What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Phá thành Hà Nội

Năm 1893, Hội đồng Thành phố Hà Nội - gồm 14 người Pháp và 2 người Việt !!! - quyết định phá Thành cổ Hà Nội, và gọi đấu thầu (thời ấy đã đấu thầu công khai rồi).

Phá thành Hà Nội sẽ được nhiều lợi lớn, tuy nhiên không ai dám đứng ra làm một việc như thế. Dù rằng toà thành Hà Nội triều Nguyễn xây năm 1805 không phải là Hoàng thành các triều vua trước, nhưng cũng vẫn mang ý nghĩa và dấu tích của một nền tự chủ quốc gia. Phá thành rồi, Hà Nội sẽ trở thành một thành phố hoàn toàn Pháp.

Cuối cùng, có một me tây là Tư Hồng đứng ra thầu phá thành. Bà này có đời chồng đầu họ Hồng là thương nhân Tàu, chồng sau là quan Tư của Pháp (trung tá) nên gọi là Tư Hồng. Công cuộc phá thành và lấp hào nước từ năm 1894 đến năm 1897 mới hoàn tất.


Cửa Đông thành Hà Nội xưa, có thể thấy khung cổng thành phía xa, bên ngoài còn có một thành bảo hộ gọi là Dương Mã thành. Bên trong có các khu nhà quân sự của Pháp.

37264007.jpg

Cửa Đông của thành cổ, nay đã là dĩ vãng

37264009.jpg
 
Last edited:
Những người còn nặng lòng hoài cổ bấy giờ đã làm thơ khóc thương cho toà thành đã bị phá, cũng là những giá trị vật thể của mảnh đất nghìn năm đã bị chôn vùi.


Than ôi! Đệ nhất cảnh Thăng Long

Vượng khí nghìn năm có nữa không

Hai cửa còn trơ hai thánh miếu

Một thành sót lại một hoàng cung

Nhường ngao ngán nỗi công ông Bạch

Cũng gớm ghê cho của chị Hồng

Còn biết đâu là nền đế bá

Than ôi! Đệ nhất cảnh Thăng Long!



(Hai thánh miếu là Văn Miếu và Y Miếu, vì Võ Miếu cũng bị phá sạch rồi; ông Bạch là thần Bạch Mã, vị Thành hoàng phù trợ Thăng Long đã nghìn năm)

Để mỉa mai Hoàng Cao Khải (bấy giờ làm Kinh lược sứ Bắc kỳ) và Tư Hồng, Nguyễn Khuyến làm đôi câu đối


Một đạo sắc phong hàm cụ lớn

Nghìn năm danh giá của bà to



Trong câu trên, "hàm" vừa là cấp bậc triều đình phong cho, nhưng cũng là cái miệng tham lam; "của" vừa là của cải, nhưng còn ngụ ý cái "vốn tự có" của cô me tây phá thành. Đem cái miệng của quan Kinh Lược để so với cái của nợ của cô Tư Hồng, rất là thâm nho.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là sự phản ứng an ủi và yếu ớt cho một xu thế không thể tránh của lịch sử. Những người như Nguyễn Khuyến đã là lớp người nho học, chỉ biết đem cái ấm ức vào thơ, mà không thể làm gì hơn.

Những kiểu mỉa mai sâu xa trên người Pháp và cả cô Tư Hồng có hiểu đâu !
 
Last edited:
Cửa Bắc

Sự may mắn cuối cùng của toà thành Hà Nội, là Pháp cho giữ lại cổng phía Bắc. Toà cổng này vì có hai vết đạn pháo năm 1873, nên được giữ lại làm kỷ niệm chiến công của Pháp. Họ cho gắn lên tường thành tấm biển ghi rõ ngày tháng năm của chiến công đó.

Và chúng ta còn lại đến nay toà cổng thành cuối cùng: Chính Bắc Môn.

37077849.jpg
 
Last edited:
Phố mới

Sau khi tường thành và hào nước đã san phẳng, Pháp xây các con đường ở bốn phía và trong khu vực thành cổ.

Phía Bắc để lại Cửa Bắc, là đường Carnot, tên của Tổng thống Pháp, nay là phố Phan Đình Phùng

Phía Đông làm đường Henri d'Orleans, tên một nhà thám hiểm người Pháp khám phá Tây Nguyên, nay là phố Phùng Hưng. Bên trong lại thêm đường nữa sau là Lý Nam Đế.

Phía Nam làm đường Felix Faure, cũng là một Tổng thống của Pháp, nay là Trần Phú.

Phía Tây làm đường Briere d'Isle, tên một tướng lĩnh ở Đông dương của Pháp, nay là Hùng Vương.

Tại vị trí cửa Chính Tây, làm một quảng trường hình tròn. Từ đây làm một con đường cắt chéo ra phía Cửa Nam, lấy tên của giám mục Puginier đặt cho. Con đường này cắt qua khu Võ Miếu và đan Sơn Xuyên xưa, lại lấp đi cả hồ Voi nữa. Năm 1945 đường này đổi là Dân chủ Cộng hoà, sau năm 1954 lại đổi là Điện Biên Phủ.

37266715.jpg
 
Last edited:
Lúc đầu, người Pháp định biến toàn bộ khu vực thành khu phố mới, và định phá bỏ Cột Cờ.

Tuy nhiên, nhận thấy Cột Cờ là điểm cao nhất thành phố, từ đây có thể quan sát rộng, đồng thời khi có lễ hội, sự kiện tại khu đất phía sau (sân vận động Cột cờ) thì từ đây làm đài quan sát tốt, nên họ để lại. Đồng thời cột này còn trở thành cột thông tin liên lạc của quân đội Pháp.

Ảnh chụp đường Puginier (Điện Biên Phủ) bên trái, và đường đi vào trại lính Pháp bên phải (nay là Nguyễn Tri Phương). Cột Cờ nằm sát đường, sát mép phải ảnh còn thấy Đoan Môn xa xa.

37235274.jpg
 
Last edited:
Từ đỉnh Cột Cờ, có thể thấy rõ ba con đường mới được xây dựng.

Con đường đôi là đường Victor Hugo (Hoàng Diệu). Đường Puginier chạy thẳng đến toà cổng ở tận đằng xa, mà về sau, năm 1945 sẽ là lễ đài cho lễ Tuyên ngôn Độc lập. Đường Giovannimelli (Lê Hồng Phong) chạy sang góc trái của ảnh.

Một số toà nhà được xây dựng theo các trục đường mới. Ở đây phần lớn là nhà tư nhân, không phải các toà công sở. Tuy nhiên, đến nay, các toà biệt thự lại trở thành nhà công.

37284558.jpg

Cùng góc chụp, ngày nay các tán cây đã che hết tầm nhìn

37284570.jpg
 
Last edited:
Mười năm sau khi phá thành mở đường, các toà nhà đã mọc lên kín những con đường mới. Hầu hết là các toà biệt thự của người Pháp và người Việt làm việc cho Pháp. Một phần của hồ Voi xưa kia vẫn còn lại, thành một đầm nước phía trước Cột Cờ.

37284550.jpg

Ngày nay, cái đầm nước trong góc ảnh là một phần của vườn hoa V.I.Lenin. Các khối nhà cao thấp lô nhô không có quy hoạch, khiến cho đường chân trời lổn nhổn và xấu xí.

37284552.jpg
 
Last edited:
Bách Thảo

Ngay từ trước khi phá thành Hà Nội, người Pháp đã lấy khoảng đất của vùng đất Hoàng Hoa để làm Bách Thảo. Sau khi quy hoạch khu đất phía Tây Hà Nội, thì Bách Thảo được mở rộng hơn nữa. Vườn Bách Thảo thời đầu còn bao gồm toàn bộ khu Phủ Chủ Tịch, rộng gấp đôi ngày nay.

Khu vườn này lấy núi Sưa làm cao điểm, các ao nước được đào sâu thêm, tạo thành nhiều hồ nước đẹp. Người Pháp rất có ý thức trong việc tạo ra một vườn cây dành cho nghỉ ngơi, đồng thời nghiên cứu. Họ đã đem về đây hàng trăm giống cây từ khắp nơi, kể cả từ châu Âu để trồng. Các cây được trồng khoa học, sao cho không lấn bóng nắng của nhau. Cho đến tận bây giờ, đây vẫn là vườn cây có giá trị về mặt chủng loại bậc nhất Việt Nam.

Những học sinh trung học thời Pháp, khi học giờ sinh vật sẽ vào trong vườn để đi thực nghiệm, cũng như đây là nơi nghiên cứu của các nhà thực vật học. Bên cạnh đó đây là nơi vui chơi thư giãn xanh tươi.


Sườn núi Sưa, nơi có ngôi đền nhỏ của đất Ngọc Hà xưa, sau này bên dưới người Pháp dựng thành một số dãy chuồng nuôi thú ở bên dưới.

37284428.jpg

Núi Sưa và ngôi đền bây giờ (ảnh sưu tầm)

37284442.jpg
 
Last edited:
Bách Thú

Trong khu vườn rộng xanh tươi, sau này người Pháp làm các chuồng nuôi thú, biến đây thành vườn Bách Thú. Vườn thú này còn lại đến năm 1954 mới dỡ bỏ, chuyển về Thủ Lệ.

37324678.jpg


37284441.jpg

Khi vua Thành Thái ra Hà Nội đến đây thăm, một nhà nho khuyết danh đã ngậm ngùi làm bài thơ mô tả khu vườn này, cũng là mô tả đất nước và con người Việt Nam khi đó:


Một đám cây xanh một dãy chuồng

Mỗi chuồng nhốt một thứ chim muông

Khù khì vua cọp no nằm ngủ

Nhớn nhác dân hươu đói chạy cuồng

Lũ khỉ được ăn bày lắm chuyện

Đàn chim chực miếng hót ra tuồng

Lại còn gấu dại vài ba chú

Hì hục tranh nhau một khúc xương.

 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,462
Bài viết
1,153,068
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top