What's new

Những ngày ở Nam Du

Bài viết được đăng lại từ chính trang blog cá nhân của mình
Phần 1: Tàu cập bến
Với nhiều người, đặc biệt là những ai có máu la cà thì miền Tây Nam Bộ từ lâu đã được “dán mác” vùng đồng bằng màu mỡ, nơi có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằn chịt, những vườn cây ăn trái xanh tốt tươi kề bên đồng lúa bạt ngàn và những khu chợ nổi trên sông tấp nập người mua kẻ bán. Hầu như ít ai chọn miền Tây là điểm đến cho các chuyến du lịch biển. Cũng phải, biển ở miền Tây là biển phù sa quanh năm nước đục, nó không thể bắt mắt bằng các bãi biển cát trắng tinh dọc duyên hải miền Trung. Toàn vùng Tây Nam Bộ chắc chỉ có biển Mũi Nai ở Hà Tiên là có bờ cát tương đối đẹp cho khách du lịch đến tham qua. Tuy nhiên biển đảo ngoài khơi lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Ở miền Tây hiếm tỉnh nào lại có nhiều tiền năng du lịch như Kiên Giang. Nơi đây có sự góp mặt của tất thảy mọi cảnh quan, từ kênh rạch, sông ngòi, đồng bằng, núi non, hang động, rừng rậm cho tới biển đảo. Đảo ngọc Phú Quốc từ lâu đã quá nổi tiếng về những bãi biển hoang sơ được các tạp chí du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Nhưng ngoài Phú Quốc ra thì Kiên Giang vẫn còn vô số đảo lớn nhỏ khác phải kể tới như quần đảo Bà Lụa, quần đảo Hải Tặc, quần đảo Nam Du, đảo Lại Sơn, hòn Tre, và tận cùng nhất là đảo Thổ Chu. Mỗi nơi lại có mỗi cách hớp hồn người yêu biển đảo bằng vẻ đẹp riêng của mình. Trong số đó quần đảo Nam Du có lẽ là nơi chứa nhiều nét ấn tượng hơn cả.

Tất nhiên Nam Du từ lâu đã là một trong những nơi mà thằng “máu me” du lịch bụi như mình nhắm tới. Sau rất nhiều cố gắng trong việc dụ dỗ, rủ rê, lôi kéo bằng nhiều “thủ đoạn” khác nhau, cuối cùng thì mình cũng tìm được ba người bạn đồng hành để lập ra đội hình ABCD (tên viết tắc của 4 đứa) thẳng tiến “thiên đường biển đảo” Nam Du.

Xuất phát từ bến xe Miền Tây lúc 10 giờ 45 phút đêm, bọn mình dự định sáng hôm sau sẽ có mặt tại thành phố Rạch Giá để kịp chuyến tàu cao tốc ra đảo. Không khó lắm để tìm một hãng xe chất lượng cao chạy ngay trong đêm về Rạch Giá, nhưng nếu là dịp cuối tuần thì bạn nên đặt vé trước một ngày để đảm bảo đúng lịch trình. Xe Phương Trang cứ nửa tiếng có một chuyến xuất bến, xe Mai Linh, Kumho và Tuyết Hon (một hãng địa phương có uy tín chuyên chạy tuyến Sài Gòn - Rạch Giá) chất lượng cũng không kém cạnh.

Bọn mình tới bến xe Rạch Sỏi lúc 4 giờ rưỡi sáng, quá sớm so với dự kiến. Từ đây nhà xe Phương Trang có bố trí phương tiện trung chuyển về bến tàu Rạch Giá nhưng vì mãi loay hoay trong bến xe nên cuối cùng bốn đứa đã lỡ chuyến. Vậy là đành chọn cách đi xe ôm ra cảng sau lời mời mọc nhiệt tình của chú lái xe, tốn tiền nhưng nhanh chóng hơn và không sợ không mua kịp vé tàu.

Bến tàu khách Rạch Giá nằm ở đường Nguyễn Công Trứ. Đây là nơi xuất phát của tất cả các hãng tàu lớn nhỏ đưa khách đi các đảo, gần nhất là đảo Hòn Tre chỉ mất một tiếng ngồi tàu và xa nhất là đảo Thổ Chu với hai ngày lênh đênh trên biển. Các tàu đi Phú Quốc luôn nhộn nhịp hơn hẳn vì lượng khách tham quan rất đông. Tàu cao tốc duy nhất đi Nam Du là tàu Ngọc Thành, mỗi ngày một chuyến ra khơi và quay về. Chuyến đi bắt đầu vào lúc 8 giờ 30 sáng từ cảng Rạch Giá và chuyến về đất liền khởi hành lúc 12 giờ 15 phút trưa từ quần đảo Nam Du. Trên đường đi và về tàu Ngọc Thành có cập cảng Hòn Tre và Hòn Sơn để rước và trả khách. Đối với những ai ra Nam Du vào dịp cuối tuần thì tốt nhất nên đặt trước vé khứ hồi để tránh tình trạng cháy vé.

Nói thêm một chút về quần đảo Nam Du. Quần đảo thuộc huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang, cách đất liền Rạch Giá 65 hải lý (1 hải lý bằng 1852 mét), gồm có 21 đảo lớn nhỏ (người dân gọi là hòn) chia thành 2 xã là Nam Du và An Sơn. Hòn Củ Tron (hay hòn Lớn, hòn Nam Du) là đảo lớn nhất, cùng với Hòn Mấu và Hòn Ngang là ba nơi dân cư tập trung đông nhất, các hòn khác chỉ thưa thớt vài nóc nhà, một số hòn hiện vẫn không có người ở. Bến tàu cao tốc đặt tại hòn Củ Tron do duy nhất hòn này có cầu cảng vững chắc cho tàu khách neo đậu.
img_0567.jpg

Một góc bến tàu hòn Củ Tron
Sau ba giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, nhắm mắt nhắm mũi chịu đựng cảm giác lắc lư theo từng cơn sóng dồn dập thì cuối cùng bọn mình cũng tới được hòn Củ Tron với cái đầu không thể lâng lâng hơn. Nhưng vừa bước chân lên cầu tàu là đã nhận ra ngay mùi vị đặc trưng của biển, mát mẻ và dễ chịu vô cùng. Hàng hóa và hành lý cũng nhanh chóng được dỡ khỏi tàu. Đa phần các loại thực phẩm đều phải nhập từ đất liền ra do việc thiếu thốn nước ngọt làm cho việc trồng trọt hay chăn nuôi trên đảo gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên đây lại là thiên đường của các loài hải sản. Ngay từ khi ra khỏi tàu cao tốc thì bọn mình đã bị ấn tượng bởi những thau sò tộ, ốc giác và ốc voi bày bán la liệt trên cầu tàu. Những con sò tộ béo núc ních chỉ cần nhìn sơ là đã muốn đặt ngay lên bếp than rồi cho thêm tí mỡ hành vào. Con ốc voi khổng lồ vỏ màu cam đang bò trong thau đảm bảo bốn đứa ăn không hết. Cuối bến tàu còn có một vựa hải sản tươi sống ngày ngày đóng thùng chở vào đất liền. Kế bên vựa hải sản có một công trình nho nhỏ, hỏi ra mới biết đó là nhà bia tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão Số 5. Đối với nhiều người trên đảo bão Số 5 vẫn là một quá khứ đau xót và kinh hoàng.
img_4103.jpg


img_4104.jpg
Hai anh em bán ốc giác ở bến tàu​
img_4101.jpg
Bia tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão Số 5 nằm quay ra hướng biển​
Cũng giống như đa phần các đảo khác, hiện Nam Du vẫn chưa tiếp cận được với hệ thống điện lưới quốc gia mà chỉ dùng điện từ nhà máy phát điện ngay trên đảo. Nhưng điện cũng chỉ có từ năm giờ chiều cho tới mười một giờ đêm, còn lại người dân phải tự trang bị bình ắc quy, nhà nào khá giả hơn thì sắm máy phát điện mini để sử dụng. Khoảng hai năm gần đây lượng du khách kéo đến nhiều nên đảo cũng đã xuất hiện nhiều dịch vụ tối thiểu phục vụ khách tham quan. Ban đầu bọn mình dự định nghỉ tại nhà trọ Kim Yến, nhưng khi đến nơi thì đã hết sạch phòng do trùng dịp cuối tuần. Vậy là chị Yến giới thiệu cho mình nhà trọ Quang Nhi đối diện. Chủ nhà trọ là anh Nhựt, anh chắc cũng lớn hơn mình chừng vài tuổi (Quang Nhi là tên hai đứa con của anh). Anh có hai nhà, một cái để ở và bán cà phê, còn một căn cho du khách thuê với giá sáu mươi ngàn một người. Căn nhà cho thuê có một phòng ngủ chính thức và hai phòng ngủ “không chính thức” được cải tạo từ phòng khách và phòng bếp, đủ sức chứa cho mười người. Tính ra thì bọn mình cũng rất may mắn khi tìm được một căn nhà khang trang rộng rãi thế này để lưu trú. Ngoài cho thuê nhà ra thì anh Nhựt còn cho thuê xe máy và bà xã anh cũng kiêm luôn việc nấu nướng khi khách có nhu cầu.
img_3896.jpg


img_0570.jpg


img_3726.jpg


img_0470.jpg
Nguồn hải sản trên đảo rất phong phú, cả tươi và khô​
Bọn mình không vội nghỉ ngơi ngay mà ra quán cô Năm Nương gần bến tàu ăn trưa. Quán cô Năm chắc là quán nổi tiếng nhất ở đây. Đồ ăn cô làm rất ngon và giá tiền cũng vừa phải. Hôm đó cô làm món cá thu muối chiên và canh chua cá diển phướng. Đây là lần đầu tiên mình ăn một nồi canh chua nấu bằng cá biển ngon tới như vậy (sau này mới biết cô Năm là thợ nấu chính hiệu, đám tiệc ở các hòn thường hay chạy qua đặt cô nấu đồ ăn, hôm mình về cô đang nhận nấu cho một đám cưới ở hòn Ngang). Quán cô Năm chỉ bán điểm tâm buổi sáng và cơm buổi trưa, còn buổi chiều muốn ăn phải đặt trước cô mới chuẩn bị. Bốn chục ngàn một phần cơm hai món và năm chục cho ba món, nghe qua thì hơi mắc nhưng thật sự nó quá rẻ cho những gì bốn đứa được thưởng thức.
img_3987.jpg
Món canh chua cá diển phướng cô Năm nấu trên cả tuyệt vời​
Sau khi đánh chén no nê ở quán cô Năm bọn mình quay về nhà trọ nghỉ ngơi. Xế chiều hôm đó đội hình ABCD khởi hành đi Bãi Cây Mến – bãi biển đẹp nhất Nam Du như lời mấy anh xe ôm giới thiệu.
_______________

Thông tin về tàu cao tốc Ngọc Thành:

Đối với những ai có ý định đi Nam Du vào dịp cuối tuần hay ngày lễ thì nên đặt trước vé khứ hồi để tránh tình trạng hết vé. Số điện thoại đặt vé là 0773.863019. Còn trong những ngày bình thường khách có thể đến mua vé trực tiếp ở văn phòng tàu cao tốc Ngọc Thành tại số 16 Nguyễn Công Trứ, Rạch Giá hoặc quầy bán vé của bến tàu Rạch Giá trước giờ tàu khởi hành. Tại đây cũng có bán vé của các hãng xe Mai Linh, Phương Trang, Kumho, Tuyến Hon về lại Sài Gòn và các tỉnh miền Tây khác.

Nếu không mua được vé tàu cao tốc bạn có thể hỏi thêm thông tin để mua vé tàu thường (tàu Hồ Hải) để ra Nam Du, tuy nhiên sẽ tốn nhiều thời gian di chuyển và dễ say sóng hơn.
 
Chuyến đi tuyệt vời quá anh ơi!!! Bãi biển hoang sơ đẹp quá!!! Cám ơn a đã review!!!!
Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết. Nam Du đẹp và hoang sơ không thua kém bất kỳ đảo nào ở Việt Nam đâu. Tuy nhiên do quần đảo còn nghèo, không có chỗ xử lý rác nên nhiều chỗ hơi nhiều rác. Nhưng nếu bỏ qua điều này thì Nam Du chắc chắn là nơi rất đáng để đi.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,637
Bài viết
1,154,245
Members
190,154
Latest member
tranquochuy86
Back
Top