What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Nhà máy rượu

Thương mại cho người Bản xứ thì người Pháp đã đặt ra một lĩnh vực thương mại đặc biệt để có thể vơ vét thật nhanh tiền bạc của người bản xứ: đó là độc quyền nấu rượu và bán rượu.

Dân ta cả ngàn năm đã nấu rượu và say sưa với rượu, nhưng năm 1897, Toàn quyền Đông dương ra lệnh Bắc kỳ và Trung kỳ người dân cấm nấu rượu. Tất cả rượu dân Việt được uống phải là do Pháp sản xuất và bán.

Và tại Hà Nội, nhà máy rượu quy mô ra đời, chính là tiền thân của Công ty Rượu bia Hà Nội bây giờ, cơ sở vẫn nằm ở Lò Đúc hiện nay.

Nhà máy rượu Hà Nội thời Pháp

37402320.jpg
 
Last edited:
Bác Chit, đọc bài nào của bác cũng hấp dẫn cả. Nhân tiện tôi hỏi cái, qua các bài bác viết về nhà thờ, tôi tưởng ở VN chỉ có 3 Nhà thờ được gọi là Vương Cung Thánh đường: Phú Nhai ở Nam Định; Phú Cam ở Huế và Đức Bà ở SGN. Nay lại có thêm nhà thờ Kẻ Sở hả bác, bên trong có đẹp bằng Phú Nhai không, có lẽ hôm nào tôi lại phải đi mới được. Tks bác.
 
3 Nhà thờ được gọi là Vương Cung Thánh đường: Phú Nhai ở Nam Định; Phú Cam ở Huế và Đức Bà ở SGN. Nay lại có thêm nhà thờ Kẻ Sở hả bác, bên trong có đẹp bằng Phú Nhai không, có lẽ hôm nào tôi lại phải đi mới được. Tks bác.

Trong topic về Thiên Chúa giáo (viết từ năm 2009), thì khi đó mới có 3 Vương cung thánh đường: Nhà thờ La Vang - Quảng Trị (1960), Nhà thờ Đức Bà - Sài Gòn (1962), Nhà thờ Phú Nhai - Nam Định (2009). Tuy nhiên, đầu năm 2010, nhân Năm thánh của Công giáo Việt Nam, mà nơi tổ chức chính là tại nhà thờ Kẻ Sở, thì nhà thờ này cũng đã được phong làm Vương cung Thánh đường. Trong topic "Trấn Sơn Nam - Nam định long rong" tôi cũng có ảnh chụp nhà thờ này rồi, bạn có thể xem trong topic đó.
 
Quần Ngựa

Năm 1898, toàn quyền Paul Doumer cho giải toả khu đất trường đua ngựa trước kia để làm khu Đấu Xảo (triển lãm).

Trường đua ngựa chuyển tít sang phía Tây, ra ngoài cả phạm vi thành phố khi đó, mà nay ta quen gọi là khu Quần Ngựa.

Trường đua ngựa thời Pháp, với khán đài dành cho người Pháp

37737147.jpg

Khu dành cho người Việt

37724537.jpg

Và nay thành khu thể thao Quần Ngựa
(Ảnh sưu tầm)

37724541.jpg
 
Last edited:
Toàn quyền Doumer

Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer sang Hà Nội. Thời kỳ viên Toàn quyền này cai trị, chính sách khai thác thuộc địa được mở rộng, tiến hành ráo riết, mạnh mẽ. Hệ thống đường sắt được xây dựng để vận chuyển khoáng sản, hàng hoá ra vùng bờ biển Hải Phòng, mang về nước Pháp, cũng như đi khắp các nơi. Hệ thống đường sắt đó cho đến nay chúng ta không làm thêm được kilomet nào, mà chỉ phá bớt đi thôi.

Tại Hà Nội, thủ phủ của Đông Dương, các công trình được xây dựng với quy mô lớn, thể hiện sức mạnh của nước Pháp, cũng như tạo điều kiện cho người Pháp sinh sống tại đây được tốt hơn. Khá nhiều toà nhà đẹp được bắt đầu xây dựng dưới thời Doumer, như phủ Toàn quyền Đông Dương, dinh Thống sứ Bắc kỳ, Nhà hát thành phố.

Công trình kiến thiết vĩ đại nhất cho Hà Nội trong thời kỳ Paul Doumer làm Toàn quyền, đó là cây cầu sắt bắc qua sông Hồng, khi hoàn thành mang tên Cầu Doumer, năm 1945 mới đổi tên là cầu Long Biên (Doumer sau này về Pháp và trở thành Tổng thống Pháp).

Từ thuở các vua định đô ở Thăng Long, để vượt qua sông Hồng, đã có những cây cầu phao, được làm bằng các bè tre nứa ghép lại. Vào mùa mưa lũ thì cầu phao không thể dùng được, phải qua sông bằng bè mảng, cũng nguy hiểm. Đến khi Doumer đưa vấn đề làm cầu bắc qua sông ra Hội đồng thành phố, có không ít ý kiến phản đối kịch liệt, vì cho rằng chỉ cần một cơn lũ là các trụ cầu sẽ bị cuốn trôi. Tuy nhiên, với tầm nhìn của mình, cùng với quyết tâm khai thác thuộc địa lâu dài và hiệu quả, cuối cùng chính sách làm cầu vượt sông đã được thông qua.
 
Cầu Doumer

Năm 1899, công trình xây cầu vượt sông Hồng được đấu thầu tại Pháp. Trong số các nhà thầu, có cả công ty Eiffel (của Eiffel, người thiết kế và thi công tháp Eiffel) cùng năm đó, công ty Eiffel đã thắng thầu thiết kế và xây cầu Trường Tiền tại Huế, tuy nhiên công ty này đã thua cuộc khi thiết kế cầu sông Hồng.

Người thắng thầu thiết kế và thi công là công ty Daydé & Pillé, (rất nhiều người nhầm chỗ này, kể cả wikipedia cũng sai, viết là Eiffel thiết kế).

Vào lúc bấy giờ, độ dài gần 2km của khúc sông Hồng là khoảng cách rất lớn, ở châu Á chưa có cây cầu nào vượt khoảng cách xa như vậy. Công ty Daydé & Pillé đã thiết kế các nhịp cầu bằng sắt, uốn lên xuống 8 lần. Các nhịp cầu trông xa như lớp sóng nước dập dềnh, lại cũng như lớp vây lưng của một con rồng khổng lồ bắc ngang sông. Các nhịp sắt vốn thẳng, nhưng được thiết kế tuyệt vời khiến tưởng như đó là những đường cong.

Cầu xây xong năm 1902, lúc đầu cây cầu dành cho tàu hoả, và xe cộ đi chung đường với tàu. Mãi sau này mới làm thêm hai đường ở hai bên. Hình ảnh của cây cầu này đã quá thân quen với người Hà Nội.

37737015.jpg

Cây cầu chụp năm 1955, từ phía Gia Lâm

37738307.jpg
 
Last edited:
Những đoạn bị bom Mỹ đánh sập có thể thấy xa xa (ảnh chụp năm 1985)

37737020.jpg


Đầu cầu ngày nay thật sặc sỡ

37737039.jpg

Còn khung sắt màu thời gian vẫn thế

37737029.jpg


Viết về cây cầu lịch sử này có lẽ cần cả một topic, nên tạm thế này thôi, rồi sẽ quay lại sau...
 
Last edited:
1900

Vào năm cuối cùng của thế kỷ 19, năm 1900, tại Hà Nội lần đầu xuất hiện TÀU ĐIỆN, một công trình giao thông công cộng mà tại Việt Nam chỉ Hà Nội có, một công trình mà nay đã không còn dấu vết, nhưng có lẽ là thứ để lại nhiều day dứt và nỗi nhớ sâu sắc nhất đối với những người Hà Nội.

Tàu điện, tiếng leng keng của tàu điện đã đi vào thẳm sâu của rất nhiều người, và dù những chuyến tàu cuối cùng đã dừng lại cách đây hai mươi năm, nhưng tiếng chuông đó dường như vẫn còn lại trong tâm khảm những thế hệ đã qua tuổi thanh niên.

Tàu điện, một điều gì đó vừa tiếc nuối, vừa có chút xót xa. Nói đến tàu điện, là nói đến hoài niệm quá khứ...

Năm 1900, tuyến đường tàu điện đầu tiên được lắp, chạy từ Bờ Hồ chỗ phía Bắc bây giờ, chạy theo Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, qua trước chợ Đồng Xuân, qua Hàng Giấy, Quán Thánh đến Thuỵ Khuê, là nơi có nhà máy đóng và sửa chữa toa tàu. Đến năm 1907 tuyến này được kéo dài đến Bưởi.

Năm 1901, mở tuyến Bờ Hồ theo Tràng Thi đến Cửa Nam, vòng cạnh Văn Miếu rồi theo Hàng Bột xuống đến ấp Thái Hà; đến năm 1915 tuyến này được kéo dài đến Hà Đông. Năm 1906, lắp tuyến từ Bờ Hồ theo đường Hàng Bài, Phố Huế, Bạch Mai đến chợ Mơ; và tuyến Bờ Hồ - Cầu Giấy. Năm 1929 lắp tuyến từ Yên Phụ đến ngã tư Kim Liên...

Cuối năm 1991, tiếng leng keng cuối cùng đã tắt. Nhiều năm sau vẫn còn dấu của những tuyến đường ray, nhưng giờ đây thì không còn thấy được nữa....

Cũng như cây cầu Long Biên, viết về tàu điện là cả một trang sử dài của Hà Nội thăng trầm.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,556
Bài viết
1,153,651
Members
190,121
Latest member
thetkevanphong
Back
Top