What's new

Palermo và Nam Italia

Topic này nhằm mục đích chia sẻ với các bác một số điểm hấp dẫn ở miền Nam nước Ý, nơi các bác ít dành ưu tiên hơn trong hành trình châu Âu ngắn ngủi của mình, hay nói chính xác hơn, nhiều bác đã đi qua nhưng chưa có dịp tái hiện lại.

Rất mong tất cả các bác cùng đóng góp.

Em xin bắt đầu tại thành phố Palermo trước:

Palermo

attachment.php

Một góc Palermo


Rời phi trường Rome Fiumicino, chúng tôi hồi hộp chuẩn bị tinh thần cho điểm đến sắp tới: Palermo, nơi có thời được coi là thủ phủ của Mafia Ý.

Cái tên sân bay đáp xuống đã gợi lại một kỷ niệm buồn: Falcone - Borsellino, hai vị thẩm phán người Palermo đấu tranh với tội phạm nhưng không vượt qua được làn đạn của chúng gần 20 năm trước. Palermo cũng in đậm trong ký ức người Việt qua loạt phim truyền hình nhiều tập: Bạch tuộc.

attachment.php

Falcone - Borsellino. Ảnh: Internet

Nói chung là nghe, xem, đọc nhiều về nơi này cũng... hơi rén, nhưng không tránh khỏi trí tò mò muốn khám phá.
 
Liên kết:
Từ Rome, chúng tôi sử dụng chuyến bay giá rẻ Blu-express với giá vỏn vẹn 0,99 Eur cho chiều đi và 1,99 Eur lượt về, tính cả thuế thì chẵn 100 EUR khứ hồi cho 3 người.

Đó là thời điểm tháng 12 mưa nhiều - khách vắng.

Chọn đi trái mùa cũng có cái lợi theo suy luận rất vớ vẩn: đỡ phải đắn đo chuyện phòng ốc, đi lại. Hơn nữa, Sicily nằm ở miền Nam Ý, kiểu gì chẳng ấm áp hơn.

Vớ vẩn, may mà đúng!

Nếu bay Ryanair, có thể xuất phát tại 6 điểm (Oslo, London, Dusseldorf, Marseille, Barcelona và Sevilla) hoặc 5 điểm trong nước Ý để đến sân bay Falcone-Borsellino gần thành phố.
Với những thành phố khác, Ryanair có chuyến bay đến Trapani xa hơn.
Easyjet cũng kết nối Palermo với nhiều thành phố châu Âu khác.
Còn thêm 1, 2 sân bay nữa nhưng không phù hợp với tiêu chí nhà Phượt nên chẳng liệt kê ra đây.

Bus là phương tiện chính kết nối sân bay với nhà ga trung tâm Palermo. Giá vé 5,80 Eur từ sân bay Falcone - Borsellino hoặc 9 Eur từ sân bay Trapani và ngược lại. Xe rộng rãi, vé mua dễ dàng tại xe nên sử dụng taxi (40Eur) có vẻ hơi xa xỉ.
 
Em xin tiếp tục,


An ninh:
Nghe "Tây nó đồn" là Palermo đi lại thoải mái, khách du lịch không sợ gì cả. Lý giải nghe cũng bùi tai: mafia thì có, nhưng "Cosa Nostra" chỉ quen làm ăn lớn, có biên chế đàng hoàng tức là có "Bố già" hẳn hoi. Mà Bố già thì ghét những chuyện "mất an ninh" lặt vặt làm ảnh hưởng đến thanh danh. Túm lại, "mafia siciliana" không vớ vẩn; bạch tuộc tuy nhiều chân nhưng một đầu. Cái này khác với Napoli, camorra đất cảng toàn anh Hai nhưng thiếu hẳn một ông "Bố".

Nghe thì bùi, sợ không hẳn sợ... nhưng có hãi.

Hãi đầu tiên là việc tìm chỗ ở sao cho thuận tiện đi lại, ngắm nghía.
Thường nhà ga trung tâm nằm ở... trung tâm (đương nhiên), gần khu phố cổ và là điểm trung chuyển tàu xe chính. Vì thế cứ quay compas trong bán kính 1km để tìm khách sạn tương đối ổn.

Vị trí chúng tôi chọn là phố Roma, một trong những con phố thương mại chính ở Palermo, đâm thẳng vào nhà ga trung tâm.
Khách sạn đẹp, giá chấp nhận, feedback cao.
Ấy thế nào mà lại mò được lời khuyên: hạn chế đi lại trên phố này sau 22h.

Thứ hai, ổn định nơi ăn ở xong, dạo phố vài vòng, có cái biển đá ngay đầu ngõ nhỏ đập vào mắt. Nó thế này:

attachment.php


Tất nhiên đó là chuyện của năm xửa năm xưa.


Sơ lược về Palermo:
Chuẩn bị cho một ngày dạo chơi, em tóm tắt một số thông tin cơ bản về thành phố:
Palermo, thành phố hiện có 650.000 dân, thuộc tỉnh tự trị cùng tên và là thủ phủ của vùng tự trị qui chế đặc biệt Sicily.

Hình thành từ năm 734 trước CN bởi nền văn minh Phoecinia với tên gọi Ziz (có sách viết Zyz) có nghĩa là bông hoa. Nếu so sánh một cách tương đối thì tuổi đời bằng thủ đô Rome cổ kính.
Dưới thời Hy Lạp cổ đại, Ziz đổi tên thành Panormus (chỉ là một cái cảng).
Đế quốc La Mã và tiếp sau đó là Byzantine từng chiếm đóng vùng này.
Sau khi người Normand chiếm đóng và trở thành vương quốc Sicily độc lập, vua Roger II (1130) biến Panormus trở thành một trung tâm thương mại, nghệ thuật và văn hóa của vương quốc.
Từ năm 1860, Parlemo và cả Sicily trở thành một bộ phận của nước Ý thống nhất.

Ngoài tiếng Italia, dân ở đây dùng thêm phương ngữ Sicily. Phương ngữ nó khác thế nào em cũng không rõ, có điều chắc chắn các bác nhà ta từng nghe qua bài hát này rồi ạ:

[video=youtube;_zGUULhly2o]http://www.youtube.com/watch?v=_zGUULhly2o[/video]
Brucia la luna brucia la terra
 
Last edited:
@Cảm ơn bác danngoc và các bác đã động viên.

Cảm nhận ban đầu:
Giống Việt Nam quá đỗi!

Giống từ cách đi lại trên đường, còi to cho vượt.
Giống từ cách phơi quần áo, giăng đầy ngõ xóm.

Ông già bà lão, thanh niên trai tráng, bắc ghế ra đường ngồi tám chuyện.
Đi qua một hàng rau trên phố, bắt gặp một lão bà buộc chậu thả hàng xuống cho cụ ông bán.

attachment.php

Cửa hàng rau

Bỗng dưng nhớ về Hà Nội, quán cháo tim bầu dục góc Lò Sũ-Nguyên Hữu Huân cũng có kiểu bán hàng thả câu như thế.

Và xe đạp cũng có hẳn một nơi bán riêng, hơn đứt Hà Nội 36 phố một cái tên: "phố Hàng... xe đạp".

attachment.php

Phố xe đạp

Nhưng tra cứu giao thông rất tệ. Vào trang web http://www.amat.pa.it/ tìm đường xe bus không tra nổi. Chuyển ngôn ngữ khác, hóa ra link sang Google translate.
Thôi đi bộ cho nó lành, tự an ủi thành phố nhỏ, trải nghiệm nhanh quá có khi... đâm chán.
 
Last edited:
Đi đâu, thăm gì:
Vì thời gian dành cho Palermo của em chưa đến 2 ngày nên em chỉ tập trung vào 2 điểm em quan tâm thôi ạ:

- Hầm mộ dòng tu Phanxicô: Cá nhân em đánh giá đây có lẽ là điểm đáng xem nhất, Vì khu vực này cấm chụp ảnh (có thể chụp lén) nên em xin mượn tạm một số hình của người khác ạ.
Địa chỉ: Catacombe dei capucini - Piazza Capucini - Palermo

attachment.php

Một thầy tu. Ảnh: William Albert Allard

Khu hầm mộ nằm trong khuôn viên nhà thờ Santa Maria della Pace. Từ năm 1599, các thầy dòng Phanxicô (còn gọi là dòng Anh em hèn mọn) ở đây có truyền thống lưu giữ xác bạn đồng tu sau khi qua đời. Những gia đình khá giả trong vùng cũng gửi xác người thân lại nhờ nhà thờ bảo quản như một cách để thể hiện đẳng cấp.
Kỹ thuật bảo quản nghe có vẻ đơn giản: xác được đặt trong quan tài để khô tự nhiên, sau đó lau rửa hàng ngày bằng dấm nho trong khoảng từ 8 đến 12 tháng và quan trọng là độ ẩm khu hầm mộ đạt độ lý tưởng.

attachment.php

Choáng váng với số lượng xác: 8000

Các bộ xương sau khi khô, được mặc quần áo và treo dọc hành lang trong những khu vực riêng biệt: thầy tu, người quyền quý, nam, nữ, trinh nữ, trẻ em. Với số lượng 8000 xác lưu trữ (phần được xem chỉ vài trăm nhưng cũng đủ ớn lạnh), có cảm tưởng ranh giới giữa người sống- người chết... được xóa bỏ nếu không có những hàng rào sắt ngăn cách du khách chụp ảnh.

Khu vực trinh nữ, tất cả đều mặc váy trắng toát, có người cầm bó hoa như hoa cưới. May mà em không đi một mình nên bớt hãi.

attachment.php

Hai trinh nữ. Ảnh: Internet

Thi hài cuối cùng được lưu giữ tại đây vào năm 1920, đó là "em bé" mang tên Rosalia Lombardo mất khi vừa tròn 2 tuổi do căn bệnh viêm phế quản.
Thi hài được đánh giá là "đẹp nhất thế giới" và hoàn hảo đến nỗi nó tựa như em đang ngủ.

attachment.php

Rosalia Lombardo (1918-1920) Ảnh: Internet


Em chưa có dịp đi nhiều nhưng có lẽ các hầm mộ ở Paris, Rome hay cánh đồng chết ở Campuchia không "qui mô, hoành tráng" được như thế. Giá trị của Hầm mộ dòng tu Phanxicô ở Palermo không phải ở số lượng xác chết hay kỹ thuật ướp tinh xảo, mà chủ yếu là khả năng lưu giữ được những trang phục của nhiều nghề nghiệp, tầng lớp xã hội khác nhau qua nhiều thời kỳ.

Thấy giới thiệu có nhiều đoàn làm phim phải đến để nghiên cứu trang phục làm phim cổ.

Từ năm 1988, khi bắt đầu mở cửa, tình trạng xác trong hầm mộ bị xuống cấp nghiêm trọng, có thể do ánh sáng, độ ẩm (từ hơi thở của khách du lịch) gây nên. Nếu cứ đà này, biết đâu có lúc người ta phải tính chuyện đóng cửa.
Vì thế, bác nào có ý định ghé thăm nên đi sớm trước khi chờ mở cửa lại sau vài trăm năm nữa.
Nhìn chung là xứng đáng đồng tiền, bát gạo. Dù không bán vé nhưng nhà thờ có khoản đóng góp từ 3 Eur trở lên.

...
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,575
Bài viết
1,153,784
Members
190,132
Latest member
thetkenoithat
Back
Top