What's new

[Chia sẻ] CÓ HẸN VỚI AUSTRALIA (P1 – SYDNEY AIRPORT)

Cuối cùng thì tôi cũng có Visa tới Úc.

Mặc dù đã mua vé máy bay 7 tháng trước chuyến đi nhưng thực sự tôi cũng không biết bản thân có thể có được visa hay không cho chuyến hành trình này. Tôi đã đi qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng có lẽ đợi chờ visa vẫn là một điều gì đó thật hồi hộp. Ngày nhận được visa, tôi nín thở mở bức email thông báo, đọc từng chữ trong file đính kèm, chỉ sợ đọc nhầm một câu phủ định thành khẳng định hoặc hiểu sai ý của bức thư này. Tôi mừng rỡ quay sang cậu em cùng công ty, hai tay giơ lên đầy hưng phấn: “Cuối cùng chị cũng có visa đi Úc!”, “Hahaha, chúc mừng chị”, cậu nhóc quay sang cười có chút phản ứng không kịp, chắc trong suy nghĩ vẫn còn mất vài giây để hỏi chị ấy đang nói gì?

Trước khi apply visa trên mạng, tôi có tham khảo nhiều bài viết, đại đa số các bạn đều khuyên cứ apply đi, rồi người ta sẽ cấp cho bạn visa 1 năm, nhập cảnh nhiều lần thôi. Nhưng có lẽ với tôi thì khác, đó là visa 3 tháng nhập cảnh 1 lần, nhưng điều đó cũng đã là quá đủ với tôi để có một chuyến đi mà tôi đã tự đặt tên “Có hẹn với Australia”.

Tôi bay vào những ngày giáp tết, một mình kéo theo chiếc valy nặng trịch kèm theo 1 chiếc vali nhỏ đựng hành lý xách tay ra sân bay, tôi tự diện cho mình một bộ cánh mang đầy không khí tết: váy đỏ, vali đỏ, túi xách đỏ, bao da điện thoại đỏ và cả đồng hồ màu đỏ. Có lẽ cuộc sống một mình và những tháng ngày trong công việc đã tập cho tôi một thói quen luôn tự tạo niềm vui cho chính mình.

Chuyến bay kéo dài 9 tiếng rưỡi, tôi bay máy bay Vietnam Airlines, vì đơn giản tôi có thể được hoàn tiền trong trường hợp nếu không xin được visa. Không biết do chuyến bay đó thời tiết xấu, máy bay rung lắc nhiều hay vì tôi đã quá quen với những chuyến bay ngắn liên tục chỉ kéo dài tầm 4 tiếng nên dù chỗ ngồi khá thoải mái tôi cũng không thể nào ngủ được chút ít trên máy bay.

Nước Úc đón chào tôi thân thiện như chính người dân ở đây, mặc dù được cảnh báo mùa hè ở Úc nhiệt độ rất cao nhưng ngày tôi đến Sydney chỉ 28°C. Sân bay Sydney mang cho tôi cảm giác gần gũi và rất dễ tìm đường. Ngay ở cửa ra rẽ trái bạn có thể tới Sydney International Airport Meeting Point nơi bạn có thể hẹn gặp bạn bè, người thân mà không cần phải mô tả rõ bạn đang đứng ở đâu, cột số mấy, hàng nào trong sân bay.

Ngoài ra, những cuốn Sydney Guide in bằng đủ ngôn ngữ quốc tế cũng được bày ở những cột thông tin, nơi bạn có thể dễ dàng nhìn thấy, tôi cũng tranh thủ cầm lấy 1 cuốn với hy vọng biết đâu mình sẽ tìm thấy điều gì đó bất ngờ ở đây.

Không biết có phải do ở Úc mọi người đều sẽ tự lái xe từ sân bay đi về không hay do tôi ra khỏi sân bay quá trễ mà khi ra tới khu đợi taxi tôi không hề thấy bóng dáng 1 chiếc taxi nào, khu vực xếp hàng đợi taxi quanh co nhiều vòng để lượng khách đứng đợi có thể nhiều hơn cũng tuyệt nhiên không có 1 ai. Tôi nhìn quanh cũng ko có nhân viên hay vị khách nào đi qua để hỏi, đành đi lên phía trên đứng đợi taxi, trong lòng nghĩ nếu đợi hoài không thấy thì đành quay lại trong sân bay hỏi chứ biết làm sao.

Tôi đứng đợi tầm 2 phút thì có 1 chiếc xe taxi chạy tới, tôi vui vẻ tự xách chiếc valy nặng trịch để vào cốp xe, đơn giản vì tôi không muốn kéo ngược chúng vào trong sân bay để hỏi đường một lần nữa. Tôi đưa địa chỉ cho người tài xế già, ông nhìn địa chỉ trên tờ booking được tôi in ra lẩm nhẩm tên phố rồi bắt đầu đi. Tôi nhìn thành phố qua cửa sổ taxi, cây, rất nhiều cây, nắng, tươi rói nhưng không gắt gỏng, quang cảnh, hiện đại, và có lẽ đã được xây từ khá nhiều năm. Tôi mở điện thoại search trên Google Map đường đi tới nơi tôi ở, đó là một ngôi nhà có view nhìn ra vịnh, với những cánh buồm trắng muốt …

https://nhavantravel.com/2021/04/05/co-hen-voi-australia-p1-sydney-airport/
 

Attachments

  • 20190202_IMG_2137.JPG
    20190202_IMG_2137.JPG
    614.9 KB · Views: 1,373
  • 20190202_IMG_2139.JPG
    20190202_IMG_2139.JPG
    350.4 KB · Views: 141

CÓ HẸN VỚI AUSTRALIA (P2 – THE DARLING POINT HARBOUR VIEW HOUSE)​



(Tên của các nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ sự riêng tư cá nhân)

Khi tôi vừa bước xuống khỏi taxi thì Albert đã đợi tôi ở bậc tam cấp. Albert là một người đàn ông da trắng trung niên với mái tóc màu sáng, đôi mắt xanh da trời, khá điển trai và hiền hậu. Ngôi nhà này là của Albert và Cristina vợ ông cùng điều hành và cho thuê. Họ có một ngôi nhà khác gần đây, nên những lúc nhàn rỗi căn nhà tôi tới ở sẽ được cho thuê, họ chỉ sử dụng căn nhà đó khi có họ hàng từ nơi khác tới chơi muốn ở lại.

Albert giúp tôi xách vali lên cầu thang, chúng tôi gặp vài người hàng xóm của Albert, họ chào hỏi tôi rất vui vẻ như thể việc có khách tới ở nhà Albert là một việc khá thường xuyên. Albert cũng giải thích thêm ông đã nói chuyện với những người hàng xóm rằng tôi sẽ tới ở trong những ngày này và sẽ không có vấn đề gì về sự có mặt của tôi.

Căn nhà của 2 vợ chồng Albert rất đẹp, gồm 2 phòng ngủ và 1 phòng khách có view nhìn ra vịnh ở Darling Point. Khi tôi quyết định liên hệ với vợ chồng Albert để đề nghị được ở nhà ông bà trong những ngày ở Sydney, tôi đã thực sự bị hút hồn bởi phong cảnh trước ngôi nhà. Có lẽ phong cảnh ấy trước giờ chỉ bước ra với tôi từ những bức tranh hay bức ảnh được chụp nghệ thuật mà thôi.

20190202_IMG_2152-scaled-1024x768.jpg


(Ảnh: View nhìn ra vịnh từ phòng ngủ của căn nhà)

Albert giới thiệu cho tôi căn nhà, chỗ để những đồ cần thiết, bếp, chỗ giặt đồ và đặc biệt hơn nữa ông bà đã chuẩn bị cho tôi một tủ lạnh đầy ắp bánh mì, đồ ăn, trái cây và yogurt. Gian bếp của ông bà tôi đoán đã có khách từ rất nhiều các quốc gia tới đây, các gia vị để nấu ăn từ đồ tây, mỳ Ý, tương ớt Hàn Quốc, wasabi của Nhật Bản tới mỳ sợi Trung Quốc đều đủ cả. Vợ chồng Albert thật sự là những người hào phóng, khi tôi liên hệ để ở nhà ông bà với lí do và một lịch trình tham quan Sydney cụ thể, ông bà đã giảm giá cho tôi trong phần special offer khiến tôi cảm kích vô cùng. Sau khi đã chỉ cho tôi trạm xe bus và siêu thị gần nhất, Albert để lại chìa khóa, số điện thoại liên hệ khi cần thiết và chúc tôi một chuyến đi vui vẻ.

20190202_IMG_2150-scaled.jpg


(Ảnh: Căn bếp xinh xắn dễ thương của vợ chồng Albert – Cristina)

Albert vừa rời đi, việc đầu tiên tôi làm là chạy ngay ra ngoài ban công, “Wow” lên một tiếng thật to, hít sâu lồng ngực thứ gió biển mát lạnh từ vịnh thổi vào, phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn những cánh buồm trắng muốt.

Trước khi tới đây tôi hoàn toàn không có thông tin gì về nơi mình sẽ ở, nhưng nhìn vào những ngôi nhà quanh đây, những ngôi biệt thự sang trọng với hồ bơi, bàn nướng BBQ lộ thiên ở tầng 2, với phong cảnh trước mặt tôi và cả phong thái của những con người đang chạy bộ bên bờ vịnh, tôi chỉ có thể nhận định, đây là khu ở của những người giàu hoặc thu nhập cũng rất cao ở xứ sở chuột túi này.

20190202_IMG_2149-scaled.jpg


(Ảnh: Đi dạo bên bờ vịnh ở Darling Point)

Buổi chiều ở Darling Point rất đẹp và bình yên thích hợp cho những chuyến đi dạo dọc theo bờ vịnh. Theo chỉ đường của Albert, tôi tìm thấy siêu thị Coles là siêu thị gần nơi tôi ở nhất. Mặc dù Albert và Cristina đã chuẩn bị cho tôi rất nhiều đồ ăn trong tủ lạnh nhưng tôi vẫn muốn tự đi mua những gì mình thích để nấu ăn. Vào siêu thị, khu đầu tiên tôi tới tìm là quầy thực phẩm, thịt bò Úc nổi tiếng ngon, tôi nhìn những miếng Tenderlion, Striploin, Rib Eye, Beef Chuck Roll, T- Bone mà tưởng tượng ra tên của chúng trong menu những nhà hàng Beefsteak sang trọng với thiết kế cầu kỳ mà tôi đã từng gặp qua. Ở quầy trái cây, những trái cherry căng bóng, dâu tây mọng nước, mâm xôi chín đỏ và việt quất tím lịm, tất cả như mời chào tôi những đồ ăn tươi ngon nhất mà trước kia tôi chỉ có thể tìm mua trong những quầy thực phẩm nhập khẩu mà thôi.

Chất xong đồ vào 2 chiếc túi nilon to bự vừa phải trả thêm tiền để mua ở siêu thị, tôi lững thững xách bộ về nhà. Ở đây nếu bạn không có túi tái sử dụng cầm theo, bạn sẽ bắt buộc phải trả tiền cho túi nilon sử dụng 1 lần ở siêu thị. Trời Sydney tối rất muộn, tôi ra khỏi siêu thị lúc 7h tối, trời vẫn còn rất sáng, cảm giác chỉ như 5h chiều, nhưng chỉ sau 1 khoảng thời gian rất ngắn, trời bắt đầu trở tối và tối rất nhanh, khi tôi về tới nhà cũng là lúc trời đã tối mịt.

20190202_IMG_2138-scaled.jpg
20190202_IMG_2155-scaled.jpg


(Ảnh: Đô la Úc và tiền xu được trả lại sau khi đi siêu thị)

Về đến nhà mệt rã rời sau một đêm không ngủ trên máy bay, di chuyển và đi bộ, dọn đồ ra bàn ăn, tôi có chút mừng thầm vì khi nãy đi siêu thị hãy còn tỉnh táo để mua 1 chú gà quay làm sẵn. Bánh mì, bơ, thịt và salad, vậy là đủ cho một bữa tối hoàn hảo của ngày đầu tiên ở Australia.

20190202_IMG_2167-scaled.jpg


(Ảnh: Bữa tối đầu tiên ở Australia)

https://nhavantravel.com/2021/04/07/co-hen-voi-australia-p2-the-darling-point-harbour-view-house/
 


CÓ HẸN VỚI AUSTRALIA (P3- SYDNEY OPERA HOUSE AND SYDNEY HARBOR BRIDGE)​

Buổi sáng ngày thứ 2 ở Sydney tôi thức dậy từ rất sớm, kéo rèm cửa sổ cho những tia sáng ban mai tràn vào phòng. Tôi khoan khoái vươn vai rồi mở toang cánh cửa để ngắm nhìn rõ hơn những cánh buồm màu trắng đậu xa xa cách tôi chỉ một con đường. Gió mát lạnh mơn man trên da tôi, mùi hương thoang thoảng của những khóm hồng ngoài ban công đánh thức khứu giác tôi, tiếng chim hót líu lo trong những tán cây cổ thụ như khúc nhạc du dương chào ngày mới. Tôi nhắm mắt lại, hít sâu không khí trong lành còn mang cả hơi sương rồi chìm đắm trong buổi bình minh thanh bình ấy.

Bữa sáng đã chuẩn bị xong, tôi ngồi nhâm nhi ly café trong phòng khách, ngắm nhìn mặt biển sóng sánh ánh bạc với những chiếc thuyền buồm chuẩn bị ra khơi. Vừa cắn lát bánh mì kẹp trứng ốp la với thịt nguội thơm lừng, tôi vừa nghĩ khung cảnh này chắc còn đẹp hơn nhiều khung cảnh của những nhà hàng bán breakfast trên phố, giá được ở đây một thời gian dài chắc tôi sẽ dành nguyên cả 1 buổi sáng chỉ để ngồi phơi nắng đọc sách ngoài ban công, ngắm nhìn những cánh buồm, những con sóng và cả hàng cây rợp bóng mát trước nhà.

Tôi ra khỏi nhà lúc 6:15, tài xế đến đón tôi là một anh chàng gốc Trung Quốc đại lục, tôi có thể nhận ra qua cách phiên âm tên của anh. Lúc anh tới đón tôi, tôi nhìn chiếc xe rồi tự nghĩ: “Oh, nước Úc đúng thật giàu có, ở đây người ta đều dùng Porsche để chạy Uber sao?” và nhất là sau khi nhìn những phụ kiện trong xe một lần nữa thì tôi chỉ có thể thốt lên: “Chắc anh ấy chạy Uber vì đam mê?!!” Anh tài xế nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nói, nếu không phải vì bộ quần áo tôi đang mặc trên người chắc anh sẽ nghĩ tôi là người Trung Quốc. Tôi cười sảng khoái trả lời nếu anh ấy biết nói “Xin chào” có thể tôi sẽ nghĩ anh là người Việt Nam. Chúng tôi cùng cười. Và tất nhiên ngày hôm ấy, anh không thể nào nhầm tôi là cô gái một quốc gia nào khác, vì hôm đó tôi mặc áo dài để đi ngắm Sydney.

20190203_IMG_2256-1.jpg
(Ảnh: Nhà hát Opera Sydney)

Tài xế thả tôi ở đài phun nước Allen C Lewis Fountain, nơi gần nhất để đi bộ tới Sydney Opera House – Nhà hát con Sò. Ngày tôi đến thăm Sydney Opera House là một ngày trong tuần nhưng du khách tới đây vẫn thực sự rất đông. Nhà hát Opera Sydney với những mái vòm cong khiến người ta liên tưởng tới những cánh buồm trắng muốt hay hình những con sò nổi lên trên cát, đã trở thành biểu tượng của thành phố này cũng như của cả nước Úc. Nhà hát là công trình trẻ tuổi nhất trong danh sách các di sản văn hóa thế giới và được xem là một trong những công trình có giá trị nổi bật trên thế giới, chiếm vị trí tương đương với các công trình nổi tiếng như Kim Tự Tháp ở Ai Cập, Taj Mahal ở Ấn Độ hay tháp Eiffel ở Pháp. Dường như tất cả những du khách tới đây đều phải ghé thăm nhà hát này ít nhất một lần.

Tôi đi bộ dọc theo quảng trường, ngắm nhìn công trình kiến trúc được đánh giá là một trong những thiết kế độc đáo nhất thế giới của thế kỉ 20. Nắng chiếu rọi trên những viên gạch màu kem lợp mái được sản xuất ở Thụy Điển với cơ chế tự làm sạch tự nhiên làm cho nhà hát mang một màu trắng tinh khôi, kiều diễm. Những vòm mái được thiết kế để gió biển có thể luồn vào bên trong càng làm nổi bật lên sự đặc biệt về vị trí của nhà hát bên bờ biển. Và bên trong nhà hát, nội thất hầu hết đều được làm từ đá granite hồng đắt đỏ khai thác ở Tarana, New South Wales. Tất cả những điều đó đã mang lại cho Sydney Opera House một vẻ đẹp sang trọng, quyến rũ và tinh tế.

Bên ngoài nhà hát, từ xa xa bên trung tâm mua sắm tới những bậc thang dẫn lên nhà hát, đâu đâu bạn cũng sẽ thấy những vị khách du lịch đang mải mê selfie, quay phim, chụp hình, và sẽ chẳng phải dễ dàng gì để bạn có thể tìm thấy một vị trí ưng ý chụp một tấm hình cho riêng bạn. Sau một hồi loay hoay để có một tấm hình đặc trưng của Sydney, đó là cách tôi gọi những bức hình được chụp với Sydney Opera House như một minh chứng mình đã tới nơi này, tôi tản bộ xuống cầu thang, đi dạo dọc theo bờ biển. Bờ biển ở đây được xây kiên cố, bên trên có gắn sẵn những miếng nệm cố định để du khách có thể ngồi lại nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Xung quanh là rất nhiều nhà hàng, quán bar với tiếng nhạc vui vẻ tạo nên một không khí sống động và trẻ trung. Trên bầu trời xanh ngắt, những chú hải âu đang bay lượn rồi đậu lên thành bờ biển, đậu trên cả lan can, khung cảnh ấy bỗng làm tôi bật cười khi liên tưởng đến cảnh những tên cướp biển trong cuốn “Đảo giấu vàng” đọc khi còn bé. Tất cả cảnh vật nơi này cho tôi một cảm giác vừa hiện đại vừa hoang sơ, vừa có nét đẹp của nhân tạo lại vẫn còn sự bảo tồn của tự nhiên.

IMG_2221-2-scaled-768x1024.jpg


(Ảnh: Nhà hát Opera Sydney)

Từ Syney Opera House phóng tầm mắt ra xa một chút bạn có thể nhìn thấy cầu cảng Sydney – Sydney Harbor Bridge. Cầu cảng Sydney là cây cầu thép lớn nhất thế giới, được bắc qua cảng Sydney, là công trình phục vụ xe lửa, xe cơ giới, xe đạp và khách bộ hành nối giữa khu thương mại trung tâm Sydney (Sydney CBD) và vùng North Shore. Cầu cảng Sydney cùng với nhà hát Opera Sydney là biểu tượng của Sydney và toàn nước Úc. Đây là nơi diễn ra chương trình bắn pháo hoa hằng năm đêm giao thừa, và cũng chính nhờ sự kiện đó đã giúp cây cầu trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của bất kì khách du lịch nào khi đến Sydney. Ngoài ra cầu cảng còn được biết đến như một không gian lãng mạn bậc nhất nước Úc. Kể từ khi khánh thành đến nay, cây cầu đã là địa điểm của hơn 5000 lời cầu hôn và hơn 25 cặp đôi đã tổ chức đám cưới ở đây. Cũng chính vì vậy, ban quản lý cầu đã cho ra đời tiện ích ERD – Engagement Ring Device hay thiết bị nhẫn cầu hôn, để giúp cho các cặp đôi tránh trường hợp đánh rơi nhẫn xuống cầu.

IMG_6245-1-scaled.jpg


(Ảnh: Cầu cảng Sydney)

Tôi lưu lại bên bờ biển khá lâu, khách du lịch tới thăm Sydney Opera House và ngắm nhìn cầu cảng Sydney mỗi lúc một đông. Dưới biển những chiếc thuyền, chiếc phà hay ca nô vẫn tấp nập rẽ sóng đi qua vịnh. Bất chợt tôi cảm thấy sự vận động không ngừng nghỉ của thành phố nơi này. Có những khách lãng du như tôi, tới đây để tìm một phút giây bình lặng, một kỳ nghỉ ngắn ngày. Nhưng ở nơi đây, những con người đó, những dịch vụ đó vẫn đang làm việc và phục vụ liên tục mỗi ngày, chỉ để cho những du khách tới đây vì bất cứ lí do gì đi nữa, đều có thể có được những khoảng dừng ngắn ngủi trong cuộc sống vội vã này.

https://nhavantravel.com/2021/04/11/co-hen-voi-australia-p3-sydney-opera-house-and-sydney-harbor-bridge/
 
CÓ HẸN VỚI AUSTRALIA (P4 - MANLY BEACH VÀ CHUYẾN ĐI HỤT)

Thật ra tôi vẫn luôn nghĩ mình từng tới Manly Beach cho tới khi viết những dòng này. Hóa ra việc viết lách về những chuyến đi cũng mang lại những bất ngờ mà ta không ngờ tới.

Trước khi chào tạm biệt và để lại chìa khóa cho tôi vào ngày đầu tiên gặp mặt, Albert hỏi tôi có ý định đi qua vịnh không, tôi trả lời ông tất nhiên rồi, đó là một trong những điều tôi chắc chắn sẽ làm khi tới Sydney. Ông mỉm cười hiền hậu rồi nói với tôi, vậy đừng đi du thuyền, giá một tấm vé lên du thuyền rất đắt đỏ, hãy đi như một người dân địa phương thực thụ, hãy đi phà qua vịnh ở Sydney. Rồi ông từ tốn lấy một tấm bản đồ nhỏ để sẵn trên mặt bàn đưa cho tôi và chỉ, hãy mua vé lên phà ở đây rồi đi qua Manly Beach, vậy là vừa có thể nhìn ngắm vịnh, vừa có thể dạo chơi ở 1 trong những bãi biển đẹp nhất Sydney rồi. Wowww, có lẽ bởi đây là lần đầu tiên tôi thuê nhà của người dân địa phương khi đi du lịch, vậy nên sự tư vấn đầy ý tốt của Albert khiến tôi cảm thấy khá bất ngờ. Tôi cảm ơn Albert, tạm biệt ông rồi chăm chú nhìn vào tờ bản đồ nhiều nếp gấp trên tay, có lẽ đã có nhiều cô gái, chàng trai và cả những gia đình du khách ở đây cũng đã nhìn nó như tôi, cũng đã cảm ơn Albert và cũng đã cảm thấy thật vui khi nhận được sự giúp đỡ ở một nơi mình lần đầu tiên đặt chân tới trong đời.
20190203_IMG_2261-scaled.jpg


(Ảnh: Poster quảng cáo combo trọn gói từ Circular Quay tới Taronga Zoo)

Đứng loay hoay ở bến cảng Circular Quay, đập vào mắt tôi là vô số poster quảng cáo về các tuyến đi, các combo tới những địa điểm du lịch nổi tiếng của Sydney. Các gói đi phà trọn gói với Taronga Zoo, biển Manly, chụp hình với gấu túi Koalas ở vườn thú Wild Life Sydney và cả tour ngắm cá voi lưng gù khởi hành hằng ngày kéo dài 3 tiếng rưỡi. Có lẽ trong những tour du lịch ấy, cá voi lưng gù là hấp dẫn tôi hơn cả, vì nó cho tôi cảm giác được bước vào những thước phim của Discovery một cách chân thực nhất, sống trong những thước phim ấy và được chứng kiến tận mắt loài động vật to lớn nhất hành tinh. Đắn đo một hồi, tôi vào quầy vé hỏi vé cho tour đi ngắm cá voi của ngày hôm đó, anh chàng bán vé chỉ nhìn tôi cười rồi nói: "Hôm nay không có tour." "Vậy ngày mai có không? Tôi sẽ quay lại." Anh bán vé cảm thấy tôi hình như chưa hiểu ý anh ta, cười rồi giải thích lại cho tôi: "Tour cuối cùng đã kết thúc vào tháng 11 rồi." "Vậy bao giờ sẽ có tour trở lại?" "Tháng 5." Oh, ra là vậy, hàng năm từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 11, cá voi lưng gù sẽ di chuyển hàng nghìn km dọc theo bờ biển phía đông Australia giữa khu vực kiếm ăn vào mùa hè của chúng ở vùng biển Nam Cực đến nơi sinh sản trong mùa đông ở phía bắc, mỗi chuyến đi khứ hồi như vậy sẽ dài khoảng 10.000km. Trong suốt hành trình này, những con đực sẽ thường xuyên có những màn biểu diễn trên mặt biển thể hiện sự thống trị và gây ấn tượng với con cái để tìm bạn đời, vậy nên đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất để ngắm cá voi ở khu vực New South Wales. Cảm thấy đôi chút tiếc nuối vì tới Sydney không đúng dịp để đi ngắm cá voi, tôi quyết định mua vé đi phà qua biển Manly.
20190203_IMG_2236-scaled.jpg


(Ảnh: Đường dọc bờ biển Circular Quay và phà đi Manly)

Phà ở Sydney rất sạch và đẹp, gồm có 2 tầng, mỗi tầng đều có khu vực trong phòng và ngoài trời cho hành khách lựa chọn theo sở thích, do nhiệt độ ngày hè khá nóng nên tôi chọn ngồi ở khu vực trong phòng. Phà đi nhanh, từ trên phà có thể ngắm nhìn nhà hát Sydney Opera House từ nhiều góc độ khác nhau. Hôm đó là một ngày rực rỡ, bầu trời trong vắt, nắng chiếu lấp lánh trên mái vòm nhà hát, phản chiếu xuống mặt biển xanh ngắt, xa xa là những chiếc thuyền buồm lướt sóng thong dong trên mặt biển, tất cả là một bức tranh tráng lệ về sự hiện đại và giàu có của Sydney.
20190203_IMG_2260-scaled.jpg


(Ảnh: Thuyền buồm lướt sóng trên vịnh ở Sydney)

Vừa xuống bến cảng ở Manly, tôi đã nghe thấy tiếng nhạc vui tươi ở các quầy bar bên bờ biển. Những bộ bàn ghế sơn trắng che dưới những cây dù cùng màu trắng muốt, được kê trên sàn gỗ đóng nổi trên mặt biển, tạo ra một vị trí tuyệt đẹp có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh trong xanh trước mắt. Hôm đó là ngày cuối tuần, các quầy bar đều kín khách, những nụ cười, những âm thanh của tiếng nói chuyện, tiếng cụng bia, tiếng rót rượu vang tạo nên một không khí vui tươi, sôi nổi cho ngày hè náo nhiệt.

Ra khỏi khu vực quầy bar, ngay bên phải cảng là một bãi biển với bờ cát trắng trải dài, nước xanh trong vắt. Bãi biển rất nhộn nhịp, đa số là các bạn teenage, body rất đẹp đang tụ tập thành từng nhóm, bơi, chèo thuyền kayak hoặc tập lướt sóng. Có vẻ như đã đến được đúng nơi cần đến, tôi cũng đi thay đồ rồi đắm mình trong làn nước trong xanh. Nhà thay đồ ở trong khu vực shophouse gần đó, rất sạch và lịch sự, cách bãi biển chưa đầy 5 phút đi bộ. Tôi đầy phấn khích chạy xuống biển, chỉ mong nước biển mát lạnh có thể làm nguội bớt cái nóng rát của mùa hè, nhưng vừa xuống nước, tôi bỗng rụt ngay chân, nhảy lùi lại một bước. Chu choa, nước lạnh dễ sợ, có lẽ nhiệt độ dưới nước phải thấp hơn nhiệt độ trên bờ tới 10°C. Có thể do không có thời gian tìm hiểu kỹ về biển Australia trước khi tới đây và cũng không thấy bài viết nào trên mạng đề cập tới vấn đề này, tôi không biết rằng nước biển ở đây khá lạnh, nguyên nhân do những dòng hải lưu lạnh được gió thổi vào. Ngoài ra sau này sau khi tìm hiểu, tôi còn được biết đó còn do hiệu ứng "Ekman transport", là khi nước trên bề mặt bị đẩy ra biển theo một số hướng gió nhất định, nước lạnh hơn từ sâu đại dương sẽ được hút lên, dẫn đến giảm nhiệt độ của nước trên bề mặt. Ở dưới biển một lúc, thân nhiệt cũng dần quen với nhiệt độ nước biển, tôi đã có thể bơi nhưng cũng không thể ngâm mình trong nước quá lâu như ở các bờ biển khác.
IMG_6349-1.jpg


(Ảnh: Biển cạnh bến cảng Manly)

Tạm biệt bãi biển ở Manly, tôi quay trở lại trung tâm thành phố, để tới thăm One Central Park, một địa điểm mà tôi tìm thấy trong cuốn Sydney Guide lấy từ sân bay. One Central Park gây ấn tượng cho tôi bởi bức ảnh về một tòa nhà rất đặc biệt, phủ đầy cây xanh xen kẽ với những ô cửa kính tạo nên sự hiện đại nhưng vẫn rất gần gũi với thiên nhiên.
IMG_6461-1-scaled.jpg


(Ảnh: Khu phức hợp One Central Park)

One Central Park là một khu phức hợp bao gồm trung tâm mua sắm với tầng trệt là shophouse và các quán cafe có không gian vô cùng đẹp, cùng 2 tháp dân cư. Vật liệu hoàn thiện ngoại thất của toàn bộ công trình chủ yếu là kính cùng với cây xanh, các tấm vật liệu “xanh” được tạo thành từ hơn 350 loài thực vật khác nhau. Trên các tầng cao nhất của công trình là một dầm console lơ lửng, được tạo thành từ mặt gương phản xạ, giúp thu giữ ánh sáng mặt trời và phản chiếu vào khu vườn của Công viên Trung tâm. Công nghệ thủy canh và kính định nhật – thực vật đã giúp ánh sáng được kiểm soát dễ dàng hơn, mở rộng đến những nơi trước đây không thể tiếp cận được. Đây là một công trình đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín về kiến trúc cũng như phát triển bền vững của Australia và thế giới.
20190203_IMG_2265-scaled.jpg


(Ảnh: Chơi cờ ở công viên, bên ngoài một nhà hàng ở One Central Park)

Sau khi dạo chơi ở One Central Park, tôi bắt xe đi về nhà. Và có lẽ, sẽ không còn gì hấp dẫn hơn sau một ngày tắm biển, vòng quanh thành phố, là một bữa tối với beefsteak bò Úc, salad, măng tây, blueberry, cherry và vang đỏ. Vậy là tôi đã có thêm một ngày thật đẹp ở Sydney.
20190203_IMG_2267-scaled.jpg


(Ảnh: bữa tối thứ hai ở Sydney)

(P/S: Khi viết lại quãng thời gian ở Sydney này tôi mới phát hiện ra bãi biển tôi tới hoàn toàn không phải là bãi biển Manly Beach mà chỉ là bãi biển cạnh cảng Manly, muốn tới biển Manly phải đi bộ qua vài dãy phố nữa, nhưng thực sự bãi biển bên cảng đó đã để lại cho tôi những kỷ niệm tuyệt đẹp về Sydney, hẹn Manly Beach vào một another happy day!!!)​
 
Đúng là bãi biển Manly phải đi thêm một đoạn sau khi ra khỏi bến phà!

Ra khỏi phà, đi qua khỏi những quầy bán thức uống và một siêu thị Aldi nhìn rất đẹp, băng qua con đường (cô bạn chắc là đã quẹo trái hoặc phải gì đó!) rồi đi thẳng về phía trước sẽ thấy biển chặn cuối đường! Đoạn đường dẫn xuống biển Manly cũng rất đẹp và không dài lắm!

Năm 2016 tôi có viết 1 bài rất ngắn về Manly nhân dịp dẫn cháu tôi đi chơi ở đó dịp nghỉ hè và ngay sau Christmas. Đã định sẽ xin phép cô bạn trẻ để chèn bài viết và hình ảnh rõ ràng hơn về Manly để các bạn đi sau không bị nhầm nữa, nhưng nghĩ văn phong của cô bạn trẻ có nét đặc biệt riêng, không nên phá hỏng bài viết nên tôi sẽ post riêng 1 thread, dù rằng rất ngắn mục đích chỉ để bổ túc cho bài viết về Manly của bạn nhavan!
 
Đúng là bãi biển Manly phải đi thêm một đoạn sau khi ra khỏi bến phà!

Ra khỏi phà, đi qua khỏi những quầy bán thức uống và một siêu thị Aldi nhìn rất đẹp, băng qua con đường (cô bạn chắc là đã quẹo trái hoặc phải gì đó!) rồi đi thẳng về phía trước sẽ thấy biển chặn cuối đường! Đoạn đường dẫn xuống biển Manly cũng rất đẹp và không dài lắm!

Năm 2016 tôi có viết 1 bài rất ngắn về Manly nhân dịp dẫn cháu tôi đi chơi ở đó dịp nghỉ hè và ngay sau Christmas. Đã định sẽ xin phép cô bạn trẻ để chèn bài viết và hình ảnh rõ ràng hơn về Manly để các bạn đi sau không bị nhầm nữa, nhưng nghĩ văn phong của cô bạn trẻ có nét đặc biệt riêng, không nên phá hỏng bài viết nên tôi sẽ post riêng 1 thread, dù rằng rất ngắn mục đích chỉ để bổ túc cho bài viết về Manly của bạn nhavan!
Cảm ơn bác nhiều ạ, do lần đầu tới Úc và tự mò mẫm đường đi nên con có đôi chút nhầm lẫn, mong những góp ý của bác để các bạn đi sau sẽ có những chuyến đi hoàn thiện hơn ạ.
 
Các bạn trẻ như thế là rất tuyệt vời, hơn hẳn bọn có tuổi chúng tôi đấy! Cám ơn cô bạn đã chia sẻ về chuyến đi Sydney của bạn, phần nào giúp chúng tôi cảm thấy đời vẫn còn vui, còn nhiều hứng thú mặc dù đang trong thời gian dịch bệnh, đang chịu lockdown và bên nhà cũng đang chống chọi với dòng virus quái ác này!

Khi tình hình thong thả hơn, có lẽ phải tìm đến xem khu One Central Park! Ở ngoại ô Sydney đã 40 năm rồi mà không biết đến nơi này, như người chỉ nhìn ra bên ngoài chứ không thể nhìn thấy chính đôi mày của mình!!!Cám ơn Nhavan!

Chúc cô bạn luôn nhiều sức khoẻ, bình an trong lúc này!
 
Các bạn trẻ như thế là rất tuyệt vời, hơn hẳn bọn có tuổi chúng tôi đấy! Cám ơn cô bạn đã chia sẻ về chuyến đi Sydney của bạn, phần nào giúp chúng tôi cảm thấy đời vẫn còn vui, còn nhiều hứng thú mặc dù đang trong thời gian dịch bệnh, đang chịu lockdown và bên nhà cũng đang chống chọi với dòng virus quái ác này!

Khi tình hình thong thả hơn, có lẽ phải tìm đến xem khu One Central Park! Ở ngoại ô Sydney đã 40 năm rồi mà không biết đến nơi này, như người chỉ nhìn ra bên ngoài chứ không thể nhìn thấy chính đôi mày của mình!!!Cám ơn Nhavan!

Chúc cô bạn luôn nhiều sức khoẻ, bình an trong lúc này!
Dạ con cảm ơn bác, do những ngày này tình hình dịch ở Sài Gòn cũng đang phức tạp, nên con cũng muốn viết bài để mọi người giải tỏa căng thẳng phần nào. Chúc bác và cả gia đình luôn mạnh khỏe và bình an. Mong bác đi nhiều nơi hơn nữa để viết bài cho tụi con cùng coi với ạ (^_^)
 

CÓ HẸN VỚI AUSTRALIA (P5 – ST. ANDREW’S CATHEDRAL)​

“Sáng hôm nay là mồng 1 tết” – Đó là điều đầu tiên tôi nghĩ tới khi mở mắt tỉnh dậy, phóng tầm mắt ra ô cửa sổ hướng biển, ngắm nhìn bầu trời hè Sydney trong vắt không một gợn mây. Vậy là tôi vẫn còn nhớ màn pháo hoa bắn trên vịnh tối qua, màn pháo hoa mà tôi chỉ có thể thưởng thức từ xa phía bên này bờ vịnh Darling Point ngay trước cửa nhà. Dù biết rằng Australia nổi tiếng với màn biểu diễn pháo hoa chào mừng năm mới hàng năm tại cầu cảng Sydney, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng sẽ có một màn pháo hoa đặc biệt khác dành riêng cho ngày tết Á Đông ở nơi đây. Dù cho sự hoành tráng của buổi biểu diễn ấy không thể nào so sánh được với đêm giao thừa nhưng có lẽ những bông pháo hoa đầy màu sắc đã mang lại cho tôi một niềm vui thật bất ngờ, một cảm giác được chúc mừng năm mới ngay trên đất nước xa xôi này.

Sáng mồng 1 ăn gì cho có không khí tết bây giờ? Kể ra nếu đi du lịch ở quốc gia khác chắc tôi cũng đã cầm theo ít đồ ăn Việt Nam cho có không khí tết ở nhà, nhưng sau khi được biết hải quan Australia cấm cầm theo rất nhiều loại thực phẩm, để không mất thời gian bị giữ lại ở sân bay, tôi quyết định không cầm theo bất cứ một loại đồ ăn nào từ Việt Nam. Loay hoay trong gian bếp của Albert, thứ duy nhất mang phong vị tết âm lịch mà tôi tìm thấy có lẽ là gói mì trường thọ của người Hoa. Với người Hoa, mì trường thọ là tượng trưng cho sức khỏe và tuổi thọ, sợi mì kéo càng dài tức là sự mạnh khoẻ, tuổi thọ sẽ càng cao. Vậy nên vào mỗi dịp sinh nhật, hay đầu năm mới, người Hoa sẽ ăn một tô mì trường thọ ngụ ý cho sự khỏe mạnh, may mắn và sống lâu trăm tuổi. Chính bởi vì ý nghĩa đặc biệt này, người chế biến sẽ không cắt sợi mì và người ăn cũng sẽ ăn một hơi hết cả sợi mì chứ không cắn đứt. Ngoài ra, trứng gà cũng sẽ được thêm vào tô mì trường thọ, tượng trưng cho sự viên mãn, vẹn tròn.

20190205_IMG_2370-scaled.jpg


(Ảnh: Mì trường thọ của người Hoa)

Ăn sáng xong tôi ngồi nghĩ :”Mồng 1 tết làm gì cho ngầu bây giờ?” Có lẽ điều ngầu nhất sẽ là điều mà bạn luôn muốn làm nhất. Khoác lên mình một chiếc váy thật dài, quét thêm lên môi lớp son đỏ choét, tôi tự cười thích thú. Chắc cũng không ai dạo phố giống như tôi dưới bộ dạng thế này, nhưng cũng chẳng sao, tôi đang ở một đất nước mà tôi không biết ai và cũng chẳng ai biết tôi, tôi có thể quên đi những ràng buộc khắt khe hay ánh mắt hiếu kì của người qua đường nhìn tôi khi chụp ảnh. Và hôm nay là mồng 1 tết, hãy tự cho mình một ngày ngoại lệ, hãy làm gì đó mà bản thân cảm thấy thật vui. Và niềm vui của tôi có lẽ là khi tôi được khám phá điều luôn làm tôi thích thú nhất trong mỗi chuyến đi…

Khi đến thăm một vùng đất mới, điều làm tôi hứng thú nhất là kiến trúc của vùng đất đó. Với tôi, kiến trúc là sự thể hiện dễ nhận ra nhất của sự qui hoạch, của lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và hơn thế nữa, đó là sự tôn vinh giá trị lao động mà con người đã tạo ra. Những tòa nhà từ cổ điển tới hiện đại, những công trình văn hóa như nhà thờ, thánh đường, đền chùa, nhà hát, đài tưởng niệm đều không ngừng hấp dẫn tôi. Thực ra với kiến trúc, tôi chỉ là kẻ ngoại đạo, có lẽ những gì tôi nhìn thấy chỉ là vẻ đẹp, sự tinh tế, cách lấy không gian hay ánh sáng một cách hợp lý, nhưng điều đó cũng không làm giảm bớt sự đam mê muốn tìm hiểu của tôi. Với tôi khi nhìn vào những ngôi nhà ấy, những công trình ấy tôi có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất về cuộc sống của người dân bản địa, những gì họ đã trải qua, đã sinh hoạt và gắn bó.

Có lẽ cũng chính bởi niềm đam mê ấy, điểm dừng chân đầu tiên của tôi trong buổi sáng ngày hôm ấy là nhà thờ thánh Andrew.

IMG_6540-scaled.jpg


(Ảnh: St. Andrew’s Cathedral)

Nhà thờ Thánh Andrew là nhà thờ lâu đời nhất ở Australia được xây dựng và hoàn thành năm 1868 bởi kiến trúc sư Edmund Blacket, đây là nhà thờ chính tòa của giáo phận Anh giáo Sydney, trụ sở của Tổng Giám mục Anh giáo Sydney và giám mục Metropolitan của New South Wales. Nhà thờ được xây dựng theo hình chữ thập truyền thống, có trục đông tây, cửa chính hướng tây và cung thánh ở hướng đông, lối kiến trúc này là biểu tượng của đức tin trong nhà thờ Thiên Chúa giáo.

Nhà thờ Thánh Andrew là một trong những ví dụ điển hình nhất của kiến trúc Gothic Revival cuối thời kỳ thuộc địa, đầu thời kỳ Victoria ở Sydney. Với sự lặp lại những đặc trưng của kiến trúc Gothic nguyên bản, Blacket đã thành công trong việc tạo ra một công trình mặc dù có kích thước nhỏ hơn so với nhiều nhà thờ lớn nhưng vẫn có sự tráng lệ và đồ sộ. Bên ngoài nhà thờ là một màu nâu ấm áp nhẹ nhàng với ngọn tháp đôi được lấy cảm hứng từ nước Anh. Tháp là một đặc điểm quan trọng trong kiến trúc Gothic, hai tòa tháp được thiết kế cân đối, trang trí bằng nhiều họa tiết tinh tế tạo thành từ những cửa sổ vòm nhọn đặc trưng cùng với bệ đỡ (buttressing) và nhiều chóp nhọn (pinnacles).

Bên trong nhà thờ, các cửa sổ kính màu được thiết kế lớn, chia thành nhiều ô nhỏ, gồm 3 lớp kính là kính màu (stained glass) và lớp kính bảo vệ của chúng. Nội thất nhà thờ được thiết kế hài hòa, tỉ lệ giữa các cột trụ, mái vòm, chiều cao của tường, cùng các hoa văn trang trí, chạm khắc bằng đá, tạo cho nhà thờ một tổng thể hòa hợp và tráng lệ.

IMG_6558-scaled.jpg


(Ảnh: Cửa sổ kính màu bên trong St. Andrew’s Cathedral)

Nhà thờ thánh Andrew là một phần của Town Hall Group, là một nhóm các tòa nhà được xếp hạng di sản của Sydney. Đây là một trong những công trình nhà thờ phong cách Gothic Revival đẹp nhất ở New South Wales và là công trình nhà thờ nổi tiếng trong Giáo phận Anh giáo Sydney. Nhà thờ đại diện cho khát vọng và là tâm điểm của phần lớn cuộc sống ở Sydney cả trong và sau khi xây dựng. Việc hoàn thành xây dựng nhà thờ là một thành tựu quan trọng cho cả nhà thờ và thành phố Sydney. Ngoài ý nghĩa thẩm mỹ cao với những cấu trúc được chế tác tinh xảo và chi tiết, nhà thờ còn mang trong nó giá trị tinh thần, ý nghĩa lịch sử và là sự phản ánh một cách sâu sắc đời sống người dân Sydney qua các thời kỳ lịch sử.

Ngoài khuôn viên nhà thờ có rất nhiều cây xanh với những chiếc ghế đá cong tròn trải dài dưới tán cây. Đôi ba bạn trẻ đứng nói chuyện trong bóng râm của một mái hiên nhà, xa xa vài cô gái đeo kính tròn đang tựa lưng lướt nhẹ ngón tay trên trang sách dưới hàng cây cổ thụ, đàn bồ câu nhởn nhơ đi bộ trong sân. Nắng chiếu rọi qua những thân cây, gió khẽ thổi lay động những lá cây non nớt, đó là một khung cảnh rất yên bình, rất Sydney.

IMG_6565-scaled.jpg


(Ảnh: Bên ngoài khuôn viên St. Andrew’s Cathedral)

Blog: www.nhavantravel.com
Youtube: Nhã Văn Travel
 
Đi chơi 1 mình thích thật ấy. Lần sau xin visa Úc bạn nên khai là có dự định đi vài lần nữa và cho vào vài date dự tính, sẽ được visa 3 năm.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,391
Members
189,941
Latest member
Thao10
Back
Top