini được trồng nhiều hơn, cây cao quá đầu người. Thánh tích Lumbini được bao bọc bởi 1 khu bảo tồn rộng hàng ngàn hecta. Trong khu bảo tồn là rừng cây, tôi không rõ là cây gì vì mùa này cây trơ trụi lá, chỉ còn lại cành khô khẳng khiu, và còn nhiều nai. Quanh khu bảo tồn được rào chắn, nhưng tôi vẫn thấy những bé gái, bằng cách nào đó, đã chăn dắt bầy dê của mình vào ăn cỏ phía bên trong. Và ở tại một khúc đường vào thánh tích, tôi đã chụp được tấm hình đẹp nhất chuyến đi, khi bắt được khoảnh khắc mặt trời đỏ rực buông xuống rừng cây khô. Khoảnh khắc trần ai rủ bỏ.

1920471_3912184219797_1751991620_n.jpg


Lumbini mùa này sương mù mờ mịt. Buổi sáng, chúng tôi dậy thật sớm để vào vườn thiêng Lumbini dù khách sạn nơi tôi ở chỉ cách cổng vào có vài bước chân. Lumbini không có núi tuyết nhưng vẫn rất lạnh. Trong cái lạnh lại thêm ẩm ướt của sương mù. Sương dày đặc đến mức tầm nhìn chỉ khoảng vài mét và do vậy, tôi đã được chiêm ngưỡng thánh tích trong màn sương huyền ảo. Trụ đá Asoka trong sương, hồ Puskarini trong sương, những lá phướn nhiều màu trong sương, và rất nhiều Phật tử lặng lẽ ngồi tụng niệm trong sương giá

995845_3912225140820_577631805_n.jpg


1653643_3912233141020_162195460_n.jpg


Hồ nước nơi hoàng hậu Mayadevi tắm trước khi hạ sinh Đức Phật

1661439_3912245301324_507063058_n.jpg


Trụ đá Asoka – do vua Asoka dựng để đánh dấu nơi đản sinh Đức Phật

564690_3912252301499_933809590_n.jpg


Rời khỏi vườn Lumbini, chúng tôi khởi hành đi Kapilavastu (Ca tì la vệ) – kinh thành của họ Thích ca, cách Lumbini vài chục cây số.

Tôi đến thăm một kinh thành đã từng huy hoàng trong quá khứ, cách đây hơn 2500 năm. Nơi đây Đức Phật đã trải qua thời niên thiếu nhung lụa, những ngày tháng vàng son trên ngôi vị hoàng tử. Và chính tại nơi này, tại cửa phía Đông, Người đã từ bỏ tất cả để ra đi.

Nếu gói trọn từ lúc khai thiên lập địa đến nay trong một ngày, thì khoảng cách 2500 năm còn chưa bằng một cái chớp mắt. Chỉ trong một cái chớp mắt, những huy hoàng của một quốc gia giờ chỉ còn là phế tích điêu tàn. Ta nhìn những viên gạch cổ xưa để liên tưởng đến những lầu đài đã từng tồn tại. Ta nghe tiếng gió len qua những tán lá bồ đề để tưởng chừng như tiếng nói cười vọng về từ hơn hai ngàn năm trước. Mọi thứ vật chất đều không qua khỏi quy luật có sinh có diệt. Chỉ có tư tưởng là bất tử.

Nếu ai đã từng chiêm ngưỡng những kiến trúc tôn giáo hoành tráng diễm lệ ở Châu Âu như Rome, Vatican, chắc chắn sẽ không khỏi có chút ngạc nhiên trước sự đơn gián mộc mạc ở nơi này – một trong những thánh tích bật nhất của một tôn giáo lớn: quê hương của Đức Phật và nơi yên nghĩ của cha mẹ Người (tháp lưu giữ tro xương). Trước cổng cổ thành Kapilavastu là cuộc sống bình dị của những gia đình nông dân nơi đây. Họ phơi hạt mù tạt. Trong đụn rơm có mấy con bò nằm thong thả. Có tiếng trẻ khóc. Có tiếng be he của một chú dê con. Tôi nghĩ rằng tất cả những cảnh sinh hoạt này giống như cuộc sống đã từng diễn ra nơi đây vài ngàn năm trước. Lại nghĩ về một điều đầy mâu thuẫn: Thánh tích thì đơn sơ, trong khi những ngôi chùa ở VN thì lại mỗi ngày mỗi lộng lẫy xa hoa. Càng xa hoa bao nhiêu thì càng xa rời tư tưởng của Đức Phật bấy nhiêu!

1891072_3912342823762_1378529109_n.jpg


1912246_3912345263823_144795591_n.jpg


Mộ của cha mẹ Đức Phật

1660763_3912349383926_296924997_n.jpg
 
Cảm ơn bạn đã viết bài, mình cũng vừa trở về cách đây chưa đầy 10 ngày, cảm giác xao xuyến gì đâu, như thể đã trao trọn con tim nơi ấy hay sao vậy, chỉ biết rằng mỗi khi ngắm lại ảnh và nghĩ về chuyến đi Nepal, lòng lại thổn thức như tìm về cội nguồn vậy.
 
Dòng sông uốn lượn giữa các hẻm núi đá. Có một điều khác biệt giữa sông Trisuli và các con sông khác mà tôi đã từng thấy, đó là Trisuli có những bờ cát trắng mịn đẹp như bãi biển. Có lẽ do Nepal không có biển nên tạo hóa bù đắp bằng những bến sông đẹp như bãi biển chăng?
 
Bài viết truyền cảm xúc quá. Ước gì có thể đến được Nepal vào cuối năm sau. Khi công việc vô guồng khó mà dứt ra được để làm những việc "trái tim mình thích". Chỉ sợ sau này, sức khoẻ ko còn đủ dẻo dai để có thể đi đến Nepal và trải nghiệm cảm giác trekking trên những ngọn núi vốn dĩ có sức hút kỳ lạ nơi đây. Cám ơn bạn vì bài viết :)
 
Đoạn bạn chủ viết Đức Phật hay quá. Mình cũng rất ngưỡng mộ Ngài vì sự vĩ đại trong hệ tư tưởng bác học của ngài. Mình dự định sẽ đi Nepal vào tháng 6/2015. Mình mong chia sẽ thêm kinh nghiệm về phương tiện di chuyển. Bác chủ thuê xe riêng nên mới có thể ung dung ngắm cảnh suốt ngày trên đoạn đường chỉ 200km. Bác có thể cho một chút thông tin về nơi lưu trú, tiền thuê xe. Cám ơn bác.
 
Hi bạn, về khách sạn: khi mình đi mình book qua Agoda các khách sạn ở Kathmandu (khoảng 35usd/đêm/2 người), Pokara (khoảng 30usd/đêm/2 người), Lumbini (18usd/đêm/2 người ở ngay cổng Lumbini garden), Patan (khoảng 15usd/đêm/2 người), Bhaktapur (khoảng 20usd/đêm/2 người). Hiện thời mình chưa nhớ ra tên tất cả các ks này,khi nào nhớ mình sẽ báo bạn. Tuy nhiên mình còn contact của bạn chủ khách sạn ở Bhaktapur rất dễ thương. Mình sẽ tìm email bạn ấy gửi bạn. Bạn có thể lien hệ để nhờ bạn ấy book giùm các khách sạn. Khi đến Bhatapur ở nên ở ks bạn ấy vì ngay trung tâm phố cổ, rất tiện.
Về thuê xe, mình nhớ tiền thuê và xăng xe tầm khoảng hơn 400usd cho khoảng 5 ngày. Lúc đó 1 người bạn ở Nepal book xe dùm nên mình không có contact chủ xe. nhưng có thể hỏi nhờ bạn chủ ks trên xem sao.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,845
Bài viết
1,156,189
Members
190,218
Latest member
akotovzta
Back
Top