What's new

[Chia sẻ] Nhật ký hành trình Nước Mỹ bằng xe gắn máy

Chào các Bạn/Anh/Chị,

Ông bà ta có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đối với nhiều người thì câu nói đó đúng, riêng tôi thì mỗi một cuộc hành trình kết thúc thường để lại một khoảng trống, một sự tỉnh ngộ. Và khi vẫn chưa thấy điểm dừng của sự khám phá, để lấp đầy khoảng trống đó tôi lại lên đường.

HDD82 thấy rằng các chuyến đi đã làm thay đổi mình nhiều hơn tưởng tượng. Các cuộc hành trình không còn là những cuộc phiêu lưu “điên khùng” nhằm chứng tỏ bản thân với mọi người nữa. Hơn hết là hành trình quay về khám phá con người thật sự, khả năng và bản lĩnh thật sự của mình…

Có rất nhiều cách để đi từ điểm A đến điểm B, khoảng cách giữa hai điểm không quan trọng, đi xa hay đi nhiều không quan trọng, quan trọng là bản thân học được những gì, tiến được bao xa trên con đường Chân, Thiện, Mỹ.

Cuối cùng, HDD82 lấy lại câu kết trong bài “Nhật ký hành trình Trung Quốc - Tây Tạng bằng xe gắn máy” rằng: Có những người đi để khẳng định bản thân, có những người đi để tìm hiểu thế giới xung quanh, cũng có những người đi chỉ vì được đi. Bằng cách kể lại chi tiết chuyến đi này, tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều bạn mạnh dạn lên đường khám phá thế giới xung quanh bằng xe gắn máy, một thế giới tuyệt vời ở bên ngoài đang chờ đón bạn chiêm ngưỡng, đừng ngần ngại những gì bạn chưa biết, chưa nắm rõ...

“Người lữ hành đúng nghĩa là người đi chỉ vì được đi,
Trái tim không hề vương vấn
Như mây bay gió thổi
Anh bước theo số phận của mình,
Cần gì phải có một lý do
Chỉ một tiếng hô thôi “Lên Đường”!!!”

Topic “Nhật ký hành trình Nước Mỹ bằng xe gắn máy” xin được phép ra đời.
 
Wild Wild West – Miền Tây Hoang Dã, các bộ phim cao bồi miền Tây thường cos các câu chuyện về người người da đỏ và da trắng. Người da trắng đầu tiên đến Châu Mỹ ở Bờ Đông, khi khai phá lãnh thổ ra hướng Tây phải băng qua nhiều khu vực có người da đỏ và thường xảy ra chiến tranh. Người da đỏ sức mạnh và dũng cảm thì có thừa nhưng vũ khí thô sơ phải chịu kết cục bi thảm trước súng ống của người da trắng.

Người da đỏ là thổ dân có mặt tại Châu Mỹ hàng nghìn năm, trong khi Christoper Columbus tìm ra Châu Mỹ mới cách đây hơn 500 năm. Với sự trợ giúp đắc lực của khoa học kỹ thuật hiện đại và sự khôn lanh, người da trắng dần thu hẹp lãnh thổ của người da đỏ. Hậu quả là hiện nay, người da đỏ chỉ sinh sống tại những khu vực được Chính phủ bảo vệ. Trong các khu vực đó họ được quyền tự chủ săn bắn, câu cá, đặt luật lệ riêng, có tổ chức riêng…





Hình ảnh các thủ lĩnh da đỏ:

 
Chương trình đưa chúng tôi đến thăm thị trấn Flathead, cách Missoula khoảng 100km về phía Bắc, như là một phần của học tập dã ngoại. Thị trấn Flathead (Cái đầu trọc) là nơi có nhiều bộ lạc da đỏ - Indian American - định cư trong các khu vực được Chính phủ bảo vệ.

Gặp gỡ với những người trong tổ chức của người thổ dân da đỏ. Có thể thấy những khoảng xanh lá cây trên bản đồ phía sau lưng bà đang nói chuyện là các khu vực sinh sống của họ, đa phần là đồi núi.





Với tính tình thẳng thắn, bộc trực, và đi vào vấn đề, người Mỹ nói chung thường không ngại nói thẳng, và trực tiếp trả lời vào câu hỏi. Các câu hỏi và câu trả lời nếu được phân loại vào hàng "nhạy cảm", "tế nhị" ở các nước khác thì cũng chỉ là "bình thường như.. cân đường, hộp sữa" ở đây. Chương trình cũng sắp xếp cho chúng tôi gặp gỡ trực tiếp với những người dân bản địa, và thông tin thu được cũng đủ để chúng tôi thấy rằng câu chuyện công bằng quyền lợi, nghĩa vụ thật sự là câu chuyện dài và phức tạp... Và có lẽ tôi không muốn trình bày ở đây! :lol:

Gặp gỡ với người địa phương:



Nơi làm việc Hội đồng chính phủ địa phương:





Khác với hình ảnh người da đỏ trên lưng ngựa trong các bộ phim, họ bây giờ đi oto, chăn nuôi hàng bầy trâu bò, có trường lớp riêng, có công ty quy mô lớn.

 
Tại một nhà hàng ở Flathead, một người đàn ông lớn tuổi người địa phương tới bắt chuyện với chúng tôi. Một đoàn người Châu Á tại thị trấn nhỏ phía Bắc nước Mỹ, giáp biên giới Canada này là một chuyện lạ... Sau đôi câu xã giao với chúng tôi, ông ngỏ ý tặng cho chúng tôi vài con cá mà ông vừa mua được tại siêu thị gần đó. "Cá ngon lắm, tao mua về để dành đấy", ông nói rồi hoa múa chân làm điệu bộ rằng chúng tôi đừng nên khách sáo tiếp nhận món quà của ông.

Trong khi trưởng đoàn và mọi người lịch sự từ chối lời đề nghị của ông rồi tiếp tục bữa ăn trưa, có một tay Châu Á lẳng lặng theo ông ra bãi xe xem các chú cá và cũng là xem lòng hiếu khách của người dân địa phương, đây chính là buổi "chiếu phim" thú vị hơn nhiều các bộ phim đã được đạo diễn từ trước…

- Mày đến từ đâu?
- Việt Nam.
- Ồ, Việt Nam à? Tao đã từng tới VN rồi đấy…
- Thế à? Mày thấy Việt nam ntn? Rồi câu chuyện chúng tôi cứ thế tiếp diễn...



Món quà của người đàn ông địa phương hiếu khách: (rất tiếc tôi phải từ chối vì khách sạn không có chỗ để nấu nướng...)





Tôi mời ông tới thăm Việt Nam vào một ngày nào đó, ông cười phá lên chỉ vào cái chân cà nhắc vì chiến tranh Việt nam rồi chúng tôi chia tay... Tạm biệt, hẹn gặp lại...

 
Last edited:
Công viên quốc gia Glacier National Park tại bang Montana nằm trên khu vực biên giới giữa Mỹ - Canada. Công viên có diện tích trên 4.000 km2, gồm một bộ phận của dãy núi Rocky Moutain. Dãy núi Rocky Moutain là dãy núi hùng vĩ cắt ngang toàn bộ nước Mỹ, qua tận Canada, được hình thành từ sự dịch chuyển của các mảng lục địa 170 triệu năm về trước.

Dấu sao vàng trên bản đồ là Công viên Glacier NP.





Công viên đầu tiên là nơi định cư của người Mỹ thổ dân. Trước khi người Châu Âu hiện diện, đây là khu vực cai quản của hai bộ lạc Blackfeet (Bàn chân đen) phía Đông, và Flathead (Cái đầu trọc) phía Tây.

Trên đường đi...





HDD82 đã chia sẻ trong topic “Nhật ký hành trình Trung Quốc – Tây Tạng bằng xe gắn máy” một lần leo lên một Glacier – Sông băng vĩnh cữu tại tỉnh Vân Nam. Đó là sông băng vĩnh cữu có vĩ độ thấp nhất mà bạn có thể nhìn thấy trên trái đất. Còn tại công viên Glacier National Park, có 25 sông băng vĩnh cữu. Số lượng đã suy giảm nghiêm trọng nếu so với 150 sông băng giữa thế kỷ 19.

Thời tiết lạnh dưới 10 độ C và bầu trời u ám tại công viên Glacier National Park, thời điểm này vẫn còn khá lạnh và khách du lịch còn ít do hầu hết các đường vào công viên đang còn đóng cửa.



 
Xe oto chở chúng tôi vừa tới công viên Glacier National Park, mọi người nháo nhào chạy ùa ra khỏi oto để chụp ảnh. Rồi thì đủ kiểu tư thế chụp ảnh hài hước: Người thì làm dáng uốn lượn, người thì gắng đưa khuôn mặt mình vào khung cảnh sao cho vừa đầy đủ mặt vừa được nhiều khung cảnh nhất, người thì ôm nhau hò hét phấn khích tột độ... Nhưng phấn khích kiểu gì thì kiểu, nhất quyết không ai chịu bước ra ngoài bán kính 30m kể từ vị trí chiếc xe oto đang đỗ. Mặc kệ xung quanh hấp dẫn như thế nào, cứ vòng tròn 30m quanh chiếc oto chụp ảnh rồi ngay lập tức post lên chia sẻ FB mà không ai chịu đi xa hơn. Tại sao? Tôi không thể giải thích được!





Ngồi chờ chán chê cả tiếng đồng hồ lâu vẫn không thấy ai chbowuowcs ra ngoài vòng tròn 30m, thôi thì...









Đi theo đoàn đông người không tạo cho HDD82 cảm giác hứng thú khám phá. Tiếng ồn ào huyên náo đã phá hỏng mất bức tranh mặt nước phẳng lặng, bầu trời xanh thăm thẳm và tiếng gió xôn xao yên bình của Bà mẹ Thiên nhiên...



 
Thêm một tấm hình...



Khung cảnh thì đẹp nhưng so sánh cảm xúc với lần cắm trại ở Na Uy trong "Nhật ký Châu Âu bằng xe gắn máy", khi yên tĩnh tận hưởng cảm xúc cạnh hồ nước phẳng lặng, bên tô mì tôm trứng và chiếc lều cắm trại thì quả thua xa...

Hồ nước tại Na Uy:



Cắm trại bên cạnh hồ nước:

 
Trường học là quan trọng nhưng trường học không thể dạy con người ta tất cả mọi thứ, và không ai có thể ngồi trong ghế nhà trường mãi. Còn trường đời sớm hay muộn ai cũng phải học. Trường đời bắt đầu dạy học với chiếc xe đạp gắn động cơ của hắn.

Vâng! Dù đã khóa cẩn thận trước tiền sảnh khách sạn với chiếc khóa bằng xích sắt to đùng, những người bạn Mỹ đáng mến vẫn có cách làm cho chiếc xe của tôi “biến mất không tăm hơi” một cách nhanh nhất.

Ở Việt Nam, khách sạn lớn thường có bảo vệ và có nhiệm vụ giữ tài sản cho khách. Nhưng ở đây thì “hồn ai nấy giữ”. Chiếc khóa vòng sắt to đùng không giúp ích được gì nhiều… hic…

Cô nhân viên khách sạn trợn tròn mắt ngạc nhiên khi nghe tôi báo mất xe, rồi cô giúp tôi gọi điện cho cảnh sát. Trách nhiệm của khách sạn vậy là hết! Bây giờ là nhiệm vụ của cảnh sát…

- Alo? Sở cảnh sát phải không?
- Đúng rồi. Tao có thể giúp gì được mày?
- Chiếc xe của tao vừa bị mất cắp…
- Tên? Địa chỉ? Bị mất khi nào?

Và …
“Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo
Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh
Ngày chị sinh, trời cho làm thơ
Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở…”

So sánh với thành phố Stockholm Thụy Điển chẳng hạn, chiếc xe Suzuki màu xanh của tôi để ngoài trời ký túc xá hơn nửa năm trời không ai đụng chạm tới thì… ;(



... Bó tay!

 
Mất xe thì buồn, nhưng buồn thì hằng ngày ba buổi vẫn phải cố ăn. Vì khách sạn chúng tôi ở được chương trình đặt luôn suất ăn nên không ai phải nấu nướng, chỉ tập trung vào học thôi. Được phục vụ như vậy thì sướng nhưng bù lại món ăn Phương Tây ăn liên tục gây cảm giác khá ngán. Đôi khi nhìn dĩa thức ăn dọn ra cả dĩa vầy (vì người Mỹ ăn rất nhiều) mà lẩm nhẩm trong bụng câu: "Ăn để sống, không phải sống để ăn"...

Pizza:



Một món ăn kiểu Mexico gói trộn thành một khối rất nhiều thịt... Ngán! ;(



Các buổi truyền tải kiến thức về quản lý, kinh doanh, marketing, tài chính... được diễn ra lúc thì tại những khách sạn sang trọng với các chính khách, tại các câu lạc bộ doanh nhân, lúc thì học với các thầy cô giáo vui tính và dễ mến từ nhiều quốc gia khác nhau. Một điểm chung dễ nhận thấy là phần thảo luận đặt câu hỏi luôn sôi nổi và nhiều tiếng cười nhất. Mỗi người nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Tại sao? Vì mỗi người có kinh nghiệm sống khác nhau, trí thông minh khác nhau, và xuất phát từ nền văn hóa khác nhau, nên cách nhìn vấn đề thường sẽ khác biệt.

Thầy giáo trẻ tuổi này có phương pháp dạy học bằng cách hỏi - đáp khá cởi mở và lí thú:





Chẳng phải vậy mà các cuộc đối thoại ngoại giao diễn ra liên tục khắp nơi trên thế giới giữa các nước, các tổ chức. Bằng cách đối thoại hỏi - đáp, chúng ta có sự hiểu biết lẫn nhau. Người Mỹ và Phương Tây quan niệm rằng: Càng hỏi đáp nhiều càng tiến gần hơn tới sự thật. Bởi vậy sinh viên hỏi thầy giáo, người nghe hỏi người diễn thuyết, người dân hỏi Tổng thống, v.v... Khác hẳn với quan niệm Phương Đông rằng sự thật, chân lý luôn ở nằm trong sách vở giáo khoa, hoặc những bậc lão thành đáng trọng.



 
Theo chương trình học được bố trí từ trước, chỉ vài ngày sau khi mất xe, đoàn sinh viên chúng tôi được dịp có ghé thăm trụ sở chính quyền Missoula đồng thời là hội sở cảnh sát thành phố. Cả đoàn có dịp giao lưu với Ông Mayor – giữ chức vụ đại loại như cảnh sát trưởng. Ông Mayor có dáng vẻ bề ngoài đồ sộ như một sumo Nhật Bản, gương mặt thì ngược lại: rất trẻ con. Mayor có phong thái trò chuyện hay đùa theo kiểu Mỹ luôn người đối diện phải cười ngặt nghẽo và cảm thấy rất thoải mái. Nói chung, tôi học thấy người Mỹ có cách nói chuyện tếu tếu rất riêng biệt, và gương mặt của họ trong khi pha trò cũng khá tỉnh quẹo.

Chợt tôi nghĩ rằng: Mỗi ngày ở trụ sở cảnh sát họ phải tiếp hàng trăm cuộc điện thoại, nào là trộm xe, ăn cắp, giết người, đánh nhau v.v… thế thì hồ sơ báo cáo mất xe đạp của mình chừng nào mới được xử lý đây? Tại sao mình không thử nói ra với Ông Mayor? Nghĩ là làm! Sau cuộc gặp gỡ với Ông Mayor, HDD82 cố nặn ra bộ mặt rầu rĩ ngồi nán lại một chút để xin trình bày về hoàn cảnh đáng thương của mình...

Mayor nghe xong câu chuyện của tôi đôi mắt trợn tròn lên như viên bi, gương mặt trẻ con từ từ chuyển sang màu đỏ ửng tức giận đập bàn “Rầm” một cái rồi phán: “Chuyện này thật xấu hổ. Không thể như thế được!”. Tôi đã chuẩn bị trước tờ giấy nhỏ có ghi số hồ sơ của mình dúi vào tay Mayor, "Đây là số hồ sơ của tao". “Được rồi. Tao có 02 cảnh sát phụ tá đắc lực giúp tao ở đây. Mày cứ đưa hồ sơ đây cho tao”. Mayor nói chắc như đinh đóng cột, đồng thời vỗ vai tôi động viên.



Tôi cảm ơn rối rít, xong chạy ra ngoài phòng họp hòa vào “đội hình” chụp ảnh lưu niệm đang chờ sẵn từ trước, thầm hy vọng Ông Mayor này đừng bận rốn quá mà quên những gì đã nói… ;)



Thế rồi mỗi buổi sáng người ta lại thấy một tay Châu Á thức dậy liền chạy ra bãi xe đạp trước khách sạn nhìn ngó một hồi… Không thấy chiếc xe màu đỏ của hắn đâu! Không hy vọng… Ngó nghiêng một hồi xong hắn mới ủ rũ đến trường...

Vâng, đó là trường đời! Ước mơ đi xe máy ở Mỹ đâu phải dễ đạt được? Dù bạn có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa để được học bổng đến đây, dù bạn có xoay sở thế nào đi chăng nữa thì vẫn luôn xuất hiện những trở ngại …

Lý Tiểu Long: “Hãy tin tôi, rằng trên con đường đạt thành tựu luôn luôn có các chướng ngại, lớn hay nhỏ. Và PHẢN ỨNG của bạn đối với chướng ngại gặp phải mới là điều quan trọng, không phải bản thân chướng ngại đó.”

 
Chúng ta ai cũng được học khái niệm về Tư bản. Tư bản là “tiền làm ra tiền”, tiêu một đồng họ tính toán một đồng, tiêu hai đồng họ tính toán hai đồng chứ không có chuyện lãng phí. Câu hỏi đặt ra là: Bộ ngoại giao Mỹ cấp học bổng cho chúng tôi - 15 thanh niên của 05 nước Asian - qua đây có phải là một sự lãng phí của người Mỹ? Nên nhớ tiền học bổng này là tiền thuế của người dân Mỹ.

Hay đặt câu hỏi ngược lại: Người Mỹ được gì khi trao học bổng cho chúng tôi? Chắc chắn rồi. Đó nhất định phải là sự tương tác hai chiều, cả hai bên cùng có lợi. Sự có mặt của chúng tôi đã làm tăng sự đa dạng, phong phú về văn hóa xã hội nơi đây. Đó cũng là lý do mà trong suốt quá trình học, chúng tôi được đưa đi gặp gỡ với nhiều tổ chức, với nhiều người - nhiều người chưa hiểu rõ về Asian - để giới thiệu văn hóa của chúng tôi cho người bản xứ.

Tại sao giao lưu, đa dạng văn hóa lại quan trọng?

Nhà bác học Charles Darwin đưa ra thuyết tiến hóa chứng minh rằng mọi loài trên Trái Đất đều phát triển tiến hóa theo thời gian, sự đa dạng sinh học giúp đẩy nhanh quá trình tiến hóa này. Phong phú đa dạng thì phát triển nhanh, rực rỡ. Đóng cửa tuyệt giao thì trì trệ, kém phát triển!

Cứ lấy Tp. Hồ Chí Minh làm ví dụ. Tp. Hồ Chí Minh là thành phố phát triển nhất nước Việt Nam, và cũng là Tp có sự đa dạng về văn hóa, giao lưu, trao thương mạnh mẽ nhất. Và con sông Mekong đầu nguồn tại Vân Nam, Trung Quốc? Nếu không có sự “giao lưu”, không chịu tiếp nhận luồng nước từ nhiều con sông, con suối nhỏ dọc đường đi thì liệu Mekong có trở thành sông Cửu Long hùng tráng tại VN không? Và còn nhiều nhiều ví dụ khác nữa. HDD82 xin trích dẫn lại đây hình ảnh đầu nguồn sông Mêkong tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc:





Ở đâu đóng cửa không giao lưu, ở đó trì trệ kém phát triển. Không chỉ là tổ chức, trường đại học, xã hội mà ngay bản thân mỗi người cũng bị ảnh hưởng bởi lý thuyết này. Nếu đầu óc chúng ta “đóng” không chịu tiếp thu các luồng tư tưởng, suy nghĩ mới tức là đã kết liễu sự phát triển của chính mình.

Lý Tiểu Long: “Kiến thức đem lại sức mạnh, nhưng tính cách mới đem lại sự tôn trọng”.

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,625
Bài viết
1,154,105
Members
190,153
Latest member
kientruckhangvinh
Back
Top