What's new

[Chia sẻ] Nhật Bản - Hành Trình U Mê Cuối Tháng Hai

Nhật Bản - Đi Tìm U Mê Cuối Tháng Hai

Một hôm Láo Toét đang phì phèo điếu xì gà thì nhận được email từ bộ phận chăm sóc khách hàng của Thai Airways "Số điểm của quý khách sắp đến hạn...". Sau bao nhiêu năm mài đũng quần trên ghế máy bay, tích cóp từng điểm, lúc nào cũng nơm nớp lo hãng quên cộng điểm đã bay, thế mà cái hãng mắc toi này lại muốn cướp công. Láo Toét vội vàng online xem mình có thể đi đâu cho khỏi hoài công: Trung Quốc thì vì đang tự ái dân tộc quèn, Hàn Quốc thì đang... hàn, lạnh bỏ bu, Thái Lan, Singapore, Malaysia gần quá không bù với số điểm phải bỏ ra. Chỉ có Nhật Bản thì có vẻ đáng đồng tiền bát gạo mặc dù là cũng hơi lạnh tí. Chặc chặc, cái khó là làm sao thuyết phục được bà xã cho phép đi chơi một mình. Chạy xuống dưới nhà, năn nỉ một hồi thì cũng được phát cho một giấy thông hành từ vợ đáng yêu.

Thế là lên mạng, book vé, đã dùng vé chùa thì phải chơi cho tới bến, Láo Toét book ngay hạng thương gia lợi dụng triệt để các chuyến bay vòng vo để mài đít trên các ghế VIP cho nó sướng. Thêm vào cái sở thích dị hợm là Láo Toét chỉ thích các loại máy bay mình chưa hay ít đi nên book vé cũng khá là vòng vo. Cái hay là trong một liên minh hàng không, mình có thể bay với bất cứ hãng hàng không nào trong liên minh ấy. Thai Airways nằm trong liên minh lớn nhất StarAlliance gồm 27 hãng hàng không khác nhau và ở Châu Á thì có đến 7 hãng để chọn lựa nên tha hồ mà thay đổi trong từng chặng. Sau một hồi tìm kiếm rồi cuối cùng rồi Láo Toét cũng tìm ra một đường bay tạm hài lòng:

HAN - BKK: Thai Airways - Boeing 787 Dreamliner
BKK - KIX: Thai Airways - Airbus 380-200
KIX - ICN: Asiana - Airbus 321-200
ICN - HKG: Air India - Boeing 787 Dreamliner
HKG - SGN: United - Boeing 737-700

Lúc hỏi lệ phí thì được tổng đài thông báo là ~$250, ôi sao mắc thế, dạo trước Láo Toét chỉ có phải trả cở $50 thôi. Đúng là hạng thương gia chỉ chăm chăm hút máu người nhưng đành phải cắn răng ra mà trả (Thuế sân bay nhà mình hết $30 nhé).

Sau đó là tới phần đi đâu chơi, Láo Toét mặc dù đã 3 lần đến Kyoto nhưng chưa lần nào ở Osaka cả mà chuyến đi này thì hưởng thụ là chính thì nhất định phải tới Osaka. Nhưng hưởng thụ quá thì cũng phải tu thân một chút cho nên Láo Toét cũng sẽ chạy đi thánh địa Phật Giáo Shingon ở Kyosan. May sao cho Láo Toét tuy là cuối tháng 2 nhưng cũng đúng vào mùa U-Me - hoa đào nở (không phải anh đào nhé). Gần đến ngày đi thì Láo Toét mới tìm được thông tin là ngày Láo Toét đặt chân xuống thì cũng là ngày các Geisha ra đền Kitano-Tenmangu để phục vụ trà ngắm đào, ôi Láo Toét sướng rên. Lên đường thôi!

IMG_9536_v2-vi.jpg

Kyoto Maiko

IMG_9559_v1-vi.jpg

Hoa Đào

IMG_0850_v1-vi.jpg

Kobe Port

IMG_9460_v1-vi.jpg

Trà đạo ở Kitano-Tenmangu

IMG_9865_v1-vi.jpg

Lâu Đài Wakayama

IMG_0005_v1-vi.jpg

Osaka Business Park

IMG_9377_v1-vi.jpg

Tráng miệng Thai Airways
 
Last edited:
Một cỏi U Mê

Gặp được geisha chính hiệu, Láo Toét như lạc vào cỏi u mê, bần thần ra khỏi trà viên mặc kệ ông gác cổng quát đừng lủi vào bụi cây. Mà Láo Toét lạc vô vườn ume thật, bên phải trà viên là vườn đào lớn nhất Kyoto. Chỉ tội là năm nay khí hậu Kyoto khắc nghiệt nên đào chẳng cho Láo Toét cơ duyên. Đại đa số các cây vẫn ở tình trạng có nụ nhỏ, chỉ có ít cây nở. Hoa đào ở Nhật có năm loại màu: đỏ, hồng, trắng, vàng và tím. Màu vàng và tím là khó tìm nhất, Láo Toét đi mòn mỏi mà chỉ thấy đúng một cây màu tím. Còn loại thì có cả trăm, Láo Toét chẳng biết loại nào ra loại nào cả, cứ thấy cây nào có gắn tên hoặc rào lại và các bác Nhật ùa lại trầm trồ thì Láo Toét cũng hùa theo gật gù như con chim cu.

Ở Kyoto chỉ có Kitano-Tenmangu là có số cây đào đủ lớn để có vườn xôm tụ, còn những địa điểm khác thì chỉ có vài chục hoặc trăm cây. Cây đào vốn dĩ lùn như Láo Toét, hoa lại thưa thớt nên lúc nở rộ không giật gân như cây anh đào. Bù lại Láo Toét được hít mùi hương ngọt dịu và đở phải đánh đấm với bọn tour TQ (Bạn nào rảnh xin tìm đọc "Chinese Tourists: Pigs on the loose". tạm dịch: "Khách Du Lịch TQ: Đàn lợn xổng chuồng").

Ở Osaka thì các bác cứ thẳng tiến đến Osaka Castle, bên ngoài hào có một vườn ume cở 1250 cây. Osaka thường ấm hơn Kyoto nên nếu hoa đào ở Kyoto chưa nở, vườn Osaka Castle có thể dùng để cầu may. Nói chung là vì chổ xem ume ít nên cũng đở phải chạy nhiều. Bù lại thường ít người có đủ đẳng cấp biết thưởng thức như Láo Toét đây nên ít phải chen chúc. Láo Toét còn đem hẳn một chai sake ra, lượm vài bông ume rơi thả vào chum rượu ra vẻ thanh cao nhưng thú thực với các bác, Láo Toét chẳng thấy nó khác gì cả.

Mời các bác thưởng thức cỏi U Mê...


IMG_0320_v1-vi.jpg


IMG_0117_v1-vi.jpg

Nhẹ nhàng

IMG_0185_v1-vi.jpg

Ume ở Osaka Castle

IMG_0531_v1-vi.jpg

Chú chim cũng xà vô

IMG_0126_v1-vi.jpg

Màu vàng hiếm hoi

IMG_9580_v1-vi.jpg


IMG_0195_v1-vi.jpg

Ai lên xứ hoa đào...

IMG_0596_v1-vi.jpg


IMG_0208_v1-vi.jpg

Một màu U Mê

IMG_0599_v1-vi.jpg

Vườn ume ở Osaka Castle
 
Last edited:
Thank bác Toét! tôi đang lên cơn nghiền NB, lục tung diễn đàn hằng ngày hôm nay mới vớ được thuốc tiên từ bác! Dreamliner hạng thương gia oách quá nhỉ, cám ơn bác phát nữa đã dẫn chúng tôi xem behind the scene chứ ghế ngồi của nó thì hạng cá kèo cũng từng nhìn đến.....rệu nước dãi trước khi đến chỗ ngồi của mình rồi! mà bác ngồi hạng thương gia, chứ tôi nghe dân tình hạng cá kèo của Dreamliner ta thán dữ lắm bác ạ! Cái bi di nét class của Air India trông lôi thôi nhỉ? thế bác cảm thấy thế nào về cái gọi là mood lighting của Dreamliner? thích hay ghét hở bác? Xí nữa thì tôi đã book cái ghế của Dreamliner hạng bình dân rồi đấy, nhưng thích bay với JAL hơn mà JAL nó chưa xài Dreamliner!!!

Vì dùng điểm nên Láo Toét mới dám giả danh thương gia chứ Láo Toét chẳng dám bỏ tiền mình ra đâu. Chỉ vì mấy cái hãng tham lam nên nó nhồi nhét đến 10 ghế hàng ngang trong khoang cá mòi của 787 nên mới ra sự thể. Cái này giống như mấy chiếc 747 mà Láo Toét thường được âu yếm cho vào ghế chính giữa, tới nơi gọi chân mình nó cóc trả lời, đi cứ như người bị bệnh trĩ ấy.

Cái Air India này thì ôi thôi, tưởng mấy anh hãng bay Mỹ đã tệ, cái anh Ấn nhà tôi thì khỏi phải nói. Lúc đến HKG, máy bay mở có một cửa giữa hai khoang và khách của khoang Y đã ra một mớ rồi mà chưa thấy tiếp viên COCC nào ra khoang C mời khách ra cả. Láo Toét vì vội thưởng thức lounge ở HKG đàng phải muối mặt chen chân đi ra, chẳng bù với Asiana, cửa mở đã thấy đứng gập người chẳng dám ngó lên.

Cái mood lighting 787 cũng giống như cái đặt ở trên một số chiếc 777-200LR hay 777-300ER (VN Airlines mình không gắn cái này thì phải), chỉ có phần đở giật giật hơn khi chuyển màu. Lúc nó đánh thức mình dậy thì đúng là sướng hơn mấy chiếc đèn sáng choang kiểu tra tấn của C12 ta. Khi nào các hãng máy bay gắn đèn trần mà ban đêm nhìn giống bầu trời đầy sao thì Láo Toét xin đăng ký một xuất.

Cái cửa sổ làm tối bằng điện tử của 787 thế mà không hay lắm đâu ạ. Thứ nhất là nó màu xanh dương từ đậm tới lạt và mức tối nhất của nó vẫn cho ánh sáng lờ mờ vào. Cái thứ hai là nó cho phép phi hành đoàn chỉnh sửa mức tối/sáng và hành khách không vượt được mức chỉnh của phi hành đoàn, nên có lúc máy bay nhìn khá là tối.

Bác nên bay với ANA ạ, họ bay Dreamliner và phục vụ thì Láo Toét đánh giá là còn cao hơn Asiana. ANA rất ân cần nhưng không quá quy lụy như Asiana, cứ xem phim Hàn và Nhật thì bác cũng đã nhận ra sự khác biệt ấy ở đâu rồi ý. JAL giữa năm này cũng sẽ bay 787 rồi đấy bác.

VN Airlines sắp có Airbus 350 vào cuối năm nay rồi, thế nào Láo Toét cũng phải đặt một vé đi cho biết.
 
Last edited:
Bác ehviet phượt đại gia thật, đi toàn C mấy tuyến liền trên nhiều hãng. Phượt kiểu này, nội tiền vé tàu cũng đủ cho 1 chuyến phượt bình thường luôn rầu :))
Mình phượt Nhật, mua C một lần thôi cũng thấy đủ thấm rùi :(

Phong cách của bác độc thật (c)
 
Bác ehviet phượt đại gia thật, đi toàn C mấy tuyến liền trên nhiều hãng. Phượt kiểu này, nội tiền vé tàu cũng đủ cho 1 chuyến phượt bình thường luôn rầu :))
Mình phượt Nhật, mua C một lần thôi cũng thấy đủ thấm rùi :(

Phong cách của bác độc thật (c)

Láo Toét có bỏ tiền ra mua vé đâu mà ...sợ, à ngoại trừ mấy cái phí ~$250 phải đóng thì trong đó hết

Dịch vụ cảng hàng không VN: ~$30
Dịch vụ cảng hàng không Japan: ~$23
Dịch vụ cảng hàng không Hàn Quốc: ~$8
Thuế Thai Airways: ~$160
Phí xăng đầu: ~$30

Không biết cái dịch vụ hàng không nhà ta tốt thế nào mà phí thì cao nhất trong tất cả các nước. Xây xong Sân BayLong Thành thì chắc phí sẽ được Bộ GTVT ưu ái tăng thêm một ít để bỏ vào "ngân khố" các bác nhà ta.
 
Cái số Láo Toét đen thế, chỉ 1 tuần sau thì vườn ume ở Osaka Castle nó như thế này (hình mình mượn ở jprail.com)

jp_rail_ume-vi.jpg
 
Last edited:
Kansai Thru-Pass

Lần này Láo Toét chỉ ở Nhật có 4 ngày nên chỉ muốn ở xung quanh vùng Kansai. Mua JR Pass thì tốn tiền và Láo Toét vốn trùm sò nên cũng mất một khoảng thời gian để tìm kiếm thông tin vé pass thích hợp. Sau nhiều ngày tẩu hoả nhập nha vì đọc quá nhiều loại thông tin về các loại pass, Láo Toét cuối cùng lựa cái Kansai Thru-Pass 3 ngày với giá Y5200. Nếu các bác chỉ đi xung quanh Kyoto/Osaka/Nara/Kobe thì cái pass này gần như chỉ hút máu các bác nhanh hơn muỗi U-Minh. Láo Toét mua cái pass này vì những lý do sau:

  1. Giao mùa đông-xuân ở Kyoto/Osaka, ông giời ưa "khóc nhè" mà mỗi lần như thế thì dài cả ngày nên cần cái pass gì đó có thể đi xa chút hy vọng các thành phố ấy không bị mưa.
  2. Láo Toét muốn đi Koyasan trong ngày mà vé khứ hồi đi chốn hành hương ấy thì cũng phải mất cở ~Y3000.
  3. Chạy đi chạy lại giữa Kyoto và Osaka cũng mất cở Y900 một lượt, đi 3 lượt cộng thêm Koyasan là Láo Toét huề vốn.
Cái Kansai Thru-Pass 3 ngày này nhìn thì có vẻ hời nhưng thực sự các bác phải có chuyến Koyasan thì mới có cơ hội thu lại vốn. Còn cái Kansai Thru-Pass 2 ngày thì ngoại trừ các bác tới KIX vào sáng ngày thứ nhất và rời KIX vào khuya ngày hôm sau thì hãy mua, Láo Toét chả thấy nó lợi ở chổ nào khác cả.

Ngày đầu thì Láo Toét mua một cái vé ICOCA - Hiraku để về Kyoto cùng với xe bus Y500. Cái Kansai Thru-Pass và vé bus Kyoto có thể mua ngay tại quầy Travel Agent bên tay trái của cửa ra ở KIX. Còn ICOCA thì phải lên văn phòng JR West mà đổi voucher Láo Toét đã đặt sẵn online trước đó 1 tuần.

IMG_0906_v1-vi.jpg

Nankai Railway Limited Express rapi:t: KIX-Namba, nếu không phải đi về Kyoto thì Láo Toét phải thử cái xe lửa hầm hố này rồi
 
Last edited:
Koyasan - Chân Ngôn Tông

Sau khi được đối ẩm với Geisha, Láo Toét say men tình hôm sau mải đến 9AM mới thức giấc (ngẫm nghĩ lại, phần nhiều chắc Láo Toét bị sốc đột quỵ vì sau khi được bay hạng C mà phải ngủ ở bunk bed trong cái hostel Khaosan Kyoto nên mới thức trể vậy). Quẳng xiêm y và cố nhét mấy thứ "cầm nhầm" trên máy bay vào vali, Láo Toét vội vàng bắt chuyến xe lửa từ Kawaramachi đi Osaka. Ông giời hôm ấy buồn khóc rả rích, Láo Toét còn rầu hơn cả ông, đi chơi đã ít ngày mà ông còn chơi khăm. Lên mạng tìm dự báo thời tiết cho tất cả các thành phố cái Kansai Thru-Pass có thể đi tới được thì ôi thôi, chổ nào ông giời cũng không bỏ qua. Sau đắn đo chút ít, Láo Toét nghĩ là điểm chính ở Koyasan là... nghĩa địa Okunoin, mà nghĩa địa thì trên núi, trời thì mưa thế nào cũng có sương mù sẽ khá là thú vị, thế là Láo Toét ra Namba bắt tàu đi Koyasan. Đúng như Láo Toét "tiên tri" đoạn đường bắt đầu leo lên núi tiến tới Koyasan bắt đầu thấy sương phủ mây trôi lờ lững. Các bác đi Nhật mình khuyên là các bác phải trải qua một lần đi các chuyến tàu băng qua các vùng núi của Nhật, vô cùng đẹp và yên bình các bác ạ.

Các bác mạn phét cho Láo Toét dùng Google Translate để tỏ vẻ hiểu biết uyên thâm của mình ạ: Núi Koya (Kōyasan) là trung tâm của giáo phái Phật giáo Shingon (Chân Ngôn Tông), được đưa vào Nhật Bản vào năm 805 bởi Kobo Daishi (còn có tên là Kukai), một trong những nhân vật tôn giáo quan trọng nhất của Nhật Bản. Năm 816, Nhật Hoàng Saga trích luôn núi Koya cho Kobo Daishi. Dưới sự phù trợ của các đại gia tộc Fujiwara, Taira, Toyotomi, Tokugawa và Hoàng Tộc, Koyasan trở thành một trong những trung tâm Phật Giáo Nhật Bản. Đã từng có đến hàng ngàn ngôi chùa được dựng lên ở Koyasan. Trong thời kỳ Meiji, chính phủ Nhật tập trung phục hưng đạo Shinto và rút lại hầu hết các đất được giao cho Shingon ở Koyasan. Mặc dù bị khó khăn trong thời gian ấy, Koyasan vẫn đứng vững trong lòng các tín đồ. Hiện nay, Koyasan còn lại 117 ngôi chùa, là điểm khởi hành và cũng là điểm cuối của con đường hành hương Shukoku qua 88 ngôi chùa trong bán kính 23.5 Km. Quan trọng nhất trong số đó là Kongobuji, ngồi chùa chính của Chân Ngôn Tông, và Okunoin, lăng của Kobo Daishi. Dọc con đường tới lăng của Kobo Daishi là những ngôi mộ của các thế gia, vọng tộc như Toyotomi, Tokugawa, Trong khu mộ mới gần bãi đậu xe có cả đài tưởng niệm của các công ty.

Sau gần 2 tiếng ngồi trên xe lửa, cuối cùng rồi Láo Toét cũng tới được trạm Gokurakubashi, trạm này có cái cầu là một trong những điểm bắt đầu của các con đường hành hương lên Koyasan. Từ trạm, Láo Toét được lấy chiếc cable car đi thêm 5 phút để lên tới gần đỉnh. Từ trạm cable car, Láo Toét lại phải bắt xe bus để vào trong trung tâm Koyasan cách đó 7 phút. Tất cả các chuyến tàu lửa, cable car và xe bus đều được miễn phí bởi Kansai Thru-Pass. Vì tới Koyasan quá trể nên Láo Toét đi thẳng tới Okunoin, ông giời vẫn không buông tha cho Láo Toét mà lại còn khóc ồ ồ thêm, chán ông.

Tới cỗng Okunoin, Láo Toét thấy có cái chòi bên hông có người túc trực nên tiến thẳng vào để mua vé, cô tiếp tân chẳng hiểu Láo Toét muốn gì, hồi sau cô ấy mới vở lẽ ra và mắng Láo Toét "Chùa mà bán vé cái gì". Láo Toét bẽn lẽn chui ra, vái bốn phương, đổ vạ vì quen với vụ Công Ty Cổ Phần Chùa Bái Đính rồi nên mới vô phép như thế, xin ông bà đừng vật con.

Láo Toét đi sâu vào trong Okunoin, hai bên đầy những ngôi mộ xen kẽ giữa các cây thông vài trăm năm tuổi. Trời thì gần 0 độ, mưa thì nặng hạt, độ ẩm hơn Sapa thêm vào sương phủ cứ mờ mờ, Láo Toét đi hoài sao chẳng thấy ai, đâm ra hơi nhớ... mẹ. Trong lúc quẫn, con người hay nhớ tới thần thánh, thế là Láo Toét luôn miệng "Nam Mô A Di Đà Phật, Om Mani Padme Hum , Lạy Chúa Amen..." , thấy chưa đủ Láo Toét lôi luôn mấy lá bùa Lổ Ban dán đầy mình như Salonpas. Tới lăng Kobo Daishi, Láo Toét lột giầy ra, vừa bước lên cái thảm ở ngoài cửa thì ôi thôi, cái thảm ấy không khô như Láo Toét nghĩ, thế là từ chân lạnh qua tình trạng chân tím. Cái này chắc các vị thần thánh phạt cái tội đến nước cùng mới để tâm đến các vị, thôi thì hình phạt nhẹ thế thì Láo Toét cũng xin nhận. Trên đường ra Láo Toét chạy như bay, ra tới ngoài thì hết mưa nhưng có cho tiền thì Láo Toét cũng chẳng dám vào lại sau khi mặt trời lặn đâu.

Đáng nhẽ Láo Toét tính ở lại qua đêm trên Koyasan trong một ngôi chùa nào đấy cho tròn chương trình. Nhưng Láo Toét thấy là các vị thần không ưa Láo Toét lắm. Giá cả ở lại chùa cũng khá là đắt đỏ (cở Y10000/người, đến cả ở chung với thần thánh mà Láo Toét còn tính toán thế, ở lại không chừng các vị phét cho một cái chết tươi thì khổ) thế là Láo Toét quay đầu hạ sơn.


IMG_9631_v1-vi.jpg

Cây cầu khởi điểm của đường hành hương từ Gokurakubashi

IMG_9634_v1-vi.jpg

Koyasan Cable Car trong sương

IMG_9649_v1-vi.jpg

Các tượng mùa đông được đội mũ, mặc áo, đeo yếm...

IMG_9728_v1-vi.jpg

Đường vào Okunoin

IMG_9682_v1-vi.jpg

Phải tìm những tượng như thế này cho... đở sợ

IMG_9760_v1-vi.jpg


IMG_9717_v1-vi.jpg

Đi mãi mới thấy một người

IMG_9785_v1-vi.jpg

Đền nhỏ trong khuôn viên chùa Kondo

IMG_9761_v1-vi.jpg

Cầu bắc qua kênh chùa Kongobuji

IMG_9809_v1-vi.jpg

Một trong 117 ngôi chùa nhận khách tá túc qua đêm
 
Last edited:
Éc, sao lại không bỏ. . .không hiểu luôn :(

Vé của Láo Toét là dùng điểm khách hàng thân thiết tích cóp bao nhiêu năm nay để đổi lấy. Chứ Láo Toét làm gì có tiền mà bỏ ra mua vé hạng C. Tuy là vé chùa những vẫn phải đóng một số phí như phí sân bay và cái trò dơ bẩn mới nhất của các hãng máy bay: phụ thu phí nhiên liệu.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top