Nhỡ chuyến xe bus đầu tiên ra cảng Sa Kỳ, kể được thì cũng khá hài hước khi 17 con người hung hục leo lên được chiếc xe bus kiểu county 29 chỗ của Mai Linh theo đơn đặt hàng trước, bus đến tận cổng đón
Ruốt cuộc là em xe bus ấy cũng đã lướt đi không một lời chào. Điện thoại chán chê, điều đình chán chê, chúng tôi được một em cá mập 16 chỗ đến đón. Gọi điện cho BQL cảng Sa Kỳ báo đoàn sẽ đi chuyến sau, tiếng cười tiếng nói lại rôm rả. Lý Sơn, chỉ cách 12km và hơn 1 tiếng đồng hồ đi tàu cao tốc nữa thôi. Càng gần cảng, mùi của biển càng nồng nàn. Mùi của biển cơ mà. Cảng Sa Kỳ có chút gì đó nhộn nhạo, hàng quán dựng tạm bợ phía ngoài khu BQL cảng, quầy bán vé. Việc mua vé diễn ra đơn giản và khá thuận lợi vì tôi đã chủ động đặt và gửi danh sách trước cho BQL, khỏi chứng minh thư, khỏi xếp hàng, ưu tiên. Thế mới nói, việc gì chuẩn bị và có kế hoạch trước cũng có điểm lợi của nó. Dân tình khoa nhau, không mua được vé à? Đừng lo, cứ lên tàu và làm luật. Thành thật mà nói, mua vé cho đúng tinh thần công dân, còn sau đó một nửa trong số chúng tôi đều bỏ ghế leo lên phía boong ngồi. Gió, sóng, tiếng chuyện trò rôm rả của bà con hòa với tiếng nhạc. Cảm giác hoàn toàn thư thái, hoàn toàn thư thái.
Cảng Sa Kỳ
Cảng đảo Lớn: Nắng, nóng, mùi biển, nhộn nhạo là cảm giác đầu tiên khi tôi đặt chân lên đảo lớn. Người, người, xe, hàng, nắng, mùi của biển. Qua tìm hiểu thông tin nhiều nhóm đi trước, chúng tôi cũng liên hệ với gia đình chú Tròn để thuê thuyền và ngủ bên đảo Bé. Đón chúng tôi hôm đó là chàng trai đôi mươi, con trai lớn của chú với nụ cười rạng rỡ và nước da của biển: Cu Lợi. Khác với tưởng tượng của tôi, ở đảo lớn nhà cửa gần khu cảng san sát nhau, đông đúc chứ không giống như Cô Tô. Con đường nhỏ lát bê tong ngoằn nghèo, cũng ổ trâu ổ gà, len lỏi lối nhỏ, ngõ nhỏ, chúng tôi cũng tới được nhà Lợi.
Ngôi nhà xây, nhỏ xíu nằm gọn một góc. Cậu chàng dẫn chúng tôi đi một vòng khám phá những điểm có thể đi bộ, vẫn những con đường nhỏ với những nếp nhà đổ mái bằng hoặc lợp ngói xinh xắn, ngoằn nghèo dẫn ra biển.
Nắng chói chang, Cổng tò vò nằm ngay phía dưới được điểm bằng những chiếc thuyền thúng màu sắc, xen lẫn với mầu tím, màu xanh của muống biển. Nước trong veo, một dải đá thủng một lỗ to tạo thành hình 1 chiếc cổng lớn, cổng ra biển, cổng tò vò. .
Những con thuyền chơ vơ - Cảng đảo lớn
Có lẽ sẽ rất tuyệt vời nếu vào một buổi chiều đẹp trời, khi hoàng hôn buông mình trên biển, ngồi trên vòm chiếc cổng ấy mà ngắm nhìn trời đất
Lối lên chùa Đục và Quan Âm đài là con đường nhỏ đầy cát, vài luống hành, luống tỏi, vài bụi dứa dại và những hàng mộ nằm im lìm. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng lừng lững tựa lưng vào núi hướng về biển như che chở cho những con người nơi đây.
Hai cụ già trông coi chăm sóc ngôi chùa phía trên đều đã ngoài 60, nụ cười hồn hậu mời chúng tôi thứ nước uống mát lành có vị ngọt thanh mà bất chợt tôi không thể nhớ tên.
Vì tới Lý Sơn vào tháng 7, nên chúng tôi cũng không có cơ hội tận mắt nhìn thấy những cánh đồng tỏi trải dài xanh mướt như nhiều bạn đã mô tả. Chúng tôi cũng không có cơ hội nếm thứ món gỏi tỏi Lý Sơn trứ danh hay Cua Huỳnh Đế nổi tiếng. Nhưng mọi thứ thuộc về nơi đây, từ con người, cảnh vật, biển, trời cũng mang lại cảm giác hạnh phúc đủ đầy.
Rác, rác ngập tràn dọc bờ kè. Đủ các thể loại, từ túi bóng, lon bia, vỏ chai nước ngọt, quần áo bỏ, rác sinh hoạt. Xử lý rác làm sao là cả một bài toán khó tìm lời giải của chính quyền cũng như người dân địa phương ở đây. Cu Lợi nói, ngày trước chính quyền và người dân cũng đã hợp sức đào những hố lớn để tiêu hủy rác, nhưng lượng giác quá nhiều, chôn mãi, đất thì ít, rác thì ngày một nhiều cùng với sự gia tăng dân số trên đảo. Khu vực lân cận hố chôn rác bốc mùi ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư quanh khu vực này. Vậy là cuối cùng đâu lại đóng đấy. Xây nhà máy xử lý và phân loại rác thải lại quá tốn kém? Mùa mưa bão, biển lại mang theo tất cả rác về dưới đáy đại dương. Đảo lại sạch sẽ nhưng chưa từng ngập ngụa trong rác. Lặp đi lặp lại, từ mùa này sang mùa khác, từ đời này sang đời khác. Vì vậy rác cứ mặc nhiên như một “đảo nạn” theo mùa, và người dân đã quá quen thuộc? Tôi đã đọc ở đâu đó, biển mang toàn bộ những thứ rác thải không phân hủy được phải mất hàng trăm thậm chí hàng nghìn năm chúng mới bị phân hủy. Không đao to búa lớn, nhưng tôi trộm nghĩ, đến đời nào con cháu mình sẽ là một đại dương ngập rác? Chắc cũng phải rất rất rất rất lâu nữa, phải đến thời con cháu của con cháu của con cháu, con cháu… chắt chit chúng ta mất. Cũng không biết nhiều năm sau nữa, vào một ngày đẹp trời, khi những khu resort 4, 5 sao xuất hiện trên hòn đảo này, thì rác có còn là “đảo nạn” hay không?. Cứ hy vọng đi, hy vọng, nếu không thì có lẽ “Nhân quả thường đến muộn”.
Điện, là thứ xa xỉ. Dù đã có điện lưới nhưng điện Lý Sơn được phát theo giờ, những gia đình có điểu kiện thì chạy bằng máy nổ, bằng ác quy. Khách sạn Lý Sơn chúng tôi ở đêm hôm sau là khách sạn “to đẹp” nhất đảo. Điện được phát từ 12h đến 14h và từ 18h đến 06h sáng hôm sau. Người ta nhắc đến nhiều về những nỗ lực của ngành điện đối với hòn đảo này. Đảo Lớn đã vậy, tối hôm đó, chúng tôi ngủ ngoài bãi biển ở Đảo bé. Lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, ánh sáng văn minh - điện như không hề tồn tại. Nhưng cứ thử xem, hẳn là một cảm giác - một lần nữa, nên dùng từ tuyệt vời.
Đường, các con đường lớn, đường chính, lối dẫn đến đập nước trên đỉnh Thới Lới, Hang Cau, Hải Đăng, Giếng nước, Nhà tưởng niệm các chiến sỹ Hoàng Sa…đều được đổ bê tông hoặc trải nhựa. Sóng ì oạp vỗ về những con đường ven biển. Mấy cây Phượng nở hoa rực rỡ nằm gọn gàng bên ngôi trường cấp 3 khang trang.