What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Trong khi tại Kẻ Sở, giám mục Puginier có thể dựng ngôi nhà thờ to gấp rưỡi nhà thờ Hà Nội, thêm hàng loạt công trình phụ trợ hoàn toàn từ công của giáo dân; nhưng tại Hà Nội thì phải phát hành hai đợt xổ số mới đủ tiền xây nhà thờ.

Nhà thờ xây xong cũng không có tiền xây các công trình mục vụ khác. Đó là do ở Nam Định, Hà Nam, giáo dân rất đông, trong khi đó tại Hà Nội, giáo dân ít hơn rất nhiều. Về sau khi Công giáo được phát triển ở Hà Nội, mới dựng các toà giám mục, nhà xứ, rồi về sau là chủng viện, toà khâm sứ...

Ngôi nhà của Hội truyền giáo cách đây trăm năm, còn khá đơn sơ.

37125644.jpg

Ngôi nhà đó vẫn còn đến ngày nay, ngay sát tường bên cạnh là Toà Tổng giám mục

37128368.jpg
 
Last edited:
Giám mục Puginier cũng là người đầu tiên đưa chiếc xe tay vào Hà Nội. Xe tay có trước đó ở Trung Quốc, sau khi vào làm việc ở Hà Nội, Puginier đã dùng phương tiện này để di chuyển, rồi nhanh chóng nhân rộng ra, hình thành một lớp người lao động kéo xe tay.

37130187.jpg

Sau này người Pháp lấy tên Puginier đặt cho một con đường mới mở rất đẹp, đại lộ Puginier, nay là đường Điện Biên Phủ.

Lại có một trường dòng cho các tu sĩ Công giáo mang tên Puginier được xây giữa khu phố, nay là trường THPT Việt Đức.

Trường dòng Puginier ngày nay:

37130606.jpg
 
Last edited:
Toà Đốc lý

Người Pháp bắt đầu quy hoạch các công sở, sau toà Công sứ là đến toà Đốc lý (tức là toà Thị chính).

Họ quyết định lấy hồ Gươm làm trung tâm hành chính của thành phố, do đó năm 1883 đã chuyển ngôi chùa Phổ Giác ở cạnh hồ Gươm đi, xây toà công sở quản lý cho Hà Nội, tiếng Pháp là Mairie, người Việt dịch là toà Đốc lý, với Đốc lý (Thị trưởng) là người Pháp.

Công việc của Đốc lý lúc đầu có lẽ chưa nhiều, nên toà công sở này ban đầu không lớn lắm. Toà nhà có cửa chính quay ra nơi sau này sẽ làm vườn hoa, nay là vườn hoa có tượng đài Lý Thái Tổ.

Toà Đốc lý hồi xưa, cửa chính ở phố Lê Lai

37098718.jpg

Và hình ảnh ngày nay của toà nhà đó

37125657.jpg
 
Last edited:
Về sau toà Đốc lý mở rộng thêm, và sau năm 1945 khi người Pháp tái chiếm Hà Nội, thì gọi là toà Thị Chính, người đứng đầu là Thị trưởng.

37098725.jpg

Và vị trí của Toà thị chính trước kia, giờ có toà nhà này, mà có người nói nó trông giống cái máy chém, hai cột hai bên, có cái lưỡi treo lơ lửng bên trên, và cái máng hứng bên dưới. (Muốn xem cái máy chém, vào trong Hoả Lò là thấy, khá giống)

37124842.jpg
 
Last edited:
Tháp Rùa

Tháp Rùa xuất hiện giữa hồ Gươm vào năm 1883, ngay khi Pháp bắt đầu cai trị Hà Nội.

Gò Rùa, còn được gọi là Quy Sơn, là gò đất nổi phía Nam hồ Gươm. Thời hồ Gươm còn thông với sông Hồng, khi nước lên còn ngập cả gò. Sau này hồ tách biệt, ngày mưa to gò cũng lấp xấp nước, xưa nay vốn không có công trình gì.

Sách cũ ghi ông Bá hộ tên là Kim, một người có làm việc cho Pháp, đã xin phép toà Đốc lý và xây cái tháp ba tầng. Hai tầng dưới theo kiến trúc Tây, cửa vòm nhọn, tầng trên cùng bé lại, mái lợp ngói kiểu ta, đắp bốn con rồng quay ra bốn phía. Ngọn tháp tuy thấp, kiến trúc lạ lùng, nhưng lại rất vừa vặn với khung cảnh hồ Gươm, trở thành một điểm nhấn rất hài hoà.

Mục đích của Tháp Rùa để làm gì không được rõ. Có giai thoại cho rằng đó là do Bá hộ Kim muốn táng mộ bố mình vào đó để được phát, những người thợ đã vứt hài cốt xuống hồ. Tuy nhiên giai thoại đó cũng rất có thể là do người ta ghét Bá hộ Kim làm việc cho Pháp mà đặt ra, chứ không có thật.

Một ngọn tháp "không đáng gọi là tháp", không mang ý nghĩa lịch sử văn hoá nào, thế nhưng trăm năm qua vẫn đứng đó, thân thuộc vô cùng. Đến nỗi năm 1992, chỉ mới quét nước ximăng lên bên ngoài làm tháp trông mới hơn mà người Hà Nội đã sôi sùng sục lên rồi, nếu tưởng tượng một ngày trên gò Rùa tháp biến mất, thì không hiểu sẽ thế nào?

Hình ảnh Tháp Rùa đã đi vào nghệ thuật, và vào tâm trí của người biết và yêu Hà Nội sâu sắc đến không thể thay thế.

Trăm năm trước

37125755.jpg


Vẫn còn đây mơ màng

37124833.jpg
 
Last edited:
Có người đã tìm thấy sự tương đồng tỉ lệ hình học của Tháp Rùa khá thú vị. Tôi không biết tác giả là ai, thấy ảnh trên mạng nên cắt bớt phần rườm rà, gửi lên mọi người cùng xem.

Tuy nhiên, có thể thấy kết quả là do sự hài hoà và đối xứng trong kiến trúc nói chung, chứ không phải chủ ý của người xây, chẳng hạn hai vòng tròn và hai ngôi sao bên dưới nhỏ hơn vòng tròn và ngôi sao trên cùng (vì 2 vòng đó không chạm được vào cánh của ngôi sao lớn)...

37148946.jpg
 
Last edited:
Liên bang Đông Dương

Đến 1887 thì Pháp đã hoàn tất việc hình thành 5 xứ thuộc địa tại Đông Dương, còn gọi là Đông Pháp, mỗi xứ có chính thể hơi khác nhau, gồm 3 xứ của Việt Nam và Laos, Cambodia.

1. Xứ Nam kỳ (Cochinchina), hoàn toàn thuộc Pháp, đứng đầu bởi Thống đốc, người Việt chỉ quản lý ở cấp huyện trở xuống.

2. Xứ Trung kỳ (Annam), trên danh nghĩa vua Nguyễn làm vua, Pháp "bảo hộ" thông qua một Khâm sứ. Nhưng quan lại buộc phải qua Khâm sứ phê duyệt.

3. Xứ Bắc kỳ (Tonkin), đứng đầu là một Thống sứ, Pháp bảo hộ, cai trị cùng với hệ thống quan lại triều Nguyễn, mọi quyền quyết định thuộc Pháp.

Đứng đầu tất cả là một viên Toàn Quyền Đông dương. Trị sở chính đặt tại Hà Nội, trong Sài Gòn thì Soái phủ cũng dành làm Dinh Toàn quyền khi Toàn quyền vào đó làm việc.

Tại Hà Nội, Tổng đốc Hà Nội do Pháp duyệt, thường kiêm Kinh lược Bắc kỳ luôn, nhưng quyền hành nằm trong tay Thống sứ Pháp cả, và trên nữa còn có Toàn quyền Đông dương.
 
Last edited:
Hà Nội 1885

Tấm bản đồ Hà Nội do Pháp vẽ năm 1885 khá chi tiết, dựa vào đó có thể nhận biết được nhiều điều.
(Chỉ cắt một phần chính).

37180470.jpg

Tấm bản đồ này cho thấy toà thành Hà Nội kiểu vauban chiếm một diện tích lớn. Trong thành có vài đầm nước, gần như bỏ trống, bởi các trại lính, kho tàng đã bị phá huỷ hết rồi. Bên phải toà thành là khu phố phường đông đúc. Phía Nam hồ Gươm chỉ có khu Nhượng địa, còn lại vẫn là làng và ruộng.

Sông Tô Lịch nối với hào thành, rồi chảy xuyên ngang khu phố cổ, đổ ra sông Hồng, nhưng đã hẹp lại rất nhiều, và không còn là con đường thuỷ để thuyền buôn đi vào thành được nữa.

Trong khu phố cổ vẫn còn mấy hồ nước. Hồ Thái Cực nối với hồ Gươm bởi một con lạch. Bắc ngang con lạch đó là cây cầu bằng gỗ, vì thế mới có tên Cầu Gỗ. Khu nhà bên cạnh hồ Thái Cực còn đánh cá ở hồ, nên gọi là khu Gia Ngư, sau này mới có phố Gia Ngư.

Bên trên hồ Thái Cực còn hồ Ngư Võng, hồ Đồng Xuân, hồ Huyền Thiên thì bao quanh quán Huyền Thiên. Sau này khi lấp các hồ đi, mới có các phố trên nền đất đó. Vì vậy hiện nay ngay giữa khu phố cổ vẫn có những phố không mang tên cổ, như Đinh Liệt, Nguyễn Quyền,..., đều là phố lập sau này.
 
Last edited:
Năm 1888, vua bù nhìn Đồng Khánh trao cho Pháp toàn bộ khu vực thành Hà Nội và lân cận làm Nhượng địa.

Tỉnh Hà Nội xoá sổ, phần đất của tỉnh Hà Nội cũ, sau khi cắt thành Hà Nội ra, thì gọi là tỉnh Cầu Đơ, và sở lỵ đặt tại Cầu Đơ. Mấy năm sau vì tên Cầu Đơ xấu quá nên mới đổi cả sở lỵ và tên tỉnh là Hà Đông. Từ khi đó, không còn chức Tổng đốc Hà Nội nữa, mà chỉ còn Tổng đốc Hà Đông.

Đến năm 1965 mới ghép Hà Đông và Sơn Tây thành Hà Tây, rồi năm 2008 lại xoá sổ Hà Tây.

Như vậy đến năm 1888 Pháp mới chính thức thành lập Thành phố Hà Nội, với địa giới như trong bản đồ dưới. Như thế thành phố Hà Nội chỉ gồm quận Hoàn Kiếm, một phần của quận Ba Đình, một phần của quận Hai Bà, và chỉ bằng khoảng một nửa Thành Thăng Long đời Lê.

37152883.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
57,344
Bài viết
1,159,278
Members
190,540
Latest member
trandat201
Back
Top