What's new

[Tổng hợp] Xe máy: Sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa.

Re: Xe máy: Sử dụng,bảo dưỡng và sửa chữa.

Kiểm tra xe máy trước khi xuất hành
Với kinh nghiệm ít ỏi của tôi, xin trao đổi một vài phương pháp tự kiểm tra, chính sửa đơn giản, dễ làm đối với xe máy thông dụng. Mục đích là để tự phát hiện hỏng hóc và hướng giải quyết ( Ra thợ không bị lừa bịp :D ) Tôi ít trình bày phần sửa chữa vì chữa xe đòi hỏi phải có dụng cụ chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm . Có một số chi tiết trên xe được gọi tên khác nhau. Bạn nào thắc mắc tôi sẽ giải thích. Trình độ có hạn, vậy có gì sai, có gì thiếu nhờ anh em bổ sung.
+ Để đảm bảo an toàn cho một chuyến đi dài ngày bằng xe máy. Ta nên kiểm tra cơ bản xe trước khi xuất hành 3-4 ngày để có thời gian sửa chữa hoặc thay thế phu tùng. Sau khi sửa xong còn chạy thử loanh quanh xác định xe đã thật tốt mới đi đường dài.
+Thông thường, người ta chú ý đến máy móc, hình thức mà ít nghĩ đến những yếu tố khác của xe. Những yếu tỗ dễ cho qua ấy chính là nguyên nhân phải nằm đường thậm chí tai nạn khó lường. Khâu đầu tiên phải là kiểm tra là độ chắc chắn của xe và hệ thống an toàn xe.
Độ chắc chắn của xe là sự kết cấu toàn bộ xe. Chủ yếu là khung, càng, giảm sóc, bi, bạc, moay-ơ , vành bánh. Một chiếc xe chắc chắn đi sẽ không rung xóc, không lắc xe. Tay lái nhẹ và ‘’ thật tay’’. Người đi xe cảm thấy yên tâm, thoải mái ít mỏi mệt. Tránh được những tai nạn đáng tiếc.
Ta mang xe ra đi thử các tốc độ, thử phanh ở đường tốt và đường xấu có nhiều chỗ xóc để phát hiện những tiếng kêu lạ, những khác thường của xe.
- Kiểm tra giảm xóc trước : Ngồi trên xe bóp phanh trước hoặc tì bánh trước vào bờ tường, vỉa hè. Hai tay nhấn đều, xuống tay lái theo hướng giảm sóc trước cho hết tầm.Sau đó nhả tay. Làm vài lần như vậy. Nếu không nghe tiếng ‘’ chút- chít’’ từ ống giảm sóc, ta cảm thấy càng nhấn sâu, lực càng nặng. Hết tầm tay không bị chối mạnh. Khi thả tay không nghe tiếng ‘’kịch’’. Âý là giảm sóc tốt. Nếu có các hiện tượng trên mang ra thợ chuyên làm giảm sóc thay dầu, thay phớt. Xử lý các lò xo . Có thể căn chỉnh. Nếu phải thay thì chọn loại tốt, đúng tiêu chuẩn lý học.
- Đối với giảm sóc sau, dùng trọng lực cơ thể nhấn xuống phần đuôi xe . Nếu thấy êm, giảm xóc không có tiếng kêu là tạm ổn. Cẩn thận thì tháo giảm xóc rời xe. Dùng hai tay cùng trọng lực cơ thể nhấn từ trên xuống dưới từng chiếc một. Nếu không có tiếng kêu, khi giảm xóc hồi về êm là được. Chú ý là cả hai giảm xóc ta nhấn đều cảm thấy ‘’ nặng ‘’ như nhau. Tức là hai giảm xóc chịu lực bằng nhau thì xe mới không bị lệch nhất là khi tải nặng. ( Cách này cũng dùng cho cả hai giảm xóc trước). Nếu không, mang ra thợ kiểm tra. Nếu một bên ti chết thì phải thay cả đôi. Đối với lò xo cũng vậy. Thợ có kinh nghiệm có thể căn cho lò xo ‘’ nặng’’ bằng nhau. Tất nhiên không thể bằng thay thế đồng bộ được.
Lưu ý : Khi sửa chữa giảm xóc xong ta đo chiều dài các cặp giảm xóc xem có bằng nhau không. Kiểm tra chịu lực như trên. Bắt ốc, bu lông giữa giảm xóc và thân xe phải thật chặt. Đối với giảm xóc trước, sau khi bắt bu lông vào vai xe. Ngắm hai cạnh của giảm xóc xem có bị vênh không. Đo khoảng cách xem có cách đều nhau ( // )không rồi lấy trục trước xỏ qua 2 lỗ đầu giảm xóc. Trục xuyên qua hai lỗ dễ dàng vừa khít là được. Việc kiểm tra độ cân bằng của giảm xóc trước + cổ phốt phải đi liền với nhau và phức tạp hơn. Đó là việc của thợ.
-Kiểm tra tay lái, cổ phốt :Vẫn ngồi trên xe. Hai tay nắm chặt tay lái nhấn mạnh từng bên một. Nếu có độ giơ thì xiết các con ốc bắt tay lái với cổ phốt. Không hết đem ra thợ xử lý bằng cách thay các miếng cao su giảm chấn hoặc mài bớt các con đội.
Dựng chân chống giữa cho đầu xe cao lên. Để tay lái cân bằng. Bánh trước từ từ lật sang một bên là được.Nếu bánh trước không chuyển động là bó côn phốt hoặc khô bi phốt. Đem ra thợ bảo dưỡng lại. Nếu thấy côn mòn không đều, bi bị mòn , méo thì thay cả bộ bi + côn phốt. (thường gọi bộ ‘’ bát phốt’’ ). Trường hợp côn, nồi còn tốt thì chỉ cần thay bi đúng cỡ.
Ngồi xổm, hai tay nắm chắc hai đầu trục bánh trước hơi nâng lên. Cả hai tay đẩy ra rồi giật nhẹ vào lòng. Nếu thấy có độ giơ là lỏng ốc hãm côn phốt. Đem ra thợ xiết lại ốc côn phốt . Không hết thì thay cả bộ bi + côn phốt.
Lưu ý : Có trường hợp cảm thấy giơ nhưng không phải vì cổ phốt mà vì lỏng bu-lông bắt giảm xóc trước rất nguy hiểm phải xiết chặt bu lông ngay.
- Kiểm tra càng sau : Càng sau cấu kết với khung xe bằng một trục dài có hai bạc giảm chấn. Bạc hoặc trục mòn giơ sẽ làm xe chao lắc mỗi khi phanh hoặc tăng ga. Ta dựng chân chống giữa cho bánh sau cao lên. Nổ máy vào số 1. Giữ ga, dận phanh. Để tay lên đầu trục ( bên nhông con ). Nếu cảm thấy có sự chuyển động của đầu trục mỗi khi phanh ( dù rất nhỏ ) là bạc hoặc trục mòn. Thay đôi bạc hoặc trục. Có khi phải thay cả hai.
Lưu ý : Khi xe hỏng một bên giảm xóc sau, càng dễ bị vênh. Ta nên ngắm xem hai bên càng mà bị vênh thì chỉ cần một đòn bẩy dài nắn nhẹ nhàng là được.
 
Re: Xe máy: Sử dụng,bảo dưỡng và sửa chữa.

Bác dochanhvn viết chi tiết quá.Cảm ơn bác nhiều
:)

Tôi bổ sung với bác 1 tí là trong các bệnh về khung sườn,càng sau,phuộc nhún... thì bệnh về phuộc sau là nguy hiểm nhất vì khi nó bị hư phốt,chảy dầu hay gãy là xo thì 2 ống phuộc sẽ gặp tình trạng hành trình nhún không đều nhau.

Đi đường lộ và chạy 1 mình thì ít phát hiện ra nhưng khi vào đường cấp phối hay khi vào cua gắt xe sẽ bị tình trạng văng bánh sau cực kì nguy hiểm vì mất lái.

Đôi khi tình trạng này lại không do phuộc hư mà lại do ai đó táy máy điều chỉnh bộ phuộc sau không cân,chẳng hạn 1 bênh về nấc 1 người ,bên kia về nấc chở 2 người.Lý do rất là vớ vẩn:D nhưng không phải là không từng xảy ra.

Phục hồi ống nhún nói chung là 1 việc đơn giản,ta cũng không nên đem đến tiệm sửa xe rồi ngồi chờ thợ tháo đem đến nơi chuyên làm rồi lại đem về ráp.Như thế có vẻ đơn giản nhưng ta sẽ dễ gặp 2 tình trạng:

1 là ta sẽ tốn thêm 1 số tiền đáng kể cho người thợ trung gian chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra ,tháo lắp và đem cặp phuộc đi phục hồi.

2 là nếu gặp người thợ không có lương tâm dễ bị phán lung tung hay nặng hơn là bị tráo cặp phuộc hay cặp ti và lò xo của cặp phuộc khác.Cái này cũng xảy ra nhiều.

Vì tôi từng hỏi thử các bác người quen chuyên làm phuộc thì bảo thợ đem tới nhờ luộc là chuỵện thường.

Nên ta cứ trực tiếp đem tới những tiệm chuyên phục hồi phuộc nhún rồi ngồi chờ khoảng vài tiếng tuỳ lượng khách.

Theo thời giá hiện tại thì ở Đà Nẵng phục hồi 1 cặp ống nhún khoảng tầm trên dưới 50 ngàn.
 
Re: Xe máy: Sử dụng,bảo dưỡng và sửa chữa.

Chào bác chủ thớt !
Cảm ơn bác có lời động viên.
Em cũng xin trao đổi với bác chút xíu .

( Tôi bổ sung với bác 1 tí là trong các bệnh về khung sườn,càng sau,phuộc nhún... thì 1-1- ‘’bệnh về phuộc sau là nguy hiểm nhất vì khi nó bị hư phốt,chảy dầu hay gãy là xo thì 2 ống phuộc sẽ gặp tình trạng hành trình nhún không đều nhau.’’

2- ‘’Đi đường lộ và chạy 1 mình thì ít phát hiện ra nhưng khi vào đường cấp phối hay khi vào cua gắt xe sẽ bị tình trạng văng bánh sau cực kì nguy hiểm vì mất lái.

Đôi khi tình trạng này lại không do phuộc hư mà lại do ai đó táy máy điều chỉnh bộ phuộc sau không cân,chẳng hạn 1 bênh về nấc 1 người ,bên kia về nấc chở 2 người.Lý do rất là vớ vẩn nhưng không phải là không từng xảy ra.’’

3-‘’Phục hồi ống nhún nói chung là 1 việc đơn giản,ta cũng không nên đem đến tiệm sửa xe rồi ngồi chờ thợ tháo đem đến nơi chuyên làm rồi lại đem về ráp.Như thế có vẻ đơn giản nhưng ta sẽ dễ gặp 2 tình trạng:…..’’)

Ý ‘’ 2’’ em hoàn toàn nhất trí với bác.
‘’1’’ :
- Thực ra thì nhún nào cũng quan trọng. Tùy theo trạng thái hư hỏng gây nên nguy hiểm mức độ nào mà thôi.
’’ 3’’ :
- Phục hồi ống nhún không hề đơn giản . Kể cả về trình độ gia công lẫn dụng cụ gia công. Chính vì vậy em nói : ‘’… Nếu có các hiện tượng trên mang ra thợ chuyên làm giảm sóc …’’. Phuộc nhún là bộ phận thủy lực đòi hỏi tính lý hóa cao. Người ta sản xuất để sử dụng một lần. Không biết trên thế giới có bao nhiêu nước có công nghệ ‘’ phục hồi ‘’ như Việt nam ta :)). Thực ra thì người ta chỉ phục hồi được những phuộc nhún hỏng phớt khô dầu thôi. Những phuộc nhún có ti ( cần pít tông) bị xước, cong quá mức hoặc ống ngoài (xi lanh ) móp méo thì cũng chịu. Thay mới cho rồi. Thợ hay dùng thủ thuật : Khoan một lỗ nhỏ ở đầu xi lanh rồi bơm hỗn hợp dầu thủy lực + mỡ bôi trơn vào xong hàn lại. Làm vậy chỉ là giải quyết tình thế lúc không có phớt thay hoặc dụng cụ tháo, dập phớt.
Bác lưu ý, với mục đích trao đổi cách tự khám xe đơn giản và hướng giải quyết để anh em mình hiểu bệnh của xe tránh bị thợ bip bợm,’’ luộc hàng’’ . Em ít đi sâu vào nguyên lý chế tạo hoặc kỹ thuật sửa chữa cao. Cũng như những biện pháp khám xe đòi hỏi kinh nghiệm với dụng cụ chuyên dùng. Việc ấy là của nhà sản xuất và thợ chuyên nghiệp.

Kính bác !
 
Last edited:
Re: Xe máy: Sử dụng,bảo dưỡng và sửa chữa.

- Phục hồi ống nhún không hề đơn giản . Kể cả về trình độ gia công lẫn dụng cụ gia công. Chính vì vậy em nói : ‘’… Nếu có các hiện tượng trên mang ra thợ chuyên làm giảm sóc …’’. Phuộc nhún là bộ phận thủy lực đòi hỏi tính lý hóa cao. Người ta sản xuất để sử dụng một lần. Không biết trên thế giới có bao nhiêu nước có công nghệ ‘’ phục hồi ‘’ như Việt nam ta :)).

Em nói đơn giản là trên phương diện tiền bạc và thời gian kia mà.Chỉ cần đem ra tiệm chuyên phục hồi rồi ngồi chờ vài tiếng với chi phí dăm bảy chục ngàn.Đơn giản quá chứ bác?:D

Thực ra thì người ta chỉ phục hồi được những phuộc nhún hỏng phớt khô dầu thôi. Những phuộc nhún có ti ( cần pít tông) bị xước, cong quá mức hoặc ống ngoài (xi lanh ) móp méo thì cũng chịu. Thay mới cho rồi. Thợ hay dùng thủ thuật : Khoan một lỗ nhỏ ở đầu xi lanh rồi bơm hỗn hợp dầu thủy lực + mỡ bôi trơn vào xong hàn lại. Làm vậy chỉ là giải quyết tình thế lúc không có phớt thay hoặc dụng cụ tháo, dập phớt.

Ở ngoài em thì người ta phục hồi bằng cách dùng máy mài vớt hết cái đầu dập của vỏ ngoài ti xong rút ti ra thay cái phốt làm kín rồi châm nhớt trở lại và dùng búa hoặc máy ép ép đầu vỏ ti trở lại như cũ.

Như thế mỗi lần phục hồi vỏ ti sẽ bị ngắn đi khoảng 3-5mm.

Các tiệm chuyên làm phuộc lớn đồ phụ tùng thay thế mới lẫn cũ rất nhiều,nên các bác ấy sẽ lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia được tất.

Tất nhiên việc sửa chữa dù làm tốt thế nào cũng không bằng thay mới.Nhưng không hẳn ai cũng có điều kiện thay thế.Em nói đơn cử như cái phuộc xe Dream nếu mua phuộc trôi nổi thì khoảng trên dưới 200 ngàn,vô Head thì nghe hét 800.000.Còn phuộc xịn như Oishi(không chắc viết thế này đúng không)nó hét giá tới trên 1tr.

Mà có khi con xe trị giá cả con xe chỉ khoảng vài ba triệu.

Nên việc phục hồi là việc đại đa số người sử dụng xe sẽ làm.Nước ngoài phục hồi hay thay mới như thế nào thì em chịu:D
 
Re: Xe máy: Sử dụng,bảo dưỡng và sửa chữa.

Vấn đề càng xe,giảm xóc và khung sườn bác dochanhvn đã viết tương đối chi tiết ở trên rồi.:)

Giờ tôi nói về vấn đề lốp,ruột và niềng xe.

Lốp xe có 2 loại ,1 loại có ruột và 1 loại không dùng ruột.Thông thường lốp không ruột sẽ đi theo niềng lá đúc,còn lốp có ruột đi theo niềng bắt căm .
Loại niềng lá đúc vẫn dùng loại lốp có ruột rất tốt,nhưng niềng căm muốn dùng lốp không ruột thì phải có cách xử lí riêng.

̀ Niềng căm thông thường sẽ khoan lỗ trên niềng để xỏ ốc xiết đầu căm vào như thế muốn dùng lốp không ruột ta phải xử lí làm kín những lỗ kia.Tôi được biết thợ sẽ có 2 phương pháp xử lí.

1 là dùng 1 sợ dây đai cao su rộng bản vòng qua mặt trong của niềng rồi xử lí 2 đường triên quanh bằng 1 loại keo hay hoá chất nào đấy.

2 là để nguyên niềng thế rồi cũng quét lên 1 lớp keo làm kín,rất tiếc là tôi không biết rõ lắm về cái loại keo này nhưng nhìn sơ thì thấy nó giống keo silicon. :D

Đặc biệt có 1 loại 1 căm dùng cho xe phân khối lớn người ta không khoan lỗ trên niềng mà gia công những cái móc lồi lên ở mặt ngoài niềng như thế mặt trong niềng vẫn kín hoàn toàn như niềng lá.

Và loại này thì khi bắt căm cây căm sẽ quay ngược lại so với xe thông thường.

Và lốp không ruột lại hay đi với keo tự vá về vấn đề keo này anh em cũng đã có 1 topic riêng nên tôi không nói tới nữa.

Xe số thông thường hay chạy lốp trước là 2.25 sau là 2.50 cho xe đời cũ như Dream,Wave...,các xe đời sau này thì nâng lốp sau lên 2.75 còn lốp trước có thể là 2.25 hoặc 2.50.Và phần lớn là niềng 17.

Lốp lớn thì bám đường,chở nặng và độ bền tốt hơn,nhưng vì bề mặt tiếp xúc với mặt đường rộng hơn nên sẽ ma sát nhiều dẫn đến xe tốn nhiên liệu và nặng máy hơn nhất là với những xe cũ ,công suất thấp.

Cá biệt có những xe khi lên lốp 2.75 thì dựng chân chống giữa không còn vững vàng nữa vì lốp cọ sát xuống mặt đường.
 
Re: Xe máy: Sử dụng,bảo dưỡng và sửa chữa.

Đi lốp 2.75 phải chú ý thường mang theo săm dự trữ. Vì đi xa các hàng vá xe thay săm thông thường, nhất là ở vùng sâu vùng xa không có săm loại to này. Thợ có thể thay cho mình loại săm bé 2.5 và như vậy đi không an toàn, săm vẫn cứ giãn ra, lốp vẫn căng, nhưng dễ bị xì hơi hoặc nổ săm.
Để biết lốp xe mình dùng săm nào thì nhìn thông số trên lốp, thường ghi 2.25, 2.50 thì dùng săm 2.50, 2.75 thì dùng săm 2.75. Hoặc 70/90 và nhỏ hơn thì dùng săm 2.50, thông số 80/90 thì dùng săm 2.75, lớn hơn thì các bác tự tìm hiểu, em chưa nghiên cứu.
À, 1 lần em thay ngay tại HN, bảo thợ rằng xe săm to đấy, thằng ku vâng vâng dạ dạ. Em yên tâm, ai ngờ sau đó đi chơi, bị thủng săm, mở ra hóa ra săm 2.5, xì hết hơi đi nó giãn ra to choét các bác ạ, vá víu xong xuôi lắp vào anh thợ bơm lên nó nổ cái đùng. Vậy bác nào di xe săm 2.75 thì khi thay cũng nên ghé mắt một tí nhá, có khi hàng đó hết săm to mà nó cứ nhận bừa, hỏng việc mình ra.
 
Last edited:
Re: Xe máy: Sử dụng,bảo dưỡng và sửa chữa.

Kiểm tra xe máy trước khi xuất hành
Với kinh nghiệm ít ỏi của tôi, xin trao đổi một vài phương pháp tự kiểm tra, chính sửa đơn giản, dễ làm đối với xe máy thông dụng. Mục đích là để tự phát hiện hỏng hóc và hướng giải quyết ( Ra thợ không bị lừa bịp ) Tôi ít trình bày phần sửa chữa vì chữa xe đòi hỏi phải có dụng cụ chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm . Có một số chi tiết trên xe được gọi tên khác nhau. Bạn nào thắc mắc tôi sẽ giải thích. Trình độ có hạn, vậy có gì sai, có gì thiếu nhờ anh em bổ sung.

Ở trên hai bác THIENSON và DONTIEUDOCKIEM có nói đến vành bánh, xăm lốp xe. Tôi xin đăng bài của mình . Có chỗ nào trùng lặp, xin các bạn bỏ qua.
Kiểm tra bánh xe và hệ thống phanh.Trong các giáo trình giảng dạy chuyên nghiệp người ta nói riêng từng phần. Thực tế hai công việc này thường đi đôi với nhau nên em gộp vào một bài. Hơi lủng củng một chút nhưng rất tiện cho các bạn thực tế thao tác.
Kiểm tra bánh xe. Bánh xe gồm lốp, xăm, vành, nan hoa, moay ơ, trục moay ơ và vòng bi.. Ngoài ra còn con đội, đùm phanh, ốc, long đen….
Tùy theo tính năng từng loại xe người ta lắp vành, cỡ, kiểu xăm lốp khác nhau. Thông thường vành xe cỡ 17 ( d= 17 insơ ) Vành TRƯỚC xe win =18, xe simson = 16. Đó cũng là chỉ số d trong của lốp xe. Còn số đứng sau dấu trừ (-) các số trên là chỉ số đường kính vòng lốp khi bơm đúng tiêu chuẩn . 2.25 insơ, 2.50 insơ… Chỉ số in trên lốp xe cũng là chí số của xăm đi cùng với nó
1- Kiểm tra vành xe.
Dựng chân chống giữa. Quay từng bánh xe nhẹ nhàng. Lấy móng tay để sát vành xe. Khi vành xe tếp xúc đều với móng tay là được. Chú ý có chỗ chạm mạnh một chút là chỗ hàn giáp lai. Ok ! Bóp các cặp nay hoa, thấy căng đều là được. Chú ý nan bị gãy mà vẫn nguyên vị trí. Nếu có phải thay ngay. Đã có tai nạn xảy ra khi nan hoa gãy đâm vào đĩa phanh dầu.
2- Kiểm tra xăm lốp xe :
.- Ở bất cứ chiếc lốp nào cũng có 2 đường nổi gần mép vành. Nếu thấy hai đường chỉ này cách đều mép vành là ok. Nếu các đường chỉ chạy không đều là lốp bị méo đi sẽ nẩy xe, vẫy đuôi làm tay lái bị đảo.
Để bánh xe khỏi mặt đất. Dùng một vật làm chuẩn cách gân giữa lốp chừng 2cm. Ta quay bánh xe. Nếu gân lốp cách đều điểm chuẩn ( góc miếng gỗ ) cả hai chiều ngang, dọc là ok. ( xem hình )

Lưu ý : Nếu lốp mới mà bị vào lệch ( hay gọi méo quả ) thì thợ có thể nắn lại được. Nếu đã đi chừng > 1500 km thì bó tay. Thay !


Sau đó tháo bánh xe, tháo hơi ( tháo hẳn ti van ). Móc lốp xe ra. Chú ý, khi móc lốp nên để khẩu độ 2 móc lốp gần nhau. Vừa dễ thao tác lại không làm xước vành, không xước mép lốp, không làm thủng xăm.. Lộn ngược lốp ra. Nếu thấy bên trong lốp, những sợi bố lốp bị đứt thành vệt thì thay lốp. Dùng ngón ta rê trên mặt trong của lốp xem có dị vật ( gai, đinh gim, phoi tiện, thủy tinh thậm chí xương gà xương cá..) còn găm ở đó không. Nếu có thì tìm cách lấy ra bằng được. Nhiều khi những dị vật này nằm chìm trong lốp vô hại. Khi đi xe, lốp bị trồi ngược vào trong, dị vật có cơ hội đâm thủng xăm.
- Xem xăm xe còn tốt không. Xăm bị nhũn quá nên thay. Vò chỗ hàn giáp lai ( chỗ có nhiều gân chạy vòng tròn ) xem có bị rách chìm ở trong không. Kiểm tra miếng vá cũ có bị phồng rộp, vết rách của miếng vá có to quá không thì thay xăm. Những chỗ vá cũ, ta có vá đè lên cũng không đảm bảo. Xăm có nhiều miếng vá ( >5 miếng ) nên thay. Xem hai bên xăm có bị lốp ăn mòn không. Nếu có những đường rãnh nhỏ nên thay. Nếu bố lốp bị rách trong thì xăm dứt khoát bị ( gọi là lốp cắn xăm ).
Kiểm tra vành , nan hoa, xăm lốp xong . Lắp lại. Sao cho lốp tròn đều ( chỉ lốp cách đều vành xe ). Nói vậy nhưng không đơn giản nhất là khi vào lốp mới. Thợ chuyên nghiệp có khi nắn phỏng tay mới được. Các bạn chú ý khi vào lốp không cần dùng móc lốp để tránh kẹt xăm. Ở đây tôi không thể nói hết thao tác, thủ thuật nắn, vào lốp được. Muốn làm thạo việc này phải học thực tế theo kiểu ‘’ cầm tay chỉ việc’’. Nói chay thế này trừu tượng khó hiểu.
Ta bơm lốp thật căng. Hai tay cầm lốp ( cầm lỏng tay) dộng đều xuống đất theo vòng tròn bánh xe. Sau đó tháo bớt hơi. Thông thường để hơi bánh trước 2,3 kg, hơi bánh sau 3,2 kg. Tiêu chuẩn của nhà sản xuất thì thấp hơn. Đây mình để theo kinh nghiệm. Các bạn chỉ cần hiểu thế này : Để căng thì xe nẩy đi bon và nhẹ xe đỡ hại máy nhưng không bám đường.Khi phanh, khi vào cua, đường có nhiều sỏi nhỏ , đường trơn ướt rất nguy hiểm. Căng quá thì xóc, khi đi đường dài lốp nóng lên có thể nổ nhất là trời nắng. Bơm lốp mềm quá, đi ì xe hại máy. Xe đi nặng tay lái. Non hơi quá gây dập xăm , dập lốp. Tóm lại , mỗi bạn tự rút ra tiêu chuẩn hơi cho riêng xe của mình , phù hợp với nền đường, tải trọng đi sao cho thoải mái an toàn. Các bạn tập kiểm tra hơi lốp xe bằng cách dùng mũi chân nhấn vào vành xe khi dựng chân chống nghiêng.
Kiểm tra phanh trước. Trước khi tháo bánh xe ta phải kiểm tra phanh.
Đối với phanh dầu, quay nhẹ bánh xe, thấy đĩa phanh và má phanh không sát vào nhau, mặt đĩa mòn đều.Bánh xe bon, dừng lại từ từ xem lượng dầu còn đủ không .( nhìn trên hộp dầu ngay tay phanh ). Đứng cạnh xe, hai tay đẩy xe về phía trước đồng thời bóp nhả phanh. Cảm giác tay phanh lúc đầu nhẹ rồi nặng dần. Bánh xe không bị dừng đột ngột, không bị rê. Đầu xe từ từ chìm xuống là được.(kiểm tra phanh cơ cũng vậy) Nếu không các bạn phải mang ra thợ sửa. Lưu ý, má phanh rởm rất nhiều. Ma sát không đúng hệ số, thậm chí bị bong giữa đường. Nếu dầu vơi phải thay dầu phanh thì bắt thợ tháo hết dầu cũ, Thau rửa bằng cồn hoặc rượu mạnh. Tuyết đối không đổ thêm kể cả cùng một loại dầu. Không dùng xăng-dầu để rửa hệ thống phanh. Sau khi lắp xong thử lại phanh như trên.
Kiểm tra phanh cơ :
Trước khi tháo bánh xe. Ta kiểm tra luôn phanh cơ. Dựng xe, tăng cho phanh bó lại sau đó nới ra từ từ cho đến lúc phanh nhả ( bánh xe quay nhẹ nhàng. Tước khi dừng hẳn bánh xe hồi ngược lại một chút). Đạp chân phanh , chu trình chân phanh chừng 2-.3 cm là tốt. Đối với phanh tay là 1/3 quãng giữa của chu trình cả tay phanh.
Khi tháo bánh xe,cầm úp đùm phanh vỗ mạnh xuống nền cứng để bong tróc các cáu bẩn. Cũng là kiểm tra xem má phanh có bị bong không , thay kịp thời tránh nguy hiểm. Lau chùi, bôi một chút mỡ vào quả đào. Nếu má phanh mòn quá nên thay.
Sau khi lắp bánh xe xong, ta kiểm tra phanh lần cuối. Xiết lại tất cả các ốc liên quan đến phanh.
Kiểm tra bi, con đội, phớt bi.
Dựng xe, quay bánh xe thấy không có tiếng lục cục, lạo xạo. Lắc ngang bánh xe không thấy rơ là bi tốt. Khi rửa xe, đi mưa không thấy nước màu nâu đỏ chảy ra từ phớt là tốt.
Khi tháo bánh xe, ta dùng một trục sắt tống bi ra khỏi ổ bi. Lấy một dùi nhỏ nạy nắp ca bi. Dùng tô-vít nạy phớt ra khỏi moay –ơ. Đem vòng bi, con đội, phớt rửa trong xăng, dầu.Sau đó lau, thổi sạch cho khô. Lúc này ta có thể kiểm tra bi lần nữa bằng cách cầm chắc ca bi trong bằng hai ngón tay phải. Đập cườm ta phải vào cường tay trái. Nếu có tiếng lách chách là bi kém nhưng có thể dùng tạm được.Dùng mỡ trát kín ổ bi, đóng nắp ca bi. Trát đầy mỡ vào phớt nhất là chỗ có lò xo . Thông thường bi rất bền. Chỉ khi hỏng phớt, mòn con đội để nước vào làm chết mỡ bôi trơn mới gây mòn bi. Vì vậy bảo dưỡng, thay thế con đội, phớt bi nên làm mỗi năm ít nhất 1 lần.
Việc bảo dưỡng , thay thế vòng bi, con đội, phớt chắn rất đơn giản.ta có thể tự làm.
Lưu ý :
- Vòng bi nào hỏng thay vòng bi ấy.
- Thay bi nhất thiết phải thay phớt, con đội.
- Thay phớt phải thay cả con đội và ngược lại.
- Thay phớt, con đội không nhất thiết phải thay bi nếu bi còn tốt.
Kiểm tra nhông- xích.
Dựng chân chống giữa. Tháo hộp xích. Tay trái bóp căng sợi xích. Tay phải cầm một mắt xích chỗ ôm vào nhông sau nhấc ra. Nếu thấy xích không ôm chặt nhông, thậm chí nhấc mắt xích ra thấy khoảng hở lớn giữa nhông và xích là nên thay. Thông thường, người ta đi xe khi tăng hết cỡ xích thì chặt đi một mắt kép. Đi đến khi tăng hết lần 2 thì thay.
Làm vệ sinh cho nhông xích : Tháo xích , ngâm trong xăng, dầu, quật mạnh xích xuống nền cứng theo chiều đứng của mắt xích. Sau đó rửa lại, xì khô ngâm trong dầu nhờn. ( Nếu không có điều kiện ngâm thì khi tra dầu thật kĩ càng cho dầu ngấm vào các chốt, bạc xích. Dùng xăng và chổi lông rửa sạch mang cá, hộp xích. Rửa sạch nhông trước, nhông sau. Kiểm tra các phanh hãm nhông trước nhông sau. Xiết lại tất cả các ốc, bu lông. Lắp xích vào nhông chú ý lưng khóa xích luôn theo chiều tiến cuả xích. Tiêu chuẩn độ chùng của xích mỗi xe mỗi kiểu. Tôi khuyên các bạn làm như sau : Tăng xích căng, sau đó nhả chùng từ từ cho đến lúc bánh xe quay nhẹ là được. Khi xiết các ốc đầu trục các bạn lưu ý cân đầu trục nhờ các vạch khấc của càng sau. Việc cuối cùng là lắp hộp xích .
Lưu ý :Nhông xích ít hỏng nhưng khi xảy ra sự cố rất nguy hiểm. Tất cả các phanh, ốc , khóa của hệ thống nhông xích phải đảm bảo chặt chẽ đúng chiều. Hộp xích đủ độ cứng, không móp méo, không vênh, hở.

( Xin lỗi ! Mình có vài tấm hình mà không biết up trực tiếp. Qua mấy thằng kia thì nó upload mãi không xong )
 
Last edited:
Re: Xe máy: Sử dụng,bảo dưỡng và sửa chữa.

Kiểm tra xe máy trước khi xuất hành
...Vành sau xe win =18 ...

Em rón rén có ý kiến.
Vành sau WIN 17" chứ bác nhỉ?! Nó là 3.00/17
Vành trước mới 18", 2.50/18
Em đọc từ con xe em ra thế.
 
Re: Xe máy: Sử dụng,bảo dưỡng và sửa chữa.

Em mới 'lấy chồng', sẽ cho "anh ấy" lượn đường nhiều, đọc bài của các bác, thú thật nhiều cái em chả hiểu gì cả hic hic.... Xe em dòng Sirius, nên bảo dưỡng, sửa chữa ntn thì tốt ạ??? Việc kiểm tra định kỳ tại đại lý có an toàn - tốt cho xe không ạ???
Các bác đừng chê em gà nhé, em muốn nắm đc kha khá thông tin để khi đi đường vắng có thể xử lý đc 1 số lỗi thông thường...
Bác nào ở Hà Nội, hay....sửa xe thì cho em đến học mót với ạ!
 
Re: Xe máy: Sử dụng,bảo dưỡng và sửa chữa.

Em mới 'lấy chồng', sẽ cho "anh ấy" lượn đường nhiều, đọc bài của các bác, thú thật nhiều cái em chả hiểu gì cả hic hic.... Xe em dòng Sirius, nên bảo dưỡng, sửa chữa ntn thì tốt ạ??? Việc kiểm tra định kỳ tại đại lý có an toàn - tốt cho xe không ạ???
Các bác đừng chê em gà nhé, em muốn nắm đc kha khá thông tin để khi đi đường vắng có thể xử lý đc 1 số lỗi thông thường...
Bác nào ở Hà Nội, hay....sửa xe thì cho em đến học mót với ạ!
Em ở HN, đi Sirius này bác, nhưng không hay sửa xe, toàn phá thôi :(.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,626
Bài viết
1,154,126
Members
190,153
Latest member
kientruckhangvinh
Back
Top