What's new

Tản mạn Bắc Bộ

Cứ lập bừa cái topic để tản mạn về đồng bằng Bắc Bộ, cũng không cố định ở địa phương nào.
 
Nhân thấy có người nhắc đến thành nhà Hồ - Thanh Hóa, post vài cái ảnh chơi.

Thành nhà Hồ, còn gọi là thành Tây Đô, bắt đầu xây dựng dưới thời Hồ Quý Ly, năm 1397. Theo truyền thuyết thì chỉ mất 3 tháng để dựng thành, nhưng thực tế là 3 năm.

Thành hình gần vuông, quay về 4 hướng, mỗi hướng đều có cổng. Cổng hướng nam gồm 3 vòm cửa, các hướng khác chỉ có 1 vòm.

Hiện nay cổng thành Bắc và Nam còn nguyên vẹn nhất, nhưng phía Nam tường đã đổ gần hết. Chỉ còn phía Bắc là nguyên vẹn cả cổng và tường. Phía đông và tây chỉ còn vòm cổng, chứ cũng không nguyên vẹn cả cổng.

Tường phía Bắc của Thành nhà Hồ trên đồng lúa xanh (tháng 8)

 
Cổng phía Bắc của thành. Những tảng đá xây thành rất lớn, xếp khít vào nhau. Trên cổng còn những lỗ chân cột khá lớn, xưa kia để dựng lầu thành.



Những đoạn thành đổ. Thành nhà Hồ không phải là cao lắm, nhưng được làm bằng đá, đó là điều đặc biệt của thành này. Bên ngoài còn một khoảng đất rồi đến hào sâu. Ngày nay hào đã bị lấp gần hết, và dân đã sống sát chân tường thành.

 
Last edited:
Tản mạn về quê mình ở Bắc Bộ có được không bác chitto? Bài của bác uyên thâm lắm, AV phải rón rén hỏi trước

Quê AV ko gắn với lịch sử gì nổi tiếng cả, cũng ko có những di tích mang tầm quốc gia nhưng là 1 vùng quê đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, AV nghĩ thế :D
 
Ồi, bạn AV cứ tự nhiên như cô tiên đê.

Tớ quẳng nốt cái ảnh này là xong vụ Thành nhà Hồ

Con rồng đá ở chính giữa thành, nơi có cung điện của Hồ Quý Ly xưa. Đầu rồng quay về phía cửa Bắc, đuôi quay về cửa nam, hai con hai bên. Đầu đôi rồng này đều đã bị chặt mất !!! Không biết do ai, từ bao giờ ?



Bạn AV viết về quê bạn đi nhá...
 
Quê nhà tôi ơi....

Quê tôi là 1 làng nhỏ nằm cạnh sông Cầu. Tôi luôn nghĩ quê mình là đẹp nhất, đẹp hơn quê của mọi người :) Này nhé, nói đến quê thì phải có bờ đê, ruộng lúa, con trâu, con sông, giếng nước, bờ ao, lũy tre làng Nói về quê mà nhà ở quê lại ngay đường nhựa thì cũng thể gọi là quê được, phải đi thật sâu vào làng, vào thôn thì mới gọi là quê. Quê tôi là như vậy đáp ứng tất cả điều kiện để gọi là 1 vùng Thôn Quê :), hay nói có một cách sâu sa và cụ thể thì là mang những nét đặc trưng của vùng Đồng Bằng Bắc Bộ

Tuy chỉ cách Hà Nội có 55km nhưng để về quê tôi rất vất vả và đến giờ vẫn vậy, chỉ vì nó ở bên kia sông Cầu so với QL3, ô tô không thể chạy thẳng về làng theo con đường ngắn nhất từ Hà Nôi. Muốn đỗ xịch ô tô trước cổng nhà bác tôi thì phải đi xe theo QL3 lên tít phía Bắc nữa, đến 1 thị xã tên là Thắng (Bắc Giang) rồi vòng xuống Mà hình như chưa bao giờ tôi cùng đi ô tô với ai kiểu vậy cả (có lẽ đã có 1 lần vào 1 dịp đặc biệt)
 
Về quê

Vậy tôi thường phải đi như thế nào nếu ko tự lái xe máy hoặc đi ô tô để Về quê???:

1. Đi taxi/xe ôm xuống bến xe Hà Đông, hoặc đi xe buýt sang bến xe Gia Lâm (tôi ở khu Nam Đồng nhá và rất tự hào là quân khu Nam Đồng, hoặc chí ít là em út của dân quân khu :D )

2. Mua vé xe khách Hà Nội - Thái Nguyên. Đây thường là đoạn cực hinh nhất vì cho cả đến giờ không có xe chất lượng cao tuyến này, xe khách ở cả 2 bến tôi đi dù xe đã bán hết ghế nhưng họ vẫn rầy rang chạy tới chạy lui hoặc chạy cực chậm trong thành phố để câu thêm khách ngồi giữa hai hàng ghế Cách đây 3 tuần tôi về đi vẫn xảy ra tình trạng này Anh trai tôi cứ làu bàu bực mình bên cạnh, còn tôi thì tự nhiên thấy chả sao cả, tôi được dịp ôn lại cái kiểu đi đã tồn tại hàng chục năm và chả biết bao giờ mới được thay đổi, ít nhất đến cái mức bằng nước láng giếng thôi

Những lần về quê trước Tết ngày trước mới thật là hãi, có khi đi theo kiểu xe chở hàng do ai đó chỉ cho, ngồi lên cả hàng hóa hoặc hàng chất đầy sau lưng Xa lắm rồi, có lẽ khoảng 10 năm trước, tôi nhớ mờ nhạt vậy

3. Tôi không cần đi đến Thái Nguyên, tôi dừng ở cầu Đa Phúc hoặc ngã ba Thanh Xuyên và mấy năm gần đây thêm lựa chọn cầu Vát, ngã ba đối diện là n/m Yamaha

Ngày trước đường xá tồi tệ, nghe đên phố Nỉ rồi cầu Đa Phúc là thấy xa xôi lắm, đi mãi mới đến, ngay cả Thanh Xuyên sau cầu Đa Phúc vài cây thôi là cũng đã thấy xa hơn rất nhiều Giờ đi theo đường qua khu CN Nội Bài, qua Đông Anh, đến Sóc Sơn, qua SS một tí là đến cầu Đa Phúc rồi

Cầu Đa Phúc có gì, dưới chân cầu người ta khai thác cát, một hình ảnh rất quen thuộc và ăn sâu vào trí nhớ của tôi, hơn cái ngã ba Thanh Xuyên, vì đó là cách mà bố tôi thường đi về ngày tôi còn bé Bố tôi theo tiêu chuẩn chức vụ và cấp bậc có lái xe riêng và có xe U oát và cái xe gì của bộ đội mà đằng sau có 2 hàng ghế ý Vì tôi là con gái "rượu" (hic, tự nhiên nghĩ ko hiểu sao dân ta lại có sự ví von ngộ quá vậy, ví con mình với rượu :) ) nên bố tôi thường cho đi cùng, còn anh tôi luôn ở nhà

Cách bố tôi thường về quê là chạy xe đến cầu Đa Phúc rồi rẻ phải theo con đường quê quoanh co khoảng 5km Đôi khi tôi về sau cũng theo cách đi này, dừng ở cầu Đa Phúc rồi bắt xe ôm về làng của tôi

Mấy năm gần đây, người ta xây 1 cái cầu, gọi là cầu Vát bắc qua sông Cầu ở mạn gần Sóc Sơn, nếu tôi túc tắc có thời gian, tôi có thể đi 2 chặng xe buýt của xe buýt Hà Nội đến bến này rồi đi xe ôm chạy thẳng về cửa nhà bác Ô tô theo cách này cũng về thẳng được nhưng hình như có đoạn đường ruộng nhỏ hẹp ko tốt lắm

4. Xe khách dừng ở cầu Đa Phúc / Thanh Xuyên tôi đi xe ôm tiếp về bến đò. Đường từ cầu Đa Phúc về bến đò làng tôi là đường đê, đê thật sự và ngày trước, khi đường đê chưa rải nhựa, vẫn là đường đất đỏ thì thôi rồi những ngày đông mưa phùn gió bấc hay những ngày hè mưa bão Tôi đã từng nhiều lần ngồi trên xe U oát về quê ngày trước, ổ voi, ổ gà, bùn đất, trượt bánh Xe của bố tôi đã từng trượt bánh xuống ruộng nhưng lần đó không có tôi và mọi người đều không sao cả Còn chuyên mọi người tụ họp uống bia rươu say rồi ngã nhào từ đê xuống ruộng là chuyện bình thường, anh trai tôi có lần cũng vậy cùng với ông chú tôi :)

Nếu tôi đi từ Thanh Xuyên thì không phải đi đường đê mà đi đường bằng, qua 1 cái chợ tên rất buồn cười: chợ Chã, bên kia chợ Chã là làng Thủ Cốc, cô tôi làm dâu làng này mà tôi thường qua khi cô tôi vẫn còn sống Làng tôi cách đó 2km, xuôi tiếp theo sông Cầu về phía Hà Nội

Tất nhiên tôi thích đường đê hơn, vì tôi có tầm nhìn rộng hơn khi đi trên đê, vì đê ngoằn nghèo đi qua nhiều làng, vì tôi được đi cùng với bố tôi trước kia Tôi nhớ những cảnh trẻ em quê nghèo không có quần áo mặc, chúng thường chạy từ dưới làng ở chân đê lên bờ đê nhìn xe của chúng tôi chạy qua 1 cách lạ lẫm và tò mò Thậm chí bây giờ vẫn vậy, có chăng khác là ko còn hoặc ít đứa trẻ thiếu quần áo mặc hơn Cuộc sống phải thay đổi chứ !

Ah, có 1 lần duy nhất tôi và 1 đứa em đi bộ lếch thếch 3km dưới trời hè nắng gắt từ Thanh Xuyên về làng (đi đường TTX thì ngắn hơn)

5. Xe dừng lại bến đò, chúng tôi phải chờ đó, rồi đi đò qua sông Cầu

6. Từ bến đò về đến nhà bác tôi còn 1km nữa - > đi bộ tiếp

Phù, mệt quá :)
 
Bờ đê giờ đã được trải nhựa, nhờ vậy thay vì phơi lúa ở sân nhà, sân đình, người ta có thể phơi trên bờ đê




Bến đò mới toanh, thay vì phải đi bộ 1 km trước kia thì giờ tôi chỉ phải đi bộ 400m sau khi qua đò :)


(còn tiêp.)
 
Bến đò mới toanh, thay vì phải đi bộ 1 km trước kia thì giờ tôi chỉ phải đi bộ 400m sau khi qua đò :)
(còn tiêp.)

Ờ, con đò. Lại nhớ hồi xưa về quê ngoại, có con đò ngang sông, đò kéo bằng tay, chứ không phải chèo và cũng không phải đò máy.

Người ta chăng một sợi dây cáp ngang sông, con đò mắc vào sợi dây cáp ấy, người kéo đò dùng một khúc tre có mấu mắc vào sợi cáp rồi kéo ngược lại hướng cần đi, con đò sẽ chuyển dời sang sông. Trên đò có nhiều khúc tre như thế, để người đi đò cũng tham gia một tay kéo cho đò đi nhanh hơn.

Bao nhiêu năm rồi không về qua lại nơi ấy, con đò đó còn hay chăng???


Lần qua đò nhớ đời nhất là chuyến đi ngang sông Hồng ở bến đò Khay, giữa bóng chiều tối phủ mịt mùng, bờ sông thì cao, con đò thì bé, sáu người với ba cái xe tròng trành ngang con sông mùa nước lặng. Cảm giác như chỉ cần cựa khẽ là tất cả sẽ ùm....

Bạn AV tiếp đê...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,577
Bài viết
1,153,793
Members
190,132
Latest member
thetkenoithat
Back
Top