What's new

[Chia sẻ] Pha Long - Simacai - Bắc Hà - Hang Tiên - những nẻo đường Đông Lào Cai

Đó là một hành trình 4 ngày của chúng tôi. Một hành trình của những ngày đầu xuân năm mới, đón hoa mận đang vụ rộ. Đó là một cung đường khép một vòng kín của 1 phần phía đông tỉnh Lào Cai. Với dân Phượt, cung đường này chẳng có nhiều điều đáng nói, nên tôi cũng không định nói nhiều. Nhưng nhìn các bạn đang kể chuyện cung đường Simacai mà chúng tôi cũng vừa trải qua, tôi cũng muốn được chia sẻ những cảm xúc của mình.

20h30 ngày 5/2/2009 - 11 Tháng Giêng.
Chúng tôi quyết định ra ga Trần Quý Cáp sớm, vì đây là lần đầu tiên chúng tôi mua vé tàu Lào Cai có gửi kèm xe máy. Chuyến tàu LC3, vẫn được biết là tàu chợ, nhưng đây cũng là tàu duy nhất cho gửi kèm xe máy, nên đành chấp nhận. Giá vé giường nằm tầng 1 chỉ có 170 ngàn, bằng nửa giá vé tàu SP, và thấp hơn nhiều so với vé tàu du lịch, tất nhiên chưa kể vé xe máy 130 ngàn cả công dịch vụ. Hành lý của chúng tôi chẳng có gì nhiều, đáng kể nhất vẫn chỉ là những chiếc ba lô máy ảnh đầy lense và dụng cụ phụ trợ, 1 chiếc chân máy ảnh dùng chung, những thứ mà chúng tôi thực ra không mang thì thiếu, mang thì thừa, quần áo cũng chỉ là cơ số tối thiểu, đủ một bộ để thay nếu không may bị ướt trên đường. Chiếc mũ bảo hiểm tòng teng đeo sau balo. Gửi được chiếc xe máy, hơi nhộn nhạo, nhưng rồi cũng xong. Chúng tôi, mấy đứa ngồi quây tròn trên sân ga, uống chén trà nóng của một anh bán nước chè, nhưng diện trọn bộ comple củ sếch, giầy tây hoành tráng. Nấn ná mãi, rồi tàu cũng khởi hành, đúng 10h05 phút. Chuyến tàu chợ, nhưng khoang nằm cũng đỡ nhộn nhạo hơn, dù người ngồi, người đứng,rồi người nhòm ngó cũng chật hành lang. Tết ra, người đi Lễ trên mạn Bảo Hà,Lào Cai đông như hội, vàng mã chất hàng bao tải, thật may chúng tôi là những đứa quen du lịch bụi nhưng không quen chịu khổ, nên không phải hứng cảnh chen chúc. Vé tàu cũng mua sớm cả tuần, nên chiếm toàn giường tầng thấp, đêm ngủ ngon lành, chỉ nơm nớp lo bị mất đồ mỗi khi chuyến tàu dừng ở những ga lẻ. Với tinh thần thoải mái như thế, đêm đầu tiên trôi qua trong yên bình, và những hy vọng về một chuyến đi trọn vẹn.
 
Last edited:
8h30 ngày 6/2/2009 - Ngày 12 tháng Giêng

Sau rất nhiều đi đi dừng dừng, giật lắc, rất nhiều người lên xuống, rồi tiếng rao bán hàng í ới, chuyến tàu LC3 cũng đến ga Lào Cai vào hồi 8h20 sáng. Vốn có kinh nghiệm, chúng tôi đều đã tranh thủ dậy sớm, đánh răng rửa mặt trên tàu từ 5h sáng, lúc mọi người còn đang ngủ, rồi ngồi ngắm trời rạng dần trên dòng sông Hồng Hà khúc thượng nguồn. Xuống tàu, đợi lấy xe máy, những chiếc xe máy khác gần như đều bị xước xát cả, chắc do tàu lắc quá, vẻ đau khổ và xót ruột hiện ra trên nét mặt nhiều khổ chủ.Thật may mắn là xe máy của tôi thuộc hàng chiến nhất, xe Dream Thái, nên hầu như không thấy xước sát gì ở yếm xe. Đây cũng là chiếc xe mà tôi nâng niu gìn giữ nhất, bởi nó là phương tiện lý tưởng cho những chuyến đi như thế này.
Dù xe đã rút hết xăng, nhưng vẫn còn đủ cho chúng tôi chạy thẳng ra hàng xăng trước cửa ga, cách chừng 300m. Đổ đầy bình xăng, xe ăn xong, đến người ăn. Chúng tôi vào hàng phở Nam Đinh ngay con đường thẳng cửa ga, ăn lấy sức, hôm nay sẽ là một ngày vất vả.
 
Chặng đầu tiên cũng là chặng đường ngon lành nhất, Lào Cai - Mường Khương. Trước khi lên đường, dự kiến của chúng tôi, đó là sẽ đi một vòng cung đông Lào Cai: theo cách truyền thống, đó là Mường Khương - Pha Long - Simacai - chợ Cán Cấu - Bắc Hà - chợ Bắc Hà - và cuối cùng là tuyến đường thủy ngược từ Bảo Nhai đến Hang Tiên trước khi trở lại Lào Cai. Khu vực Bắc Hà chúng tôi dự kiến sẽ đến thăm một số bản văn hóa như xã Tả Van Chư, gần Bắc Hà hơn thì Bản Phố ( quá đại chúng rồi), xã Tà Chải...Quỹ thời gian của chúng tôi có 4 ngày - 5 đêm, một khoảng thời gian khá thoải mái cho việc vừa đi vừa nghỉ ngơi khám phá. Chúng tôi cũng dự tính mất 2 đêm trên tàu, đi và về, 1 đêm ở Simacai, 2 đêm ở Bắc Hà. Và quả thực, hành trình đó vừa thong dong, giữ sức, vừa có nhiều thời gian lang thang, chỉ tiếc trời Lào Cai mấy hôm đó mây mù, nên chúng tôi cũng không có nhiều dịp chụp ảnh, nhưng đôi khi, chụp ảnh cũng chỉ là một thú vui nhỏ trên cả hành trình đầy ấn tượng này.

Rời Lào Cai lúc 9h, chúng tôi đi nhanh đến cầu Bản Phiệt, rồi theo đường 4D đến Mường Khương. Đường khá đẹp và thoáng, chỉ chừng 10h30, chúng tôi đã đến Mường Khương. Trời khá mù, nên gần như tôi không tìm được khung cảnh nào ưng ý để có thể chụp bức ảnh lưu niệm, nên thôi. Đến Mường Khương, phong cảnh chẳng có gì đặc biệt, chúng tôi cũng bỏ qua luôn, đi thẳng lên Pha Long, một thị tứ ở góc cao nhất của tỉnh Lào Cai. Pha Long thực ra cũng chẳng có gì, 2-3 con phố, vài quán bán hàng, chúng tôi đến nơi cũng đã là 11h30, định bụng ăn ở đây, nhưng rồi thấy chẳng ra sao, nên cũng bảo nhau, đi chơi tiếp đã. Hỏi đường lên trạm biên phòng cửa khẩu Pha Long, người dân chỉ đúng con đường đá nhỏ và xấu nhất, thế là chúng tôi chọn cách lên trạm cửa khẩu Pha Long, một cửa khẩu tiểu ngạch nhỏ, hầu như ít người biết đến. Con đường đầy đá hộc và ướt trong mây mù làm chúng tôi phải cẩn thận hơn, theo mãi đường dây điện, vòng vèo quanh sườn núi, thế rồi trạm biên phòng cửa khẩu Pha Long cũng hiện ra trước mắt, với chừng chục nóc nhà đơn sơ, vài cây mận mới ra hoa, mấy đàn lợn Mông cắp nách, ấn tượng nhất là chiếc bàn bi a đầy bụi phủ mờ, xộc xệch vì thời gian và tiết trời ẩm ướt. Đây là góc Pha Long bé bỏng, 1 điểm có thế nhìn thấy trên bản đồ tổ quốc.
 
Rồi, sẽ có hình khi nào đến đoạn có hình. Cung đầu đã quá quen với mọi người, hơn nữa cảnh vật không có điều gì quá đặc biệt, thời tiết cũng không thuận lợi, nên tôi cũng chưa chụp nhiều,nhưng chắc chắn sẽ có nhiều ảnh mới để chia sẻ cùng các bạn.

12h30 ngày 6/2/2009 - Ngày 12 tháng Giêng

Đường lên cửa khẩu Pha Long khá xấu, đá lổn nhổn, đường cũng hẹp, men theo các vách đá. Gọi là cửa khẩu cho oai, thực ra là cửa khẩu biên giới nhỏ, chỉ dùng cho giao thương đường biên. Thế nên ở đây chỉ có 1 trạm Barie nhỏ, thậm chí cũng chẳng có bộ đội gác. Chúng tôi đang ngơ ngác ngắm sự đơn sơ của một cửa khẩu ( nghe hơi giống Ka Long - một cái tên vô cùng nổi tiếng) thì những người lính biên phòng ở trên trạm, cao hơn cửa khẩu chừng vài chục mét nhận ra chúng tôi, họ vẫy chúng tôi lên. Định từ chối, nói vọng lên là cảm ơn, không lên đâu, thì nghe tiếng gọi, cứ lên đây đã. Nhớ về quy tắc an ninh đường biên, chúng tôi đành phóng xe máy lên sân trạm. Trạm có 2 dãy nhà, 1 dãy nhà 2 tầng bê tông mới xây và 1 dãy nhà cấp 4. Rất to, nhưng chỉ có chừng 4 người đang ở đây. Các cậu bạn trẻ bộ đội biên phòng mời chúng tôi vào trong dãy nhà cấp 4, là bếp ăn của chiến sĩ. Hỏi han giấy tờ xong theo thủ tục, 2 cậu lính vui mừng nhận đồng hương, vì toàn người Hà Nội cả. Lên xó núi heo hút này để làm nhiệm vụ, đó là cả sự hi sinh lớn của người lính, thật thông cảm. Có lẽ lâu không gặp người lên chơi, các chiến sỹ này lôi hết bánh, kẹo, cam quýt ra mời chúng tôi. Chúng tôi cũng mời lại bằng bánh kẹo của mình, thế là câu chuyện con cà con kê hết nửa tiếng. Điều chúng tôi quan tâm, đó là chuyện cắm mốc biên giới, về công việc hàng ngày của các anh. Nghe kể, đường tuần tra của trạm từ đỉnh núi sâu xuống tận sông Chảy, dài chừng 8 km, chênh lệch độ cao chừng 1200 mét, hàng ngày đi xuống có khi chẳng muốn đi lên lại nữa. Lại nói chuyện cột mốc, được biết để cắm một cột mốc cách trạm chừng 200 mét đường chim bay, từ trạm có thể nhìn thẳng ra rất gần, các anh đã phải dò mìn khu vực cắm mốc, chỉ từ 25 mét từ đỉnh núi trở xuống, chiều rộng chừng 500 mét, các anh đã dò được chừng 800 quả mìn. Theo lời kể, thì chỗ nào dò mìn rồi thì dân bản mới vào làm nương, còn chỗ nào hoang vu thì chớ dại mà dở máu phượt lò dò bước chân vào, mất xác như chơi. Thế mới biết chuyện biên giới vất vả như thế nào. Rồi câu chuyện bước sang đoạn phân định mốc giới như thế nào, núi thì sống núi, sông thì đáy sông, chuyện chiến đấu chống Tàu ngày xưa ra sao, chuyện đi bắt buôn lậu thuốc phiện bắn nhau chí tử thế nào... Chuyện trò rất vui và nhiều thông tin, tôi không phải là dân báo viết, chứ không có thể có cả một phóng sự hay từ những câu chuyện dọc đường này. Nói chuyện một lúc, chúng tôi xin phép đi về Pha Long ăn trưa. Biết chúng tôi chưa ăn, các đồng chí nhất định không cho chúng tôi về, bảo xuống bếp mà ăn tạm gì đó. Không phụ lòng bộ đội, chúng tôi cũng định ăn tạm gì đó trong bếp, nhưng mà tạm ở đây thật ngoài sức tưởng tượng. Bữa trưa của các chiến sỹ còn lại mấy bát tiết canh, 1 bát thịt lợn Mông cắp nách chưa chế biến, rồi vài món dân tộc gì đó, mì tôm thì có cả thùng, rau cả rổ. Chúng tôi lấy rau cải, thịt lợn Mông nấu với mì tôm, không hiểu vì đói hay lạ miệng mà ăn ngon lạ, nhất là rau và thịt Mông. :)). Các bạn còn nhất định bắt chúng tôi uống 1 chén rượu ngô của Pha Long. Ăn xong, chuẩn bị chia tay, các bạn lại còn lấy ra rất nhiều táo tàu, quýt, bắt chúng tôi phải cầm theo. Thậm chí còn đề nghị ngủ trưa lại trạm, vì ở đây có phòng khách rất tiện nghi. Nhưng vì đường còn xa, nên chúng tôi cảm ơn và hẹn gặp lại. Chia tay với những người lính biên phòng, trong lòng chúng tôi còn ấm tình quân dân.
 
Last edited:
Thể theo yêu cầu của bạn Trâu, sau đây là loạt lai sâu bắt đầu.

Những đường nét của vùng cao

3314724742_acbe906ca6_o.jpg


3314724880_8772cddc96_o.jpg


3313901227_b6dddf756d_o.jpg


3313901365_822dace515_o.jpg



3314725644_a29803a21a_o.jpg


3314724992_d77bfca163_o.jpg
 
bạn dudu08 chụp hoa đẹp ghê! Trâu tui khoái nhất tấm đầu :), à quên, tấm cuối nữa (nhưng nếu không có người thì hay hơn :)), just kidding)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,545
Bài viết
1,153,604
Members
190,116
Latest member
Thangcho07
Back
Top