What's new

[Chia sẻ] Nhật ký hành trình Nước Mỹ bằng xe gắn máy

Chào các Bạn/Anh/Chị,

Ông bà ta có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đối với nhiều người thì câu nói đó đúng, riêng tôi thì mỗi một cuộc hành trình kết thúc thường để lại một khoảng trống, một sự tỉnh ngộ. Và khi vẫn chưa thấy điểm dừng của sự khám phá, để lấp đầy khoảng trống đó tôi lại lên đường.

HDD82 thấy rằng các chuyến đi đã làm thay đổi mình nhiều hơn tưởng tượng. Các cuộc hành trình không còn là những cuộc phiêu lưu “điên khùng” nhằm chứng tỏ bản thân với mọi người nữa. Hơn hết là hành trình quay về khám phá con người thật sự, khả năng và bản lĩnh thật sự của mình…

Có rất nhiều cách để đi từ điểm A đến điểm B, khoảng cách giữa hai điểm không quan trọng, đi xa hay đi nhiều không quan trọng, quan trọng là bản thân học được những gì, tiến được bao xa trên con đường Chân, Thiện, Mỹ.

Cuối cùng, HDD82 lấy lại câu kết trong bài “Nhật ký hành trình Trung Quốc - Tây Tạng bằng xe gắn máy” rằng: Có những người đi để khẳng định bản thân, có những người đi để tìm hiểu thế giới xung quanh, cũng có những người đi chỉ vì được đi. Bằng cách kể lại chi tiết chuyến đi này, tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều bạn mạnh dạn lên đường khám phá thế giới xung quanh bằng xe gắn máy, một thế giới tuyệt vời ở bên ngoài đang chờ đón bạn chiêm ngưỡng, đừng ngần ngại những gì bạn chưa biết, chưa nắm rõ...

“Người lữ hành đúng nghĩa là người đi chỉ vì được đi,
Trái tim không hề vương vấn
Như mây bay gió thổi
Anh bước theo số phận của mình,
Cần gì phải có một lý do
Chỉ một tiếng hô thôi “Lên Đường”!!!”

Topic “Nhật ký hành trình Nước Mỹ bằng xe gắn máy” xin được phép ra đời.
 
Một phần chương trình học của tôi ở Mỹ là đến ở chung với một gia đình người Mỹ trong hai tuần để hiểu hơn về văn hóa, lối sống, sinh hoạt hằng ngày, suy nghĩ của người Mỹ. Tiến sỹ Joe Fanguy - Đại Học Montana - là chủ nhà của tôi. Ngoài chủ nhà Joe giúp tôi hòa nhập nhanh trong môi trường gia đình, còn có chị Kari - vợ Tiến sỹ Joe, bé Emmy 8 tuổi, bé Preston 5 tuổi, bé Madelynn 3 tuổi, bé Ethan … 03 tháng tuổi cùng chú chó Sweepi dễ thương.







Cười nào...



Ới, đừng khóc nhé...

 
Những lo lắng, căng thẳng đan xen hồi hộp khi lần đầu tiên sinh hoạt trong một gia đình người Mỹ nhanh chóng biến mất nhường chỗ cho cảm giác thoải mái khi vợ chồng Joe chu đáo với HDD82 đến từng chi tiết nhỏ. Căn phòng của tôi được bố trí dưới tầng trệt, đồng thời cũng là tầng hầm, của gia đình họ. Căn phòng đã được sửa sang sạch đẹp trước khi tôi đến. Giường nệm trắng tinh phẳng phiu thơm tho, kèm với giỏ thức ăn ngon lành và chiếc thiệp chúc mừng dễ thương: "Chào Mr. Ho!"



Vốn không tài giỏi gì ở cái khoản mua quà cáp tặng cho người khác, HDD82 lựa chọn in ra các tấm hình về Việt Nam tập hợp theo các chủ đề như Trang phục VN, Thức ăn VN, Sinh hoạt đời thường, Thành phố, Lãnh tụ Hồ Chí Mình, Võ Nguyên Giáp... thành 1 album gửi tặng vợ chồng Tiến sỹ Joe Fanguy. Món quà nhỏ bé thật bất ngờ lại được gia đình Joe hỏi han sôi nổi không ngớt. Đối với bọn trẻ, tôi thật sự là người ngoài hành tinh với chúng: Chúng chưa bao giờ giao tiếp với một người Châu Á. Mọi nhất cử nhất động của tôi đều được chúng quan sát không sót. Bé Melodynn cứ chạy theo tôi luôn miệng "Chú này mắc cười quá à!", "Chú này mắc cười quá à!"...



"Nhập gia tùy tục", phần lớn các bữa ăn tôi để cho gia đình Tiến sỹ Joe chuẩn bị. Đây cũng là cách để tôi hiểu hơn tập tục văn hóa, cuộc sống bình thường của người Mỹ. Đôi khi vào một ngày đẹp trời tôi lại "liều" đem hết tuyệt kỹ nấu nướng ra chế biến được vài món như súp gà thập cẩm, rau luộc, thịt kho, cá kho mời bọn trẻ và gia đình TS. Joe ăn. Khỏi phải nói cả gia đình với mười con mắt ngạc nhiên thấy HDD82 ăn cá mà nhai xương rau ráu. hehe. Gì chứ cá là khoái khẩu của chàng rồi. Các bé thấy tôi sử dụng đôi đũa một cách thành thục cũng ngạc nhiên lắm. Gì thì gì, tôi là người ngoài hành tinh với chúng mà lị... ;)



Ăn tối xong thường chúng tôi đi dạo quanh mảnh vườn và khu đồi trước nhà Joe:



... cùng chú chó Sweeppi dễ mến



Thỉnh thoảng vài chú nai mon men ra con suối nhỏ trước nhà Joe uống nước, và kiếm thức ăn:



Preston đi học buổi sáng. "Hello Mr. Ho" xong là cậu chạy tuốt ra chiếc xe buýt màu vàng đang chờ trước cổng đến trường:

 
Các công ty có quy mô vừa và nhỏ là bộ phận quan trọng nhất trong nền kinh tế của mọi quốc gia. Đối với bang Montana thì công ty quy mô vừa và nhỏ chiếm phần lớn, đa số.

Một phần nội dung tôi muốn tìm hiểu khi qua Mỹ là: Trường Đại học và Doanh nghiệp có mối quan hệ như thế nào tại Mỹ?

Để trả lời cho câu hỏi này, Tiến sỹ Joe Fanguy thu xếp cho HDD82 được tham dự làm giám khảo tại cuộc thi "Business Planning - John Roffatto" (Tạm dịch: Kế hoạch kinh doanh - John Roffatto) dành cho sinh viên ĐH Montana. Cuộc thi John Roffatto được tổ chức thường niên từ rất lâu, cuộc thi có nhiều sinh viên học MBA Trường Montana lọt vào vòng chung kết. Là cuộc thi được tổ chức bài bản, có uy tín với giá trị giải thưởng lớn: Giải nhất $10,000 - con số khá lớn với hầu hết sinh viên - nên khỏi phải nói không khí cuộc thi hào hứng cỡ nào.

Trước một ngày diễn ra cuộc thi, có một bữa tiệc nhỏ dành cho các nhà tài trợ và ban giám khảo. Phần lớn các mạnh thường quân là những người có uy tín trong xã hội. Buổi tiệc được tổ chức tại một quán ăn nhỏ. Joe chia sẻ với tôi: “Năm ngoái, có sinh viên lên thi run quá bật khóc tại sân khấu luôn đấy”, hehe…





Nói chung người Mỹ ở bang Montana là những người xuề xòa, dễ mến và thân thiện. Nếu các bạn để ý trong các bức ảnh thì quần bò, áo phông là trang phục thường ngày, kể cả đi tiệc của họ. Mọi người không quá coi trọng bề ngoài của một người mà đánh giá, hơn thế nữa họ lại rất hiếu kỳ với các nền văn hóa khác và cực kỳ vui tính. Nếu không vậy thì tay Châu Á lôi thôi lếch thếch cả tuần liền toàn độc một kiểu quần bò và một kiểu áo khoác này chắc không có cơ hội... :)

Các em gái tóc vàng xinh tươi phục vụ trà nước:

 
Bắt đầu vào thi!!!

Các ý tưởng kinh doanh được các nhóm đã vượt qua vòng sơ loại trình bày trước hội đồng giám khảo tại Trường ĐH Montana. Các ý tưởng kinh doanh của các nhóm rất độc đáo: Người thì có ý tưởng mở quán café, người lại cố gắng khai thác ứng dụng kỹ thuật vào thực tế, người lại muốn cung cấp thực phẩm sạch, kẻ muốn mở trường huấn luyện phi công, v.v... Ai cũng hùng hồn thuyết trình tự tin như là tấm séc $10.000 đã nằm trong túi mình rồi…

Vòng sơ loại trước hội đồng giám khảo tại khán phòng nhỏ:



Vòng sơ loại thứ hai có vẻ căng thẳng hơn khi một số đội đã bị loại. Kết thúc một bài thuyết trình là hàng loạt cánh tay giơ lên để đặt câu hỏi cho thí sinh, người Mỹ tạo cho tôi ấn tượng hết sức thuyết phục về một môi trường dân chủ. Phần họp kín của BGK cũng không ngoại lệ, mọi người không phân biệt thứ bậc tranh nhau giơ tay phát biểu, các ý kiến rất thẳng thắn và hoàn toàn không câu nệ hình thức, thứ bậc, giới tính...



Vì là giám khảo nên vài em sinh viên muốn chụp hình chung, em nào xinh mới có cơ hội… (đùa tí) :D



Sau ba vòng loại căng thẳng diễn ra từ 7h sáng đến tận hơn 8h tối, cuộc thi đến hồi công bố kết quả. Người thắng cuộc thì cười hớn hở, kẻ không được xứng tên thì thất thần, có em gái tóc vàng còn len lén lau nước mắt...

Giải nhì $5.000 thuộc về hai bạn Trung Quốc đang học MBA tại đây:



Giải nhất $10.000 hoàn toàn xứng đáng thuộc về nhóm bạn trẻ ĐH Montana:



Thực tế mà nói, các sinh viên MBA Mỹ không quá nổi bật trong kỹ thuật thuyết trình so với các bạn sinh viên BKhoa là bao. Câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu tôi là: Sự khác biệt nào ở các sinh viên đã tạo nên xã hội Mỹ như ngày nay?
 
Vài ngày sau cuộc thi, tôi cùng Tiến sỹ Joe cùng lai rai vai chai bia với người đoạt giải nhất. Là anh chàng râu quai nón mặc bộ comple màu sáng màu ở hình trên. Anh trông thật bảnh trai, phong thái cực kỳ tự tin, nhưng trò chuyện cũng rất khiêm tốn. Nói chung, sinh viên Mỹ có đầu óc ứng dụng cao. Người học chủ động nắm lấy kiến thức hơn VN rất nhiều. Hầu hết sinh viên đều chịu khó đi làm thêm hè, chịu va vấp thực tế để tích lũy kinh nghiệm và áp dụng kiến thức đã học.





Giữa doanh nghiệp và trường Đại học có mối quan hệ thật sự chặt chẽ. Không có chuyện trường ĐH cứ mạnh ai nấy đào tạo sinh viên, còn DN mạnh ai nấy đào tạo lại nhân viên tuyển dụng. Mà như vậy thì mỗi nhân viên muốn làm được việc thì DN phải đào tào lại tối thiểu 03 tháng, tốn bao nhiêu chi phí. Cả xã hội cứ như vậy là một sự lãng phí cực lớn.

Nếu mối người trong chúng ta ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế để tạo ra một sự thay đổi tích cực thì sao? Cả xã hội Mỹ làm vậy thì mỗi năm họ có hàng trăm triệu sự đổi mới, chẳng trách mà họ là cường quốc trên Thế giới.

 
Ngoài lề chút... ĐH Montan có căngtin nhỏ bán món Phở, khỏi nói là HDD82 tôi vui mừng như thế nào khi được ăn tô Phở sau nhiều tuần liền chỉ biết có bánh mì, pizza, bơ, sữa và các món Mỹ...



Một số bạn trong chương trình chê món phở này dở, chê thịt bò dai, chê thiếu rau... Nhưng có hề chi... Tuyệt vời món ăn Việt Nam! :D



Và tuyệt vời không kém là khi chơi đùa với lũ trẻ nhà Joe, dần dần tôi cũng học được cách làm sao để hòa đồng với chúng, để chúng dạy cho các trò chơi, và làm sao để suy nghĩ như chúng đang suy nghĩ.



Đã ăn cơm là không có xem tivi ! Cả nhà cùng ngồi vào bàn và tuyệt đối không có phàn nàn khi "thưởng thức" món cơm Việt Nam do Mr. Ho nấu... :D



Ơ ờ... Tại sao cháu không được ăn cơm của Mr. Ho?

 
Last edited:
Dân gian Việt Nam có câu:

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng”

“Tương phùng tương ngộ” là tên bài hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Tương phùng, tương ngộ đều có nghĩa là gặp nhau.

Cách xa nữa vòng Trái Đất, ở tít bên kia bờ Thái Bình Dương, HDD82 có dịp “tương ngộ, tương phùng” với người bạn cũ - đó thảo nguyên xanh mênh mông và đỉnh núi trắng tuyết phủ! Tôi giật mình khi đoàn chúng tôi đi ngang qua vùng đất tại Bang Montana có khung cảnh yên bình quá giống Tây Tạng.

Thảo nguyên xanh trong chuyến xe máy lần trước:



Tại địa danh mang tên "Temple of Thousand Budda" (Ngôi đền 1000 bức tượng Phật), HDD82 được gặp gỡ với Lạt ma Gochen Tulku Sangngag Rinpoche. Lạt ma sống trong một ngôi nhà đơn sơ tại đây và ngài đang cất công xây dựng một ngôi đền gồm 1000 bức tượng phật với sự giúp đỡ của rất nhiều người dân địa phương. Khi chúng tôi tới, có nhiều tình nguyện viên đang lao động, trong đó có nhiều người trẻ tuổi làm tôi hết sức ngưỡng mộ. Đó là lúc tôi nhận ra văn hóa tình nguyện của người Mỹ.

Bang Montana với phong cảnh nên thơ:







 
Chúng tôi được kể rằng trong một chuyến du hành thuyết pháp đi ngang đây, Lạt ma cảm thấy quá nhớ quê nhà trước khung cảnh này. Vài năm sau, ngài quay trở lại cùng với một vài đệ tử dựng lên một túp lều nhỏ và dành toàn bộ tâm huyết xây dựng ngôi đền 1000 bức tượng Phật. Người dân địa phương lúc đầu còn chưa hiểu hành động của ngài, nhưng sau đó họ đã cảm thông và tình nguyện cùng chung tay dựng xây ngôi đền.

Theo HDD82, ngôi đền không chỉ là sự thể hiện Phật giáo Tây Tạng, mà còn là đại diện cho sự đa dạng văn hóa của bang Montana nói riêng và Nước Mỹ nói chung.





 
Người dân ở đây chấp nhận nhiều người thuộc nhiều chủng tộc, tín ngưỡng và văn hóa. Tôi trò chuyện với một vài tình nguyện viên với thắc mắc: Tại sao họ tình nguyện xây dựng ngôi đền Phật giáo này? Mặc dù hầu hết là Thiên Chúa Giáo và kiến thức Phật giáo của họ cũng không nhiều cho lắm. Sau buổi trò chuyện tôi mới "ngộ" ra rằng: Kiến thức không quan trọng, quan trọng là hành động và tình yêu thương! Kiến thức chất đống trong đầu để mà làm gì nếu không hành động? Chúng ta thích tranh luận hơn thua, thích chứng tỏ mình hiểu biết, rốt cuộc để làm gì?

Thể hiện bằng hành động thiết thực chẳng cần hình thức bên ngoài, chỉ cần tấm lòng rộng mở bao dung là đủ! Phật cũng chỉ dạy chúng sinh đến vậy mà thôi...



 
“Của đi thay người”, khoảng thời gian ngắn sau khi mất xe đạp tôi đã cảm thấy bình thường trở lại. Tuy nhiên, thời tiết bắt đầu chuyển xấu làm tôi rất phiền lòng, buổi sáng mùa xuân lạnh run cầm cập dù có khi mặc tới ba cái áo ấm. Rồi chuyện tồi tệ nhất xảy ra: Tuyết rơi!

Tuyết rơi, ngồi trong nhà đã thấy run cầm cập huống hồ chạy xe ngoài đường? Nội tâm thì nhiệt huyết có thừa, nhưng “Thiên chưa thời, địa chưa lợi, nhân chưa hòa”. Ngẫm nghĩ lại thấy bản thân đã nỗ lực biết bao nhiêu để đạt học bổng, có học bổng rồi đâu phải ai cũng ủng hộ? Bắt đầu đi giải trình xin phép: Đi đâu? Đi Mỹ à? Làm gì? Rồi nhiều việc khác… Qua đến Mỹ mua được chiếc xe thì bị ăn trộm mất, thời tiết thì quá lạnh…

Ôi... Chợt nhớ bài "Nhớ rừng" của Thế Lữ:

“ Gặm một mối u sầu trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua…
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa…
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi”

[video=youtube;WBi1Vqr-wYg]https://www.youtube.com/watch?v=WBi1Vqr-wYg&feature=youtu.be[/video]

Tình cảnh bây giờ rất giống với lúc trước khi tôi lên đường ở Thụy Điển, lòng người thì háo hức lên đường, mà thời tiết thì không ủng hộ. Không có gì tệ đối với người đi xe máy bằng tuyết rơi... Nhẫn nại, nhẫn nại và nhẫn nại !

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,626
Bài viết
1,154,135
Members
190,153
Latest member
kientruckhangvinh
Back
Top