What's new

[Chia sẻ] Trung Nguyên, mùa xuân trên non cao

Trung Nguyên, mùa xuân trên non cao


Xuân đã sang, sao vẫn còn gió đông.

Xuân, sao giá băng vẫn chen về nơi miền quê xa nghèo.

Xuân, sao trời như buốt lạnh.

Xuân, sao vẫn lòng vẫn lạnh giá…



Tôi đi Trung Nguyên những ngày xuân Sài Gòn mưa sao về quá sớm. Bầu trời quang đãng những ngày xanh nắng tháng 3 sao vội tối sầm khi chiều xuống. Một chiều hối hả chạy qua cơn mưa trên con đường nhiều những cơn trốt hoa dầu bay tung trong gió lốc, một đêm bó gối trong quán nhìn mưa lạ, nghe gió lạnh hun hút thông thốc lùa qua quán, sao thấy chùng sâu…


Rồi tôi đi.

Bạn hỏi, sao đi hoài?

Bạn hỏi, đi chừng nào về?

Bạn hỏi, lại đi một mình nữa sao?

Bạn hỏi, vẫn còn tiền để đi sao?

Bạn hỏi, không sợ những cơn mưa axit, mưa phóng xạ sao?


…….


Tôi hỏi, sao tôi đi?


Rồi tôi đi.


23.03.2011. Đêm tháng Ba, Sài Gòn mưa đổ trắng trời…​
 
13.04 Lạc lõng giữa Kumbum – 7.

13.04 Lạc lõng giữa Kumbum – 7.


Những ngày xuân mưa xám này không nắng nên những tấm hình tôi chụp ở Kumbum chẳng ra gì cả, nếu như so sánh với các hình chụp bằng các máy chuyên nghiệp vào những ngày nắng. Các nhà sư cán bộ cũng rất chuyên nghiệp khi gắn trong cái vé làm bằng bìa cứng, giá 80RMB, một chiếc đĩa CD nhỏ gọn, giới thiệu về Kumbum. Nhưng tôi không muốn sử dụng những hình ảnh đó vì nếu vậy hình ảnh trên mạng sẽ không thiếu. Tôi chỉ muốn giới thiệu một góc nhỏ Kumbum qua cái nhìn của kẻ giang hồ mới vừa đến đây từ Đôn Hoàng lung linh nắng hôm qua.


P4130568-1.jpg



P4130543-1.jpg



P4130560-1.jpg

Tripitaka Pavillon, ngoài xa, trước và sau.


Có lẽ, cảm xúc của tôi cũng đã bị ảnh hưởng nhiều bởi sức khỏe, sự chênh lệch thời tiết. Vừa xật xừ trên chuyến xe 20 giờ từ Đôn Hoàng sang Tây Ninh, tôi chưa hề ngả lưng nghỉ ngơi phút nào ở đây mà đã phải hấp tấp ra Công An Tây Ninh, không xin gia hạn visa được đã buồn, còn phải nhảy 2 chuyến xe đến đây. Rồi hôm qua nắng Đôn Hoàng rực rỡ, hoa đào phô phang hương sắc sa mạc, còn nơi đây xám mây mịt mờ… nên những “tình cảm” tôi dành cho Kumbum đã bị ảnh hưởng nhiều.


P4130549-1.jpg

The Institute of Tantra, từ 1649.


Nhưng, sang ngày hôm sau tôi mới biết là mình đã may mắn xiết bao khi đến viếng Kumbum ngay hôm đó. Vì mưa tuyết bay trắng trời Tây Ninh, trắng mịt mờ như ngày nao tôi trên con đường Tây Tạng về Tân Cương.


P4140025-1.jpg

Tây Ninh ngày hôm sau. Chỉ có lũ bò yak là vẫn ung dung tự tại giữa mưa tuyết.


(tbc.)
 
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 1.

14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 1.


Tôi đi Tây Ninh, muốn thử xem khả năng đi lụi lên Tây Tạng được hay không? Câu trả lời là được, với điều kiện là biết tiếng Hoa, có nhóm bạn người Hoa đi chung. Rủi ro, có. Vì bình thường họ không xét CMND nhưng đôi lúc họ xét (tôi đi Tibet 2 lần bằng đường tàu, một lần bị xét passport, một lần không). Dân chơi thì chấp nhận thôi!


Nhưng tiếc thay thời gian tôi đến Tây Ninh không gặp nhóm các bạn trẻ TQ nào muốn đi Tây Tạng, dù họ đang đổ về đây rất nhiều. Thời gian trong visa của tôi lại không còn nhiều nên khả năng lê la ở đây chờ thời cũng khó. Cuối cùng, tôi bỏ ý định đó. Nhưng tôi vẫn muốn vớt vát. Nên nghe cô chủ GH nói có nhóm bạn trẻ đi hồ Thanh Hải ngày mai, hỏi thăm giá cả thấy hợp lý, nếu không muốn nói là rẻ so với Trung Quốc đắt đỏ nên tôi đồng ý ngay. Vướng mắc duy nhất là không đến bến xe mua vé cho chuyến đi kế tiếp, cung đường chỉ có một chuyến xe duy nhất trong ngày, được cô chủ GH đồng ý giúp đỡ. Cô chủ tốt bụng này còn chẳng lấy tiền dịch vụ như đã niêm yết, vì “nị là người Việt Nam đầu tiên đến ở GH này, ngộ giúp thôi mà!”.


PA180433-2.jpg



PA180457-1.jpg

Hồ xanh Thanh Hải mùa thu năm nào trên đường lên Tibet….


Tôi muốn đi hồ Thanh Hải, không chỉ vì lên đến đó xem như là nửa đường lên Tibet mà còn vì gương hồ xanh biếc mùa thu năm nào tôi ngang qua vẫn thấp thoáng đâu đó trong những giấc mơ xa về Tibet. Thực ra tôi cũng không biết chiếc hồ năm đó có thật sự là hồ Thanh Hải hay không, dù biết đường tàu nhìn trong bản đồ sẽ có nhiều đoạn chạy ven Thanh Hải. Chỉ biết những người dân địa phương đi chung tàu, chung toa đã giật giọng kêu tôi quay lại, chỉ tôi chụp hình, kêu là Qinghai Hu gì gì đó… khi tôi đang ngó nghiêng ở cửa sổ bên kia toa tàu.


P4140015-1.jpg

Đường lên Thanh Hải ngày xuân tuyết lạnh.


Những đồng cỏ đã úa vàng thênh thang, những cánh chim dập dìu bay ngang chiếc hồ xanh đến diệu kỳ… những ngày mùa thu năm đó đã thôi thúc tôi lại về Thanh Hải. Nhưng buổi sáng hôm nay Tây Ninh mưa rơi sùi sụt, tuyết bay lả tả… đến nỗi một bạn trẻ Trung Quốc đi chung xe phải thốt lên rằng “Chắc hôm nay trời đất cũng đang chia buồn với người dân Thanh Hải” - hôm nay 14.4 kỷ niệm một năm ngày động đất kinh hoàng ở Yushu!


(tbc.)
 
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 2.

14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 2.



Tôi cũng không vô tâm đến mức không biết, không nhớ về trận động đất kinh hoàng đó. Nhưng nói nào ngay, ngày này năm trước tôi còn đang tung tăng nhảy múa trong Tết Té nước ở Chiang Mai rồi tất tả ngược xuôi về Luang Prabang nên ít đọc thông tin. Đọc báo mạng lướt lướt thì có biết huyện đó là Ngọc Thụ, nên tôi không liên tưởng được đến chữ Yushu. Như tôi nói mấy hôm nay có nhiều du khách đến Tây Ninh, khi tôi hỏi thì cô chủ GH ấp úng (mà sau này tôi mới phát hiện là cô không biết từ earthquake), lúc đó tôi đưa ra thử mấy nguyên nhân, lúc nói đến “strike?” (vì lúc đó nhiều nơi ở TQ đang có đình công), chắc cô nghe gần gần giống nên ừ đại (!?) làm tôi cũng tưởng vậy luôn, may mà sau này gặp 1 bạn trẻ khá ngoại ngữ hơn, nhắc lại tôi mới nhớ ra vụ động đất kinh hoàng của Ngọc Thụ).


P4140004-1.jpg



P4140008-1.jpg

Đường ngang qua Kumbum ngày mưa hôm nay.


P4140031-1.jpg

Những con đường qua những con đèo cao mù mịt trong tuyết sương


Yushu đến lúc đó vẫn là 1 trong 3 cung đường tôi đề ra khi tìm đến Tây Ninh (như đã nói ở trên), tôi xài L.P 2009 nên vẫn chưa đề cập đến vụ động đất này, nên chẳng biết luôn. Khi cung đường lên Tibet không được, tôi hỏi thăm về cung đường thứ 2, hướng về Yushu thì được báo rằng không có vé xe, người ta đã mua hết mấy ngày hôm nay rồi. Hỏi dịch vụ vé ở GH cũng được nói vậy, nên tôi đành phải chuyển đến hướng thứ 3. Lúc đó tôi cũng chưa biết vì sao vé đi Yushu (chỉ có 1 chuyến/ngày) hết sớm như vậy. Giờ mới biết người ta đổ về đó để thăm gia đình, giỗ chạp kỷ niệm một năm ngày tang thương đó…


P4140037-1.jpg

Đường mưa tuyết nhưng những người dân Tạng vẫn nhẫn nại dắt bò yak, ôm cừu non ra đường chờ khách chụp hình.


Có lẽ như buồn cho Yushu, trời đất Thanh Hải sáng đó tuyết rơi rất lạ, vì người địa phương nói mùa này đã không còn tuyết rơi nữa. Cũng như buổi trưa đó về, nắng đã chói chang trên con đường miên man hun hút cao nguyên Thanh Hải.



(tbc.)
 
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 3.

14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 3.



P4140025-1.jpg



P4140023-1.jpg

Lũ bò yak đủng đỉnh trong mưa tuyết (ừa mà sao không nhập giống bò này về, hoặc lai tạo, để mùa đông Tây Bắc không là nổi lo sợ của đồng bào mình?)



Đường lên Thanh Hải cao, nhiều đèo cao ngất, xe có dừng lại ở một con đèo cao hơn 3.800m, mưa tuyết trắng xóa. Chỉ có lũ bò yak ung dung thảnh thơi gặm cỏ hay chỉ lang thang và gương mắt lên nhìn những lũ 2 chân đang hí hoái chụp hình, có đứa còn rửng mỡ nhảy cỡn (dĩ nhiên không phải tôi).


P4140014-1.jpg

Con đèo cao hơn 3.800m, cao hơn Lasha vài trăm mét.


Con đường Thanh Hải Tây Tạng này còn có một điểm nhấn quan trọng trong lịch sử Tây Tạng, con đường mà công chúa Văn Thành lên kiệu hoa về với quân vương Tùng Tán Cương Bố vào TK 7, mang Phật pháp đến miền đất này. Bao nhiêu di tích ở Lasha bây giờ đều ít nhiều liên quan đến vị công chúa này. Trên con đường này cũng vậy, cũng có một ngôi chùa và một pho tượng to lớn của bà. Có điều, giữa mưa tuyết mờ mịt, con đường đến đó trơ trọi lên dốc cao, ở độ cao 4.000m, và ngoài kia trời buốt giá nên mọi người không dừng lại (thú thực là nếu tôi đi một mình tôi đã dừng lại), để lại Văn Thành Công Chúa bơ vơ cô độc trong mưa tuyết.


P4140032-1.jpg

Văn Thành Công Chúa cô độc trong mưa tuyết.


Đi mãi trên con đường mưa tuyết, đến hồ Thanh Hải, cả lũ lục tụ kéo xuống, lội bộ từ ngoài xa vào. Và sửng sốt!


P4140040-1.jpg



P4140049-1.jpg

Thanh Hải mùa xuân đây sao?


(tbc.)
 
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 4.

14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 4.


Hồ Thanh Hải, hồ lớn nhất Trung Nguyên, hồ nước mặn lớn thứ 2 trên thế giới đóng băng vào mùa đông – khác xa hồ Issyk, hồ Thanh Trì, hay còn có tên nữa là Nhiệt Hải ở miền Trung Á Kyrgyzstan luôn mãi xanh dù đông giá hay hè nung. Nhiều người cho rằng hồ Issyk luôn trong xanh vì là hồ nước mặn sẽ phải nghĩ lại khi đến hồ Thanh Hải này.


Chiếc hồ nhận nước từ 23 con sông, mà trên đường đi về, xe dừng, các bạn trẻ Trung Quốc hớn hở chỉ cho tôi một trong đó và tự hào nói rằng con sông này chảy ngược, không đổ ra biển như các con sông thông thường đâu. Ừ, thì cái gì của các bạn cũng là khác lạ, cũng là đặc biệt và hơn người mà.


P4140054-1.jpg

Đôi lứa gần nhau có thêm ấm áp?


Quay lại chiếc hồ Thanh Hải đông giá ngày xuân. Thú thật là tôi dùng những bức hình để hù các bạn thôi vì thực ra hồ mùa xuân lạnh này bên ngoài đẹp hơn trong hình nhiều, rất nhiều. Ai đó lang thang những sông xanh, hồ xanh sẽ biết những tấm hình chụp sẽ đẹp hơn thực tế nếu có nắng vàng làm dậy nét. Nhiều khi hồ nước đục lềnh xấu òm nhưng vào hình cứ thấy xanh ngời ngợi, còn chiếc hồ trắng tinh khôi hôm nay bị màu mây xám ám ảnh làm xuống màu chứ thật ra bên ngoài hồ rất đẹp.


P4140050-1-1.jpg



P4140055-2.jpg

Duyên dáng dìu dặt những cánh chim trên hồ lạnh ngày xuân.


Và tôn thêm nét duyên cho hồ, một cách đáng nghi ngờ, là những cánh chim vẫn còn tung tăng bơi lội hay dìu dặt bay trên chiếc hồ dập dềnh băng lấp loáng trôi. Những cánh chim thanh thoát duyên dáng bay qua hồ lạnh đẹp lung linh lạ kỳ. Sao lạnh vậy mà vẫn còn chưa bỏ hồ đi chim ơi?


(tbc.)
 
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 5.

14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 5.



Thực ra lũ chim không buồn lắm đâu, vì chúng vẫn có bạn bè, dù tôi chẳng hiểu lũ bò yak đang làm gì mà lang thang ở hồ Thanh Hải, nơi tuyền đất đá, lâu lắm mới thấy lưa thưa mấy ngọn cỏ, đã khô vàng cháy đỏ xác xơ. Và cũng chẳng phải để uống nước, vì hồ này nước mặn. Vậy ở đây để làm gì, lũ bò yak ngác ngơ kia? Hay để chia sẻ mùa xuân lạnh cùng bầy chim kia?


P4140055-1.jpg

Đã có đôi còn thêm lũ bò yak bầu bạn, chim kia chắc sẽ không buồn, dù hồ lạnh giá hoang vắng.


Tôi chẳng hiểu vì sao ven hồ Thanh Hải những khối băng lại chất chồng từng đống cao như vậy. Cách lý giải tôi có thể nghĩ ra là lớp băng dày trên mặt hồ ngày đông, đến xuân vỡ ra từng mảng, và có hôm nào đó có sóng thật lớn mới tấp chúng vào, quăng chúng lên, dồn chúng lại thành đống như vậy! Ở một góc nào đó bên kia hồ, nơi đảo nhỏ có một tu viện Mật Tông mà các tăng sĩ chỉ có thể đi bộ vào đất liền khi đông về. Còn những ngày tan băng, hồ xanh rạng ngời tươi đẹp,… họ yên lòng tu tập giữa thanh vắng, nơi đảo nhỏ chơi vơi tách biệt với đất mẹ.


P4140068-1.jpg



P4140070-1.jpg

Lũ bò yak ngác ngơ bên hồ băng tuyết ngày xuân giá.


Mặt hồ giờ chỉ là lớp băng mỏng, lấp loáng, nơi có những cô chú mòng biển co ro đứng, thi thoảng vẫn thấy dập dềnh những con sóng nhỏ, đong đưa những tảng băng cũng nhỏ, làm mặt hồ lung linh lấp lánh khi những tia nắng trưa dần lên.


Nhưng đó cũng là lúc chia tay gương hồ tinh khôi ngày xuân lạnh để quay về lại phố phường


(tbc.)
 
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 6.

14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 6.


Đường về đã loang nắng. Lúc này tôi mới biết lý do chúng tôi phải về sớm vì có mấy bạn trẻ trong nhóm sẽ lên chuyến tàu chia tay Tây Ninh chiều nay. Cũng hơi tiêng tiếc, nhưng không sao vì tôi sẽ về lại Thanh Hải một ngày khác mà. Chẳng hiểu sao tôi tin vậy.


Đường về trưa nắng, phong cảnh đã rạng rỡ dù những tấm hình vẫn không đẹp vì sương khói vẫn che mờ, nhất là ảo ảnh của sa mạc làm mọi thứ tưởng gần nhưng thật ra rất xa, chụp hình vào mới thấy mọi thứ mờ mịt.


P4140095-1.jpg

Đường Thanh Hải – Tây Tạng hun hút, thăm thẳm.​


Trên đường về, cũng còn thong dong lắm vì về sớm chỉ là phòng hờ, có mấy việc làm tôi suy nghĩ hoài. Thứ nhất là 2 cô gái Tạng đang tiến hành nghi lễ Tam bộ Nhất bái trên con đường từ Thanh Hải lên Tây Tạng. Tôi không biết họ sẽ đi bao nhiêu lâu mới đến, với cách đi này, con đường thăm thẳm này. 6 tháng, hay 1 năm, họ đi từ đâu… tôi chẳng biết, chỉ biết họ đang hướng về Tây Tạng, thành kính, chân thành, nhẫn nại… dù sương tuyết gió bão đã để lại nhiều những phong sương cháy sạm trên gương mặt của hai cô gái đang còn tuổi xuân thì.


P4140083-1.jpg



P4140084-1.jpg

Thành kính, nhẫn nại vừa đi vừa lạy, 2 cô gái Tạng thân gái dặm trường…


Cùng trên con đường với 2 cô gái Tạng mộ đạo và có lòng thành với những bước đi ba lần quỳ xuống vái lạy một lần là những đoàn xe của quân đội Trung Hoa ầm ào hùng hổ kéo nhau lên Tây Tạng. Những đoàn xe dài dằng dặc như những con bọ hung nối nhau, làm xấu đi những con đường đẹp thênh thang miền đất của các chư thiên mà nếu ai đó đã từng đi Tây Tạng đều gặp ít nhất vài ba lần. Cũng là vài ba lần thở dài…


P4140114-1.jpg

P4140116-1.jpg

Những đoàn xe quân sự hùng hổ, ầm ào xé nát cao nguyên Thanh Tạng.


Hình ảnh các cô gái vừa đi vừa vái lạy nhẫn nhục và những đoàn xe quân sự hùng hổ phô phang… cứ làm tôi nghĩ hoài về Tây Tạng & Trung Quốc.


(tbc.)
 
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 7.

14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 7.


Về, xe chạy theo con đường khác, cũng ven theo hồ nhưng theo một hướng lạ. Con đường cũng lạ, và chắc sẽ đẹp hơn con đường kia nếu đi vào mùa nắng, những ngày nắng. Vì ven theo hồ bây giờ là những đồng cỏ vàng, mà mùa nao chắc xanh lắm. Giờ cỏ khô úa vàng, vẫn thấy những chàng mục đồng Tạng nghêu ngao ca hát trên lưng ngựa thong dong. Vẫn thấy những bầy dê cừu béo núc ních đang tí tởn đùa vui bên triền cỏ ven hồ nắng lên nhưng vẫn còn xám ngắt. Ven theo hồ, lạ lùng thay là sa mạc mênh mông. Sa mạc thênh thang thật sự chứ không phải là những đồi cát. Mùa nắng, ngày nắng lên, những đồi cát mênh mông nhấp nhô uốn lượn với nền xanh hồ Thanh Hải, với những đàn chim dập dìu bay sẽ là một bức tranh tuyệt đẹp – mà tôi mơ màng rằng biết đâu chúng còn đẹp hơn cả Nguyệt Nha Tuyền giữa đồi cát hát Minh Sa nơi miền Đôn Hoàng.


P4140135-1.jpg

Những đồi cát mênh mông của sa mạc. Bạn cố tìm nhìn thấy hồ Thanh Hải xa xa kia nhé.


P4140103-1.jpg

Những chàng mục đồng Tạng thong dong trên lưng ngựa.


P4140088-1.jpg



P4140087-1.jpg

…với lũ cừu vẫn béo tròn bên đồng cỏ vàng úa.


Nhưng, cũng chính những đồi cát mênh mông này lại làm tôi suy nghĩ. Vì người dân địa phương đang trồng cỏ trên cát, trên sa mạc.


Không hiểu là tự nguyện hay chính sách của địa phương, chỉ thấy nhiều người đang trồng cỏ trên cát. Thật sự không phải họ trồng cỏ, mà đang cải tạo đất để cỏ, giống loài hoang dại và dễ sống nhất có thể mọc, để giữ cát không bay, đất khó chạy. Họ “trồng cỏ” bằng cách đào trên những đồi cát sa mạc những rãnh sâu, vuông vắn giao nhau như những ô bàn cờ thênh thang. Ở các rãnh sâu đó, họ nhét rơm vào, nén thật chặt. Mưa tuyết sương gió sẽ ủ mầm những đám hạt cỏ lang thang, giúp chúng bén rễ lên cây. Một mùa, hai mùa, đất có thể không lên xanh nhưng đã được giữ chân lại, không theo đám gió hoang tàng bỏ đi. Có thể thấy, qua những ô bàn cờ vuông vắn của những mùa trước, giờ vẫn còn lại.


P4140125-1.jpg

Những người dân đang trồng cỏ.


P4140127-1.jpg

Những vuông rơm vừa mới được nén vào rãnh, chờ đám hạt cỏ bay về.


P4140137-1.jpg

Bạn có thấy dấu tích của việc trồng cỏ trên sa mạc.


Tôi thán phục những người dân chịu thương chịu khó, như những người dân hiền lành nước tôi – mà giờ vẫn mãi nhọc nhằn.


(tbc.)
 
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 8.

14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 8.


Cũng trên con đường hun hút giữa sa mạc thênh thang, ven hồ Thanh Hải xa xa, tôi lại tiếp tục suy nghĩ khi thấy từ xa 2 chiếc bóng bên đường. Tới gần, dừng lại, tôi mới biết đó là 2 thanh niên Trung Hoa đang trên đường đi bộ, từ Lan Châu lên Thanh Hải. Họ đã đi được mấy ngày, đường xa vắng tanh không nhà cửa, họ hỏi xin nước. Trao đổi đôi dòng, họ lại lên đường đi tiếp.


P4140122-1.jpg

Đường từ Lan Châu qua Thanh Hải lên Tây Tạng không chỉ đường cao dốc ngược băng giá tuyết sương mà còn ngang qua những hoang mạc, sa mạc thăm thẳm.


Họ, tuy đã mỏi mệt, dáng đi vẫn vững vàng. Hành lý trên lưng họ tương đối nặng, để họ có thể ngã lưng qua đêm ở bất kỳ đâu trên con đường cao nguyên băng giá này. Tôi không biết là bao nhiêu cây số từ Lan Châu lên Lasha, nhưng với độ cao này, không khí loãng này, băng giá mùa xuân vẫn lạnh buốt này, qua những con đèo trên dưới 5.000m, với đống hành lý đó, còn đường sẽ dài như bất tận….


P4140117-1.jpg



P4140120-1.jpg

Bóng họ xa mờ dần trên con đường hun hút.


Những cô gái Tạng chân thành trên đường hành hương. Những chàng trai Hán trên đường chinh phục hành trình đường bộ Lan Châu - Thanh Hải - Lasha. Chinh phục con đường hay chinh phục bản thân? Tôi chẳng biết, nhưng chỉ biết là tôi rất muốn làm được như vậy. Tôi thật sự muốn những người bạn tôi cũng sẽ làm được như vậy.


Nên tôi lại suy nghĩ. Miên man….


(tbc.)
 
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 9.

14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 9.


Con đường về ngang qua Hoàng Nguyên (Huang Yuan), nơi ngày trước chính quyền Trung Quốc thử nghiệm hạt nhân, vì miền đất này hoang sơ khô cằn như sa mạc. Với tôi, Hoàng Nguyên có một kỷ niệm nho nhỏ khác. Rất nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ.


Số là trên đường đi Tibet của hành trình tìm đến núi thiêng Kailash, vé tàu Thành Đô – Lasha không còn. Do vậy, đối tác của công ty tổ chức tour ở Thành Đô đã đưa cho tôi 2 chiếc vé, một chiếc vé từ Thành Đô đi Hoàng Nguyên và một vé từ Hoàng Nguyên đi Lasha. Nói thật, đối với các bạn biết võ vẽ tiếng Hoa thì chuyện này thật đơn giản, còn với tôi, nửa chữ không biết thì việc này cũng có chút ít lấn cấn, lúc đầu. Nhưng rồi mọi việc đều suôn sẻ. Có lẽ vì tôi đang tìm về Ngân Sơn, nên trời Phật độ trì.


Qua khỏi Hoàng Nguyên, xe dừng lại thật lâu ở một con/nhánh hồ nhỏ trước khi về lại Tây Ninh. Hồ rất nhiều chim. Có lẽ đây là điểm dừng để ngắm chim như các tour có đề cập. Có điều, vẫn tiếc, là trời chiều nắng tắt hồ xám nên hình không đẹp. Hồ không có những tảng băng chất đống ven bờ nhưng có lớp váng băng che phủ, nơi lũ chim tập trung nhiều. Chụp hình không được, tôi leo lên đồi cao nhìn hồ ngắm núi, chờ các bạn vác súng to ống dài đi săn hình.


P4140164-2.jpg

Cô đơn trên hồ băng giá.


P4140168-1.jpg

Cô đơn trên trời lạnh.


P4140167-1.jpg

Sao không tìm đến nhau?


P4140192-1.jpg

Giờ ta có đôi hạnh phúc.


P4140172-1.jpg

Cùng say trong điệu luân vũ tình yêu!​


Về Tây Ninh chiều, chúng tôi rã đám. Tôi lại lang thang phố một mình, như lệ thường. Tây Ninh bây giờ xây rộng thênh thang, nhiều công trình hiện đại hoành tráng vẫn đang được xây dựng. Nhà nghỉ khu tôi ở nằm ở khu không cũ không mới, nằm gần con phố mua bán sầm uất, một cái chợ bán đêm ngày và một chợ đêm. Cũng như mọi nơi, Nhất Dương Chỉ của Đoàn Hoàng Gia được tôi áp dụng triệt để mỗi khi muốn ăn uống gì.


Từ đây, lội bộ ra nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Thanh Hải, một trong 4 nhà thờ Hồi giáo lớn nhất miền Tây Bắc Trung Hoa. Nhà thờ Đông Quận (Dongguan) này có từ TK 14 (1368-1398), thờ Hồng Vũ Đế nhà Minh, tuy nhiên những gì chúng ta thấy hiện nay được xây dựng từ năm 1914. Sao nhà thờ qua được cơn binh lửa Cách Mạng Văn Hóa vậy ta? Tiếc thay là tôi đến nhà thờ này sau 5pm, hết giờ thăm viếng, cũng như nhà thờ nằm về hướng đông (Đông Quận, để chỉ vị trí nhà thờ) nên tôi không có được những tấm hình đẹp về ngôi nhà thờ Hồi giáo này.


P4140197-1.jpg

Nhà thờ Hồi giáo Đông Quận trong chiều muộn.


Lang thang phố phường, tôi hơi ngạc nhiên là ở Tây Ninh, ngay cả trong khu gần chợ, cũng không có những hàng quán bán ngoài trời, nhất là các món nướng như ở khắp nơi nơi trên đất Trung Nguyên, tôi đành mua bia vác ra ghế đá ngồi uống chay, ngó nghiêng thiên hạ.


Mai tôi chia tay Tây Ninh, chia tay con đường lên Tibet rồi. Thực ra, thời gian còn lại của tôi trên đất Trung Nguyên không phải là ít lắm, nhưng vì tôi đã quyết là về bằng đường bộ nên mới thấy nó xa thăm thẳm. Thứ nữa, đường về của tôi cũng là một cung đường du lịch chứ không phải là tuốt tuồn tuột chạy về. Nên cũng cần khá nhiều thời gian. Do vậy, tôi hơi lưu luyến một Tây Ninh là lạ, mà dường như tôi chưa nắm được nhịp sống, cách sống nơi đây. Khác với những miền đất khác tôi lê la đất Trung Nguyên.


Thanh Hải là miền đất lạ, tôi đi chưa nhiều. Tôi có vác về nhà một cuốn HDDL miễn phí, chất cả đống trong nhà nghỉ, về Thanh Hải, với nhiều những tấm hình thật đẹp, thật lạ khác với những gì tôi hình dung (chỉ hơi tệ chút là cuốn HD dày cộm đó in bằng tiếng Pháp). Nên tôi vẫn còn nhiều tò mò về miền đất này. Cung đường từ Tây Ninh hướng về Yushu, về Thành Đô cũng là một cung đường lạ. Nên tôi vẫn hy vọng một ngày nào tôi có dịp đặt chân trên con đường đó.


Và nếu còn duyên còn nợ, tôi sẽ về lại Tây Ninh này!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,640
Bài viết
1,154,281
Members
190,154
Latest member
tranquochuy86
Back
Top